Monday, March 18, 2019

Hẻm 51



Hẻm 51 Cao Thắng
Chuyện về Hẻm 51 Cao Thắng cũng là chuyện của Linh Tinh Sáu Năm
Linh tinh sáu năm, 1963 – 1969, tức là mấy chuyện này, chuyện nọ, chẳng ra cơm cháo gì của cuộc đời tôi trong 6 năm trời đóng vai sinh viên đại học. Trong 6 năm đó có mấy năm (gần 3 năm) tôi tá túc trong Hẻm 51, rồi sau đó, sau giai đoạn linh tinh 6 năm, tôi trở lại Hẻm 51, ở đó cho đến 1975.
Hẻm 51 đường Cao Thắng, Quận 3, không phải là nơi nhà tôi dọn trực tiếp đến từ Xóm Cầu Mới, Tân Định.
Giữa hai nơi đó, gia đình tôi có mấy tháng thuê nhà trong một ngõ hẻm quanh co chạy ra đường Trần Quang Diệu (không rõ thuộc Quận 3 hay Quận Phú Nhuận, có thể Quận 3, chỉ có đường Trương Tấn Bửu nối dài với Trần Quang Diệu mới thuộc Phú Nhuận?). Có lẽ đó là nơi tôi ở gần mấy chỗ kèm trẻ nhất, sau này về Cao Thắng phải đi rất xa. Tôi không nhớ con hẻm đó số bao nhiêu. Nhà tôi ở sâu hun hút phía trong, từ ngoài phố đi vào, chúng ta sẽ đi ngang qua cổng một ngôi chùa, gần đây tôi vẫn nhớ tên và có nhắc lại với anh Trần Dạ Từ, bởi vì nhà anh Từ gần chùa đó trên cùng con hẻm. Qua trước nhà anh Từ, đi một thôi một hồi mới đến nhà tôi, một ngôi nhà dễ thương, chúng tôi không phải chung đụng với gia đình nào khác. Ở chắc chưa tới nửa năm, nhưng tôi rất nhớ nơi này, bởi vì mỗi trưa tôi cuốc bộ từ đó đến trường Chu Văn An trong Chợ Lớn, có thể đoạn đường dài đến 6, 7 cây số không chừng.
Tại sao lại đi bộ xa thế nhỉ.
Đó là lúc tôi học vài tháng cuối cùng ở Đệ Nhất Chu Văn An trước khi thi Tú Tài 2. Tôi học lớp B7. Hình như năm đó trường có 8 lớp B cả thảy. Năm trước, 1962, sau khi học Đệ Nhị trường tư, trường Trung Học Thủ Khoa trên đường Trần Hưng Đạo (hay đường Cô Giang?Nguyễn Thái Học?), tôi thi đỗ Tú Tài 1, rồi xin vào Chu Văn An. Xin nhắc lại, năm 1961 tôi đang học ở Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, thi trượt Trung Học Đệ Nhất Cấp, bèn theo Mẹ về Sài Gòn, âm mưu thi nhảy, nên xin vào học Trường Thủ Khoa có Thầy Kiều Công Gia làm hiệu trưởng. Chị Nhã Ca là nhân viên nhà trường, nên đã xin cho tôi được bớt học phí 30% (hay hơn?). Thầy Gia cũng dậy Pháp Văn lớp tôi, không rõ lớp đệ nhị B mấy (B2 hay B3?). Có lần, Thầy cho tôi điểm khá cao, hình như 15 điểm bài rédaction. Khi trả bài Thầy gọi tên tôi, cả lớp hơn 100 học sinh không ai lên tiếng. Hôm đó tôi cúp cua! Thầy trừ béng 2 điểm, còn cho 13, và giờ Pháp Văn sau, Thầy cho tôi một trận. Gọi là “một trận”, nhưng trường tư ít khi Thầy giáo la học sinh, nên “một trận” này cũng giống như giọng Thầy ca đến lúc xuống nốt trầm, nghe mùi đấy nhưng chưa thấy “rầu thúi ruột!”. Tôi rất nhớ, mến, phục Thầy Kiều Công Gia, cũng là chuyện lạ ít có. Học trường tư, có một năm, mà nhớ được Thầy, nhớ Thầy như một nhà giáo đáng kính. Tôi cũng nhớ ơn chị Nhã Ca, mỗi tháng bớt được hơn 100 đồng (hay 150 đồng?), là một con số khá lớn trong hoàn cảnh tôi lúc đó.
Vào được Chu Văn An tôi mới thấy học sinh trường này với trường tư khác nhau quá xa, và mới hiểu được tại sao ngôi trường như mấy hộp diêm (hộp quẹt) xếp lại, không chút đồ sộ,  không vẻ khang trang, lại lừng danh cả nước. Cho nên về mấy môn sinh ngữ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, tôi hoàn toàn chết đuối không sức nào bơi lại cả lớp. Sau 7 năm học Chu Văn An, hầu như ai cũng có thể nói thông thạo hoặc Anh, hoặc Pháp, và ứng đáp được ở tiếng còn lại. Còn tôi, học sinh ghẻ được vào năm cuối, hoàn toàn ngọng. Mấy Thầy Giáo người Mỹ, người Tây muốn nói gì thì nói, đó là chuyện của Thầy, hiểu hay không là chuyện của tôi. Tôi có tinh thần bài ngoại rất cao nên ghét mấy tiếng nói của người ngoại quốc. Chẳng biết cuối cùng Thầy cho tôi điểm mấy kỳ thi lục cá nguyệt ra sao. May mắn, tôi đỗ được Tú Tài 2. Khi nghe đọc tên tôi trên cái loa ngoài cổng trường Gia Long, đám đông ồ lên vì biết đó là bắt đầu đọc kết quả của học sinh Chu Văn An. Tôi tên Anh, vần A của Chu Văn An.
Trở lại để trả lời câu hỏi Tai Sao Vậy ở trên. Tôi có chiếc xe đạp anh Tường cho, thường là không có thắng, không có chắn bùn, không có che dây xích (không có garde boue, garde chaine), và lốp xe hay bị xì, thường tôi chỉ dùng để đi dạy học. Mỗi ngày Đẻ tôi chuẩn chi cho ngân sách đi bus. Muốn đi xe buýt từ Trần Quang Diệu đến trường Chu Văn An phải đổi xe ở khúc nào đó, nghĩa là phải chờ. Buổi trưa đi giá vé học sinh 2 chuyến mất 2 đồng, lúc về cũng 2 đồng 2 chuyến. Mà thì giờ mất cả tiếng đồng hồ kể cả chờ ở bến. Chi bằng tôi đi bộ, cũng chỉ mất hơn 1 giờ, mà lại để dành 4 đồng một ngày, muốn mua gì thì mua, nhất là “mua dừa” của mấy cô bán dừa bên sân nhà thờ bên kia đường, đối diện cổng trường Chu Văn An. (Sau được đọc bài của ông Lê Duy San biết tên nhà thờ là Thánh nữ Jeanne d’Arc – Ông có bài viết về lịch sử trường Chu Văn An khá đầy đủ, xin đọc tại https://ongvove.wordpress.com/2017/06/10/lich-su-truong-chu-van-an/)
Trời Sài Gòn nắng chang chang, cứ lúc 12 giờ trưa hay muộn hơn, tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân hướng về Chợ Lớn. Sau 60 phút, hoặc hơn, tôi có mặt bên “gánh” dừa tươi, ngắm cô hàng dừa cũng tươi như trái dừa, mải ngắm, nhiều khi quên cả cốc nước dừa còn nửa. Cô hẹn, lát nữa ra uống tiếp nhé. Có khi nào được “ra chơi”, nhiều khi quên béng, lúc “tan trường về”, hàng quán đã dọn, tìm đâu bóng “người yêu dấu ơi”. Đành lủi thủi cuốc lại quãng đường thiên thu, trở về nơi mịt mùng xa cách (vẫn học tuồng cải lương!).
Tuy ở Sài Gòn hơn 1 năm thì được vào Chu Văn An, rồi cuốc bộ suốt năm học (chắc chỉ 6, 7 tháng thôi), mà bây giờ mường tượng lại đoạn đường chiến binh từ nhà đến trường, tôi không tin nhớ được rõ ràng. Có lẽ, là anh nhà  quê lên tỉnh, ở bao lâu cũng vẫn “chân quê!” dù nhà không có cây chanh nào như thi sĩ Nguyễn Bính mô tả. Đầu óc tôi lúc đó chỉ tính làm sao đi nhiều dưới bóng mát hàng cây, mái nhà dọc phố, quên mất tên đường. Có vẻ như thế này: Từ đường Trần Quang Diệu, tôi rẽ trái trên đường Trương Minh Giảng, đi qua cửa chợ, đi qua cầu, rẽ phải trên Kỳ Đồng, rồi rẽ trái trên Nguyễn Thông, rẽ phải trên Yên Đổ, đi qua bùng binh, tìm cách vào được Trần Quốc Toản, đi riết một hồi cũng không nhớ làm sao đến được Minh Mạng (cũng nhiều cây dài, bóng mát như Duy Tân), cuối cùng, bóng dáng xe bán dừa tươi, dừa của tôi và trường của tôi đây rồi. Cứ nhận đại cái gì cũng “của tôi” hết, dù cho có là “con ghẻ” (học ở trường có một năm cũng bày đặt.)
Học ở trường có một năm, đôi khi làm bộ quên cô hàng dừa để cho cô nhớ nhung sầu thảm, tôi mua ly chè đậu đen bán ngay trong trường, hình như của ông gác cổng. Sau này tôi tự hỏi, thực sự có chuyện một ông nào đó bán chè trong trường? Hay tôi ghép hình ảnh từ nơi nào khác? Dù sao, tôi vẫn hình dung, sau một giờ đi mỏi chân dưới trời nắng, ly chè ít đậu nhiều đá làm khỏe cả người, giúp tôi có thể vào ngu ngơ với mấy câu tiếng Anh, tiếng Pháp. Các môn học khác tôi không sợ, lại còn đứng đầu ở môn triết nữa (Ban B mà giỏi môn triết cũng như không.) Có lần, một thầy giáo dạy triết còn trẻ, người miền Nam, bị thằng học trò Bắc Kỳ di cư khó chịu là tôi “cãi nhau” với Thầy. Thầy nói (cái gì đó) là “đức tính tốt”. Thằng dốt mà hay nói chữ là tôi cãi lại “Đã gọi là đức tính thì phải tốt, không ai nói Đức Tính Xấu cả”. Cứ thế 10 phút đồng hồ, hay hơn, cho đến khi chuông reo hết giờ mới cứu được một bên, chẳng biết bên nào. Khán thính giả là lũ bạn cùng lớp nhao nhao ủng hộ tôi. Đó là “học trò Chu Văn An”, toàn những tay ham chơi hơn học, cãi chày cãi cối, nhưng vẫn giỏi nhất Việt  Nam (không có tôi đâu ạ!) Tôi chỉ còn nhớ được hai Thầy, là Thầy Huỳnh, và Thầy Kỳ. Thầy Kỳ dạy môn gì quên rồi, (hình như Anh Văn? – ngoài Thầy người Mỹ?) nhưng Thầy mải đánh cờ ở phòng Giám Thị, thường để cho học sinh thoải mái đến nửa giờ mới vào lớp. Năm đó, niên khóa 1962, 1963, Hiệu Trưởng là Thầy Việt, tôi chỉ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” Thầy. Thầy thì nhớ vậy, còn bạn học lại tệ hơn, chỉ nhớ một bạn người dong dỏng cao, hình như tên Nguyễn Minh Hùng. Tôi nhớ bạn này vì khi lên Luật lại gặp nhau. Học Chu Văn An từ năm Đệ Thất, tiếng Pháp bạn giỏi, bạn tìm sách Tây viết về luật để đọc. Bạn cho tôi “đọc” chung, nghĩa là dịch cho tôi nghe, ít nhất cũng tóm tắt cho tôi hiểu. Chúng tôi say mê một quyển sách gì đó viết về “Quốc Tế Công Pháp” đúng với chương trình Cử Nhân 1, và “kết” một chương. Cuối năm bốc thăm thi Quốc tế Công Pháp, đề ra lại đúng chương đó. Hai thằng mừng húm, phen này ta nắm chắc chứng chỉ “Cử Nhân 1 Luật Khoa”, cả hàng tổng sẽ biết tay ta. Kết quả niêm yết, tôi được thi lại kỳ hai, còn Hùng hẹn đến năm sau. Hùng giỏi hơn, thuộc sách Tây hơn nên càng xa với cour của Giáo Sư, nên Ngài hẹn chàng nhớ năm sau mua đầy đủ cour của Thầy để học, đừng học bọn ngoại giáo. Hùng bỏ một năm không thèm học, đi làm báo. Sau này gặp lại, biết chàng tức quá, trở lại học Luật, cuối cùng ra được Cử Nhân, lúc đó vẫn còn chương trình 3 năm. Có lẽ chàng đành an vui với nước ao tù, không màng đến bể kiến thức bên ngoài, cốt sao cho Thầy chấm đậu. Tôi vẫn nhớ Hùng, chàng hơn tôi nhiều, vì cuối cùng tôi vẫn tay trắng lại hoàn trắng tay.
Hết học Chu Văn An, vĩnh biệt mấy cô hàng dừa. Tôi may mắn đỗ được Tú Tài 2. Tuổi thật đã 20 mà chưa có ai hẹn “thi đỗ thì cho động phòng”, tôi bèn vào trường Luật, ngôi trường trên đường Duy Tân “cây dài bóng mát”, và lại thêm một lần dọn nhà. Lần này, tôi theo Đẻ tôi thiên đô về khu Bàn Cờ. Cả đời tôi chỉ ở toàn số nhà sẹc, tức là “sur”, sẹc hai sẹc ba, tức là trong ngõ, trong hẻm, rồi lại thêm một lần quẹo hẻm nữa, mới thấy cửa nhà. Nhà tôi chỉ sẹc hai thôi, chưa đến sẹc 3, sẹc 4. Tôi dọn đến nhà trong ngõ số 51 đường Cao Thắng, nghĩa là cạnh căn nhà số 51 trên đường Cao Thắng có một cái hẻm rộng đi vào, nên số nhà gọi là số 51/ sur … Căn nhà tôi ở, còn sur thêm một lần nữa cho cẩn thận, tức là 51/sur …/sur … Đứng ở đầu hẻm 51 nhìn ra đường Cao Thắng, bên trái là trường tư thục Trí Đức (?), bên phải là một tiệm làm đồ sắt, inh ỏi tối ngày. Tôi không biết bên nào mang số 51. Hẻm 51 tôi ở không phải tầm thường, ngay đầu hẻm, bên tay trái, không rõ cái cửa hiệu này có thuộc đất trường Trí Đức hay không, nhưng hơi nhô ra mặt tiền đường một tí, lại cao hơn mặt đường hẻm khoảng cao đến đầu gối, gọi là tiệm Bánh Mỳ Hòa Mã. Tiệm nổi tiếng hai điều, bánh mì hột gà chả jambon ngon tuyệt vời, và ông Chủ tiệm là Thi Sĩ Lê Minh Ngọc, đeo mắt kính cận thị dày cộm. Nhạc sĩ Phạm Duy có phổ nhạc một bài thơ của ông. Mãi sau này, khi tôi thêm một lần ra chiếu rời đô, từ sẹc hai ra sẹc 1, vẫn trong hẻm 51, tôi mới có tư cách vào ngồi cái bàn sát cạnh hẻm, cao lênh khênh, nhai đĩa bánh mì trứng jambon, khi an vị rồi trứng vậy kêu sèo sèo trên đĩa, tức là trên cái chảo nhôm bé tý,  với tách cà phê sữa nóng hổi. Ôi mê ly đời ta! Nghe nói, trong văn học sử Miền Nam, tên tiệm Bánh Mì Hòa Mã đã được nhắc đến. Vẻ vang thay cho tôi được ở trong hẻm đó.
Hòa Mã không phải cái tên duy nhất làm vẻ vang cho lũ con dân trong hẻm, hay khu Bàn Cờ. Ở bên phải của hẻm, vẫn tính từ hẻm nhìn ra đường Cao Thắng, có hai địa danh nhiều người phải biết: Nhà Bảo Sanh Cô Mười và Chùa Kỳ Viên, gọi là Kỳ Viên Tự. Đúng ra, hai địa danh đó có địa chỉ thuộc đường Phan Đình Phùng, nhưng cửa sau của họ lại mở ra hẻm “của tôi”, một hẻm song song sánh vai với đường mang tên anh hùng dân tộc họ Phan. Mà theo thói đời, cửa sau mới là quan trọng, vậy hẻm của tôi quan trọng hơn. Nhưng tôi đồ rằng hai địa danh đó chưa hẳn tự chúng nổi tiếng, có lẽ một phần là vì chúng ở kế bên một “địa danh vô danh” khác, nhưng giới mày râu biết rõ tận tường. Nơi này chẳng có tên tuổi gì cả nhưng khách vãng lai nhiều hơn vào cửa chùa. Khách vào làm cái việc nếu làm ở nhà thì các vị phu nhân sẽ đến Nhà Bảo Sanh Cô Mười, tức là đến để hạ sanh quí tử. Tôi thực sự chưa một lần dám vào thăm chốn gọi là lầu xanh lầu đỏ này, vì ngay gần cửa nhà. Nhưng cũng đoán rằng các bông hồng đều xinh đẹp có tiếng. Càng nổi tiếng hơn mỗi khi công an cảnh sát Quận 3 làm bộ bố ráp, các vị nữ lưu từ căn lầu đó nhảy qua ngay chùa Kỳ Viên, thế là huề cả làng, huề cho cả quí Thầy trong chùa, cho cả quí Thầy cảnh sát. Lạy Phật, xin Phật cứu vớt chúng sanh, nhớ cứu luôn các nàng tiên nữ.
“Hẻm của tôi” còn vang danh vì có một cái nhà lầu 3 tầng, trong đó có một vị giáo sư toán nổi tiếng hàng nhất nhì Sài Gòn. Không hẳn vì ngôi nhà lầu vang danh một thời vì được vị giáo sư cư ngụ, mà chắc rằng còn vang danh vì chuyện khác nữa. Tôi không chắc lắm chuyện này, nhưng cứ nghe xì xào điều này điều nọ, mà ngôi nhà lầu lại nằm cạnh con hẻm sẹc 2, con hẻm tôi ở, mỗi ngày ra vào nhiều lần, mỗi lần lại thấy dưới nền xi măng con hẻm có thêm một chứng tích truy hoan, tức là có thêm một “Ông Đại Sứ”, theo cách nói của người Sài Gòn một thời có ông Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge. Chuyện này tôi không chắc như chuyện căn nhà kế bên Kỳ Viên Tự. Có thể trong nhà lầu 3 tầng có nhiều phòng cho sinh viên, học sinh ở trọ nên mới nẩy sinh mối nghi hoặc của tôi. Nhưng đối diện nhà lầu 3 tầng, bên kia con hẻm rộng chưa tới một mét rưỡi, lại là một chuyện tôi chắc như bắp, là căn gác của Ông Hoàng, tổ trưởng của tổ tôi, tổ 51 sẹc/ sẹc …
Tuy ở cùng hẻm, nhưng tôi là thằng con trai đần độn, chẳng để ý gì nhiều mấy chuyện chung quanh, chỉ biết sớm tối đi học, đi dậy, đi họp Hướng Đạo, … nên không rõ Ông Hoàng ở với ai. Có lẽ cô con gái Ông ở tầng dưới, còn ông chiếm giang sơn trên gác ở với một cô tiên, tên gọi “nàng tiên nâu”. Nàng tiên nâu cấm cung nhưng ai cũng biết đến nàng. Múi hương thơm từ cung cấm lồng lộng khắp  hẻm theo gió thu vàng, gió hè gắt nắng, gió đông se se, gió xuân hơn hớn. Tôi đã từng biết đến mùi tiên nâu hồi bé, nên nhận biết hương thơm của nàng ngay khi được vào cư ngụ trong hẻm. Nhiều người phàn nàn mùi đó găn gắt khó chịu. Không, thơm lắm, rất thơm, thơm và quyến rũ. Đúng là, xấu đẹp tùy người đối diện.
Ông Tổ Trưởng của tôi, không rõ kế sinh nhai của ông là gì, nhưng nghe đồn, “nghe đồn thôi”, rằng căn gác của ông cũng là một “Hoàng Hạc Lâu”, tức là có những văn thi sĩ lừng danh cả nước đến “đề thơ trên vách”. Chưa từng được leo cầu thang lên gác của tiên ông, nên không biết có thủ bút nào của quí thi bá, thi vương Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, nhưng con dân chung hẻm quả quyết có thấy mấy vị từng đến với tiên ông. Họ nói nhiều khi mấy ông Tướng Cảnh Sát nổi hứng bố ráp tưng bừng cả Sài Gòn, tự dưng “thuốc đen” khan hiếm, thế là các vị trong “tao đàn mày đàn” tìm đến ông Tổ Trưởng. Cái hay là ông Tổ Trưởng vẫn có đầy đủ cơm trắng cơm đen để đãi bạn bè. Chứng tỏ tài của ông rất xứng đáng làm Tổ Trưởng. Tôi nghe nói chứ chưa bao giờ được chạm áo quí vị văn thi hào, vẫn mong có dịp xin được vài nét ký nguệch ngoạc cho thơm cả cuộc đời. Đại vô duyên là thằng tôi, ở cùng hẻm cũng gần 3 năm mà chưa một lần diện kiến quí vị, cũng chỉ thấy ông Tổ Trưởng một, hai lần. Thêm điều này nữa, suốt 3 năm tôi được hân hạnh làm cư dân hẻm của ông, hình như tôi không nghe nói “cái tổ … của ông” họp đến một lần. Vậy cũng gọi là “tổ” mới hay.
Còn rất nhiều điều khiến hẻm 51 Cao Thắng vang danh thiên hạ, cái chữ “thiên hạ” này trước 1975 chỉ bao gồm một khu nho nhỏ thôi, vài trăm căn nhà lụp xụp, có tự hào lắm thì nới rộng ra diện tích Đô Thành Sài Gòn, còn cả nể quá, độ lượng theo như Chúa với Phật đều dậy, thì cứ cho là cả nước đều nghe danh, có mất chi đâu. Thế nhưng, lúc đó, “cả nước” chỉ là “nước Việt Nam Cộng Hòa”, còn Miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chẳng mống nào biết đến con hẻm này. Nghe vậy xin vị nào ghét bỏ thằng tôi đừng hí hửng là cái danh đó có đáng gì gọi là vang. Đã gọi “vang danh” phải vang vang khắp hang cùng ngõ hẻm, từ ruộng đồng hoang vu hôm nay đến nơi có tiếng chày trên sóc bom bo (không chắc tôi ghi đúng tên). Nhất định là thế rồi, “hẻm 51 của tôi” vang danh như vậy đấy, kể từ sau 1975, kể từ ngay cái ngày 1 Tháng 5, năm 1975. Mà không phải chỉ là “cái hẻm 51 “ chung chung đâu, mà là “cái hẻm 51 sẹc, rồi sẹc nữa”, tức là “cái hẻm tôi ở, cái hẻm của tôi”, tức là chỉ cách nhà tôi mấy căn nhà, phía đối diện, là nơi quan trọng nhất nước (tính cả nước sau khi bị cưỡng chế thống nhất, tôi hay gọi tắt là cưỡng thống). Cứ từ từ, tôi sẽ kể rõ.
Khởi đầu là chuyện cây vú sữa! Căn nhà gia đình tôi ở, tức là gồm Đẻ tôi, chị Tường (chị dâu tôi), anh Toàn, và tôi,  phía trước có trồng cây vú sữa lá mặt trên xanh, mặt dưới nâu. Đúng ra chúng tôi chỉ thuê một phần căn nhà, còn bà chủ nhà vẫn ở đó. Bà chủ nhà từ xưa không lập gia đình, ở với Bà Cô tại căn nhà đó. Bà Cô lại là chị dâu của tôi, anh tôi con Mẹ già, mất từ khi tôi mới ra đời. Bà chị dâu tôi mất đi, cô cháu ở một mình, nên nhà tôi đến thuê, ở ké. Anh Toàn và tôi được chia nhau căn gác, sàn gỗ, tôi thường phải lau mệt nghỉ. Tất cả mấy chuyện này không liên hệ gì đến chuyện vang danh thiên cổ của hẻm tôi, lướt qua như vậy, đủ rồi. Chuyện phải nói ở đây là cây vú sữa. Hẻm thì hẹp, mấy nhà hai bên hẻm thường làm thêm hàng rào phía trước, khiến con hẻm chỉ còn chừng một mét rưỡi đến gần hai mét bề ngang để qua lại. Cả con hẻm dài chừng 150 mét, nhà chung vách nhau, đôi khi có hai nhà cùng bên cách nhau dẻo đất hẹp. Nhà tôi ở là vậy, cách nhà bên trái chừng nửa mét, là nơi có vòi nước giặt giũ. Cũng vẫn là chuyện vớ vẩn, không kể thêm. Cả con hẻm chật trội nên không có nhà nào trồng cây phía trước cho mất đường đi, duy nhất căn nhà tôi ở có cây vú sữa ngang nhiên tươi tốt trước nhà, bên ngoài cửa sổ. Nhưng cây khiêm tốn đứng trong hàng rào bằng gỗ định rõ giới phận của ngôi nhà. Chả biết mấy hàng rào dọc theo hẻm có đúng không hay chỉ là lấn chiếm đất. Vậy thì, cây vú sữa “của tôi” tỏa bóng mát duy nhất cho khách bộ hành suốt dọc con hẻm. Do đó, cũng là nơi duy nhất mấy cô, mấy bà ngừng gánh tàu hủ, gánh chè, gánh nọ gánh kia cho dân cả hẻm có cơ hội ăn quà vặt. Tiếng rao các cô các bà cuồn cuộn từ đầu hẻm giữa trưa hè nắng gắt, rồi ngừng ngay trước nhà tôi. Chỉ rao một, hai lần thôi, con dân phải tự biết không được đòi hỏi nghe thêm vì có người phàn nàn mất giấc ngủ trưa. Đạt gánh xuống, các bà các cô chuẩn bị, vì chỉ trong vòng ít giây đồng hồ đã có người đến cùng chia bóng mát, chờ múc vội bát chè mang về cho Mẹ, cho Chị, hay cho chính mấy nàng. Cho nên, nếu khi đó tôi chú ý khoa học thống kê, chắc đã ghi nhận được bao nhiêu dữ kiện về cư dân trong hẻm, biết ngay nàng nào hay ăn quà vặt nhất hẻm để mà tránh xa, sức nào kiếm tiền cho nàng ăn đủ. Thế rồi, một buổi trưa kia, một trong hai chị em từ căn nhà gần cuối hẻm, phía đối diện nhà tôi, là người đầu tiên đến dưới bóng mát mộng mơ. Ngước nhìn vào cửa sổ thấy thằng tôi tư lự nhìn ra, nàng chào. Lần đầu tiên tôi trao đổi vài lời với nàng dù đã nhập cư con hẻm hơn một năm. Hai chị em nàng không thể gọi là đẹp, nhưng có duyên, và rất mực nghiêm trang. Ít khi tôi gặp họ nô đùa. Hai chị em cắp cặp đi qua nhà tôi, mắt nhìn thẳng, bước đi cũng thẳng. Sau này, tôi gán cho vẻ nghiêm trang kia những lý do khác nữa. Sau buổi trưa tình cờ đó, họ hay gật nhẹ cái đầu, kèm theo nụ cười mỉm khi gặp tôi ngoài cửa, dưới tàn cây vú sữa.
Bây giờ thì tôi nói thôi, cái chuyện tôi muốn nói mà cứ lòng vòng hoài. Hai chị em cô nàng cuối hẻm thuộc một gia đình đã chứa, đã dấu “Anh Ba” trong nhà, hồi còn “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Thế là từ sau ngày 1 Tháng 5, năm 1975, cả con hẻm tưng bừng mở hội. Đó là tôi phóng đại thôi chứ phải mấy tháng sau người ta mới tiết lộ chuyện “anh Ba” lẩn lút những đâu khi thành phố còn “bị địch tạm chiếm.” Thực ra, khoảng năm 1966 hay 1967 gia đình tôi đã dọn khỏi hẻm, về ở đường Trương Minh Giảng. Khi còn lưu trú trong hẻm, lâu dần tôi không gặp một trong hai cô. Hai cô giống nhau, tôi lại không chú ý, nên không biết cô chị hay cô em mất hút, không còn qua lại trước nhà. Hay là trong một lần giao liên tận đâu đâu, cô đã thiệt mạng chăng. Tôi quả là một tên đần độn, vì sau này, mấy lần viết bản kiểm thảo, bản tự khai từ Nam ra Bắc, tôi không hề nhớ để mà khai rằng tôi có quen biết hai cô, là hàng xóm của gia đình hai cô, một cô có thể là liệt sĩ nữa, do đó, có thể tôi đã “ở gần” Anh Ba ít giờ, hay ít ngày, có khi cả tháng trời trong hẻm đó. Dính chút đó thôi, biết đâu tôi lại chẳng được làm “Trật Tự” trong trại, dám về sớm mấy năm trời nữa chứ.
Xa “hẻm của tôi” chừng 2 hay 3 năm, tôi trở lại ngõ 51, nhưng ở 51/một sẹc thôi, vì lúc đó tôi đã lấy vợ, ở nhà khác.
Nghĩ lại, tôi mới biết suốt 3 năm trời sống trong một khu vực nhà cửa san sát, hàng xóm láng giềng biết hết về nhau, mà tôi không chơi với một cô nào trong hẻm 2 sẹc. Hai cô danh tiếng kể trên chỉ là biết vậy thôi, chưa từng đứng đến 3 phút chuyện trò. Chỉ có thể nói tôi là tên hâm hấp. Trước đây, tôi quên phắt tiếng Việt Nam có hai chữ này, “hâm hấp”, hoặc gọn nhẹ hơn là “hâm!” Cách đây chục năm, có một cô Hà Nội sắc nước hương trời hỏi tôi: “Sao anh hâm thế?” Chỉ trong một sát na tôi đốn ngộ, nhìn ra cái bản ngã của tôi. “Hâm!”, giống như trong truyện “Câu chuyện của giòng sông” do hai vị Phùng Khánh, Phùng Thăng dịch từ tác phẩm của Herman Hesse, tựa gì tôi quên rồi, có tiếng thần kỳ: “OM!”
Từ đầu đến giờ tôi nói về cái danh giá của hẻm 51, nhất là hẻm 51 trên hai sẹc, “hẻm của tôi.” Tôi cố dính vào cái danh giá đó, nhưng nghĩ lại, tôi chẳng được hưởng một ly nào cả, cuộc đời tôi không hề bị chệch đi một chút để lỡ biết đâu thành một cái gì đó cũng danh giá tí ti. Nghĩa là, cái danh giá của hẻm là của tất cả mọi người trong hẻm, ngoại trừ tôi. “Anh Ba” có thể là của tất cả mọi người trong hẻm, của mọi người cả nước, nhưng không hề là của tôi. Chắc chắn là thế!
Đọc đoạn trên chắc quí vị nghĩ tôi đang oán thán cuộc đời, oán trách số phận thằng tôi hèn mạt. Dạ không, tôi là một thằng hoàn toàn may mắn khi lọt vào hẻm 51 đường Cao Thắng, Quận 3, Sài Gòn. Bởi vì, lọt vào đây, tôi đã kiếm ra một nửa của thằng tôi, một nửa tuyệt vời của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ rất vui mà kể chuyện này, nhưng xin để vào nơi khác. Tôi sẽ kể một cách đàng hoàng, đứng đắn, chứ không với cái cách kể bá láp như kể về Anh Ba. Lỡ kể về anh rồi, không thể kể, nói, viết đàng hoàng được. Xin quí vị vui lòng tìm chuyện “một nửa” ở Tập Hai, trong tự sự Đời Tôi.
Còn một sự “vẻ vang” nữa từ con hẻm 51 đường Cao Thắng, đến sau này qua Mỹ tôi mới biết, đó là con hẻm đó sản sinh ra một chàng làm phát thanh nổi tiếng ở Quận Cam, California. Chàng mang họ Lê, một trong những người tiền phong của ngành truyền thanh Việt ngữ của Thủ Đô Tỵ Nạn. Đó là một điều khiến tôi có thể vênh vang hơn một tí nữa so với ngày xưa. Tôi cũng cố dính vào mà chưa được.
Vào “Hẻm 51” đúng lúc tôi bắt đầu cuộc đời “sinh viên đại học” của tôi một cách muộn màng. Muộn màng nếu tính theo tuổi thật của tôi đã 20, nhưng tuổi giấy tờ mới 18. Vốn tính lười học, ham vui những chuyện chẳng đâu vào đâu, những chuyện mấy ông bố thực tế gọi là “lý tưởng 3 xu”, nhờ may mắn mới đậu được Tú Tài 2. Từ cái “3 xu” từ lâu nằm ở chỗ nào đó trong đầu, tôi nộp đơn thi vào “Dự bị y khoa” do ảnh hưởng của mấy quyển sách về bác Sĩ Tom Dooley. Dĩ nhiên không đỗ. Thi vào Đại Học Sư Phạm, làm sao đỗ được khi chẳng thuộc bài gì cả. Đành ghi tên học Luật. Còn “Bác sĩ Tom Dooley”, sau này nhiều chuyện linh tinh chung quanh vị bác sĩ một thời vang danh cho tôi một cái nhìn khác hơn về những nhân vật này, nọ. Từ đó, tôi khoái cái kiểu “Huỵch Toẹt Nam Kỳ”, có gì “nói mẹ nó ra, bày mẹ nó ra”, chứ đạo đức giả lâu ngày cũng phơi ra dưới ánh sáng mặt trời. “Có sao nói dậy, người ơi!”
“Bởi dzậy” cái lý tưởng 3 xu cho tôi cái nhìn sai lạc về trường Luật của chúng ta. Tôi cứ tưởng cách học ở đại học khác với trung học, nghĩa là phải có nghiên cứu, tìm tòi bổ túc cho những gì Giáo Sư hướng dẫn ở giảng đường. Đại học Luật Khoa “của chúng ta” không như vậy. Ở chỗ nào đó tôi đã kể chuyện anh bạn Nguyễn Minh Hùng nghiên cứu thêm sách Tây, và cho tôi học ké, tức là dạy cho tôi biết trong sách nói gì, bị trượt ngay năm Thứ Nhất Cử Nhân Luật mà không được thi lại kỳ nhì. Mùa hè năm 1963, sau khi thi trượt vào mấy phân khoa đại học phải thi tuyển, tôi hý hửng ghi danh vào Đại Học Luật Khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Hồi còn trung học tôi mơ mộng được bước vào ngưỡng của trường đại học này, cũng là mong trở thành “luật sư cãi cho người nghèo” (3 xu mà lị!) Đứng ở hành lang trông ra sân trường chẳng lấy gì làm to tát, tôi mộng mơ sẽ học hành, nghiên cứu, xục xạo sách vở, cầy nát các thư viện tôi có thể tìm tới, để trở thành thằng sinh viên đàng hoàng. Tôi tiếc cho cái vốn liếng tiếng Anh, tiếng Pháp quá ít ỏi, nhưng quyết chí sẽ bù đắp để có thể với tới những trang sách luật nước ngoài, nói trắng ra là sách nước Pháp, nước Mỹ, vì tôi biết quí ngài giáo sư cũng từ mấy lò đó mà ra. “Làm người ai cũng phải có hy vọng.” Cụ Nguyễn Bá Học đã dậy thế mà.
Giờ học đầu tiên, tôi quên mất ngày tháng và vị Thầy khả kính nào mở đầu năm học cho Năm Thứ Nhất Cử Nhân Luật 1963. Cả một giảng đường lớn nhất của trường dầy đặc sinh viên, những chàng trai nước Việt đứng tràn ra cả hành lang, ngoài sân, chuyện trò hơn ong vỡ tổ. Nghe nói sau này Năm Thứ Nhất Cử Nhân Luật đông đến mười ngàn sinh viên. Thật đáng mừng cho tổ quốc chúng ta sẽ có thêm biết bao các ngài cử nhân, tiến sĩ. Đây mới là bước khởi đầu, rồi cả thế giới sẽ biết tay chúng mình! Và vị Thầy khả kính (không biết đến từ ngõ ngách nào) bước lên bục. Ngài đặt cái cặp xuống bàn, nghiêm nghị quét cặp mắt khắp giảng đường. Sau này tôi vô lễ nghĩ rằng lúc đó chắc ngài nhẩm tính xem như thế số cour sẽ bán được bao nhiêu, bọn ban đại diện sinh viên lấy mất bao nhiêu, còn lại mua được chiếc xe hơi mới như thế nào. Rất vô lễ, hoàn toàn vô lễ cho cái thằng tôi (sau này). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự vô lễ còn chừng mực, vì nền đạo đức của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn được cổ võ, được nhắc nhở từ trong nhà ra đến ngoài đường, sự vô lễ trong suy nghĩ của tôi vẫn còn trong phạm vi chấp nhận được, nghĩa là vẫn “trong vòng lễ giáo!” Sao kỳ dậy? Vì tôi chỉ nghĩ vị Giáo Sư khả kính kia toan tính những lợi lạc cho bản thân và gia đình, nghĩa là những toan tính chính đáng trong giới hạn gia đình. Tôi không nghĩ ngài lấy tiền bán cour sống thác loạn với gái gẩm, cờ bạc … Điều đó chứng tỏ tôi vẫn đàng hoàng, ngài vẫn đàng hoàng, trong cái tương quan xã hội đàng hoàng. Nều để tuốt tuột sau này tôi mới nghĩ về chuyện đó, chắc là nghĩ bậy nhiều chuyện lắm lắm.
Trở lại, Thầy ngồi xuống bàn, mở cặp (cái cặp to lắm, chắc là nặng lắm) lấy ra tập giấy dày cộm. Ngài lật lật mấy trang, và bắt đầu đọc. Giọng đọc của ngài đền đều như nước chảy (đổ đầu vịt). Hết giờ học, tôi chen vai thích cánh (thực ra tôi không có cánh) thoát ra được sân trường, cái sân nhỏ như cái mùi xoa, rồi thoát ra khỏi cổng, vừa chen vừa tự an ủi, đây là giờ học đầu tiên, ngài Giáo Sư chờ chúng tôi, đám con nít mới lần đầu được ngồi ghế ở giảng đường đại học, sẽ quen với cuộc sống sinh viên, rồi ngài sẽ giảng. Tôi tưởng tượng sau này ngài sẽ hào hứng đứng phắt dậy (dù ngài hơi mập và lùn), hùng hồn, thao thao bất tuyệt, nói về điểm này điểm nọ trong luật Hồng Đức, luật nhà Lê, nhà Nguyễn, rồi nhấn mạnh, các anh về nghiên cứu, tìm hiểu xem cùng lúc đó, cũng thế kỷ đó, dân luật mấy nước tây phương ra làm sao, có so sánh nổi với nước ta không, … Nghĩa là các anh con nít mới lên giảng đường sẽ è cổ ra mà lục tung các thư viện, sách báo. Tôi hy vọng các ngài Giáo Sư khác cũng vậy, cho chúng tôi cơ hội tìm tòi khắp nơi. Tôi khoái tỷ, vì nếu các bạn theo dõi tôi từ hồi còn ở Đà Lạt, lúc 13, 14 tuổi, tôi đả tìm đọc mấy tờ báo chán ngắt là “Quê Hương, Sáng Tạo” chẳng hạn, đã làm quen với những đề tài kinh tế, chính trị, luật lệ, triết Đông triết Tây, rồi Tư Bản, Cộng Sản, cái gì mà “vị nhân sinh, vị nghệ thuật, …” dù chẳng hiểu chút gì. Nhưng đã quen với mấy cái kiểu khô khan đó, nên bây giờ “cũng dễ thôi,” (cứ tưởng bở!) Những ngày tháng tiếp theo, ngài Giáo Sư vẫn dạy học như giờ đầu tiên, nghĩa là ngài đọc cour của ngài cho chúng tôi nghe, mà cách đọc, giọng đọc chán ngắt, và những gì ngài đọc giống như cour Ban Đại Diện lớp bán cho chúng tôi. Mấy ngài khác cũng gần gần như thế. May mắn, tôi gặp được anh bạn Nguyễn Minh Hùng như hai lần đã kể trước đây, nên tôi cố đóng vai trò nghiên cứu của sinh viên. Kết quả các bạn đã biết, cả hai đứa đều trượt kỳ thi cuối năm. Mất một năm. Nhưng anh bạn Hùng tỉnh thức hơn tôi, nên cuối cùng vẫn tốt nghiệp Cử Nhân Luật. Có lẽ công việc làm báo dạy anh cách hòa hợp với xu hướng của thời đại, thời đại dạy vẹt vẫn còn.
Phải nói thẳng thế này, mấy điều tôi kể trên tuy có là sự thật theo cách nhìn của tôi, nhưng nguyên do chính yếu khiến tôi thất bại năm đại học đầu tiên chính là do tôi lười học, đúng ra là lười học bài. Tôi chăm chỉ đọc sách, nhưng không chịu học thuộc bài. Chỉ vì lười, còn nói khác đi là ngụy biện. Nếu tôi đừng lêu lổng rong chơi những chuyện ngà voi, vòi voi, có lẽ tôi cũng học được. Còn đổ tại Thầy, tại trường, là láo một nửa! Tại sao tôi “tìm ra chân lý” đó? Bởi vì, mấy năm sau tôi học trường Dược, cũng vậy, cũng trượt lên trượt xuống, cũng vì không chịu học cho thuộc bài. Thầy ở Dược Khoa với cục phấn viết công thức lia lịa trên bảng đen, lớn tiếng giảng giải phản ứng này, định luật nọ, nhiều khi không có trong cour in sẵn, vậy mà tôi cũng có chịu học hành đàng hoàng đâu. Điểm thực tập thì tuyệt vời, điểm bài vở thì hạng bét. Cái tội lười, không chối vào đâu được. Cái tội thích con voi, lúc thì ôm vòi, lúc lại vác ngà, năm tháng qua đi, ra vào cổng Đại Học Dược Khoa suốt 5 năm, cuối cùng đi lính, dù đối với trường chưa hẳn là bị ra cửa sau, nhưng đối với Nha Động Viên, thì “ngài sinh viên” không lên lớp nên chịu khó vào học tiếp ở Thủ Đức.
Trước đây tôi cứ tưởng mấy trường thiên về khoa học kỹ thuật là nơi khó thấy giai nhân. Lầm. Lầm lớn, ít nhất cũng tại Dược Khoa. Tôi tin rằng ngày đó nếu tổ chức thi nhan sắc sinh viên như ngày nay, chắc là tiểu thư Dược Sĩ tương lai sẽ đoạt hoa hậu. Vừa giầu, vừa đẹp là các nữ sinh viên Dược Khoa, ít nhất cũng một nửa các cô có đủ hai điều hân hạnh đó. Khi tôi học năm Thứ Nhất lần thứ hai, một buổi sáng bước vào câu lạc bộ sinh viên, tôi bỗng thấy “cả một trời mơ ước” do đôi mắt sao đẹp và tươi đến thế đang đứng bên quầy. Cô đẹp, tuy không trắng như trứng gà bóc, và nét cười mê hoặc làm sao, cử chỉ linh hoạt, sinh động, thu hút. Hình như cô ở trong ban đại diện năm thứ 3 (hay thứ 4?). Cũng lại hình như, cô hay ngả về bên trái như một anh sinh viên khác, anh này ăn, ngủ luôn ở câu lạc bộ. Họ đều theo lý tưởng bên trái, đi lề trái, tức là thiên tả! (Cái lũ sinh viên Quốc Gia mình bậy bạ ở chỗ đó, mắc cái bệnh “lý tưởng dân chủ, tự do”, biết bạn bên cạnh mình ở bên kia cũng thây kệ.) Sau này, không rõ cô có thoát khỏi Sài Gòn để nhảy núi hay không. Cho đến hôm nay, hơn 50 năm sau tôi vẫn hình dung ra đôi mắt sáng và vui của cô. Hy vọng sau Mậu Thân cô vẫn còn đâu đó, và rất mong sau 1975, cô thoát khỏi cả ảo tưởng lẫn thực tế cuộc đời để được an vui ở một nơi nào trên trái đất của chúng ta.
Chỉ làm sinh viên 6 năm thôi mà tôi cũng có khối chuyện vui, Xin kể một ít. Khởi đầu vênh vang là sinh viên năm đầu tiên ở trường Luật (sau khi chê mấy trường thi tuyển là không biết nhìn người!) Rất vênh vang, vì thuở đó mấy chữ “sinh viên đại học” to lắm. Chỉ bằng tuổi tôi nhưng do ở nhà có Cụ Thân Sinh, hoặc ông anh cả vai vế, nhiều bạn mang danh sinh viên đại học (như tôi) là có thể được vào dậy học ở mấy trường trung học có thớ hạng hai, đôi khi hạng nhất nữa nếu vai vế to như Tổng Thư Ký Bộ chẳng hạn. Cứ thế, bạn vừa dậy, vừa học, cuộc đời thuận buồm suôi gió. Còn tôi, ở nhà nhiều người vai vế, nhưng chỉ tính ở làng khi trước di cư 1954, mà Thầy tôi mất từ 1945, mấy ông anh lớn tôi phần nhiều cũng vội đi theo Bố. Vai vế chỉ ở làng thôi, vào Sài Gòn không ai tính cho, nên cố gắng len lỏi chỉ được kèm trẻ tư gia hoặc dậy mấy trường ngoại ô xa lắc, đạp xe đổ mồ hôi. Tuy nhiên, tội gì không vênh vang. Sinh viên là giỏi vô cùng, nên tôi bảo rằng, mỗi năm Ban Đại Diện năm Thứ Nhất bán được mấy chục ngàn tập cour của các Thầy, bọn họ kiếm nhiều tiền quá, tại sao tôi phải mua cour của họ. Tôi tìm mua lại cour cũ mấy môn đã “kết” là Quốc Tế Công Pháp và Dân Luật, rẻ rề. Tôi kể rồi, năm đó thi Quốc Tế Công Pháp, và gì nữa, quên rồi. Tôi trúng tủ, nhưng trượt.
Đó là chuyện học (mà không chịu học), còn bây giờ là chuyện lêu lổng. Một tối nào đó, chẳng thể nhớ tháng mấy, có lẽ giữa năm 1965, anh Đỗ Ngọc Yến kéo tôi đi ăn nhậu, rồi nhân Phan Huy Đạt lảng vảng gần đó, cũng lôi theo luôn. Lúc đó e rằng Đạt chỉ mới 16 hay 17 tuổi, đúng ra ông Yến nên chừa ra bởi vì còn cái mục sau nữa. Eo ôi, chuyện bậy lắm. Xét cho cùng ông Yến này chỉ đầu têu tôi những chuyện bậy bạ. “Bậy bạ” theo cái nghĩa không chuyện nào cho tôi cơ hội “vinh thân, phì gia”, còn “ích nước” hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn không “lợi nhà”. Cũng xét cho cùng, hình như ông ấy dạy tôi đủ 4 cái ngu: Làm Mai, Lãnh Nợ, Bẫy Cu, Cầm Chầu. Thực tình, tôi chưa từng đi bẫy cu, còn thời tôi lớn lên, đã hết cái chuyện vô cùng thú vị là đi hát ả đào, còn gọi hát cô đầu, rõ ràng không có chuyện cầm chầu. Đúng ra, khi đàn đúm nhau hát hò thâu đêm suốt sáng, nhiều khi cũng nhuốm mùi ả đào lắm chứ, chuyện này thì có. Còn đi cả buổi chờ con chim cu mà bẫy, tôi chỉ nghe nói. Nhưng cái hôm tôi kể chuyện đây, thì ông Yến tổ chức cho người ta bẫy chim cu, mấy con lận.
Tôi hôm đó, bỗng dưng anh Đỗ Ngọc Yến hỏi, đại khái: Ê Bí, hôm nay rảnh không, đi ăn nhậu nghe. Tôi gật đầu ngay. Chuyện này hơi lạ, Rủ nhau đi vác mấy cái ngà voi là đặc chưng của anh Yến, còn đi ăn nhậu, hơi kỳ kỳ. Chắc là lại cái bẫy gì đây. Có cậu nhỏ Phan Huy Đạt đứng đó, nên được đi ké luôn. Chàng kéo chúng tôi vào khu nào đó trong Chợ Lớn, ngồi ngoài vỉa hè nhậu mấy món lặt vặt, chia nhau hai chai bia cổ lùn. Tôi có được uống ké anh Đỗ Quý Toàn mấy hớp bia từ ba bốn năm trước, nhưng hôm nay phải cõng gần cả chai, có hơi lang thang siêu độ, thần trí vơ vẩn 9 tầng mây. Bỗng nhiên, anh Yến hay bỗng nhiên, anh chỉ một tòa nhà sừng sững bên kia đường, phán: Mình vào đó kiếm mấy em nhé. Thế là thần trí tôi nhập lại xác phàm tức khắc, cái khoản này thật vô cùng mới lạ. Thằng tôi, tính tuổi thật chắc đã 22, cũng oan một tuổi vì tôi sinh vào tháng 12, còn hai tuần lễ hết năm, nhưng chưa trải mùi đời. Còn cậu Đạt ở khoảng 16, 17 tuổi, không rõ đã từng gặp nàng Kiều nào chưa. Biết sao bây giờ, cứ thế mà bỡ ngỡ theo anh Yến, bước vào chốn bồng lai tên là Khách Sạn Phú Đô. Ba thằng Hướng Đạo Sinh không ba lô nên không có chỗ nào nhét cho đủ 10 điều luật mang theo, bẽn lẽn đi thám du. Đêm đó, vừa vì say, vừa vì tâm lý ngớ ngẩn sao đó, tôi chẳng làm nên cơm cháo gì, mà nàng tiên tròn trùng trục sau mấy phen thất bại của thằng tôi, lăn ra ngáy pho pho, rất an nhiên tự tại. Rõ ràng là hình ảnh vừa buông vừa xả, đầy mùi thiền. Hai vị kia, tôi không biết vì không ai tra khảo ai, có lẽ chục năm sau họ cũng không còn nhớ chuyến thám du đêm nào.
Một chuyện nữa, cũng chuyện 1965, Chương Tình Hè. Sau khi được Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên cấp cho giấy phép hợp pháp hóa hoạt động của Chương Trình hè 65, bỗng dưng, lại bỗng dưng, một buổi sáng, anh Đỗ Ngọc Yến bảo tôi: Này Bí, kiếm ái áo cho đàng hoàng, thắt thêm cái của này vào, mình đi gặp Quốc Trưởng. A, lại thế nữa! Tôi đã theo chàng ra vào nhiều cửa, từ sân bay quân sự Tân Sơn Nhất leo lên phi cơ riêng của tướng, đến bàn giấy mấy vị bộ trưởng, ra vào mà cứ tưởng mình đi họp thanh niên, sinh viên. Hôm nay bắt tôi diện chemise trắng, thất cà la oách, vì là gặp cấp quốc trưởng lận. Tôi nheo nheo mắt ngạc nhiên, Yến giải thích, xưa nay mình làm việc mà cứ như làm lậu, không giấy tờ gì cả. Tuần trước kiếm được giấy phép của ông Tuyên, nhưng phải rong trống, mở cờ cho các anh em ở tỉnh họ dễ làm việc. Bọn báo chí thế nào cũng đăng tin Chương Trình Hè được Cụ Phan Khắc Sửu tiếp kiến. Thì ra là thế, cỡ tép riu như tôi chưa biết hết được chuyện đời. Tôi là kẻ cuối cùng chạy theo chiếc xe díp vừa chuyển bánh, leo lên ngồi thành xe. Kiếm khắp các phòng làm việc mới vớ được chiếc áo trắng chàng nào treo sau cửa, nên chậm. Phái đoàn chắc phải 7 hay 8 mống, tôi nhớ rõ có Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Thị Văn. Chị Văn, người nhỏ thó nhất, nhưng lại giữ chức to, hình như Phó Tổng Thư Ký Nội Vụ, thay anh Yến khi chàng vắng mặt, hình như đang học năm thứ Ba, hay năm thứ Tư Y Khoa. Vào cổng Dinh Gia Long, tôi là người ghi tên sau cùng, sau đó cũng ghi tên sau cùng trong danh sách phái đoàn để trình cho vị nào đó của văn phòng Quốc Trưởng. Khi đăng báo, cái danh sách đó cứ thế “ịn” xuống, theo đúng thứ tự ghi tên. Và tên tôi ở hàng chót. Chuyện này tôi hơi tiếc tí ty. Bởi vì, trong khi ngồi thành xe díp chạy loang loáng trên đường phố Sài Gòn để vào dinh, tôi đã “hân hoan âm mưu” việc riêng tư. Tôi cùng “một nửa đời tôi” ríu rít đã được 3 năm, khổ nỗi, Ông Thân Sinh của nửa kia tuy là Dược Sĩ nhưng vẫn nhiễm mấy cái “hủ lậu” thời xa xưa, là mấy chàng thì thọt mượn bàn tay nàng phải tốt nghiệp Bác sĩ, Dược Sĩ, Nha Sĩ, may ra mới được bước vào cửa nhà ông, tức là được nàng ghé mắt nhìn đến. Vì vậy mà tôi theo học Dược dù chẳng ưa tí nào. Nhưng cái mửng tôi, mấy năm rồi vẫn năm Thứ Nhất, tức là đi Stage, chắc rằng chuyện ra trường phải hẹn vào cuối thiên niên kỷ. Ông Dược Sĩ còn hủ lậu, coi mấy cái chuyện tôi đi “đội đá vá trời”, làm “cách mạng xã hội”, cứu giúp người bần hàn là chuyện bá láp, chẳng tí ti oai hùng nào cả, nằm ngoài danh sách tuyển phu cho các ái nữ của ông. Vậy thì, báo chí đăng tên tôi vào gặp Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, may ra làm ông đổi ý chăng? Chán mấy anh nhà báo, họ không biết xếp tên tuổi theo thứ tự a,b,c, tên tôi là Anh sẽ đứng đầu, ít nhất hạng 3, sau hai vị chức to. Họ cứ để tên tôi đứng cuối cùng, thế mà cũng gọi là “báo”. Dù sao, có còn hơn không. Tôi hơi hơi được chút biệt nhãn, lại vẫn còn tư cách sinh viên Dược Khoa thêm vào, dù sinh viên đúp mấy năm liền. Của đáng tội, hè năm đó tôi hì hục mãi cũng leo lên được Năm Thứ Hai.
Đời tôi toàn là lêu lổng, chuyện đó cả làng đều biết, và đều khinh khỉnh liếc nhìn bản mặt thằng tôi. Vậy mà có lần cái lêu lổng này lại được việc. Vẫn trong cái vòng 1965, ở Chương Trình Hè. Ông anh tôi, Đỗ Quý Toàn, tậu được chiếc xe mobylette xanh mới toanh, dựng trong sân Trụ Sở Chương Trình Hè 65, số 41 Phan Đình Phùng. Buổi trưa chàng ra lấy xe đi dạy học, xe biến mất. Hồi đó, tôi hay ngủ lại đêm ở trụ sở (tức là lêu lổng giang hồ vặt mà), đàn đúm với mấy cậu “nhà dưới”, tức là trú dóng khu nhà xe, nhà bếp, phòng chị sen, anh tài, ở phía sau biệt thự. Tôi đâm ra thân với mấy bạn như Nguyễn Hữu Doãn, Mai Hương (bồ của Doãn, lâu lâu cũng ở lại), (Nguyễn?) Tấn, hỗn danh “Tấn Mốc”. Phòng bên cạnh có mấy tay ai cũng biết là thiên về “Mặt Trận”, nhưng không ai nói gì, như Cung Nhật Tân (không nhớ đích xác tên), … Tôi ít giao du mấy tay đó. Còn chàng Tấn Mốc hành tung kỳ bí, lăng xăng đủ chuyện, tôi vẫn nghĩ chàng có chút ít dây nhợ giang hồ, Phủ Đặc Ủy, báo chí, giới anh chị gì gì đó, không biết đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi cứ tìm chàng nhờ chuyện mất xe: Này bạn Tấn thân mến (bỗng nhiên thân mến là có chuyện đó), cậu kiếm giùm anh Toàn cái xe đi chứ, anh sẵn sàng chuộc. Buổi tối, Tấn báo tin tôi: anh Bí, có thằng bảo em thấy chiếc xe dựng bên tường chỗ trụ sở Đoàn Sinh Viên Phật Tử (hình như khu Ngã Sáu Sài Gòn?), nhưng sáng mai mới lấy được. Tôi nghĩ, chắc bạn nào đó đang kiếm cho đủ đèn đóm ráp lại chiếc xe, chứ “thấy” ở khu đó mà sáng mai mới lấy được thì hơi lạ đấy. Tôi nhớ ơn bạn Tấn (của tôi). Chàng Tấn nay đã ra người thiên cổ.
Trở lại chuyện học hành một chút (cho ra vẻ có ăn có học). Năm 1965, tôi lên năm Thứ Hai Dược Khoa, nếu cứ thuận buồm xuôi gió có lẽ năm 1968 giật được mảnh bằng Dược Sĩ Quốc Gia. Oái oăm thay, nghe đâu Cụ Chu Mạnh Trinh có tổng vịnh truyện Kiều rằng: “… Thế mới biết người khôn thời hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.…”, lại ứng ngay vào trường hợp tôi, gặp gian truân suốt! (Chưa hẳn tôi là “người khôn”.) Một anh bạn tôi, anh Trần Viết Anh, lúc đó hình như năm Thứ Tư hay Thứ Năm trường Dược, được làm phụ tá cho cô Dược Sĩ trông coi phòng lab của Năm Thứ Hai. Tôi kể như vậy không phải để khoe được quen lớn, vì nếu có chàng trùng tên này có giúp nhau thì cũng quanh quẩn trong lab mà thôi, còn bài thi cuối năm  của mấy ông Thầy giáo, anh bạn này mấy khi đụng tới được. Tôi kể vì một lời tiên tri vô cùng chính xác của cô Dượ Sĩ. Có lẽ cô là học trò đời thứ bao nhiêu không biết của Cụ Trạng Trình, đã phán một câu về tương lai tôi không trật một ly nào, câu này do anh bạn kể lại: “anh Anh ạ (Anh họ Trần), xem bộ dạng này chắc rằng anh bạn của anh (Anh họ Đỗ) không ra nổi dược sĩ đâu, lại đi lính thôi!” Đại khái câu phán gần như vậy. Cuối cùng linh ứng, 1969 tôi học tiếp ở Thủ Đức, không cần đến mảnh bằng tốt nghiệp Dược Khoa.
Cuối cùng, phải nhắc lại là chỉ vì lười học bài, tôi có thi cả đời cũng không đỗ được ở cái đất nước Việt Nam. Vì lười, tức là do chính tôi chứ không phải vì Thầy, vì Trường mà tôi học chẳng ra gì. Phải nhắc lại vì nhiều khi quên mất, tôi cứ đổ tại lối thi cử của nước mình hồi đó khiến tôi là thằng sinh viên cả đời không mang nổi mảnh chứng chỉ tốt nghiệp ra khỏi cổng trường đại học. Tôi có anh bạn thân tên Ái, cố học 10 năm cũng ra Dược Sĩ, nhưng có khi vì chàng ta âm mưu kéo dài cảnh lê lết ghế giảng đường. Còn tôi, mỗi năm học có 7, 8 môn học, nhất định chỉ học 2 hay 3 môn. Nhà trường bốc thăm (?) thi cuối năm 2 môn, may mắn thì thằng tôi trúng tủ, qua ải dễ dàng; Không may gặp mấy môn không học, đành hẹn năm sau, hẹn cho đến khi Nha Động Viên thấy đúng lứa tuổi mà không thi đỗ cuối năm, chuyển cho theo học nội trú ở Thủ Đức cho chắc ăn, môn nào học cũng có thi, không bốc thăm gì cả. Vậy mà, cũng chút xíu lại không đỗ, nhưng chuyện này nói sau. Coi tử vi, nói cái con đường thi cử của tôi hay gặp trắc trở (không nói vì lười học, khoa tử vi hay ở chỗ đó, tại ở đâu đâu không tại ở mình!)
Tóm lại, tôi là thằng học dốt, học lười, cả đời đều dốt và lười. Kiểm điểm lại, bạn bè cùng học Dược với tôi, họ đều ra khỏi trường bằng cổng trước: Nguyễn Đức Thanh, Bội Dung, Đinh Bá Ái, … nhiều tên tuổi lắm nhưng tôi ế mặt quá nên quên rồi. Bạn Dược thì ra Dược sĩ, bạn Luật thì ra Cử Nhân Luật rồi Luật Sư, Thẩm Phán, Biện Lý. Riêng mình tôi, riêng một góc trời, góc trời quân trường Thủ Đức, mà cũng chút xíu ra cổng sau nữa chứ. Hay thật! Đố ai làm được như tôi. Cũng là thứ “kỳ tài”, tài hơi kỳ kỳ, không có lại hơn!
Tôi chỉ nhớ được mấy chuyện vui vui vụn vặt kể trên. Còn chuyện vui vui lơn lớn hơn một tý thì đã kể đâu đó nhiều lần, như Nhóm Sinh Viên Chống Xa Hoa Phóng Đãng, Chương Trình Hè 65, Nhóm Sinh Viên Văn Hóa, Nhà Xuất Bản Quảng Hóa, Quán Văn, … 6 năm đốt đèn dùi mài kinh sử coi như ngừng ở đây, chỉ xin thêm tí đuôi của nó: Hè 1968, thấy rõ trường Dược có vẻ kỳ thị tôi, không cho tôi đỗ kỳ thi lên lớp, tôi nghĩ ngay mấy giải pháp đối phó. Hoặc là tôi ăn ngủ ngay tại Câu Lạc Bộ Sinh Viên của trường, mấy anh cảnh sát đố dám vào bắt thằng trốn lính là tôi, hiện có một hay hai chàng sinh viên (phe bên kia?) đang ở như vậy. Kẹt một nỗi, tôi làm nghề gõ đầu trẻ kiếm cơm mà không học sinh nào chịu đến nơi tôi trú đóng để tôi gõ đầu, lại phải đi ra ngoài đời chơi trò “trốn, tìm” cùng mấy anh cảnh Sát. Hoặc là, trước đây khi theo anh Đỗ Ngọc Yến ghé chơi Trung Tâm Huấn Luyện Vũng Tàu của Trung Tá Nguyễn Bé, có được lời kêu gọi gia nhập “Xây Dựng Nông Thôn”, khối việc để làm, chẳng biết năm nay (1968) còn có hay không? Tìm hỏi Yến, anh bảo, hay là “đằng ấy” vào làm việc ở Phủ đi, tớ đi hỏi, nhanh hơn. Nghĩ lại, cửa nào cũng phải lụy. Gặp anh bạn của anh Toàn tên Mai Đức Khôi, đại úy nhảy dù cụt tay, bấm quẻ tử vi xong thầy phán: Số cậu thế nào cũng đi tù, thà rằng cậu đi Thủ Đức, sau sẽ làm về Tài Chánh, Hành Chánh, thụt két đi tù còn sướng hơn bị bắt lính, đi tù làm lao công đào binh, khổ lắm. Số cậu phải dính vào lính, đừng chạy cửa này cửa nọ, mà lính văn phòng, cả đời không biết bắn súng. Cậu làm về tiền bạc, không ra mặt trận như tớ, nhưng vẫn là đánh bọn Việt Cộng chết mẹ nó đi. Thầy Khôi đẹp trai, thù Việt Cộng đến 3 đời, phán ắt là phải trúng. Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó, khoảng hơn 10 giờ, anh Khôi với tôi lang thang kiếm chỗ cà phê để ngồi xủ quẻ. Đi ngang câu lạc bộ Bộ Thông Tin trên đường Phan Đình Phùng, anh bảo ghé vào đây đỡ mất công chạy lòng vòng, vừa (không) ngon, vừa rẻ. Cái đường Phan Đình Phùng, nó dính đến tôi cả đời, kể cả buổi sáng đó. Thế là tôi nghe lời Thầy, lên đường nhập ngũ tòng quân.  Đến năm 1975, lời thầy hiện rõ, tôi quả thực bị tù, nhưng là nhà tù của mấy anh cán ngố. Hết chuyện.
Thực ra chưa hết chuyện. Còn cái chuyện này, một chuyện khi tôi âm mưu từ năm 1999 kể lại cuộc đời mình, tôi háo hức mong đến lúc thuận tiện để nói về nó, nhưng hơn chục năm sau, đến khi có thể nói về nó, tôi lại ngán ngẩm, chỉ muốn phớt qua cho xong. Đó là chuyện tôi “đi Hướng Đạo”, chuyện Hướng Đạo. Thôi đành phiên phiến kể cho gọi là có, dù sao cũng là một phần cuộc sống đời tôi. Vả chăng, phương pháp giáo dục Hướng Đạo đã góp phần nhào nặn con người tôi lúc tuổi thanh xuân ngoài phần giáo dục gia đình Thầy tôi nhồi nhét vào tôi thông qua Đẻ tôi. Thầy tôi, một nhà nho Thế Kỷ 19, mất năm tôi một tuổi rưỡi, nhưng do tôi luôn sống bên Đẻ tôi, một bà Đồ Nho, những gì nghiêm khắc khó chịu của mấy ông Khổng, Mạnh, cứ thế thấm vào tôi. Dần dần, đến thời buổi tân thời, lắm điều của mấy anh Tàu già đã thành “lạc hậu” mà chúng vẫn cứ bám lấy tôi. Người ta bảo, ăn theo thuở, ở theo thời, còn tôi cứ thế thơ thới ngược dòng. Chán mớ đời. Lại còn ông Tây già (cứ ở phương Tây mình gọi là Tây hết) Baden Powell dậy mình phải sống theo 3 lời hứa, 10 điều luật của Hướng Đạo, Scouting for Boys. Toàn là những điều “hại” mình, nhưng là những điều đẹp và quí.
Cho nên những ngày mới lớn lên ở Đà Lạt, sống trong vòng tay Mẹ và giữa tình thân các Hướng Đạo Sinh Thiếu Đoàn Lê Lợi, Đạo Lâm Viên, tôi thực sự được hưởng những tháng ngày vui như chim và tươi như hoa. Các huynh trưởng tôi còn nhớ mãi như anh Đằng, Đạo Trưởng, anh Võ, Ủy viên Ngành Thiếu của Đạo, các anh Thiếu Trưởng Lê Đường, Hoàng, Được, các bạn Cao Duy Tuấn, Nguyễn Đức Quang, Hoàng Đức Châu, đều như những anh em ruột thịt. Đặc biệt một số các em, một nhóm các em rủ nhau đi Hướng Đạo cùng một lúc, xin vào Lê Lợi, và mấy anh Trưởng cử tôi lập Đội mới, Đội Hổ. Tôi còn lưu giữ mấy tấm hình thuở đó nhưng không tài nào nhận ra em nào, ngay cả tên các em tôi cũng không còn nhớ. Cái thằng tôi đúng là một thứ tồi tệ, nhưng sau khi rời Đà Lạt 1961, các em Đội Hổ vẫn theo cùng tôi nhiều chặng đường đời, cả những khi đi giữa núi đồi Thanh Hóa sau 1975. Lăn lóc giữa núi đá vôi, rừng lim của phía tây đất nước, gần biên giới Lào, tôi lại nhớ đồi thông Đà Lạt, nhớ các bạn Hướng Đạo, nhớ “Đội Của Tôi.” Bây giờ tôi đang ở giữa tuổi “những năm 70”, không biết còn “duyên” gặp lại em nào không, các bạn nhỏ của tôi?
Tôi không nhớ gia nhập Thiếu Đoàn Tây Hồ, Đạo Cửu Long, Sài Gòn vào năm nào, tháng nào. Có thể cuối năm 1961, đầu 1962, anh Đỗ Quý Toàn đưa tôi tới sinh hoạt với Đoàn. Lúc đó tuổi thật của tôi đã 18, chính ra tôi nên sinh hoạt ở ngành Tráng. Có thể mấy anh Trưởng của Tây Hồ muốn sau này tôi sẽ là Trưởng của Tây Hồ chăng? Vào Đoàn, tôi được cho vào Đội Trâu, lúc đó hình như bạn Đỗ Phát Hai làm Đội Trưởng. Hình như Nguyễn Đức Thanh, một bạn thân cùng học Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, lúc đó đã về Sài Gòn, nghe lời dụ dỗ, cũng theo tôi vào Đội Trâu. Có lẽ khoảng 2 tháng sau, tôi ra lập đội Hươu. Lúc tôi vào Tây Hồ là lúc Nguyễn Hữu Nghĩa, con ông Tổng Lãng, Tổng Giám Thị trường Chu Văn An, chuẩn bị đi Pháp du học. Chàng ta đang là Đội Trưởng Nhất của Tây Hồ, bận túi bụi cho việc xuất dương, bàn giao công việc cho ai, tôi không nhớ. Tôi còn nhớ hình ảnh khi đến thăm chàng, chàng vừa loay hoay xếp quần áo, đồ dùng, vừa nghe mấy đĩa tiếng Tây quay quay không ngớt, chạy ra chạy vào, không truyện trò gì được. Một bạn nữa cũng đi du học hoặc lúc đó, hoặc một năm sau tôi còn nhớ là Hà Dương Tuấn, con cụ Hà Dương Bưu. Lúc mới lên Đại Học, hình như lúc đang là Trưởng Thiếu đoàn Tây Hồ, tôi nhận được thư của Tuấn với nội dung còn in mãi trong ký ức tôi. Lá thư dài, viết về tính chính danh của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, về chính sách thực dân của Mỹ, khuyên tôi đừng bao giờ đi lính cho bọn chính quyền tay sai đế quốc Mỹ, giết hại đồng bào. Riêng điều này khiến tôi suy nghĩ, không phải vì mấy chữ đế quốc và tay sai, mà là chuyện thư từ qua lại với thế giới bên ngoài Miền Nam Việt Nam vẫn còn là, luôn luôn còn là, một thứ tự do mà người dân Miền Nam được hưởng dụng. Anh bạn Hà Dương Tuấn thoải mái khuyên tôi những điều cấm kỵ mà không e ngại cuộc sống tôi bị liên lụy, nghĩa là thư từ với goại quốc không bị kiểm duyệt. Không rõ ngay lúc đó, anh có viết đôi điều tương tự về Hà Nội hay không, để xem người nhận được sẽ ra sao? Dù sao, tôi luôn nhớ ơn những lời nhắn nhủ của anh, không vì nó hữu dụng, mà vì ít nhất cũng là do tấm lòng tử tế của anh, một Hướng Đạo Sinh.
Có vẻ như những điều bịp bợm, giả dối, lường gạt của những người cộng sản sau khi được bao phủ những lớp lý tưởng tự do dân chủ, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cho người nghèo rất gần với nền giáo dục Hướng Đạo. Từ đó, tôi không ngạc nhiên khi thấy một số anh em, bạn bè Hướng Đạo quen biết lần lượt rơi vào vòng mê hoặc của những người thiên tả, những người xã hội chủ nghĩa, những người cộng sản, và hiện giò, vẫn còn bị mê hoặc bởi bao điều dối trá đó. Những ngày đầu chập chững làm quen Tây Hồ, tôi đã nghe biết Trưởng Hoàng Đức Phi vượt biên ngả Cao Mên để đi Tây. Bạn Hà Dương Tuấn tôi kể trên cùng mấy người anh, em sống bên Pháp một thời hão huyền như thế. Một số tráng sinh Đạo Cửu Long cũng đầy nhiệt huyết với dòng tư tưởng cách mạng xã hội. Một buổi sáng thức dậy, tôi đọc trên báo nhưng không bất ngờ về tin anh Trần Hữu Khuê, Đạo Trưởng Đạo Cửu Long bị xử án 20 năm tù. Cùng vụ có cả anh bạn học thân của tôi, cũng là Đội trưởng của tôi ở Lê Lợi, Đà Lạt, bạn Cao Duy Tuấn lãnh 18 năm tù. Tôi vẫn nghĩ rằng họ là những người yêu nước nhưng bị bọn cộng sản đầu độc, rất đáng tiếc. Ba lời hứa Hướng Đạo, trong đó có câu: “… trung thành với tổ quốc và tín ngưỡng, …” Có lẽ họ vẫn tin rằng họ đang trung thành với tổ quốc, còn tín ngưỡng, sau này nghe nói có đề nghị bỏ chi tiết này.
Ký ức cuối cùng của tôi về Hướng Đạo ở Sài Gòn là về anh Hy, không nhớ Lê Gia Hy hay họ Phan, hay họ nào khác. Anh là Ủy Viên Ngành Thiếu của Đạo Cửu Long. Anh làm Nha Khí Tượng, mấy lần ra làm việc ở Quần Đảo Hoàng Sa, mỗi lần 6 tháng. Sau này, anh xin nghỉ Ủy Viên Ngành Thiếu, và kêu gọi tôi thay chỗ anh. Lúc đó tôi đang là Thiếu Trưởng Tây Hồ. Tôi không có thì giờ đi học mấy nơi như Bạch Mã, Tùng Nguyên, nên chưa hề có bằng Bạch Mã, bằng Rừng, nên nhất định từ chối đề nghị của anh. Không biết sau 1975 anh ra sao.

Một điều khác muôn thuở vẫn đúng, ở đâu cũng đúng, là không phải cứ mặc áo cà sa đã thành chân tu đạo đức. Dù mặc bộ đồng phục Hướng Đạo, sinh hoạt Hướng Đạo cả 10 năm, 20, 30 năm, có thể đến 50 năm, hoặc luôn tự nhận là Hướng Đạo Sinh vì “Hướng đạo một ngày Hướng đạo mãi mãi”, cũng chưa chắc anh là người tốt, có khi còn là người rất xấu. Tôi là nhân chứng của mấy trường hợp như vậy. Họ là những người Hướng Đạo lừng danh trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa, nhưng lại là những tay lừa gạt, đạo đức giả, sẵn sàng hại người, hại Hướng Đạo Sinh khác vốn vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Họ là “Hướng Đạo Sinh Mặt Nhợt”. Tôi là nhân chứng vì rất gần với họ, rất thân họ, và lại biết quá nhiều về họ. Đó là lý do vì sao tôi kể ở trên, ngán ngẩm nên chỉ lướt qua giai đoạn Hướng Đạo trong đời tôi. Dù sao, tôi vẫn hãnh diện là một Hướng Đạo Sinh.
Thế là hết 6 năm linh tinh của tuổi thanh xuân.


Update: Một bạn gần đây cho biết về chỗ trú ẩn của "anh Ba" tại "hẻm 51": Theo bạn này, gia đình hai cô trong hẻm 51 sur / sur  (hẻm của tôi) quả thực là gia đình "nằm vùng", nhưng "anh Ba" không trú ẩn tại nhà của hai cô, mà trú ẩn ở một ngôi nhà khác, cách nhà 2 cô mấy căn, ngay cuối hẻm. Dù sao, vẫn là "một điều đáng hãnh diện" cho tôi, vì vẫn trong hẻm đó, có xa nhà tôi ở hơn một chút xíu, nhưng chắc rằng không vì thế mà tôi kém hãnh diện!