Saturday, January 12, 2019

Xóm Cầu Mới


Xóm Cầu Mới
Mùa hè 1961 tôi theo Đẻ tôi rời Đà Lạt về ở hẳn Sài Gòn. Chuyện di chuyển này là điều tôi mong muốn nhưng lại không phải là điều tôi đáng hãnh diện kể ra. Tái ngộ Sài Gòn, tôi mang theo tâm trạng thua kém, do đó, kèm theo ý chí “làm lại cuộc đời”.
Tôi xin kể rõ hơn. Trong họ bên ngoại, tôi có mấy anh chị em cùng lứa tuổi. Họ thường “văn minh” hơn tôi vì luôn ở Thủ Đô, ở Hà Nội khi còn ở Bắc, ở Sài Gòn khi đã vào Nam. Họ học hai trường học danh tiếng cả nước là Chu Văn An và Trưng Vương. Vốn đã học sau họ một năm, lại mất thêm một năm Đệ Thất khi chuyển từ Quang Trung, Đà Lạt về Chu Văn An, Sài Gòn không được, nên học sau họ, người một năm, người hai năm trung học. Năm 1959, và 1960, họ đều dễ dàng đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Vậy mà năm 1961, tuổi thực của tôi là 18, tuổi thế vì khai sinh là 16, tôi lại thi trượt mảnh bằng này. Xấu hổ, tôi vui mừng khi Đẻ tôi quyết định về ở hẳn Sài Gòn, vì đây là cơ hội tôi “thi nhảy” năm tới. Đúng là cái trò hiếu thắng tuổi nhỏ.
Về Sài Gòn, Đẻ tôi và tôi ở chung với ông anh ngay kế tôi, anh Đỗ Quý Toàn, tại căn gác trong một hẻm đường Trần Khát Chân, Tân Định. Căn gác này trước đây ông anh trên anh Toàn, anh Đỗ Trọng Tường ở cùng anh Toàn. Thuở ấy có lúc vợ chồng anh Trần Dạ Từ, Nhã Ca đến tá túc với anh Tường ít lâu. Nghe anh Từ kể anh Tường rất thương vợ chồng anh. Chị Nhã Ca kể anh Tường cho chị tiền ăn sáng, trả tiền xích lô cho chị đi học trong khi anh đạp xe theo, coi hai vợ chồng chị như những đứa em nghèo. Có thể lúc đó chị Nhã mới từ Huế vào Sài Gòn, còn lạ lẫm rất nhiều chốn Thủ Đô. Chuyện này, xin quí vị đọc thêm phần “Anh Tôi” trong tập “Gia Đình Tôi.” Ở đây, nhân nhắc chuyện anh Từ và anh Tường, tôi xin vắn tắt chút ít. Dù ban đầu anh Từ là bạn anh Toàn nhưng anh Từ và anh Tường thân nhau, hợp nhau hơn. Hai anh cùng không được học cao, cùng ra đời sớm. Lọt vào giữa đám bạn có người thuộc loại trí thức, các anh chẳng ngại gì mà không thẳng cánh chỉ trích mấy tay đó về những cách hành xử thủ đoạn. Tôi nghe kể, ngay khi ở trên đất Mỹ này rồi, tức lúc anh Trần Dạ Từ chẳng còn trẻ trung gì, nhưng anh vẫn thẳng tay chửi một chàng bạn từ thuở còn “văn nghệ học sinh”, đại khái câu chửi như thế này, không bảo đảm đúng nguyên văn vì tam sao thất bản, nhưng ý chắc là đúng: “Tao không được học nhiều, còn mày là thằng đại trí thức, mà mày giữ yên lặng khi bọn nó đối xử với tao như vậy. Mày cố giả vờ làm kẻ vô can, cố giả vờ giữ bàn tay sạch để đứa khác nó bẩn, …Mày là thằng khốn nạn!” Chẳng vui thú gì khi nhắc chuyện này, bởi vì có đôi chút đụng đến thằng tôi. Tôi nhớ lại chỉ vì trong lòng luôn nhớ đến ông anh đáng kính, đáng yêu của tôi, anh Đỗ Trọng Tường, có thể vì những câu chửi đại loại  như vậy mà anh được phủ cờ khi tuổi chưa đến 30.
Trở lại, khi Đẻ tôi về, anh Tường đi ở nơi khác vì cả nhà chỉ có căn gác một phòng, diện tích chẳng bao nhiêu. Đúng ra, cầu thang từ dưới nhà đi lên, đi thẳng thì vào phòng ở, rẽ trái thì vào nhà bếp tạm, tức là một mảnh sàn gỗ nhỏ ngăn với phòng trên bằng bức tường. Mảnh nhỏ vì bằng diện tích nhà bếp tầng trệt, mất đi diện tích cho cầu thang, nhà bếp tạm vì thực ra chỉ kê đủ hai(?) cái lò than hay lò mạt cưa cho Đẻ tôi làm bếp. Lúc đó anh Tường lang bang những đâu không biết, cuối cùng thuê căn gác ở một con hẻm trên đường Lê Văn Duyệt, khu gần Phan Đình Phùng. Còn anh chị Từ, không rõ đi ở đâu, chắc là thuê được căn nhà nào khác vì chị Nhã đã có việc làm ở Trường Trung Học Tư Thục Thủ Khoa, trên đường Trần Hưng Đạo, gần khu Cô Giang, Cô Bắc. Có thể lúc đó anh Từ, chị Nhã Ca đã về ở một hẻm của đường Trần Quang Diệu. Còn chị tôi, chị Đỗ Thị Thảo, trên anh Tường, lúc đó mở “lều” may ở trên con đường sau này là đường đưa vào khu sĩ quan Chí Hòa. Chị ở luôn đó.
Về Sài Gòn, tôi đi kiếm việc làm để vừa đi học, vừa đi làm. Cần kiếm thêm tiền vì Đẻ tôi nghỉ hẳn buôn bán, 3 mẹ con chỉ trông vào lương dạy học của anh Toàn. Độ 2 tháng sau, anh Tường nhường tôi chỗ kèm trẻ trong ngõ Huỳnh Quang Tiên, khu gần Nhà Thờ Ba Chuông, mỗi tháng được độ 700 đồng. Anh cho tôi luôn chiếc xe đạp cọc cạch. Dần dần, tôi kiếm thêm được chỗ tư gia nữa, đỡ đần cho Đẻ tôi, và có tiền đóng tiền học tư.
Vậy thì, từ mùa hè năm 1961, tôi bắt đầu nhập cư “Xóm Cầu Mới”, Tân Định. Tên địa danh này luôn luôn reo vang trong tôi, có thể là vì trùng tên một tác phẩm của nhà văn Nhất Linh tuy hai “xóm” chẳng liên quan gì với nhau, và trong mấy năm ở đây, tôi chưa một lần nhìn tận mắt cây cầu bắc ngang sông (hay rạch?) nối với bờ bên khu Thái Lập Thành, Phú Nhuận. Lạ thay, ở tuổi ngoài 70, tôi lại là cư dân một khu có tên “Xóm Cầu Gỗ” (Wood Bridge Village) ở thành phố Irvine, California, xứ Hoa Kỳ. Đúng tên phải gọi là làng, nhưng chữ “Xóm” cho tôi cảm tưởng yên bình của tuổi thơ, nhỏ nhắn, thân thiện, xa nhiều điều kinh hãi của chốn Bolsa xa xa.
Cơ duyên ở khu Xóm Cầu Mới có lẽ bắt đầu từ chọn lựa của anh Đỗ Quý Toàn. Anh Toàn hồi nhỏ sống với một ông em Đẻ tôi, Cậu Cảo, ở Hà Nội. Vào Sài Gòn, đến lúc Đẻ tôi lên ở Đà Lạt, anh lại về với cậu ở đường Trần Khát Chân, mà cuối con đường này, đi ngoằn nghoèo sao đó, sẽ gặp cây “Cầu Mới”. Có thể lúc anh Toàn vào Đại Học Sư Phạm, và cũng là lúc anh Tường lang bạt các tỉnh trở lại Sài Gòn, các anh đi kiếm chỗ thuê, ở riêng. Chỗ đó, trong hẻm, cách nhà Cậu tôi (số 38?) vài trăm mét.
Tôi không nhớ con hẻm đi vào căn gác gia đình tôi ở mang số bao nhiêu, cũng không nhớ số nhà. Con hẻm đó cùng một bên với nhà cậu tôi, tức mang số chẵn, có thể là hẻm 54 chăng? Gia đình tôi thuê một căn gác sàn gỗ, dài chừng 10 mét, rộng gần 4 mét. Cầu thang lên gác bằng gỗ, bắt đầu từ bếp của nhà dưới. Ra, vào chúng tôi đi lối cửa bếp, tức cửa sau, chưa bao giờ tôi biết cửa chính căn nhà, cửa trước, ngay cả 2 năm sau, 1963, khi một người ở đơn vị anh Tường về, người ta cũng chỉ cho họ đi lối cửa bếp tìm tôi. Hằng ngày, cứ sáng sớm Đẻ tôi sai tôi đi mua lạng thịt bò, không nhớ mua ở đâu. Đẻ tôi băm nhỏ lạng thịt, rồi múc cháo hoa (cháo trắng) đổ vào tô thịt, thêm hành, tiêu, nước mắm cho vừa miệng. Thình thoảng tôi thấy Đẻ tôi đập thêm quả trứng gà lên phần thịt băm. Tô cháo dành cho anhToàn. Ngày nào cũng vậy, lẳng lặng ăn xong, anh đi học, hay đi dạy học. Lúc đó anh đang học Đại Học Sư Phạm, có lương. Anh là người kiếm tiền chính cho cả nhà, sức khỏe của anh là điều tối quan trọng. Khi nào anh Toàn ăn cơm trưa ở nhà, thường là Thứ Bẩy hay Chủ Nhật, tôi chạy ra tiệm bán nước ngọt và đá cục mang tên “Thụy Sĩ” ngay đầu hẻm, bên kia đường Trần Khát Chân, mua một chai bia con cọp, cổ lùn, và cục đá. Đó cũng là dịp vui của tôi, không chỉ vì được uống chút bia vì anh Toàn không uống hết, mà vì tôi có cơ hội gặp “cô Thụy Sĩ”. Không biết cô bé con ông chủ tiệm hiền lành tên gì, tôi đặt tên cho cô. Có lẽ cô mới chừng 13, 14 tuổi, nhưng nét e thẹn, luống cuống của cô khiến thằng học sinh nghèo cả tuần mới mua một chai bia thấy lòng xốn xang. Ông chủ tiệm, bán hàng cho khách, nhưng lại khuyên: “Bữa ăn mà uống nước đá lạnh, không tốt đâu cậu ạ. Mấy màng bao tử gặp lạnh sẽ co lại, không tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Cậu còn trẻ, cũng đừng uống bia nhiều, …” Tôi lý nhí biện giải, chỉ mong ông biết là tôi rất muốn nghe lời “dạy bảo” của ông, tưởng cứ như mình đang tranh quả cầu kén rể cho cô “Thụy Sĩ”.
Thuở ấy, tôi chưa từng được ở những căn nhà, căn phố trên đường phố lớn Sài Gòn, những biệt thự cây quanh bóng rủ, nên không rõ không khí “hàng xóm láng giềng” nơi đó ra sao. Những nơi tôi từng ở qua, nhà hàng xóm cứ như nhà mình, và ngược lại, nghĩa là những cãi cọ, gắt gỏng, vui đùa, con khóc, … của hàng xóm mình đều biết hết, bắt buộc phải biết, phải nghe, phải vui, phải buồn cùng cả xóm. Không hiểu người ta có thì thầm bao giờ không? Căn nhà tôi ở sát ngay con hẻm rộng chừng một mét hay mét rưỡi, mặt tiền căn nhà cũng là con hẻm chạy ngang, rộng khoảng 2 mét hay hơn. Như vậy “nhà tôi” chỉ chung một vách với nhà bên tay trái, tính từ trong nhà nhìn ra. Phần nhiều nhà nào cũng có lầu, một lầu. Bên kia con hẻm chạy sát bên phải nhà cũng là căn nhà có gác, và mấy cửa sổ đều nhìn qua nhau, có thể nói các cửa sổ nhìn nhau không nháy mắt, say đắm nhìn nhau cả ngày lẫn đêm. Từ mấy khung cửa đó, mỗi ngày, ngày nào cũng vậy, tôi không nhớ có ngày nào ngừng nghỉ không, một chàng thanh niên cởi trần, gầy lắm, đi đi lại lại trên gác, và hát bài “Chiều Mưa Biên Giới”, chỉ một bài đó mà thôi. Nhà tôi không có radio, không cách nào tôi “đổi” được bài hát, đổi được giọng hát. “Giờ phát thanh” của chàng bắt đầu từ 8 giờ sáng đến khoảng 4, 5 giờ chiều. Tôi đồ rằng lúc đó ông Bố chàng đi làm về, hoặc Bà Mẹ đóng cửa sạp bán ngoài chợ, hoặc cô chị, ông anh, tan sở, về nhà chỉ mong chút ít yên tĩnh, …? Nhớ lại, tôi không hiểu chàng có đi học không, cái anh chàng tôi đặt tên “Chiều Mưa”? Cứ hễ khi nào có mặt ở nhà, là tôi lại được đưa ra biên giới vào một chiều mưa. Có lần, bực quá, sau khi nghe chàng hỏi “chiều mưa biên giới anh đi về đâu?”, tôi hét lên: “Ông cóc biết!” Đẻ tôi la tôi, bảo không được làm thế, gây bất hòa. Cả đời Cụ chỉ mong “hòa”, mà cả đời đều thua, đến khi Cụ mất năm 1985, nhìn cái lò thiêu còn thô sơ, chiếc áo quan, rõ ràng ông anh rể mua giùm loại tốt nhất, lúc đó chỉ là một cái hòm bằng carton, cháy phừng phừng lập tức, khiến tôi cứ nghĩ Cụ lại thua mấy anh Cộng Sản lần nữa, sau lần 1954, rồi 1975.
Xóm Cầu Mới, nghe tưởng xa xôi vùng ven đô nào đó như Xóm Mới, Thạnh Lộc Thôn, Nhà Bè, Khánh Hội, … Thực ra Xóm Cầu Mới gần sát trung tâm Tân Định, tức là không phải ngoại ô Sài Gòn. Tân Định vẫn được coi là thuộc Quận Nhất của Sài Gòn, cái gì mà “nhất”, hẳn không phải đồ bỏ, không phải đồ chầu rìa. Nói vậy, để bớt đi cảm giác hèn mọn của một nơi chốn đi về không trọn vẹn. Gọi là hèn mọn vì thiêu thiếu một chút tiện nghi cho mọi chuyện của con người ngay trong ngôi nhà mình ở. Cảm giác đó cũng là do tôi thiếu lịch lãm, thiếu “tầm nhìn”, tưởng rằng cứ văn minh như Âu, Mỹ, mọi sinh hoạt trong nhà đều đầy đủ nơi chốn, chỉ một hai bước chân là tiện nghi có thừa. Sau này, chu du mấy lục địa, mới biết ngay ở “cái rốn” của một thời văn minh là Ba Lê, rất nhiều lần đi tắm, và … tôi cũng phải vào nơi công cộng. Tôi muốn kể chuyện “ngôi nhà tôi ở” ngày ấy, cũng chẳng kém Paris ngày nay là bao nhiêu, về mấy cái thứ nhu cầu “phù phiếm”.
Tôi cố hình dung lại ngôi nhà trong hẻm chúng tôi tá túc hơn hai năm, chỉ thấy được hình ảnh căn gác. Có một lần, từ cửa nhà bếp, tôi được nhìn bao quát tầng dưới nhà, tức là tầng trệt, cũng một phòng thông suốt như trên gác, tức là tầng lầu một. Hình như không có nhà tắm, nhà cầu? Không lẽ như vậy? Đẻ tôi và bà chủ nhà “xử lý vấn đề chất thải” (nói theo kiểu ngôn ngữ nước ta) ra làm sao? Có một khu cầu tiêu công cộng, xa nhà lắm, đi bộ nhanh cũng phải mất 20 phút là ít. Chẳng bao giờ tôi thấy Đẻ tôi đến đó. Có thể trong khu bếp có nhà cầu, nhưng chẳng hiểu vì sao không bao giờ tôi dùng, nên không rõ có hay không “căn phòng thư dãn” (rest room?) đó. Đúng ra, dưới bếp có một chỗ để tắm, và để làm chuyện nho nhỏ (không phải chuyện lớn – đại sự, có lẽ vì hay bị bế tắc, tức là hay có “sự cố”). Anh Toàn, khi đi học hoặc đi dậy học, đã có nơi chốn để trút bỏ phiền muộn. Chỉ có mình tôi được biết đến nơi khoáng đãng gió sông, nếu đến vào ban đêm thì đúng là “trăng thanh gió mát lồng lộng trên sóng nước”, nơi khi trút bầu tâm sự mình cũng được thông tin đầy đủ mọi chuyện trong nhà, ngoài xóm, cả chuyện Mỹ, Nga ủng oẳng ra làm sao, chuyện tuồng nào, hát cái gì ngoài mấy rạp xi nê Modern, Casino Đa Kao. Xin quí vị cố gắng nghe kể tiếp, dù biết hình ảnh gợi ra rất kém phần thơ mộng. Suốt hai năm trời, có lẽ tôi bị đến chục lần, quên xe đạp giữa chốn “bên sông” náo nhiệt. Anh Tường cho chiếc xe đạp để tôi đi học, đi gõ đầu trẻ, tôi cũng dùng luôn cho việc con người ai cũng phải làm.  Dùng xe đạp vừa kịp đà tiến triển cơ sinh lý hóa của mỗi sinh linh, vừa không mất thì giờ, nhất là tránh nhanh được những cái nhìn của cư dân trong những căn nhà lụp sụp gần đó, thực ra họ chỉ dửng dưng nhìn, nhưng mình cứ thấy kỳ kỳ làm sao, như người ta bảo thầm mình, tôi biết tỏng là bạn đi đâu rồi, đừng làm bộ vô tư. Có đến chục lần, sau đi nhẹ nhõm phần xác thân trần tục, tôi ra về thơ thới hân hoan. Có lúc đi về đến nhà biết ngay, có khi đợi đến chiều tối, anh Toàn bảo tôi đi mua cái gì đó trên đường Hai Bà Trưng, xa hơn cây số, loanh quanh tìm một hồi mới nhớ để quên xe đạp ở nơi trút bỏ dư thừa. Chạy bộ đến nơi, mừng quá, con ngựa sắt vẫn ngoan ngoãn ngả người vào lan can cây cầu đưa ra “nhà thủy tạ”. Cả ngày trời chẳng ai thèm nhìn đến. Thời đó, cái thời sau đế quốc Pháp, chơm chớm đế quốc Mỹ, người ta không nhặt của rơi ngoài đường.
Như vậy Xóm Cầu Mới không phải chốn quê mùa. Để đến được xóm người ta phải đi qua hàng chục tên tuổi lừng danh một thời trên các con đường huyết mạch, nhất là những ngôi trường tư, những hàng, quán ai ai cũng biết. Ở đây, bởi tôi trong những năm nán lại đất này chỉ là một tên cầu bơ cầu bất, có khi nào dám bén mảng đến cửa mấy nơi sang cả đó, nên xin miễn lạm bàn. Điều cuối cùng tôi muốn kể khi còn ở trong xóm, là một buổi chiều trời mưa rả rích (có lẽ giống với “chiều mưa biên giới”), tôi được gọi xuống nhà dưới. Ngay cửa bếp mở ra con hẻm cạnh nhà, một ông trong quân phục nhà binh chờ sẵn. Vẫn đứng trên vũng nước lầy lội, những giọt nước mưa lách qua hai mái nhà trên cao vẫn nhỏ đều đều xuống mũ, ông lính già lúng túng đưa tay ngang mũ chào tôi, rồi ông lại lúng túng mở ra mảnh giấy in mấy hàng chữ đánh máy, đưa tôi. Qua những gì tôi có thể nghe được, có thể hiểu được, tôi biết rằng anh Tường đã mất. Sau đó, ông lính già mạnh dạn hơn, bước vào bếp tránh những giọt nước quái ác đã thấm lên áo ông, lấy giấy bút, ghi lại những số điện thoại, những địa chỉ để sau này gia đình liên lạc. Ông hẹn sẽ trở lại ngày hôm sau để gặp Đẻ tôi và chị Lan, vợ anh Tường, để kể chi tiết mọi thứ chuyện đau buồn này. Chiều đó, Đẻ tôi đi vắng, chị Tường không ở cùng chúng tôi, chị ở căn gác anh Tường thuê trong hẻm đường Lê Văn Duyệt.
Ông lính già vội vã ra đi trong cái nhìn lặng lẽ của tôi. Chắc rằng tôi quên cảm ơn ông. Mà chắc ông cũng không hẳn là già như tôi nghĩ. Có lẽ đi làm cái việc đưa tin buồn, vào một buổi chiều Sài Gòn u ám, ai có thể giữ được dáng vẻ thanh xuân? Chưa kịp quay trở lên gác, ông chủ nhà chực sẵn bên cạnh từ bao giờ, nắm tay tôi kéo lại. Chuyện gì đó, cậu Bí. Tôi chỉ kịp nói anh Tường mất rồi, xong chạy vụt lên gác, nằm khóc.
Bây giờ tôi có thể trả lời câu hỏi đằng đẵng lâu nay, vì tôi đã biết chiều mưa biên giới anh tôi đi về đâu!
Mọi chuyện, ở đây, đã xong!
Tôi không còn có thể nói thêm gì về khu Xóm Cầu Mới.

Lời thưa: Có thể tôi không biết chính xác về khu “Xóm Cầu Mới – Tân Định”. Xin quí vị bỏ qua cho và chỉ lại cho rõ, tôi vô cùng biết ơn.



Quán Văn

Từ trái: Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc, Hoàng Xuân Sơn. Xa xa, trước cửa Quán Văn, một bạn sinh viên đang xem bảng thông báo để biết Thứ Sáu Tuần Này có chương trình gì. (Hình Đỗ Việt Anh)


Quán Văn
Một số vị đã viết và nói về Quán Văn, một quán cà phê giữa lòng Sài Gòn nhưng chỉ “sống” hơn nửa năm trời vào cuối năm 1967, đầu 1968. Tôi cả nể theo mấy người bạn biết rõ chuyện thúc tôi kể lại “sự tích” Quán Văn cho “rộng đường dư luận”. Cũng là một dịp tôi ghi lại một ít ký ức vụn lúc tuổi thanh xuân của “Đời Tôi”.
Đang băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu về “cuộc chơi” Quán Văn, tình cờ tôi được đọc mấy hàng chữ của Nhà văn Chu Hảo trong truyện dài “Bụi Đường” đăng ở báo “Chánh Pháp” số 82, Tháng 9, 2018, phát hành tại Quận Cam, California, khiến tôi tìm về cội nguồn sâu và xa hơn của Quán Văn. Phải giải thích ngay hai chữ “cuộc chơi”. Tôi vẫn hình dung cuộc đời như một chuyến “rong chơi” cho mọi sự nhẹ nhàng, cho lòng luôn thanh thản, nên với tôi, nửa năm trời Quán Văn cũng chỉ là một cuộc chơi ngắn ngủi. Và những điều Chu Hảo viết kéo tôi trở lại một cuộc chơi trước đó: “Nhóm Sinh Viên Văn Hóa” và Nhà Xuất Bản “Quảng Hóa”.
Nhà Văn Chu Hảo kể chuyện một người bạn để lại cho ông “cuốn Quân Vương (The Prince) của Machiavelli.” Sau đó ông chú thích trong ngoặc đơn “… (sau này tìm đọc lại tôi mới nhớ đó là bản dịch của Phan Huy Chiêm, chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp Le Prince). …” Điều đáng tiếc cho tôi là qua mấy hàng chữ đó, Nhà văn Chu Hảo không ghi lại tên nhà xuất bản. Bởi vì việc in tác phẩm đó là một cuộc chơi của tôi, nhưng không biết bản ông Chu Hảo nói đến để tên nhà xuất bản là “Nhóm Sinh Viên Văn Hóa” hay “Quảng Hóa”, và tôi thực sự quên đã “xuất bản” bản dịch này, dù cho từ việc in ấn mấy tác phẩm lúc đó đã nảy ra đầu mối các sinh họat của hai nhóm này, và sau đó gợi ý cho tôi lập ra Quán Văn.
Nhóm Sinh Viên Văn Hóa
Khoảng giữa năm 1966, đến 1967, tôi tham dự một số việc lặt vặt tại cơ sở CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường) ở góc Nguyễn Trung Trực, Gia Long, tức là khu Đại Học Văn Khoa cũ, và cũ hơn nữa là khu Khám Lớn, Sài Gòn. Tuy rằng làm việc trong CPS nhưng vị trí của tôi tương đối độc lập vì hầu như không thuộc một bộ phận nào, làm những việc do tự tôi nghĩ ra sao cho đáp ứng nhu cầu của CPS. Một trong những nhu cầu đó là tài liệu cho các sinh hoạt của giớ trẻ học đường. Có thể coi như tôi phụ trách việc tu thư, dịch thuật, nhưng chẳng ai trong CPS đưa ra một yêu cầu cụ thể nào cho tôi. Có lẽ do dây mơ rễ má từ hồi Chương Trình Hè 65 khiến tôi vào làm việc cho CPS. Đa số các anh em thành lập CPS đều thuộc giới giáo chức của Bộ Giáo Dục, CPS là một chương trình công tác của Bộ. Mấy anh đó phần lớn cũng từng sinh hoạt trong Chương Trình Hè 65. Riêng tôi, dù có dạy học kiếm ăn nhưng hoãn dịch với tư cách sinh viên trường Dược, không thuộc “nhóm các Thầy”, và bây giờ nhìn lại, cũng là do tính hay “đàn đúm”, hoặc như nhà báo Đỗ Ngọc Yến từng nói đến cái tính xung phong, tự nguyện của Hướng Đạo, mà tôi dính với CPS, như một năm trước đó, “dính” đến Hè 65.
Hai cái “dính” này có một sự liên tục nào đó trong trí tưởng thằng cù lần là tôi. “Cù Lần” vì hoàn toàn mù mờ về các sinh hoạt vũ trường, phòng trà sôi nổi trong lớp thanh niên thành thị lúc đó. Lúc ở Chương Trình Công Tác Hè 65 tôi đã manh nha hình thành một “Nhóm Hội Học”. Chương trình kéo dài có mấy tháng hè, ai thèm để ý chuyện hội học làm gì, nên chuyện chẳng đi đến đâu. Đến lúc vào CPS, ý tưởng cũ được làm “mới” hơn, và cụ thể hơn, sinh động hơn, tôi cổ võ thành lập “Nhóm Sinh Viên Văn Hóa”. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy đôi chút ngây ngô của mấy chữ này. Sinh viên văn hóa là cái gì? Nhưng lúc đó tránh mọi lấn cấn trong sinh hoạt chính trị chính em của thời sau 1963, tôi ghép đại mấy chữ vào với nhau. Nghĩa là “huề cả làng.”
Học lóm từ Đàm Trường của Cụ Nguyễn Đức Quỳnh, trong sinh hoạt của nhóm Sinh Viên Văn Hóa (SVVH) cũng có đàm trường (thay cho hội học), nhưng việc chính là biên soạn, dịch thuật một ít tài liệu về sinh hoạt thanh niên. Lúc đầu nhóm SVVH có một cậu học sinh là Phan Huy Đạt, phía sinh viên có mấy bạn Nguyễn Thạc, ĐB Ái và tôi. Nghĩa là chẳng nhiều nhặn gì do công việc quá “chìm’, không sôi động, và hoạt động thường xuyên chỉ có Đạt và tôi. Đúng ra phải nói thế này: Sau mấy công việc thực hiện cho CPS, tôi thấy mở ra nhiều cơ hội gây dựng sinh hoạt khác, nên lấy chuyện biên tập, dịch thuật, và hội học làm nền để thành lập một nhóm anh em làm việc chung. Dù sao cũng có một bản văn nho nhỏ nói về hoạt động hướng tới của nhóm (người ta gọi là tôn chỉ, mục đích, …). Chúng tôi không dám đại ngôn nên chỉ ghi ra mấy điều đơn giản bao gồm mấy chữ “sinh hoạt thanh niên sinh viên học sinh, tài liệu về tổ chức công việc, tài liệu của thanh niên các nước khác, …”. Bây giờ tôi không nhớ đã gọi bản văn đó là cái gì. Sau này, trong dịp Vũ Dũng phỏng vấn tôi cho một chương trình phát thanh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn tại Quán Thằng Bờm, tôi có nhắc đến những ý tưởng chủ đạo của mấy sinh hoạt lúc đó, chẳng hạn về mấy nguyên tắc của “đàm trường” như “tự do, tự nguyện, …”, rồi thêm những ý tưởng này nọ cái kiểu mấy “ông cụ non” tưởng như cứ sắn tay áo lên là cải tạo cả thế giới. Nhưng bảo tôi giờ này ghi lại mấy ý tưởng đó thì xin chịu. Đúng là một cuộc chơi. Vậy mà cụ Quỳnh tình cờ nghe chương trình đó, đã nhắn Vũ Dũng cụ rất chịu mấy điều tôi nói. Học lóm của Cụ mà.
Từ mấy ý tưởng vụn vặt nói trên, và thấy được nhu cầu của CPS, tôi cùng Phan Huy Đạt xúc tiến biên soạn một ít tài liệu. Bởi vì CPS trả tiền tôi theo sản phẩm, tùy kích thước lớn nhỏ, cần thiết mức độ nào, mà định giá. Trên thực tế, tôi làm dự án với ngân sách dự trù, nếu Ban Điều Hành CPS chấp thuận, tôi được thanh toán theo ngân sách đó sau khi làm xong.
Tôi không nhớ sản phẩm nào là đầu tiên, cái nào trước, cái nào sau, đại khái gồm mấy quyển sách, mấy tập tài liệu ronéo, mấy chương trình sinh hoạt. Những gì tôi còn nhớ gồm một tập “Trò Chơi Ở Trại” do tôi biên soạn, khoảng trên 100 trò chơi dùng trong các sinh hoạt chung của giới trẻ, hầu hết là những trò chơi của Hướng Đạo, và phần lý thuyết mở đầu của quyển sách cũng do một Huynh Trưởng Hướng Đạo soạn. Gần đây, một bạn Hướng Đạo cho biết còn giữ một tập nhạc dành cho sinh hoạt cộng đồng cũng do tôi sưu thập và CPS ấn hành. Tôi không nhớ tập nhạc này. Tập “Trò Chơi Ở Trại” là một dự án lớn vì số in lên đến 10,000 quyển. CPS mua hầu hết số sách này để dùng, và Nhóm SVVH nhận được một số tiền kha khá, đủ để tôi đi tậu một máy quay ronéo cũ. Trình bày bìa tập sách là một bạn trẻ trong nhóm Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn. Tôi sẽ kể về nhóm này sau, nhưng quí vị có thể tìm đọc những bài do Hoàng Xuân Sơn viết về giai đoạn này.
Một tập sách khác, đúng ra là một bản phóng dịch do Phan Huy Đạt và tôi thực hiện từ việc biên tập, đến đánh máy, đó là tập “Kibbutz, Những Đoàn Quân Khai Hoang Chiến Đấu”. Tập sách in khổ giấy viết thư (8.5 x 11), khoảng 80 trang, không nhớ in một mặt hay hai mặt. Nếu in một mặt thì chính chúng tôi in, nếu in hai mặt chắc là chúng tôi đưa bản stencil cho Mỹ Hiệp in và đóng. Số lượng tin khoảng 500 quyển hay hơn một ít. CPS “mua” một ít để chúng tôi có sách gửi tặng một số Ban Đại Diện trường Đại Học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt. Tập sách này chúng tôi gửi mấy ki ốt (kiosk - kiosque) sách trên đường Lê Lợi bán giùm. Đến nay tôi không nhớ nguyên bản quyển sách này như thế nào, tác giả là ai, bản tiếng Pháp chúng tôi dùng có phải bản dịch hay không, tựa quyển sách do chúng tôi tự đặt vì hình dung như một tập tài liệu và do chúng tôi nhìn tác phẩm như một ký sự về việc thành lập các kibbutz của người Do Thái. Chúng tôi chọn tác phẩm này có thể là do tình hình chung lúc đó, hoặc ít nhất cũng là tình hình do chúng tôi nhận định. Cũng có thể đó là lúc người ta nhắc đến nhiều về các “Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn.” Quyển sách này không phải là nhu cầu của CPS, và chúng tôi cũng không làm dự án thực hiện, nhưng vẫn hy vọng “bán” được một ít cho CPS để có kinh phí căn bản, sau đó bán ra ngoài thu lại vốn dần dần. Không phải đến bây giờ, mà ngay lúc tập sách đó đóng xong, tôi đã biết nó được làm ra một cách vội vã, văn chương luộm thuộm. Cái háo thắng của tuổi trẻ, sự thiếu nghiêm chỉnh trong công việc khiến tôi chỉ muốn chuyện in ấn mau xong để “đáp ứng” (đáp ứng cái gì? – vớ vẩn!) tình hình sinh hoạt đại học (?!) lúc đó. Ở tuổi xế chiều, nhìn lại thời trai trẻ, nhiều khi chúng ta mới nhận ra vị trí của mình trong một khung cảnh chính trị của một giai đoạn lịch sử. Bảo rằng mình là một con rối thì quá đáng, nhưng quả thực nhiều chuyện tưởng là hoàn toàn do mình lại có vẻ như đã được sắp xếp đâu đó. Và truyền thông, hoặc tuyên truyền, đã nhào nặn lên những chặng đường này nọ cho sinh hoạt xã hội.
Loạt sách "Que Sais Je ..." (Hình: Internet)
Nhắc lại về nhu cầu của CPS mà chúng tôi có thể đáp ứng là những tập tài liệu mỏng, đơn giản viết về các kỹ năng hội họp, kỹ năng thảo luận, kỹ năng làm việc chung. Sau 1963, nhiều cuộc hội họp trong giới trẻ được tổ chức từ qui mô nhỏ đến lớn. Mấy chuyện như làm sao tổ chức họp có hiệu quả, cách tổ chức phòng họp theo từng tính cách cuộc họp, theo số người, các dụng cụ, đồ vật, tập tài liệu, giấy tờ dùng cho cuộc họp, … đều là những ý niệm tương đối mới mẻ trong sinh hoạt trẻ. Từ tấm bảng đen với phấn trắng, phấn màu đến tấm bảng phủ nylong với bút chì mỡ là một khúc ngoặc thay đổi trong sinh hoạt quần chúng. Chúng tôi nghĩ cần cung cấp nhiều hơn cho mấy nhóm trẻ các bút chì mỡ này. Lúc đó có một loạt sách mỏng tiếng Pháp bán rất rẻ ngoài thị trường. Các quyển sách tiếng Pháp nhỏ in tranh các họa sĩ như VanGog, Renoir, Gaughin, … bán đầy các hiệu sách. Bên cạnh đó có loạt sách “Que Sais Je …” cũng bán với giá rẻ mạt. (Loạt sách này do Presses universitaires de France (PUF) xuất bản tại Pháp với những tựa sách đầu tiên in ra từ 1941.)
Chúng tôi đi các hiệu sách thu lượm mấy quyển này về soạn tài liệu. Chúng tôi biên soạn, đánh máy, quay ronéo, đóng tập, và gửi đi. Đa số là tài liệu về các phương pháp làm việc chung có thể đã được biết từ lâu ở học đường nhưng ít được nhắc đến. Một thí dụ, như tập “Savoir d’écouter” đưa ra các kỹ năng giúp nghe được tối đa những gì người khác đang nói, tập trung vào điểm chính, các kỹ năng đối thoại, thảo luận, ghi chép, ghi nhớ, … Hồi âm từ mấy trường đại học ở Miền Trung về Kibbutz và những tập tài liệu đã khích lệ chúng tôi, và ngay cả sau này khi chúng tôi lập Quán Văn cũng vẫn nhận được thư thăm hỏi từ các bạn đó. Một vài Ban Đại Diện Sinh Viên ở Sài Gòn yêu cầu chúng tôi cho nhiều bản in hơn …
Nối tiếp ý tưởng về một nhóm hội học, tôi đề nghị sinh hoạt Đàm Trường do nhu cầu học hỏi của chính bản thân tôi. Một lúc nào đó tôi sẽ trở lại hình thức sinh hoạt này vì không muốn kéo câu chuyện lan man quá xa với điểm chính là Quán Văn. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc tới mấy lá thư của các bạn sinh viên ở xa gửi về hỏi han chúng tôi kinh nghiệm chúng tôi đang trải qua. Ngoài chuyện xã giao cảm ơn, các bạn thường chú ý vào mấy điều sau, bây giờ tôi không nhớ hết: Làm sao tổ chức một nhóm như nhóm chúng tôi đang hoạt động?  Làm sao tổ chức một nơi sinh hoạt như Quán Văn? Đàm Trường là gì? Làm sao xuất bản những quyển sách? Tiền chúng tôi lấy ở đâu ra? Bao nhiêu thì đủ cho hoạt động? … Có một lá thư hỏi rõ: Có phải tiền của Phủ Đặc Ủy? CIA? Có thư đề nghị chúng tôi cho một bản chi tiết về tôn chỉ, đường lối, tổ chức, bầu bán, … Sau này chúng tôi phải soạn một tài liệu nhỏ, viết đơn giản, vắn tắt trong hai trang đánh máy, về những công việc chúng tôi đang làm, làm cách nào bắt đầu, … để gửi cho các bạn hỏi han. Nhìn chung, chúng tôi thấy việc làm của mình có ích, và vui, nhưng từ đó tôi tính đến chuyện “ra riêng.”
Nhà Xuất Bản Quảng Hóa

Ở đầu bài viết tôi nhắc chuyện tình cờ được đọc mấy hàng chữ của Nhà Văn Chu Hảo về tác phẩm “Quân Vương”. Không nhớ có phải đó là tác phẩm khởi đầu cho chuyện ra riêng và thành lập Nhà Xuất Bản Quảng Hóa? Có mấy cơ duyên đưa đẩy đến việc lập Nhà Xuất Bản. Tôi đã mang một ít tập sách ronéo “Kibbutz” ra gửi hiệu sách để bán. Dĩ nhiên nhà sách lớn như Khai Trí không tiện nhận lặt vặt như vậy, nên tôi tìm đến các vị chủ các quầy bán sách ngoài lề đường. Với huê hồng thật cao, hình như 50% hay hơn, các vị đó miễn cưỡng nhận giùm. Ai ngờ, sách bán cũng được, không đến nỗi ế chỏng ế trơ. Đó là một cơ duyên cho tôi quen biết sinh hoạt sách báo “ngoài chợ”, dẫn đến chuyện “phát hành” một ấn phẩm, và cuối cùng là cơ hội biết đến một người đặc biệt, vị này thúc đẩy tôi vào nghề “xuất bản”. Cơ duyên thứ hai là có bản dịch “Quân Vương”. Phan Huy Đạt, lúc đó đã học Đại Học thì phải, có Ông Cụ (ông Bố) đang làm báo, và đã dịch xong quyển Le Prince, Cụ đặt tên sách là “Quân Vương”.  Cụ tên Phan Huy Chiêm. Tôi biết tác phẩm này có được nhắc tới trong chương trình giảng dạy ở Luật Khoa Sài Gòn. Tôi nói Đạt xin cụ cho in ronéo và bán ngoài thị trường. Việc này hoàn toàn không dính đến CPS nên tôi phải tự bỏ vốn ra, và có đưa Cụ một số tiền nhỏ nhoi. Muốn làm một quyển sách đàng hoàng dù hình thức là ronéo, tôi nhờ Mỹ Hiệp (Mỹ Hiệp là một cơ sở về ronéo lớn quen thuộc của giới sinh viên) lo toàn bộ từ đánh máy, trình bày, đóng, cắt. Không nhớ số in đầu tiên là bao nhiêu, hình như 500 quyển, nhưng tôi dặn họ giữ các bản stencil để còn in thêm. Vài tuần sau phải in thêm thật, hình như thêm 2 lần nữa, mỗi lần đều có chút tiền “biếu” dịch giả. Tôi không nhớ những bản in này đề tên nhà xuất bản như thế nào. Có thể vẫn là “Nhóm Sinh Viên Văn Hóa”. Đến đây tôi được gặp “một vị đặc biệt” đã nói ở trên. Đó là anh Thành, vẫn được gọi là “Thành Hiện Đại”. Không biết có phải “Hiện Đại” là tên quầy bán sách của anh không? Tôi vẫn gọi quầy sách đó là “quầy sách Diệu Tâm” vì ở ngay trước cửa Pharmacy Diệu Tâm trên đường Lê Lợi. Một hôm, nhân lúc thu tiền bán Quân Vương ( hay giao thêm sách Quân Vương?), tôi cầm một tập nhạc Phạm Duy xem, buột mồm nói với Phan Huy Đạt: “Mình có thể xin anh Phạm Duy cho  in một tập nhạc …” Không ngờ vị khách hàng đứng bên cạnh vỗ vai tôi hỏi: “Anh có quen mấy ông văn sĩ, nhạc sĩ à, có thể xin tác phẩm của họ được không?” Tôi quay lại trả lời đại: “Được chứ anh, tôi cũng quen biết một số”. Có vẻ hơi đại ngôn, tôi nghĩ, nhưng thây kệ, mất mát gì đâu. Sau đó là cái hẹn vào trưa hôm sau, chúng tôi sẽ gặp nhau tại quầy sách này bàn chuyện tiếp. Tôi chẳng mấy tin tưởng vào chuyện hẹn hò này vì vị khách hàng kia trông bề ngoài còn “đơn sơ” hơn thằng sinh viên nghèo là tôi. Anh ta chắc hơn tôi chừng 3 hay 4 tuổi, lẹp kẹp kéo lê đôi dép Nhật Bản, quần kaki, áo trắng không thẳng thớm gì lắm bỏ ngoài quần … Nghĩa là cũng thuộc loại dân lang bang, ít tiền. Tuy nhiên, tôi giữ hẹn, và anh “Thành Hiện Đại” xuất hiện trước mắt tôi lần này vẫn như vậy.
Gặp lại, anh Thành tự giới thiệu tên, và nói quầy sách này của anh, giao cô em đứng bán vì anh bận chạy câu chuyện phát hành. (Không biết cô em phụ đó, sau này phải cáng đáng công việc của ông anh vì anh Thành bị “vồ quân dịch”, có phải là cô chủ tiệm băng nhạc Bích Thu Vân trong khu Phúc Lộc Thọ ở Quận Cam?) Anh kéo tôi vào tiệm Thanh Bạch ngay gần đó ăn trưa. Bây giờ tôi mới biết chính anh là người thúc đẩy thành lập một số nhà xuất bản nổi tiếng lúc đó, và anh lo chuyện phát hành sách của họ. Tôi không nhớ lắm, có thể đó là những nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm, Ca Dao, … Anh khuyến khích tôi làm nhà xuất bản với sự nâng đỡ ban đầu là giới thiệu nhà in để tôi không phải đặt tiền cọc, không phải trả tiền in trước một phần. Anh sẽ phát hành sách cho tôi, và trả khoảng từ 35% đến 40% , có thể đến 45%, trên giá bìa sách, nhân với tổng số sách in. Tỷ lệ tùy loại sách bán chạy hay không. Khi sách in xong, anh đưa ngay một nửa số tiền để tôi trả nhà in, sau đó chừng 2 hoặc 3 tuần anh bắt đầu trả số còn lại. Nghĩa là tôi không phải bỏ chút vốn nào, tuyệt vời là ở chỗ đó! Nếu tôi muốn huê hồng cao hơn, khoảng 50% trở lên, tôi phải tự lo trả tiền nhà in trước, và chắc rằng khi in xong tôi phải trả hết thì nhà in mới cho lấy sách ra. Thằng kiết xác là tôi dĩ nhiên thấy ngay con đường phải lựa chọn.


Bữa ăn trưa kéo dài gần 2 tiếng, và tôi biết thêm về nhân vật đặc biệt này. Anh kể chuyện làm việc với mấy nhà xuất bản kia. Các ông bà văn sĩ, hoặc trí thức chủ các nhà xuất bản thường là mù tịt về thị hiếu, thị trường ngoài đời. Anh Thành không phải người học nhiều, nhưng anh bám sát được tình hình sách báo ngoại quốc, nhanh, nhạy về các tác phẩm mới xuất hiện ở tận bên trời Âu, Mỹ. Anh biết được hiện nay độc giả thích loại sách nào, những vấn đề gì. Anh cười nói: “Nhiều khi những quyển sách bí hiểm, đọc mãi cũng chẳng biết họ nói gì, lại bán được lắm!” Anh thường là người lựa đề tài, lựa tác phẩm để dịch, và đặt tựa cho các tác phẩm, hình dung bìa ngoài cuốn sách. Làm việc với anh sau này, tôi hiểu được những lý luận của anh và hoàn toàn tin tưởng ở những thẩm định thị trường sách báo của anh, khiếu thẩm mỹ đại chúng của anh. Mãi về sau này tôi vẫn bị bất ngờ về những ý kiến, những nhận định của anh về mấy chuyện liên quan sách báo, liên quan độc giả. Tôi muốn ghi ở đây một khía cạnh khác của anh là lòng trân trọng với những tác giả, kể cả tác giả “không chạy” nhưng anh biết, anh nghe nói về giá trị của ông (bà) ta, về tác phẩm, cho dù có lần anh thú nhận “Mình cũng chẳng hiểu gì lắm những điều ông ấy viết, cũng không khoái đọc mấy điều đó, nhưng có gặp ông ấy rồi, thấy người có lòng quá, …” Trả lời thắc mắc của tôi rằng thế thì anh lỗ vốn sao? khi anh anh kể là có hứa với nhà xuất bản sẽ trả tiền  đều đều dù chẳng bán được bao nhiêu, anh cười: “Nguyên tắc là anh khỏe cõng anh yếu. Mình khuyến khích các nhà xuất bản lựa sách bán chạy, nhưng cũng giúp họ giải quyết những tác phẩm mười năm”. Ý anh nói 10 năm may ra mới bán hết một ngàn quyển. Triết lý của anh là “Không phải chỉ giúp các tác giả mà còn phải cho các độc giả kén sách được có những quyển sách (lạ lùng) đó”. Người ta bảo nhà phát hành sách ăn trên đầu trên cổ từ tác giả đến nhà xuất bản. Tôi không biết “đầu với cổ” như thế nào nhưng ở anh Thành, tôi ngưỡng mộ anh như một người làm văn hóa. Cần một quyển sách viết về nhà phát hành lề đường này, không một bàn giấy, không một văn phòng, nhưng những “đầu sách” nổi tiếng lúc đó thường qua tay anh, và sau này, từ những ngày đầu của cuộc sốn lưu vong trên đất Mỹ, anh cũng đầu têu ra chuyện cung cấp băng, đĩa nhạc xưa cho người Việt Nam tỵ nạn.
Chúng tôi thỏa thuận quyển sách đầu tiên của nhà xuất bản mới này sẽ là sao y bản cũ, tức bản dịch “Quân Vương”, nhưng in tipo đàng hoàng, số in 1,000 cuốn (vì không phải loại ăn khách), đồng thời tôi phải xúc tiến một tập nhạc Phạm Duy để trong vòng vài ba tháng có mặt tại các hiệu sách toàn quốc. Chỉ là thỏa thuận miệng, không giấy tờ, không ghi chép. Trước khi đứng lên, anh móc túi một xấp tiền dày cộm, tách ra một tếp mỏng đưa tôi, nói: “Anh cầm tạm một ngàn rưởi dằn túi.” Tôi bỡ ngỡ trả lời: “Anh Thành, anh đâu biết tôi là ai, ở đâu, chắc gì tôi lấy được các sách, truyện để in, sao đưa nhiều thế?” Anh cười cười, nói theo kiểu bông đùa: “Tôi biết coi tướng mà … Làm ăn, anh cần có đồng tiền dằn túi. Anh phải cà phê cà pháo với mấy ông bà văn sĩ, nhạc sĩ, sau này anh cũng phải nhậm xà, đôi khi cưa vài chai bia với mấy ông chủ nhà in, rồi mấy tay xếp chữ, mấy tay chạy máy, … nhiều chuyện lắm, từ từ tôi giới thiệu, …” Tôi được một bài học vỡ lòng về “làm ăn”, dù là làm văn nghệ văn gừng, văn chương chữ nghĩa. Tôi cảm ơn anh Thành, hân hoan ra về. Tôi dạy học tóe khói mỗi tháng cũng chỉ kiếm được 2 ngàn đồng, đưa Mẹ tôi gần hết, chừa lại ít tiền cà phê hủ tíu, vậy mà bây giờ trong túi bỗng dưng có một ngàn rưởi, mà anh Thành nói trước “không tính trừ vào tiền sau này đâu”. Tôi tự hỏi lòng sao anh này kỳ thế nhỉ. Anh ta có thể biết tên tôi (không rõ có biết thật không), nhưng không biết tôi ở đâu, thực sự làm nghề ngỗng gì, khơi khơi đưa tiền tiêu chơi, không ràng buộc, không cầm cố. Đáng nể thật!
Về nhà, tức là về căn phòng tôi “chiếm” được ở khu nhà tiền chế trụ sở CPS, tôi họp anh em lại. Lúc này, Nguyễn Thạc sau khi trình diễn độc tấu guitar cổ điển trong một chương trình bỏ túi của Nhóm Sinh Viên Văn Hóa, cho biết có khi phải đi tìm nơi tá túc vì đã xong cử nhân ở Đại Học, không nhớ chàng có cử nhân gì, nên thưa bén mảng đến với nhóm. Các bạn có mặt gồm Phan Huy Đạt, Đinh Bá Ái, thêm Lưu Trọng Đạt (gọi là Đạt lớn) đang học Vạn Hạnh. Tôi trình bày cuộc gặp anh Thành, móc túi ra 1,500 đồng Việt Nam Cộng Hòa. Mọi người trố mắt, phục lăn. Đúng là mèo mù vớ cá rán. Tôi đề nghị, theo khuyến cáo của anh Thành, phải có tên một nhà xuất bản. Mấy bạn Ái, Đạt Lớn xưa nay coi chuyện sinh hoạt với chúng tôi như một cuộc vui chơi bên lề, giống như đi pinic, cắm trại. Ái còn nhiều chuyện bên Ban Đại Diện Dược Khoa, Đạt lớn còn lo ẩn náu ở Vạn Hạnh. Hai bạn hoàn toàn để tôi quyết định mọi chuyện, lâu lâu cho họ tin tức kèm theo chầu cà phê, thuốc lá là đủ rồi, tức là coi như tôi đã 'báo cáo hoạt động nhóm".  Tôi và Đạt nhỏ bốc thăm giữa tên mấy cô quen biết, bốc đúng tên cô Quảng Hóa. Nhà Xuất Bản có tên Quảng Hóa từ đấy.
Có lẽ “Quân Vương”, bản in typo, là sách đầu tiên mang tên “Nhà Xuất Bản Quảng Hóa”. Một năm sau, hay nửa năm sau(?), tôi mới in được tập nhạc “Thế Giới Ca (?)” của Phạm Duy. Sau đó là tập “Những Ca Khúc Cho Ngày Mai” (vào năm 1970), … Không nhớ do những trục trặc nào, hoặc do Nhạc sĩ Phạm Duy chần trờ trong việc chọn lựa bài để in, hoặc lúc đó Nhạc sĩ không ở Sài Gòn, không ở trong nước, hoặc việc kẻ khuôn nhạc, xếp chữ vào khuôn nhạc bị chậm, … mà chúng tôi không giữ đúng hẹn với anh Thành. Nhưng cuối cùng Quảng Hóa cũng xuất bản mấy tập nhạc của Phạm Duy. Trong thời gian đó tôi in “Những Bài Ca Khai Phá” của Nguyễn Đức Quang với sự trợ giúp của nhà in Việt Tấn Xã do hai anh Trần Văn Ngô và Lê Đình Điểu giới thiệu, vì tập nhạc là bản in Offset màu, in ở ngoài giá đắt hơn nhiều.
Nhà Xuất Bản Quảng Hóa do 4 đứa chúng tôi chủ trương, không dính đến Nhóm Sinh Viên Văn Hóa. Ý tôi nói không dính về phương diện quản trị, về tài chính, về hoạt động, và phải nói là hầu như do một mình tôi trông nom mọi thứ từ A đến Z việc xuất bản. Nhưng thực ra, từ những bản in ronéo thuở ban đầu của nhóm Sinh Viên Văn Hóa mới đến được bản in tipo của Quảng Hóa. Sở dĩ tôi quyết định “không dính” dễ dàng vì trên thực tế, mọi việc của nhóm cũng chỉ mình tôi quyết định và làm từ đầu đến cuối, Đạt nhỏ tham dự chút ít, còn mấy anh em khác thỉnh thoảng hụ hợ cho xôm tụ. Điều thứ nhì là Quảng Hóa không dính đến Quán Văn vì thực sự tôi không rõ lúc đó có Quán Văn chưa, kinh nghiệm Phiếu Thân Hữu Quán Văn và Phiếu Thân Hữu Quảng Hóa, cái nào có trước. Phiếu của Quán Văn in ronéo sơ sài, còn phiếu của nhà xuất bản in typo hai màu đàng hoàng. Mệnh giá của phiếu Quảng Hóa là Một Trăm Đồng. Mỗi khi một tác phẩm do Quảng Hóa xuất bản, chúng tôi gửi cho người mua phiếu và tính trừ vào trị giá phiếu khoảng 70% theo giá đề quyển sách. Hình như có khoảng 30 vị độc giả mua, với tinh thần giúp đỡ hơn là mua sách. Hầu hết là những anh em thân thiết. Một vị khách mua đặc biệt là ông Trần Chánh Thành, từng có lúc là Bộ Trưởng Ngoại Giao (thời Chính Phủ Ngô Đình Diệm?) Anh Đỗ Ngọc Yến đưa tôi đến gặp ông. Ông lịch sự nghe tôi trình bày về nhà xuất bản, và tặng ngay Hai Ngàn Đồng, cũng chẳng nhận phiếu vì e rằng ông sẽ để thất lạc. Hồi đó giá ngoài bìa một quyển sách thường từ 10 đồng đến vài chục đồng. Ông nói khi nào có quyển gì hay, cứ gửi cho ông. Các món nợ này chẳng bao giờ tôi trả được, hoặc nói theo kiểu các Cụ Thích Ca, Khổng Tử, tôi trả bằng cách đưa người khác. Viện dẫn ý này để tự mình bớt đi phần lúng túng, ngượng ngùng mà thôi.
Do các giao dịch trong xuất bản, với những tình cờ gặp gỡ ngoài lề, ý nghĩ mở một sinh hoạt trình diễn “sống” đến với tôi từ lâu nay có cơ hội thành hình. Cho nên tôi cho rằng hai nhóm sinh hoạt chính tôi kể trên là cơ duyên cho cội nguồn sâu và đậm của Quán Văn. Đặc biệt là nhờ vốn liếng vẫn giữ được từ khu vực xuất bản mà tôi dám mạnh dạn lập nên Quán Văn bởi lúc ban đầu Quán Văn chưa nhận được đồng nào từ bên ngoài mà đã phải hoạt động. Gọi là do anh em đóng góp, thực ra chỉ là tượng trưng, chắc rằng chỉ đủ mua vài chục cái ly, còn vốn liếng chính lấy từ "Nhà Xuất Bản".

Quán Văn


Cuối cùng, tôi xin kể chuyện Quán Văn. Không có nghĩa chuyện Quán Văn là chuyện đến sau cùng, việc “làm Quán Văn” là việc làm sau mấy việc kia. Nếu tôi có kể mấy việc làm kia trước, vì như tôi đã nói bên trên, mấy việc đó là nguyên nhân sâu và xa cho chuyện hình thành Quán Văn. Nhưng Quán Văn xuất hiện ngay từ khi mấy chuyện kia đang tiếp diễn, đang lúc công việc xuất bản hoạt động. Bởi vì, do những sinh hoạt trình diễn bỏ túi của Nhóm Sinh Viên Văn Hóa mà số người dự nhiều khi chỉ khoảng hơn chục người quen biết, do những chuyện in ấn, giao dịch với các văn nghệ sĩ, trong đầu tôi manh nha chuyện biến Đàm Trường của những vấn đề nghiêm chỉnh thành hình thức hào hứng hơn, biến sinh hoạt trình diễn bỏ túi thành sinh hoạt đông người thưởng ngoạn hơn. Thí nghiệm đầu tiên là buổi đọc thơ “Đêm Việt Nam” của Thi sĩ Đỗ Quý Toàn (cũng cây nhà lá vườn, dễ tổ chức, vì ông Toàn là anh tôi.)
Đỗ Tăng Bí tại Quán Văn
Có người nhớ rằng “Đêm Việt Nam” là một buổi đọc thơ của Quán Văn, thực ra buổi đọc thơ này xẩy ra trước khi thành lập Quán Văn, và có vẻ như là một sinh hoạt của "Nhóm Sinh Viên Văn Hóa". Như bên trên tôi nói, đây là một buổi tụ họp lớn khởi đầu, không giống các buổi sinh hoạt khác trước đây của nhóm, chỉ chừng 20 người là nhiều. Mặt khác, trong các bài viết trên "mạng", có người xem việc mở ra Quán Văn là một chuyện tình cờ, cũng không hẳn là vậy. Cũng như nhiều chuyện khác trong cuộc đời, tùy góc độ của mỗi người mà sự kiện được nhìn khác nhau, và chẳng có ai sai, chẳng có ai đúng hòa toàn. Cũng có người cho rằng Quán Văn là một sinh hoạt của CPS. Không thể nói là sai, nhưng cũng không hẳn đúng. Từ từ chúng ta sẽ tìm hiểu thêm, và tùy cách nhìn mà gọi tên sự việc.
Bây giờ tôi còn giữ được tấm hình chụp một cậu em Hướng Đạo tên Sơn và tôi. Chúng tôi ườn oài trên chiếc giường gập nhà binh kê trong “phòng tôi” ở trụ sở CPS. Trên tường ngay sát sau giường còn căng tấm vải trắng với hàng chữ “đêm Việt”. Hình không chụp hết chiều dài tấm banderole, có lẽ chữ đầy đủ là “Buổi đọc thơ “đêm Việt Nam””. Đàng sau tấm hình có ghi “Đêm 30 tết Đinh Mùi.” Nghĩa là tấm hình chụp vào đêm 30 tết năm Đinh Mùi, 1967. Theo thói quen, người ta gọi đêm giao thừa là đêm 30 tết của năm tiếp theo. Tính đúng, đêm hôm đó nếu chưa qua 12 giờ khuya, thì thuộc năm Tỵ, chứ không phải năm Mùi. Thực ra, năm Tỵ (1966), Tháng Chạp chỉ có 29 ngày, không có ngày 30. Có lẽ tôi đã ghi sai theo thói quen “đêm 30” là đêm trừ tịch, trước ngày 1 Tết năm sau. Ngày 29 Tháng Chạp âm lịch đó nhằm ngày 8 Tháng 2, năm 1967. Tấm hình giúp tôi nhớ lại không khí buổi đọc thơ trước đó ít ngày, không nhớ rõ ngày nào, có thể trước đó mấy tuần không chừng. Tối đó, tôi nhờ cậu em tên Sơn đó đứng bán tập thơ “Đêm Việt Nam” ngay trên lối vào phòng đọc thơ trong khu trụ sở CPS. Chúng tôi bán ngay tối đó vì muốn “thu vốn” đươc chừng nào hay chừng đó. Sau này, anh Toàn trả lời một cuộc phỏng vấn nói rằng tập thơ do một nhóm sinh viên văn khoa in. Có lẽ anh quên, hay nhầm chữ Văn Hóa thành văn khoa. Như tôi nói, muốn thí nghiệm một hình thức sinh hoạt đông đảo hơn, tôi tổ chức đêm đọc thơ. Tập thơ không phải là một dự án của CPS mà do Nhóm SVVH in. Bìa và phụ bản của Họa Sĩ Nguyễn Trung, nhà in Mỹ Hiệp. Sau này tôi có gửi bán tập “Đêm Việt Nam” ở mấy quầy sách đường Lê Lợi, như mấy quyển “Kibbutz”, … (Bạn Sơn hiện (2016) đang ở Mississippi).
Bí và Sơn tại CPS
Cơ duyên của Quán Văn dễ dàng đến hơn khi CPS tổ chức công việc cất nhà cho đồng bào vùng giới tuyến ở Do Linh, Quảng Trị. Một số thanh niên, sinh viên thực tập dựng căn nhà mẫu ngay tại sân trước trụ sở CPS, 69 bis Gia Long. Thực tập xong, căn nhà vách phên nứa, mái tôn, 2 gian, còn để lại. Hồi Chương Trình Công Tác Hè 1965, một công trường dựng nhà cho đồng bào Tỵ Nạn Cộng Sản ở Thạnh Lộc Thôn, Gò Vấp cũng đã được tổ chức. Nhiều anh em tham dự công trường đó nên bây giờ thành thạo tổ chức cho công trường này. Hồi đó các bạn sinh viên hơi lúng túng vì chưa ai biết việc, bây giờ cẩn thận, Ban Tổ Chức cho một số bạn làm quen trước để ra ngoài Trung hướng dẫn các bạn khác. Căn nhà, đúng ra là một căn lều, để lại như một kỷ niệm.
Thường thường, mỗi tuần tôi có vài, ba ngày không phải đi sớm đến trường học, nên hay rủ mấy bạn sinh viên đang trú đóng trong trụ sở CPS đi uống cà phê xe bà Tàu góc Nguyễn Trung Trực, Gia Long.. Trụ sở CPS mới đầu gồm 3 dẫy nhà tiền chế. Dẫy trước ngay lối cổng chính từ đường Gia Long đi vào, nằm vuông góc với đường Gia Long, là khu chính gồm các văn phòng của CPS. Rất nhiều phòng nên Nhóm Sinh Viên Văn Hóa cũng “chiếm” một phòng. Sau dẫy nhà chính này là một khoảng sân rộng, rồi đến một dẫy nhà song song chạy dọc theo hàng rào của đường Công Lý. Gạch nối hai dãy nhà trên là một dẫy nhà nằm ngang, chúng tôi quen gọi là “nhà dưới”. Sau này CPS chỉ còn giữ dẫy chính và dẫy nhà dưới. Một số bạn sinh viên hoặc thích sống lang bạt kỳ hồ, hoặc do từ Miền Trung vào, trú đóng thường trực ở dẫy nhà dưới. Có lẽ các bạn được coi như một dạng nhân viên nào đó của CPS, tôi không rõ lắm chuyện này, cũng chẳng biết các bạn làm gì rõ ràng cho CPS. Hình như các bạn cũng tổ chức thành nhóm gì đó. Tôi làm việc, ăn, ở khu “nhà trên”, sau này thấy có phòng trống ở dưới, nên di tản xuống ở dưới đó, để “văn phòng” của tôi trên này trông tươm tất hơn. Vô tình tôi như đóng vai gạch nối giữa hai “khối” nhà, giữa hai “khối” người. Căn phòng tôi ở khu nhà dưới đôi khi cho vài bạn trong nhóm đó làm chuyện nghịch ngợm, giải trí. Thỉnh thoảng họ lẻn vào nhà kho phía sau, chung vách với phòng tôi, xoi lỗ qua vách làm bằng bìa ép (hay ván ép?) xem may ra có chuyện gì vui vui trong phòng tôi? Cũng là một cơ hội “giúp ích” các bạn. Nhiều công việc của Nhóm Sinh Viên Văn Hóa cần có sự tiếp tay của các bạn “nhà dưới”, như chuyển lời mời tham dự các sự kiện đến bạn bè sinh viên, giúp một tay trong việc trang hoàng, xếp đặt bàn ghế, đóng gói tài liệu để gửi đi. Bìa cuốn “Trò Chơi Ở Trại” do bạn Tiên trong nhóm đó trình bày. Các bạn như các nhóm viên vòng ngoài của nhóm SVVH.
Trong một buổi cà phê sáng ở xe Bà Tầu, tôi nêu câu hỏi với các bạn nhà dưới: Tại sao mình cứ phải trả tiền cà phê thế này nhỉ? Tại sao mình không tổ chức việc bán cà phê tại khu mình ở, vừa đỡ tốn tiền, may ra có thêm tiền túi? Mình có căn lều đẹp quá mà? Các bạn lao xao hưởng ứng, bèn kéo nhau về ngồi cái bàn ngoài hành lang “nhà trên” thảo luận tiếp. Nhìn lại, quả thực căn nhà mẫu nép dưới mấy cây (cây gì?) tàn lá rộng trông khá thơ mộng. Diện tích chẳng rộng bao nhiêu, kê được 4 cái bàn con cóc là chật rồi, nhưng còn ngoài sân. Một sân xi măng có tường thấp bao quanh như ghế ngồi. Rất thuận tiện. Các bạn nêu chuyện kinh phí, không phải là nhỏ. Tôi hứa giải quyết được. Thế là coi như đồng ý. Lúc chọn tên, nhiều tên ngộ ghĩnh hoặc nghiêm chỉnh được nêu ra. Tôi lấy chữ Văn Hóa trong tên nhóm đề nghị: Nhưng không ai gọi Quán Cà Phê Văn Hóa cả, nên gọi tắt là “Quán Văn”, bỏ luôn chữ cà phê luôn. Mọi người đồng ý vì hai chữ “Quán Văn”  vừa giản dị, vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa, cho ta hình tượng đẹp, lãng mạn, nhất là dễ nhớ. Bạn Tiên nhận kẻ “bảng hiệu”. Sau này, đó là một bảng hiệu đẹp, chữ nâu trên một tấm ván ép.
Các bạn nhà dưới chỉ nghĩ tiền vốn là khó khăn duy nhất, mặc dù nó là một số tiền không nhỏ thật, nhưng tôi có thể giải quyết do những tích tụ từ khu vực xuất bản. Nhưng còn những khó khăn khác các bạn không thấy, mà tôi cũng chưa từng nêu ra để các bạn đỡ ngại ngùng, mà bản thân tôi cũng không giải quyết được: Chuyện giấy phép buôn bán, chuyện giấy phép tụ họp khi quán quá đông, chuyện an ninh khi tụ họp đông người. Thời điểm đó Sài Gòn còn giới nghiêm dù chỉ mấy giờ mỗi đêm, nhưng được phép tụ họp không phải là chuyện dễ, những trái lựu đạn có thể bất ngờ được tung ra. Lúc này phải nhờ đến Ban Diều Hành CPS, đúng ra lại phải nhờ anh Đỗ Ngọc Yến. Anh Yến không ở trong CPS, nhưng trong các sinh hoạt thanh niên, sing viên, học sinh, anh vẫn là một bàn tay gõ được nhiều cửa. Tôi nhớ một buổi hội họp tại sân trước CPS có Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đến dự, anh Đỗ Ngọc Yến là người đọc diễn văn đón chào trước khi ông Kỳ nói chuyện. Như vậy buổi này chính là buổi lễ xuất phát của Công Trường Vùng Giới Tuyến (hình như tên như vậy?) của thanh niên, sinh viên Sài Gòn, làm nhà cho đồng bào Miền Trung, mà anh Yến là “Trại trưởng?”. Nếu là một buổi lễ khác của CPS thì anh Yến không phải là người đọc diễn văn vì anh là “người ngoài”. Buổi lễ diễn ra ngay trước “căn nhà mẫu” mà các sinh viên mới dựng lên. Tôi nhớ buổi lễ này vì tôi là người viết bài nói chuyện của anh Yến. Do hiểu lầm 18 giờ , tức 6 giờ chiều với 8 giờ (tối) mà tôi trễ nải chuyện bắt đầu viết. Cho nên anh Yến vừa đứng trên bục đọc (hay nói bịa thêm?), vừa để một tay sau lưng để anh em ngồi hàng ghế sát đó chuyền những tờ giấy tôi viết vội lên cho anh. Cái khổ của kẻ viết ngồi trong phòng là vừa phải nghe tiếng anh Yến oang oang trên loa phóng thanh những điều mình mới viết, vừa phải suy nghĩ viết tiếp. Cuối cùng cũng xong. Như vậy, dù không giữ chức vụ gì rõ rệt ở CPS, anh Yến vẫn là một nhân vật uy tín trong sinh hoạt học đường. Cho nên, hoặc anh Đỗ Ngọc Yến cùng vài anh trong Ban Điều Hành CPS, hoặc một mình anh, hoặc anh móc nối cho mấy anh CPS, họ gặp Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia lúc đó (Tướng Nguyễn Ngọc Loan?), họ cũng gặp Đô Trưởng (hay văn phòng Đô Trưởng?), họ gặp những ai đó tôi không nhớ, không rõ, để trình bày sinh hoạt hằng đêm của một nhóm sinh viên tại trụ sở CPS, tức là chuyện tụ họp uống cà phê tại Quán Văn. Chúng tôi được cho phép ngầm. Chẳng hiểu mỗi đêm trên sân cỏ của quán có mấy vị an ninh chìm? Có vị nào thuộc Phủ Đặc Ủy? Và có vị nào thuộc giới bưng biền? Suốt giai đoạn đó tôi luôn ý thức rằng nơi chốn này là một sân chơi, chưa biết bao giờ, chuyện gì, sẽ xẩy ra?
Trở lại chuyện khi có người nói “Quán Văn” là của CPS thì quả thực không sai mà cũng không đúng lắm. Không sai vì chúng tôi sinh hoạt trong khuôn viên CPS, dùng các tiện nghi của CPS, không sai vì CPS “đứng bảo lãnh” đối với các giới chức chính quyền. Không đúng lắm vì CPS chẳng hề can dự gì vào chuyện tổ chức, điều hành, tiền ra tiền vào của Quán. CPS không hề biết, hay nghĩ đến, chuyện có một cơ sở sinh hoạt là Quán Văn. Tôi bàn chuyện làm quán với mấy bạn sinh viên, xong hết rồi mới nêu chuyện an ninh với CPS và tìm đến anh Đỗ Ngọc Yến. Ngay cả sau mấy tuần lễ hoạt động, tôi phát triển sinh hoạt thành “Chương Trình Những Đêm Thứ Sáu”, mấy vị trong CPS cũng không biết. Tôi nói những điều trên với giả định trong số anh em làm quán không có ai ‘nằm vùng” cho CPS. Thật thê thảm, thật đáng thương cho đất nước mình khi cứ phải nhớ đến mấy chữ chẳng hay ho gì này. Đến bây giờ, sống ở xứ sở mệnh danh mảnh đất tự do, vẫn mấy chữ đó lảng vảng đâu đây trong đời sống chúng ta.
Đến nhờ cậy anh Đỗ Ngọc Yến tôi phải trình bày chuyện Quán Văn với những ý nghĩa thời sự của nó, ý nghĩa nối tiếp sinh hoạt cần thiết dành cho giới thanh niên thành thị đã được đánh động từ Chương Trình Hè 65, bên cạnh mối lo canh cánh của quân dịch, của động viên, của chiến tranh. CPS là một chương trình của Bộ Giáo Dục, do các nhà mô phạm dẫn dắt, hoạt động trong giới học sinh, trong học đường, vẫn là một cái gì khuôn phép, gò bó. Thanh niên cần một cái gì khơi mở hơn, thoáng đãng hơn, dù có bị hạn chế của một đất nước có chiến tranh, nhưng vẫn mong có vùng đất nhiều khí trời tự do để hít thở. Thanh niên thích những khu vực có thể tỏ bày “lý tưởng” trong khung cảnh thư dãn vì hai chữ đó đang được nhiều bên cổ xúy. Tương tự, trước đây mấy tháng (khoảng đầu 1967), việc ấn hành “Kibbutz” như một gợi ý cho “những người nhiệt huyết”, những người muốn sắn tay áo ngay, lao vào ngay một khu vực xây dựng đất nước. Trong mấy anh em CPS, tôi chỉ trình bày kiểu này với anh Trần Đại Lộc, một người Miền Nam hơn tôi có một tuổi, lý tưởng mà xuề xòa, nghệ sĩ mà thực tế. Anh Lộc cho tôi mượn chiếc máy magnetophone duy nhất của anh và mấy băng nhạc Phạm Duy để chạy tại quán từ những ngày đầu, và chạy đến mòn băng, mòn đầu máy. Xin thú nhận,  mấy ý trên chỉ là ‘học lại” những gì được nghe từ mấy vị có viễn kiến, trong đó có anh Đỗ Ngọc Yến. Ở đâu đó tôi đã kể khoảng đầu thập niên 1960 tôi có được đọc tập sách dày cộm do anh Yến đánh máy để in, do anh Lý Đại Nguyên viết, tên “Tổng Thức Vận”. Rơi rớt lại từ tập sách đó có đôi điều chẳng rõ vì sao tôi nhớ được, kèm theo loạt ‘Xã Luận” cụ Nguyễn Đức Quỳnh viết cho một tờ nhật báo (tôi không nhớ tên) vào cuối thập niên 1950, trong đó có loạt bài cụ viết về "Lập Ngôn, Lập Thuyết, Lập Công". Hình như quyển sách của anh Lý thu thập từ Đàm Trường Viễn Kiến của Cụ Quỳnh, hoặc do anh suy ngẫm với sự gợi ý của Cụ Quỳnh? Hồi đó, những gì trong đầu óc tôi, một mớ hỗn độn hiểu biết của một anh con nít tưởng mình có tư tưởng lớn, lại khiến nhóm bạn đồng lứa, đồng điệu, thích thú. Nhìn lại “anh nhãi ranh thưở ấy”, thấy nực cười nhưng thú vị. Bây giờ tôi vẫn thấy nhiều điều kỳ thú giữa những hàng chữ rối rắm, nhiêu khê trong gần ngàn trang sách của anh Lý Đại Nguyên.
Về nhân sự, kiểm điểm lại những đấng tu mi nam tử, những vị nữ lưu tham dự Quán Văn, có người từ khi bàn thảo, có người sau đó mới nhập bọn để chạy nơi này nơi nọ mua bán bàn, ghế, ly tách, … xem tôi còn nhớ được ai. Chắc rằng nhiều bạn khác nhớ rõ hơn tôi về các nhân vật này. Ngoài mấy bạn thường sát cạnh tôi trong đủ loại sinh hoạt là hai bạn Đạt Lớn, Đạt Nhỏ, còn mấy bạn từ khu trường Dược như Đinh Bá Ái, Trần Viết Anh. Phần nhân sự mang tính cách 'lao động chân tay"  phải kể đến hầu hết các bạn ‘khu nhà dưới” như Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang, bạn Huỳnh, bạn Định, bạn họa sĩ Tiên, bạn Hoàng Ngọc Tuấn, và ai nữa tôi không còn nhớ rõ, thuộc nhóm “sáng lập” Quán Văn. Các bạn chia nhau hàng đống công việc. Trong khi túi bụi trên đường phố Sài Gòn, các bạn đó lại chiêu mộ thêm nhiều đấng anh hùng lãng tử chạy tiếp sức.  Tôi còn nhớ được mấy vị như: Tấn Mốc (tôi biết từ hồi Chương Trình Hè 65), Lưu (hay Ngô?) Văn Tính, bạn này không rõ có học phân khoa nào hay không nhưng thấy mấy sinh hoạt vui nhộn thì nhào vào, và được anh em “nể vì” do có chiếc Lambretta (hay Vespa?), tha hồ chở đồ đạc lỉnh kỉnh. Bạn Tính sau này còn chằng chịt với tôi thời “hậu Quán Văn.” Rồi dần dà cần người thu nhặt ly tách, vỏ chai dấm dúi trong các bụi cây, bụi cỏ, cần những “sức lực mà không cần đầu óc” để chặt đá, khiêng các cây đá, khiêng các két nước ngọt, rửa ly, tách, muỗng (không có nĩa), phin pha cà phê, các bạn trên lại “mộ” đươc mấy vị khỏe tay, nhanh chân như Nguyễn Khả Lộc, Quasimodo (chàng này cà tong cà teo nhưng ham vui,  sau cũng phải dãn ra), … Thiếu hụt nhân công thì kêu gọi con cháu trong nhà tham dự như mấy bạn trẻ em của Đạt Nhỏ. Công đầu về “chiêu hiền đãi sĩ” thuộc Ngô Vương Toại khi bạn ngay từ khi quán mở những ngày đầu đã xếp được ngay một mỹ nhân ngồi vào ghế thu tiền, bán vé: cô bé Nhuệ Giang, người sau này được nhà văn Ngyễn Thụy Long đặt tên: “Bông Hồng Của Quán Văn”, tên giòng sông của cô cũng được chúng tôi ghi vào một trong 3 mảnh giấy vo viên để bốc thăm tìm tên cho nhà xuất bản.
Công việc ở quán được phân chia giữa mấy anh em sáng lập. Mỗi người phụ trách một ngày (hay một tuần?), là người trực chính, đóng vai quản lý chăm lo từ a đến z dịch vụ của quán. Đầu tiên bạn phải lo cho đủ cà phê, thuốc lá, nước ngọt, chanh, đường, đá, … Chính bạn đi mua hoặc tùy tài ngoại giao, nhờ ai đi chở giùm. Bạn cũng phải cắt cử mấy anh em hụ hợ bên ngoài, hoặc chính bạn, lo đến trước giờ mở quán một giờ để “nhóm bếp”, nấu nước sôi, cho sẵn cà phê vào một số phin, cho sẵn trà vào bình trà, kiểm điểm “tủ thuốc lá”, và nặng nhất là chặt đá. Mỗi “ngày quản lý” được lãnh phụ cấp $70 (hay $100?) một ngày, những bạn khác được $25? hay $50? Riêng “Đêm Thứ Sáu” tiền phụ cấp (tiền công) cao hơn vì làm việc nhiều hơn, ở lại trễ hơn. Vài anh bạn chuyên biệt hơn nữa chia với tôi vài công việc đặc biệt. Chúng tôi ngoài phiên trực chính (quản lý), phải lo thuê mướn, đi lấy, mang trả dàn máy âm thanh cho các đêm sinh hoạt. Lúc đầu, Trần Viết Anh thấy mọi người chạy ra chạy vào rối mù, tiền bạc lộn xộn, đã bỏ công tổ chức, sắp xếp cho thành nền nếp. Riêng tôi, được anh em đặt cho là “Chủ Quán”, lo các chương trình “Những Đêm Thứ Sáu”, và thường là lo cất đi và mang ra cái magnetophone của anh Trần Đại Lộc, cất đi tiền thu được mỗi đêm và mang ra một số tiền lẻ cho cô Nhuệ Giang vào đầu các buổi tối khi quán bắt đầu mở cửa.
Khách vào quán phải đi qua cái quầy kê ngay cửa chính. Bước vào cửa, khách sẽ gặp cô Nhuệ Giang đầu tiên để mua ticket thức uống, và mua thuốc lá. Nếu khi mua ticket, trong các câu thăm hỏi “Bông Hồng của Quán Văn” (có khi kéo dài đến 5 phút nếu không bị vị khách sau thúc dục), bạn nói được tên thức uống thì bạn sẽ có ngay ở một vài bước chân tiếp theo dọc theo quầy, vì mấy bạn phụ trách “pha chế” đứng cạnh đó sẽ làm ngay. Sau đó, tự bạn mang thức uống đi trong khi có thể trên môi đã phì phèo điếu thuốc (nhiều khi để che dấu nụ cười ngất ngây sau phút giây ticket?). Có thể chính bạn phải đến chồng ghế cóc (ghế sắt nhỏ, thấp của quán cóc), sách một chiếc đến chỗ ngồi cùng nhóm bạn bè, hoặc bạn ngồi ngay trên bực thềm bao quanh “sân sau.” Đêm Thứ Sáu, có thể bạn phải ngồi bệt trên sân cỏ. Quán chỉ “tậu” độ chục cái bàn xếp nhỏ bằng sắt, thấp lè tè, chừng 40 cái ghế cũng bằng sắt. Đó là lúc ban đầu, về sau bàn ghế cũng thất lạc dần, nhưng khách hàng không quan tâm về bàn ghế nên chúng tôi chẳng cần mua thêm.
Quán bắt đầu mở cửa lúc 6 giờ chiều, sau này mở sớm hơn, 5 giờ chiều, và chừng 10 giờ đêm anh em lục tục thu dọn, rửa ráy ly tách, một ít khách có thể nấn ná đến 11 giờ khuya, không chừng. Đó là nguyên tắc. Thực tế, những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, nhiều bạn thanh niên, sinh viên ở xa nghe nói “Quán Văn”, nay có cơ hội về Thủ Đô, cũng ghé qua từ buổi trưa trở đi, đôi khi “lấy hẹn” từ sáng. Mấy bạn “làm việc của quán” thuộc nhóm “nhà dưới”, cuối tuần không đi học, thay vì bát phố, sẵn lòng chiều khách phương xa nếu khách chịu chờ nhóm bếp, chuẩn bị hơi lâu. Tôi nghe kể có lần mấy bạn của quán còn đãi khách miễn phí lúc gặp mấy vị khoác áo chiến y gốc Miền Trung, Miền Tây, bất ngờ có mấy ngày ở Sài Gòn, không kịp về quê, ghé qua “Quán Văn” một lần cho biết. Rất đáng để mất công như vậy, cho cả người từ phương xa lẫn người ở ngay tại quán. Tưởng tượng, một ngày cuối tuần, nắng và gió thi nhau nhảy múa trên mấy tàn cây che phủ “mái lá” (thực ra là mái tôn) của quán sinh viên nghèo ngay trung tâm Sài Gòn đô hội, bạn quên đi nơi tiền đồn heo hút, ngồi nhâm nhi ly cà phê “chẳng giống ai” (vì bọn này có biết pha chế gì đâu), phì phèo điếu thuốc giữa chốn bình yên xa lánh bụi trần, tiếng xe chạy, tiếng cõi người náo nhiệt chỉ như ầm ì vọng về từ chốn nào xa xăm. Bạn là khách lạ nơi này, gặp được mấy chàng thư sinh mộc mạc, nẩy kết tình tâm giao “giữa những tâm hồn yêu màu tím, thích nhạc Trịnh, …”, hoặc bỗng dưng gặp tên lãng du đồng điệu, ôm sách “buồn nôn”, đi vào “hố thẳm”, cùng nhau cao ngạo bọn tha nhân, thì cái thú chơi tao nhã của mấy bậc văn nhân thi sĩ cũng chỉ “đã” đến thế là cùng. Tôi nghe kể thôi chứ cái thằng tôi “dùi đục chấm mắm cáy”, có biết gì là tao nhã, là nhạc Trịnh, là ông triết gia thiên tả Jan-Paul Sartre, hay ông Mít triết lý Phạm Công Thiện (không biết lúc đó ông Thiện về nước chưa?)
Sinh hoạt văn nghệ chỉ diễn ra vào đêm Thứ Sáu, được gọi là “Chương Trình Những Đêm Thứ Sáu”. Tuy nhiên các đêm ngày thường, các đêm cuối tuần, nếu bạn là chàng sinh viên may mắn được nán lại quán thêm ít phút sau giờ đóng cửa, có thể bạn sẽ được ngồi giữa nhóm đàn địch ca hát năm sáu mống “gần như thường trực” hằng đêm. Bạn sẽ ngả nghiêng qua lại theo nhịp bài hát “Người con gái Việt Nam da vàng, …”, làm chuyến viễn du theo “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, …”. Tức là, bạn đang ngồi đàn đúm với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn, và ai ai nữa … Có thể có cả bạn Quadimodo bụi bặm lúc nào cũng cười cười như từ lúc ra đời vẫn thế. Giờ giới nghiêm đã đến mà không kịp về, chắc hẳn bạn phải kiếm được góc nào đó trong dẫy nhà tiền chế mà thao thức quanh đêm. Hồi đó giới nghiêm còn ngắn. Anh bạn Lưu (Ngô?) Văn Tính từng phãi ngủ phòng tôi mấy lần.
Tôi vẫn nhớ rằng “Quán Văn” chỉ tồn tại có hơn nửa năm, từ khoảng Tháng Năm, Tháng Sáu năm 1967 đến Tết Mậu Thân đầu 1968. Những ngày đầu đến quán chỉ thấy mấy ngọn đèn màu vàng hưu hắt ngoài sân sau, nhưng tại quầy bán vé và pha chế, bóng đèn sáng rực hơn trong mấy cái chụp đèn tự làm lấy, và chỗ cô Nhuệ Giang, ánh sáng tự nó như kỳ ảo qua nụ cười răng khểnh chết người, khiến có chàng thư sinh không biết hút thuốc cũng ‘lỡ gật đầu’ lấy điếu Hav - A-  Tampa (có đúng tên thuốc như vậy không?) 5 đồng một diếu. May mà cô không “gán” cho chàng cả bao thuốc 4 (?) điếu thì chàng nhẵn túi. Mấy hôm sau anh Tần Đại Lộc xách đến cái magnetophone nhỏ cùng 2, 3 cuộn băng nhạc Phạm Duy, thì thiên nhạ bắt đầu ngây ngất với Quán Văn. Mới mở, nhưng quán khá đông do mấy cái loa của các bạn sinh viên “đa khoa’ trong nhóm lan truyền tin tức tại các khuôn viên đại học; và nụ cười của “Bông Hồng Quán Văn”, ánh đèn huyền ảo, tiếng nhạc dìu dặt dưới trời đêm, đã giữ bước chân bạn trẻ sau một lần ghé quán.
Vẫn theo trí nhớ đáng nghi của tôi, sau chừng 2, 3 tuần lễ, tôi tính chuyện tổ chức ca nhạc cuối tuần sau thí nghiệm “Đêm Việt Nam” trước đó nửa năm hơn. Có mấy đêm cuối tuần, Thứ Bảy thiên hạ hay bận bịu những chương trình lớn, Chủ Nhật lại không nên thức khuya, sáng mai đi làm, đi học, tôi chọn đêm Thứ Sáu như một khởi đầu cho mấy ngày thư thái theo sau, nếu sáng Thứ Bảy đi làm cũng là cho có, buổi trưa đã xong rồi. Khởi đầu, không dễ gì bằng lại “cây nhà, lá vườn”, tức là quí vị văn thi sĩ thân quen: Đỗ Quí Toàn, Trần Dạ Từ, Tú Kếu, Trần Tuấn Kiệt, … Tôi nhớ đêm đầu tiên của “Chương Trình Những Đêm Thứ Sáu” rơi vào một ngày mưa. Các ngài thi nhân đứng dưới mái dù lớn căng phủ nền xi măng sân sau của quán, đọc thơ cho đám thần dân xúm xít chung quanh nghe. Mái dù, nên nước mưa vẫn nhỏ giọt, cả thi nhân lẫn “khán nhân” đều thấm ít nước trời cho trong cái gió lạnh thổi bập bùng mái vải. Xá gì, bởi vì có lẽ đây là buổi “trình diễn sống” đầu tiên của một quán cà phê đất Sài Gòn, văn nghệ sĩ và giới thưởng ngoạn nói cười ngay sát cạnh nhau, trở thành bạn bè nếu duyên đến được. Đêm Đọc Thơ cũng là một “Đàm Trường” với những tâm tình chia sẻ gần gụi, cũng là một đêm văn nghệ với các giọng ngâm, giọng đọc, ý thơ được diễn đạt sống, thật, thân tình. Gió càng lạnh, chúng ta càng gần nhau hơn.
Sau đó là những chương trình tình thân hàng xóm láng giềng vì chẳng lạ gì nhau: Nghiêm Phú Phát và Thanh Lan cùng ban Nguồn Sống, Nguyễn Đức Quang và ban Trầm Ca, rồi bóng cây đa cổ thụ Phạm Duy cũng phủ xuống sân cỏ Quán Văn. Những Đêm Thứ Sáu đã thành món ăn quen thuộc của các bạn trẻ học đường. Trong tuần, chiều Thứ Năm, sáng Thứ Sáu, nhiều bạn đạp xe ghé vào xem tờ giấy gắn trên vách nứa “mặt tiền” của quán để biết tuần này “có gì, của ai”. Về sau, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, … tìm đến để … ghi lịch hát. Tôi không dám dùng chữ “xin” trình diễn trên sân cỏ Quán Văn, nhưng quả thực nếu hỗn hào dùng chữ đó cũng không quá đáng. Trước đó, có lẽ khoảng Tháng Tám hoặc trước hay sau vài tuần,  Khánh Ly xuất hiện “trên bục diễn”, tức là mấy két gỗ đựng nước ngọt úp xuống. Một buổi sáng, Toại, Sơn, và ai nữa gặp tôi nói có cô này, Khánh Ly, hay lắm, anh Bí thu xếp cho một Đêm Thứ Sáu. Ở một đoạn trên tôi đã nói, tôi là một thàng “Cù Lần”, chẳng biết gì về sinh hoạt phòng trà, vũ trường, văn nghệ văn gừng trên đài phát thanh, nhất là ở mãi tận Đà Lạt, nên không biết Khánh Ly là ai. Trong đầu óc đất sét của tôi, chỉ có mấy phương danh của Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Ban Thăng Long, … Tôi hỏi gặng lại các bạn, có chắc chắn cô ta hát được không, “quán mính tiêu chuẩn hơi cao (rõ là con ếch muốn to bằng con bò, mà lại đang ngồi dưới đáy giếng), và hát cái gì?” Tôi có “phòng” ở CPS nhưng không thường xuyên ngủ lại, đâu có biết cả tuần nay các bạn ấy đã đàn đúm với Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn thì tôi “biết”. Từ cuối năm 1965, hay đầu 1966, một buổi tối chúng tôi, có thể gồm Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, tôi không chắc lắm gồm những ai, ghé chơi nhà chị Dung, sau này trở thành chị Trần Văn Ngô. Một cô em của chị Dung, cô Thục, mang ra cái cassette nhỏ, khoe có mấy bài hát này hay lắm. Chúng tôi ngồi nghe, lúc đầu vì lịch sự, sau trở nên một bất ngờ thích thú. Cô nói đây là mấy bài của Trịnh Công Sơn ở Huế. Mấy vị kia có thể đã nghe biết rồi, riêng tôi có hai điều “cả quỷnh”. Lần đầu tiên tôi biết được có một cái máy nhỏ xíu gọi là cassette chạy băng nhạc, và cũng lần đầu tiên nghe tên nhạc sĩ họ Trịnh của Miền Trung. Sau này, xuống chơi khu Hội Họa Sĩ Trẻ quay mặt ra đường Lê Thánh Tôn, tôi gặp chàng nhạc sĩ tài hoa bằng xương bằng thịt. Chàng đóng đô nơi đây, do đó, chàng hay la cà thâu đêm trên Quán Văn vì cách nhau chừng trăm bước chân. Các chàng trai trẻ của Quán Văn quây quần cùng chàng nhạc sĩ cận thị và cô ca sĩ xứ Đà Lạt anh đào đến khuya lắc khuya lơ, dù đêm Sài Gòn tạnh ráo hay mưa bão. Những phút giây tuyệt vời trên mảnh đất một thời chứa bao số phận lao tù. Cũng từ mảnh đất này, chàng văn nhân dụt dè, ít nói có chất liệu dựng lên những tác phẩm mọi người yêu thích, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn.
Nói chuyện văn chương dính đến Quán Văn, nhà văn Nguyễn Thụy Long đã rất mực yêu mến không khí lãng mạn mà tỉnh thức, trẻ trung mà cổ điển của những đêm nhắp ngụm cà phê bên bụi cỏ trong tiếng nhạc cuốn hút đam mê của Phạm Duy. Anh đã ngợi ca quán trên nhật báo Sống (?) của nhà văn Chu Tử. Anh đặt tên bất tử “Bông Hồng Của Quán Văn” cho cô Nhuệ Giang nhỏ nhắn. Biết đâu nhiều bạn trẻ đã tò mò tìm đến quán vỉ bông hồng? Anh cũng lấy hình ảnh Quán Văn làm bối cảnh cho một truyện dài đăng đâu đó. Xin thú nhận điều tệ hại của tôi là thói ít lưu ý đến các nhật báo đương thời, nên nghe anh kể mấy điều trên nhưng chưa kịp tìm đọc. Anh Nguyễn Thụy Long yêu Quán Văn và thương bọn thanh niên miệt mài làm quán không đủ tiền mua một dàn máy cho đàng hoàng, nên đã lôi kéo ông Chủ Báo Chu Tử lẳng lặng đến quán một đêm nào đó. Và mấy hôm sau, nhà văn báo tin ông Chu Tử tặng cho quán hai chục ngàn đồng để sắm máy magnetophone cỡ tốt. Đầu tiên ông sẽ cho 10 ngàn để đi thăm dò lựa máy, sau đó ít hôm ông thu xếp để có thêm 10 ngàn nữa. Đó cũng là lúc anh Long bảo tôi chuẩn bị, anh xin cho tôi vào giữ trang nào đó, có thể là “Văn nghệ Sinh viên, Học sinh” của tờ báo. Chưa biết ra sao, nhưng chắc là được. Vì vậy, tôi tránh đi nhận tiền, và đề nghị bạn Lưu Trọng Đạt cầm đầu mấy anh em đi gặp nhà văn chủ báo hảo tâm. Chưa kịp nhận món tiền thứ hai thì Tết Mậu Thân xẩy ra. Giờ ngồi nhớ lại, thực tình tôi không nhớ số tiền 10 ngàn đầu tiên đi đâu, hoặc được trả lại toàn soạn báo Sống, hoặc anh nào đó phụ trách mua máy đã đặt tiền cọc, hoặc một phần đã được dùng mua sắm vật dụng nào khác cho quán, hay là tôi giữ và sau này làm chuyện gì khác chăng … Về lý luận, có thể số tiền đó, hoặc gần đủ số tiền đó, được hoàn lại khổ chủ. Mong rằng vậy để thôi lấn cấn.
Nhân chuyện tiền nong, nhắc lại hồi đầu tôi kể đã mạnh miệng hứa với anh em tiền không phải là chuyện khó giải quyết. Trước hết vì tôi tương đối kiếm tiền khá hơn anh em, trừ bạn Huỳnh lúc đó đang làm cho Việt Tấn Xã, nhưng Huỳnh bận bịu nên hầu như không tham dự nhiều vào việc quán. Thứ hai, vì tương đối quỹ của nhóm Sinh Viên Văn Hóa và Nhà Xuất Bản vẫn dồi dào do các dự án được CPS chi trả đầy đủ, tiền bán sách thu được kha khá, rồi mấy anh em cũng sẵn lòng đóng góp ít nhiều. Thứ ba, vì tôi đã sẵn ngay ý nghĩ “bán phiếu thân hữu”. Tôi không nhớ mệnh giá của mấy phiếu này là bao nhiêu, hay là tùy người mua. Có lẽ bạn có thể mua phiếu với 20 dồng, rồi bạn cứ đến quán uống thoải mái trong thời gian bao lâu đó, nhưng không áp dụng cho thuốc lá. Hoặc bạn mua phiếu 40 đồng, thì thời gian tăng gấp 3 lần chẳng hạn. Bạn có thể rủ thêm bạn bè đến uống, cũng không trả tiền, trong thời hạn còn hiệu lực. Tôi không nhớ chính xác mấy điều này. Số người mua phiếu có lẽ lên đến gần một trăm, nhưng tuyệt nhiên không ai chịu uống miễn phí. Mua phiếu rồi, thân hữu vẫn mua ticket tại cô Nhuệ Giang, đôi khi còn tặng thêm “nhân viên pha chế” vài điếu thuốc. Các nghệ sĩ đến trình diễn tại quán cũng được quán tặng phiếu “miễn phí” vĩnh viễn, và cũng được rủ thêm bạn bè đến hưởng vui chung. Cũng không vị nào dùng phiếu tuy đôi lần “khoe” với bạn bè.
Nhiều bạn bè quen biết hỏi tôi như thế Quán Văn “sống” được bao lâu? Trên internet có vị nói rằng Quán Văn kéo dài hơn hai năm. Tôi không nghĩ vậy. Suy luận và ký ức cho tôi tin rằng tuổi thọ của Quán Văn chừng 6, 7 tháng, Nhiều vị nghĩ rằng lâu hơn vì Quán Văn quả thực đã có một đóng góp chút ít cho sinh hoạt văn học nghệ thuật thuở đó, và (có lẽ) cũng mở đầu cho phong trào trình diễn thân hữu tại các quán cà phê sau này, như Hầm Gió của Cụ thân sinh cây nhạc trẻ Nam Lộc, quán Làng Văn, Hội quán Cây Tre, … ở Sài Gòn, và T2 ở Đà Lạt, …, và Quán Thằng Bờm của hai bạn Quán Văn cũ là Lưu Trọng Đạt và Đinh Bá Ái. (Quán Thằng Bờm là nơi cặp Lê Uyên và Phương xuất hiện ở Sài Gòn đầu tiên (?), sau khi được giới thiệu trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Có vị nói cặp nhạc sĩ, ca sĩ từ Đà Lạt xuống này có hát ở Quán Văn, thực ra lúc đó Quán Văn đóng cửa gần hai năm rồi.)
Tôi nhớ như thế này: Sau khi “Chương Trình Công Tác Hè 1965 Thanh Niên – Sinh Viên – Học Sinh” kết thúc, chúng tôi vẫn phải bận rộn để thanh thỏa về phương diện tài chánh, và giải quyết những gì còn lại tại các địa phương đến cuối năm 1965, đầu 1966 mới xong. (Có thể một dịp khác tôi xin kể về “Chương Trình hè 65”, hoặc quí vị đọc ở mấy bài “Nói Chuyện Với Nhà Báo Đỗ Ngọc Yến” có đề cập đến sinh hoạt này). Ở đây tôi xin kể tiếp chuyện Quán Văn. Một số anh em tham dự Chương Trình Hè 65 thuộc giới giáo chức, tức là thuộc Bộ Giáo Dục. Xong Chương Trình Hè, anh em muốn nối tiếp các sinh hoạt cho học sinh như thời gian qua, một loại sinh hoạt mở rộng hơn, ra khỏi khu vực học đường và hướng đến phục vụ xã hội. Sau một thời gian vận động, Bộ Giáo Dục đồng ý cho thành lập “Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường, gọi tắt là CPS”. Đa số anh em giáo chức của Hè 65 trước đây  đều tham dự CPS. Lúc đó, tuy anh Đỗ Ngọc Yến vẫn sát cánh với anh em nhưng dành trọn thời giờ cho khu vực báo chí, hai anh Trần Văn Ngô và Lê Đình Điểu làm việc bên Việt Tấn Xã. Hình như anh Ngô là Phó Tổng Giám Đốc. Anh Lê Đình Điểu giúp tôi việc in ấn tại Việt Tấn Xã tập nhạc của Nguyễn Đức Quang, một ấn phẩm của nhà xuất bản Quảng Hóa. Cả hai anh tuy vẫn liên lạc nhưng ít tham dự việc điều hành quản trị của CPS. Tổng Quản Trị CPS là Phan Văn Phùng hay Hà Tường Cát?, Đỗ Quí Toàn, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh đều ở trong Ban Điều Hành CPS, không nhớ có Đỗ Anh Tài không? Anh Hoàng Ngọc Tuệ là Dược Sĩ (Quân Dược) không rõ khi đó làm việc ở đâu tại Sài Gòn? Do đó, CPS chỉ có thể hoạt động mạnh mẽ và chính thức sớm lắm là từ giữa năm 1966. Chắc là cuối năm 1966 tôi mới bén mảng đến CPS, để có cái hình chụp với banderole “Đêm Việt Nam” vào giao thừa Đinh Mùi, ngày 8 Tháng 2, năm 1967. Sau đó, tôi làm một số dự án cho CPS, nên Quán Văn mở cửa sớm lắm vào Tháng 6 hay Tháng 7, năm 1967, kéo dài đến Tết Mậu Thân, đầu 1968 thì đóng cửa. Có tăng tuổi thọ hơn nữa, Quán Văn cũng chỉ từ đầu 1967 đến đầu 1968, một năm là cùng.
Một điều nữa khiến tôi tin Quán Văn sống chừng hơn nửa năm thôi là ký ức rộn ràng về các buổi sinh hoạt “Những Đêm Thứ Sáu”. Anh em Quán Văn gọi tôi là Chủ Quán, anh em cũng chỉ định tôi làm MC các buổi sinh hoạt, hồi đó gọi là “animateur – Hoạt Náo Viên”, người giới thiệu, người dẫn chương trình. Một câu mở đầu vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: “Thưa quí vị và các bạn, hôm nay là Kỳ Thứ … (, 2, 3, 4 …) của “Chương Trình Những Đêm Thứ Sáu” của Quán Văn …” Mà bên tai tôi còn nghe mấy tiếng, hoặc “Kỳ Thứ Mười Hai”, hoặc “Kỳ Thứ Mười Sáu”. Tôi không cảm thấy quen thuộc với âm thanh “kỳ thứ Mười Bẩy, hay kỳ thứ Mười Tám”, nên không nghĩ Quán Văn có hơn 16 kỳ sinh hoạt kể từ buổi đọc thơ đầu tiên. Dĩ nhiên cảm tưởng này không thể là một viện dẫn đáng tin. Nếu có trễ nải, đình trệ, 16 kỳ diễn ra trong vòng 5 tháng tối đa. Kỳ cuối cùng hoặc diễn ra vào Thứ Sáu, 28 Tết, tức ngày 7 Tháng Hai, 1968, hoặc có thể diễn ra một tuần trước vì cận Tết cần nghỉ, anh em về quê, tức ngày 31 Tháng Giêng, 1968. Năm (5) Tháng thêm một tuần nghỉ gần Tết, thêm 3, hay 4 tuần trước khi có trình diễn lúc mới mở quán, cho nên 6 hay 7 Tháng là thời gian hữu lý của cuộc đời Quán Văn.
Vẫn theo trí nhớ kém cỏi của tôi, buổi sinh hoạt cuối cùng là chương trình của Miên Đức Thắng. Trong không khí cuối năm, tôi đến tìm Miên Đức Thắng khu building ký túc xá trên đường Công Lý, hình như cũng là trụ sở “Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử” của Thầy Thiện Minh. Mấy ngày trước, Thắng tìm tôi, tặng tập nhạc và nói muốn trình diễn ở Quán Văn. Liếc qua tập nhạc, vài bài có vẻ hơi “căng” trong sinh hoạt chính trị Sài Gòn. Tôi trì hoãn và hẹn sẽ đến ký túc xá thăm chàng. Sau khi quyết định “thây kệ”, cũng là tiếng nói của một tầng lớp thanh niên, cứ để Thắng hát, mọi chuyện tính sau. Tôi cũng ỷ vào cái dù “Tổng Vụ”. Nhưng không khí sôi động của buổi trình diễn khiến mấy bài của Miên Đức Thắng “căng” hơn tôi tưởng. Rồi cũng yên, có thực sự yên không tôi không rõ vì tết Mậu Thân ào đến, không ai có cơ hội nhắc lại không khí phản chiến mạnh của đêm này. Thêm một điều khiến tôi nhớ đêm Miên Đức Thắng vì gặp thêm một chàng thanh niên nhỏ nhắn, có vẻ nhỏ tuổi hơn tôi. Không nhớ Miên Đức Thắng có giới thiệu hay chàng tự giới thiệu tên “Tôn Thất Lập”, mới làm được ít bài nhạc, muốn trình diễn ở Quán Văn. Qua câu chuyện, tôi hiểu rằng đây cũng là những bài "kiểu hơi nặng" nên nói muốn xem trước các bài này. Chàng hẹn tôi đến nhà ở khu Chợ Bàn Cờ vào đêm 30 Tết nghe đàn hát chơi, xem trình diễn được hay không. (Bây giờ tôi phân vân hay là Chợ Vườn Chuối? Nếu đi trên Phan Đình Phùng hướng từ Lê Văn Duyệt đi về phía Chợ Lớn, chợ này chưa qua đường Cao Thắng, chưa đến khu Nguyễn Thiện Thuật)  Vì là Tết nên tôi hẹn Lập phải sau Tết mới có sinh hoạt, lúc đó mới có buổi trình diễn đầu năm. Không hiểu vì sao, hoặc vì linh tính, hoặc vì không khí đêm Miên Đức Thắng, trước ngày 30 tết mấy ngày, tôi đạp xe lảng vảng trong khu chợ Bàn Cờ (Vườn Chuối?), tìm địa chỉ Tôn Thất Lập, và còn nhớ đó là một căn phố nhỏ hẹp có lầu, cửa chính mở ra ngay trước các sạp hàng, lúc đó đóng kín. Tôi vẫn thắc mắc nhưng chẳng muốn tìm biết làm gì, rằng có phải anh ta định kéo tôi đi đêm 30? Do tôi để Miên Đức Thắng hát? Dù cho sau này do nghề báo, bám đuôi phái đoàn Tổng Thống Mỹ trong chuyến đi Việt Nam năm 2,000, đôi khi tôi phải “gần chạm” vào anh nhạc sĩ thuở nào biến mất sau đêm 30. Nhưng tôi cố tránh “không chạm.” Ngoài mấy lý do ai cũng hiểu, tôi tránh vì một kinh nghiệm khác. Trong thời gian 7 năm tôi ở Sài Gòn sau khi từ Thanh Hóa về năm 1984, một buổi trưa tình cờ tôi “đụng ngay vào ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” ở khu đón hành khách ngoại quốc vào Việt Nam. Tôi bị bắt tay ông ta, một bàn tay hờ hững nắm mấy ngón tay tôi, và ánh mắt cũng hờ hững nhìn tôi khi người thứ ba giới thiệu tên tôi. Điều tệ hại hơn nữa là tôi lại ngu ngốc nói mấy lời (như vớt vát?): “Tôi ở Quán Văn”. Trong đời, có đôi khi chúng ta trải qua nhận xét này, một nhận xét rất không căn cứ, nhưng chúng ta rất mực tin rằng đúng, là ánh mắt của ai đó bỗng như muốn quát vào mặt mình một câu nào đó, mà ở trường hợp tôi, câu đó có thể là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, hoặc “Có cút đi không thì bảo!” Ánh mắt chàng lóe lên như vậy rồi chàng vội vã quay đi như thể cô em từ Canada về đang đứng chờ kia. Chưa có ai chờ chàng cả! Kẻ giới thiệu? đúng là hình ảnh “tiu nghỉu”,  lủi thủi theo chàng, còn tôi? Chẳng biết nên kể thế nào với quí vị. Chưa hết. Không biết 10 năm sau, hay 15 năm sau không chừng, tôi lại có mặt ở Sài Gòn vào một đêm người ta tổ chức tưởng niệm Trịnh Công Sơn, hình như một nơi nào đó ở Gò Vấp, một đêm báo chí Sài Gòn bảo rằng có đến trăm ngàn người. Lại vẫn người giới thiệu đó, nhân lúc đi ăn trưa cùng nhau, đề nghị tôi đến dự đêm tưởng niệm, và xuất hiện với tư cách “Chủ Quán Văn”, kể cho hàng chục ngàn người nghe chuyện Trịnh Công Sơn ở Quán Văn như thế nào. Chàng ta suýt xoa, chắc chắn đây là điều bất ngờ kỳ thú nhất của đêm nay, chàng còn nói đã liên lạc với ban tổ chức rồi. Bạn thân từ thời sinh viên lê la khắp đa hoa, sau này vào lính lại từng cứu tôi tránh mấy phiền nhiễu, nên cứ về Sài Gòn là tôi phải gặp anh chàng này. Tôi bật cười chế diễu chàng: “Hey, Trịnh Công Sơn hồi đó nó suýt lạy tôi để tôi đừng nhắc chuyện ngày xưa, ông nhớ không? Thôi tha cho nó đi, mà cũng tha cho tôi nữa.” Tôi định bụng sẽ kể một lô các chuyện “Hậu Quán Văn” vào một dịp khác. Ai ngờ dòng ký ức Tôn Thất Lập kéo tôi về hai mẩu nhỏ Trịnh Công Sơn, may mà tôi chỉ lướt qua.
Nhắc lại, hằng ngày tôi vẫn tự nhủ rằng “cái Quán Văn dễ thương này” là một sân chơi tưởng rằng đơn sơ nhưng ẩn chứa bao điều phức tạp. Hồi đó, tuy tôn trọng các bạn tham gia sáng lập quán, nhưng tôi cương quyết giữ phần quyết định về chương trình đêm nhạc, mà lại không dám nói gì nhiều, chỉ lấy cớ “giữ tiêu chuẩn cao.” Lỡ gọi tôi là “Chủ Quán”, anh em đành để tôi sắp đặt. Ở chỗ nào đó bên trên tôi có nói, Quán Văn này là một sân chơi cho đủ mọi phía. Không biết họ còn rình rập nhau, kềm giữ nhau được bao lâu. Tô phải cố tránh chuyện châm ngòi, nên phải cố gắng giữ sao cho sự trình diễn có một nội dung vừa phải trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. "Tiêu chuẩn" này chỉ có anh Đỗ Ngọc Yến và tôi chia sẻ nhau. Tôi không thể nói với ai trong "nhóm Quán Văn". Sau này, có vài điều có thể coi như bằng chứng cho chuyện "rình nhau ngầm" tại quán, như trên youtube có luân chuyển một clip ngắn thu hình lúc Khánh Ly hát một bài của Trịnh Công Sơn, và Hoàng Xuân Giang đệm đàn. Tôi không nghĩ đó là clip duy nhất, ngắn như vậy, và do bạn trẻ nào thu hình một cách bình thường. (https://www.youtube.com/watch?v=O8ymVpECaVg)

Vừa rồi tôi chỉ kể chuyện Quán Văn trong vòng  nửa năm trời của nó, và một cách chung chung, tổng quát, thiên về những gì ít được nói tới, ngay những bạn góp công sáng lập cũng ít biết. Còn về khu đất dựng lên Quán Văn, đã được nhắc đến nhiều, những cơ sở trong khu đất đó cũng được nhắc đến nhiều. Chỉ có điều khác biệt ít được nhắc đến là tính cách pháp nhân của Quán Văn. Quán Văn không có tư cách pháp nhân như các đoàn thể, cơ sở khác trong khu đất vì Quán Văn coi như của CPS. Cũng là điều may cho Quán Văn, nhờ vậy, khi bị thời cuộc đóng cửa, quán không phải lo thanh lý tài sản, mà phần nhiều mấy anh em “nhà dưới” đã từ từ giải quyết. Và cũng là điều may cho Quán Văn khi khuynh hướng chung của xã hội nhắc đến hình ảnh Quán Văn như một thành tựu độc lập. Gần đây có người cho rằng biến cố ở Đại Học Văn Khoa năm nào khiến Ngô Vương Toại bị bắn có liên hệ Quán Văn. Điều này không có. Trong ban tổ chức đêm hát đó ở Văn Khoa có mấy bạn là thành phần Quán Văn. Đêm đó nghe nói là để cổ động cho chuyện bầu bán Ban Đại Diện Văn Khoa. Sau đó, chuyện này không ảnh hưởng Quán Văn, cũng không phải nguyên do khiến Quán Văn ngưng hoạt động. Chính tôi không dự đêm đó.
Còn chuyện Khánh Ly, Trịnh Công Sơn ở Quán Văn, chuyện nhiều người tin rằng cả Khánh Ly, cả nhạc Trịnh Công Sơn đều cất cánh từ Quán Văn mà bay bổng khắp các khuôn viên đại học, rồi bay bổng khắp các vùng trời thành thị và nửa thành thị, thì nhiều người đã nói đến. Nhưng nếu chỉ nhắc đến Quán Văn vì nhắc đến Trịnh Công Sơn thì chưa đủ, hoặc chưa thấy hết. Có thể tôi trở lại chuyện này hoặc khi cùng nhắc đến “Chương Trình Hè 65”, hoặc khi kể về những chuyện “Hậu Quán Văn”, mà ngay các bạn cùng tôi sáng lập Quán Văn cũng không biết, chưa từng biết vì chưa từng có ai nói đến, dù cho nhiều chuyện không phải một mình tôi can dự. Và nếu tôi có kể thì chỉ như ít mảnh vụn để có ai tìm hiểu về phong trào thanh niên thuở ấy, về nếp sinh hoạt sinh viên, học sinh thuở ấy, có thêm ít hình ảnh nhỏ nhoi cho công trình nghiên cứu. Tuyệt nhiên không vì tôi nuối tiếc khoe về “ngày ấy …”