Monday, November 12, 2018

Anh Tôi





Hình chụp tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago



Tôi là con thứ 12 của Thầy tôi, và là con út. Thầy tôi và Mẹ Già có 7 người con, một anh tôi mất từ lúc sơ sinh. Sau khi Mẹ Già tôi mất, Thầy tôi lấy Đẻ tôi, và hai cụ có 5 người con, và cũng có một chị tôi mất sớm. Như vậy, theo tên tuổi còn ghi trong gia phả, tôi có tất cả 3 chị và 6 anh, trong nhà thường kể tôi là con thứ 10.
Anh cả tôi, người con trai đầu của Mẹ Già, tên Đỗ Mạnh Phan, thường gọi là anh Tú Phan. Tôi không nhớ gì về anh Phan vì anh mất sớm lúc tôi còn bé tí. Theo gia phả, anh Phan đỗ tú tài khoa Ất Mão, 1915, làm Thông Phán tỉnh Hoà Bình, sau đổi về toà án tỉnh Hà Đông. Khi ở Hoà Bình anh bị sốt rét, ngày xưa gọi là “sốt rét ngã nước”. Anh Phan mất vì bệnh này năm 1944, thọ 51 tuổi. Có lẽ Anh không phải người “biết làm ăn” theo kiểu quan trường ngày xưa, nên tiền bạc không khá giả gì, Thầy tôi không nhờ được Anh, nhưng chị Tú Phan, ở tại quê nhà chứ không theo chồng, lại giúp Thầy tôi xây được mấy gian nhà ngói.
Trong mấy người anh con của Mẹ Già, tôi chỉ còn nhớ phảng phất hình ảnh anh Thơ Mai, tức là anh Đỗ Thúc Mai. Theo Gia Phả, anh Mai theo tây học từ sớm, nhưng phải bỏ nửa chừng vì nhà nghèo. Anh làm quản lý đồn điền cho người trong họ, sau về làm thư ký tại làng, nên gọi là anh “Thơ Mai”. Anh bị bọn Cộng Sản vu cho tội tham gia Quốc Dân Đảng, sát hại năm 1960. Anh Đỗ Thiện Kế, em ruột anh Thơ Mai, thường nghe gọi là “anh Giáo Kế”, mất năm 24 tuổi vì lao phổi. Theo Gia Phả, anh Kế theo học trường Pháp - Việt, sau theo học trường Sư Phạm, rồi đi dạy học ở Hải Phòng. Anh Kế mất khi tôi chưa ra đời, nên không biết gì về Anh, nhưng sau này, năm 1963, gia đình tôi lại thuê căn gác của chị Giáo Kế ở khu Bàn Cờ, nghĩa là tôi được ở chung nhà với bà chị dâu một thời gian. Sau anh Kế là anh Đỗ Thiện Niệm, tôi thường nghe gọi là “anh Thừa Niệm.” Anh Niệm làm con nuôi cụ Đám Phấn họ Nguyễn ở xã Khắc Niệm, nên anh còn mang họ Nguyễn. Anh theo tây học, đỗ “Thừa Phái hạng 5”, làm ở Cao Bằng. Theo Cộng Sản từ lúc ở Cao Bằng, sau này về Bắc Ninh anh vẫn hoạt động, bị Tây bắt và thủ tiêu. Tôi có 3 bà chị, hai chị Đỗ Thị Cổn và Đỗ Thị Phương Tỵ, con gái Mẹ Già, và chị Đỗ Thị Thảo con gái Đẻ tôi. Trong số 6 anh chị con của Mẹ Già, hồi nhỏ tôi chỉ được sống chung ít ngày với chị Tỵ. Chồng chị là một hạ sĩ quan (hay sĩ quan?) trong quân đội Pháp, khi quân đội Nhật hất cẳng quân đội Pháp, anh bị thương ở một bàn tay. Sau này anh giải ngũ và đầu quân cho lực lượng quân sự thuộc giáo khu Bùi Chu với cấp bậc Trung Uý. 
Nói về “anh, chị của tôi”, tôi chỉ biết rõ các anh chị thuộc giòng con của Đẻ tôi. Tôi đã kể chuyện chị Thảo trong “Chị Tôi.” Bây giờ tôi xin kể chuyện anh Tường, người đẹp trai nhất nhà tôi.
Anh tôi, anh Đỗ Trọng Tường sinh năm 1937, kém chị Thảo 4 tuổi, hơn tôi 6 tuổi. Tên do Thầy, Đẻ tôi đặt cho anh là Đỗ Tường Lan, sau này, khai sinh làm lại của anh là Đỗ Trọng Tường. “Tường lan” là điềm (báo) hoa lan (nở). Tôi nhớ mơ hồ sự tích điềm hoa lan này. Nghe kể rằng nhà tôi có cây ngọc lan lâu năm không có hoa. Năm Đẻ tôi sinh anh Tường, cây ngọc lan bỗng nở thật nhiều hoa, nên Thầy tôi lấy tên Tường Lan đặt cho anh. Tôi không nhớ đích xác tên anh đổi thành Đỗ Trọng Tường từ khi nào, không biết có phải cùng lúc chị Thảo đổi tên tôi sau khi di cư vào Nam, hay là lúc còn ở ngoài Bắc, cuối 1953, đầu 1954. Thời gian đó không hiểu vì sao anh đăng lính. Với tuổi khai sinh, anh chỉ mới 16 hay 17 tuổi, chắc không đủ tiêu chuẩn vào quân đội quốc gia, có lẽ vì vậy anh đã tự khai lại cho đủ tuổi. Tôi đoán rằng gặp lúc chiến trường khốc liệt, quân đội quốc gia cần đôn quân ào ạt, nên anh dễ dàng được thâu nhận với giấy tờ giả hoặc lời khai giả. Nhân một lúc anh dắt tôi đi chơi, tôi hỏi tại sao lại đổi tên, anh nói tên Lan có vẻ tên con gái, nên lấy chữ lót Tường làm tên, còn chữ đệm, anh nhớ ngày xưa Thầy hay nói về mấy bộ chữ đặt tên như “Mạnh, Trọng, Thúc, …”, nên anh lấy đại chữ Trọng. Khi vào Nam, anh cứ tên mới mà làm việc. Và, lạ một điều, sau này chị dâu tôi, vợ anh Tường, tên Lan.
Đúng ra anh Tường là người tôi gần gũi nhất trong số mấy anh chị của tôi, nhưng thời gian tôi được ở gần anh không nhiều, mà anh lại mất sớm, nên mặc dù không đủ thời giờ để tôi biểu lộ nhiều tình thân thiết với anh, nhưng quả thực anh là người tôi rất kính trọng và tin cậy, và mong được sống gần. Hồi còn ở nhà quê, anh thường được giao việc trông nom tôi, và khi đó, anh cũng thường “quên” những điều Đẻ tôi cấm kỵ, cho tôi được thoải mái “phát huy” cái xấu, như chơi với bọn trẻ trong làng, phớt lờ khi tôi lỡ miệng mấy lời không hay, hoặc khi tôi đua đòi bọn trẻ chơi những trò mạnh bạo, nguy hiểm. Nhưng mỗi khi chuẩn bị về lại nhà (trình diện) Đẻ tôi, anh lại nhắc tôi nhớ những gì Đẻ tôi ngăn cấm. Trong chuyện viết về Mẹ tôi đã kể chuyện tôi lên một chiếc bè chuối với người em họ, và bè trôi ra giữa ao. Đúng lúc tôi bắt đầu sợ và mếu máo đòi chèo bè vào bờ thì Đẻ tôi bắt gặp. Dĩ nhiên anh Tường bị Đẻ la mắng một mẻ nên thân. Lần đó, anh Tường khuyến khích tôi cứ lên bè, đừng sợ. Anh bảo con trai phải bạo dạn mới được.
Tôi gần gũi anh Tường vì chính anh là người dạy dỗ tôi nhiều. Chị Thảo là người phải chăm xóc tôi, phải lo cho tôi như một bà mẹ khi Đẻ tôi vắng nhà. Khi tôi còn bú sữa, gặp khi Đẻ tôi lo buôn bán chưa về, chị phải bế tôi đi “bú nhờ” mấy bà chị dâu, cháu dâu. Khi chạy loạn, lúc tôi chừng 3, 4 tuổi, chị phải gánh tôi, nghĩa là tôi ngồi một bên thúng, bên thúng kia đựng đồ đạc, có thể là mấy cái bánh chưng chẳng hạn. Có lần trong thời gian chạy loạn, vì chiến trận bất ngờ, Đẻ tôi kẹt ở Hà Nội, chị từng phải đi bắt ốc để có tiền mua gạo nấu cơm riêng cho tôi ăn, còn chị và anh Tường phải ăn cơm độn. Nhưng để hiểu cuộc đời, để biết thêm chữ nghĩa, anh Tường là người dậy tôi. Anh dậy tôi như dậy một người học trò, mà cũng dạy tôi như một người “đàn đúm” với anh. Nên tôi hiểu anh nhiều, kính và thương anh nhiều nhất. Dậy như một người học trò, anh rất nghiêm khắc. Anh khảo bài kỹ càng, bắt tôi quỳ nhiều lần, đánh bàn tay tôi bằng thước kẻ nhiều lần, lắm khi xót con út, Đẻ tôi phải năn nỉ anh bớt hình phạt cho tôi. Bắt quì và đánh bàn tay, nhưng anh luôn an ủi tôi. Anh là người cho tôi tham dự nhiều trò chơi của anh. Tôi nhận rõ anh chẳng vui thú gì chuyện phạt tôi, và rất mong tôi học kỹ hơn, cẩn thận hơn. Hầu như đi chơi đâu anh cũng chở tôi trên yên sau xe đạp, và nếu anh phải “đèo” thêm một người bạn nữa, anh cho tôi ngồi trên thành xe phía trước, thậm chí có lần ngồi lên tay lái vì anh chở thêm 2 người bạn. Tôi kính trọng cung cách cư xử của anh đối với đứa em út nhỏ nhoi. Anh chưa hề bao giờ lộ vẻ coi tôi là một thằng con nít, một thằng bé hèn kém. Với anh, tôi có “nhân vị” của tôi, có một vị trí trong cuộc đời.
Tôi gần gũi anh Tường vì anh để lại ảnh hưởng trên tính tình tôi rất nhiều. Nếu những câu chuyện Đẻ tôi thường kể về Thầy tôi đã nhào nặn tôi về lòng thương người, về sự chính trực, về trọng nghĩa khinh tài, về sĩ khí nhà nho, thì anh Tường dậy tôi qua chính cuộc sống anh, là ngang tàng, thẳng thắn, quyết liệt chống mọi điều xảo trá, giả dối. Anh rất ghét thói đạo đức giả và điều này theo đuổi tôi suốt cuộc đời, mặc dù anh ở gần tôi không được mấy năm. Hồi còn ở quê, theo anh đi học cùng trường, theo anh đi chơi, nhưng tôi bé quá, có nhớ được gì đâu. Khi Đẻ tôi trốn bọn Việt Minh bỏ làng ra đi, anh cũng được gửi đi hết nơi này đến chỗ khác, ít ở cùng Đẻ tôi và tôi. Lâu nhất là hồi ở Ninh Cường, cũng là lúc tôi bị quì và đánh thước kẻ vào tay nhiều nhất. Giai đoạn này hầu như suốt ngày tôi được theo sát anh, cũng là lúc anh dậy tôi nhiều nhất.
Năm 1951, đầu 1952, anh Tường ở Ninh Cường với Đẻ tôi và tôi, lúc đó chị Thảo ở nhà tu bên Phát Diệm, anh Toàn vẫn học ở Hà Nội. Anh có một người bạn thân trạc tuổi anh, khoảng 14, 15 tuổi, thường hay gặp nhau nói những chuyện gì mà tôi không thấy họ cười đùa như khi anh gặp bạn khác. Tôi chỉ biết tên anh bạn kia là Tộ, không chắc có phải tên thật. Sau này, tôi biết lúc đó hai anh thường bàn nhau vài điều hiểu biết về học thuyết Duy Dân. Có thể họ đều là cảm tình viên của đảng Duy Dân, và sau này là đảng viên. Chỉ ở giữa tuổi 14, 15, anh đã bàn chuyện chính trị, dám một mình đạp xe đi từ Ninh Cường đi Phát Diệm, nếu theo đường tắt thì phải vác xe lội bộ nhiều quãng đồng, qua đò ngang để qua sông, tất cả hơn mười mấy cây số. Tôi không rõ chuyện trai gái lúc đó anh có chưa, chỉ biết anh say mê đi bắn chim bằng súng cao su. Anh có định mượn súng anh Đội Hoằng nhưng Đẻ tôi đã cấm từ trước, và cho anh biết Việt Minh lảng vảng khắp nơi. Thực ra, vùng Ninh Cường Việt Minh rất khó phát triển vì là giáo khu, có đội quân riêng, và (hình như) nơi đây cũng là “ổ Duy Dân.”
Tính anh nóng như lửa. Đi xe đạp chở 3 người (tôi ngồi trên ghi đông) đụng mạnh xe người ta khiến xe kia cong vành bánh xe, mà bước xuống xe, anh chàng kia mới mở miệng phản đối, anh bợp tai ngay tức khắc. Cái tát mạnh đến độ mồm anh kia ứa máu, có lẽ bị gãy răng. Thực ra, anh nhỏ con hơn người ta, vậy mà anh kia cũng bỏ đi một nước. Có thể anh ta thấy bên này 4 người, kể cả thằng nhóc tì là tôi, nên tránh voi chẳng xấu mặt nào chăng. Nhưng anh là người phục thiện, hai người bạn đi cùng than phiền rằng đây là lỗi tại mình, chở nặng quá nên không tránh được người, sao lại đánh người ta. Anh nói, ngay tức khắc anh biết là anh có lỗi và nóng nẩy, nhưng nhìn tôi mếu máo với bàn tay trầy trụa, rớm máu, mà anh chàng kia lại văng tục, nhận biết anh là em Trung Uý Hoằng, chửi anh là “bồi Tây” nên anh bực mình. Chuyện đến tai Đẻ tôi, cụ giận điên người, cầm ghế đẩu phang anh đến gẫy ghế. Sau này cụ cứ xót xa sao anh không chạy đi mà đứng yên để cụ đánh. Anh bị Đẻ tôi nhốt trong nhà mấy ngày, bỏ đói. Nhưng đói làm sao được, ông chủ nhà ở mấy gian nhà ngói phía trước, gọi là “nhà trên”, tuồn đồ ăn cho tôi tiếp tế cho anh. Thành ra, mấy bữa đó anh lại được ăn ngon hơn bình thường của nhà tôi. Anh là người ngang tàng chẳng biết sợ ai ngoài Đẻ tôi. Gặp bọn lính Tây anh cũng chẳng chút e dè, nhờ vậy, anh làm “thông ngôn” cho chủ nhà mỗi khi bọn lính Tây ghé qua nghỉ chân, hoặc vào eo sách điều gì. Tôi không chắc anh có thông dịch đúng hay không, chỉ biết chủ nhà “tôn sùng” anh lắm lắm, và bọn lính Tây có vẻ hài lòng. Lúc bé, tôi cũng phục anh sát đất về chuyện “nói tiếng Tây” , nhưng sau này tôi nghi ngờ vì biết chuyện anh thông dịch tiếng Mỹ trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam năm 1954. Tôi sẽ kể chuyện này sau.
Trong 4 chị em, anh Tường là người thiệt thòi nhất. Chị Thảo cực khổ nhất, lận đận nhất, nhưng lấy chồng sớm nên dù sao “số phận” cũng đã “an bài.” Còn anh Tường, anh không được ở yên một chỗ để ăn, học như anh Toàn, cũng không được ở với Đẻ tôi để được đùm bọc. Từ 12, 13 tuổi anh đã lang bạt khắp các nhà họ hàng bên ngoại mưu sinh. Đẻ tôi gửi anh ở Hòn Gay với bác Khâm, anh ruột Đẻ tôi. Có vẻ như anh phải làm việc nhiều và chẳng được học bao nhiêu. Tôi không chắc lắm về chuyện này. Tính tình anh ngang ngược, khinh bạc thói giả dối điêu ngoa, không ưa nịnh hót, lấy lòng, không dễ gì để anh thích ứng được cảnh sống nhờ vả. Sau này, anh lại được gửi đến ở với cậu Hiến. Cậu rất thẳng thắn, cho biết nhà cửa cũng không dư dật gì, anh có ở cũng là giúp cậu một tay săn sóc cửa hiệu sách khi mợ mang bầu, đau ốm luôn. Cậu cũng khuyến khích anh đi học, vừa đi học, vừa làm cho cậu. Tôi cũng không chắc anh có đi học không, hay là tự học, tự đọc, nhất là lọt vào giữa một rừng sách trong cửa hàng của cậu. Cho nên anh là người từng trải nhất, ra đời nhất trong 4 chị em chúng tôi, và chắc chắn anh không phải là con mọt sách, chỉ biết lý thuyết qua sách vở, mà là người giang hồ nhất nhà, nên coi thường mọi điều khuôn phép hình thức, hào nhoáng bên ngoài mà rỗng tuếch bên trong. Với đầu óc thực tiễn, khéo tay, anh cho tôi biết bao đồ chơi lý thú. Tôi nhớ, ở Ninh Cường, anh làm cho tôi một chiếc tàu thuỷ chạy bằng máy trên nước đàng hoàng. Hồi đó, anh tự sửa xe đạp. Anh mượn người ta đồ nghề, tự vá vỏ xe, tự tháo ráp các hòn bi ở trục bánh xe, căng lại tăm bánh xe, …
Tôi nói “anh không phải con mọt sách” đó là nói về sách vở nhà trường, sách vở của mấy ông giáo sư đại học chuyên copy sách báo Pháp, Mỹ làm thành cours của mình. Mấy ông ấy chỉ cần bán cua một năm cho sinh viên đủ mua một xe hơi mới cáu cạnh. Anh “đọc sách đời” nhiều, kể cả những tiểu thuyết hồi tôi còn con nít mà cứ tưởng mình là “người trí thức’, không bao giờ chịu nhìn đến. Anh đọc sách viết giữa cuộc đời, viết giữa trời cao, mây trắng, viết giữa rừng xanh núi thẳm, bể rộng, sông dài, những nơi từng ghi dấu chân anh. “Anh không phải con mọt sách” vì anh không được cơ hội đi học như hai thằng em, anh Toàn và tôi. Tôi không tin anh có bằng Tú Tài dù anh đã vào học Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Mấy năm trung học của anh, có lẽ chẳng năm nào anh được đi học trọn năm, cứ bị Đẻ tôi gửi đi nơi này, nơi khác, rồi đến khi anh buồn tình khai gian tuổi, vào lính. Tôi thương anh, khóc anh về những thiệt thòi này, về con người trung hậu, hoang tàng nhưng chân thật, lại không thọ được đến tuổi 30.
Giữa lúc mặt trận Điện Biên Phủ thành lò nướng quân cho cả hai bên, đơn vị anh Tường bị điều đi, gửi vào lòng chảo tử thần này. Anh đào ngũ về ở với gia đình. Lúc đó, Đẻ tôi cũng đã bỏ Mỹ Độ về Hà Nội ở trong ngõ Nam Đồng. Cụ về đây chuẩn bị di cư vào Nam. Tôi không hiểu vì sao Đẻ tôi “nhanh, nhạy” đến như vậy, sau này tôi cũng không nhớ để hỏi cụ. Hiệp định Genève ký kết ngày 20 Tháng 7, thì ngày 12 Tháng 8, gia đình chúng tôi đã có mặt ở Sài Gòn, nghĩa là chỉ 3 tuần lễ sau. Có lẽ Đẻ tôi đã quá kinh nghiệm về Cộng Sản khi họ chuẩn bị phát động Cải Cách Ruộng Đất từ mấy năm trước ở làng tôi, và ở Bắc Giang. Lại thêm một lần tôi được sống chung với anh Tường trong gần hai tháng trước khi vào Nam. Tôi không nhớ anh Toàn lúc đó ra sao, có lẽ vẫn ở với cậu Cảo, chỉ khi bắt đầu đi Hải Phòng để lên tàu thuỷ, anh mới nhập vào với gia đình. Hằng ngày anh Tường lại dắt tôi đi chơi. Tôi còn nhớ anh luôn luôn phải đề phòng, có lẽ đề phòng gặp cảnh sát hay hiến binh vì sợ bị hỏi giấy. Tôi nhớ mang máng nghe ai nói chuyện với anh, là theo khai sinh anh có tên khác, Đỗ Tường Lan, và mới vừa 18 tuổi, nên họ đâu có biết anh đào ngũ. Nhưng anh bảo anh cắt tóc cao quá, dễ nhận biết là lính, và giờ này, bọn Tây đang càn quét thanh niên ném vào quân trường huấn luyện qua loa rồi đưa lên Điện Biên Phủ, 18 tuổi là đủ nó bắt lính rồi. Tôi còn nhớ ngày 14 Tháng 7, 1954, ngày quốc khánh Tây, anh nói hôm nay bọn nó cho Hiến Binh ra đường đông lắm, nhưng anh vẫn đưa tôi đi khu bờ hồ Hoàn Kiếm xem các trò vui cho thằng nhà quê tôi mở mắt ra một chút. Quanh hồ Hoàn Kiếm đông nghẹt. Anh sà vào một gánh hàng hỏi tôi muốn ăn sứa không. Tôi chưa từng biết sứa là gì, lắc đầu. Anh kêu đĩa gỏi sứa cho anh, và cho tôi món gì tôi không nhớ được. Thấy anh mình lúc nào cũng phải nhìn quanh, đề phòng, tôi không an tâm nên ăn chẳng thấy thú vị gì, có lẽ cũng chẳng biết là ăn gì nữa. Đi từ sáng đến quá trưa, anh còn tạt vào nhiều hàng quán khác, và dừng lâu nhất ở mấy chỗ bán sách trên lề đường, có vẻ như muốn cho tôi biết thêm nhiều thứ trong cuộc sống. Anh bảo tôi muốn ăn gì, mua gì cũng được, anh có tiền và muốn đền bù những ngày không có anh bên cạnh. Tôi còn nhớ anh nói: “Con trai không được nhút nhát, phải biết đủ thứ, biết cách làm việc, biết đồ ăn, sau này lớn, em phải biết nhiều điều khác nữa …” Lúc nào cũng vậy, anh sẵn sàng dậy tôi tất cả những gì anh trải qua, và hình như, muốn tôi có được những gì anh không có.
Từ Bắc vào Nam, chúng tôi đi trên một chiếc tàu thuỷ thật lớn chở cả ngàn người, có lẽ là một thương thuyền của Mỹ.  Tôi nhớ duy nhất một điều trong suốt cuộc hành trình lênh đênh trên biển kéo dài hơn 2 ngày, là nghe tiếng anh Tường trên loa phóng thanh phát khắp mọi nơi trên tàu. Cả nhà đang thu xếp chỗ ở sau khi tàu bắt đầu ra đến đại dương, bỗng nghe có người nói tiếng Việt Nam trên loa phát thanh, mà lại giống tiếng anh Tường. Loa phát thanh đưa ra những lời dặn dò đồng bào về giữ vệ sinh, trật tự, cách đi lại trên tàu, những điều cấm chỉ không được làm, … Một lát anh Tường về với gia đình, mang theo nhiều đồ hộp, nhiều thứ quà linh tinh. Hỏi ra, đúng là anh Tường hồi nãy nói trên loa thật. Có lẽ trông anh có khuôn mặt sáng sủa, nhanh nhẹn, một anh chàng Mỹ đến làm quen. Sau khi anh bập bẹ vài câu tiếng Anh, anh Mỹ lôi anh lên trên phòng lái, nói một thôi một hồi rồi đưa anh micro. Cứ thế là anh nói thao thao bất tuyệt. Hỏi anh có hiểu anh chàng kia nói gì không, anh cười và nói rằng mấy câu chào hỏi thông thường thì mình nghe và nói ba xí ba tú được, chứ nó nói tràng giang đại hải làm sao mình nghe, làm sao hiểu nó nói gì. Nghe lõm bõm vài tiếng, đoán rằng bọn nó muốn mình dặn dò đồng bào giữ gìn vệ sinh trật tự, may mà lúc mới lên tàu, anh đã lỉnh đi thám hiểm một vòng, biết mấy tầng tàu, tầng nào là của bọn nó thì mình dặn đồng bào đừng vào, còn mấy chuyện không được đốt lửa, không được đun nấu, không được ca hát ồn ào, về đêm phải giữ im lặng thì cứ bịa ra, mà chắc như vậy là đúng chứ làm sao sai. Kể chuyện xong anh cười ngặt nghẽo và nói với Đẻ tôi: “Bọn mũi lõ thấy con thao thao bất tuyệt cứ phục lăn ra, vỗ vai con cảm ơn rối rít. Nó có hỏi cái gì đó, con đoán nó hỏi muốn phòng riêng không, con không chắc lắm, nhưng không biết nói làm sao đòi phòng cho cả gia đình, nên lắc đầu. Bọn nó bảo nhau lấy cho con một đống đồ này.”
Chúng tôi đến Sài Gòn vào đêm 11, rạng sáng 12, tháng Tám, 1954. Khoảng 2 giờ sáng, người ta đổ nhóm chúng tôi độ ba, bốn trăm người xuống sân trường Tiểu Học Cầu Kho. Sáng hôm sau, đúng ra là sáng hôm đó, Đẻ tôi đã hỏi đường ra chợ, và ngay buổi chiều, và sáng hôm sau, cụ và chị Thảo đã bày ra một nồi bún riêu bán trước cửa trường. Bán hết, lời chút ít và lời phần cả nhà ăn no nê. Riêng anh Tường đi đâu cho đã rồi về kể hàng trăm thứ mới lạ của đất Sài Gòn. Anh nói đã làm quen người này, người kia, leo lên cả xe buýt, không có tiền mua vé, người ta nghe giọng Bắc kỳ, biết dân mới di cư, cho đi nhờ luôn. Rồi anh dạy mọi người chuyện quả trứng gọi là “hột”, hột vịt, rồi một đồng xé đôi tự nhiên như không, rồi mấy người trên xe chỉ anh đường, cứ “quẹo nọ quẹo kia,” rồi “tốp, …” Ngay cả ngôn ngữ cũ ở Hà Nội tôi cũng chưa hiểu lắm, bây giờ anh lại chỉ cho tôi một thứ ngôn ngữ mới.
Anh Toàn theo nhóm học sinh di cư đến ở “Nhà Hát lớn”, nơi sau này là trụ sở Quốc Hội. Khi chính quyền dựng xong khu trại sinh viên, học sinh ở Phú Thọ, anh về đó ở luôn. Anh Tường theo gia đình đi trại định cư Hoà Khánh, thuộc làng Hoà Khánh, quận Đức Hoà, lúc đó thuộc tỉnh gì không rõ, hình như tỉnh Chợ Lớn vì Đức Hoà cũng gần sát Sài gòn.  Ở đây, anh và anh Giao hằng ngày vào rừng chặt cây tràm, bó từng bó nặng vác về trại bán. Trong 3 anh em, lúc nào anh cũng lãnh phần cực khổ. Anh Giao là một người bạn anh Tường tình cờ quen mấy ngày ở trường Cầu Kho, vào Nam một mình, nên Đẻ tôi nhận làm con nuôi và đưa về luôn Hoà Khánh.
Ở Hoà Khánh vài tháng, cuối 1954, hoặc đầu 1955, Đẻ tôi đưa gia đình trở lại Sài Gòn, rồi gia đình chia mỗi người mỗi ngả: Anh Tường đi làm ở Mỹ Tho, Đẻ tôi và Chị Thảo lên Đà Lạt thăm dò chuyện buôn bán, anh Toàn vẫn ở trại học sinh Phú Thọ nhưng hằng ngày lui tới nhà chị Hoằng lấy quần áo do tôi giặt. Tôi được gửi ở nhà chị Hoằng.
Tôi còn nhớ mấy chuyện vui về việc anh Tường đi làm ở Mỹ Tho. Hồi đó, mỗi khi có họ hàng, bạn bè hỏi Đẻ tôi về anh Tường, cụ chỉ trả lời vắn tắt: “Cháu nó, (em nó) đi làm ở Tỉnh Trưởng Mỹ Tho.” Có hỏi thêm Cụ chỉ trả lời chẳng biết gì về việc làm của nó, cứ thấy tuần nào cũng về Sài Gòn chơi, người cứ béo đẫy ra, trắng như con gái, ... Chắc hẳn nhiều người hiểu lầm anh Tường giữ chức Tỉnh Tưởng. Thực ra anh chỉ là thư ký tại “Toà Tỉnh Trưởng”. Anh Tường cười hoài về cách nói của Đẻ tôi.
Thương thằng em út tối ngày luẩn quẩn trong một ngõ hẻm đường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, có một lần anh Tường đón tôi đi Mỹ Tho chơi vài ngày cho mở mắt với thiên hạ. Đến Mỹ Tho, anh Tường đưa tôi đến nơi anh ở trọ tại nhà vợ chồng người bạn cũng làm trong toà tỉnh. Về toàn bộ cuộc “phiêu lưu” này, tôi chỉ còn nhớ lại bữa cơm tối chiều hôm đó. “Quẳng” tôi vào nhà người bạn xong, anh Tường quanh quẩn chừng mươi phút cho tôi đủ quen anh, chị chủ nhà, rồi anh biến mất. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, và anh Tường quên cho tôi ăn trưa, dĩ nhiên thằng em còm cỏi của anh đói meo. Anh chị chủ nhà người miền Nam, cố gắng săn sóc tôi (như lời uỷ thác của anh Tường), hỏi han tôi đủ thứ chuyện cho tôi yên tâm, vui vẻ. Trong câu chuyện anh chị trao đổi nhau, tôi nghe loáng thoáng mấy tiếng “mèo anh Tường”. Chị chủ nhà bông đùa với tôi: “Em có biết mèo là gì không?” Tôi trả lời tôi không thích nuôi mèo vì hằng ngày tôi phải làm nhiều việc quá. Anh chị cười to, nhưng không giải thích gì thêm. Đến 7 giờ tối, anh chị dọn cơm, bảo tôi ngồi vào ăn vì “anh Tường muốn em ăn cơm với anh chị, anh Tường bận việc chưa về.” Rõ ràng là những lời cứu nguy tôi chờ đợi từ lâu. Nhưng khi ngồi bệt xuống sàn nhà lót đá hoa mát rượi quanh mâm cơm, tôi bỗng lo lắng. Nồi cơm nhỏ quá, và quả thực mỗi người chỉ được hai lưng bát. Thằng tôi đói vẫn hoàn đói. Khoảng hơn 10 giờ tối, anh Tường mới về nhà, vác theo một cô mập thù lù. Anh chỉ hỏi tôi em ăn cơm rồi phải không, thế là anh chị quần nhau ý ới trên chiếc giường xếp nhà binh kê giữa nhà, tôi nằm giường anh Tường kê ở một góc, còn anh chị chủ nhà ngủ ở phòng trong.
Hình chụp tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago
Hôm sau anh bảo tôi: “Sao em không nói ngay lúc anh về là em đói, lúc đó còn đi ăn hủ tíu được mà.” Tôi nói là không muốn chị chủ nhà biết tôi không được ăn đủ, không muốn anh chị chủ nhà buồn lòng. Tôi xin anh cho tôi về lại ngõ Nguyễn Tri Phương chiều hôm đó. Tại đây, tôi làm công việc của một “thằng ở”, nhưng tôi sẽ nấu nhiều cơm cho tôi đủ ăn. Anh yêu quí của tôi thế đấy, rất hồn nhiên thụ hưởng bất kỳ lúc nào. Tôi yêu tính khí của anh. Tôi yêu anh tôi lắm lắm.

Đầu năm 1955, Đẻ tôi đón tôi lên Đà Lạt. Vốn liếng ít ỏi, cả nhà phải sống chật chội trong căn phòng thuê ở phố Ngô Quyền, khu “Bà Sơ Xanh”. Lúc đó chị Thảo đi học nghề thợ may rồi ở Sài Gòn kiếm sống, anh Tường lưu lạc cùng bạn bè, đi dạy học làm kế sinh nhai. Một lúc nào đó, có lẽ năm 1958, Anh có lên Đà Lạt ở hơn nửa năm, đủ thời gian lưu lại vài mối tình. Mối tình đầu tiên chẳng biết có phải là cuộc tình lãng mạn hay không, chỉ biết Đẻ tôi quất anh một trận roi. Số là, bên kia là một phụ nữ có chồng đi xa, sau này tôi đoán chắc anh chồng hoặc đi tập kết hoặc rút vào vùng rừng núi Lang Biang chờ ngày tái xuất. Mấy đứa trẻ trong nhà dình dập, báo cáo, nhà bên kia qua phàn nàn, thế là Đẻ tôi lại một phen nổi giận như hồi ở Ninh Cường. Lúc này anh đã trên 20 tuổi rồi. Anh Tường trốn qua nhà một người bạn, sầu đời uống rượu say bí tỉ, khiến tôi phải lén Đẻ tôi pha nước chanh, rồi nấu cháo hoa mang qua cho anh giải rượu.
Được ở gần anh Tường mấy tháng trời, tôi lại được nuông chiều, chỉ bảo bao nhiêu điều. Bây giờ anh không dạy tôi về những gì anh đã trải qua, anh chỉ tôi phải học cho được, làm cho được những gì anh thiếu thốn. Anh nói với tôi như vậy với một giọng tha thiết, đại khái, tôi đừng để như anh, học và đọc quá ít. Xưa nay anh Tường vẫn là thần tượng của tôi, chuyện gì bên Tây, bên Tàu, ngày xưa ngày nay, hỏi đến anh đều trả lời. Bỗng dưng anh bảo như thế chưa đủ. Tin anh, phục anh, tôi chỉ biết nghe lời. Anh đưa tôi đến một thư viện của Đà Lạt, hình như thư viện của Hội Văn Hoá Bình Dân thì phải, tôi nhớ mang máng ở đường Đoàn Thị Điểm. Sau này, suốt 5 năm ở Đà Lạt, hàng tuần tôi đều đến đây. Bây giờ anh dậy tôi học mà không còn phạt nữa. Nhờ anh, tôi tích luỹ một số hiểu biết giúp tôi qua mấy năm học dễ dàng. Anh cũng khuyến khích tôi học chữ nho. Tôi cùng người bạn học theo sách Hán Văn Tự Học của giáo sư Nguyễn Văn Ba (không biết có đúng tên không), học được trên 1000 chữ, năm 1961 về Sài Gòn, tôi bỏ dở, sau này quên hết.
Anh Tường có một cuộc sống ngang tàng và lý tưởng. Anh trực tính, chống lại áp bức, bênh vực kẻ yếu, không sợ cường quyền. Năm 1961, sau khi mãn khoá Thủ Đức với thứ hạng cao, anh Tường được đưa ra trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế làm huấn luyện viên. Có lẽ đến bây giờ anh mới được sống an nhàn đôi chút. Mùa Xuân 1963, anh bị đổi lên một tiền đồn vùng Kontum. Tại đây, anh bị trúng mìn của chính lính trong đồn gài đề phòng Việt Cộng tấn công. Anh mất đi để lại cho chị Tường cậu con trai ra đời 3 tháng sau khi anh được “Tổ Quốc Ghi Ơn.” Sau này, tôi hỏi thăm mấy anh sĩ quan, hoặc hạ sĩ quan từ trên đồn về phép, ghé thăm chúng tôi, về những ngày anh đóng trên vùng cao nguyên đất đỏ. Họ bầy tỏ lòng kính trọng tư cách của anh. Họ thì thầm kể về mấy tuần lễ anh mới đáo nhậm đơn vị, đã khuyên họ nên tránh những gì anh mới gặp phải trong đời quân ngũ. Qua câu chuyện, tôi được biết anh thuộc số sĩ quan trẻ ở Đồng Đế. Người ta dụ anh gia nhập Đảng Cần Lao, anh từ chối. Tôi nghĩ có thể vì trước đây anh đã gia nhập đảng Duy Dân chăng, từ ngày ở Ninh Cường? Anh chưa ra khỏi đảng nên không muốn gia nhập đảng mới. Theo lời bạn bè anh, lý do chính vì anh thấy bọn sĩ quan đảng viên Cần Lao trong quân trường hay vây vo, phách lối, anh cho rằng như thế là không đúng. Theo anh, sĩ quan chỉ nên biết đến quân đội, chỉ lo chiến đấu và bảo vệ Tổ Quốc. Sau nhiều lần dụ dỗ, đe doạ anh không được, họ tống anh lên tiền đồn. Một anh hạ sĩ quan thân cận của anh Tường còn nêu lên nghi vấn về trái mìn phát nổ khiến anh tử nạn. Theo lệ thường, viên sĩ quan tiền nhiệm sẽ phải bàn giao đồn cho anh Tường, trong đó có bản đồ các trái mìn gài quanh đồn. Anh hạ sĩ quan kia quả quyết anh Tường đã bị bàn giao thiếu vị trí một trái mìn, nên khi anh đi tuần sát quanh đồn, đã đạp phải trái mìn thiếu kia, và đó có phải là bản án đưa ra cùng với sự vụ lệnh thuyên chuyển anh? Làm sao biết được chuyện này xác thực đến đâu, tốt nhất cứ theo cụ Phan Chu Trinh: “Nếu có phải nghi, thì hãy nghi tốt.”
Anh tôi, anh Đỗ Trọng Tường, mất trước Hoà Thượng Thích Quảng Đức ít ngày, bây giờ, 1912, sắp tròn 50 năm. Đêm hôm Hoà Thượng tự thiêu, tôi nằm khóc và “báo cáo” chuyện này với Anh tôi.
Ba tháng sau ngày Anh mất, chị Tường sinh ra cháu Chúc. Trước đó, Anh tôi đã đặt tên cho cháu là Đỗ Tường Chúc. Ở ngày tôi bổ túc mấy dòng này, Tháng 8 năm 2013, Anh tôi đã có cháu nội (trai), tên Đỗ Tường Văn.

Trần Dạ Từ kể về Đỗ Trọng Tường
Năm 2017 tôi có dịp nói chuyện với anh Trần Dạ Từ về anh Tường. Trước đây tôi vẫn biết anh Từ có quen biết anh Tường, hầu như anh Từ biết cả nhà tôi từ những năm đầu di cư, từ 1955, nhưng không ngờ anh lại thân với anh Tường dù chặng đường hai anh đi chung nhau không dài. E rằng trí nhớ quá mỏng manh, tôi đã ghi âm buổi nói chuyện. Anh Trần Dạ Từ có một cách nói chuyện đầy cuốn hút. Giọng đọc thơ của anh cũng vậy. Hôm đó là lần đầu tiên tôi hỏi chuyện anh Từ, mặc dù khởi đầu tôi chỉ tò mò về chuyện anh Tường, không ngờ đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết quan niệm rõ ràng của anh về Thơ và người làm thơ, cùng những nhận định dứt khoát không kém của anh về Phạm Duy. Tôi thích thú những nhận định này vì rất gần gũi với tôi. Nhưng ở đây, tôi chỉ thuật phần anh Từ kể về anh Tường.
Câu chuyện bắt đầu từ một bài thơ anh Trần Dạ Từ viết trong dịp lễ hạ huyệt anh Đỗ Trọng Tường, tôi hỏi anh quen biết anh Tường từ bao giờ. Anh cho biết từ đầu năm 1956 đã biết anh Đỗ Quý Toàn và “ngay tức khắc biết cả anh Tường”. Anh Toàn là em anh Tường. Anh Từ cho biết “Năm 1956 mình đã ra Phan Thiết ở với anh Tường rồi.” Chỗ này tôi hoàn toàn thiếu sót trong phần ký ức về anh Tường. Tôi không hề nhớ đã có lúc anh Tường ở Phan Thiết. Có thể sau khi rời Trại Định Cư Hòa Khánh ở Đức Hòa (thuộc tỉnh Chợ Lớn?), anh Tường ra ở trại học sinh, sinh viên di cư ở Nhà Hát Lớn, rồi cuối năm 1955 anh ra Phan Thiết. Đầu năm 1956, cũng có thể ngay cuối 1955, anh Từ quen biết anh Toàn rồi từ đó máu giang hồ đưa anh ra Phan Thiết ở với anh Tường.
Anh Từ cho biết năm 1956 ra Phan Thiết ở với anh Tường khoảng hai tháng. Ở đây có phần phải sắp xếp lại ký ức của tôi. Tôi nhớ rõ hai chuyện này: Khi tôi ở với bà chị tôi là chị Đỗ Phương Tỵ, thường gọi chị Hoằng, tại khu Nguyễn Tri Phương, thì anh Tường đón tôi đi chơi Mỹ Tho vài ngày, và một chuyện nữa là năm 1956 Đẻ tôi xin cho tôi vào lớp Nhất trường tiểu học Đa Nghĩa ở Đà Lạt, xin vào giữa năm học, như thế phải chậm nhất là Tháng Ba, hay Tháng Tư năm 1956, vì học được ít tháng tôi đã phải thi Tiểu Học, có lẽ tháng 7 hay 8, rồi thi vào Đệ Thất trường Quang Trung, có lẽ cuối Tháng 8 hay đầu Tháng 9, 1956.
Anh Tường làm thư ký tại Tòa Tỉnh Trưởng Mỹ Tho sau khi đã ở Phan Thiết. Như vậy có vẻ anh Tường rời Phan Thiết vào khoảng cuối Tháng Hai, đầu tháng 3, để về làm việc ở Mỹ Tho. Làm được vài tuần anh đã đón tôi đi chơi nơi anh làm việc. Vậy anh Từ ra Phan Thiết từ cuối năm 1955 hoặc ngay mấy ngày đầu năm 1956 để có thể ở cùng anh Tường hai tháng. Theo anh Từ, anh Tường làm thư ký tại Tòa Hành Chánh tỉnh Phan Thiết trên đường Phan Bội Châu. Công việc chẳng có gì nhiều, hai anh em chơi bóng bàn ngay trong tòa hành chánh. Anh Tường thuê một căn phòng tại ngôi nhà cách nơi làm việc ít phút đi bộ, mỗi tháng lãnh lương, anh chi trả tiền nhà và tiền ăn cho hai anh em. Anh Từ cho rằng anh Tường ở Phan Thiết chưa tới một năm thì đổi về Mỹ Tho. Có thể đoán rằng anh Tường ra Phan Thiết từ giữa năm 1955 và ở đến Tháng Hai hay Tháng Ba 1956 là thuyên chuyển.
Anh Trần Dạ Từ kể chuyện những ngày ở Phan Thiết: “Cái thời mà anh Tường với anh Từ ở Phan Thiết, mà Phan Thiết là đất có nhiều thi sĩ lắm. Lúc đó Nguyễn Bắc Sơn, chắc nhỏ hơn Bí một tí, còn bé, nhưng anh họ của nó, Kiều Thệ Thủy cũng là một nhà thơ, mà thơ nó cũng dễ thương lắm … Thời đó ở Phan Thiết mình có hai người quen, anh Tường này, mình ở ngay với ông ấy, ông ấy đi làm lãnh lương, trả tiền ăn cho hai anh em, mình đâu có tiền, có làm con mẹ gì đâu. Hồi đó mình viết bài vớ vẩn, mà viết thì lâu lâu mới lấy được tí tiền, (nên) tối ngày đi chơi. Đêm thì mình đi lang thang, đọc thơ với mấy anh bạn ngoài đó. Trong cái trường Phan Bội Châu có một người trước cũng làm thơ và cũng nổi tiếng lắm. Cô ấy viết trên “Văn Nghệ Tiền Phong”. Ông chồng làm hiệu trưởng còn bà ấy dậy học, hình như dậy văn chương và dậy tiếng Anh. Bà ấy tên là Hồ Thị Ngọc Bút, lúc làm thơ ký tên Huyền Chi, tác giả bài thơ “Thuyền Viễn Xứ” mà anh Phạm Duy phổ nhạc. Thời anh em mình mới lớn, người nào cũng thấy bài Thuyền Viễn Xứ là hay cả. Mình dân di cư mà. Chị Huyền Chi ở bên phố, thành phố Phan Thiết được chia bởi một giòng sông, có một cái cầu lớn. Anh Tường ở đường Phan Bội Châu, đó là một con đường lớn ở bên đây cầu, còn khu phố cổ ở bên kia cầu. Ông bà Hiệu Trưởng ở khu đó. Mình có đến thăm. Bà ấy lớn tuổi hơn mình mấy tuổi, lúc mình đang ở đó bà ấy có bầu. Thế rồi mình giới thiệu bà ấy viết cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong …”
Bài thơ anh Trần Dạ Từ làm về anh Đỗ Trọng Tường, theo anh Từ, đã được anh đọc ở Quán Văn. Anh nhấn mạnh, đó là Quán Văn ngoài sân chứ không phải Quán Văn trong nhà. Hoặc là anh phân biệt Quán Văn nguyên thủy ở khuôn viên Đại Học Văn Khoa cũ, góc Nguyễn Trung Trực và Gia Long (số 69 bis Gia Long), và Quán Làng Văn sau này ở nơi khác; hoặc là anh phân biệt buổi đọc thơ của mấy anh ở sân Quán Văn, vào một tối trời mưa, và đêm đọc thơ khác gọi là “Đêm Đọc Thơ Chiến Tranh và Tình Yêu”, tổ chức trong ngôi nhà tiền chế ngay cạnh Quán Văn. Các anh coi đêm đó cũng thuộc sinh hoạt Quán Văn. Đêm trong nhà có anh Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn, Viên Linh, Tú Kếu, … Khoảng trên 500 người ngồi xệp dưới sàn nhà, suốt 3, 4 tiếng đồng hồ, nghe mấy anh đọc thơ. Một thời nên thơ của giời trẻ thành thị những năm 1967, 1968.
Anh Từ, nhân câu chuyện, nói về một tác giả trong dòng chính đã dịch thơ của anh, đi đọc ở các trường Đại Học, tên Đinh Linh. Nhà thơ gốc Việt này đặc biệt thích bài thơ “Vĩnh Biệt Tường”, bảo rằng chỉ đọc 4 câu đầu bài thơ này là hình dung ra ngay được. Rồi anh Từ đọc:
Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường,
Buổi sáng trong bầu tròn,
Buổi chiều trong ống dài
Một đời chất lỏng

Anh Từ kể rằng “Cái thời có anh Tường, mình gặp anh Tường nhiều hơn anh Toàn. Thậm chí mình sống với anh Tường mà chưa bao giờ sống với anh Toàn cả.” Anh Từ ở với anh chị Tường tại căn gác thuê trong một hẻm của đường Trấn Khắc Chân, Tân Định. Căn gác này khi Đẻ tôi mang tôi về Sài Gòn năm 1961, chúng tôi cũng ở đó, và anh Tường dọn về ở khu Lê Văn Duyệt. Khi anh Tường đi làm việc xa, chị Lan về ở với chúng tôi. Gia đình gồm Đẻ tôi, chị Lan, anh Toàn và tôi. Chị Thảo ở luôn tại tiệm may trong khu Hòa Hưng.
Anh Từ kể rằng anh ở với anh chị Tường ít tháng, rồi đón chị Nhã đến ở khoảng 3 tuần trong thời gian tìm thuê nhà. Còn với anh Toàn, chỉ ở chung ít ngày vào những ngày các anh đi chơi Đà Lạt, đến ngủ đêm trong căn phòng lớn Đẻ tôi thuê tại số 2 đường Ngô Quyền. Các anh gồm anh Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu), anh Toàn và anh Từ. Nói về sự khác biệt giữa anh Tường và anh Toàn, anh Từ cho rằng “mình giống anh Tường hơn anh Toàn, cùng là dân làm thơ (Toàn và Từ) nhưng mình là dân hè đường, anh Tường cũng là dân giang hồ …”.
Chị Nhã Ca gõ cửa, buổi nói chuyện chấm dứt. Chị đón ngay cửa phòng và nói: “Sáng nào cũng vậy, anh ấy (anh Tường) mua cho (chị Nhã) cái bánh kem, cái bánh tròn tròn bỏ cà rem vô, cho cô em ăn sáng, sau đó là mình đi học. Anh ấy kêu cho chiếc xe xích lô rồi đạp xe đạp theo. Thương lắm. Bởi ba anh em (Tường, Toàn, Bí) không có em gái thành ra anh ấy coi chị như cô em gái …
Anh Tường của tôi như vậy đó.

Thơ Trần Dạ Từ về Đỗ Trọng Tường
Một đoạn trong bài thơ dài “Hòn Đá Làm Ra Lửa” của Trần Dạ Từ, thơ làm trong tù.
Hình chụp tại Viện Bảo Tàng
Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago

“… Chúng ta có chung một tuổi trẻ
Buổi sáng trong bầu tròn
Buổi chiều trong ống dài
Hò hẹn yêu đương với thiên tai
Sinh nở giữa pháo kích, oanh tạc
“Như khi Tường vượt sông Bến Lức
Đạn tiểu liên bắn xối vào tim”
Như đêm trở về trong thơ Toàn
“Cây xanh xao dơ lên trời ủ rũ …””

Bài thơ “Vĩnh Biệt Tường”, đọc tại Quán Văn, 1967

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Buổi sáng trong bầu tròn
Buổi chiều trong ống dài
Một đời chất lỏng

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Bánh xe quay quắt
Mặt trời đỏ rồi vàng
Ngày khốn kiếp

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Mùa hạ trên trời cao
Mùa hạ ngoài biển
Mùa hạ trong thành phố, trong máu

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Cà Ná, Phan Thiết
Chi Lăng, Xóm Cầu Mới
Dơ tay lên nhắm mắt

Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín.

Bản dịch tiếng Anh của Đinh Linh, nhà thơ trong dòng chính Mỹ.
Đinh Linh dịch một số bài thơ Trần Dạ Từ và đi đọc tại các trường đại học Mỹ

So Long Tuong
Translated bay Dinh Linh

“So long Tuong, so long Tuong
Morning in an orb
Evening in a tube
A liquid life
So long Tuong, so long Tuong
Hanfulds of earth covering up

So long Tuong, so long Tuong
A treacherous wheel
The sun red then yellow
Cursed days

So long Tuong, so long Tuong
Summer in the sky
Summer out at sea
Summer in the city, in the blood

So long Tuong, so long Tuong
Hanfulds of earth covering up

So long Tuong, so long Tuong
Ca Na, Phan Thiet,
Chi Lang, the New Bridge neighborhood
Raise your hands close youe eyes

So long Tuong, so long Tuong
So long Tuong
Hanfulds of earth covering up.






No comments:

Post a Comment