tiệm cắt tóc

tiệm cắt tóc:

tin tức thật, giả hàng ngày; đúng, sai tùy người đối diện.


Hình Internet


Hồi nhỏ tôi rất sợ mấy ông cắt tóc như bây giờ sợ mấy ông, bà nha sĩ vậy. 
Lúc bé tí, Mẹ không có tiền nên giao tôi cho mấy vị cắt tóc lề đường, mấy vị cắt tóc dạo, vài hào (hay vài xu?) một cái đầu trẻ con. Mấy vị hung thần này hoặc coi thường thằng nhóc, hoặc đang mải tán (hồi đó ngoài Bắc gọi là "Lơn") mấy cô bán nước chè, kẹo vừng, chuối tiêu, chuối già ngồi gần đó, nên vừa cắt vừa mạnh tay dứt tóc. Có lẽ vì cái tông đơ quá cùn thì đúng hơn. Cái tông đơ của các vị hung thần vừa nhai mấy sợ tóc trẻ thơ, vừa nắm cả nắm tóc nhổ cho bõ ghét vì nghe Bà Mẹ già trả có mấy xu còn dặn đi dặn lại "ông cắt cho khéo nhé, cắt cao một tí cho cháu nó không bị tóc rủ vào mắt, ..."
Sau này thời buổi văn minh hơn một tí, hoặc tôi lớn hơn một tí, hoặc Mẹ có nhiều tiền hơn một tí, tôi được vào ngồi trên một chiếc ghế to tướng có hai tay ghế hai bên, trong một "hiệu cắt tóc", nghĩa là trong cửa tiệm, trong nhà. Đúng ra, tôi còn có thể ngồi trong "hiệu Húi Đầu", hoặc "hiệu Hớt Tóc", hoặc "hiệu cạo đầu", còn gì gì nữa, thuở ấy nhiều tên gọi lắm cho cái chốn đáng ghê sợ ấy. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một nét văn minh theo thời gian của các vị hung thần, đó là tôi ngồi trong cái "gió mát" thoang thoáng trên đầu. Một "tấm quạt" to tướng được gắn trên trần nhà, cột sợi dây lòng thòng xuống, và một cậu bé (nhơm nhếch như tôi) đang ngồi chậm chạp kéo sợ dây cho cái quạt phe phẩy qua lại. Cũng có lần tôi thấy cậu bé này xỏ sợi dây vào bàn chân, cứ vừa nhẹ nhàng đạp, vừa tay nâng quyển sách, dán mắt vào chăm chú, có vẻ như quên rằng một chân đang cử động. Người ta có thể nói "thằng bé chăm học nhỉ!" Nhưng tôi đồ rằng cậu ta đang say mê theo chàng thám tử của nhà văn Phạm Cao Củng, sắp vung tay bắt được kẻ gian, hoặc cậu đang phiu lưu trong rừng đi tìm vàng theo nhà văn Thế Lữ. Và cũng có thể nói đó là một sáng kiến của cậu, một bước tiến bộ của nền kỹ thuật hiện đại, "giải phóng" đôi tay để làm thêm nhiều việc. Chắc rằng sau này cậu bé làm công cho ông chủ tiệm cắt tóc sẽ trở thành nhà khoa học, hoặc nhà phát minh không chừng.
Cuối cùng, ý tôi muốn nói gì nữa về "tiệm cắt tóc"? Xin thưa tôi muốn nói về lãnh vực truyền thông  của một nơi chốn cắt tóc, cho dù gọi chốn đó là gì chăng nữa, hoặc như hiện nay ở đất nước Hoa Kỳ này, chốn đó được gọi là "barber shop". Cũng xin lưu ý tôi tự giới hạn đề tài vào "tiệm cắt tóc" mà thôi, nên bỏ qua khu vực các vị nữ lưu làm đầu, làm chân, dù mấy chốn thiên đường đó bản chất cũng chẳng khác tiệm cắt tóc là bao.
Hoạt động truyền thông là hoạt động chính thức quan trọng thứ hai của một tiệm cắt tóc, và vị chủ tông đơ chính là nhà báo, nhà phát thanh, đôi khi cả truyền hình nữa, về các tin tức địa phương, cộng đồng hàng xóm láng giềng, đất nước hoặc cả thế giới. Có điều phải nói ngay nhà báo chủ nhân cái tông đơ ngoài chuyện truyền thông còn cho các vị độc giả, thính giả, khán giả của ông ta (hồi đó chủ tông đơ thường là ông ta, hiếm khi có “bà ta, cô ta” như ngày nay) cái quyền tham dự tức khắc vào các cuộc “hội luận, thảo luận, tranh luận, …”, tức là cãi vã tay đôi với ông ta hoặc với vị khách hàng khác. Đó là lúc rất nguy hiểm. Tưởng tượng cái dao cạo của ngài nhà báo đang múa lung tung trên đầu mình, trước mặt mình, đôi khi thấy cả hơi gió sát bên tai mình, chưa biết ông nào thắng nhưng chắc rằng mình sẽ thua đau. “Đau” là đau thể xác thật chứ không phải cái đau trừu tượng đâu. Vậy mà nhiều vị độc thính khán giả rất nghiện các cuộc trao đổi hơi mạnh bạo đó. Thằng oắt con là tôi mỗi khi đi và về học đều đi vòng một tý, thêm mấy bước chân để tạt qua trước cửa tiệm của nhà báo tông đơ, và y như rằng lại thấy mấy vị khách quen  đang ngồi nghểnh tai nghe tin tức buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, hoặc đang tích cực tham gia các cuộc tranh luận đi tìm chân lý. Tất cả đều là chân lý, dù là tin từ tờ nhật trình (tờ báo), tin ngoài chợ, tin mấy vị nữ lưu (mấy ông ấy gọi là mấy con mẹ hớt lẻo) rỉ tai cho một người biết mà thôi, nghĩa là 96% những tin đó là tin vịt, tin bịa đặt, tin dởm, tin xạo, tin … Tất cả đều là thứ thật, là chân lý, mặc dù chân lý của các vị đều khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau. Thằng nhãi ranh là tôi lại rất ư ngu dại, có lần chạy vội về khoe cái đầu nhẹ nhõm cho Mẹ “đánh giá” nhưng thực ra để thì thầm xì ra một cái tin động trời nào đó, lại bị Mẹ củng đầu, bảo trẻ con không được hớt lẻo, bắt chước bọn ăn không ngồi rồi tán gẫu. Oan cho tôi, vì tôi đâu có tán gẫu. Thấy mấy vị đang tranh luận ồn ào bỗng hạ giọng ghé tai nhau thì thầm về vợ ông Tây trưởng đồn với anh lính tài xế. Chẳng biết hai vị này làm gì vì vượt quá tầm hiểu biết của tôi nhưng thấy nói Tây trưởng đồn thì nghĩ là quan trọng lắm lắm.
Hình: Internet
Vậy thì, bây giờ nghĩ lại, tiệm cắt tóc chính là một cơ sở thông tin quan trọng của khu phố ta, cộng đồng ta. Nhất là ở khu phố tôi, vị nhà báo tông đơ rất tôn trọng nhân vị của đứa trẻ con là tôi. Có lần Mẹ đưa đi cắt tóc khá sớm nên chưa có vị độc thính khán giả nào, cậu bé nhơm nhếch cũng chưa đến đạp quạt nên tôi là nhân vật duy nhất để nhà báo tông đơ loan tin thất thiệt. Vậy mà ông nhà báo không hề phân biệt đối xử, nói vài câu ông lại hỏi: lạ quá mày hở, có đúng không nào, mày thấy thế có chiến không, chiến quá đi chứ …? Tôi thì Mẹ dậy ai nói gì cũng vâng, dạ, và cứ thế vâng, dạ, đến độ có khi ông chợt nhận ra gắt lên: Tao hỏi mày mà mày dạ thì nghĩa đ. gì?

Hôm nay, để thương nhớ thời oắt con rất ư hồn nhiên, thanh bình, cũng để tưởng nhớ các nhà báo tông đơ ngày đó với 96% tin thất thiệt, tôi xin mở “tiệm cắt tóc” trong blog này với tinh thần ngồi lê đôi mách, một thú vui bất tận của cõi nhân gian chúng ta. Tin tức, bình luận, tài liệu, ... hằm bà lằng ở đây là thật hay dởm, đúng hay sai,  vui hay buồn, ..., tùy người đối diện.


châm ngôn của nhà báo Tông Đơ và ngài Đạo Đức Giả:
Chân Lý hai bên dãy Pyrénées 

Xấu, Đẹp tùy người đối diện

No comments:

Post a Comment