Thursday, November 15, 2018

Đà Lạt 1955 – 1961







Quê Hương Tuổi Nhỏ là tập 3 trong tự sự Đời Tôi. Thời gian từ 1954 đến 1961 gồm 3 giai đoạn, qua 3 nơi: Trại định cư Hòa Khánh ở Đức Hòa, khu Nguyễn Tri Phương Sài Gòn, và Thành Phố Đà Lạt.
đời tôi
Tự sự, viết tùy tiện kể lại cuộc đời của tôi từ bé đến năm 2016, và biết đâu, sẽ còn tiếp nhiều năm sau.  Tôi kể lại đời tôi qua các phần:
Phần 1- Gia Đình Tôi - Từ khi còn bé đến lúc di cư vào Nam, tôi kể chuyện "thằng tôi" trong loạt bài về "Gia Đình Tôi", gồm Thầy Tôi, Đẻ Tôi, Chị Tôi, Anh Tôi, tức là cho đến khi tôi 11 tuổi. Đúng ra, lúc di cư 1954, tôi chỉ 10 tuổi, vì tôi sinh giữa tháng 12, năm 1943. Chỉ có mấy tuần lễ tôi mang oan trên vai một tuổi.
Phần 2- Nhà Tôi – Tức là người bạn tôi quen từ 1963, rồi đồng hành với tôi cho đến bây giờ và tiếp tục tới lúc “chỉ có trời biết.”
Phần 3- Đà Lạt 1955 - từ khi vào Nam 1954 đến 1961. Đây là giai đoạn đầy thơ mộng trẻ thơ, cũng là những năm đầu chập chững ở Hướng Đạo.
Phần 4- Sài Gòn 1961 -1975 -  Từ 1961 trở đi, đến khi mất Miền Nam, 1975. Phần này có một Chương Bên Lề là “Quán Văn”.
Phần 5- Thanh Hóa - từ 1975 đến 1984, kể lúc tôi ở Thanh Hóa. Cũng chưa viết dù tôi có kể lẻ tẻ đâu đó vài chuyện vui vui những ngày tháng này.
Phần 6- Thành Phố Đổi Tên – Từ 1984 đến 1991. Từ khi ra tù đến khi qua Mỹ.
Phần 7- Tôi Làm Báo Người Việt - kể lại 17 năm trời tôi làm việc ở báo Người Việt, 1991 đến 2008. Phần này có Chương Bên Lề  là “Trần Đức Trực”.
Phần 8- Cuối Đời - là giai đoạn lăng nhăng cuối đời, cho đến lúc “chỉ có trời biết”, được bổ túc hàng năm, hàng tháng.
Phần 9Góp Nhặt Loanh Quanh, góp nhặt một ít trong số những bài tôi viết và đã in ở đâu đó ở Mỹ.
Phần 10: Còn Nhiều Điều Chưa Kể, viết về những điều tôi đã trải qua từ bé đến bây giờ (2014), những điều tôi làm, tôi thấy, tô nghe, và tôi nghe kể lại. (Những điều nhiều người muốn biết)

Đà Lạt 1955 – 1961
Số 2 Ngô Quyền Đà Lạt
Sau một đêm dật dờ trên xe lửa (tầu hỏa), buổi sáng một ngày cuối năm 1955 (hoặc đầu năm 1956) tôi lên tới Đà Lạt trong gió lạnh và màu xanh rừng thông bạt ngàn, tưởng cứ như “bỗng dưng” tôi rơi vào một xứ xở huyền hoặc, rơi vào một “cõi” tôi chưa từng tưởng đến.
Đây là lần thứ ba tôi đi xe lửa. Hầu như trong suốt cuộc đời tôi, mỗi lần đi xe lửa ở Việt Nam đều là một chuyển biến lạ lùng. Từ lần đầu đi xe hỏa năm 1954, trên đường Hà Nội đi Hải Phòng, đến lần cuối năm 1984 trên đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội, mấy ngày sau từ Hà Nội về Sài Gòn, chẳng lần nào những chuyến xe lửa này giống nhau. 
Vào đầu Tháng 8, 1954, gia đình tôi gồm đủ 5 người chen chúc trong một toa xe lửa ì ạch chạy từ Hà Nội đi Hải Phòng, để từ đó chúng tôi xuống tàu há mồm, ra tàu lớn, di cư vào Nam. Tôi nhớ hoài hình ảnh đồng ruộng vật vờ trôi ngược về sau theo tốc độ lừ đừ chậm chạp của con tàu chắc phải cũ kỹ đến nửa thế kỷ. Theo sách vở, đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng được khởi công xây dựng từ năm 1901, đến tháng 6, 1902 thì xong. Đường sắt dài 102 Km, từ Hà Nội chạy trên cầu Long Biên vượt qua sông Hồng, dọc theo quốc lộ 5A, qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, đến Hải Phòng. Đó là lần đầu tiên tôi đi xe lửa, lúc đó gọi là tàu hỏa, trên một con đường chỉ mới hơn 50 tuổi mà sao đã mang dáng dấp cổ xưa. Chuyến xe lửa đầu tiên này đã đưa cả gia đình tôi đến một khúc quanh cuộc đời, thay đổi cả cuộc đời, đi vào một nơi tưởng chừng như vô định: Miền Nam.
Tôi còn nhớ hình ảnh những bờ ruộng dọc ngang chậm chạp trôi dạt về phía sau. Xa xa là lũy tre xanh chấm điểm màu đỏ các lá cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng). Ở tuổi thơ, chưa biết gì về quốc cộng, chỉ thấy sự thân thương của màu đỏ lá cờ nhiều đêm các anh Việt Minh cho tôi xem những khi ghé nhà xin Đẻ tôi thứ này, thứ nọ. Các anh đều ân cần hỏi han tôi. Có lần các anh còn cho tôi chạm vào khúc sắt lạnh ngắt của khẩu súng, sau đó Đẻ tôi nói tôi không được đụng đến những thứ đó. Bây giờ từ trên xe lửa, thấy xa xa màu đỏ âm thầm, buồn bã, lòng tôi dạt dào mối thương cảm, bồi hồi. tưởng như sắp mất một thứ gì. Tôi cũng còn nhớ những đoàn người xôn xao tại sân ga mỗi tỉnh, trèo lên xe lôi kéo mọi người xuống. Gia đình tôi ở vào giữa toa, không phải chịu cảnh dằng co với nhóm người ào ào lên rồi lại ào xuống tại cửa toa. Sau này tôi biết đó là những người có nhiệm vụ ngăn cản là sóng di cư vào Nam. Chỉ vài phút thôi, xe chuyển bánh, lại những cánh đồng, những lũy tre, những lá cờ, những con người di động chậm chạp, như một sự cam chịu,  tất cả đều mang cho tôi cảm giác thật buồn, thật thê lương sao đó.
Gần 30 năm sau, khi những nhóm tù được thả từ miền Bắc, ngồi các toa xe lửa trở lại Miền Nam chạy đến địa phận từ Quảng Trị trở vào, nhiều nhóm dân chúng tại các sân ga cũng tràn lên toa xe lửa, bám vào các cửa sổ toa, nhưng không phải để ngăn cản, mà để nồng ấm hoan hô những người thân thương của Miền Nam xưa cũ -những người lính, những viên chức Việt Nam Cộng Hòa. Dân chúng trong các bộ quần áo chẳng lành lặn gì, những người dân đen đủi, gầy còm, nhưng hôm nay khuôn mặt vui tươi, ánh mắt lấp lánh tình thương, len lên toa xe lửa, cố dúi những gói xôi, cái bánh, vào tay những chàng tù nhân còn đang ngơ ngác. Rồi những tiến gọi ơi ới “Chú ơi, anh ơi, bắt nè! …” Dân đang cố ném qua cửa sổ toa xe những củ mì, củ khoai, nhiều khi cả một phần con gà, con vịt đã luộc sẵn của nồi cháo, nồi bún đang bán cho khách tạm dừng trên sân ga. Ở đầu toa, có tiếng nói nghẹn ngào: “Cảm ơn Dì, cảm ơn Má!”. Tiếng nói tắc nghẹn lại vì tiếng khóc bật lên. Cả bà cụ già cho quà và chàng tù cũng già không kém cùng nấc lên, và như một cơn lây, những chàng tù cùng nhau nghẹn ngào. Lâu lắm rồi họ mới được quên cảnh sống giữa những thù hận để đón nhận tình thương yêu thân thiết từ những bà cụ, cô cháu chưa từng quen biết, gặp gỡ … Những chàng tù đang trở về “nhà”, về lại “quê hương” dù chưa từng rời khỏi quê hương!
Ai có thể quên được những toa tàu xuôi Nam thuở ấy!
Chuyến xe lửa lần thứ hai tôi đi trong đời là chuyến “tầu chợ” từ Sài Gòn đi Mỹ Tho. Trong phần tôi kể về “Anh Tôi”, chuyến tàu này đã được nhắc đến. Ở đây, chỉ ghi nhận một điều rằng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đụng chạm thực sự với sinh hoạt của người dân Miền Nam. Những ngày ở khu tạm trú của sinh viên học sinh tại “Nhà Hát Lớn”, những ngày lưu lạc trại định cư Hòa Khánh, những ngày sách dỏ đi chợ ở khu Nguyễn Tri Phương, tuy có giao thiệp, gần gũi với giọng nói nghe “kỳ kỳ” đối với thằng bé Bắc Kỳ chính gốc, tôi cũng đã “chạm nhẹ” vào cảnh sống Sài Gòn. Nhưng suốt hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe lửa (đúng ra là đứng trên xe lửa), nghe hành khách trên tàu nói chuyện, nghe câu chuyện của hai mẹ con cô gái nhỏ kế bên, cô gái không dấu vẻ hiếu kỳ nhìn chàng nhóc có tiếng nói “kỳ kỳ” xứ Bắc, xem cảnh huyên náo ở mỗi trạm dừng tàu, nhiều trạm dừng lắm trên đoạn đường chắc chưa tới 80 cây số nên người ta mới gọi là “chuyến tầu chợ”, tôi thực sự đi vào vùng đất Miền Nam, giữa những con người Miền Nam. Có thể với tuổi nhỏ, những tưng bừng náo nhiệt trên các sân ga lẻ, nét duyên dáng e lệ của khuôn mặt ngời sáng cô bé Miền Nam, cho tôi cảm tưởng đang sống trong thế giới thần tiên vừa lạ vừa vui, bên cạnh một tiên nữ nhỏ nhắn, ngoan, hiền. Bây giờ, vào năm 2016, 17, ở tuổi giữa 70 và 80, tôi chợt nhớ ra một điều, hồi đó không nghe tiếng chửi thề, hoặc rất ít nên tôi không nhận biết. Riêng điều đó cũng khiến tôi nghẹn ngào muốn trở lại ngày xưa, muốn “đi lại từ đầu”.
Trở lại chuyến xe lửa đi Đà Lạt, chuyến xe lửa thứ 3 của cuộc đời tôi, một chuyến xe lửa lạ lùng của cậu bé 12 tuổi. Thời nay, các cô cậu 12 tuổi biết đủ thứ về thế giới, đất nước, con người. Với một tên nhà quê như tôi vào thời đó, 12 tuổi chưa qua khỏi vòng tay Mẹ.
Thốt nhiên tôi tỉnh dậy vì khí lạnh núi rừng. Tôi hoảng hốt nhận biết toa xe hình như nghiêng hẳn đi, phía đầu toa nâng cao, còn cuối toa chìm xuống. Nhìn quanh, Đẻ tôi và mọi người vẫn thản nhiên ngước nhìn qua cửa sổ. Và ngoài kia sát ngay bên toa tàu, bạt ngàn những thông là thông, những thân thông, cành thông dũng mãnh từ từ lui dần về phía sau, ẩn hiện trong ánh nắng vàng tươi của buổi sớm mai. Xa hơn, khối không gian sẫm tối của rừng thông chìm bên sườn núi khuất nắng, lửng lơ vài mảng sương mù hay mây trắng, mời gọi trí tưởng huyền bí, mê hoặc, ngại ngùng. Tôi tiến sát hơn về phía thành cửa sổ sáng chói bình minh, từng giải khói tầu loãng vào không gian, nhìn về phía cuối, đoạn đường sắt mới vượt qua cong cong chui vào mép núi, quay lại phía Đẻ tôi ngồi, tưởng như thành tàu sắp va vào vách núi đến nơi, quay lại phía tôi, sâu tít dưới kia vẫn là những ngọn thông nhấp nhô ẩn hiện. Lúc đó tôi mới nhận ra toa tàu tràn ngập mùi thông ngan ngát, và tàu đang ì ạch leo qua khúc đường khoáng đãng, một bên là vách đá, một bên là thung lũng mênh mông.
Sau này ở Đà Lạt, nghe người lớn nói chuyện, đọc sách trong thư viện, tôi được biết nhiều điều thú vị về con đường sắt lạ lùng này.
Điều đầu tiên khiến tôi chú ý là ở những đoạn leo dốc, xuống dốc, và gặp đúng những khúc đường cong theo sườn núi, tôi thấy giữa hai hàng đường sắt lại có thêm một hàng đầy móc sắt. Sách vở giải thích rằng những móc sắt giữa đường để tàu khỏi tuột dốc.
Rồi thốt nhiên toa tàu chìm vào bóng tối dầy đặc mùi khói than. Tôi hoảng hốt vội lao về phía Đẻ tôi. Mọi người vẫn im lặng, chẳng có tiếng kêu la nào cả, đâu đó có tiếng ai nói: “Đoạn hầm này cũng ngắn thôi!” Lúc ra khỏi hầm, tôi tìm cách nhìn lại phía sau, quả thật toa tàu chúng tôi vừa chui ra từ một miệng hang thăm thẳm đen ngòm.

***


Ngôi nhà số 2 Ngô Quyền Đà Lạt. Hình 2003, chẳng khác là bao so với 1956, chỉ thêm hoa leo trên hàng rào kẽm gai.

Thoạt đầu, Đẻ tôi thuê một căn phòng trong ngôi nhà trên đường Hai Bà Trưng. Tôi không nhớ về ngôi nhà này, nhưng nhớ một chuyện, là hoặc chúng tôi ở cùng một ngôi nhà, hoặc chúng tôi có hàng xóm là một gia đình gồm 2 mẹ con, bà mẹ chạc bằng Đẻ tôi, chị con gái, tên Lan, hơn tôi ít tuổi. Tôi nhớ, vì chị Lan sau này là chị dâu tôi, chị Đỗ Trọng Tường. Ở khúc này tôi hơi mơ hồ trong trí nhớ. Tôi nhớ mài mại, khi rời nơi ở trên đường Hai Bà Trưng, Đẻ tôi có dắt tôi lên tạm trú ở “Trại Di Cư Du Sinh” mấy tuần lễ. Trại di cư do cha Bửu Dưỡng thành lập, chiếm một ngọn đồi nằm gần khu trường Couvent Des Oiseaux (hình như còn gọi là trường Đức Bà Lâm Viên, rất ít khi tên này được dùng). Có vẻ như Đẻ tôi tính xin một căn nhà trong trại di cư, không hiểu sao sau đó Đẻ tôi quyết định về ở khu Domaine De Marie. Mấy điều còn nhớ về Trại Du Sinh: Đường trong trại lên dốc, xuống dốc mỏi cả chân, gần như toàn bộ dân cư trong trại đều làm nghề sản xuất vật dụng mỹ thuật bằng sừng trâu, lược chải tóc, thuyền buồm, nhà sàn, … toàn trại ngập chìm trong mùi khăm khẳm của sừng ngâm nước. Nhưng cũng có thể chuyện chúng tôi ở Trại Du Sinh xẩy ra trước khi chúng tôi đến ở Hai Bà Trưng. Cũng chẳng quan trọng gì vì địa chỉ ở mãi trong tôi về Đà Lạt là “Số 2 Ngô Quyền.”

Có vẻ như chúng tôi, Đẻ Tôi, chị Thảo, và tôi, dọn về số 2, đường Ngô Quyền, ngay dưới chân nhà thờ Domaine de Marie, chừng hai tháng sau khi đến Đà Lạt. Chị Thảo ít lâu sau về Sài Gòn làm nghề may, hồi ở Hòa Khánh chị đã học may từ tiệm của anh Thạch Tuyên. Chị Thảo và chị Mai, cũng bạn từ Hòa Khánh, thuê túp lều nhỏ trên đường (Hòa Hưng?), con đường từ đường Lê Văn Duyệt đi vào khu sau này là khu sĩ quan Chí Hòa.
Anh Đỗ Trọng Tường có lên ở với chúng tôi một thời gian tại số 2 Ngô Quyền. Anh ở chắc chưa tới một năm, nhưng đủ thời gian để anh gây dông bão với những cuộc tình, và kết thúc ở Sài Gòn là cuộc tình với chị Hoàng Chi Lan, người chị dâu đáng kính của tôi. Ở phần “Anh Tôi”, tôi đã kể những chuyện này.
Mãi sau này, năm 2017, có dịp nói chuyện với anh Trần Dạ Từ tôi được biết anh chị Từ - Nhã Ca rất thân với anh Tường; và anh Từ, anh Dương Nghiễm Mậu, anh Đỗ Quí Toàn có ở với chúng tôi chừng hai tháng ở Đà Lạt. Số Xuân Việt Báo năm 2017 có in hình 3 anh chụp ở Đà Lạt lúc đó. Cũng trong cuộc nói chuyện, anh Từ in cho tôi bài thơ anh làm về anh Tường năm 1965, và đoạn thơ anh làm trong tù, nhắc đến anh Tường. Vì yêu quí những bài thơ này, chúng tôi xin ghi lại đây, và cũng nhắc đến trong phần bổ túc cho hồi ức về “Anh Tôi.”

“VĨNH BIỆT TƯỜNG

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Buổi sáng trong bàu tròn
Buổi chiều trong ống dài
Một đời chất lỏng

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Bánh xe quay quắt
Mặt trời đỏ rồi vàng
Ngày khốn kiếp

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Mùa hạ trên trời cao
Mùa hạ ngoài biển
Mùa hạ trong thành phố, trong máu

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Cà Ná, Phan Thiết
Chi Lăng, Xóm Cầu Mới
Dơ tay lên nhắm mắt

“Vĩnh biệt Tường, vĩnh biệt Tường
Vĩnh biệt Tường
Hòn đất ném xuống và lấp kín”

 Và đoạn thơ cuối cùng của bài “Hòn Đá Làm Ra Lửa”, anh Trần Dạ Từ viết:
“Chúng ta có chung một tuổi trẻ
Buổi sáng trong bầu tròn
Buổi chiều trong ống dài
Hò hẹn yêu đương với thiên tai
Sinh nở với pháo kích, oanh tạc
“Như khi Tường vượt sông Bến Lức
Đạn tiểu liên bắn xối vào tim”
Như đêm trở về trong thơ Toàn
“Cây xanh xao dơ lên trời ủ rũ””


Những đoạn thơ trên đẫm nét chiến tranh. Thực ra tôi đến Đà Lạt khoảng đầu năm 1956 hay cuối năm 1955, lúc đó chiến tranh chỉ là những ký ức rất mờ nhạt trong tôi, lãng đãng đâu đó khi tôi nhớ về những tháng ngày Bắc Giang, Mỹ Độ, hoặc nhớ chuyện anh tôi đào ngũ trước khi hiệp định Genève được ký kết. Cho nên chép thơ anh Từ ra đây chỉ vì chút kỷ niệm về anh Tường, anh Từ, anh Nghiễm, anh Toàn ở số 2 Ngô Quyền Đà Lạt. Trong Giai Phẩm Xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu, 2017, có những đoạn hồi ức tưởng nhớ Dương Nghiễm Mậu, đoạn Đỗ Quý Toàn viết có những dòng sau: “Năm 87 khi Từ mới ở tù ra, Nghiễm báo tin cho tôi: “Hoài Nam đi xa mới về, mừng cho nó. Hồi cụ còn sống (mẹ tôi – Bí chú thích) mỗi lần gặp ta cụ lại hỏi: Thằng Từ nó về chưa?”” Trong buổi nói chuyện năm 2017, anh Từ nói: “Anh quen với thằng Toàn trước, rồi ngay tức khắc quen anh Tường. và anh thân anh Tường hơn, ở với anh Tường nhiều lần.” Khi viết những dòng chữ về ngôi nhà Ngô Quyền, về anh Tường, anh Từ, anh Nghiễm, anh Toàn, cũng là lúc tôi vừa đọc xong vài đoạn trong bài tưởng niệm anh Nghiễm. Bỗng dưng, tôi phải ghi lại ngay ý nghĩ này, dù rằng cũ mèm như trái đất: Mấy con người ra đời, lúc trẻ thơ chắc cùng xanh mướt như rừng thông Đà Lạt, nhưng lớn lên, rất ít người còn thẳng như cây thông, phần lớn đã thành cây leo, luồn lách, … Anh Tường tôi là một cây thông bay vội về trời, hơn nửa thế kỷ sau, cây thông Phí Ích Nghiễm cũng đã về trời. (Mấy đoạn vừa rồi về bài thơ, về anh Từ, tôi ghi thêm lúc post lên blog này năm 2018, và cũng thêm vào tập 3 của tự sự Đời Tôi)
Số 2 Ngô Quyền là địa chỉ ngôi nhà đầu tiên của đường Ngô Quyền tại khu Domaine de Marie. Đường Ngô Quyền bắt đầu từ ngã ba với đường Hải Thượng Lãng Ông (?) chạy vòng về bên trái men theo khu nhà thương Đà Lạt, còn một con đường khác cũng từ ngã ba đó, tên Yết Kiêu (?) đổ dốc bên phải, dọc theo khu lãnh địa của Domaine de Marie, xuống một ngã ba, ngã tư nào đó dưới chân đồi, mà tôi thường dùng để đi tắt tới thác Cam Ly. Bây giờ tôi hoàn toàn mù tịt về mấy con đường này. Ngôi nhà số 2 này là khởi đầu phía Nam của đường Ngô Quyền, từ đó con đường chạy về phía bắc qua một khoảng đất lớn, dài của các cơ sở thuộc Domaine de Marie, đi về phía Khu Số 4, rồi gặp đường Hai Bà Trưng, một đường lớn song song dưới thung lũng, và chỗ kết thúc của Ngô Quyền ở cách nhà số 2 chắc phải 4, 5 cây số. Sau khi tôi ở nhà số 2 khoảng 3 năm, mới thấy khoảnh đất phía bên trái ngôi nhà này (nhìn từ mặt đường vào), ai đó dựng lên một ngôi nhà nữa, mang số 2bis, nghe nói, có nàng thi sĩ tên Lệ Khánh cư ngụ, chẳng biết có đúng không. Tôi cũng chưa bao giờ tìm xem ngôi nhà số 4 Ngô Quyền ở đâu, có thể cách số 2 khoảng nửa cây số về phía bắc, ở Khu Số 4 chẳng hạn, sau khi con đường chạy ngang các tòa nhà gạch hai tầng ngói đỏ của khu Lãnh Địa Đức Bà. Có lẽ mấy tòa nhà này lấy địa chỉ theo đường Thi Sách, một con đường đất nện ngắn, chạy song song giữa Hai Bà Trưng và Ngô Quyền, mới được làm sau này.
Một vài năm sau, chị Thảo, tiếp theo là anh Tường về Sài Gòn, hai mẹ con chúng tôi chỉ thuê một căn phòng nhỏ trong ngôi nhà số 2. Khi anh Toàn, anh Yến lên Đà lạt chơi, các anh ở đâu đó, có lẽ là khách sạn. Chị Thảo làm nghề may ở Sài Gòn, anh Tường về lang bang, rồi làm nghề gõ đầu trẻ. Năm 1961, tôi về Sài Gòn, anh nhường cho chỗ kèm trẻ, rồi anh vào học Thủ Đức.
Một năm sau năm 2000, có vẻ như 2003, tôi và Đỗ Tường Chúc, con trai anh Tường, có đến đứng trên mặt đường Ngô Quyền ngắm nhìn ngôi nhà số 2. Toàn bộ khu đó đã thay đổi, mấy ngôi nhà bên cạnh đều đã lên lầu, bê tông cốt sắt cứng cáp, chấn song cửa sổ hoa văn đẹp đẽ, khang trang, riêng ngôi nhà số 2 gần như giữ hình ảnh cách đó 43 năm, một tầng, vách gỗ, mái nhà vẫn như ngang mặt đường, ngay cả bậc tam cấp đi từ mặt đường xuống ngôi nhà vẫn vậy, vẫn cái cửa vào bếp như thế, vẫn mấy bậc đất nện từ sân nhà đi xuống nhà vệ sinh dưới vườn, có vẻ chẳng thay đổi bao nhiêu. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đời tôi biết bao thăng trầm, số 2 Ngô Quyền vẫn vậy, không biết có ý chờ đợi tôi hay không để nói cho tôi biết rằng tại sao các ngươi cứ phải thay đổi? Cây rừng vẫn vậy, đồi núi vẫn vậy, các ngươi hủy hoại dần thiên nhiên đó để đổi thay cuộc sống các ngươi. Có hay ho gì chăng?
Ngôi nhà số 2 Ngô Quyền không phải nhà lầu, làm toàn bằng gỗ, từ 4 vách tường, cửa nẻo, trần nhà. Nhà một tầng nhưng có cầu thang gỗ dẫn lên tầng phụ trội sát mái nhà mà người ta chỉ đứng thẳng được ở ngay chỗ giao tiếp hai mái. Khởi đầu Đẻ tôi thuê căn phòng nhỏ ở góc trái, phía trước của ngôi nhà, chính căn phòng này có cầu thang lên “gác”, nên mấy mẹ con có thể ở thoải mái. Theo bức ảnh ghi ngày chụp Tháng 7, năm 1957 gồm 3 anh Từ, Nghiễm, Toàn đăng báo xuân Việt Báo 2017 tôi kể ở trên, thì cho đến cuối năm 1957 gia đình tôi vẫn chiếm cứ căn phòng đó. Cũng trong thời gian ở phòng này tôi thường hay phải tiếp một cô nữ sinh trường “Bà Sơ Xanh” của khu Domaine De Marie (Lãnh Địa Đức Bà). Gọi là “Bà Sơ Xanh” vì các nữ tu ở đó thường mặc áo choàng màu xanh nước biển. Hình như cũng chính những vị Sơ này làm thiện nguyện ở khu nhà thương Đà lạt. Lúc đó, 1956, 1957 tôi là thằng bé 13, 14 tuổi, gầy còm yếu đuối như đứa trẻ 10, 11 tuổi. Cô nữ sinh tên Tâm, chắc là hơn tôi chừng 4, 5 tuổi, không biết là bạn của ai trong gia đình, chị Thảo, anh Tường, anh Toàn? Cô cũng gọi Đẻ tôi là Đẻ. “Tôi phải tiếp” vì thường cứ ngày Chủ Nhật cô từ khu trường trong hốc hẻm phía bên trái nhà thờ ra chơi nhà tôi, mà có khi nào Đẻ tôi, chị Thảo ở nhà. Đẻ và chị lo buôn bán ngoài chợ, anh Toàn lâu lâu mới từ Sài Gòn lên Đà Lạt ít ngày. Nhưng cô vẫn ra với mục đích duy nhất là được ăn nước mắm, và thằng bé tôi phải tiếp bà chị này những thức ăn Việt Nam, rau chấm nước mắm, thịt kho nước mắm, nhiều khi trần sì chỉ có nước mắm không. Có lần cô xin cả chút nước mắm về dấu trong phòng cô, nhưng bị khám phá phải khai ra nhà tôi. Các bà Sơ trong trường ra tìm Đẻ tôi để hỏi về tính thân thích giữa chúng tôi và cô ra sao. Có lẽ Đẻ tôi bảo cô ấy là cháu và Đẻ tôi coi như con nuôi. Các Sơ có vẻ yên tâm vì chị Thảo tôi cũng theo Thiên Chúa Giáo, những ngôn từ Đẻ tôi xử dụng cũng toàn ngôn ngữ của người theo đạo do những tháng ngày ở Ninh Cường trước đây, và ở Trại Định Cư Hòa Khánh sau này. Tôi không chắc lắm ngôi trường cô ở có phải là trường học hay chỉ là khu khởi đầu của một dòng tu, hoặc có thể là khu các Sơ nuôi trẻ mồ côi. Có vẻ như với tính cách sống của cô, rất bạt mạng, rất mới, nên gia đình cô đã điệu cô ra khỏi Sài Gòn gửi vào trường cho các bà Sơ dạy dỗ. Có một lần cô đưa tôi vào thăm khu cô ở. Từ mặt đường Ngô Quyền nhìn vào mặt tiền nhà thờ, ở khu bên trái có con đường hẻm dốc thăm thẳm, sâu hun hút, đó là cảm tưởng hồi bé của tôi, chúng tôi bước xuống theo hàng trăm bậc đá, đến khu gồm nhiều ngôi nhà nhỏ, hay nhiều căn phòng nhỏ, bây giờ tôi cũng không nhớ rõ. Các nữ sinh, hay nữ tu (?) đang vui đùa dọc đường đi bỗng im bặt, tò mò chìn thằng bé nhà quê. Rồi họ trao đổi nhau những câu tiếng Pháp, và phá ra cười. Tiếng cười lan ra, dõi theo chúng tôi, cũng bước xuống từng bậc thang như chúng tôi. “Chị Tâm” bảo tôi thây kệ họ, cứ bước tiếp. Bây giờ thì chúng mình có thể hình dung ra ý nghĩa những câu nói của các nữ sinh lúc đó khi thấy một thằng nhóc, dù nhóc mấy cũng là “đàn ông”, xâm nhập khu “cấm” này.
Tôi còn nhớ mang máng là cô đưa tôi vào căn phòng nhỏ tí gồm 2 cái giường nhỏ, cái tủ gỗ màu nhợt nhạt âm u, một (hay 2?) cái bàn. Cô nói cô ở chung với một cô gái khác. Một cảm giác buồn bã, lạnh lẽo ập vào trong tôi. Mặc dù phòng dành cho hai người, nhưng cung cách quơ tay phớt qua từng món đồ vật trong phòng của cô khiến tôi có cảm tưởng cô đang ở một mình nơi thâm sơn cùng cốc nào đó. Nét mặt cô vừa thê lương vừa dũng mãnh. Đứng có vài phút chưa kịp để tôi hỏi một câu nào, cô đã kéo tôi ra khỏi phòng như thoát khỏi một chốn lưu đày, rồi dắt tôi lang thang đến xem vài tấm bia mộ ngay gần đó. Hình như cô nói về một vài người nổi tiếng đang yên nghỉ nơi đây. Sau này đọc sách vở tôi được biết ngôi mộ một ông thi sĩ Tây, mộ một bà vợ viên Toàn Quyền, nằm đâu đó trong khu Domaine De Marie. Lúc ra về, cô dắt tôi lên vài bậc rồi bảo tôi cứ thế mà về. Có lẽ cô ở lại đối phó với đám “thứ ba, sau nhất quỉ, nhì ma”, cái đám dù nữ tu chăng nữa cũng vẫn ở tuổi học trò. ‘Chị Tâm của tôi” đúng là bạt mạng. Bây giờ chị ở đâu?
Ở ngôi nhà Ngô Quyền có mấy cô cậu nhỏ con ông chủ nhà. Tôi không nhớ đích xác họ có mấy chị em, có em trai không, nhưng tôi nhớ rõ cô chị cả tên Là, cô kế tên Kính. Nhiều buổi chiều cô Là hay qua giúp tôi làm gì đó, như nhặt rau chẳng hạn. Tôi thường chuẩn bị nhặt rau trước để khi Đẻ tôi về chợ, nấu cơm chiều cho hai mẹ con, Cụ không mất công nhiều. Lo xong việc nhà, thế nào cô Là cũng ghé qua cửa phòng tôi hỏi: “Cậu Bí có cần gì không?” Và tôi hân hoan trả lời có. Gọi tôi bằng cậu chứ thật ra cô trạc tuổi tôi, dám hơn tôi một tuổi lắm, nhưng bố cô tự xếp vào hàng anh tôi, nên các cô gọi tôi là cậu. Có lẽ cậu thân hơn chú chăng. Thế là cô vừa nhặt rau, vừa thủ thỉ chuyện này, chuyện kia. Cô không đẹp lộng lẫy, nhưng xinh xắn, hiền lành, đủ làm tôi bồi hồi chờ đón giờ cô qua cười cười, nói nói. Cô cứu tôi nhiều lần lắm, khi gặp mớ rau bí, phải tước sơ, vò lá thật kỹ, không có cô không biết tôi sẽ ra sao. Tết đến, nhờ cô tôi không còn sợ việc đánh bóng lư hương, đỉnh đồng, chân nến. Nhưng chỉ hai năm sau tôi đến ở Ngô Quyền, gia đình cô dọn vào một căn nhà trong khu bệnh viện.
Chủ ngôi nhà số 2 Ngô Quyền, bố cô Là, tên Vị, là một ông nhân viên làm việc tại Nhà Thương Đà Lạt. Mỗi sáng, khoảng 4 giờ rưỡi, 5 giờ ông đi làm, nhưng chỉ khoảng hơn nửa giờ sau ông mang về một giỏ đựng mấy bình cà phê nóng hổi, một ít bánh mì trét bơ vàng óng đã nướng thơm lừng. Cả nhà ông quây quần ăn sáng, xong ông đi làm, lũ con ông đi học, còn bà Vị? Không hiểu sao tôi không có chút ký ức nào về bà. Không biết có bà ấy không, hay ông ở với mấy đứa con thôi? Sau này, khi lên thăm lại Đà Lạt, tôi gặp bà Vị tại căn nhà ông được cấp ngay trong khu vực nhà thương, ngôi nhà Ngô Quyền ông vẫn cho thuê. Hay đây là bà vợ sau của ông Vị? Tôi mù tịt chuyện này, nhưng mùi cà phê và mùi bánh mì bơ ở số 2 Ngô Quyền ngày nào thì còn in rõ nét trong tôi. Những năm đó, thỉnh thoảng ông Vị qua kéo tôi sang căn phòng chính, rộng lớn, nơi gia đình ông ở để ăn sáng. Dưới ánh đèn điện mờ nhạt, lũ con ông đang quây quần bên bình cà phê và khay bánh mì. Bình cà phê bốc khói, làn khói mỏng manh lan tỏa dưới ánh đèn vàng, rồi tan biến về đâu không biết, nhưng hương thơm còn đọng mãi trong khí lạnh mùa đông. Tôi có nhắp thử đôi lần hớp cà phê sữa màu nâu như màu tường gạch che bậc tam cấp leo lên cửa nhà thờ bên kia đường Ngô Quyền - một ngôi nhà thờ lúc nào cũng bừng sáng với tường vôi màu hồng, và hương thơm cà phê theo khói từ mặt chất lỏng nâu ấm kia xộc tràn cả khuôn mặt tôi. Có mấy lý do để sau này tôi từ chối hình ảnh quyến dũ của những bữa cà phê sáng bên nhà ông Vị. Trước hết, vẫn là lý do muôn thuở, tôi được Đẻ tôi nhồi nhét ý tưởng rằng không nên nhặt của rơi, nhận của cho. Tách cà phê, khúc bánh mì chẳng là bao nhưng cũng là “món nợ”, Đẻ tôi sẽ phải trả cách nào đó. Lý do thứ hai, mấy lần theo anh Toàn, anh Yến, anh Từ vào quán cà phê Anh Đào trên đường Hàm Nghi (?), con đường từ chợ Hòa Bình, bến xe Minh Trung, đi vào trường Bùi Thị Xuân, mấy anh bảo tôi đừng uống cà phê vì còn nhỏ, uống có hại. Duy có điều tôi có thể thưởng lãm như mấy ông anh, là ngắm nhìn cô chủ quán quá đẹp. Lý do thứ ba, lúc đó mấy thứ “tây” như sữa, cà phê, bơ không hợp với cái cơ thể nhà quê của thằng tôi, cái vị đắng cà phê cũng khiến tôi ngài ngại. Thế nhưng, cái tính giang hồ lãng tử tiếp nhận từ các sách truyện dịch lại cho tôi những giờ phút lãng mạn trẻ thơ. Một sợi khói cà phê loanh quanh bốc cao đủ để tôi mềm lòng. Cho đến bây giờ tôi vẫn gặp lại hình ảnh bình cà phê của ông Vị trong các phim cao bồi. Cũng một cái bình sắt cao, tròn, có tay cầm, có nắp đậy. Có thể lúc đó nhà thương Đà Lạt thường dùng bình này đựng cà phê buổi sáng để rót cho bệnh nhân. Ông Vị cứ thế mang về nhà một hoặc hai bình, để lên bếp lò than nhỏ tiếp tục giữ độ nóng, nên lúc nào khói cà phê cũng bốc lên đậm đặc theo nhịp rung rung của bình cà phê sôi bỏng. Hình ảnh tôi mê như mấy cháu gái nhỏ mê búp bê, một bình cà phê bên đống lửa tại một hốc đá nào giữa sa mạc, mấy anh cao bồi ngồi tán dóc trong ánh sáng chập chờn …
Xin ghi chú một chút về nơi làm việc của ông Vị, chủ nhân ngôi nhà số 2 đường Ngô Quyền. Từ ngôi nhà này chạy về phía Nam và Tây chừng vài chục mét, là một mũi tàu, nơi gặp nhau của hai con đường, một con đường đổ dốc đi về phía thác Cam Ly,( hình như tên Trần Bình Trọng, hay Yết Kiêu, tôi không chắc lắm), ngày nay mang tên Mai Hắc Đế; một con đường chạy vòng về phía trái, mang tên Hải Thượng (Hoặc Hải Thượng Lãn Ông). Nằm trên khu đất mũi tàu đó chính là khu bệnh viện Đà Lạt. Khu bệnh viện cách nhà số 2 chừng trăm mét. Gọi chung là khu bệnh viện, thực sự có hai cơ sở khác nhau. Một cơ sở nhà một tầng gọi là Nhà Thương Đà Lạt, hay nhà thương thí, dành cho những người dân nghèo hay người Thượng, hoàn toàn miễn phí. Các Bà Sơ của khu vực Domaine de Marie, phía trên nhà số 2 về phía đông bắc, cách nhà thương chừng 3 hay 4 trăm mét, lo săn sóc bệnh nhân. Một cơ sở khác gồm khu nhà hai tầng, khang trang hơn, dành cho bệnh nhân người Pháp, nhân viên cao cấp của chính phủ, giới có tiền. Bác sĩ và Y tá ở đây thường là người Pháp, hoặc bác sĩ nổi tiếng người Việt. Tôi không rõ ông Vị làm ở cơ sở nào của khu nhà thương. Có thể là khu nhà thương nghèo, vì bữa ăn sáng chỉ gồm bánh mì phết bơ và cà phê sữa, nhiều người dân nghèo và người Thượng không quen dùng, nên ông Vị có thể mang về nhà thoải mái vào 5, 6 giờ mỗi sáng.
Trường Tiểu Học Đa Nghĩa.
Ở đâu đó trong tự sự này tôi đã kể rằng, hồi nhỏ, chẳng khi nào tôi được học trọn vẹn một lớp từ đầu đến cuối. Một tháng đầu năm 1956, nghĩa là năm học đã trôi qua 4 hay 5 tháng rồi, Đẻ tôi dắt tôi đến xin học lớp nhất ở Trường Tiểu Học Đa Nghĩa, gần nhà. Sau này sách vở cho biết, năm đó Đa Nghĩa vẫn là trường sơ cấp, chỉ đến lớp Ba. Có thể do chuyện di cư, không đủ trường ốc cấp thời, người ta tạo thêm các lớp học buổi trưa dành cho dân di cư. Khi học ở trường Tôn Thọ Tường, Sài Gòn năm 1955, tôi nhớ rõ chuyện này, nhưng tôi không nhớ lúc học lớp Nhất trường Đa Nghĩa, tôi học buổi trưa hay buổi chiều. Thầy Châu dạy lớp Nhất, hình như Thầy cũng là Hiệu Trưởng, nói với Đẻ tôi rằng năm học đã qua một nửa rồi, cho tôi vào nửa chừng làm sao tôi theo được, lại còn thi Tiểu Học nữa. Đẻ tôi cứ đứng năn nỉ Thầy. Tôi còn nhớ hình ảnh Đẻ con tôi đứng cạnh bàn Thầy trong lớp học. Tôi e dè liếc xuống các dẫy bàn, mấy chục cặp mắt đăm đăm nhìn chúng tôi. Cuối cùng Thầy giao hẹn, cho tôi vào học thử một hai tuần, nếu tôi không theo được, Thầy sẽ cho tôi xuống lớp Nhì, rồi xuống lớp dưới nữa, nếu cần. Và tôi được cho vào ngồi ngay bàn cuối cùng, bên trái. Đẻ tôi lúc đó mới quay lại thì thầm chỉ tôi con đường đi về nhà.





Cổng Trường Tiểu Học Đa Nghĩa. Cổng này khác xa cổng năm 1955
Hình của Thiên Hương trong“Trường Tiểu Học Đa Nghĩa và Bố Tôi”
 Nguồn: http://www.anhdao.org/    
Hình Thẻ Học Sinh 1956, còn vết mực rơi vào.

Trường Tiểu Học Đa Nghĩa nằm trên đường Hai Bà Trưng. Từ nhà tôi đến trường có hai lối đi tắt. Hoặc tôi đi theo đường Ngô Quyền về hướng Bắc, đến chỗ sắp gặp đường Thi Sách, tôi băng qua đám cỏ sườn đồi, rồi nhắm hướng trường đi bừa xuống, chẳng có lối đi gì cả. Cách này ngắn nhất, nhưng tôi chỉ đi có một lần theo một bạn học sinh gần nhà, vì từ ngay sân trường người ta có thể thấy chúng tôi đang lội qua các bụi rậm lần xuống, và tự dưng tôi có cảm tưởng đi lối đó là không chính đáng, là “không đúng kỷ luật.” Không rõ Đẻ tôi dậy dỗ tôi làm sao mà lúc nào “Cụ Khổng” cũng dõi đôi mắt trừng trừng nhìn theo tôi. Nhiều người ngày nay tin rằng đôi mắt của Cụ chẳng làm điều gì hay ho cho đất nước mình. Riêng với tôi, rõ ràng Cụ kìm hãm tôi rất nhiều trên con đường thăng tiến suốt cuộc đòi. Tôi không đi tắt như vậy, nhưng nếu theo lối “chính thống” thì phải đi bẩy, tám trăm mét mới tới trường, hơn gấp đôi lối đi tắt, nên tôi đi tắt cách khác. Một lối mòn từ đường Ngô Quyền, ngay cạnh nhà tôi, đổ theo sườn đồi xuống khu vườn rau bên đường Thi Sách, tiếp theo là một con đường nhỏ bằng đất nện đàng hoàng từ Thi sách chạy qua Hai Bà Trưng. Đến Hai Bà Trưng, tôi đi dọc đường nhựa theo hường Bắc chừng hai trăm mét là tới trường. Cách đi này dài hơn cách đi tắt kia, nhưng “có vẻ chính thống” vì đi theo đường mòn, con đường có người từng đi lại. Nghĩ lại, từ bé tôi đã lẩm cẩm, bây giờ thành “anh gàn” cũng đúng thôi.

Viết đến đây, tôi chợt muốn tìm hiểu thêm về Thầy Châu, vì tuổi nhỏ lãng đãng, vì thời gian theo học Thầy chỉ chừng 4, 5 tháng là đã rời trường, nên hình ảnh về Thầy rất mờ  nhạt, mặc dù chẳng bao giờ quên được vị Thầy khoan dung cho tôi được vào nửa chừng lớp Nhất. Tôi chỉ nhớ lơ mơ rằng khổ người Thầy khá bệ vệ, một khuôn mặt hiền từ, phúc hậu nhưng vẫn đậm nét nghiêm khắc. Tôi gõ trong google mấy chữ “trường tiểu học đa nghĩa, đà lạt”, may mắn thay, tôi được đọc bài của Thiên Hương ở Úc, viết về Bố, và đó là Thầy Châu. Vắn tắt, Thầy tên là Bùi Văn Châu đến Đà Lạt từ 1952, sau khi làm đốc học (?) ở Lào. Thầy là Hiệu Trưởng Đa Nghĩa từ 1955. Tìm đọc ở http://www.anhdao.org/, kèm theo bài viết, Thiên Hương cho tôi cơ hội ngắm nhìn hình ảnh Thầy và gia đình, vị Thầy duy nhất tôi còn nhớ được suốt bao tháng năm dài tiểu học.

Mặc dù tôi chưa từng học lớp Nhất bao giờ, nhưng may mắn là tôi theo kịp với cả lớp, nên được tiếp tục học, cuối năm thi đỗ Tiểu Học, rồi đỗ vào Đệ Thất trường Quang Trung năm 1956. Nhưng bây giờ tôi kể mấy chuyện đáng nhớ khi còn học lớp Nhất.
Sau khi Đẻ tôi cảm ơn Thầy và ra về, tôi xuống ngồi bàn cuối cùng. Gặp học trò mới, mấy anh bạn cùng bàn hoặc bàn bên cạnh thì thầm tìm hiểu về tôi, tôi cũng thì thầm trả lời. Cũng lúc đó, tôi nghe văng vẳng tiếng Thầy Châu gọi “Đỗ Việt Anh”. Tôi nhìn quanh, chưa thấy ai động tĩnh gì, tôi quay lại tiếp tục khai báo lý lịch với đám bạn mới. Tôi lại nghe lần thứ hai Thầy gọi Đỗ Việt Anh, tôi bình thản như không. Đến lần thứ ba, tiếng gọi “Đỗ Việt Anh” có vẻ to hơn, rồi thằng bạn ngồi cạnh hích hích tay tôi. Tôi mới sực nhớ đó là tên mình, vội đứng vụt dậy, mở miệng định lắp bắp trần tình, nhưng Thầy mắng ngay, đại khái anh mới vào mà đã nói chuyện ồn ào, có vẻ nghịch lắm đấy. Rồi Thầy hỏi tôi vài điều gì đó, có lẽ ghi thêm vào hồ sơ. Thầy cho tôi ngồi xuống sau khi đe, nếu không chú ý chăm học, sẽ cho xuống lớp đấy. Có lẽ cả người tôi đỏ như tôm luộc, chưa bao giờ tôi bị khiển trách như vậy, mà oan hay không? Đâu đó, tôi đã kể chuyện năm 1954, tại trại định cư Hòa Khánh, chị Thảo đổi tên tôi trên Thế Vì Khai Sinh từ Đỗ Tăng Bí ra Đỗ Việt Anh. Tôi cũng có nghe Đẻ tôi hoặc ai trong gia đình dùng tên này vài lần cho tôi, nhưng cả ngày vẫn gọi tôi là Bí, người quen, họ hàng vẫn gọi tôi là Bí. Gần năm vừa qua, tôi không đi học, có khi nào dùng đến tên Đỗ Việt Anh, nên cũng quên phắt cái tên đó. Thầy Châu đang dạy học, tiếp Đẻ tôi ở lớp, có lẽ cũng chưa kịp xem kỹ hồ sơ, nghe Đẻ tôi phân trần, năm nỉ, cứ nhận cho Đẻ tôi yên tâm ra về. Cả hai vị chỉ gọi tôi là “cháu nó”, tên tôi cũng không được nhắc đến. Sau này, nhút nhát, tôi cũng không dám phân trần cùng Thầy, nhưng khi  nghe kể chuyện, Đẻ tôi chỉ cười. Cụ nói, Đẻ cũng có nhớ tên mày đâu!
Trước mấy ngày tôi vào lớp Nhất Đa Nghĩa, một cô nữ sinh khác cũng xin vào học ngang xương như tôi. Tôi nhớ cô bởi vì cái tên rất đặc biệt: Lê Thị Hiền Lành, và vì cô với tôi thay nhau giữ điểm cao nhất bài luận hàng tuần. Ít lâu sau, tôi biết cô là con (cháu?) của nhà sách Thiên Nhiên trên dốc Minh Mạng (?) Đà Lạt. Sau này, tôi biết cô là phu nhân của nhà văn Lê Tất Điều. Trong một dịp gặp nhau năm 2016, có anh Lê Tất Điều, Nguyễn Xuân Nghĩa, Bùi Bảo Trúc, … tại tiệm ăn Trưng Vương, đường Brookhurst, Nam Calfornia, chị Lê Tất Điều nhắc tôi thêm nhiều điều thú vị về giai đoạn lớp nhất đó. Chị nhắc đến Thầy giáo Thọ ở Khu Số 4 mà chúng tôi cùng học tư thêm. Thầy Châu giớ thiệu Thầy Thọ với cả lớp về lớp luyện thi Tiểu Học của Thầy Thọ, một thầy giáo hơi có tật ở vai. Với học trò vào học giữa chừng, Thầy Châu khuyên nên theo học lớp này.
Một nhân vật Lớp Nhất Đa Nghĩa tôi còn nhớ, dù không được rõ nét, là cô Thẩm Hoàng Yến. Cô rất đẹp, tôi dám nói là cô đẹp nhất trong số nữ sinh nhỏ ở Đà Lạt, dĩ nhiên là đại ngôn rồi vì tôi có được gặp ai khác ngoài mấy cô Lớp Nhất trường Đa Nghĩa, nhưng tôi vẫn tin như vậy. Ở trên tôi nói không nhớ cô “rõ nét”, có lẽ vì cô quá đẹp, và dù là kẻ nòi tình, tôi như thằng bé quê mùa lấm lét nhìn từ xa. Cung cách cô uyển chuyển, sang trọng, quần áo đẹp đẽ, đi học bằng xe hơi. Từ nhà ở đường Ngô Quyền, tôi hay đi thác Cam Ly chơi, theo đường tắt cũng chỉ chừng 2 cây số. Một lần, ngay chỗ con đường tắt đi xuống suối để qua đường nhựa chạy từ khu Hòa Bình đến thác, ngước nhìn lên ngôi biệt thự bên đường, tôi chợt nhận ra cô. Cô đang cười nói với người nhà bên cạnh chiếc xe hơi màu đen (?), loại xe dùng cho tổng trưởng thời đó. Ánh nắng chênh chếch xuyên qua đám lá thông trên cao, thứ ánh nắng của lúc chừng 9 giờ rưỡi sáng, thứ ánh nắng cưu mang theo cả khí lạnh núi rừng, làm nổi bật màu đỏ chiếc áo len cô đang mặc. Tôi vẫn nghe ai hát đường lên thiên thai, thì ngay khi ấy, tôi nghĩ tôi đang đi trên con đường đó rồi.  Tôi ngây ngất ngắm nàng tiên nữ đùa vui trong không gian hoang sơ của rừng thông, chiếc xe hơi như con ngựa đen tuyền bên kẻ hầu cận. Hơi sương còn thấm lạnh, đâu đây dòng suối chảy rì rào. Rất xa với cõi con người. Điều đáng buồn là tôi không được nàng tiên diễm kiều đón tiếp như trong câu chuyện cổ. Tình cờ nàng liếc xuống con đường mòn có thằng bé nhà quê nghèo nàn đang ngây người nhìn lên. Lát sau, nàng liếc xuống lần nữa xem thằng nhỏ còn đứng đó không. Rồi nàng kéo đứa em, chị người làm, đi vào nhà. Nàng không hề nhận ra thằng học trò cùng lớp ở trường Đa Nghĩa. Về sau, tôi biết nàng là con gái của Dược Sĩ (?) Thẩm Hoàng Tín, Thị Trưởng Hà Nội.

Suốt những tháng năm dài học tiểu học, do tính chất “du mục”, trôi nổi nay đây mai đó theo chân Mẹ, tôi chỉ nhớ vị thầy duy nhất là Thầy Châu, hai cô “đồng môn” là cô Hiền Lành và Hoàng Yến, và người bạn duy nhất là anh Nguyễn Văn Ngọc. Tất cả các vị trên đều từ Trường Tiểu Học Đa Nghĩa.
Nguyễn Văn Ngọc để lại trong tôi nỗi day dứt, dằn vặt cho đến giờ phút ghi lại những dòng chữ này, vì đã không giữ liên lạc với anh. Tôi đã rất vô tình, lười biếng, ham vui, ích kỷ, để mất hút anh, cho đến năm 1991 khi tôi sắp qua Mỹ, đi tìm anh thì không còn dấu vết. Tôi thực tâm ân hận về sự thờ ơ này, ngay giữa khi gia đình bạn tôi rất cần sự quan tâm của tôi. Giờ phút này không biết bạn tôi, chị Ngọc, các cháu nhỏ ra sao?
Có vẻ như Nguyễn Văn Ngọc kém tôi một hay hai tuổi, và xin thú thật, tôi không nhớ đã quen biết Ngọc như thế nào. Theo lý luận, chắc rằng Ngọc học cùng lớp Nhất trường Đa Nghĩa năm 1955, 1956, bởi vì đó là lúc tôi chân ướt chân ráo đến Đà Lạt, chưa thể quen biết ai đồng lứa ngoài mấy người cùng lớp, và hai cô con gái con ông chủ ngôi nhà số 2 Ngô Quyền. Tôi mơ hồ như vậy nhưng giữa hai gia đình chúng tôi lại có vài sự kiện đặc biệt khó thể nào quên.
Một hôm, Ngọc đến nói với Đẻ tôi rằng ông Bố của Ngọc muốn gặp Đẻ tôi có chuyện quan trọng. Nhà Ngọc và nhà tôi cách nhau chừng trăm mét, tôi hay sang nhà Ngọc chơi vì nhà rộng rãi. Gặp Đẻ tôi, ông Bố của Ngọc cho biết ông làm ở sở Công An thành phố, và có bắt một người tình nghi Việt Minh đã khai ra thân nhân ở số 2 Ngô Quyền. Biết bạn con mình ở ngay số nhà đó nên gọi Đẻ tôi sang, thu xếp để Đẻ tôi tránh phiền nhiễu. Người bị bắt là anh Ngột, họ hàng sao đó và cùng quê, gọi Đẻ tôi là Bà. Vài ngày sau Đẻ tôi được mời lên sở Công An, gặp ngay chính ông Bố của Ngọc lấy lời khai. Đẻ tôi được ông chỉ dẫn trước, nên sau đó mọi chuyện êm xuôi, anh Ngột cũng chỉ bị nhốt mấy tháng.
Chuyện thứ hai, hôm Đẻ tôi sang nhà Ngọc cảm ơn ông Bố giúp đỡ vụ vừa qua,  ông Bố Ngọc khuyên Đẻ tôi nên xin cho tôi vào trường Bảo Long để chính phủ nuôi ăn học, nhẹ gánh cho Đẻ tôi. Ông ngồi làm ngay giùm Đẻ tôi lá đơn gửi nhà trường. Đó chính là ngôi trường hơn năm sau tôi thi tuyển vào và kéo dài 4 năm Trung Học Đệ Nhất Cấp, từ Đệ Thất, 1957, đến Đệ Tứ, 1960. Nhưng ngay năm 1956, khi Đẻ tôi dắt tôi lên văn phòng Trường Bảo Long, người ta cho biết đây là trường Quốc Gia Nghĩa Tử, gồm các lớp từ Đệ Thất trở lên, và sắp thay đổi, không nhận thêm ai, sẽ dọn về Sài Gòn hay Vũng Tàu (không nhớ lúc đó Vũng Tàu có tên gì khác không.) Điều quan trọng là tôi chưa thi Tiểu Học, không có Bố là quân nhân hay viên chức đã qua đời, nên không đủ điều kiện. Tuy nhiên văn phòng nhà trường vẫn an ủi: Đợi cháu nó đỗ Tiểu Học, rồi Bà làm đơn xin ở nơi mới của trường, có thể chính phủ sẽ giúp đỡ trong hoàn cảnh Mẹ hóa con côi, mới di cư vào Nam như gia đình tôi. Lát nữa tôi kể chuyện vì sao mà mãi hơn một năm sau tôi mới vào học ngôi trường này, lúc đó mang tên Trường Trung Học Trần Hưng Đạo. Bây giờ kể nốt về anh bạn Nguyễn Văn Ngọc.
Hình như, tôi không chắc lắm về năm tháng, cuối 1958 hay đầu 1959, ông Bố  Ngọc đổi về làm việc ở Di Linh. Từ Đà Lạt về Sài Gòn theo quốc lộ 20, đi qua Di Linh cách Đà Lạt 80 cây số rồi mới tới Blao cách Di Linh 20 cây số, cách Đà Lạt 100 cây số. Di Linh là tên phiên âm của Djiring. Theo https://vi.wikipedia.org/, Djiring là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai Thượng, “Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập, bao gồm 3 quận B’Lao (Bảo Lộc), Djiring (Di Linh) và Dran - Fyan (Đơn Dương), với diện tích bao trùm cả cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc và một phần của cao nguyên Lâm Viên. Năm 1958, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời tách quận Dran sáp nhập vào tỉnh Lâm Viên và đặt thành tỉnh Tuyên Đức. Lâm Đồng lúc này còn hai quận là B’Lao và Djiring, tức toàn bộ vùng đất nằm trên cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc. Ngày 30 tháng 11 năm 1958, B’Lao được đổi tên thành Bảo Lộc và được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng và công việc kiến thiết mở mang đô thị mới cũng bắt đầu phát triển mạnh từ thời gian này.”
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Tôi từng đi xe đò đến ở nhà Ngọc ở chơi mấy ngày. Đó là một căn nhà nhỏ trong khu vực dành cho nhân viên công an quận Di Linh, nằm gần quốc lộ, nhưng mặt sau là núi rừng trùng điệp. Đứng sân sau nhà Ngọc, nhìn xuống chỉ thấy sâu hun hút, bạt ngàn là cỏ và cây, ngăn cách với khu nhà là mấy lớp hàng rào tre nứa nhọn hoắt. Không hiểu sao dù còn nhỏ tuổi, lúc đó có thể 15, 16 tuổi thật (theo khai sinh chừng 13, 14 tuổi), nhìn xuống khu rừng núi âm u phía sau, tôi mơ hồ nhận ra mối nguy hiểm từ cõi hoang vu kia. Có lẽ, những tháng năm dài đụng chạm Việt Minh hồi ở quê hương miền Bắc đã gây cho tôi nỗi e ngại những chàng du kích lách luồn như chuột, rình rập khắp nơi. Khoảng năm 1961, 1962, khi gia đình tôi đã dọn về ở Sài Gòn, tôi viết thư rủ Ngọc xuống chơi 1 tháng. Nhưng mới chỉ ở được chừng 5, 6 ngày, chúng tôi nhận được điện tín: “Ngọc về ngay, Bố mất”. Tôi vẫn nhớ nội dung điện tín vỏn vẹn có vậy.
Việt Cộng, một đêm nào đó, từ cõi âm u hun hút dưới kia, đã tấn công vào khu gia cư của công an, và Bố Ngọc tử trận. Ông Bố Ngọc có tất cả 3 bà vợ, lúc này chỉ còn ở với hai bà, bà chính là Mẹ của Ngọc, và Dì Ba, cùng 4, 5 đứa em Ngọc. Hai bà chỉ ở nhà đẻ con và trông con, không đi làm, chẳng biết buôn bán là gì. Ông mất đi, gánh nặng đè lên vai Ngọc. Chàng bỏ học, đi làm cấp dưỡng gia đình. Lúc đó, có lẽ chàng chừng 17 tuổi.
Nguyễn Văn Ngọc và Đỗ Việt Anh bên bờ hồ Xuân Hương, 
Đà Lạt, trong một buổi họp hàng tuần của Thiếu Đoàn Lê Lợi
Hình chụp 1960.
Năm 1984, sau khi tôi từ nhà tù Thanh Hóa về Sài Gòn, một hôm Ngọc đến tìm tôi. Chị Thảo kể, suốt thời gian tôi ở Thanh Hóa, mỗi năm một hai lần Ngọc đều đến hỏi thăm về tôi. Ngọc đang hành nghề đạp xính lô. Tôi theo Ngọc về nơi chàng ở, một lề đường nào khó khu Phú Thọ. Dọc lề đường là bức tường cao, không biết có phải tường trường đua ngựa? Ngọc và một vài gia đình nghèo khó khác, đã dựng những túp lều lụp xụp, làm chỗ cho mọi người ẩn náu nắng, mưa. Tôi vẫn nhớ hoài buổi trưa hôm đó, hôm Ngọc chở tôi trên chiếc xích lô về “thăm nhà” chàng. Ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp, loại ghế quán cóc vỉa hè, dưới bóng cây của hàng cây dọc theo lề đường, tôi ngồi chua xót nhìn vào “căn nhà” gia đình Ngọc ở. Căn nhà ư? Chỉ là một túp lều làm bằng những vật liệu lượm  mót đâu đó, thấp đến độ phải cúi thật thấp mới vào lọt, có lẽ diện tích chừng hai chiếc chiếu. Nơi đó, bạn tôi, bà vợ gầy còm đen đủi, già nua, và hình như 3 đứa con còn quá nhỏ, chen chúc cho qua ngày nắng, đêm mưa. Tôi ngồi đó, không thể nói gì được. Ngọc kể tôi nghe chàng đã trôi dạt suốt chục năm nay như thế nào kể từ sau 1975. Do lý lịch gia đình, Ngọc không thể tìm chỗ làm nào cho đàng hoàng. Chuyện lấy vợ cũng là chuyện đến lúc phải lấy, đẻ con cũng là chuyện đến lúc đẻ con. Cuối cùng trôi dạt về Sài gòn, chàng thuê xích lô chạy kiếm cơm. Tôi mới về lại Sài Gòn sau gần 10 năm heo hắt ở Long Thành, rồi Thanh Hóa, còn đang bỡ ngỡ với cuộc sống đổi thay, nên cũng chỉ chia sẻ cùng chàng đôi chút khó khăn. Cứ một vài tháng, tôi lại thăm chàng, nhưng vẫn chưa thể có đóng góp nào tích cực, hiệu quả hơn với Ngọc. Tới một ngày, đến nơi Ngọc ở, lề đường không còn túp lều nào. Tôi mơ hồ nhớ sau này, vài lần chị Thảo nói Ngọc có đến thăm tôi, nhưng không gặp. Tôi thật tệ bạc, mải vui thú cá nhân, đã không ra sức lùng kiếm Ngọc. Nếu cố gắng, chắc thế nào cũng tìm được người bạn hẩm hiu. Mối ăn năn này còn mãi trong tôi. Tôi chợt nhận thấy sợi chỉ mỏng manh giữa một con người tốt và không tốt, nhiều khi chỉ là một chút cố gắng làm việc gì đó (chẳng lợi ích gì cho mình). Đúng ra phải nói rằng, trong cuộc đời tôi, có những khoảng thời gian nào đó, ngắn ngủi thôi, tôi có thể làm được vài việc tốt, nhưng đã không làm. Chỉ vì bản tính lười biếng, lần lữa, … mấy thứ này đã làm nên sợi chỉ mỏng manh, và sợi chỉ mỏng manh này đã trở thành sợi chỉ ăn năn lúc tuổi xế chiều. Ngọc ơi, tôi vẫn rất nhớ bạn.



Đệ Thất Quang Trung
Giữa năm 1956 tôi thi đỗ Tiểu Học. Hình như bảng danh sách tên học sinh thi đỗ niêm yết tại khu chợ Hòa Bình được mấy ngày rồi tôi mới đến xem. Đọc thấy tên “Đỗ Việt Anh” trên mấy tờ giấy mỏng dán trên tấm bảng gỗ, tôi mừng lắm. Tò mò, tôi dò tìm suốt mấy tờ giấy đánh máy nhỏ tí, tôi khám phá ra mấy chữ “Đỗ Việt Anh” không phải là tên duy nhất của tôi, vì còn một tên khác y như vậy, chỉ thêm chữ “Thị”. Tôi chưa hề gặp cô Đỗ Thị Việt Anh này bao giờ, mối thắc mắc về cô lâu lâu lại trỗi dậy trong tôi. Nếu ngay năm đó tôi theo học Đệ Thất trường trung học Quang Trung, biết đâu tôi đã được biết cô, vì năm đó Quang Trung còn có học sinh cả trai lẫn gái. Tôi nộp đơn thi vào lớp Đệ Thất trường Quang Trung. Theo tôi nhớ, đó là trường Trung Học Công Lập duy nhất của Đà Lạt. Một trường trung học công lập khác cũng dậy chương trình Việt nhưng dành cho các học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử là Trường Bảo Long. Ở trên, tôi nói là “theo tôi nhớ”, chỉ có một trường công lập (cho mọi người) là Quang Trung, thực ra, tìm hiểu trên internet, tôi được biết “Về hệ thống trường ở Đà Lạt, đến cuối năm 1953, có 3 trường trung học công lập: Lycée Yersin thành lập từ năm 1933 cho con em người Pháp và một số học sinh người Việt theo chương trình Pháp; Lycée Bảo Long (lấy tên con trai vua Bảo Đại) thành lập năm 1951 để tiếp nhận số học sinh trường Thiếu sinh quân Đà Lạt, đến năm 1956 đổi tên là Trường Trung học Trần Hưng Đạo; Trường Trung học Việt Nam (Lycée vietnamien) thành lập vào tháng 9-1952, địa điểm đầu tiên tại trường Tây Hồ, sau chuyển sang trường  Đoàn Thị Điểm hiện nay; đến 1953, dời về địa điểm trường Bùi Thị Xuân với tên trường trung học Phương Mai – công chúa, con vua Bảo Đại.”(http://www.lamdong.gov.vn/vi-)

Năm tôi thi vào Đệ Thất, 1956, trường Quang Trung mới được thành lập từ Trường Trung Học Phương Mai, tên một Công Chúa của Vua Bảo Đại. Tôi còn nhớ rõ đã đậu hạng 6 trong số học sinh trúng tuyển vì nhà trường mời Đẻ tôi lên để khai giấy tờ cho tôi học bổng năm đó.
Không biết vì sao Đẻ tôi muốn về sống ở Sài Gòn, nên Cụ xin giấy chứng nhận tôi đỗ vào Đệ Thất ở Trường Quang Trung để về Sài Gòn xin vào học Chu Văn An. Tôi còn nhớ, mấy Thầy ở văn phòng trường Quang Trung có cấp giấy chứng nhận, nhưng giải thích rõ là thi vào lớp đệ thất trường nào phải học ở trường đó. Muốn chuyển trường, nên đợi đến lớp Đệ Lục hãy xin, mà phải chắc rằng trường sắp đến sẵn sàng nhận tôi. Mấy thầy cố cản Đẻ tôi và nói nếu xin cho tôi nghỉ học, có nghĩa là một người đỗ Đệ Thất ở danh sách phụ sẽ được vào học chỗ của tôi. Do một sự hiểu lầm ý kiến của ai đó khiến Đẻ tôi tin rằng tôi được chuyển trường, nên vẫn xin cho tôi nghỉ học ở Quang Trung, nhưng khi về Sài Gòn đã không xin cho tôi vào được Chu Văn An. Trở lại Đà Lạt, dĩ nhiên tôi cũng không vào được Quang Trung. Thế là tôi mất một năm học vì Đẻ tôi làm gì có tiền để tôi theo học trường tư.  Theo tuổi thật tôi vốn dĩ học chậm hai năm, nay thêm một năm nữa là ba. May mà chị Thảo đã làm lại thế vì khai sinh, khai sụt hai tuổi cho tôi.
Sau này, trường Quang Trung đổi tên thành trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân.
4 năm Trần Hưng Đạo
Mùa hè năm 1957, tôi nộp đơn thi vào Đệ Thất Trường Trung Học Trần Hưng Đạo, đỗ hạng 10, Đẻ tôi hy vọng tôi có học bổng, nhưng chẳng thấy học bổng đâu cả. Học bổng toàn phần hay bán phần chỉ là một số tiền nhỏ nhoi được phát vào cuối năm, nhưng ở trường hợp nhà tôi, chắc rằng Đẻ tôi sẽ mừng lắm. Cũng theo ký ức mờ nhạt, hình như người đỗ hạng nhất trong số hơn 100 học sinh được tuyển vào trường năm đó là Nguyễn Ba, một học sinh đậm người, hiền lành, chăm chỉ, sau này học cùng lớp tôi.
Năm 1957, khi tôi thi vào đệ thất trường Trần Hưng Đạo, cũng là lúc Trường chỉ dành cho học sinh con trai. Các nữ sinh của trường được chuyển qua trường Quang Trung, các nam sinh của Quang Trung được chuyển qua Trần Hưng Đạo.
Tôi không nhớ rõ lắm là lúc đó nhà trường có ba hay bốn lớp Đệ Thất, nhưng hầu như các lớp đều học ở khu nhà trước đây là nhà ở của các viên chức, thầy, cô giáo, trong khuôn viên nhà trường. Mỗi lớp học trong một ngôi nhà biệt lập. Điều duy nhất tôi nhớ ở năm đầu tiên này là lần đầu tiên trong đời tôi được biết thế nào là “phấn thông vàng”. Cả một không gian bao trùm trường Trần Hưng Đạo vàng rực, mênh mông với hoa thông. Mỗi khi ngọn gió ào qua, phấn vàng bay lãng đãng khắp bàu trời, tưởng như những đám mây vàng từ trên cao tít hạ dần, hạ dần xuống phủ lấy lũ học trò trẻ thơ chúng tôi. Một số bạn học nhặt cành thông gãy đùa nghịch, tôi cũng chạy theo, nhưng kết quả tôi là kẻ duy nhất bị Thầy Giám Thị túm được.
Tôi ở Đà Lạt cho đến năm 1961 thì chuyển về Sài Gòn, nhưng suốt mấy năm này, chẳng khi nào tôi còn được ngắm nhìn một trời mênh mông phấn thông vàng như vậy, và cũng chẳng khi nào thứ phấn mịn màng đó còn phủ lên tóc tôi, vai tôi. Tôi có được đọc một truyện ngắn có tựa “Phấn Thông Vàng” của Xuân Diệu mà tôi không nhớ cốt truyện ra sao, chỉ mơ hồ theo lớp phấn vàng tung khắp không gian.
Năm học Đệ Lục chúng tôi được chuyển lên học ở mấy tòa nhà hai tầng mới xây xong ở cánh trái của sân trường, nhìn từ phía văn phòng lên phía cột cờ. Sân nằm trên một triền dốc thoai thoải của ngọc đồi, phía thấp là văn phòng, phía cao là cộ cờ, cao hơn nữa là hàng rào giáp ranh khu Đại Học Đà Lạt.
Có mấy chuyện đáng nhớ năm Đệ Lục:
Trước hết: Vào đầu niên học 1958 – 1959, chúng tôi được lệnh chọn ban: Ban Anh Văn và ban Pháp Văn. Ở Đệ Nhất Cấp (từ Đệ Thất đến Đệ Tứ) lúc đó chúng tôi đã học hai sinh ngữ, một chính, một phụ: Anh và Pháp. Chọn ban Anh Văn là chọn Anh Văn là sinh ngữ chính, học 6 giờ mỗi tuần, còn Pháp Văn chỉ học 2 giờ mỗi tuần. Tôi chọn ban Pháp Văn, chẳng phải là do kết quả của sự suy nghĩ hoặc hướng dẫn của phụ huynh (vì Đẻ tôi mù tịt chuyện này), mà tôi cũng chẳng có những hướng dẫn ở trường để nghĩ về tương lai, để cân nhắc ảnh hưởng của mỗi lựa chọn cho chuyện học hành, cho cuộc đời sau này mình. Từng nhóm, từng nhóm học sinh tụ họp bàn tán với rất nhiều ý kiến bây giờ nghe chắc ngây ngô lắm: Sách vở nghiên cứu hoặc sách vở ngoài đời từ trước đến nay chỉ toàn tiếng Tây, bọn tây giỏi lắm, bọn Mỹ mình chưa biết gì, ông cụ tao, anh chị tao ở nhà nói tiếng Tây được nhưng không biết tiếng Anh, … Lúc đó có 3 lớp Đệ Lục, có vẻ như nhà trường đã ấn định sẵn là 2 lớp Đệ Lục Ban Anh Văn, một lớp Đệ Lục Ban Pháp Văn. Tôi không nhớ rõ vì sao đã chọn Ban Pháp Văn, có thể vì tôi đang chơi với Nguyễn Đức Thanh là con của Giáo Sư Nguyễn Đức Kim, đang dậy toán trong trường, và bà Đỗ Thị Hiển, năm ngoái dậy chúng tôi Pháp văn, cũng có thể vì tôi quen thuộc với tiếng Pháp hơn tiếng Anh, đọc dễ dàng hơn. Sau này tôi mới biết rằng thực ra học tiếng Anh dễ hơn, và thông dụng hơn.
Chuyện thứ hai về sự nghịch ngợm của tôi trong kỳ thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt tiếng Pháp. Năm học Đệ Lục, tôi nhất quyết phải dành phần thưởng cuối năm, nên tôi ôn bài rất kỹ ở hai kỳ thi Lục Cá Nguyệt. Tôi rất khá môn Việt Văn và Toán, các môn khác chỉ cần gạo bài, riêng môn tiếng Pháp tôi tôi kém. Vì đã “hạ quyết tâm” nên mấy tháng sau của năm Đệ Lục, tôi dồn sức học môn tiếng Pháp, thuộc lòng các bài trong sách học tiếng Pháp. Ngày thi, cô giáo Hiển đọc dicté đúng bài tôi đã thuộc làu từng dấu chấm, dấu phảy, nên ung dung viết, bài dịch tôi cũng đã thuộc làu. Tính hay nghịch ngợm, nhất là thấy cô giáo thường khinh bỉ khả năng tiếng Pháp của mình, tôi làm ra vẻ như đang copy từ mặt bàn, từ bàn tay, từ đâu đó … Hầu như suốt lúc đọc chính tả, hoặc lúc làm bài dịch, cô giáo cứ lảng vảng ở chỗ tôi là dẫy bàn cuối cùng, đôi khi đứng ngay cạnh tôi và nhìn mặt bàn, nhìn hộc bàn chỗ tôi ngồi, nhìn bàn tay tôi ngửa ra, … Cuối cùng cô không bắt được tôi copy từ đâu cả. Lúc trả bài thi, cô nói thẳng ra, vẫn với vẻ khinh bỉ, là “Không hiểu sao bài thi của tôi không có một lỗi …” Tôi vẫn hy vọng mấy điều sau khiến cô thay đổi cái nhìn về thằng bé học trò gầy còm này là: Khi phê điểm cuối năm vào học bạ mỗi học sinh, mong cô sẽ thấy điểm toán, Việt văn của tôi cao, và cô giáo dạy Việt văn phê tôi: “Học sinh gương mẫu”; Kết quả cuối năm toàn bộ các môn học, tôi đứng thứ nhì, thua Nguyễn Đức Thanh đúng nửa điểm, hình như là 130 điểm và 130.50 điểm; Điều nữa, sau này về Sài Gòn, cô biết tôi đã học nhảy một năm, bỏ năm Đệ Tam, và vẫn đỗ Tú Tài 1. Hy vọng vậy thôi, chẳng khi nào tôi hỏi cô về mối hy vọng trên, chắc gì cô đã nhớ mấy chuyện vặt đó, hoặc chắc gì những điều tôi cảm thấy về thái độ của cô những năm xưa là đúng. Cô và Thầy Kim sau này tôi còn được gặp nhiều lần vì tôi và Nguyễn Đức Thanh vẫn liên lạc, gặp gỡ. Tôi dụ Thanh vào Hướng Đạo.
Điều đáng nhớ nữa của năm Đệ Lục là về chuyện phát phần thưởng cuối năm. Năm ngoái, khi tôi học Đệ Thất, lễ Phát Phần Thưởng cuối năm tổ chức rất long trọng. Những học sinh hạng nhất, hạng nhì mỗi lớp lên lãnh phần thưởng thường phải khệ nệ ôm hàng đống sách vở, dụng cụ học sinh, giấy khen, với những lời xướng danh, nhận xét tuyệt vời, những tràng vỗ tay vang dội. Tôi được lãnh phần thưởng Hạng Bẩy (không hiểu sao hạng bẩy cũng có phần thưởng), lèo tèo vài quyển vở, bút chì gì đó. Tuy nhiên, chỉ cần vài thứ nhỏ nhoi đó cũng khiến Đẻ tôi mừng, làm cho hai mẹ con bữa cơm thịnh soạn hơn ngày thường, và Cụ có thể ra khoe với bạn bè buôn bán ngoài chợ là con Cụ được lãnh phần thưởng cuối năm, nên tôi nghĩ đến chuyện phải lãnh phần thưởng hạng cao ở năm sau. Năm nay, 1959, không có ngày lễ phát phần thưởng. Đến ngày đã hẹn, hai bác nhân viên nhà trường khệ nệ khiêng một giỏ cần xế đựng mấy đôi giầy thường gọi là giầy bata  đến từng lớp, và một Thầy Giám Thị (hay Thầy Giáo tôi không nhớ rõ) đọc tên mấy người lãnh phần thưởng trong lớp, trao cho vài thứ lỉnh kỉnh học trò và đôi giầy bata. Thế là xong một năm học. Học sinh cũng chẳng biết vì sao cuối năm học này không có một ngày nào để Thầy Hiệu Trưởng, Thầy Tổng Giám Thị nói chuyện với học sinh trước khi về nghỉ 3 tháng hè.
Chắc rằng các bạn trẻ thơ của tôi ít ai nhớ đến chuyện phát phần thưởng tẻ nhạt kể trên, riêng tôi lại nhớ mãi. Những gì không đúng ý Đẻ tôi, tôi thường giữ hoài trong tâm khảm. Mấy hôm trước ngày bế giảng một năm học, tôi đã khoe Đẻ tôi về kết quả hạng nhì. Đẻ tôi mừng lắm. Nhà chúng tôi nghèo, ít quyển sách học cho năm sau, ít vật dụng học sinh thứ tốt cũng là những gì rất giá trị cho chúng tôi, Đẻ tôi bớt chi ra một số tiền. Trường Trần Hưng Đạo thường được các Mạnh Thường Quân, các vị Thương Gia ở Đà Lạt tặng dữ rất nhiều, phần thưởng cuối năm của mấy thứ hạng cao thường là khá, ít ra là theo con mắt non trẻ của tôi. Suốt dọc đường đi bộ từ trường về nhà, tôi luôn nghĩ đến Đẻ tôi, đến buổi tối nay khi Đẻ tôi từ chợ về, đến nỗi buồn thất vọng của Đẻ tôi. Nhưng cuối cùng, Đẻ tôi lại là người an ủi tôi. Các bà Mẹ chúng ta đều tuyệt vời!
A, còn một chuyện nữa đáng nhớ của năm Đệ Lục Trần Hưng Đạo tôi xin ngại ngùng, e thẹn kể ra, chuyện “Bao Giờ Biết Tương Tư”. Quí vị đừng vội nghĩ hai chữ tương tư này theo nghĩa sang trọng, nghiêm chỉnh của người lớn. Phải rồi, tương tư là chuyện rất sang trọng và nghiêm chỉnh. Sang trọng lắm nên người ta mới gọi ‘Hoàng tử của lòng em”, hoặc “Công chúa ngủ trong rừng”, hoặc “Cô Mỵ Nương ở lầu tây, con quan Thừa Tướng ngày rầy cấm cung”, … Và nghiêm chỉnh nữa, vì đâu có ai ôm mối tương tư đùa cợt bao giờ. Xin đừng, vì đây chỉ là chuyện “mê cô giáo” của thằng bé học sinh đệ lục. Ngồi nghĩ lại tháng ngày xưa cũ, tôi nghiệm ra là bên cạnh lòng ước muốn làm Đẻ tôi vui về chuyện học hành của con mình, chính “tình mê” này khiến tôi học hành tử tế lúc tuổi thơ.
Các năm đệ thất, đệ lục chúng tôi có một số cô giáo. Hình như những năm đó thiếu giáo sư, nên Thầy, Cô không cần phải tốt nhiệp Đại Học Sư Phạm, chỉ cần đỗ Tú Tài, hoặc theo học cử nhân một, cử nhân hai các phân khoa đại học, là có thể vào dậy chúng tôi. Năm đệ lục, có 4 cô giáo dạy lớp tôi. Cô Đỗ Thị Hiển dạy Pháp văn, một cô đeo kính trắng bỗng dưng tôi chưa nhớ ra tên dạy Hóa học, cô Trịnh Xuân Lang (có G) dạy Việt văn, và cô Thanh Hương (?) dạy Công Dân Giáo Dục. Cô Hiển quí vị đã biết là Mẹ của người bạn tôi học cùng lớp; Cô dạy Hóa người miền Nam, ăn nói nhỏ nhẹ, tuy nghiêm nhưng chưa thấy cô giận dữ bao giờ; Cô Lang từ Sài Gòn lên, hay âu sầu, có lần phát khóc vì giận lũ học trò chúng tôi; Cô Hương có vẻ ngổ ngáo nhất, thường ngồi ghế ngửa ra, chỉ hai chân sau của ghế chấm đất, hay mặc áo dài đen căng phồng bộ ngực, khi ngồi ngửa người, vén vạt áo sau vắt lên phía trước, để hở phần da thịt bên hông đầy vẻ bất cần đời.
Vậy là tôi mê (một) cô giáo! “Tình yêu” này góp phần thúc đẩy tôi học hành chăm chỉ, và thúc đẩy tôi làm mấy bài thơ kiểu thời thượng, ngây ngô. Quí vị chịu khó đọc cho vui một đoạn trong bài “Tương Tư Buồn” của thằng con nít bầy đặt nói chuyện tình yêu và triết lý:
Lòng ta buồn nào biết bởi vì đâu?
Lòng ta buồn mà chẳng được ai trao
Cho một chút niềm vui của toại nguyện.
Cõi hư vô cửa rộng mở thênh thang
Để đón những nét buồn của lòng thương nhớ hão.
... …”
Ông “thi sĩ non” nửa đêm ngồi nhớ Cô, vì cuối năm, nàng đã về Sài Gòn ăn tết, (và chắc rằng nàng đang dung dăng dung dẻ với chàng bồ nào đó …) Mẹ chàng thi sĩ đã ngủ say, Cụ ngủ trong niềm vui thằng con chăm học, nghỉ hè rồi còn thức khuya đọc sách thánh hiền.
Vậy là tôi mê cô giáo! Chủ nhật là ngày nghỉ tôi cũng lội bộ 5, 6 cây số từ nhà vào trường để gặp cô, giả bộ như trao trả hay mượn thêm vài quyển sách, truyện. Khốn nỗi, cô làm gì có nhiều sách, truyện, thế là cô chịu khó chiều thằng bé chăm đọc, mượn của mấy cô giáo bạn ở cùng phòng. Các cô giáo trẻ từ xa đến dậy, được trường cấp cho căn nhà trước dùng làm lớp học để ở chung. Những căn nhà này thời còn Tây Đồn Điền chắc cũng là nhà ở của các nhân viên cao cấp, sau dùng cho các Thiếu Sinh Quân, khi trường Trần Hưng Đạo mới thành lập, lớp học chưa xây đủ, nên dùng làm lớp học năm tôi học Đệ Thất. Thằng bé tuy “ngây ngô khờ dại”, nhưng cũng nhận ra những ánh mắt và nụ cười tinh nghịch của mấy cô giáo trẻ khác về chuyện mượn sách vở này. Lúc không lớn, nhớ lại, tôi không khỏi bật cười khi tưởng tượng ra cảnh các cô giáo phá ra cười bàn tán về tôi, và buông ra những lời trêu chọc “cô giáo nạn nhân tình yêu” của tôi. Nhưng cũng biết đâu đấy, một khía cạnh tích cực có thể xẩy ra, là các cô mong đợi sáng Chủ Nhật, để được gặp thằng bé si tình, rồi sau đó là vui vẻ kháo chuyện cùng nhau suốt buổi sáng. Là kẻ lữ thứ giữa núi rừng buồn thiu Đà Lạt, các cô chẳng biết làm gì cho qua một ngày rưỡi vắng lặng mênh mông của khuôn viên nhà trường không bóng dáng học sinh. Lâu dần, các cô cũng chẳng cần giữ ý, dù có mặt tôi, các cô vẫn ẩn hiện trong những bộ đồ ngủ đầy nét huyền hoặc trước “một tâm hồn trẻ thơ (?)” Xin đừng nghĩ ngợi xa hơn, các cô đều là những cô gái mới lớn, nếu chỉ học Trường Sư Phạm Trung Cấp để ra dậy Tiểu Học hoặc Trung Học Đệ Nhất Cấp, nhiều khi các cô chỉ mới 19, 20 tuổi. Chắc rằng các cô đều có chàng nào đâu đó ở Sài Gòn, ở Huế, … để mà thương nhớ. Thân gái một mình đến giữa núi rừng Đà Lạt, ngày đó (giữa thế kỷ 20), giống như vào nhà tu rồi đấy quí vị ạ, không phải như đời sống bây giờ ở Thế Kỷ 21, internet, TV, xe cộ đi lại dễ dàng. Đùa vui một tí với thằng bé nhà quê cũng chỉ là một niềm vui lành mạnh, hiếm hoi của các cô.
Đời sống mỗi ngày một tân tiến, sau khi tôi rời Trần Hưng Đạo mấy năm, Đà Lạt đã rộn ràng với mối tình của “Vòng Tay Học Trò”.
Vậy là tôi mê cô giáo vào giữa tuổi 15! Nhưng “mối tình ngây dại” cũng chẳng dài lâu, vì khi tôi lên lớp Đệ Ngũ, các cô đã chuyển qua dạy ở trường Bùi Thị Xuân, trừ cô Đỗ Thị Hiển vì Thầy Nguyễn Đức Kim dạy ở Trần Hưng Đạo, được cấp nhà trong trường từ lâu.
Mối tình ngây dại không lâu, từ cuối năm Đệ Thất (1957 – 1958), khi cô bắt đầu đến lớp chúng tôi,  đến hết năm Đệ Lục 1959, nhưng cũng gây khá nhiều hậu quả cho hai năm học sau đó của tôi.
Năm học Đệ Ngũ bắt đầu chán ngắt. Các cô giáo trẻ đã chuyển trường, “bỏ lại thằng bé si tình bơ vơ giữa chợ đời!” Thực ra, cũng chẳng bơ vơ gì. Từ giữa năm Đệ Lục tôi đã giao du (không “thân mật”, tiếng thời Đệ Nhất Cộng Hòa) với mấy nàng tiên Đà Lạt.
Tôi tin rằng hầu hết tuổi học sinh chúng ta thường giống nhau ở mấy mối tình học trò này. Gọi là tình, nhiều khi chỉ là một chút nhớ nhung vào lúc nào đó trong ngày, rồi lãng quên ngay. Ở tôi, chút nhớ nhung đó lại khiến tôi lang thang những con đường quạnh hiu Đà Lạt. Đôi khi là con đường vắng lặng ban đêm quanh hồ Xuân Hương, đôi khi là con dốc cao leo lên khu Nhà Thờ Con Gà, đôi khi là những con đường tắt đi từ khu Domaine De Marie đến thác Cam Ly.  Nhiều lắm, lát nữa tôi kể tiếp. Bây giờ xin lưu ý về Đà Lạt những năm nửa sau của thập niên1950.
Những năm đó Đà Lạt còn nguyên sơ lắm. 9 giờ tối đã là khuya, và đi bộ là cách di chuyển chính, hoặc nếu ở xa thì dùng xe thổ mộ (xe ngựa), hoặc xe ô tô cũ kỹ chạy từ bến ngoại ô đến bến chợ Hòa Bình ở trung tâm thành phố, lác đác một số “xe lăm 3 bánh” chạy những tuyến đường nhất định. Nhịp sống thời đó chậm chạp, nhàn tản, khoan hòa, hầu như đúng cái cảnh không ai nhặt của rơi ngoài đường về làm của mình. Một chiếc xe đạp dựa đại vào bụi rậm bên đường từ sáng đến chiều, thậm chí qua đêm, vẫn nằm yên chỗ cũ. Suốt mấy năm đó, ít nhất hơn chục lần tôi mượn được xe đạp, cùng bạn bè đạp xe về hướng Suối Vàng, rồi leo lên Núi Bà, hoặc đổ dốc đi chơi Thác Prenn, Thá Datela, Thác Gouga, và xa nhất là đi đến sát cạnh dòng thác (hồi đó nghe gọi là) hùng vĩ nhất Đông Dương, Thác Pongour, với đoạn đường đi về đạp xe trên 120 cây số gồm chạy trên quốc lộ 47 cây số, chạy trên đường mòn trong rừng 7 cây số. Ở đâu, chúng tôi cũng vứt xe bên đường mòn, rồi lang thang thám hiểm. Chiều về, xe vẫn còn nguyên.
Thằng tôi chuyên trị “cuốc bộ”, lấy đôi chân làm phương tiện chính. Năm học Lớp Nhất và Đệ Thất’ con đường chính tôi đi bộ là từ nhà đến thư viện của Hội Văn Hóa Bình Dân ở đường Đoàn Thị Điểm, hoặc từ nhà đi thác Cam Ly, hoặc từ nhà đến trường Trần Hưng Đạo. Đường nào cũng dài khoảng 5, 7 cây số. Tôi đi bộ một cách thoải mái, tự nhiên như sau này ở Sài Gòn những năm 1970, người ta cứ ra khỏi nhà là đi xe đạp, xe gắn máy. Đến năm tôi học Đệ Lục, rồi Đệ Ngũ, Đệ Tứ, cũng vẫn mấy con đường đó, nhưng thêm vài “cung đường tình yêu” khác là ven bờ hồ Xuân Hương, Đồi Cù, khu ấp Ánh Sáng, khu Dốc Nhà Bò, …  và loanh quanh đồi, dốc, khu nhà tôi ở số 2 Ngô Quyền. “Cung đường” nào cũng kéo lê đôi chân tôi hơn 10 cây số đi và về. Có anh thi sĩ bảo rằng “Đi với Về cùng một nghĩa như nhau”, tôi chắc rằng anh ta không nói đến chuyện “đi bộ”. Với Đi Bộ, đi với về khác nhau nhiều lắm.
Vậy mà thằng bé nhà quê có tính dễ mê gái đẹp vẫn cuốc bộ đều đều trên những “con đường tình ta đi”. Nhiều khi, 9 giờ đêm rồi còn quanh quẩn ven hồ, ngắm ánh trăng xanh, tưởng như cứ ngắm trăng như vậy là đủ thành thi sĩ lớn. Dĩ nhiên, chẳng bao giờ thằng bé trở thành thi sĩ, nhưng cảm xúc về những làn sóng lăn tăn lan tỏa trên mặt hồ dưới ánh trăng huyền hoặc, trong khí lạnh mơn man về đêm của Đà Lạt thì thằng bé cũng có như những vị thi sĩ lớn lao của đất nước mình. Có điều, từ cảm xúc đến câu thơ là một chặng đường dài như từ trái đất lên mặt trăng. Thằng bé biết vậy nhưng vẫn ngập tràn trong cảm xúc đó, vì quanh đây, đi qua khỏi cầu Ông Đạo kia, rồi rẽ phải trên con đường ven ấp Ánh Sáng, có căn nhà nhỏ giờ đó đã chìm trong bóng đêm, có một nàng tiên Đà Lạt đang ngủ. Cũng đẫm mình trong cảm xúc đó, có khi thằng bé lặng lẽ leo con dốc lên khu Nhà Thờ Con Gà, rồi lặng lẽ buông “bước chân vô định” về hướng Dốc Nhà Bò, nơi đó, có mấy nàng tiên Đà Lạt đang học bài dưới ánh đèn điện ấm cúng, nhạt nhòa, trong khi chàng đang “đi ngoài sương gió!” Thật đấy, buổi tối Đà Lạt thuở đó trời thường đầy sương và gió.
Hầu như nàng tiên nào của thằng bé cũng đều thích thơ, cả làm thơ nữa, nếu chúng ta dễ dãi gọi những câu chữ có vần có điệu, hoặc cứ ít chữ thì xuống dòng, là thơ. Mà thằng bé tuy nhà quê nhưng lại thuộc thơ phú làu làu. Ở trên tôi đã kể là ngay từ lớp bé tí, tôi đã tìm đọc Quê Hương và Sáng Tạo, và tôi xin đi lan man một lúc trước khi trở về với các nàng tiên. Mới đầu tôi đọc được hai tạp chí này ở Thư Viện Hội Văn Hóa Bình Dân. Hầu như cứ đến ngày nghỉ tôi thường đến thư viện ít nhất 3 hay 4 tiếng đồng hồ. Có lẽ mỗi năm tôi đến thư viện vào khoảng 30 - 35 ngày Thứ Bẩy, còn dịp 3 tháng hè số ngày ngồi thư viện chắc phải 40 – 45 ngày. Tôi không nhớ Thư Viện này có mở cửa Chủ Nhật không. Hình như có lần Thầy, hoặc Cô Giáo coi thư viện, hồi đó tôi coi quí vị quản thủ thư viện đều là Thầy, Cô Giáo hết, nói với tôi rằng thư Viện của Hội mở cửa các ngày nghỉ cuối tuần để mọi người có thì giờ đọc sách, và sẽ nghỉ một ngày trong tuần, hình như Thứ Hai hay Thứ Ba thì phải. Nếu vậy, tôi có thêm ít nhất 20 ngày Chủ Nhật ở Thư Viện. Thói quen biểu lộ sự trân trọng đối với một cơ sở văn hóa như vậy, tôi thích viết hoa hai chữ Thư Viện, xin thứ lỗi cho tôi. Cho nên, tôi đọc khá nhiều sách, truyện của Thư Viện, và các số Sáng Tạo, Quê Hương cũ tôi đều đã mượn đọc qua. Không cần phải nói, chắc quí vị cũng thừa biết các vị Quản Thủ Thư Viện (các Thầy, Cô Giáo của tôi) đã tròn xoe mắt nhìn “thằng lỏi tì” hỏi mượn mấy thứ sách báo “cao cấp”. Mấy lần đầu quí vị cứ gặng hỏi thằng tôi có chắc là muốn mượn đọc mấy thứ đó không, làm sao em hiểu được khi chính chúng tôi (Thầy, Cô Giáo, với tôi lúc đó, đều là những vị siêu việt) cũng chẳng chắc là đã hiểu. Tôi cứ khăng khăng xin mượn, và nói rằng có mấy bài thơ Thanh Tâm Tuyền hoặc mấy truyện ngắn trong Sáng Tạo, tôi rất thích. Còn Quê Hương, thú thật tôi cũng chẳng hiểu gì, bỗng dưng thấy thích ghiền ngẫm mấy thứ về kinh tế, mấy con số thống kê, và đặc biệt có bài của vị “Trưởng Thần Linh” của tôi, tên rừng Vịt Bể, là nhà giáo Cung Giũ Nguyên. Ông đã viết bài, theo tôi nhớ có tựa đề “Hướng Đạo, Một Phương Pháp Giáo Dục Nhân Vị”. Bài viết về Hướng Đạo nên tôi lấy tập vở ghi chép rất kỹ, bây giờ không còn lưu giữ được. Sau này, chẳng mấy ai nhắc đến tạp chí Quê Hương khiến tôi nghi hoặc về thời gian tôi tìm đọc tạp chí này, không rõ là trước 1960 hay sau 1960. Cũng theo tôi nhớ, Quê Hương chẳng thọ bao nhiêu.
Trở lại với các nàng tiên Đà Lạt. Bên cạnh chuyện mua hai tạp chí kể trên, hay ít nhất cũng là mua một tạp chí Sáng Tạo, tôi còn mua các sách thơ xuất bản hồi đó như “Thơ Hàn Mạc Tử”, tập thơ “Mê Hồn Ca” của Đinh Hùng, tôi tìm mua “Rừng Phong” của Vũ Hoàng Chương nhưng các hiệu sách ở Đà Lạt không có. Từ đâu mà ở cái tuổi 13, rồi 14, 15, và 16 tôi biết đến những vị này và các tập thơ của họ? Bây giờ tôi hoàn toàn mù tịt, chẳng biết vì sao. Có thể vì tình cờ tôi có được một quyển sổ lớn gần bằng khổ tập học trò, in các dòng kẻ ca rô, dày trên 100 trang, chép tay rất nhiều bài thơ của nhiều thi sĩ. Có vẻ như tập thơ chép tay đó của anh Thùy Nhân, sau này tôi biết là anh Nguyễn Khắc Giảng. Anh Nguyễn Khắc Giảng khi di cư qua Mỹ vẫn tiếp tục làm báo, không rõ còn làm thơ không, nhưng chắc rằng không còn dùng bút hiệu Thùy Nhân của thời “thi sĩ học trò”. Về tập thơ chép tay và các vị thi sĩ học trò tôi sẽ trở lại sau, bây giờ nhớ tiếp các nàng tiên Đà Lạt kiều diễm của tôi. Với vốn liếng của những tập thơ tôi có, tôi được đọc, và với kiến thức sơ đẳng từ các tạp chí văn học và nghiên cứu tôi được đọc ở Thư Viện thì các nàng tiên kiều diễm kia chắc là “bị khớp” rồi. Ở lớp Đệ Lục, cô giáo Việt Văn đã ngạc nhiên khi tôi đọc cho nghe hàng mấy chục câu mở đầu “Chinh Phụ Ngâm” bằng âm Hán Việt, rồi đọc hầu cô cả bản dịch “Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị, rồi toàn văn ‘Tổng Vịnh Truyện Kiều” của Chu Mạnh Trinh, bản dịch “Tương Tiến Tửu” của Lý Bạch. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lõm bõm những đoạn thơ này. Thêm vào đó tôi còn thuộc những bài thơ của các thi sĩ hiện đại, cho nên dễ dàng kết thân với các nàng tiên xinh đẹp, rồi dễ dàng đi đến các mơ mộng trẻ thơ để quên bớt nỗi buồn xa cô giáo.
Có một nàng tiên chị anh bạn học, thích chép thơ và làm thơ đã đưa tôi tập thơ của nàng, chép tay trên giấy pelure đủ màu để hỏi ý kiến. Thằng nhóc tôi biết gì về văn thơ mà ý kiến. Tôi đành viết một câu lục bát bằng bút chì: “Biết thơ từ thuở còn thơ, ngày xưa tôi biết bây giờ tôi yêu”. Thế là nàng vui lắm rồi vì tôi nói nhỏ khi trao trả nàng tập thơ: “Biết thơ tức là biết cô đấy”. Viết bằng bút chì đề nàng có thể tẩy xóa ngay kẻo ông bố biết được thì khổ. Mấy ông bố người miền Trung này còn khó hơn mấy ông Bắc Kỳ nữa, lúc nào cũng lảng vảng đâu đó gần chỗ ba đứa chúng tôi hái mận, hái ổi. Ba đứa là thằng bạn học, bà chị anh ta, và tôi. Bà chị lúc nào cũng ửng đỏ đôi má, khóe mắt long lanh, mái tóc dài xõa xuống cho dễ chạm tay thằng bé, lâu lâu liếc trộm ông bố rồi đụng tay thằng bé ra điều chỉ trái này, trái nọ. Ôi khuôn mặt trắng mịn như lụa bạch (lúc đó, tôi chưa thực sự thấy lụa bạch bao giờ) lại điểm phơn phớt hồng, đôi môi chắc là mềm và rực rỡ như cánh hoa thược dược trong vườn, chẳng khác là bao so với mấy nàng tiên đón chàng Từ Thức, (thú thực, tôi chưa bao giờ gặp Từ Thức và mấy nàng tiên của chàng, nghe mấy ông nhà văn, thi sĩ kể vậy thôi!), đã khiến thằng bé nhà quê mê mẩn, líu quýu tay chân. Thằng bé luôn mồn khen mấy trái mận bà chị chỉ đều ngọt (không nhớ có nói xạo: ngọt như đường phèn không). Vui thú luẩn quất quanh vườn quên cả tháng ngày, nếu không có tiếng ông bố gọi vào trong nhà uống nước (để ông đe nẹt và dễ canh chừng), chắc hai đứa cứ thế đi hết năm, tháng - lúc này ba đã thành hai vì chúng tôi quên mất có cậu em bạn học hiện diện. Nàng có cái tên hân hoan như pháo hoa ngày hội, nhưng giọng nói như gió thoảng mây bay. Lúc đó tôi nghĩ vậy, sau này không biết giọng nói đó sẽ tưng bừng đến đâu. Rồi cuộc chơi cũng chỉ thoáng qua, cả năm trời nhung nhớ mà chẳng bao giờ tôi nghĩ chuyện hẹn hò đi chơi. Trẻ thơ ngày đó “cả quỷnh” lắm, hoặc là thằng tôi suốt đời lúc nào cũng “cả quỷnh” nên mãi đến năm gần 60 tuổi rồi vẫn có nàng than tôi là “hâm”, không như các vị thanh, thiếu niên một chục năm sau, thập niên 1960, chưa gì đã đòi vườn đào bẻ khóa. Nhưng lý do chính là vì ông bố canh giữ quá, và nỗi nhớ nhung cũng chưa đủ để tôi nghĩ kế hẹn hò đi chợ, đi tìm mua sách vở ngoài phố, … Sau này về Sài Gòn tôi mất tăm luôn. Có một lần gặp anh bạn trong hiệu sách trên đường Lê Lợi, Sài Gòn, tôi chỉ rộn ràng hỏi thăm vì sao anh mặc bộ lễ phục Thủ Đức ngày nghỉ phép, về cuộc sống trong quân trường, quên bẵng không hỏi gì về bà chị. Chia tay, một chút ân hận đến sau. Cho đến bây giờ tôi chưa gặp lại hay nghe nói đến, hay đọc đâu đó, một cái tên nào giống tên bà chị yêu dấu đó.
Một buổi trưa trời vần vũ báo mưa nhưng tôi vẫn lẽo đẽo từ nhà lội bộ ra khu Cầu Ông Đạo để chắc rằng sẽ gặp mưa giữa đường. Vừa thấy sóng nổi trên mặt hồ Xuân Hương với từng cơn gió thốc, trời đổ mưa thật. Và tôi ướt như chuột lột, nói theo các cụ nhà ta thôi chứ lúc đó tôi chưa biết một chú chuột lột da trông như thế nào. Tôi vẫn bước đi nhưng bộ óc nhỏ bé thì hoạt động dữ dội. Tôi đang đắn đo, phân vân, tính toán, có nên không vượt qua Cầu Ông Đạo về hướng dốc Nhà Thờ Con Gà, nhưng rẽ phải ngay cuối chân dốc, đi theo con đường men Ấp Ánh Sáng, để đến nhà một nàng tiên?
Nàng tiên “Ánh Sáng”, gọi nàng tên đó cho tiện, tôi không dám nói là xấu nhưng không thể gọi là đẹp được. Vậy tại sao tôi lại quen biết nàng nhỉ. Có thời nàng ở trọ nhà một bạn học cùng lớp với tôi, nghe nói tôi biết đôi chút thơ văn vượt qua cả giới hạn chương trình học nhà trường, thế là chúng tôi quen nhau. Nàng vốn người miền Trung đa cảm, mê tiếng sáo của một chàng thi sĩ, nên cứ xán tới nói chuyện thơ văn với thằng bé mới lên lớp Đệ Lục, chắc là để có cơ hội nhắc về chàng hoàng tử chưa một lần quen biết mà nàng đang yêu trộm nhớ thầm. Nàng hơn tôi chắc khoảng 4, 5 tuổi, mơ mộng thế là phải rồi. Suốt một năm đệ lục tôi năng đến nhà anh bạn chơi, chỉ cách nhà tôi chừng 200 mét, và “hai chị em” cứ rù rì rủ rỉ trong phòng với cánh cửa khép hờ. Lắm khi tôi ra về mà quên mất là mình qua chơi với bạn. Chỉ vậy thôi, vì lúc đó tôi đang say mê cô giáo, nên dù nàng có ngả ngướn trên giường, nơi duy nhất trong phòng chúng tôi có thể ngồi nói chuyện, tôi cũng chẳng động tâm. Cái lối giáo dục cổ hủ tôi hấp thụ được biến tôi thành một thằng “quỷnh” hết cỡ. Viết xong dòng chữ vừa rồi tôi ngồi nghĩ lại, có thực tôi quỷnh đến thế? Không chắc lắm! Tôi thường tự mô tả mình như một thằng bé nhà quê hiền lành. Nhà quê thì có, còn hiền lành? Chữ hiền lành ở đây hiểu theo nghĩa ngoan ngoãn gia giáo, không chơi đùa, nói năng bậy bạ, ít nhất bề ngoài thì có vẻ tôi hiền lành thật, nhưng cái đầu óc bé xíu hạt tiêu thì vẫn thôi thúc, tò mò lắm chuyện không hay. Vậy chắc là có hiền nhưng không lành. Gặp các cô giáo với những bộ quần áo ngủ đơn sơ, tôi vẫn như đang nhìn trộm trái cấm, và dưới cơn mưa tầm tã đang trút xối xả nước xuống thân xác gầy còm khẳng khiu này, thì đầu óc tôi đang “làm việc” hết mức. Cuối cùng, thằng bé quyết định gõ cửa nàng tiên.
Tôi lý nhí phân bua với bà chị của nàng tiên Ánh Sáng, cũng lại “bà chị”, rằng tôi gặp cơn mưa bất ngờ ngay gần đây, nên xin vào tá túc chờ mưa dứt. Trước đó ít lâu, nàng tiên Ánh Sáng cho biết mới gặp một bà chị ở khu Ấp Ánh Sáng có căn nhà rộng, rủ nàng đến ở chung, thế là nàng bỏ căn phòng ở nhà bạn tôi, dọn đến đây.
Bà chị không rõ là chị dâu, hay chị họ của nàng tiên Ánh Sáng, mà cũng có thể là người cùng làng xóm miền Trung. Khốn cho thằng bé, bà chị này lại đẹp, và những lần đến chơi trước, thằng bé chỉ biết ngây người ngắm vì người ta đã là người lớn. “Bà chị người lớn”, nhìn thằng bé đang đứng “đực ra” sũng nước mưa, có nguy cơ làm ướt cả phòng khách, nói cô em đưa tôi xuống bếp thay quần áo. Họ nhìn nhau thật nhanh, lối đầy nét âm mưu. Bếp là một khu rộng thênh thang có lối thông với nhà trên gồm phòng khách và hai phòng ngủ hai bên. Cô em “vứt đại” tôi ở bếp rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Có tiếng cãi nhau đùa nghịch giữa hai chị em, to to nhỏ nhỏ, xen lẫn tiếng cười khúc khích. Rồi có tiếng quyết liệt: “Chị lấy quần áo của chị cho nó mượn đi, em không biết!”
Thế rồi Bà Chị Người Lớn xuất hiện với khuôn mặt ửng đỏ, trên tay ôm mớ áo quần. Bà nói tôi:
-       Em cởi quần áo ra đi
Phải chi hồi đó có cái máy quay phim để bây giờ tôi được chiêm ngưỡng vẻ mặt thỗn ra của tôi khi đứng trước một nàng tiên thật sự. “Thật sự” vì nàng đẹp như tiên, mà tôi dám chắc đẹp hơn tiên nữa, nếu quả thực có tiên. Đôi má ửng hồng, một nét hồng phơi phới tinh khôi mà vẫn thấm đẫm chất mật của nhụy ngọt chín mùi. Nàng tiên thực sự có vẻ hơi lúng túng khi thằng bé đứng ngây như phỗng. Đôi mắt sâu thẳm, tinh nhanh, ánh lên nét cười nghịch ngợm, nhưng lại làm ra vẻ nghiêm nghị nhìn tôi:
-       Chị nói em cởi quần áo ra kẻo nước mưa lạnh ngấm vào là ốm to đấy. Chắc ở nhà mẹ cứ phải thay quần áo cho em phải không? Thôi, để chị cởi cho.
Thân thể gầy còm quắt que của tôi khiến bà chị nghĩ chắc tôi chừng 9, 10 tuổi là cùng. Tôi đã biết mê cô giáo rồi, biết mê cả mấy bà chị nữa, 14, 15 tuổi chứ nhỏ nhít gì. Đó là sau này nghĩ vậy, chứ lúc đó tôi chỉ biết luống cuống cùng bà chị cởi bỏ từng món vải đang dính sát thân người tôi. Áo sơ mi, rồi quần dài, áo may ô, và cuối cùng là quần đùi. Tôi không thể nhớ được là cái thân thể gầy còm của thằng tôi lúc đó ra sao, không thể nhớ được có bộ phận nào của tôi phản ứng không, vì đầu óc tôi quả thực u mê. Tôi lặng người trước một nhan sắc tuyệt vời ngay sát với mình, một nhan sắc hồn hậu tuy làm ra nghiêm trang nhưng vẫn nhuốm vẻ hân hoan, tinh quái. Đôi môi của nhan sắc thiên thần lâu lâu hé nụ khi có tiếng cô em từ nhà trên vọng xuống, một câu nói vui đùa gì đó mang ý nghĩa “lâu rồi mới gặp lại”. Rồi tiếng bà chị trả đũa, như muốn nói rằng thì xuống đây cho biết, mày đã bao giờ biết đâu. Sau này, hình dung lại, tôi hiểu rằng ý cô em nói bà chị lâu lắm rồi mới được thấy lại thân thể đàn ông, thằng bé nhưng cũng là đàn ông chứ đâu phải đàn bà. Nhiều lần đến chơi, tôi chỉ thấy bà chị ở với đứa con nhỏ chừng 2, 3 tuổi. Còn không thấy chồng bà bao giờ. Nghĩ lại, có lẽ chồng bà chị đã mất, hoặc là đang lẩn lút trong khu Suối Vàng, Núi Bà, hoặc ở một cõi rừng sâu núi thẳm nào đó, và biết đâu chừng đã tập kết ra Bắc.
Thân thể tê cứng, đầu óc chết lặng, tôi bị cuốn hút vào cõi sâu thẳm của nhan sắc thiên thần và nụ môi huyền hoặc, tôi vừa như vô thức, vừa như ý thức rất rõ bà chị đang lấy khăn khô chà sát thân thể tôi. Và một lần nữa, sau này tôi không thể biết chắc là có phần nào trong cơ thể tôi phản ứng hay không. Đúng ra thì phải có, nhưng tôi đã chìm sâu trong cơn mê hoặc của một nhan sắc vời vợi ảo huyền, vừa như thanh tú yêu thương, vừa như xa xôi vẫy gọi, nên thằng tôi đã quên mất mọi thứ trên đời.
Bà chị hỏi tôi muốn lên phòng ngủ nhà trên hay nằm ngay tại đây, gần bếp có lửa ấm, bà chỉ vào cái trõng tre gần đó, và nói thêm:
-       Chị vẫn nằm đây nghỉ trưa, trên phòng lạnh lắm.
Cái trõng tre đả trải chiếu sẵn, bà lấy thêm tấm chăn dạ nhà binh trải lên trên, bảo tôi nằm xuống. Cứ trần như nhộng, tôi líu ríu làm theo lệnh từ cõi trời ban xuống. Bà lấy dầu nóng xoa khắp người tôi, và tôi cũng chịu chết, không thể hình dung lại được bà đã tránh vùng cấm địa ra sao, có lẽ, lúc đó tôi đã mất hết ý thức về một vùng cấm địa, và như vậy tôi cũng không thể nhớ được cơ thể tôi đã đón nhận thế nào. Chỉ biết rằng, từ cõi trần thế dưới này, tôi nằm ngửa nhìn lên và nhận ra đôi chút phập phồng dưới làn áo vải hoa của nàng tiên từ cõi trời cao, và làn vải ấm, mềm bó lấy đùi nàng đang cọ sát thân tôi theo những cử động xoa dầu. Trời ạ, cõi trời, cõi mộng, hay cõi trần? Thằng bé nhà quê chưa một lần biết tội, lúc đó không thể nhận ra mình đang ở đâu.
Một lần nữa, tôi lại ngu si như loài bò, để cho mọi chuyện qua như cơn gió thoảng. Nói oan loài bò. Bò chắc không thể ngu đến thế. Bò còn biết chọn theo bản năng.
Rồi bà chị, nàng tiên của cõi trời cao, bảo tôi mặc quần áo vào. Bà đưa tôi bộ quần áo đàn bà và nói:
-       Nhà chị không có quần áo đàn ông, mặc tạm vào chờ quần áo em khô.
Rồi bà đưa thêm tấm chăn mỏng nữa, bảo tôi cứ nằm cho ấm, ngủ đi, lát dậy ăn cơm.
Tiếng bà gọi với lên nhà trên:
-       Này xuống đi mà nhận lấy, xong hết rồi. Chị nấu cơm đây.
Tiếng nàng tiên Ánh Sáng ngúng nguẩy trả lời:
-       Ai thèm ăn thừa.
Tôi nghe hết mà không nhận biết, mắt mãi dõi theo tấm thân mê hoặc trong làn quần áo vải hoa. Chiêm ngưỡng mà không khao khát. Rồi nàng tiên Ánh Sáng đi xuống, tôi giả vờ nhắm mắt ngủ yên. Ngu ngốc mấy thì từ vô thức, tôi đã không muốn xáo trộn mất hạnh phúc tuyệt vời của những giây phút nhiệm màu kỳ lạ. Có thể nhiều người đã trải qua những phút giây đầy sự nhiệm mầu huyền ảo, nhưng chắc rẳng mấy khi có được lần thứ hai phút giây đó trong đời. Tôi cũng chỉ qua một lần như thế, những phút giây hạnh phúc vừa thế tục, vừa huyền bí.
Sau bữa cơm tối nhẹ nhàng có đĩa trứng tráng hành lá mỏng dính, tôi từ tạ ra về. Đuổi theo bước chân thằng bé trên đường khuya, chắc hẳn là những tràng cười nghịch giữa hai chị em, giữa hai nàng tiên, của nàng tiên diễm hoặc nhất trần đời.
Bây giờ, ngồi ghi lại, tôi tin rằng trên đời này có tiên.
Em xin cảm ơn bà chị. Em vẫn nhớ khuôn mặt chị cho đến phút này. Ngoài kia, nắng chiều lô xô trên vòm cây, và em nhớ chị. Nhớ bâng khuâng mà da diết, tiếc nuối như nhớ thuở núi rừng Đà Lạt còn hoang sơ chân chất nhân tình.
Xin nhắc lại, tôi tin trên đời này có tiên, hay ít nhất, tôi tin rằng thuở ấy, Đà Lạt có tiên, nhiều lắm. Bây giờ, ngồi ngắm hoàng hôn ở lúc tuổi hoàng hôn, hình ảnh Bà Chị ở Ấp Ánh Sáng, khuôn mặt vừa tinh khiết trinh nguyên thiên thần vừa quay quắt mộng mơ tràn ngập tâm trí tôi, khiến tôi chẳng còn muốn gợi nhớ nàng tiên nào khác. Bộ quần áo điểm các chùm hoa nhỏ xíu màu tím hoa cà vẫn như đang uyển chuyển, ung dung tự tại, khoan nhặt tới lui chỉ cách thằng bé một cái với tay, còn đang khiến trái tim tôi ngẩn ngơ mất nhịp. Đâu đây thoảng mùi củi ngo thơm nồng không rõ toát ra từ chất nhựa thông bừng cháy nơi dàn bếp bập bùng ánh lửa, hay từ bóng dáng yêu kiều tha thướt kia? Phải ngừng thôi, nếu không, “thuở ấy” chùm tôi ngạt thở.
Hai năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ (1959 – 1961), chuyện học hành của tôi khá bê bối, thứ hạng hàng tháng xuống dưới hạng 10, rồi dưới hạng 20. Sở dĩ còn trụ được là nhờ mấy môn Toán, Việt Văn. Thằng bé lấy cớ “nhớ cô giáo” để sao lãng chuyện học hành, tối ngày đi tìm đọc sách văn chương, triết học, kinh tế, và đuổi theo mấy nàng tiên Đà Lạt. Kết quả là kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1961, tôi trượt. Hồi đó, thi cử còn nhiêu khê. Hình như đây là kỳ thi cuối cùng còn có Thi Vấn Đáp ở kỳ thi Đệ Nhất Cấp. Đầu tiên, chúng tôi thi viết gồm đủ các môn đã học, ngoại trừ Thể Thao, Âm Nhạc và Vẽ. Tôi hy vọng nhớ đúng. Thi Viết xong, chia thành 3 loại, ai đỗ, vào thi Vấn Đáp, có lẽ vấn đáp về Sinh Ngữ, Toán và Việt Văn. Ai không đỗ, nếu đủ số điểm nào đó, được thi kỳ hai, ai không đủ, trượt luôn. Tôi thuộc loại đủ điểm thi kỳ hai. Tôi xem chừng chắc khó qua khỏi kỳ hai, chỉ cách kỳ đầu có hơn một tháng, không đủ thời gian học bài. Tôi trượt vì các môn như Địa Lý, Vạn Vật, Hóa Học, Vật Lý, Lịch Sử, … đều là các môn cần thuộc lòng, mà tôi cứ vẩn vơ đâu đâu, chẳng chịu học gì cả. Có thêm một tháng, hay tháng rưỡi nữa, cũng vậy thôi. Tôi bỏ luôn không thi kỳ hai nhân lúc Đẻ tôi quyết định chuyển về ở Sài Gòn. Có lẽ Cụ thấy thằng con học bê bối, về Sài Gòn có anh, chị tôi sẽ cố học hơn. Ngay hè năm 1961, tôi âm mưu học nhảy, bỏ lớp Đệ Tam, học Đệ Nhị, thi Tú Tài Nhất, để “gỡ thể diện.” May mắn, tôi “ngáp” được mảnh bằng này.
Thầy, Cô và Bạn Học
Khi tôi vào Đệ Thất Trung Học Trần Hưng Đạo (1957 – 1958), thầy Hiệu Hrưởng là Thầy Hoàng Khôi. Theo tôi nhớ, ngay đầu năm tôi học Đệ Lục, Thầy Hoàng Khôi hết làm Hiệu Trưởng, lên thay là Thầy Kỳ Quan Lập. Tôi nhớ mang máng về buổi sáng lễ bàn giao giữa hai vị. Học sinh tập trung ở một phòng rộng lớn, nơi chúng tôi thường học nhạc và vẽ. Một số Thầy thay nhau lên bục nói chuyện, rồi Thầy Hoàng Khôi vóc dáng già nua, lụ khụ, cùng Thầy Kỳ Quan Lập trẻ trung khỏe mạnh cũng lên. Lúc đó tôi mới biết hai vị bàn giao chức vụ Hiệu Trưởng. Có lẽ Thầy Khôi về hưu, còn về Thầy Lập, nghe sì xào mới từ Tòa Đại Sứ Việt Nam ở bên Lào về nước. Cho đến khi tôi rời Trần Hưng Đạo năm 1961, Thầy Lập vẫn còn là Hiệu Trưởng. Sau này, đọc thêm sách báo, internet, tôi được biết thêm các vị Hiệu Trưởng trước và sau giai đoạn này. (Theo nhà giáo NGUYỄN NHÂN BẰNG thì các vị Hiệu Trưởng của trường Trần Hưng Đạo từ năm 1951 đến năm 1975 lần lượt như sau: “Nguyễn Thúc Quýnh (1951), Trịnh Huy Tiến (1952), Nguyễn Đình Phú (1953), Hoàng Khôi (1957), Kỳ Quan Lập (1959), Tạ Tất Thắng (1963), Trần Nho Mai (1965), Hoàng Trọng Hàn (1967), Trương Văn Hoàn (1972) và Phạm Phú Thành (1975)”.)  Thật buồn khi nghe kể rằng sau 1975, Trường Trần Hưng Đạo không còn nữa.
Suốt 4 năm tôi học ở Trần Hưng Đạo, Tổng Giám Thị là Thầy Bửu Vụ. Thầy khá đậm người, hay cầm cái roi, và tuy Thầy có vẻ lớn tuổi theo mắt thằng bé tôi hồi đó, nhưng Thầy chợt ẩn, chợt hiện, khắp nơi, khắp chỗ. Nghe nói Thầy đôi khi dùng roi để răn đe những học sinh ngỗ nghịch. Internet cho biết Thầy Bửu Vụ có cô con gái tên Cẩm Vân mới đầu cũng học Trần Hưng Đạo cùng với cô em của Thầy tên Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng. Chị của Phùng Thăng là Phùng Khánh sau thành Ni Sư Trí Hải, rất nổi tiếng trong văn đàn và Phật Giáo. Sau này ở Sài Gòn, tôi say mê mấy bản dịch “Câu Chuyện Của Dòng Sông”, và “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của hai dịch giả Phùng Khánh, Phùng Thăng. Xin lang bang một chút về truyện này:
Theo wikipedia, “Bắt trẻ đồng xanh (tiếng Anh: The Catcher in the Rye) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger. Tác phẩm dùng cách tường thuật ở ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính của truyện, Holden Caulfield, kể lại câu chuyện của Holden trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi Pencey Prep, một trường dự bị đại học.
Xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, tác phẩm này đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên[1][2]. Nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield, đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ[3]
Ờ một trang nhà khác, “Bắt Trẻ Đồng Xanh” được nhận biết như sau (http://tapchivanhoaphatgiao.com/doc-sach/bat-tre-dong-xanh.html): “Năm 1951, việc xuất bản The Catcher in the Rye đã bảo đảm một địa vị vững chắc của Salinger trong nền văn học Hoa Kỳ. tác phẩm này đã làm cho cá tính nhân vật Holden Caulfield trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng trong thế giới văn học. Tác phẩm này cũng gây ảnh hưởng cho nhiều thế hệ nhà văn Hoa Kỳ, đặc biệt là các nhà văn thuộc trào lưu Beatnik như Allen Ginsberg và Jack Kerouac. Nó tiên đoán bản chất nổi loạn của cả một thế hệ trước khi sự nổi loạn ấy xảy ra. Tác phẩm này gây tranh cãi đến nỗi ngay tại Hoa Kỳ, có những nơi người ta cấm đưa nó vào trường học trong khi ở nơi khác nhà trường lại yêu cầu học sinh đọc như một tác phẩm văn học cần nghiên cứu. The Catcher in the Rye đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã liên tục nằm ở danh sách các tác phẩm bán chạy nhất của New York Times suốt 30 tuần lễ liên trong năm 1951 và đã bán được gần 100 triệu bản trên khắp thế giới.”
Tôi lang bang vì chợt tưởng tượng xem lúc đó hai vị Công Tằng Tôn Nữ nghĩ ngợi những gì khi dịch và cho xuất bản tác phẩm này. Không rõ phản ứng của Giáo Hội Phật Giáo, của giới học thuật như thế nào đối với việc làm của hai vị nữ lưu. Nhưng rõ ràng giới thanh niên, sinh viên đón nhận nồng nhiệt tác phẩm. Thời nào cũng vậy, tuổi thanh niên luôn thấy hiện tại là cũ, là chật trội, và khát khao cái mới, và thanh niên xô đổ cái cũ để tìm cái mới hay cái tưởng chừng là mới, nhiều khi đã đồng hóa lý tưởng cách mạng xã hội với cái mới. Hai dịch phẩm của hai vị đã để lại trong tôi rất nhiều điều. Khi đã già rồi, sinh sống tại Mỹ, lái xe chạy trên những con đường có thể thấy thấp thoáng hồ nước trong các công viên, tôi vẫn tự hỏi không biết đàn vịt đang bơi lội kia sẽ đi về đâu vào mùa đông, y như cậu bé Holden Caulfield trong truyện. Rồi từ đó, mênh mang đâu đây hiện về bóng dáng Sư Cô Trí Hải giữa những kệ sách đơn sơ, hiền lành của Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Năm tôi học Đệ Thất, Thầy giáo dạy Việt Văn đầu tiên là Thầy Trần Văn Tiên (hy vọng nhớ đúng họ của Thầy), nói giọng Bắc, có lẽ ngoài 40 tuổi, đạo mạo, hiền lành, khoan thai như một nhà nho. Không hiểu sao, vài tháng sau nhà trường đổi Thầy khác. Có thể tôi nhớ sai thứ tự, vị Thầy này trước rồi mới đến thầy Tiên chăng. Tôi không nhớ tên Thầy này, nhưng tôi không thể nào quên được giọng nói của Thầy. Còn bé, tôi không biết Thầy là dân vùng nào, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình? Có điều tôi quả quyết: Không nên để Thầy dạy Việt Văn. Tôi còn nhớ hoài hình ảnh bọn học trò lớp tôi hôm đó, hôm Thầy cho viết bài chính tả đầu tiên. Mỗi một câu Thầy đọc lên, cả bọn nhìn nhau. Tôi cầu cứu anh bạn người Miền Trung ngồi bàn trên. Hồi đó, tôi nghĩ đơn giản rằng cứ cùng Miền Trung là có thể nghe hiểu nhau hết. Anh bạn là người Nha Trang, cũng trố mắt, lắc đầu quầy quậy. Cả bọn xì xào, xin Thầy đọc đi, đọc lại. Kết quả, người khá nhất của môn chính tả hôm đó chỉ có 6 lỗi. Còn hầu hết đều trên dưới 20 lỗi. Tôi bị 12 lỗi. Xưa nay tôi thường tự hào chưa từng bị lỗi chính tả bao giờ. 60 năm sau, khi ngồi nhớ lại các vị Thầy của thời xa xưa, tôi còn nhớ như in mấy câu chính tả tiêu biểu của ngày hôm đó: Tác giả của bài chính tả viết “Cây cong vòng, cây suôn đuột, vườn sai, tầu ụ, xem rất u nhàn”; và tôi viết: “Cây cam vàng, cây sen đẹt, vườn sai từng ụ, xem rất ưa nhìn”. Hầu hết tôi viết theo sự đoán mò. Tôi đoán tác giả viết về vườn cam, có trồng hoa sen, … Ngay lúc đó tôi cũng thắc mắc sao gọi là “cây” sen? “Sen đẹt” chắc là chỉ lúc hoa sen đã tàn, còn trơ lại cọng (ngó sen) khẳng khưu, và cảnh như vậy chẳng biết có đẹp không, nhưng tác giả cho là rất ưa nhìn! Đám nhóc tụi tôi kêu oai oái, và sau vài tuần, nhà trường đổi giáo sư Việt Văn khác, là Thầy Tập, có vẻ là dân “Bắc Kỳ Di Cư.” Trước khi kết thúc năm Đệ Thất, vị giáo sư Việt Văn cuối cùng của chúng tôi là cô Trịnh Xuân Lang. Tôi không dám chắc nhớ đúng thứ tự các vị Thầy, Cô vừa kể.
Cô Lang người Miền Nam, giọng nói nhẹ nhàng, tuy chưa chuẩn như giọng Bắc, nhưng chúng tôi nghe và hiểu dễ dàng. Đến năm tôi học Đệ Lục, Cô tiếp tục dạy Việt Văn lớp tôi. Có một lần cô ra đầu đề bài luận, rồi bỏ chúng tôi ngồi làm bài, cô ra đứng ngoài hành lang lau nước mắt. Sẽ có lúc tôi thưa quí vị về hành lang các dãy lớp học của ngôi trường thân yêu Trần Hưng Đạo. Bởi vì, từ hành lang ở tầng lầu một này, người ta như có thể chạm vào chùm lá thông xanh mướt, bóng láng, nhọn hoắt, và hương thơm nhựa thông như bao trùm cả khuôn mặt mình, cả không gian lành lạnh bao quanh. Rồi gió nhẹ, rồi nắng tươi và mỏng manh như cánh hoa bươm bướm. Từng mảng nắng nhún nhảy theo vết gió thoảng qua, nhẹ nhàng lắm mà vẫn gây xao xuyến lòng người. Và xa xa, mặt hồ Vạn Kiếp im ắng, nhàn tản, “xem rất u nhàn!” Trở vào, mắt cô đỏ hoe. Nhân khi lên bàn Cô nộp bài, tôi hỏi nhỏ vì sao cô khóc. Cô cho biết nhận được điện tín “bồ” cô ở Sài Gòn bị đụng xe, chưa biết ra sao.  Cô nói chuyện này với tôi vì xưa nay cô coi tôi là học sinh gương mẫu. Một lần khác, một anh bạn trong lớp làm chuyện gì đó khiến cô giận. Cô không la mắng mà bật tiếng khóc ngay trên bàn giáo sư. Cả lớp yên lặng. Cho rằng tôi là học trò cưng của cô, một số bạn xúi tôi lên xin lỗi cô. Tôi lên, nhưng chưa kịp nói gì, đã tràn nước mắt. Thế là coi như một lời xin lỗi. Nhưng tôi ngượng mấy tuần liền vì một thằng con trai mà lại đi khóc, dù chỉ là “lệ tràn khóe mắt”. Sau này tại Sài Gòn, anh bạn Nguyễn Đức Thanh rủ tôi đến thăm cô Lang, lúc đó đã về dạy ở Lê Văn Duyệt. Nhà cô, một căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm ngoắc nghéo của khu Thái Lập Thành thuộc Phú Nhuận, bàn ghế tạp nhạp nghèo nàn. Chúng tôi đến giữa lúc Cô đang bồng trên tay một chú bé la khóc inh ỏi, và một chú khác bò lê dưới đất. Còn Thầy (chồng Cô) đi khập khiễng, loay hoay làm việc gì đó. Tình cảnh đó không cho chúng tôi ở lâu, nhưng cũng đủ để tôi nhận ra dấu vết thời gian hằn ghi trên vẻ mặt chịu đựng của cô. Chỉ mới 6 hay 7 năm, từ ngày Cô thung dung, nhẹ nhàng giảng bài Việt Văn cho lớp Đệ Lục chúng tôi, với khuôn mặt thanh tú, tự tại mà không nghiêm khắc, đến bây giờ nỗi nhọc nhằn, vất vả phủ lấy đôi mắt tinh anh thuở trước. Cô hẳn chưa quá 30. Ra về, chúng tôi bùi ngùi bảo nhau, cuộc sống của một nhà giáo quả thật không phải là niềm đáng ước mơ. Cô chỉ dạy ở trường công, không dạy thêm trường tư hay dạy kèm, còn chồng Cô, chắc sau tai nạn xe cộ ngày hai người còn đính hôn, hẳn khó kiếm việc làm. Thời đó, một người làm thầy giáo có thể nuôi sống cả gia đình, nhưng hoàn cảnh cô chắc nhiều khó khăn. Từ đó, tôi không gặp lại Cô. Tuổi thanh niên, tôi có quá nhiều chuyện vớ vẩn để theo đuổi, mà lúc đó tôi chỉ là một chàng sinh viên kiếm tiền đủ sống, có nghĩ đến Cô chăng cũng chỉ là nghĩ xuông. Dù sao, đây là nỗi ân hận thứ hai sau nỗi ân hận lơ là anh bạn Nguyễn Văn Ngọc tôi đã kể ở trên. Đúng ra, chuyện Cô Lang là nỗi ân hận vô tình đầu tiên, vì xẩy ra trước chuyện anh Ngọc hơn 20 năm.
Từ năm tôi học Đệ Ngũ, rồi đến Đệ Tứ, lớp chúng tôi chỉ còn toàn Thầy Giáo, không còn Cô. Số lớn các Cô đã chuyển qua trường Bùi Thị Xuân. Nhưng hai năm Đệ Thất, Đệ Lục thì số nữ Giáo Sư lại khá nhiều. Ngoài cô dạy Việt Văn, chúng tôi còn học cô dạy Hóa Học, cô dạy Pháp Văn, cô dạy Công Dân Giáo Dục, cô dạy Sử, cô dạy Vạn Vật, sau Thầy Chữ Bá Anh thay ở nửa năm sau ở môn Vạn Vật. Cô dạy Pháp Văn là cô Đỗ Thị Hiển tôi từng nhắc ở một đoạn trước đây, và cô dạy Công Dân Giáo Dục là cô Thanh Hương, tôi không nhớ họ.
Tôi nhớ được cô Thanh Hương vì, có lẽ, cô là cô giáo sexy nhất trường. Không, hồi đó chưa biết chữ sexy, không biết dùng chữ gì cho đúng với những năm 1950. Có thể là chữ gợi cảm chăng. Thây kệ! Dù gì tôi nhớ lại về Cô vẫn gắn với chữ sexy. Cô thường mặc áo dài màu đen, có vẻ rất khiêm cung, nhưng bộ ngực cô lúc nào cũng như thách thức cái đám thanh thiếu niên tỉnh lẻ. Tuy là lớp Đệ Lục, nhưng bạn học tôi có người 17, 18 tuổi, có khi đến 20, do hoàn cảnh di cư. Riêng tôi, nếu tính tuổi thật, cũng đã 15. Mặc dù suốt ngày tôi chỉ “đọc sách thánh hiền”, cố giữ cho mình “nhà quê, cả quỷnh” là điều tâm niệm, nhưng bọn bạn cùng lớp lộc ngộc kia đâu có buông tha. Mấy anh đó truyền tay nhau loại sách “Ái Tình Bửu Giám”, rồi “Bảy đêm khoái lạc”… Họ cũng tỏ vẻ khinh thường bọn nhóc này, không cho mượn đọc, nhưng cứ lâu lâu xì ra một tí trước chục “mái đầu xanh” đang châu vào nghe thì thầm.  Thì thầm nhưng sôi nổi, lâu lâu kẻ người lớn lại phá ra cười trước hàng chục cặp mắt thán phục. Cho nên khi nàng thiếu nữ với thân hình hồn hậu bước vào thì bỗng nhiên trong không gian len lỏi tiếng suýt soa như tiếng loài rắn rít lên trước con mồi, rồi im bặt, một sự im lặng bao chùm như ngóng đợi một ban phát ơn trời. Mượn chữ của Phạm Công Thiện, một sự im lặng của hố thẳm. Cả lớp đứng yên, không biết có quá đáng không khi mô tả rằng mấy chục cặp mắt khao khát mong chờ phút giây ân sủng. Cô nhẹ nhàng đặt cái cặp lên bàn, khẽ khàng nói, các em ngồi xuống, rồi cũng khẽ khàng kéo cái ghế ra sau với ánh nhìn tính toán sao cho đủ xa cho thế ngồi của cô. “Thế ngồi của cô”, vâng, một thế ngồi mà mấy chục tâm hồn trẻ thơ (không chắc ngây thơ) chờ đón. Cô từ tốn ngồi xuống ghế, rồi khoan thai ngửa ghế ra tựa vào tường, và chỉ còn hai chân ghế sau chấm đất, rồ cô gác đôi chân lên bàn chệch đi với góc khoảng 60 độ so với cạnh dài của bàn, nghĩa là cô ngồi hơi xéo trước chúng tôi. Cặp môi mòng mọng của cô hơi hé nụ cười, có vẻ như tụ thú rằng đúng ra mình không nên ngồi như thế, hoặc là khinh khỉnh bọn trẻ con này biết gì, và cô vén vạt sau áo dài lên, vắt qua đùi. Tôi không thể nhớ chắc được, nhưng trí tưởng tượng của tôi cứ nhất định hình dung ra rằng, đến lúc này chúng tôi mới thở phào, và rầm rập ngồi xuống. Bởi vì phải ngồi xuống, chúng tôi mới chiêm ngưỡng được khoảng da trắng ngần như cõi vô định hoang sơ do cô vắt vạt áo lên, và vạt áo vắt ngang đùi không hề che khuất khoảng trống hun hút giữa hai chân. Trời ạ, bây giờ tôi không thể nhớ được tôi đã học những gì ở giờ Công Dân Giáo Dục đó. Tôi không thể hồi tưởng được cô đã giảng dạy ra sao suốt 40, 50 phút đó. Đáng buồn là cô dạy lớp chúng tôi có mấy tháng, rồi chuyển qua dạy lớp khác. Có mấy anh bạn ngồi gần cửa sau của lớp kể rằng, có hôm hoặc Thầy Hiệu Trưởng, hoặc Thầy Tổng Giám Thị đi qua ngoài hành lang lớp tôi. Anh ấy quả quyết rằng lúc đó cô chậm rãi bỏ chân xuống và vẫn tiếp tục giảng gì đó của bài công dân, chẳng thèm quay ra cửa chào ai. Sau đó, cô đổi lớp. Chúng tôi cố thăm dò, nhưng các bạn lớp kia ngây người ra khi chúng tôi hỏi Cô dạy có gì đặc biệt không. Sau này, tuy không đọc tác phẩm ‘Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng, tôi vẫn nghe kể chuyện tình giữa Cô giáo Trâm và một học sinh tú tài. Cả hai cùng ở trường tôi, nhưng chắc là sau khi tôi về Sài Gòn ít năm. Tôi không biết có phải cô Trâm là cô Thanh Hương không. Có lẽ các vị đều thuộc lớp nổi loạn hiếm hoi của cuối thập niên 1950 và thập niên1960. Những vị tiên phong đáng ngưỡng phục.
Các cô giáo khác tôi không nhớ lắm, ngoại trừ Cô Đỗ Thị Hiển, vì Cô là Mẹ của bạn cùng lớp, bạn Nguyễn Đức Thanh. Hồi đó, chúng tôi ba đứa chơi thân thành nhóm với nhau, Thanh, Nguyễn ngọc Diệp, và tôi. Về sau, tôi vào Hướng Đạo, có thêm bạn thân là Cao Duy Tuấn, Đinh Gia Lập. Cả bọn đều học khá. Cô Hiển dạy Pháp Văn, một môn mới đầu tôi rất tệ nên Cô chẳng dấu diếm gì chuyện coi thường tôi. Cô không biết chuyện tôi có lý do thầm kín để nhất định lấy thứ hạng cao, nên đêm ngày “gạo” môn tiếng Pháp. Cô đĩnh đạc, đường hoàng, công bằng. Thầy Nguyễn Đức Kim, chồng Cô cũng dạy toán trong trường.
Có hai Thầy tôi còn nhớ nhiều. Thầy Tạ Tất Thắng và Thầy Chữ Bá Anh.
Thầy Tạ Tất Thắng trắng như tây lai. Ông rất nghiêm khắc, tiếng nói sang sảng, sẵn sàng đánh thước kẻ vào bàn tay ngửa ra của học sinh khi cần trị lỗi. Lúc đó, chúng tôi nhìn Ông như nhìn một nhân vật bao phủ huyền thoại. Nghe xì xào ông đã du học ngoại quốc, mới về. Ông luôn mang theo một máy quay đĩa vào mỗi giờ dạy tiếng Anh. Điều đó với bọn nhóc quả là một thứ tân kỳ mà chỉ những người ngoài hành tinh mới có. Dáng ông bệ vệ, cử chỉ mạnh dạn chuẩn mực như một viên chức ngoại giao khiến chúng tôi vừa khâm phục, vừa căng thẳng. Tuy vậy, Thầy Thắng rất khoan hòa, rộng rãi trong việc khen thưởng, cung cách quyết định như chính ông ngang bằng Thầy Hiệu Trưởng. Tôi đã tìm hiểu về Thầy Tạ Tất Thắng trên internet, có một bài nhiều chi tiết, nên đọc của tác giả Viết Trọng, tại địa chỉ http://baolamdong.vn
Thầy Chữ Bá Anh dạy nửa năm sau của lớp Đệ Lục chúng tôi. Khi đó, tôi là một thằng bé tuy ngấm ngầm “nổi loạn” nhưng rất thích khuôn phép. Thầy Anh lại có vẻ khuyến khích tinh thần tự do thoải mái cho học sinh, nên tôi cảm thấy không thoải mái với Thầy. Vào lớp, ông chẳng cần học sinh đứng dạy đón chào, bảo rằng vẽ chuyện, mất thì giờ. Rồi ông nhảy lên mặt bàn ngồi, đung đưa đôi chân, nói chuyện cởi mở tay đôi với học sinh. Rõ ràng phong thái ông là một tay chơi con nhà giầu, vào dạy học cho qua những giờ trống của năm học cử nhân bên Đại Học Đà Lạt. Ông là con của Cụ Chữ Ngọc Liễn, một nhân sĩ, hình như từng là Thị trưởng Đà Lạt. Sau này qua Mỹ, chúng tôi lại gặp nhau trong khuôn khổ sinh hoạt báo chí. Gặp ông nhiều lần nhưng tôi chưa có dịp kể về những năm học ông ở Đà Lạt. Lúc này thì tôi cảm mến ông về những đóng góp không mỏi mệt cho nền báo chí Việt Ngữ ở hải ngoại, với một sức làm việc bằng năm, bảy người, đầy đam mê, kỹ lưỡng. Ông đã ra đi. Tôi tưởng nhớ ông như một người anh tài năng, tận tụy và tư cách. Ngay trong sinh hoạt được mệnh danh là quyền thứ tư của người dân, trách nhiệm đóng góp với công luận, tư cách là điều không phải dễ có cho một nhà báo, dù là dòng chính hay báo tiếng Việt.
Một vị Thầy khác tôi còn nhớ được do dáng vẻ đầy nghệ sĩ của ông, Thầy Phạm Đình Tín. Thầy Tín vừa dạy vẽ, vừa dạy nhạc, đúng hai môn tôi bết nhất. Tôi luôn nhận điểm chót cho mỗi kỳ thi vẽ và nhạc, nhưng tôi lại nhớ Thầy do nhiều lần bắt gặp ông chở bà vợ thanh tao, kiều diễm trên chiếc xe vespa (?). Bà Tín luôn mặc áo dài, ngồi nghiêng nghiêng ngả vào lưng ông, hai chân để một bên, còn bên kia xe, ông gài một giá vẽ. Người ta bảo rằng hai ông bà đưa nhau đến những cảnh núi rừng để ông vẽ bà. Tôi nhớ mang máng sau này tại Sài Gòn, tôi có nghe về một buổi triển lãm của ông, không hiểu sao tôi bỏ sót mấy ngày đó không đến xem phòng tranh. Tìm tòi trên internet, tôi bắt gặp một hồi ức của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung, trong đó kể về tiếng đàn của Thầy Tín vang vọng trên đồi vào những buổi trưa. Ông là Thầy Giáo tôi yêu thích, từ xa. Tôi yêu hình ảnh đôi uyên ương chở nhau chạy lả lướt trên con đường nhỏ cong cong men theo bờ hồ Vạn Kiếp để ra đường cái lớn, “bay” vào khung trời nào đó, mịt mờ.
Một vị Thầy khác tôi còn nhớ là Thầy Nguyễn Ngạc. Hình như Thầy Ngạc dạy Pháp Văn lớp tôi một vài tháng, không rõ năm nào, Đệ Ngũ hay Đệ Tứ? Có lẽ đó là vị giáo sư duy nhất của hai năm này mà tôi nhớ được. Chỉ dạy vài tháng nhưng tôi còn nhớ như in hình ảnh một “ông Tây” lừng lững bước những bước dài, mạnh và chắc phía trước các dãy bàn, vừa đi vừa đọc tiếng Pháp theo kiểu bỏ dấu Việt Nam. Có vẻ như cách đọc đó giúp Thầy có thể tự hạ mình xuống cho gần với “lũ dân” chung quanh. Thầy có một lối nhìn, nói chuyện, giảng dạy đầy vẻ ngạo mạn, khinh khỉnh, không đến nỗi miệt thị nhưng rõ ràng là phong thái của một người ở tầng lớp khác, cao hơn “cái lũ dưới trần”.  Có lẽ Thầy “Tây hơn cả Tây!” Sau này, tôi được biết Thầy về làm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng. Tôi không gặp lại Thầy lúc đó để xem Thầy có bình dân hơn không. Về sau tôi cho rằng thời gian ngắn ngủi Thầy tá túc ở Trường Trần Hưng Đạo là giai đoạn Thầy “đi đầy”, giai đoạn đầy bất mãn của Thầy. Tuy nhiên lý do chính khiến tôi còn nhớ được Thầy đến ngày hôm nay chính là những nhắc nhở bằng tiếng Việt những điều về đạo đức, luân lý phương Đông vào đầu một số giờ học, một chuyện chẳng ăn nhặp gì đến bài học, và có thể ít ai trong số bạn học cùng lớp nhận ra có những lời nói như vậy. Thầy nói mấy câu này ngắn, gọn, chỉ trong vài phút, vẫn cứ đi, lại phía trước chúng tôi mà chẳng thèm nhìn vào mặt đứa nào, sau đó bắt đầu bài học Pháp Văn theo cách trôi chẩy, tự nhiên như không. Tôi kính và phục Thầy mà không thể nói vì sao.
Hầu hết các vị Thầy, Cô kể trên là của năm tôi học Đệ Thất, Đệ Lục. Đến lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ, tôi học hành bê hối, chẳng còn nhớ vị Thầy, Cô nào, ngoại trừ Thầy Ngạc. Và bạn học cũng vậy, nhớ nhiều nhất vẫn là hai lớp đầu, còn hai lớp sau không biết có thay đổi gì không. Ký ức về hai lớp cuối này lãng đãng đến độ bây giờ tôi không chắc là có thực sự đi học hay không. Chắc chắn là có đi học, nhưng trí nhớ mù tịt về hai năm này.
Một người bạn của giai đoạn 4 năm Trần Hưng Đạo bây giờ (2017) tôi còn cơ hội gặp là Nguyễn Đức Thanh. Ở trên tôi đã ghi, anh là con của Thầy Nguyễn Đức Kim và Cô Đỗ Thị Hiển. Không rõ vì sao chúng tôi thân nhau, hay ít nhất là “gần mức thân” (vì tôi vẫn nghĩ là mình không có bạn thân). Anh hiền lành, chăm chỉ, thuộc lớp học sinh giỏi của lớp tuy không có môn nào suất sắc mặc dù môn tiếng Pháp có vẻ trội hơn. Thầy Kim được cấp nhà ở ngay trong trường nên có vẻ như anh chỉ quanh quẩn khu vực đó, nếu có đi đâu là đi với Bố, Mẹ. Tôi chưa bao giờ gặp anh bên ngoài khuôn viên nhà trường. Gọi anh chân chỉ hạt bột chắc là đúng. Anh theo gia đình dọn về Sài Gòn trước hoặc sau tôi một năm, tôi có hỏi anh cho chắc, rồi tôi lại quên. Về Sài Gòn chúng tôi nối lại liên lạc. Tôi thi nhẩy, lên đại học trước anh, nhưng cuối cùng anh đi sau về trước, tốt nghiệp Dược Khoa dù có mất 6 năm. Tôi rủ anh vào Hướng Đạo. Anh nói ở nhà muốn gặp “Đội Trưởng” (?) để nói chuyện. Có lẽ các cụ nghĩ Đội Trưởng là “chức vụ” khá lớn trong Hướng Đạo. Đội Trưởng là chức vụ thấp nhất, nhưng theo phương pháp giáo dục “Hàng Đội Tự Trị”, Đội Trưởng là người ảnh hưởng và thân thiết nhất đối với các thiếu sinh từ 8 đến 14, 15 tuổi. Một buổi sáng thằng nhóc tôi được hẹn đến gặp các cụ. Theo ký ức lờ mờ của tôi, hình như nhân dịp này Thầy Nguyễn Đức Kim hỏi tôi vì sao tôi hơn Thanh một lớp mà lại bạn học với nhau ở Đà Lạt. Cũng có thể câu hỏi này xẩy ra lúc tôi thi Tú Tài Hai, gặp Thầy trong vấn đáp Toán. Thầy gặp tôi phớt qua rồi đi, và tôi phải hầu chuyện Bà Ngoại (hay Bà Nội?) của Thanh. Cuối cùng cuộc vấn đáp trôi qua, và Thanh được phép vào Hướng Đạo. Và cũng như chuyện học hành, chàng chăm chỉ theo đuổi sinh hoạt Hướng Đạo trong khi tôi rời Đoàn rất sớm, đi làm những chuyện đâu đâu của sinh hoạt thanh niên, sinh viên. Một thí dụ đơn giản để so sánh: Cứ chăm chỉ, kiên trì như chàng, cuối cùng ra Dược Sĩ, học thành công bằng dược sĩ ở Canada, giữ liên lạc Hướng Đạo cho đến 1975, rồi ở Canada vẫn tiếp tục giữ liên lạc bạn bè. Còn thằng tôi, chẳng khi nào hoàn thành cái gì, hay bỏ dở, mau chán, lý tưởng hão huyền. Đúng là vô tích sự. Thanh là một mẫu Hướng Đạo Sinh chân chất, thẳng thắn, trung hậu.
Khi tôi quyết định vào Hướng Đạo ở tuổi hơi trễ cho một thiếu sinh, 15 tuổi, gặp đúng anh bạn học cùng lớp Đệ Lục Trần Hưng Đạo làm đội trưởng, bạn Cao Duy Tuấn. Trong lớp, Cao Duy Tuấn thuộc nhóm giỏi toán, thường nhất nhì về toán. Tuấn cao hơn tôi một chút, da trắng, vẻ mặt thanh tú, năng động nhưng cử chỉ chừng mực. Tuấn hợp với tôi hơn cả vì cùng cái kiểu lý tưởng của bọn thiếu niên chưa bước vào đời, cái kiểu cụ Nguyễn Bá Học từng nhắc đến: tư tưởng những sự cao xa. Sau này, tôi mới biết Tuấn thuộc loại thâm trầm, không thuộc loại lý tưởng xuông theo kiểu đàn đúm ở sa lông và bàn truyện cải tạo cả thế giớ, cả vũ trụ. Chàng hoạt động thật sự cho lý tưởng của chàng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ngoài sinh hoạt Hướng Đạo, chúng tôi thường rủ nhau lang bang núi rừng, suối, thác. Chuyến leo lên Núi Bà là chuyến du ngoạn tôi không thể nào quên. Một ngày Chủ Nhật trong dịp Tết Trung Thu chúng tôi rủ nhau leo núi. Đúng ra là Tuấn cùng hai bạn nữa chủ trương, còn tôi chỉ ăn theo. Hai người bạn của Tuấn là Nguyễn Quốc Định và cậu em là Nguyễn Quốc Văn. Có thể Định bằng hoặc hơn tôi 1, 2 tuổi, cũng học trên Tuấn và tôi, nhưng trường khác, còn Văn học sau chúng tôi 1 lớp, có lẽ kém tuổi tôi, bằng Tuấn.
Tôi không nhớ rõ, hoặc tôi mượn được xe đạp, hoặc 4 cậu nhóc chở nhau trên 2 xe, chúng tôi đạp xe từ khu Domaine De Marie là khu có nhà tôi và nhà Định, đi dọc theo đường Ngô Quyền đến khu cây số 4. Tại ngã 3 Ngô Quyền chúng tôi quẹo phải đổ dốc con đường La Sơn Phu Tử, cuối dốc, lướt qua ngã 3 (?) với đường Hai Bà Trưng, rồi vượt qua ngã 3 (?) với đường Phan Đình Phùng, bánh xe cứ thế chạy thẳng vào đường Nguyễn Hoàng. Rồi theo đường Nguyễn Hoàng chúng tôi chạy men chân khu đồi Mả Thánh, là một khu nghĩa trang ở trên đồi cao bên trái con đường, bên phải là khu ấp Hà Đông của các nhà vườn. Qua khỏi ngã 3 với đường Vạn Kiếp có hồ nhân tạo Vạn Kiếp ở bên phải, chúng tôi tiếp tục chạy về khu Núi Bà, hoặc rẽ trái ở một nơi nào đó, sẽ đi về Suối Vàng (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 16 cây số). Có lẽ chúng tôi đạp xe khoảng 13, 14 cây số thì đến vùng chân núi Lâm Viên, còn gọi là Lang Bian, hay đơn giản là Núi Bà. Núi Bà gồm 2 ngọn, phía bắc là ngọn núi nhìn từ xa giống như núi trọc, nghe nói chính quyền đã làm con đường xe chạy vòng vèo, hoặc leo bộ khoảng 300 bậc tam cấp lên đến đỉnh; phía nam là một ngọn nhiều mũi nhọn, bao phủ cây rừng, chưa có con đường nào để theo. Hai bạn chủ trốt Định và Tuấn bảo rằng leo bậc thang làm sẵn thì còn gì là Hướng Đạo, nên họ quyết định leo lên ngọn núi nhọn, cao hơn bên núi trọc.
Lúc đó hình như tôi mới vào Hướng Đạo được vài tháng, có lẽ đây là chuyến leo núi đầu tiên. Mấy lần trước thường là đi xem thác nước. Hôm đó, tôi được Tuấn hẹn đến nhà Định và Văn chơi sớm, nói rằng rồi chúng mình sẽ tính xem đi chơi đâu. Gặp nhau, Định nói hôm nay chúng mình đi núi Bà chơi, leo lên ngọc đồi cao nào đó nấu nước pha trà, ăn bánh Trung Thu, chàng ta có đủ bánh và trà rồi. Vẫn biết là núi Bà khá xa, nhưng nghe Định nói đạp xe chừng hơn một giờ là tới chân núi rồi, tôi nghĩ chắc đi, về chừng đến trưa là cùng, nên cũng chẳng quan tâm chuyện ăn uống, mà đã có bánh trung thu, còn lo gì. Quả thực, như Định nói, chừng gần 9 giờ sáng chúng tôi đã ở vùng chân núi. Xin quí vị lưu ý, tôi dùng chữ “vùng chân núi”, không có nghĩa nó là chân núi. Và các chàng thiếu niên hào hùng con cháu các vị anh hùng dân tộc nhất định theo gương tiền nhân, quyết chiến thắng thiên nhiên với núi rừng trùng điệp để mở mang bờ cõi, nên chọn con đường khó nhất là chẳng có dấu vết cũ của con đường nào, chinh phục ngọn núi cao 2.167 mét (so với mặt biển, so với đất liền có lẽ trên 1.000 mét thôi). Khởi đầu, hai chàng đầu têu bàn nhau xem gửi mấy chiếc xe đạp ở đâu. Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, hôm đó tôi mượn xe của ông hàng xóm vì xực nhớ ra cảm giác lo lắng, sợ mất xe của ông ta. Đã lỡ làm anh hùng chọn hướng hoang vu mà đi, mà đã hoang vu thì làm gì có nhà ai để gửi, cả bọn đành chọn một chỗ nào dễ nhớ, dễ nhận biết từ xa, và “quẳng” đại mấy cái xe vào đó, lên đường mở cõi giang san. Từ chỗ dấu xe cách đường lộ khoảng 200 mét, chúng tôi băng ngang khu rừng mênh mông toàn cỏ tranh. May hôm đó cả bọn mặc quần dài nên đôi chân tránh khỏi là cỏ sắc hơn dao cạo cứa vào, nhưng tay áo buổi sáng sắn lên cho ra giáng thiếu niên Phù Đổng, nay đều đã buông xuống, khép nép len qua rừng tranh cao gần tới đầu người. Tôi không rõ hai bạn Hướng Đạo thâm niên kia định hướng làm sao, cứ thấy băng băng len lỏi, Văn và tôi chỉ biết bám theo. Đoạn đường xuyên rừng tranh này chắc phải gần 2 cây số, đi mãi chưa hết.
Thoát khỏi rừng tranh là vùng bằng phẳng, lác đác cây cao, rồi đến suối lượn quanh co, một ít ruộng lúa, vườn tược, chưa đến chục mái nhà tranh (lại tranh!) lẩn khuất xa xa. Cảnh vật tĩnh mịch, hoang sơ khiến vài con trâu gầy đang gặm cỏ trở thành lạc lõng. Chẳng thấy bóng người đâu để mà hỏi thăm đường, có lẽ họ đã thành tiên đang lên trời dạo chơi. Chúng tôi đành tìm theo lối mòn tiều phu lên rừng nhặt củi, leo dần lên cao. Chẳng ai phí sức leo cao nhặt củi, nên lối mòn mất dấu, hai chàng dẫn đường cứ thì thầm bàn nhau rồi leo. Cứ thế mà leo, càng lên cao, tấm thân càng thêm nặng, chân bắt đầu oải, kêu gọi đôi tay bám cây mà kéo lên. Đã thế, dây rừng chằng chịt như thân tình níu lại, gỡ mãi mới buông tha. Chị dây này buông, chị khác túm lấy. Bây giờ tôi hiểu, rút dây, động rừng! Hơn hai giờ đồng hồ leo, vừa leo vừa bảo nhau tưởng tượng sẽ đến đầu ngọn thác xem các chị người Thượng múa hoa. Đó là tôi nói tránh ra vì điều thứ 10 của Luật Hướng Đạo là “HĐS. trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm”, thực ra trí tưởng tượng chỉ mong sao gặp các nàng đang tắm. Đến khoảng 11 giờ rưỡi, Định “hạ lệnh” dừng chân, quả là lời nói hợp với ý dân. Chúng tôi nghỉ chân ở đỉnh một ngọn núi, lựa chỗ bằng phẳng, chàng bắt đầu biểu diễn khả năng Hướng Đạo đàn anh. Định và Tuấn lấy kính lúp ra, rồi vo viên cho nát nhàu mấy tờ giấy, hái ít ngọn cỏ khô nhập vào, và hai chàng lấy kính lúp tập trung tia nắng mặt trời vào đám bùi nhùi đó. Chẳng dễ dàng gì, mặt trời lúc ẩn, lúc hiện, cứ như ú tim sau mấy nàng mây. Phải đến nửa giờ, bắt đầu có khói từ đám bùi nhùi. Thế là có lửa. Định lôi từ ba lô ra một cái soong nhỏ, đổ nước từ bi đông vào, đun nước pha trà. Tôi thường nghe nói các cụ tiên ngày xưa lên núi uống rượu đánh cờ, nếu mình đến cầu xin điều gì, gặp lúc đi nước cờ hay, cụ vui tính, cho được thỏa lòng tức khắc. Hôm đó, cũng 4 cậu tiên uống trà trên đỉnh núi, nhấm nháp bánh trung thu, kháo chuyện vui vẻ, nhưng trong lòng tôi, và hẳn là mấy bạn kia cũng thế, chỉ cầu mong sao cho chặng leo sắp tới dễ dàng hơn, nhưng chẳng cậu tiên nào giúp được điều gì cho ai, mỗi người phải tự mình ban phép cho mình thôi. Có một điều tôi không trung thực khi thuật lại đã dùng chữ “nhấm nháp”, thực tế, chúng tôi cắn miếng bánh trung thu như cắn mánh mì kẹp thịt, vì trưa rồi, đói rồi. Tuy nhiên, sinh hoạt chỉ kém tao nhã một chút xíu thôi, vẫn là một cái gì mấy ai có được. Sau đó trong đời sống, tôi chưa lập lại được chuyện này lần thứ hai.
“Nhấm nháp” miếng bánh, hớp ngụm trà nóng cho ra vẻ ở nơi tiên cảnh, tôi băn khoăn nhìn lê trời cao. Ở trên cao ấy là ngọn núi cao nhất mà chúng tôi nhắm tới, nói đúng ra là hai chàng đầu têu nhắm tới. Giữa trưa, nhưng hôm nay anh mặt trời mải đùa nghịch với mấy chị mây, nên ngọn núi vẫn chìm trong màn mây trắng đục. Lòng son trẻ tràn đầy tự ái không cho phép tôi bàn ra, “hay là mình xuống núi!” Thế là, sau nửa giờ làm lửa, nửa giờ nấu nước và “nhâm nhi” trà, bánh, chúng tôi lên đường. Có vẻ như ở đoạn núi cao này, con đường leo lên dễ dàng hơn, hay là một lúc nào đó chúng tôi vô tình nhập vào được một lối mòn đôi khi có người qua lại. Cũng vẫn dây rừng chằng chịt, gai góc, nhưng có vẻ sẵn sàng nhường bước kẻ đầu xanh. Đến khoảng gần 2 giờ, chúng tôi lên đến một đỉnh mà tôi nghĩ là ngọn cao nhất của Núi Bà. Nghĩ vậy vì chọn một chỗ khoáng đãng, chúng tôi nhìn ra tứ phía, thấy đâu đâu cũng như phía dưới chân mình. Từ thành phố Đà Lạt nhìn về hai ngọn núi của Núi Bà, người ta tưởng rằng chúng cao hơn nhau không bao nhiêu, và chắc là cách nhau chừng 700, 800 mét, đi lại dễ dàng. Bây giờ, từ chỗ chúng tôi đến được, nhìn về phía Nam, bên phải, chỉ thấy mênh mông là rừng, xa hơn nữa có lẽ là duyên hải Miền Trung, mù mịt trong sương thấp thoáng những vệt đứt đoạn, có lẽ con đường đèo đi về Phan Rang. Và kia, phía Bắc là ngọn núi trọc, nhưng sao xa quá, chắc phải xa mấy cây số, và thấp lè tè, có lẽ thấp hơn chúng tôi đến hơn 500 mét.
Đứng trên đỉnh núi chúng tôi cùng hét lớn. Định dơ tay phải lên cao ra hiệu cả bọn chú ý: Hướng Đạo Sinh Sắp, cả bọn chập hai chân lại, đứng thẳng người: Sẵn! Chúng tôi hét như vậy 3 lần, làm như thể ở bên đồi trọc người ta có thể nghe thấy. Nếu lấy loại còi của Hướng Đạo thổi lên đánh morse, hy vọng hai ngọn đồi có thể nói chuyện với nhau, chỉ sợ đỉnh bên này cao quá, bên kia khó nhận nghe được. Nếu dùng cờ, phải kèm theo ống nhòm. Tôi viết “đứng trên đỉnh núi” chưa chắc đã đúng bởi vì từ chỗ quang đãng chúng tôi đứng để có thể nhìn ra 4 phía, đi dọc cả 200 mét nữa theo chiều dài đỉnh núi về phía nam, đất có dâng cao dần dần rồi mới giữ độ bằng phẳng đều đều, và ở chỗ bằng phẳng này có thể cao hơn chỗ quang đãng chúng tôi đứng khoảng trên 5 mét. Cho nên phải nói là không rõ chỗ có thể gọi là “đỉnh” thực sự ở đâu. Tuy nhiên, theo mức bằng phẳng chúng tôi cảm thấy ở cả một đoạn dài chừng 2 cây số đi dọc theo đỉnh núi, có thể tin rằng chỗ quang đãng hồi nãy đã thuộc đỉnh núi rồi.
Vậy thì, theo đầu óc ghi nhận non nớt của chúng tôi, đỉnh ngọn núi thứ hai của núi Bà không phải là một mũi nhọn, hay một khoảnh đất, mà là một đường dài gần hai cây số dọc theo “đỉnh’. Cái phần chiều dài của đỉnh đó chỉ rộng từ 5 mét tới 7 mét, đôi khi chừng 10 mét. Chúng tôi đã đi dọc con đường theo chiều dài đó, và quí vị có thể tưởng tượng không, chúng tôi không hề gặp dây rừng, cành lá vướng víu, vì chúng tôi đang đi trên một con đường mòn thật sự. Con đường mòn rộng chừng 1 mét được dùng thường xuyên nên đất nện săn cứng không một cọng cỏ mọc lên, hai bên đường là lũy tre xanh dầy đặc. Tôi gọi lũy tre để chỉ các giống cây cùng họ như nứa, luồng, … Còn bé chưa biết gì, tôi gọi tất cả là tre. Phần mặt đường rộng chừng một mét, nhưng phần trên ngang thân người rộng đến 1 mét rưỡi hay hơn. Vết các cây tre bị chặt gần sát gốc để mở rộng không gian bên trên chừng đã lâu rồi. Và, trên đầu chúng tôi, cao chừng 2 mét, tre đan nhau tưởng như không thấy ánh mặt trời. May là vào lúc chúng tôi đi qua đoạn đường mòn đó, mặt trời ló rạng, ánh sáng loáng thoáng từ khe hở của hai bức tường tre và cây rừng lọt vào, và nhìn xuống xa xa, từng tảng mây lửng lơ ở dưới. Tóm lại, trên đỉnh ngọn núi này, có một đường mòn chạy dọc sống núi ẩn kín dưới lũy tre và cây rừng, từ trên cao hơn khó lòng nhận biết, từ dưới thấp càng khó biết hơn. Chúng tôi vừa đi vừa băn khoăn, không biết sẽ gặp thú gì trên con đường này. Lâu lâu dừng lại quan sát. Chỉ thấy vài sợi mây trắng bồng bềnh từ ngoài trời len lỏi vào. Hoàn toàn cô tịch, đến cả mấy con thú rừng nhỏ bé cũng không thấy. Bỗng dưng ai đó nói: Nếu gặp cọp làm sao chạy đây, hai bên là hai bức tường ken chặt thân tre và cây rừng. Thế là cả bọn bàn nhau phải “xuống núi” thôi. Vả chăng, cũng đã hơn 4 giờ chiều rồi. Chọn được một chỗ bức tường có hơi thưa ra, chúng tôi len qua các khoảng trống, leo dần xuống. Hóa ra, leo lên còn dễ hơn leo xuống. Muốn trở lại khu quang đãng hồi đầu tiên tới đỉnh, để từ đó tìm lại dấu vết đường đã leo lên, nhưng chỉ sợ gặp chuyện này chuyện kia. Đành cứ leo xuống bừa.
“Leo xuống bừa”, là đối với tôi, chứ hai bạn đầu têu họ không “bừa” lắm đâu. Tôi phải ngợi ca kỹ năng chuyên môn Hướng Đạo của họ. Họ bàn nhau, tính toán làm sao để khi leo xuống theo chiều thẳng thế này sẽ gặp được khu mấy túp nhà tranh và mấy con trâu lim dim trên vạt cỏ. Nói là leo thẳng xuống, nhưng luôn luôn phải đi chênh chếch theo triền núi, và chúng tôi cứ phải đổi hướng nhiều lần, để cho từ dưới nhìn lên, vẫn gần như theo đường thẳng. Có lẽ phải đến gần 6 giờ chiều chúng tôi mới xuống được tới chân núi, cũng gần với khu đất lúc đi lên. Khói đã vương trên mấy mái nhà tranh, mấy anh chị trâu không còn đó nữa. Trời dưới này tối mau hơn trên núi, bắt đầu chạng vạng. Cả bọn cắm đấu cắm cổ lội qua khu rừng tranh. Hơn 7 giờ chiều tìm lại được mấy cái xe đạp. Hôm đó, hơn tám giờ tối tôi mới về tới nhà. Đẻ tôi biết tôi leo núi nên không lo ngại chuyện tôi về muộn. Lần đi thác Pongour, 9 giờ rưỡi tôi mới về tới nhà. Và, quí vị có để ý không, buổi trưa mỗi đứa được ăn có một phần tư cái bánh dẻo, một phần tư cái bánh thập cẩm, mà cho đến lúc tôi về đến nhà buổi tối, tôi không hề nhắc đến chữ “đói”. Quả thực có đói chứ, cả một ngày trời có mấy mẩu bánh trung thu. Nhưng nỗi lo sợ gặp cọp, gặp trâu rừng, lợn nòi, rồi thêm rắn, lại sợ mất xe đạp nữa, hàng trăm mối đe dọa tưởng tượng khác chiếm lĩnh đầu óc thằng bé này, không còn tưởng tơ gì đến cái đói.
Ít lâu sau nghĩ lại mới thấy cả bọn thật ngu ngốc. Trên đường mòn đỉnh núi đó làm sao có cọp được vì cọp rất sợ tre nứa, còn khu rừng tranh mà cả bọn rất yên tâm đi qua mới là nơi mấy chú ba mươi hay nghỉ ngơi, ẩn náu. Càng về sau, càng vỡ ra, tôi hiểu rằng con đường mòn trên đỉnh Núi bà không phải của mấy chú tiều phu đi chặt củi như lúc đó chúng tôi đoán. Chắc là đường của “mấy ảnh’, mấy ảnh ẩn náu chờ ngày cướp mất Đà Lạt thân yêu của chúng tôi. Và, lại thêm một điều quí vị không ngờ, trong số mấy ảnh đó, có anh bạn Cao Duy Tuấn của chúng tôi. Và tôi vẫn nuôi mối nghi hoặc, có phải hôm đó bạn Tuấn ta tổ chức “đi tham quan không?”  
Anh bạn Cao Duy Tuấn rất thân của tôi, không biết ngay lúc đó, ngay cái năm học Đệ Lục, Đệ Ngũ đó, ngay cái năm chúng tôi lên núi uống trà, ăn bánh trung thu đó, đã đúng với điều sau này tôi nghi ngờ chưa, là cũng thuộc nhóm “mấy ảnh”? Không chắc lắm. Lúc đó anh ta còn bé mà. Lúc chúng tôi học Đệ Lục Trần Hưng Đạo, 1958 – 1959, tôi đã 15 tuổi, còn anh ta độ 13. Cũng không thể đoan chắc là anh ta chưa biết gì về chuyện “mấy ảnh”, vì oắt con như tôi đã mê gái như điên rồi, thì cũng có thể anh ta mê lý tưởng “giải phóng” lắm chứ. Để tôi kể thêm về Tuấn.
Tuấn ở khu Dốc Nhà Bò. Từ nhà tôi ở khu Lãnh Địa Đức Bà, đi bộ đến nhà Tuấn mất chừng 5, 7 cây số. Tuấn có xe đạp, tôi chỉ đi bộ như thế này: Theo đường Hải Thượng Lãng Ông, tắt qua Nhà Thương Đà Lạt, đi dọc theo một con đường tôi quên tên, xuống mấy chục bậc tam cấp là cắt ngang đường Hai Bà Trưng. Băng ngang Hai Bà Trưng, đi tắt qua khu trồng rau, leo một con dốc gồm hàng trăm bậc tam cấp bằng đá lúc nào cũng đông đảo gánh hàng rong và người mua kẻ bán, là lên đến mặt đường Minh Mạng. Sau đó, đi ngang khu Hòa Bình, trung tâm Đà Lạt, đổ dốc xuống cầu Ông Đạo. Đi tiếp, leo dốc nhà thờ Con Gà, rẽ phải trên  đường Trần Hưng Đạo (?), đi khoảng hơn 500 mét, rẽ trái vào Dốc Nhà Bò. Đi xuống sâu trong khu Dốc Nhà Bò chừng 500, 700 mét, loanh quanh một hồi, tôi sẽ đến nhà một bà chị tự nhận Đẻ tôi là Mẹ, có cậu con tên Đỗ Hữu Cảnh. Lạ một điều, “mấy bà chị” phần nhiều chỉ ở với con, chẳng thấy mấy anh chồng đâu, chắc cũng là “mấy ảnh” rồi. Cậu con tên Cảnh, sau này học ở trường Luật, có vẻ như thuộc “thành đoàn.” Tôi kể vậy thôi chứ từ chỗ ngoài đường lớn rẽ vào Dốc Nhà Bò, tôi không đi sâu như vậy, đi chỉ chừng 250 mét là đã đến nhà Tuấn, nhà mặt tiền. Con đường gọi là Dốc, thì chắc là khu sườn đồi, nên tầng trệt nhà Tuấn ở dưới mặt đường, và tầng trên là nơi Tuấn ở, ngang mặt đường. Một cây cầu gỗ bắc từ mặt đường nối với tầng Tuấn ở, đi qua kêu lộp cộp. Cây cầu gỗ đưa vào tầng của Tuán, tầng hai, sàn bằng gỗ cũng kêu ầm ầm. Từ chỗ Tuấn ở xuống nhà dưới có một cầu thang nằm khuất góc nhà, tôi nhận biết được nhờ có lần nắp đóng bên trên mở lên, chúng tôi vào nhà và chàng Tuấn nhớ ra, chạy đến đóng nắm cầu thang xuống, bằng phẳng như sàn nhà. Chưa bao giờ bọn bạn chúng tôi được phép leo xuống cầu thang đó. Tuấn bảo mấy bà chị của Tuấn ở bừa bãi lắm, không muốn ai thấy. Thuở bé, nghe vậy, biết vậy, chưa từng thắc mắc. Đôi khi thằng bé mê gái trong tôi cũng muốn được chiêm ngưỡng dung nhan mấy bà chị, nhưng chưa hề được gặp. Hai bà chị của Tuấn tên Cao Thị Thu Cúc và Cao Thị Quế Hương. Hai vị nữ lưu này về sau cũng làm tốn nhiều giấy mực trong giới báo chí. Một ngày, đọc báo thấy tin Tuấn lãnh 18 (?) năm tù Côn Đảo vì giữ chức vụ quan trọng trong Thành Đoàn. Cùng vụ này có anh Trẩn Hữu Khuê, Đạo Trưởng Đạo Cửu Long (Hướng Đạo), lãnh 20 năm. Bấy giờ mới hiểu cái sàn gỗ nơi Tuấn ở kêu ầm ĩ để các bà chị tầng dưới biết có khách vào nhà, nếu có đang họp thì hãy gải tán hoặc nói khẽ khàng thôi.
Đúng ra từ giữa thập niên 1960 tôi đã nghi ngờ Tuấn theo “mấy ảnh”. Cung cách nói chuyện của Tuấn về những sinh hoạt của tôi và mấy anh em bạn luôn có một vẻ chỉ trích, nhẹ nhàng thôi, rằng không giúp gì được cho đất nước, cho xã hội. Một lần, gặp nhau tại con hẻm bên hông nhà Hoàng Ngọc Tuệ, nơi Nguyễn Đức Quang và nhóm Trầm Ca tá túc trong garage, Tuấn hỏi tôi với một vẻ mạnh dạn hơn, “Sao Anh (Đỗ Việt Anh) lại đi làm việc cho bọn Mỹ vậy?” Tôi hơi bị bất ngờ. Tôi đang làm công việc phụ tá cho Đỗ Ngọc Yến, Tổng Thư Ký Chương Trình Hè 65, một sinh hoạt trong thanh niên, sinh viên, học sinh, do tổ chức IVS tài trợ. Tôi trả lời qua quít, đại khái, thì cũng là công việc của một Hướng Đạo Sinh, giúp cho phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh hội nhập hơn vào cộng đồng xã hội, xây dựng một số sinh hoạt căn bản, từ đó sẽ dễ dàng ý thức về xã hội, đóng góp cho xã hội. Và chúng tôi chia tay vội vã. Có lẽ Tuấn thấy hơi lộ liễu quá chăng, còn tôi lại không muốn biết về bạn mình rõ ràng hơn. Cái lối  “người quốc gia” của bọn chúng tôi là vậy, biết một số bạn bè hay người quen hoạt động cho bên kia, cũng chẳng thèm cảnh giác làm chi. Khi tôi đã qua Mỹ, tức là từ 1991, tôi nghe nói Tuấn là Bí Thư hay Chủ Tịch gì đó ở Quận Bình Thạnh, sau lại nghe chàng bất mãn, uống rượu tối ngày. Cả một thế hệ thanh niên Miền Nam, một nửa như Tuấn, sống, làm việc cho một lý tưởng nghĩ rằng cao đẹp, sau vỡ lẽ ra, biết mình lầm. Tôi không nghĩ thái độ tiêu cực như Tuấn, bất mãn, rượu chè, là đáng chê trách. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Tôi cho rằng, ít nhất Tuấn hơn chán vạn con người biết mình sai lầm, nhưng cứ giả vờ bám lấy, mưu cầu lợi ích riêng tư. Cũng là phường đạo đức giả.
Đọc lại phần viết về Cao Duy Tuấn, tôi xin ghi chú thêm điều mới biết: Nhân nói chuyện Đà Lạt với một bạn trẻ sinh trưởng ở Đà Lạt, năm 1965 bắt đầu học Đệ Thất Trần hưng Đạo, tôi hỏi vì sao ngôi trường trung học chính của Đà Lạt là Trần Hưng Đạo lại bị đóng cửa, năm 2003 tôi có đứng trước cánh cửa sắt hoen rỉ của trường, bậc tam cấp đá xô lệch, cỏ mọc lan tràn? Anh bạn cho rằng vì Trần Hưng Đạo là nơi chứa các mầm mống cứng đầu! Điều này với tôi hơi bất ngờ. Tôi vẫn nghĩ ngôi trường thân yêu đó đã đào luyện nhiều cán bộ cho phía bên kia. Một bạn học cùng lớp Đệ Thất của tôi, anh Nguyễn Ba, hình như đỗ đầu vào Trần Hưng Đạo, sau này nghe nói đã nhẩy núi. Ở Sài Gòn, tôi nghe tin một số bạn học mà tôi quên tên, hoặc biệt tăm, hoặc bị bắt, hoặc bị chết trong những trận phục kích của cảnh sát hay quân đội mình. Năm 1987, hay 1988, sau khi từ Thanh Hóa về, tôi mở một quán cà phê, sau có thêm phần nhậu nhẹt buổi chiều tối, ở Ngã Tư Bảy Hiền, núp dưới chiêu bài câu lạc bộ của hợp tác xã dệt. Một buổi tối, một khách nhậu đến hỏi tôi: “Có phải Đỗ Việt Anh không?” Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh vội nói thêm: “Tôi là … Phan (tôi quên họ, và giờ này có thể tôi nhầm tên), học cùng Trần Hưng Đạo với anh, hiện công tác kinh tế tại Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố (Sài Gòn). Tôi vui mừng gặp lại bạn học cũ. Đúng ra không phải bạn học, có vẻ như năm Đệ Thất Phan học cùng lớp tôi, chắc rằng chỉ nói chuyện với nhau vài lần, và không chơi với nhau. Sang Đệ Lục, Phan học ban Anh Văn, nên khác lớp. Nhưng từ năm Đệ Lục, Phan giữ công việc bắt nhịp mỗi sáng Thứ Hai đầu tuần cho chúng tôi hát Quốc Ca và Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Ngay từ Đệ Thất, Phan đã có vẻ nghiêm nghị, thâm trầm. Phan cho biết sắp đi tham quan Mỹ, và hỏi tôi có cần điều gì không. Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi xã giao, vả chăng, tâm lý một kẻ mới trải qua gần 10 năm tù ở vùng núi rừng ven biên giới Lào, rõ ràng khó có thể thân thiện đến độ nhờ cậy điều gì một bạn ở phía bên kia, tôi chúc anh thăng quan tiến chức, và nói tôi vẫn bình thường, không gặp khó khăn gì. Nhưng nhờ buổi nói chuyện mà người ta cho rằng thân mật với một Thành Ủy Viên, sau đó tôi gặp nhiều điều dễ chịu cho quán. Hôm đó Phan nhậu với Ban Quản Trị (?) Hợp Tác Xã Dệt và mấy viên chức của Phường. Những chuyện như vậy về một số học sinh xuất thân từ Trần Hưng Đạo, thêm anh bạn thân Cao Duy Tuấn, vài người khác như Mai Thái Lĩnh tuy không phải bạn học nhưng cũng là Hướng Đạo, khiến tôi tưởng rằng Trường Trần Hưng Đạo phải là nơi được phe Cộng Sản ưa thích.
Ký ức về một số bạn khác trong tôi chỉ còn chút lờ mờ vì sau năm Đệ Tứ tôi về Sài Gòn, và hầu như không còn giữ liên lạc, như các bạn: Nguyễn Ngọc Diệp, Đinh Gia Lập, … Diệp thuộc nhóm học khá, tôi không nhớ rõ chàng có suất sắc môn gì không. Đôi khi buổi chiều trên đường về nhà, Diệp cùng tôi lang thang khu đồi mả thánh. Có vẻ chàng không quen đi bộ như tôi, và có xe đạp, chuyện đi bộ “tâm sự” cùng nhau chắc chỉ xẩy ra vài lần trong 4 năm học. Gọi là 4 năm học, thực ra hầu như mọi chuyện về học hành tôi chỉ nhớ những gì dính dáng đến năm Đệ Thất và Đệ Lục. Hai năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ, tôi hầu như không quên hết. Cũng có thể có chuyện xẩy ra vào năm tôi học Đệ Ngũ, Đệ Tứ, nhưng bộ nhớ tôi xếp tất cả vào khu vực ký ức Đệ Lục chăng.
Người bạn ở gần nhà tôi nhất là Đinh Gia Lập. Nhà Lập ở đường Thi Sách, con đường chưa được mở mang hẳn, còn màu đất đỏ, chạy quanh co giữa các vườn rau chân đồi khu Lãnh Địa Đức Bà. Nghe nói tưởng xa, thực ra Thi Sách, dù khởi đầu từ một nơi nào đó của đường Ngô Quyền gần Khu Phố 4, lại chạy dọc theo giữa hai đường gần như song song là Hai Bà Trưng và Ngô Quyền. Thi Sách chỉ cách Ngô Quyền, chỗ tôi ở, chừng 100 mét, và cũng cách như vậy đối với Hai Bà Trưng. Các vị phụ trách đặt tên đường ở Đà Lạt từ sau 1954 chắc là có theo nội dung dòng lịch sử nước ta. Các đường Duy Tân, Minh Mạng, Hàm Nghi đều chạy đến khu chợ Hòa Bình, trung tâm thành phố, thuộc khu cận đại. Đường Trần Hưng Đạo thuộc nhóm đường chính, rộng thênh thang ở khu Nhà Thờ Con Gà. Đường Hai Bà Trưng chạy dưới chân đồi khu Nhà Thờ Domaine De Marie (Lãnh Địa Đức Bà), cũng là một con đường chính và dài. Ông Thi Sách chẳng có công trạng gì nhiều, khép nép chạy bên cạnh một đoạn ngắn của Hai Bà Trưng, lại chưa được trải nhựa. Nhà Lập và nhà tôi cùng bên sườn đồi chạy theo đường cánh cung, cao thấp khác nhau. Chúng tôi đứng ở sân nhà có thể nhìn thấy nhau, nhận ra nhau dù không rõ nét, và có thể hét to trao đổi đôi điều. Lập giỏi toán, thường chia nhất nhì với Cao Duy Tuấn. Hai bạn sau theo học trường Phú Thọ, hình như cùng ngành Điện. Sau này, Lập làm ở đập Thủy Điện Đa Nhim, xa nhà chưa đến 100 cây số. Phải nói điều này, do qua nhà Lập thường xuyên, tôi đã gặp một nàng tiên ở trọ, sau này dọn đến ở khu Ấp Ánh Sáng. Chuyện này tôi nhắc ở trên rồi.
Môt người bạn học khác trường, nhưng thân như giữa tôi và Cao Duy Tuấn, là Nguyễn Đức Quang, do tình thân Hướng Đạo. Lúc tôi ở Trần Hưng Đạo, Quang học trường Bồ Đề, khi tôi về Sài Gòn rồi, Quang mới vào Trần Hưng Đạo. Thân và giữ liên lạc lâu dài, ngay cả khi tôi qua Mỹ vẫn gặp nhau, nhưng cho tôi viết vắn tắt như vậy thôi về chàng. Tôi đang nhớ lại các bạn thời đi học ở Đà Lạt, những người bạn hoặc tôi biết rõ là đáng quí, hoặc tôi chẳng biết gì nhiều, nên tôi cảm thấy dễ chịu khi ghi lại. Còn về Quang, có thể tôi sẽ nhắc lại ở một nơi khác, ở thời kỳ khác trong cuộc đời tôi, hoặc khi tôi nhắc đến những chuyện này chuyện kia với Nông Kim Ấn, cô nữ Hướng Đạo Đà Lạt, với Trịnh Cung, họa sĩ, với Cảnh Vịt, ông chủ tiệm phở lừng danh Nguyễn Huệ, …, hoặc khi tôi nhắc lại thời kỳ làm báo ở Mỹ.


Hướng Đạo Đà Lạt
Tôi vào Hướng Đạo khá trễ mặc dù có ông anh đã gia nhập phong trào Hướng Đạo từ ngày ở Hà Nội. Ngày đó còn bé, tôi chưa thể nói đã có những nhận xét, những suy luận để tin rằng chẳng phải cứ mặc áo cà sa đã thành một vị chân tu, tuy nhiên những cảm nhận về vài con người như khuyến dụ tôi rằng chưa chắc Hướng Đạo đã tạo nên người tốt, nên tôi lần lữa đứng ngoài. Và, hơn 60 năm sau, những cảm nhận này vẫn đúng với nhiều trường hợp tôi thực sự trải qua hay biết rõ.
Bây giờ, tôi không nhớ chính xác vì sao, lúc nào tôi trở thành thiếu sinh Thiếu Đoàn Lê Lợi. Có thể, nhân một dịp lên nghỉ hè Đà Lạt, ở với Đẻ tôi và tôi, anh Đỗ Quý Toàn đưa tôi đến gặp mấy anh Anh Võ, Lê Đường, để xin cho tôi vào Thiếu Đoàn Lê Lợi. “Anh Võ” lúc đó là Ủy Viên Ngành Thiếu của Đạo Lâm Viên. Tô nhớ tên anh như vậy vì anh là chủ tiệm bán đồ về điện có tên “Anh Võ”, trên đường Minh Mạng, gần chợ Hòa Bình. Bây giờ tôi không còn nhớ đầy đủ tên của anh. Anh Tòan đưa tôi đến đó vì anh Lê Đường, Thiếu Trưởng Lê Lợi (hình như) cư ngụ ngay tại nhà Anh Võ, căn nhà phố, bên ngoài mở tiệm. Bữa đó, tôi gặp cả anh Được, Phó Thiếu Trưởng, sau này làm Thiếu Trưởng khi Lê Đường đi lính (hay du học, tôi không nhớ). Tôi vào Hướng Đạo năm 1958, hay 1959, nghĩa là lúc tôi đã 15, 16 tuổi, khá muộn màng. Vào Lê Lợi, tôi được xếp vào đội của Tuấn, anh bạn học đã nói ở trên. Một tháng sau tôi được đeo khăn quàng, ngay ít ngày sau, nhân một kỳ trại với mấy đơn vị Hướng Đạo khác (hoặc là trại họp bạn của toàn Đạo?), tôi được “tuyên hứa”, rất sớm so với bình thường. Tuyên Hứa là sinh hoạt quan trọng nhất của cuộc đời một Hướng Đạo Sinh. Lễ tuyên hứa của tôi may mắn diễn ra dưới ánh sáng ban mai giữa cảnh núi rừng im ắng, hoang vu. Trước mặt Huynh Trưởng và đoàn sinh khác, dưới lá Quốc Kỳ, tôi đặt tay trên lá cờ Hướng Đạo và hứa rằng: “Trung thành với Tổ Quốc và Tín Ngưỡng, Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, và Tuân theo Luật Hướng Đạo”. Đêm qua, tôi được yêu cầu giữa đêm đi bộ một mình trong rừng, đến khu nghĩa trang của người Thượng, cách đất trại khoảng 2, 3 cây số, lấy một cái gì đó, mang về trình diện. Nghĩa địa này nằm cạnh đường mòn chúng tôi đi lúc trưa.  Mọi người chỉ nhau một vật gì bó bằng chiếu treo lủng lẳng trong khu vực ngổn ngang các nấm mồ. Có người bảo đó là người chết chờ chôn cất theo phong tục bộ lạc người Thượng ở gần đây. Bây giờ chắc đã 12 giờ đêm, giữa rừng khuya, tôi mạnh dạn bước theo đường mòn, lâu lâu tôi lại nghe tiếng sột soạt như con thú nào nhảy giữa các bụi cây. Tuy run sợ, nhưng tôi nắm chắc cây gậy Hướng Đạo trong tay, quyết tâm đi tới. Đi gần nửa giờ, có lẽ gần tới nghĩa trang, tôi nghe tiếng morse bằng còi, gọi tôi trở về trại dù đến đích hay chưa. Sau kỳ trại, về nhà suy nghĩ lại, tôi nhớ và tính, có thể tiếng còi gọi về phát từ nơi cách tôi chưa tới 100 mét. Tức là có người đi theo tôi, lâu lâu hù dọa bằng tiếng lá rừng sào sạc. Tôi cũng quên không hỏi lại chuyện này với mấy anh huynh trưởng.
Có vẻ như đến giờ phút này, ở tuổi quá 70, tôi cố gắng giữ được phần nào lời hứa trên. Tôi nói phần nào, vì “tuân theo Luật Hướng Đạo” là điều rất khó khăn, thí dụ Điều Luật Thứ 10 đòi hỏi tôi “Trong sạch từ tư tưởng, lời nói, đến việc làm”. Tôi chịu chết không giữ nổi điều luật này, dù là trong lời nói, hành động, hay tư tưởng. Những anh đạo đức giả có thể đánh lừa thiên hạ bằng những lời nói làm ra vẻ thật thà, nhân nghĩa, đạo đức, thực chất chỉ là giả dối; Việc làm cũng vậy, làm điều xấu thì dấu diếm, hoặc ném đá dấu tay, chỉ trình làng những việc tốt; Còn tư tưởng, chỉ có Trời biết, Đất biết, và anh đạo đức giả biết. Có những Hướng Đạo Sinh mà tôi biết rõ một phần sinh hoạt của mấy anh ấy vì rất thân hoặc do quan hệ chằng chịt trong suốt cuộc đời tôi, đã được công luận xưng tụng, được Hội Hướng Đạo Việt Nam tuyên dương, lại là những kẻ thuộc loại tệ hại nhất trong cộng đồng những con người bình thường ngoài xã hội.
Một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi trong đời hướng đạo Đà Lạt là kỳ trại dài ngày đi Nha Trang, Tuy Hòa. Tôi không nhớ rõ thiếu đoàn Quang Trung có đi cùng chuyến này không, hay chỉ thiếu đoàn Lê Lợi chúng tôi và thiếu đoàn bên Nữ Hướng Đạo của chị Nông Kim Yến. Chúng tôi ngồi sắp cá trên xe tải, đến Tuy Hòa vào một buổi chiều, được viên chức của quận Tuy Hòa tiếp đón. Hình như ông Quận Trưởng Tuy Hòa cũng từng là Hướng Đạo Sinh, đãi chúng tôi một buổi cơm tối với mấy chục con gà quay ngon tuyệt cú mèo. Trước đó, ông hướng dẫn chúng tôi ra thăm đập Đồng Cam, nghe nói Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành mới được vài tháng. Mới đây, anh Hoàng Kim Châu, trong kỳ trại này đang là Đội Trưởng Nhất, gửi tặng tôi hai tấm hình đoàn chúng tôi chụp ở Đồng Cam. Tôi có nhận ra mình trước đây 60 năm, nhưng không chắc lắm.
Khi bắt đầu ghi lại “Đời Tôi”, lòng tôi rào rạt xúc cảm muốn mau mau đến lúc viết về “Hướng Đạo trong đời tôi”. Tháng ngày trôi qua, nhiều hình ảnh hướng đạo sinh thật gần gũi với tôi trong đời sống sói mòn niềm vui trong tôi. Nhớ thuở nào đọc bài của Trưởng Cung Giũ Nguyên trong tập san “nặng ký” Quê Hương, tôi hãnh diện biết bao khi mình cũng là thành viên của một phong trào thanh thiếu niên quốc tế. Niềm hãnh diện càng hiển hiện hơn thời gian tôi sống ở một ngõ hẻm trên đường Trần Khát Chân, Sài Gòn, mỗi khi nghe tiếng còi xe cứu hỏa rền vang ngoài phố, tôi vội vàng mặc đồng phục Hướng Đạo, đạp xe băng băng về phía Khánh Hội, hoặc khu xóm nghèo nào khác, tham dự việc “chữa lửa”. Đúng ra, khi tôi đến chỉ còn vài sợi khói lơ thơ bốc lên, nhưng bộ quần áo của các Hướng Đạo Sinh loanh quanh bên đống tro tàn cũng khiến kẻ gian bớt đi chuyện hôi của. Niềm “hãnh diện trẻ con” dâng cao vì ngoài nhân viên cứu hỏa, cảnh sát chỉ cho những ai mặc đồng phục Hướng Đạo được ra vào khu vực cháy. Chúng tôi là nhóm người được thừa nhận có ích cho xã hội. Phong trào Hướng Đạo Việt Nam được chính phủ Ngô Đình Diệm thừa nhận là “Đoàn Thể Công Ích.” Vậy mà, trong chương viết về Đà Lạt này, tôi gượng gạo đi vào ký ức lúc khởi đầu cuộc đời Hướng Đạo của tôi. Tôi chỉ biết ngượng ngùng xin lỗi những người bạn Hướng Đạo yêu quí, Cao Duy Tuấn, Nông Kim Ấn, Nguyễn Đức Thanh, Đỗ Nguyên Thiện, Trần Thế Kiệt, Phùng Mạnh Tâm … những cậu em Đội Hổ ở Đà Lạt, đội Hươu ở Sài Gòn … Họ thực sự là những Hướng Đạo Sinh.
Kết thúc tháng năm ở Đà Lạt, tôi xin ghi thêm ít chữ về chuyện xin khám bệnh với Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Một buổi sáng tinh mơ trời âm u với làn mưa bụi dai dẳng từ bao giờ chẳng rõ, Đẻ tôi dắt tay tôi đi bộ hơn nửa tiếng đồng hồ, nói là đi khám bệnh. Tôi thắc mắc sao không vào nhà thương ngay gần nhà, Đẻ tôi nói đó là “nhà thương thí”. Tôi lặng lẽ đi theo với sự hiểu ngầm ngụ ý của Đẻ tôi: “thí” là không tốt. Có lẽ đó là quan niệm chung của người dân nghèo thuở ấy, không biết đúng hay sai. Gió lạnh, mặt đường nhựa ướt bóng, cuối cùng chúng tôi đứng trước ngôi nhà nằm bên một con đường dốc, tôi không nhớ rõ là đường nào, có lẽ cách nhà tôi, số 2 Ngô Quyền, khoảng hơn một cây số. Từ mặt đường nhìn xuống, tôi thấy tấm bảng đồng gắn trên tường gần cánh cửa chính vào nhà ghi Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Tôi không nhớ rõ nội dung chính của tấm bảng ghi những gì, có chữ “Phòng Mạch”, hoặc “Văn Phòng”, … ghi trước tên bác Sĩ hay không. Chúng tôi bước xuống vài bực tam cấp, Đẻ tôi gõ cửa, một thiếu nữ mở cửa, Đẻ tôi nói ngay mục đích chúng tôi đến xin Bác Sĩ khám bệnh cho tôi. Chúng tôi được đưa vào căn phòng nhỏ ngay bên trái, cửa sổ nhìn ra mặt đường. Bác Sĩ Phiếm ra, hỏi tôi bệnh thế nào. Đẻ tôi nói tôi dạo này khó thở, sờ ngực thấy tim đập nhanh và mạnh. Sau khi khám bệnh cho tôi, ông nhẹ nhàng nói, đại ý cậu bé không sao đâu, cũng không phải bệnh tim đâu, về nhà, bà cho cậu ấy tẩm bổ thêm, có lẽ cậu lười ăn nên hơi thiếu ăn. Rồi ông hỏi thăm Đẻ tôi về gia cảnh, làm ăn. Câu chuyện giữa hai người lớn bỗng trở nên cởi mở, vui vẻ và thân tình hơn. Thốt nhiên ông gọi mấy cô con gái vào và bảo mấy con đưa “chú” đi chơi loanh quanh cho Ba (hay Bố ?) nói chuyện với “Bà”.
Tôi tưởng đi chơi loanh quanh là vào phòng nào khác, nhưng không, mấy cô thì thầm chuyện gì không biết, rồi gọi ông tài xế đưa xe ra ngoài đường, rồi rủ tôi leo lên xe. Đó là lần đầu tiên tôi được ngồi trên chiếc “xe nhà” sau này gọi là “xe du lịch”, một chiếc xe màu đen kềnh càng, cũng loại “xe Bộ Trưởng” như chiếc xe “của” cô Thẩm Hoàng Yến tôi đã kể ở một đoạn trên. Hai cô con gái cho tôi ngồi giữa ở ghế sau, nói với với ông tài lái xe đi đâu đâu đó. Các cô hỏi chuyện tôi, thằng bé nhút nhát lý nhí trả lời. Cô có vẻ là chị lớn đành nhìn quay ra hai bên đường chỉ tôi đây là đường gì, đường gì, cái nhà kia là gì, … rõ ràng hai cô, hẳn là bằng hoặc hơn tôi ít tuổi, coi tôi như một anh mán ra tỉnh. Còn tôi, rất là khép nép, cố thu nhỏ thân xác vốn quá gầy đẹt, tưởng như đôi mông trơ xương không dám đụng vào lớp da bọc ghế, lặng lẽ quay qua quay lại theo hướng tay cô chỉ, âm thầm cố ghi nhớ mùi thơm của xe, của áo quần, mái tóc hai tiểu thư càng vàng lá ngọc. Các cô cho xe chạy leo lên dốc Duy Tân (?), chạy vào khu phố quanh chợ Hòa Bình, rồi cho ông tài xế ngừng lại, chạy vào một tiệm nào đó mua bánh. Hai cô ép tôi ăn bánh, rồi bàn nhau nên về hay chạy quanh hồ Xuân Hương. Ông tài xế can thiệp, bảo về lỡ “Ông” cần đi đâu.
Trên đường về nhà, Đẻ tôi tấm tắc khen ‘Ông ấy” tốt và khiêm nhượng quá. Qua câu chuyện, hình như nhà tôi có họ hàng sao đó với Bác Sĩ Phiếm, chắc lại một loại dây mơ rễ má mấy chục đời, nhưng “Ông Bác Sĩ’ nhất định nhận họ và không lấy tiền khám bệnh, lại cho Đẻ tôi ít thuốc bổ về cho tôi uống. Chúng tôi có trở lại phòng mạch Bác Sĩ Phiếm một lần nữa để biếu quà cảm ơn, nhưng Bác Sĩ đi vắng.
Sau này lớn lên, tôi mới biết Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm từng là Bộ Trưởng Y Tế từ năm 1949, và là vị bác sĩ được kính trọng trong giới trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam, là bác sĩ và bạn thân của nhà văn Nhất Linh. Tôi vẫn nhớ câu nói “cậu ấy lười ăn nên thiếu ăn” mà sau này tôi mới hiểu hàm chứa biết bao sự tế nhị. Tôi cũng nhớ hoài chuyến dạo chơi bằng xe nhà, nhất là có một lúc xe chạy giữa con mưa to cho tôi cảm giác an toàn, ấm áp. Thằng Mán này xin cảm ơn Quí Cô Tiểu Thư thưở đó.
 Đà Lạt cho tôi rất nhiều ân tình, những mong tháng ngày tận cùng của cuộc đời tôi sẽ được về an trú nơi đó. Ý trời lại khác! Đành theo.








No comments:

Post a Comment