Wednesday, November 14, 2018

Khu Nguyễn Tri Phương

Quê Hương Tuổi Nhỏ, 100 pages


Quê Hương Tuổi Nhỏ là tập 3 trong tự sự Đời Tôi. Thời gian từ 1954 đến 1961 gồm 3 giai đoạn, qua 3 nơi: Trại định cư Hòa Khánh ở Đức Hòa, khu Nguyễn Tri Phương Sài Gòn, và Thành Phố Đà Lạt.
đời tôi
Tự sự, viết tùy tiện kể lại cuộc đời của tôi từ bé đến năm 2016, và biết đâu, sẽ còn tiếp nhiều năm sau.  Tôi kể lại đời tôi qua các phần:
Phần 1- Gia Đình Tôi - Từ khi còn bé đến lúc di cư vào Nam, tôi kể chuyện "thằng tôi" trong loạt bài về "Gia Đình Tôi", gồm Thầy Tôi, Đẻ Tôi, Chị Tôi, Anh Tôi, tức là cho đến khi tôi 11 tuổi. Đúng ra, lúc di cư 1954, tôi chỉ 10 tuổi, vì tôi sinh giữa tháng 12, năm 1943. Chỉ có mấy tuần lễ tôi mang oan trên vai một tuổi.
Phần 2- Nhà Tôi – Tức là người bạn tôi quen từ 1963, rồi đồng hành với tôi cho đến bây giờ và tiếp tục tới lúc “chỉ có trời biết.”
Phần 3- Đà Lạt 1955 - từ khi vào Nam 1954 đến 1961. Đây là giai đoạn đầy thơ mộng trẻ thơ, cũng là những năm đầu chập chững ở Hướng Đạo.
Phần 4- Sài Gòn 1961 -1975 -  Từ 1961 trở đi, đến khi mất Miền Nam, 1975. Phần này có một Chương Bên Lề là “Quán Văn”.
Phần 5- Thanh Hóa - từ 1975 đến 1984, kể lúc tôi ở Thanh Hóa. Cũng chưa viết dù tôi có kể lẻ tẻ đâu đó vài chuyện vui vui những ngày tháng này.
Phần 6- Thành Phố Đổi Tên – Từ 1984 đến 1991. Từ khi ra tù đến khi qua Mỹ.
Phần 7- Tôi Làm Báo Người Việt - kể lại 17 năm trời tôi làm việc ở báo Người Việt, 1991 đến 2008. Phần này có Chương Bên Lề  là “Trần Đức Trực”.
Phần 8- Cuối Đời - là giai đoạn lăng nhăng cuối đời, cho đến lúc “chỉ có trời biết”, được bổ túc hàng năm, hàng tháng.
Phần 9Góp Nhặt Loanh Quanh, góp nhặt một ít trong số những bài tôi viết và đã in ở đâu đó ở Mỹ.
Phần 10: Còn Nhiều Điều Chưa Kể, viết về những điều tôi đã trải qua từ bé đến bây giờ (2014), những điều tôi làm, tôi thấy, tô nghe, và tôi nghe kể lại. (Những điều nhiều người muốn biết)

Nguyễn Tri Phương - Sài Gòn – 1955
Nhà Hát Lớn Sài Gòn nhìn từ đường Lê Lợi, một thời là nơi tạm trú của Sinh Viên, Học Sinh Bắc Kỳ Di Cư. Hồi đó, ông Cảnh Sát Giao Thông vẫn làm động tác "chim bay, cò bay" vì chưa có đèn xanh, đèn đỏ. Hình Internet.


Rời trại định cư (trại di cư) Hòa Khánh ở Đức Hòa, gia đình tôi lên sống tại Sài Gòn, và một lần nữa tôi lại sống xa Đẻ tôi nhiều tháng trời, chắc là nửa năm hoặc hơn. Có lẽ lúc này là giữa năm 1955, lần đầu tiên tôi ở Sài Gòn. Năm ngoái, Tháng 8, 1954, tôi chỉ “đi qua” Sài Gòn, sau khi xuống tàu từ Bắc vào Nam.
Lên Sài Gòn, tôi ở với anh Tường, anh Giao, anh Toàn tại Nhà Hát Lớn Sài Gòn, nơi sau này trở thành Trụ Sở Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hòa. Anh Toàn đã ở đây từ lâu. Đó là nơi sinh viên học sinh di cư ở tạm thời, chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Khi chúng tôi nhập “trại”, đã có mấy trăm người sống chen chúc cả ba tầng của tòa nhà. Đến khi mọi người rời đến một trại sinh viên học sinh chính thức (hình như ở Phú Thọ) thì tôi về ở với chị Hoằng, con gái út của Mẹ Già tôi.
Tại Nhà Hát Lớn, tôi nhớ mang máng mỗi ngày được phát 12 đồng. Đôi khi có phát quần áo, thức ăn như cá khô, phó mát, thịt hộp, … Người ta bảo Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mỗi ngày cũng chỉ chi dùng có 35 đồng thôi, học sinh di cư được 12 đồng là nhiều rồi. Có lẽ thế thật, vì lúc đó một quả trứng vịt giá có 5 cắc. Thằng bé tôi, sau này ở Đà Lạt, từng có nhiều ngày ăn cơm với một quả trứng luộc dầm nước mắm. Tôi không biết một tô phở, tô hủ tíu giá bao nhiêu, có thể chừng 3 đồng. Vậy thằng bé tôi có quyền ăn một ngày 4 tô như vậy, hoặc ăn 3 tôi thôi, còn để uống nước mía, ăn bánh mì síu mại. Nghĩ đơn giản thì quả là thừa thãi với số tiền đó, lại còn thêm nhiều thứ được cấp phát nữa. Từ Nhà Hát Lớn, tôi cuốc bộ mỗi trưa đến trường Tôn Thọ Tường nằm trên đường Trần Hưng Đạo, dự lớp học dành cho học sinh di cư, hình như từ 11 giờ đến 2 giờ. Nhà trường cho học sinh di cư mượn cơ sở để học hành vào lúc học sinh lớp sáng nghỉ, học sinh lớp chiều chưa học. Có lẽ các lớp học chính của trường đều phải cắt giờ nhường cho lớp học di cư.
Điều tôi nhớ nhất trong mấy chục ngày này là có lần đi bộ qua chợ Bến Thành trên đường đến trường, tôi nhặt được đồng bạc $20 rách nát. Chiều về, tôi đưa anh Toàn, nói rách quá không biết tiêu được không. Chúng tôi bàn nhau đi mua cái gì thử. Tôi đề nghị đến xe xay nước mía. Anh Toàn gọi 2 hai ly nước mía nhưng cẩn thận đưa ngay tờ 20 đồng trước. Ông bán nước mía cầm tờ giấy bạc, xăm xoi một lúc, anh em hồi hộp, rồi cất vào ngăn kéo, thối lại 18 đồng (hay 19 đồng? tôi quên rồi), anh em thở phào! Từ lâu rồi tôi vẫn thắc mắc không biết nước mía uống ra sao. Hôm nay được một mình uống hết một ly. Tỉnh cả người! Chỉ hiềm một nỗi, đá trong ly nhiều quá, nước mía chẳng được bao nhiêu. Với số tiền còn lại, mấy ngày sau cậu bé Bắc Kỳ Di Cư còn được anh Toàn cho ăn bò bía, cùng với anh Tường, anh Giao. Từ đấy, tôi luôn luôn nhìn xuống đất trên đoạn đường đi học, nhất là hay đi len lỏi trong lòng chợ Bến Thành. Ngay cả những ngày nghỉ, tôi cũng kiếm cớ đi xem chợ, để mà “cúi đầu lầm lũi bước đi” ngang, dọc trong chợ, như một kẻ cúi đầu ăn năn vì đất nước chia đôi. Nhưng ông thần may mắn chỉ cho quà tôi có một lần. Nếu được ở “trại” Nhà hát Lớn lâu hơn, có lẽ ông sẽ mủi lòng cho thàng bé Di Cư nếm thêm vài món ăn Sài Gòn, rất khác Hà Nội. Nhưng “cuộc vui” qua mau, tôi được Đẻ tôi cho về sống ở khu Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Có thể lúc đó người ta rời trại tạm cư học sinh sinh viên về khu trại Phú Thọ. Ở đây chắc là tổ chức chặt chẽ, qui củ hơn. Có lẽ tôi còn bé quá không được nhập trại chăng, hoặc Đẻ tôi cho rằng ở trong khuôn khổ gia đình, có một bà chị trông nom vẫn hơn. Vì lý do gì cũng là điều không may mắn cho tôi.
Đường Nguyễn Tri Phương hồi đầu Thế Kỷ 20 vẫn còn nhiều khu hoang sơ đầy mồ mả. Hình Internet.
Chị Đỗ Thị Phương Tỵ là con gái út của Mẹ Già tôi, anh em chúng tôi thường gọi là Chị Hoằng, vì chồng chị tên Đặng Vũ Hoằng. Lúc mới di cư vào Nam, chị Hoằng không ở với chồng, mua một căn nhà nhỏ trong hẻm nào đó ở đường Nguyễn Tri Phương. Khu này còn hai hình ảnh đọng lại trong tôi: Bãi rác khổng lồ, và vòi nước công cộng, nơi tụ họp các Marie Fountaine, trong đó lạc loài thằng Bắc Kỳ gầy còm mỗi ngày xách mấy thùng nước về đổ đầy hai cái chum. May mắn là nhà chị Hoằng không ở ngay hướng gió, nên cái mùi khu xóm yêu dấu kia không can thiệp nhiều vào cuộc sống chúng tôi, và vài tháng sau khi tôi đến, ống nước máy trong nhà chị Hoằng chảy khá hơn, không nhỏ từng giọt nước hiếm hoi, quý báu, do đó, số lượng “nửa thùng” nước mỗi ngày tôi phải xách giảm đi. Nửa thùng, vì tôi xách nguyên thùng nước không nổi, mà xách 2 nửa thùng hai tay, cân bằng hơn, dễ đi hơn. Khổ một nỗi, tôi phải hơi co hai tay lên một chút khi xách hai cái thùng loại đựng dầu hôi 20 lít, vuông vắn, vì thùng cao quá so với chiều cao của tôi, nếu buông thõng tay, cả hai thùng đều chạm đất, mà sức nặng hai nửa thùng này chắc cũng tròm trèm sức nặng tôi. Lúc đó, có lẽ tôi cân khoảng ngoài 30 kg, và theo tôi học, hai nửa thùng nước 20 lít chắc cũng phải 20kg. Mấy chị em Marie fountaine thường ái ngại cho tôi, và hỏi tôi công “ở đợ” được nhiêu? Nhà mấy người mà dùng nhiều nước thế? Tôi chưa biết chữ “ở đợ” là gì, nhưng mường tượng chắc là làm đầy tớ. Không, tôi không ở đợ, mà sống với chị ruột đàng hoàng. Tôi không phải là người ở đợ, nhưng kể ra mấy chị ấy cũng có lý. Nếu nghe tôi kể công việc hằng ngày suốt mấy tháng trời sống lần thứ nhất đời dân Thủ Đô Sài Gòn, cho đến khi Đẻ tôi đón lên Đà Lạt, mấy chị ấy chắc không biết dùng chữ gì để mô tả thân phận thằng bé xứ ngoài này. Thằng bé ở xứ ngoài, không phải “người Diệt” mình.
Có lẽ cả nhà đã tính trước, tôi chỉ ở tạm tại khu Nguyễn Tri Phương ít tháng, rồi sẽ theo Đẻ tôi đi đâu đó, khi Đẻ tôi ổn định được chỗ ở. Anh Toàn vẫn ở trại sinh viên, học sinh, lãnh trợ cấp, tiếp tục đi học trung học. Anh Tường và anh Giao hoặc cũng ở trại đó, hình như đều bỏ học mà loanh quanh tìm chỗ làm, hoặc lang thang ở đâu tôi không rõ. Sau này tôi được anh Trần Dạ Từ cho biết lúc đó, 1955 và đầu 1956, anh Tường làm việc ở Phan Thiết, sau đổi về Mỹ Tho. Chuyện vui anh Tường đi làm ở Mỹ Tho tôi đã kể trong phần về “Anh Tôi.” Chị Thảo đi theo Đẻ tôi. Tôi xin nhắc lại, gia đình tôi gồm Đẻ tôi, chị Thảo lớn nhất, rồi đến anh Tường, anh Giao là con nuôi, rồi anh Toàn, đến tôi. Mọi người đều có chỗ tá túc, riêng tôi, 12 tuổi đầu, chưa theo Đẻ được, nên được gửi nơi chị Hoằng, mỗi tháng Đẻ tôi đóng tiền, gạo bao nhiêu đó.
Tôi không nhớ gì chuyện học hành thời gian này. Có thể vì chỉ ở tạm, nên không ai nghĩ đến chuyện xin cho tôi đi học trường tiểu học gần đó. Tôi nhớ mang máng, lúc đầu hình như tôi có theo học trường Bà Hạt, rồi không biết vì sao ở nhà luôn, hoặc giả vì không đúng đầu niên khóa, nên không xin được vào trường, hay là vì công việc ở nhà nhiều, và ai đó cho rằng “tôi có thể tự học ở nhà, tạm thôi!” Nhưng ký ức tôi không có chút gì về ngôi trường, lớp học giai đoạn này, nên nghĩ rằng tôi không đi học.
Ký ức tôi còn đậm nét hình ảnh tôi xách làn (giỏ) đi chợ chồm hổm đầu ngõ, hoặc xa hơn, chợ Bà Hạt. Ghi đậm nét vì tôi như một mối quan tâm, tò mò, vui đùa của mấy bà, mấy chị bán hàng, đôi khi của mấy chị Marie fountaine quen biết tình cờ tôi gặp ở chợ. Một thằng bé Bắc Kỳ Di Cư trông chừng 8, 9 tuổi mà biết đi chợ, hỏi giá! Tạng người tôi yếu đuối, gày còm, ở tuổi 12 mà trông như 8 tuổi. Chị Hoằng đã dặn tôi đủ điều khi đi chợ, chọn rau làm sao, chọn thịt làm sao, … trả giá thế nào, … Đến thời lẩn thẩn của tuổi già, tôi hay nghĩ vản vơ, ước gì được gặp lại một vài chị ngày nào ríu rít tại vòi nước đầu con hẻm của đường Nguyễn Tri Phương, xem các chị bây giờ ra sao. Nghĩ đến các chị vì tôi vẫn thầm cảm động về đôi câu nói chân thật nhưng nhân từ, đôi ánh mắt ái ngại của các chị đối với một thằng bé nặng chưa bằng hai thùng nước các chị xách. Những câu nói nhân ái đó, ánh mắt đơn sơ đó tôi nghĩ là rất tiêu biểu của các chị, các bà mẹ Miền Nam tôi thường gặp nhiều năm tháng sau này. Biết đâu lại chẳng có chị đã được “cơ cấu” ở lại đấu tranh đòi “quyền sống” và vài  chục năm sau chợt tỉnh ra vì đã mất hết, mất tuổi thanh xuân, mất sự sống thảnh thơi của một con người.


Tôi còn nhớ lắm, mỗi ngày, khoảng 7, 8 giờ sáng, tôi lầm lũi đi trong cái huyên náo của các con hẻm chạy vòng vo trên đường đến chợ, khi nắng ban mai chưa rớt nổi xuống mặt đường lát xi măng chật trội  mà còn bám vào phần tường gỗ cao của các căn gác hai bên hẻm, nhiều khi hai căn gác nhô ra tưởng như có thể chạm vào nhau. Tôi hay nghĩ lẩn thẩn, bên gác chứa chan ánh nắng đang hỏi thầm bên gác đối diện kia có cần vay chút bình minh? Có lúc con hẻm mở ra rộng thênh thang, những ngôi nhà hai bên hẻm lại như quê mùa hơn, đón gió lộng từ khu đất trống xa tít đâu đâu. Bây giờ chẳng thể nào biết được tôi đi quanh co những đâu ở con đường gọi là “hẻm” của khu vực ranh giới Sài Gòn Chợ Lớn này. Có thể đoạn đường tôi đi qua mỗi sáng chẳng xa gì, nhưng đầu óc trẻ thơ, và cảnh vật thay đổi đột ngột, khiến thằng bé Bắc Kỳ Di Cư nghĩ rằng xa lắm. Con hẻm cuối cùng đổ ra đường phố ào ạt xe cộ qua lại chộn rộn giữa các thứ tiếng rao hàng. Sau khi ngây ngất đi qua vùng mùi thơm của tiệm cà phê, hủ tíu đầu ngõ, rồi băng ngang đường, tôi đến chợ Bà hạt. Cái mùi của nước dùng (nước súp) nấu xương heo, thịt heo có một hương vị lạ lùng, quyến rũ, đeo dẳng tôi đến những ngày sau này sống đời sinh viên, khiến tôi hay đưa cô bạn gái thân thiết ngừng lại xe mì Bà Tàu cuối đường Paster, trước quán cà phê cô Hồng, thưởng thức một tô hủ tíu rẻ tiền váng mỡ với ít hạt thịt băm đong đưa theo mặt nước súp ngọt ngào. Oi chao là thống khoái. Thằng bé tuổi thơ trong tôi hả hê, thỏa mãn cái tò mò năm cũ. Cô bạn đó sau này tình nguyện theo tôi qua nhiều năm tháng cho đến bây giờ, nên chúng tôi lâu lâu có dịp ôn lại kỷ niệm xe mì bà Tàu. Cái thuở Nguyễn Tri Phương, mỗi khi đi ngang tiệm cà phê hủ tíu thơm lừng, thằng bè lại mơ hồ vẩn vơ về cái không khí ồn ào quyến rũ của tiệm. Nơi đó hẳn là một xứ sở thần tiên, có vẻ như ai cũng an nhiên tự tại, không vướng chuyện buồn lo. Lại vẫn các ông già ngồi húp cà phê, hay chăm chú, nâng niu khúc “dàu cháo quẩy” chấm vào tô hủ tíu mì, y hệt như hồi tôi gặp ở chợ làng Hòa Khánh. Tôi không thèm thức ăn, thức uống, nhưng thèm cái không khí, cái phong cách “lai rai” của Miền Nam. Bây giờ cũng vậy, tôi uống cà phê vì muốn hưởng cái cử chỉ ân cần, chăm chút tách cà phê khi vừa tàn giấc ngủ. Nhấm nháp tách cà phê mỗi sáng, tôi lại tự cười mình, cười cái thằng bé Bắc Kỳ Di Cư thuở nào cứ tưởng chỉ có mình là khổ, còn người lớn đều thỏa thuê vui sướng, khiến tôi thèm cái ồn ào của những vị ngồi co chân lên chiếc ghế đẩu chông chênh. Sau này, khi ra khỏi nhà tù Thanh Hóa, tôi lang thang ít ngày ở Hà Nội, cũng cái ồn ào buổi sáng nhưng sao lại đượm nhiều nét tất bật, đua tranh, kèn cựa. Tư lự bên chén trà của bà cụ bán chè hè phố, tôi đồ rằng sự khác nhau vì hai nền phong hóa khác nhau, rằng xã hội cộng sản khác với Việt Nam Cộng Hòa. Cũng là lẩn thẩn mà thôi. Hiện nay, ở đất nước Cờ Hoa thừa mứa này, người ta lo sợ đủ thứ béo bổ, với tôi, trời ơi, lâu lâu phải cố hưởng cho được cái phút giây húp tô hủ tíu đúng điệu Sài Gòn, và tách cà phê đen nóng hổi, trong cái ồn ào mà ngăn nắp. Tưởng như điều giản dị, nhưng khó có lắm. Ở đây, cái nơi cách Little Sài Gòn gần nửa giờ lái xe, chẳng ai đi bán hủ tíu vào lúc sớm mai. Nấu lấy, tôi có thể có, nhưng hoàn toàn thiếu cái không khí ồn ào của một xóm nhỏ lúc tinh mơ. Hình như cụ Tản Đà đã nói chuyện này: người ăn ngon, chỗ ăn ngon, và lúc ăn ngon, mới là đáng kể. Những nhà báo, nhà văn vĩ đại trong nước hay dùng những từ ngữ vĩ đại như họ, là “văn hóa ẩm thực”, chắc là cũng muốn nói đôi điều giản dị này. Từ bên xứ Mỹ nhớ về Sài Gòn, tìm trên internet gợi về những phố xa xưa, lòng bỗng xôn xao xúc động khi có tác giả ghi rằng “Lacaze – Nguyễn Tri Phương (Mì vịt tiềm Lacaze, hủ tiếu Mỹ Tiên, hủ tiếu Cả Cần, bánh bao bà Năm Sa Đéc, quán sò huyết lề đường”. Tôi lại nhớ hơi khác: Bánh bao Cả Cần, Hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc. Cũng có quan trọng gì!

Lớn lên, tôi thấy con đường Bà Hạt tôi ngại ngùng băng qua ngày xưa cũng chẳng rộng lớn gì. Vậy mà hồi đó, mỗi lần qua đường là cả một nỗi lo lắng, ngại ngùng. Thằng bé nhà quê lúc nào cũng lớ ngớ, bước tới, thụt lui, dùng dằng quá khiến quí vị người lớn đạp xe đạp, lái xích lô bực mình: “Ê, nhỏ mày, mở mắt ra chứ mày. ĐM sao ngu quá mậy, …” A, nhưng tôi khám phá một điều, chữ ĐM này khác xa miền Bắc. Bao năm tháng sau tôi vẫn nghe người ta ca tụng miền Bắc là xứ văn hoa, thanh lịch, nhưng bây giờ, ở tuổi già nhiều điều vớ vẩn, tôi lại yêu tiếng ĐM miền Nam hơn. ĐM miền Nam nghe thanh nhã hơn, ít cộc cằn hơn, ít la mắng hơn, nghĩa là nghe dễ chịu hơn. Lẩn thẩn!
 Sau này, tôi vẫn thắc mắc sao lúc đó chị Hoằng không đi chợ? Chị đâu có việc gì làm để bận rộn. Chị có ít bạn lui tới, thường chỉ có một bà, hình như tên bà Vinh, thấy gọi bà Tư Vinh, vì Ông Vinh đóng lon Thiếu Tá, đã qua đời. Theo chị nói sau này, bà Vinh là thân mẫu tướng Phan Trọng Chinh. Chị không đi chợ, không nấu cơm, không cả giặt giũ quần áo, ngay cả đồ lót của chị! Tôi có thể hiểu những việc dành cho tôi tương đối hợp lý như xách nước, quét nhà, ngay cả đi chợ cũng được. Còn nấu cơm? Chị chỉ qua loa rồi tôi là người thực hiện. Nhưng giặt quần áo của chị? Không hiểu được! Giặt mọi thứ quần áo chị mặc, quần áo anh Toàn, mọi thứ anh mặc? Dĩ nhiên cả quần áo tôi. Thường thằng bé vụng dại như tôi, nhiều bậc cha mẹ không tin thằng bé đó giặt sạch được. Hoàn cảnh này, tôi giặt lấy quần áo của mình, được thôi, không sao. Nhưng còn những thứ quần áo kia? Tôi không thể hiểu được người ta nghĩ những gì trong các bộ óc thông minh, tài giỏi, lõi đời kia khi để tôi giặt các thứ quần áo đó? May mắn là tôi không phải ủi, có thể vì không cần, có thể vì sợ tôi lóng cóng làm hư áo quần.
Anh Toàn không ở cùng chúng tôi. Anh ở trại tạm cư sinh viên, học sinh. Nhưng hầu như hàng ngày anh đều ghé qua nhà chị Hoằng. Có thể Đẻ tôi dặn dò anh phải năng ghé xem thằng em nó làm sao, ăn uống đầy đủ khỏe mạnh? Chắc rằng anh vẫn lưu tâm lời dặn dò đó, và anh yên tâm, vì thằng bé không phải đi học, không phải học bài, làm bài nhà trường, nhưng không nên để lêu lổng suốt ngày, nên “giặt hộ anh vài cái quần áo”, cho nó có việc mà làm. Đó là tôi đồ rằng anh nghĩ vậy, chứ không phải anh nói ra, e rằng nghi oan cho anh chăng. Nhưng chuyện hàng tuần anh vác quần áo bẩn về, và lấy quần áo sạch mang đi, là có thật. Không hiểu bây giờ anh còn nhớ chuyện này không. Có thể đầu óc anh thường nghĩ những chuyện lớn lao, mấy thứ vặt vãnh này chẳng đáng lưu tâm. Nhưng thành bé vừa nhỏ con, vừa “nhỏ mọn” trong tôi, lại nhớ hoài những chuyện vụn vặt, không phải những chuyện của bậc quân tử. Có một lần, hoặc vì tôi lên cơn lười biếng, hoặc vì tôi ấm ức tại sao mọi việc đổ lên đầu tôi, tôi không giặt quần áo của anh Toàn. Đã nhiều lần cái tính “ích kỷ” trong tôi tự nhủ: Chắc rằng anh phải có thì giờ để tự giặt quần áo chứ, Cả một tuần lễ, chỉ cần một tiếng đồng hồ thôi, vì anh lớn rồi, tay anh mạnh hơn tay tôi, vì anh có sẵn nước tôi xách về để giặt. Kể cả việc xách nước về để giặt, sát sà phòng, vò, rồi rũ quần áo nhiều lần nước, vắt cho kiệt, phơi lên dây thép, tôi phải mất trên hai giờ, nhiều khi 3 giờ, mới xong đống quần áo của anh Toàn. Trở lại, vì lý do nào đó, tôi ngâm quần áo anh Toàn, rồi để nguyên không giặt. Về không có quần áo thay, anh hỏi tôi. Tôi cấm cẳng trả lời tại sao anh không giặt lấy. Anh mắng tôi, làm em không được cãi anh! Cả ngày làm gì cho hết thì giớ? Tôi tự nhận là “ích kỷ”, vì anh Toàn bảo tôi như vậy. Anh không biết tôi phải làm đủ thứ việc của một người mà các marie sến gọi là đi ở đợ. Anh không để ý, không quan tâm những gì không dính đến anh. Sau này, đám cưới hai đứa con tôi, anh đứng chủ hôn, và khi tôi giới thiệu cùng quan viên hai họ, bao giờ tôi cũng nhắc vai trò anh Toàn là “quyền huynh thế phụ”.  Và mỗi lần đó, tôi lại nhớ đến “quyền huynh” của năm 1955, tại Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông”, dù rằng lúc đó anh Tường còn sống, và quyền huynh lúc đó là trách nhiệm anh Tường, mới phải.
Thực ra, anh Toàn không phải người duy nhất vô tâm không biết đến hoàn cảnh của tôi. Chị Thảo tôi, lâu lâu về ở nhà chị Hoằng một, hai ngày, cũng không biết tôi đã phải làm những việc gì khi sống dưới mái nhà đường Nguyễn Tri Phương. Khi có chị Thảo, thì chị Hoằng rủ chị Thảo đi chợ, hoặc “nhờ thằng Bí chạy đi mua tí rau, bìa đậu”, thế thôi, một việc nhờ cậy cậu em rất nhẹ nhàng. Khi Đẻ tôi về cũng vậy, Đẻ tôi cũng không biết, vì mọi việc trôi chảy giữa những người phụ nữ, và tôi được nghỉ ngơi. Những bữa ăn này không đơn giản như những bữa hàng ngày, chỉ là rau luộc, đậu rán, trứng rán, hoặc rau sào, mà chị Hoàng dậy tôi làm. Của đáng tội, khi nào sào thịt bò thì chính chị Hoằng phải làm, nếu không muốn nhai thịt bò cao su do tôi chế biến. Nhưng cả tháng chắc ăn thịt bò một, hai lần. Khi Đẻ tôi về chơi, sẽ là những món cầu kỳ, có khi chính chị Hoằng cũng không biết làm. Không bao giờ tôi dám kể cho Đẻ tôi, cho chị Thảo nghe về công việc hàng ngày của tôi. Tôi chỉ mong Đẻ tôi vui với niềm tin đứa con út được sống đầy đủ, thảnh thơi. Chỉ có anh Tường, người anh tôi thân thiết, có biết một phần hoàn cảnh của tôi, nên lấy cớ rủ tôi đến chỗ anh làm ở Mỹ Tho chơi ít ngày, cho tôi được nghỉ ngơi. Chuyện vui chuyến đi chơi này tôi kể trong phần về “Anh Tôi.”
Như vậy, ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn không hẳn chỉ toàn là rực rỡ, vui thú như tôi thường nghe nói về “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Hồi đầu từ Hòa Khánh ra, tôi được ở ngay trung tâm Sài Gòn, tại Nhà Hát Lớn trên đường Catina, thấy quả thực Sài Gòn nhộn nhịp hơn Hà Nội nhiều. Ở tầng ba Nhà Hát Lớn với anh Tường, anh Giao, anh Toàn mấy tháng trời nhưng có khi nào tôi cùng các anh đi đâu đó trong cái thành phố khổng lồ này. Đôi khi anh Tường nhìn tôi ái ngại, chỉ khẽ khàng bảo tôi anh có đi biền biệt cả tuần lễ là đi tìm việc làm, là … Có thể ngay lúc đó anh đã lang thang ra tận Phan Thiết chăng. Anh Giao cũng đi biền biệt. Chỉ có anh Toàn ban ngày đi học, tối về ngủ ở Nhà Hát Lớn, hoặc anh “ở nhà” vào những lúc người ta cấp phát tiền bạc, anh lãnh cho mấy anh em. Theo tôi nhớ, những khi được cấp phát vài thứ như nước mắm, cá khô, … hoặc áo quần, thì anh Toàn để gia đình một bà ở cạnh “nhà tôi” lãnh luôn. Có vẻ như các anh coi bà là Mẹ Nuôi, cũng gọi bà là “Đẻ”. Tôi khó nhớ nổi lúc đó hằng ngày tôi ăn uống ra sao. Có lẽ ăn cùng Bà “Đẻ”. Lúc đó, sống giữa mấy trăm người nhộn nhịp trong Nhà Hát Lớn, tôi hoàn toàn đơn độc. Những khi lầm lũi bước theo dòng người trôi nhanh như nước chảy trên đường, tôi vẫn một mình. Cái thứ tiếng nói lạ lùng, ồn ào trên phố càng khiến tôi cảm thấy lẻ loi. Lẻ loi nhưng tôi vẫn cần len giữa đám người cười nói om xòm đó mỗi khi qua đường để đến trường học. Một thằng bé nhút nhát, dụt dè, đúng cái kiểu người ta gọi là “bơ vơ giữa chợ đời”, thì không thể cảm nhận được sự tưng bừng rộn rã đầy hoan lạc của thành phố mệnh danh là viên ngọc của vùng Viễn Đông. Sau này, về ở khu Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn với tôi có gần gũi hơn nhưng mang dáng vẻ của khối dân nghèo nàn, lam lũ, của những cãi vã la lối trong khu chợ chồm hổm, hẳn cũng chẳng hào nhoáng gì như người ta ca ngợi. Ngẫm cho cùng, tuổi ấu thơ của tôi có vẻ như sống “bên lề” cuộc sống gia đình bình thường và xã hội, hoặc giả, quá thâm nhập vào cuộc sống xã hội chăng vì tôi đâu có biết gì về các trò đàn đúm của trẻ con, mà đã phải làm những việc của người “gần lớn, sắp trưởng thành?” Nhưng rồi, ngày buồn qua mau, tuổi thơ dễ quên, hay ăn, ham ngủ!
Một buổi sáng “đẹp trời’ Đẻ tôi đón tôi lên Đà Lạt, có thể là một sáng cuối năm 1955, hoặc đầu 1956. Tôi không nhớ chút gì về cảm xúc khi rời khỏi khu đường phố Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Chính ra, tôi phải cảm thấy như được giải thoát. Có thể lúc đó tôi có cảm giác đó nhưng không sâu đậm đủ để tôi còn nhớ đến bây giờ. Cũng có thể vì tự bao giờ tôi đã nhiễm một đức tính của Đẻ tôi là “bỏ qua đi cho nhẹ người”, nên sẵn sàng quên đi những ngày ở đợ. Dù sao, về mặt tích cực, những tháng ngày ở đó rèn luyện tôi biết làm nhiều việc, biết chịu đựng, và giúp tôi hiểu hơn thân phận một em bé nhà nghèo, côi cút. Vậy mà lạ thay, sau này, mỗi khi đi qua khu vực đó, mỗi khi gặp mấy chữ “đường Nguyễn Tri Phương”, “đường Bà Hạt” trên sách báo, văn chương, tôi lại thấy xao xuyến, y như nỗi xao xuyến của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu …”



No comments:

Post a Comment