Saturday, November 17, 2018

Trần Đức Trực nói sai 2


Tôi Làm Báo Người Việt 11- 03

Trần Đức Trực nói sai

Đây là bài 3 trong đợt bài viết về nhân vật Trần Đức Trực và những bài viết của ông ta phổ biến trên mạng và báo Người Việt trong hai tháng 4 và 5, 2008. Các bài trong phần này chỉ có một sợi chỉ nối kết đó là cùng dựa trên mấy bài viết của ông Trực. Quí vị có thể đọc các bài độc lập. Thuy nhiên, nếu đọc theo thứ tự thì vẫn hay hơn. Đặc biệt xin đọc đoạn viết “về ông Trần Đức Trực” trước tiên. Quí vị cũng nên đọc các bài viết của ông Trực mà chúng tôi có sưu tập từ trên mạng, và để trong phần tài liệu phụ đính
Trước hết xin quí vị đọc vài đoạn trích từ bài “Biểu tình chống báo Người Việt và vấn đề chống Cộng” của ông Trần Đức Trực.  .
Trích ngay từ phần đầu bài viết nêu trên của ông Trực: “Cái khó khăn của sự đối thoại và vô tư công bằng là khi người ta đã có định kiến hoặc chấp nhận các thông tin sai lạc, do chủ tâm hay cố ý với dụng ý nào đó, sự đối thoại không còn nữa. Nó trở thành sự chửi bới, mạt sát nhiều khi với những lời nói hay từ ngữ khó nghe.”
“… Đồng thời với sự tiếp xúc, công ty báo Người Việt đã sa thải chủ bút Vũ Ánh, tổng thư ký tòa soạn Vũ Qúy Hạo Nhiên, là bộ ba đã gây ra cho tờ báo và công ty Người Việt rất nhiều tai vạ trong mấy năm qua.”
Bây giờ tôi xin “đối thoại … (mà không) chửi bới, mạt sát…”
1- Điểm 1- Ông Trần Đức Trực nói rằng “Cái khó khăn của sự đối thoại …  thông tin sai lạc”. Quả thực toàn bộ bài viết của ông Trực (và cả bài viết sau, phổ biến hồi Tháng 5, 2008) là một thí dụ về sự khó khăn này vì chính ông đã ĐƯA RA MỘT SỐ (còn hơn cả “chấp nhận”) thông tin sai lạc. Dưới đây là vài thí dụ:
(a) - Ông Trực nói rằng tôi (ông Trực dùng chữ bộ ba, nhưng xin tha 2 ông kia như trong bài 2 tôi đã đề cập) “đã gây ra cho tờ báo và công ty Người Việt rất nhiều tai vạ trong mấy năm qua.” Từ 2002 đến 2007 là 6 năm (ông Trực tha cho 1 năm, chỉ nói 5 năm) tôi có vai trò tích cực hơn giai đoạn trước trong công ty và tờ báo Người Việt, trong đó có 2 năm giữ trách nhiệm CEO và Chủ Nhiệm. Trong 6 năm đó có 3 vụ biểu tình tại khu vực trụ sở báo Người Việt (cuối đường Moran): Vụ biểu tình chống VNCR xúc phạm danh dự ông Nguyễn Hữu Luyện và cộng đồng, vụ 4 câu sấm thơ của ông Nhân Quang, vụ Chậu Rửa Chân của cô Huỳnh Thuỷ Châu.
Vụ ông Nguyễn Hữu Luyện có nguyên do từ bên đài phát thanh VNCR, không do từ NV. tuy cuối cùng tôi đứng ra giải quyết. Chỉ còn 2 vụ sau. Con số 2 dĩ nhiên là số nhiều rồi, nhưng không đến nỗi “rất nhiều” như ông Trực viết và cho độc giả cảm tưởng như vậy. Đó là nói về lý luận, chứ thực sự con số nào chăng nữa, 2 hay 3 hay 4 cũng không quan trọng, mà chính hậu quả sau đó của một vụ, hai vụ mới là quan trọng. Trước khi xem xét hậu quả 3 vụ trên, tôi xin nhắc lại phần lịch sử trước “6 năm đó” mà ông Trực, không biết có phải “do chủ tâm hay cố ý với dụng ý nào đó”, đã quên đi mà chỉ nhắc đến thời gian “5 năm qua”.
Từ 2001 trở về trước, tôi nghe nói (xẩy ra trước khi tôi qua Mỹ) NV cũng đã bị biểu tình nhiều lần, có cả đốt xe, có cả bị hành hung tại toà soạn. NV đã nhiều lần xin lỗi Đồng Hương. Tôi cũng chứng kiến vụ NV gặp phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng và giới thân chủ quảng cáo (như phòng mạch bác sĩ chẳng hạn) khiến Chủ Bút Đỗ Ngọc Yến phải từ chức (1993). Rồi còn nhiều vụ phản ứng ngầm khiến chính tôi đã phải đi rửa mặt tiền toà báo bị bôi, chét các chất phóng uế ít nhất 3 lần trong giai đoạn đó. Ông Trần Đức Trực không nhắc đến mấy vụ trước 2001, chỉ nói giai đoạn 5 năm (2003 – 2007) để kết tội tôi lộng quyền gây khốn đốn cho tờ báo. Chuyện xẩy ra trong mấy năm đó, tôi giải quyết được êm thắm. Sau khi tôi đi, năm 2008,  NV tốn kém biết bao nhiêu tiền theo đuổi các vụ kiện, và quan trọng hơn cả, mất hết uy tín chính trị, văn hoá trong cộng đồng.
(b) – Hậu quả 2 vụ VNCR và Nhân Quang: Tờ báo có khốn đốn không?
Xin trả lời: Không! Toàn bộ anh chị em nhân viên Người Việt đã làm được nhiều điều tốt đẹp trong 6 năm đó:
Về uy tín, 6 năm đó là giai đoạn uy tín NV lên cao nhất về các mặt: Nghề nghiệp, Văn hoá, Chính trị, Xã hội. Tôi tin rằng nhiều nhà hoạt động văn hoá còn ghi nhận điều đó. Tôi tin rằng độc giả, đồng hương còn nhớ điều đó. Có lúc tờ báo lên đến 96 trang, cầm mỏi tay. Trong 6 năm đó, NV có một phòng sinh hoạt khang trang, khá đủ tiện nghi, có đủ máy móc để tổ chức “thông dịch đồng thời” khi trong sinh hoạt cùng lúc có khách nói tiếng Việt và khách không nói tiếng Việt. Đồng hương, các tổ chức trong cộng đồng, cơ quan bạn có thể xử dụng phòng sinh hoạt này với chi phí rẻ (tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng.) NV có phòng ốc để cho các cơ sở truyền thông bạn thuê dài hạn làm trụ sở với giá hữu nghị. NV đáp ứng kịp thời nhu cầu tin tức nóng hổi khi xẩy ra các biến cố động đất, “ngày 9 – 11,” chiến tranh, … (Vụ 9 -11 xẩy ra trong tháng 9, 2001, tôi cũng liệt kê vì từ Tháng 8, 2001 tôi bắt đầu đảm nhận CFO công ty. NV được sự ủng hộ nồng nhiệt của các vị thương gia để tổ chức cả tháng trời cho đồng hương coi world cup, với phần ăn uống miễn phí, các bản tin buổi trưa miễn phí. NV đạt được niềm tin của đồng hương, khi có các thắc mắc, tìm kiếm trong đời sống thường nhật, đồng hương hay gọi đến NV để hỏi (tôi dự trù năm 2008 sẽ đề nghị HĐQT cho mở dịch vụ trả lời điện thoại miễn phí cho đồng hương.) NV tự nguyện đóng góp vào các sinh hoạt văn hoá, xã hội của cộng đồng (với quan niệm cộng đồng nuôi sống NV, bổn phận hoàn trả cộng đồng của NV.) Tôi tin rằng nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ cộng đồng, nhà báo làm chứng điều này.  NV mở được nhiều khoá huấn luyện chuyên môn cho nhân viên. NV tham gia các tổ chức văn hoá, báo chí dòng chính, các tổ chức chuyên môn về kế toán, thương vụ; tham dự các khoá hội học, hội thảo của báo chí dòng chính. Lần đầu tiên NV nhờ cơ quan chuyên môn dòng chính kiểm định số lượng phát hành hằng ngày.
Về thương vụ, năm 2007 đạt mức doanh thu gấp hai rưỡi năm 2001. NV trước đây “đi ở thuê,” nay đã tạo mãi được một trụ sở với 17,000 sqf. Có lúc NV cũng mua thêm một building khác ở đường Olive, và gây dựng được một nhà in với máy móc trị giá 1 triệu rưỡi (nhưng tôi không được phân công quản trị nhà in này.) Chỉ từ 2002, nhân viên công ty được hưởng 401K, được đài thọ 80% chi phí bảo hiểm y tế, được nhiều phúc lợi xã hội kể cả đi nghỉ hè tập thể, … NV đạt tiêu chuẩn phúc lợi nhân viên như công ty Mỹ hạng trung bình. Trong 6 năm đó NV không bao giờ cạnh tranh bất chính, hèn hạ đối với các cơ sở truyền thông bạn: Không hạ giá quảng cáo để chèn ép báo bạn, NV xin tăng giá quảng cáo và rao vặt và được đồng hương chấp nhận, không phao tin đồn nói xấu cơ sở bạn; Trái lại còn sẵn lòng giúp đỡ kỹ thuật, nghề nghiệp. Điều này từ 2008 tôi không tin rằng còn được áp dụng, vì chính tôi là nạn nhân khi mở tờ báo Việt Herald. Xin ghi nhận tiến bộ duy nhất kể từ 2008 về sau là trang web NV đẹp, đầy đủ hơn 2007, năm NV bắt đầu để ý đến web trong báo chí.
Thưa quí vị, những dữ kiện thực tế và các con số bên trên nói nhiều hơn biện giải.
2- Điểm 2 – Phương cách giải quyết các rắc rối – Quan niệm đối phó cộng đồng – Vấn đề uy tín.
Trong 6 năm kể trên, xẩy ra 3 vụ rắc rối. Tôi tham gia giải quyết 2 vụ, vụ thứ 3 về “Cái Chậu Rửa Chân” tôi không có cơ hội giải quyết. Tôi còn lưu giữ vidéo hai buổi gặp gỡ Đoàn Đại Diện Biểu Tình.
(a)- Hai vụ đầu, đồng hương đã thông cảm sau khi tôi tham gia gặp gỡ quí vị đại diện đoàn biểu tình. Ngày 10 tháng 4, 2004, hai ông Hoàng Trọng Thuỵ và Nguỵ Vũ, trong một talk show trên đài VNCR, đã đề cập đến ông Nguyễn Hữu Luyện, vẫn được dư luận mệnh danh là “Người Tù Kiệt Xuất”. Đồng hương và Cựu Quân Nhân lập tức bày tỏ thái độ về nội dung mà đồng hương cho là nói xấu ông Luyện của Talk Show này. Sự việc dằng dai hơn hai tháng. Ngày 26 Tháng 6, trên 200 Đồng hương và Cựu Quân Nhân (con số của 2 tuần báo Trách Nhiệm và Việt Weekly) biểu tình trước VNCR (nằm trong khuôn viên building NV.) Suốt 2 giờ đồng hồ, từ 10 giờ sáng, ông Hoàng Ngọc Tuệ, TGĐ VNCR cùng ông Phạm Phú Minh đã ra ngoài tiếp xúc đoàn biểu tình. Lúc đó, ông Đỗ Ngọc Yến, TGĐ Công ty NV, ngồi phía sau trụ sở NV, dưới mái conex chứa báo. 12 giờ trưa, tôi xin ý kiến ông Yến xem NV có can thiệp vào việc quản trị điều hành của VNCR hay không, để góp phần giải quyết vụ này. Ông Yến trầm ngâm hơn 10 phút, sau đó nói nhỏ: “Bí xem cái gì cần làm thì làm.” Được phép, tôi (lúc đó là CFO của NV,) đề nghị ông Tuệ mời Đại Diện đoàn biểu tình vào trong phòng hội NV để gặp gỡ Ban Điều Hành NV và VNCR. Tôi ghi nhận công lao của anh Nguyễn Ngọc Chấn, nhân viên VNCR và cộng tác viên với NV, đã đóng góp trong việc mời quí vị Đại Diện vào phòng hội. Sau hơn 1 giờ thảo luận, tôi đạt được sự ưng thuận của quí vị Đại Diện, và đoàn biểu tình giải tán. Nội dung sự ưng thuận gồm một số điểm bao hàm việc VNCR công bố chính thức lời xin lỗi ông Nguyễn Hữu Luyện và Đồng Hương cùng các Cựu Quân Nhân. Bản văn xin lỗi này cũng đăng tải trên báo NV.
Vụ 4 câu sấm thơ của ông Nhân Quang trên Báo Xuân NV xẩy ra vào tết 2006. Lúc đó ông Vũ Ánh là Chủ Bút, và phụ trách báo xuân. Trong phiên họp HĐQT Công ty NV sau đó, tôi nhận trách nhiệm. Trong Đại hội Cổ đông NV 2006, tôi cũng công khai nhận trách nhiệm. Lúc đó tôi là Phó TGĐ Điều Hành, ông Phan Huy Đạt là Chủ Tịch HĐQT kiêm TGĐ. Cũng nhờ anh Nguyễn Ngọc Chấn mà quí vị Đại Diện đoàn biểu tình đã đáp lời mời của NV, vào gặp gỡ ban Điều Hành NV. Mặc dù cuộc biểu tình đã được loan báo từ mấy ngày trước, nhưng lúc đó chỉ có tôi là cấp chỉ huy cao nhất có mặt tại NV, nên tôi mời anh Phạm Phú Minh cùng tham dự cuộc gặp gỡ. Sau hơn một giờ nói chuyện trong không khí hiểu biết và thân tình, tôi cùng quí vị Đại Diện ra thưa chuyện cùng đoàn biểu tình. Đồng hương thông cảm và giải tán. Tôi ghi nhận ở đây thiện chí nâng đỡ cơ quan truyền thông đứng đắn của quí vị Đại Diện. (Tôi hiện còn giữ video clip về buổi gặp gỡ trên.)
(b)- Đây chỉ là những tai nạn nghề nghiệp của VNCR và NV. Các cơ quan truyền thông dù Mỹ hay Việt vẫn thường gặp như vậy. Vấn đề là cách giải quyết, thiện chí ghi nhận điều sai, thiện chí giải quyết. Quan trọng nhất là “Quan Niệm Đứng Đắn của Toà Báo” về quí Đồng Hương đi biểu tình.
Thứ nhất, tôi tin rằng không ai rỗi hơi mà đi biểu tình, không ai vô cớ kiếm chuyện với một tờ báo vốn được tin cậy và ưa thích. Đó là những đóng góp ý kiến trực tiếp của Đồng Hương, Độc Giả đối với tờ báo. Dù chỉ có một, hai, ba hay hàng trăm, hàng ngàn Đồng Hương bày tỏ ý kiến bằng cách biểu tình, thì toà báo vẫn phải trân trọng như nhau. Không thể nói chỉ có một, hai người biểu tình để nói là vô giá trị, coi là kẻ đối đầu, nặng hơn, coi là kẻ thù để đi kiện tụng.
Thứ hai, Công ty NV cố hành xử như một công ty thương mại dòng chính. Nhưng tôi quan niệm rằng Công ty NV vẫn là một cơ sở mang nặng chất văn hoá Việt Nam – NV chuyên chở những nét đẹp của văn hoá Việt Nam từ quê hương qua mảnh đất mới này, và quyết bảo tồn, phát triển nét đẹp đó, quyết làm sao dung hoá được bản sắc Việt với văn hoá và sinh hoạt bản xứ. Dù đã hiện diện trên đất Mỹ 30 năm qua, Đồng hương Việt Nam vẫn chưa hẳn là đã Mỹ hoá hoàn toàn. Ý niệm về quyền bày tỏ ý kiến qua biểu tình của tập quán và luật lệ Mỹ chưa hẳn đã được Đồng Hương thấu hiểu. Ở Mỹ, khi biểu tình người ta phải tôn trọng nhiều thứ lắm, liên hệ đến trật tự công cộng, đến quyền sở hữu tư sản đất đai, quyền bày tỏ theo Đệ nhất Tu Chính Án, … Thói quen phản đối từ Viêt Nam được Đồng Hương vận dụng ở đây phải được thông cảm. Nếu đó có là thói quen xấu chăng nữa thì trách nhiệm của tờ báo cũng như của những bậc thức giả, các cơ quan truyền thông, là trình bày về những phương thức hợp pháp, cần tôn trọng khi tiến hành biểu tình. Thói quen, tập quán cần thời gian điều chỉnh khi cộng đồng sang sinh sống trên vùng đất mới. Tờ báo có trách nhiệm đóng góp cho sự điều chỉnh đó.
Nhưng trách nhiệm điều chỉnh này không thể bằng cách khởi sự các vụ kiện. Cổ nhân đã nói: “Vô phúc đáo tụng đình.” Với mức tương đối thân cận, tôi tin vị Chủ Nhiệm quá cố Đỗ Ngọc Yến cũng chia xẻ quan niệm này. NV đã gặp nhiều vụ kiện nhưng chưa bao giờ ở vị trí nguyên đơn. Các vụ kiện đều được giải quyết với thiện chí hoà giải. Riêng một vụ (đánh tiếng sẽ kiện NV) đã làm tiêu tan thoả thuận mua bán với nhật báo Register (tôi sẽ tường thuật trong loạt bài “Tôi làm báo NV.”)
Thứ ba, Đồng Hương, Độc Giả, dù một, hai hay hàng ngàn người, vẫn là đối tượng phục vụ của tờ báo, không thể là đối tượng đương đầu của tờ báo. Tờ báo có thể phải đương đầu với những vấn nạn này, vấn nạn kia, nhưng không bao giờ đương đầu với con người. Cho nên nhìn các vị đi biểu tình như những kẻ thù, bêu riếu họ trên mặt báo hay trên phương tiện truyền thông khác, với cái cách xỏ xiên hạ cấp, không thể là phương cách văn minh, cũng không thể là truyền thống của Nhật báo NV. Một tờ báo bạn đưa ra luận điệu ca tụng ông Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng đó là hành động khiêu khích cộng đồng, xúc phạm nặng nề tình cảm những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản; xúc phạm những người, những gia đình có người thân hy sinh, đã đổ máu bảo vệ VNCH; xúc phạm những người tìm sự sống trong cái chết trên đường vượt biên. Tôi đã cho đăng tải những thông tin liên quan vụ biểu tình tờ báo đó. Nhưng tôi vẫn cho một nhân viên phát hành giúp tờ báo đó trong giai đoạn đầu. Phạm Duy có lý khi hát  rằng “Kẻ thù ta đâu có phải là người.” Cần nhất là tìm cách đóng góp ý kiến điều chỉnh với mọi người trong cộng đồng chúng ta. Thành công hay không, tuỳ khả năng thuyết phục, và tuỳ nhiều phía. Không vì thế phải lôi nhau ra pháp đình.
(c)- Trong 5 năm ông Trực đề cập trong bài viết, Đồng Hương đã 2 lần biểu tình bầy tỏ trực tiếp ý kiến và thái độ đối với NV, và sau đó thông cảm. Do đó, uy tín tờ báo không bị sa sút, ngược lại tăng lên. Thương vụ cũng vậy. Ở đoạn (8), ông Trực viết: “Cái đáng trách của HĐQT công ty Người Việt là để cho tổng giám đốc quá nhiều quyền hành. Khi ông này làm các điều sai trái (cam kết với người biểu tình phản đối là thôi không cộng tác với ông Nhân Quang nữa, thì vài tháng sau khi vụ biểu tình êm hẳn, lại thấy bài tử vi hàng tuần của ông này tái tục trên tờ báo). Sự cố ý này, không phải là chủ trương của HĐQT, theo tôi biết mà do sự ngang ngạnh khinh dể dư luận của ông nguyên TGĐ kiêm chủ nhiệm.”
Điều đầu tiên ghi nhận từ câu trên là ông Trực “trách” HĐQT chứ không CHÊ. Tôi không nghĩ rằng một người bên ngoài một gia đình, một tổ chức, lại làm cái việc “trách” phần tử nào đó trong gia đình, trong tập thể về cách đối xử với nhau trong gia đình, tập thể đó. Trong nội bộ, họ có thể “trách” nhau, trừng phạt nhau. Người ngoài chỉ nên CHÊ họ đã vụng về, đã bao che, đã gì gì đó về những sai trái của một bộ phận trong tập thể họ. Người ngoài cũng có thể đề nghị cách giải quyết nếu tự tin rằng hiểu hết nội tình. Ông Trực dám “trách” cả HĐQT, rõ ràng ông Trực không những chỉ là người trong, mà còn thuộc hàng “Trưởng Bối.”
Bây giờ trở lại nội dung câu trích dẫn trên. Ông Trực chỉ trích về việc mục tử vi hàng tuần của ông Nhân Quang lại xuất hiện trên NV. Một điểm cần nêu ra ngay là những chữ “chỉ vài tháng sau” trong câu dẫn thượng, là nói sai.  Bài sấm thơ của ông Nhân Quang xuất hiện trên báo xuân NV đầu năm 2006. báo xuân NV đầu năm 2007 đăng phần tử vi của ông Thiên Cơ Phạm Đình Mai. Đến khoảng tháng 8 năm 2007 mới đăng lại mục tử vi hàng tuần của ông Nhân Quang, tức là hơn 20 tháng. Tuy nhiên chuyện đáng nói ở đây không phải là thời gian lâu, mau. Điều quan trọng là sự vi phạm cam kết. Nếu được xem kỹ vidéo clip (tôi hiện còn lưu giữ) về buổi gặp gỡ giữa phái đoàn Đại Diện đoàn biểu tình và NV, quí vị sẽ thấy cả hai bên đã đề cập đến việc thu hồi Lịch Sách Tử Vi (của ông Nhân Quang do NV xuất bản) và Báo Xuân. Quí vị cũng thấy rõ tôi trình bày ý kiến về hai yêu cầu trên của phái đoàn Đại Diện. Giải pháp thoả đáng được phái đoàn chấp thuận là NV cho dán giấy che kín bài sấm thơ trên những số báo xuân còn trong kho và còn bày tại các nơi bán. Ngày hôm sau, trong bản văn thưa cùng Đồng hương đăng trên báo NV, chúng tôi thông báo về những biện pháp chỉnh đốn của toà báo, trong đó có việc ngưng chức Phụ tá CB của ông Vũ Ánh, ngưng đăng các mục tử vi hàng tuần của ông Nhân Quang, … Những biện pháp này không phải do yêu cầu từ phía phái đoàn Đại Diện. Bây giờ tôi vẫn phải cảm tạ sự hiểu biết và cảm thông của quí vị Đại Diện đã không đưa ra những đòi hỏi khắt khe. Đó cũng là lý do NV phải tôn trọng Đồng Hương, tôn trọng những người biểu tình, vì không ai muốn làm khó dễ ai cả. Một vị trong phái đoàn Đại Diện đã nói về truyền thống đoàn kết trong cộng đồng trong buỏi thảo luận, quả thực quí vị đã thể hiện điều đó.
Thực sự toà báo có những biện pháp gì đối với ông Nhân Quang? Tôi đã gặp ông Nhân Quang, giải thích về nhưng biện pháp tôi đưa ra. Đối với quí vị cộng tác, dù bất cứ là ai, tôi nghĩ vẫn cần nói chuyện đàng hoàng khi có thay đổi “hợp đồng cộng tác.” Tôi thông báo ngưng đăng loạt bài tử vi hằng tuần của ông trên báo NV. Tôi thông báo ngưng phát hành Lịch Sách Tử Vi của ông dù cho quí vị Đại Diện đoàn biểu tình sau nghe tôi trình bày rằng 4 câu sấm thơ không hề in trong lịch sách, đã bỏ yêu cầu đó. Ông Nhân Quang đã bỏ bao công lao soạn thảo quyển lịch sách này. Ông cũng hy vọng mở rộng tiếng tăm, thêm nguồn lợi nhuận do tiền bán lịch sách. Phút chốc mất hết. Mất cả thù lao ít ỏi hàng tuần, quan trọng hơn cả là mất cơ hội phục vụ độc giả hàng tuần trên báo NV. Thưa quí vị, không ai tránh được chuyện lầm lẫn trong đời. Nhưng không phải vì thế mà các sự lầm lẫn không thể sửa đổi được. Tôi cho rằng sự lầm lẫn của ông Nhân Quang không đáng chịu trừng phạt suốt đời. Ông đã cộng tác với NV từ khi tôi chưa vào làm việc ở NV. Cho nên, tôi cho là 20 tháng, tức hơn một năm rưỡi đủ để ông Nhân Quang học được bài học, nhất là khi ông nói có báo ở đây mời nhưng ông không viết. Ông quí mến NV. Truyền thống người Việt mình khoan hoà, nhân ái, Đồng Hương có thể hiểu điều đó. Nhưng nếu Đồng hương nhất định bắt lỗi là vi phạm cam kết, tôi xin nhận lỗi. Ông Trực viết “theo tôi biết mà do sự ngang ngạnh khinh dể dư luận của ông nguyên TGĐ kiêm chủ nhiệm”. Ông ấy đã dám “trách” cả HĐQT Công ty NV, thì tôi cũng bỏ qua chuyện lộng ngôn của ông. Ông ấy viết: “Theo tôi biết” Không biết ông ấy biết ở cái khổ nào vậy, hay là biết vì tôi không chịu làm theo những ý kiến dớ dẩn của ông hay của người kể ông nghe nội tình NV. Khi tôi không làm theo những đề nghị (xin lỗi, tôi cố kìm hãm để chỉ dùng 3 chữ không thông minh) của ông, ông cho là tôi khinh dễ dư luận. Chính quí ông ấy đã khinh dễ dư luận khi đăng tải những bài báo hàm hồ chỉ trích người khác, và tiến hành các vụ kiện trong vụ Huỳnh Thuỷ Châu và Cái Chậu Rửa Chân. Trong một đoạn khác (xin tham khảo nguyên văn 2 bài ông Trực viết tôi có sưu tập và post trong phần tài liệu), có chỗ ông Trực viết: “Người ta còn tung ra một danh sách nay đã lên hơn 180 cá nhân và đảng phái, hội đòan ký tên vào đó kết tội báo Người Việt …”, và “Nhiều hội đòan ở xa cũng có tên trên danh sách mà nhóm ông Ngô Kỷ công bố đã không biết sự thật, vì chỉ nghe theo những gì ông nói. Một số người trong tờ báo gọi được cho họ thì được biết như vậy.” Rõ ràng ông Trực đã coi các vị phản đối  nhân danh hội đoàn hay cá nhân là con nít, chỉ nghe theo ông Ngô Kỷ rồi cứ thế mà ký. Thưa ông Trực, như vậy là khinh dễ Đồng Hương, ông ạ.
(d)- Vụ Huỳnh Thuỷ Châu:  Thứ Bảy, ngày 26 Tháng 1, 2008, trước khi đoàn biểu tình từ Garden Grove kéo đến đường Moran để tỏ thái độ với NV, một số vị uy tín trong cộng đồng đã gọi điện thoại báo cho tôi biết. Chuyện này nói lên điều gì? Đó là lòng tin cậy của các vị đối với tôi, tin rằng tôi là người có thiện chí lắng nghe và giải quyết ý kiến cộng đồng. Quí vị quí mến tôi vì thành tâm đối với quyền lợi chung của cộng đồng, đối với sinh hoạt chống cộng của cộng đồng. Những điều đó muốn có được phải trải qua kinh nghiệm thực tế mấy năm qua.
Tôi cảm ơn quí vị có lòng giúp đỡ. Sự giúp đỡ này đều vì lợi ích của cộng đồng. Một đoạn trên tôi đã viết: Không ai rỗi hơi đi biểu tình, … Tôi cảm ơn quí vị báo tin và thưa rằng tôi không còn ở vị trí giải quyết công việc toà báo. Tôi giới thiệu vị quyền TGĐ mới của NV là ông Phan Huy Đạt. Tôi đề nghị quí vị liên lạc ông Phan Huy Đạt, một người hoà nhã trong số anh em chúng tôi. Ông Đạt hoà nhã hơn tôi nhiều, tôi khá nóng nảy. Tôi tin rằng những anh em ở NV sẽ thông hiểu sự việc và giải quyết thoả đáng yêu cầu của cộng đồng. Ông Đỗ Ngọc Yến đã đi rồi, nhưng còn ông Đỗ Quý Toàn, ông Hoàng Ngọc Tuệ, ông Phạm Phú Minh, những người rất thân thiết với ông Yến suốt thời thanh niên, sinh viên; và còn ông Phan Huy Đạt, tuy nhỏ tuổi hơn mấy ông kia nhiều nhưng có vẻ được lòng ông Yến. Tôi không ngờ mọi sự trở nên tệ hại như vậy, đưa nhau ra trước toà án, yêu cầu cơ quan công lực can thiệp, đặt máy quay phim để rình rập đoàn biểu tình …
Quan điểm của tôi về vụ “Chậu Rửa Chân”: Tôi hoan hô thiện ý của cô Huỳnh Thuỷ Châu, con một cán bộ trong hàng ngũ người Cộng Sản, về làm dâu gia đình một vị cựu Sĩ quan Quân Lực VNCH, muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ Bà Mẹ Chồng qua bức vẽ cái chậu ngâm chân của ngành nails. Cô Châu muốn ca ngợi Bà Mẹ Chồng đã cực khổ làm lụng để nuôi đàn con và cả cô nữa ăn học. Có thể cô chưa thấy những Bà Mẹ độ lượng như vậy trong xã hội Cộng Sản. Đến đây, lời ngợi ca đẹp quá. Cô lại muốn biểu lộ lòng kính trọng đối với lá cờ mà từ thuở ra đời đến khi theo chồng qua Mỹ, cô chưa từng biết giá trị của nó. Bây giờ cô đã biết lá cờ đó thấm bao xương máu của những người bảo vệ tự do cho đất nước, no ấm cho đồng bào. Trước đây cô chỉ biết lá cờ đỏ sao vàng. Bây giờ, cô mong muốn được đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ đã có từ lâu trong lịch sử đất nước. Khốn thay, cô lại sai lầm trong cách bày tỏ lòng kính trọng khi vẽ lá cờ trong chậu ngâm chân.
Nhiều người bảo rằng bất cứ sự bày tỏ nào cũng là xử dụng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận vốn được Tu Chính Án Số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Họ quên một điều bất kỳ sự thụ hưởng quyền tự do nào cũng kèm theo trách nhiệm xã hội. Sự hưởng dụng tự do của một người không thể xâm phạm quyền tự do của người khác. Nhưng thực ra ở đây tôi không nghĩ cô Châu có lỗi gì với cộng đồng tỵ nạn. Cô tự do diễn đạt tư tưởng, cảm xúc, nhưng giá như bức vẽ đó chỉ bày trong khu riêng biệt của đời sống cô, trong gia đình cô. Cho nên phần lỗi chính là do nhật báo Người Việt đã phổ biến bức hoạ đó, đã trưng bày ra ngoài công chúng. Thiện ý của bức hoạ không làm phai mờ được cảm tưởng bị xúc phạm của Cộng Đồng Tỵ Nạn, của những người, những gia đình có thân nhân, đổ máu bảo vệ lá cờ đó, của những người và gia đình có thân nhân bỏ mình trên biển cả, đi tìm tự do mà lá cờ đó tượng trưng, của những người từng bảo vệ lá cờ đó nay vẫn còn đang bị kềm kẹp, đoạ đầy trong nhà tù và xã hội những người Cộng Sản.
Nhật báo NV đã xúc phạm tình cảm thiêng liêng đó của Đồng Hương. NV và ông Trần Đức Trực không thể đổ tội cho ông Bùi Bảo Trúc rằng ông ta đã khơi động lên sự xúc phạm này, nhất là với lối viết mở ngoặc đơn xỏ xiên (Trước khi sống bằng nghề viết báo, ông Trúc cũng từng là một nhà giáo). Ông Trúc là người thế nào, cũng như ông Yến, ông Toàn, ông Anh là người thế nào, nhiều người trong cộng đồng đã biết rồi, không cần câu chú thích kiểu đó. Ông Trực cũng kém thẳn thắn khi viết “Cuộc biểu tình, với vài chục người …” và ở vài đoạn sau đó nhắc lại “Dù số người biểu tình không nhiều …” Về sau, có thể số người ít đi, nhưng lúc đầu nói rằng chỉ vài chục người là không đứng đắn, cố làm nhẹ đi sự phản đối của Đồng Hương, đánh lừa người ở xa. NV đã không cho thấy có thiện chí giải quyết qua lối tường thuật đó. Cho nên, theo tôi, NV nên làm mấy chuyện này:
- Phải nhận lỗi lầm xúc phạm tình cảm thiêng liêng của Đồng Hương đối với lá cờ VNCH, lá cờ mà chính nhân viên NV từng chiến đấu bảo vệ. Nội dung căn bản là nhận biết lỗi lầm. Còn hình thức nhận biết, tại sao phải đôi co, tránh né. Ở phần tôi đánh số (1), dưới những đoạn tôi đã trích ở trên, ông Trực viết: “Nhưng cuộc biểu tình đã không ngừng lại từ sau cuộc tiếp xúc này. Ông Ngô Kỷ và mấy người đại diện còn đòi hỏi rằng phải tổ chức một buổi tiếp xúc kiểu khóang đại, ở một chỗ nào khác chứ không phải tại cơ sở báo Người Việt để những người cầm đầu tờ báo xin lỗi, cam kết với tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới, chứ không phải các ông.
“Một mặt, do sự khuyến cáo của luật sư đại diện trong vụ kiện, một mặt sợ rằng nếu tham dự như vậy, những người cầm đầu tờ báo sẽ vô tình lọt vào một cái bẫy, một cuộc đấu tố có chủ đích cao hơn là giải quyết chuyện tấm hình làm thương tổn biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ cao quí khi bị cho vào chỗ hạ tiện”. Đó là nguỵ biện. Nếu quả thực phía biểu tình có giăng bẫy gì chăng nữa thì Đồng hương, Độc Giả cũng thừa sáng suốt để đánh giá, nhận xét. Cứ lấy lòng thành đối đãi, Đồng Hương đâu có phải là con nít đâu mà không nhận biết phải quấy. Hơn nữa, trong khi thương thảo với Đồng Hương mà vẫn nhờ luật sư, thì còn gì là thiện chí, thành tâm nữa. Nếu viết theo kiểu ông Trực tôi sẽ thêm “Có phải vì trong Công ty Người Việt có đến 3 ông, bà luật sư chăng.”
- Sau khi được đồng hương thôn cảm về những lỗi lầm trên mặt báo, tổ chức cho cô Huỳnh Thuỷ Châu, mời song thân chồng cô, vốn là cựu sĩ quan và “vợ lính” VNCH cùng dự, để cô Châu trần tình, giải thích và bày tỏ lòng ngưỡng mộ lá cờ VNCH và Cộng Đồng Tỵ Nạn gồm nhiều Bà Mẹ đáng ngợi ca.  Đây là buổi lễ cho những người hồi chánh. Chúng ta chỉ tăng thêm người chứ không để mất đi người.
Tôi nghĩ rằng còn nhiều hành động nữa NV nên làm khi gặp quí vị Đồng Hương, nghe nhiều ý kiến, sẽ sáng ra con đường giải quyết. Tôi nhắc lại: Đồng hương là đối tượng để tờ báo phục vụ, không phải đối tượng để tờ báo đương đầu. Nếu quan niệm và hành xử như vậy, một hai người nào đó tính lợi dụng cơ hội để gây khó khăn cho tờ báo cũng sẽ bị lộ ra. Đồng Hương sẽ xử trí với họ.
Tôi không nghĩ những đề nghị trên là con đường duy nhất đứng đắn, đàng hoàng mà NV nên làm. Trí hạn hẹp của tôi nhất thời chỉ nghĩ ra được vậy. NV đông anh em, chắc chắn nghĩ ra nhiều điều hay hơn. Nhưng không ngờ, sự việc lại thành ra như thế. Tôi viết những đề nghị này vì tôi nghĩ đến phần trách nhiệm của tôi. Tôi là người chính phải chịu trách nhiệm về chuyện Hùynh Thuỷ Châu, vì tờ báo xuân đăng hình cái chậu rửa chân ra đời lúc tôi còn làm TGĐ và Chủ Nhiệm. Nhưng tôi không được góp phần giải quyết.

Tôi có "tự ý đục bỏ" một ít con số cụ thể.


No comments:

Post a Comment