Thursday, November 22, 2018

Góp Nhặt Loanh Quanh - Sách



Góp Nhặt Loanh Quanh

là tập thứ 9 trong tự sự Đời Tôi, coi như một “Phần Phụ Đính” cho tự sự vì hầu như các bài trong tập 9 đều có phản ánh ít nhiều sinh hoạt của đời tôi. Tất cả mấy bài đều đã in đâu đó trên báo chữ Việt phát hành ở Mỹ. Mời quí vị và các bạn xem sách dạng pdf trên google drive, có thêm phần hình ảnh cho mỗi bài. Xin bấm vào link dưới hình sách.

Gia Đình Một Họa Sĩ Bắc Ninh

góp nhặt loanh quanh





(trích Đặc san Bắc Ninh 2018)
Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp người làng Lim, Bắc Ninh. Bà là một trong hai nữ họa sĩ người Bắc Ninh nổi tiếng của đất nước ta, ở hai thời kỳ khác nhau. Khi cô thiếu nhi Hợp còn đang mê say với những điệu hát dân ca thì nữ họa sĩ Lê Thị Lựu, người làng Thổ Khối, Bắc Ninh  đã thành danh trong nước, và sau đó được biết đến nhiều ở Pháp. Làng Lim thuộc nhóm làng truyền thống của quan họ Bắc Ninh, cho nên khi còn nhỏ nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp lại muốn theo đuổi nghiệp cầm ca. Các cụ ở nhà không cho, nên tuổi thơ của bà chìm đắm trong niềm say  mê vẽ. Cứ cái bút chì, mảnh giấy, là ở đâu, lúc nào bà cũng có thể vẽ. Sau trung học, bà được gia đình cho phép theo học Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, và được Giáo Sư Lê Văn Đệ dẫn dắt. Từ đó năng khiếu vẽ của bà được phát tiển thỏa thích.
Con đường hội họa của Họa Sĩ Nguyễn Thị Hợp có thể tóm tắt như sau:  Năm 1964, tốt nghiệp trường  Mỹ Thuật Gia Định kể trên. Theo ước hẹn với Phụ Thân, bà theo học thêm một năm về sư phạm để có thể đi dạy về hội họa và điêu khắc. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 1966 ở Taipei, Taiwan. Từ 1968 triển lãm với nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn. Từ khi đến Đức năm 1979, triển lãm ở Bonn, Stuttgart, Munich và nhiều thành phố khác ở Đức. Từ 1982, triển lãm hằng năm ở Paris. Năm 1987 bà và gia đình sang định cư ở Mỹ. Đã bày tranh tại UCI, khu hành khách phi trường  John Wayne, tại Orange Coast College, đại học UCLA, đại học Minnesota, CSU Long Beach, Pacific Asia Museum, L.A. Artcore, dự triển lãm lưu động "An Ocean Apart" tại một số bảo tàng viện Mỹ do Viện Smithsonian tổ chức, và tham dự hằng năm các triển lãm chung ở khu Little Saigon. Khi đang theo học ở Cao Đẳng Mỹ Thuật, bà đã thử qua các ngành hội họa, và cuối cùng dừng chân ở môn vẽ tranh lụa, và đã chiếm một vị trí sáng chói ở môn hội họa này. Hiện nay Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội trưng bày hai họa phẩm của bà.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trở thành một đế tài “xuyên suốt” trong cuộc đời hội họa của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, và từ đó bà mang các em thiếu nhi vào họa phẩm, có thể là hai Mẹ Con, hoặc Mấy Mẹ Con, đôi khi các em thiếu nhi vui chơi từng đoàn, từng nhóm, cũng có thể là mấy chị em. Mặc dù không có bóng dáng Bà Mẹ, nhưng rõ ràng đâu đó hình ảnh của Mẹ vẫn lảng vảng gần bên. Tôi không nhớ có được xem bức tranh nào của bà vẽ về hai bố con? Có người cho rằng bà vẽ “đàn ông” ít quá. Nhưng ngay trên bìa các số Đặc San Bắc Ninh trước đây, hình ảnh các chàng trai đã về trên tranh của bà: Năm 2014, tranh bìa là Vu Qui của Nguyễn Thị Hợp, và 2016, “Thánh Gióng Cưỡi Ngựa Sắt” của Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp. Hình ảnh chàng trai cũng hiển hiện trong tranh và minh họa khi bà vẽ minh họa cho các sách, báo, đặc biệt là bức Tranh lụa Chàng Trai Việt vẽ theo một truyện kể của Thiền sư Nhất Hạnh “Hương Vị Của Đất”, Lá Bối, tức “A Taste of Earth”do Parallax Press. Nhân đây phải nói đến loạt tranh bìa và minh họa của ông bà Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp cho các sách của nhà Xuất Bản Lá Bối, những tác phẩm của Thiền Sư Nhất Hạnh, đã trở thành một loạt tranh mang đầy tính Thiền. Và, không biết những tác phẩm thấm đẫm mùi thiền này có ảnh hưởng ngược lại tác giả hay không, tôi rất chủ quan khi nói rằng cảnh sống của ông bà (mà tôi biết được) trôi đi tự nhiên, tĩnh lặng, an bình như những thiền sư. Hay là, chính nếp sống đó đã tuôn chảy lên những tác phẩm kia.
Riêng hôm nay tôi chỉ xin thưa về loạt tranh tôi rất mực yêu quí của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp: Loạt tranh “Khỏa Thân”, và dĩ nhiên, phụ nữ khỏa thân. Vâng, có thể cho rằng vì tôi là một tên hư đốn. Nhưng không, ở đây, sự khỏa thân của các phụ nữ trong tranh Nguyễn Thị Hợp hoàn toàn không vướng chút “lòng trần’, không gây ra chút cảm xúc, ý nghĩ “hư đốn” nào nhập vào trong tôi. Bởi vì tôi tin rằng những bức khỏa thân của bà mới mang nhiều thiền tính nhất, mới an nhiên tự tại nhất, mới Việt Nam nhất.
Không rõ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ hoặc minh họa bao nhiêu bức tranh khỏa thân, riêng chúng tôi tìm được hình ảnh mấy bức họa tuyệt vời của bà qua sách, báo, internet, xin kể sau đây: “Khỏa Thân”, màu nước trên lụa; “Rửa Chân”, màu nước trên lụa; “Mẹ Con”, màu nước trên lụa; “Khỏa Thân Và Măng Cụt”, màu nước trên lụa; “Thiếu Nữ Ngủ Ngày”, trong phần minh họa cho cuốn Augen lachen, Lippen blühen (Thơ Hồ Xuân Hương do giáo sư Tiến Hữu dịch sang tiếng Đức, Verlag Simon & Magiera)
Người ta thường nói đến mấy màu chủ đạo trong tranh Nguyễn Thị Hợp: Hồng, Xanh lá cây, Xanh dương. Dưới bàn tay tài hoa của bà, những màu sắc trên luôn rộn ràng, tươi mát trong các sinh họa của Bà Mẹ, Trẻ Em, … Riêng tôi, qua loạt tranh khỏa thân của bà, tôi lại yêu mến, thân thiết với màu nâu, nâu đỏ, bà để lại trong tranh. Phải thú nhận rằng tôi mù tịt về hội họa, nếu tôi trình bày vài ý tưởng ngô nghê dưới đây chỉ vì khi xem tranh bà Hợp, tự nhiên tôi cảm nhận như vậy.  Một ông thầy bói sờ voi chỉ biết con voi là như thế.
Bức “Rửa Chân” dành cho màu nâu nhiều nhất. Từ tấm vách liếp sau lưng người phụ nữ để ngực trần, đến nền đất ngôi nhà, và cả cái chậu gỗ đựng nước rửa chân, đều ít nhiều có độ đậm, nhạt của màu nâu. Một thứ màu nâu sáng và tươi. Cái chậu gỗ màu đậm nhất, và tôi tưởng rằng dù không sáng và tươi như mấy màu nâu kia, cái chậu gỗ vẫn có vẻ cười vui thỏa thích theo đôi chân khoắng nước. Ngay bức “Khỏa Thân” với màu nâu ít nhất, nhưng màu nâu của một tí khăn vấn tóc, vài chục viên gạch dưới chõng tre vẫn khiến cho giấc ngủ của thiếu nữ nằm trên chõng sâu hơn. Chỉ một chút xíu màu nâu cũng đủ tôn vinh tấm thân trắng hồng của người phụ nữ. Ở bức “Mẹ Con”, tấm vách sau lưng có màu nâu rất đậm, như một điểm tựa an toàn, một bảo đảm hẳn nhiên cho đưa con ngủ say trong lòng Mẹ. Đến bức “Khỏa Thân và Măng Cụt” thì màu nâu đã làm tất cả cho vẻ đẹp của tấm thân người nữ.
Từ chuyện yêu màu nâu trong tranh khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, tôi miên man nghĩ thêm vài điều khác. Các phụ nữ khỏa thân trong tranh của bà phần nhiều mang dáng vẻ người phụ nữ rất bình thường. Vài nàng vắt tấm khăn rằn cho chắc ăn “chúng tôi thiếu nữ Nam Kỳ”. Ở đâu ra “màu nâu” cho bà. Ở Miền Nam thường xài màu đen cho quần áo thôn quê, chỉ ở Miền Bắc mới có củ nâu nhuộm vải. Ở quê là chúng tôi mặc quần áo nâu sòng. Các “Liền Bà” quê hương Lim của họa sĩ khi đi hát đối đáp cũng mặc tứ thân nâu với giải thắt lưng bao sắc màu sặc sỡ. Họa sĩ vẫn luôn hồi tưởng về những hình ảnh ghi nhận từ tuổi ấu thơ. Bà từng thú nhận những bức tranh khỏa thân thường từ hồi tưởng. Bà không vẽ theo người mẫu thực. Hồi bé, bà đã chứng kiến các bà Mẹ vạch ngực cho con bú giữa chốn đông người. Phải chăng màu nâu vẫn là một màu in hằn trong trí tưởng bà về hồi còn bé? Màu nâu cũng là màu gần gũi hương vị thiền?
Có vẻ màu nâu ám ảnh họa sĩ nên bà Hợp hay vẽ trái măng cụt. Cảm giác nực cười của tôi khi xem bức tranh “Khỏa Thân Và Măng Cụt” là một cảm giác “quá đã”, cả một sọt măng cụt! Những trái măng cụt của bà đẹp lắm. Chúng hiền lành, dịu dàng, ngoan ngoãn. Và trái măng cụt nằm hạnh phúc trong tay mềm mại của người phụ nữ. Trong bức “Em Bé Với Quả Măng Cụt” cũng vậy. Em còn bé, nên em khuôn phép hơn, tôn kính hơn, cả hai bàn tay nâng trái măng cụt. Đôi bàn tay non nớt vừa trân trọng, vừa thương yêu nâng niu trái măng cụt viên mãn, “tròn như nhân quả!”. Hẳn là “Măng Cụt” cũng an nhiên, tự tại.

Một ngày cuối năm 2017 tôi có cơ hội đến thăm ông bà Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp. Ông Đồng kể lại vài mẩu chuyện vui trong cuộc đời nghệ sĩ của ông bà. Hồi nhỏ ông đã thích vẽ. Vẽ ở đây là cầm cây viết chì nghuệch ngoạc trên giấy nhưng chưa hề biết trên đời có một thứ gọi là “Bức Tranh”. Hình chụp, ông có thấy, một bức tranh thì không. Khi lên Đệ Thất, may mắn gặp Thầy giáo dạy vẽ là người tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Hà Nội, giảng giải từ căn bản trở đi, ông mới có ý niệm sơ khởi về bức tranh. Lên Đệ Lục, Đệ Ngũ, xem thêm sách báo, làm quen với các nhân vật của “Tự Lực Văn Đoàn”, đọc truyện nhiều tác giả khác, mới khám phá ra là giữa cõi đời có những con người được gọi là Họa Sĩ, có một ngành nghệ thuật là Hội Họa. Họa Sĩ, Hội Họa cũng có thể cho ta một “nghề” giữa hàng trăm, hàng ngàn nghề nghiệp trong xã hội. Nhưng chỉ là hiểu biết lý thuyết vậy thôi, chứ chưa từng được gặp một bức tranh nào. Đến khi tìm được mấy tờ báo Tây, như Paris Match, mới thực sự có ý niệm rõ hơn về các bức tranh. Báo Paris Match lâu lâu có những bài giới thiệu các họa sĩ phương Tây: Renoir, Vangog, Gauguin, Monet, … Mỗi lần có bài như vậy, ngoài phần tiểu sử, cuộc đời, bút pháp, bao giờ bài viết cũng kèm thêm mấy trang in tranh, thường là tranh màu. Bây giờ cậu học trò tỉnh lẻ mới biết được “bức tranh” là gì, mới hiểu được hội họa là gì, sự hòa hợp màu sắc, đường nét là gì.

Họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ rất nhiều tranh bởi vì ông đến với hội họa từ rất sớm. Khi còn bé ông đã đến học với Họa Sĩ Nguyễn Cường. Sau này ông không theo học liên tục một trường mỹ thuật hay hội họa nào, ngoài ít buổi dự thính tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Nhưng ông lại là một trong số ít anh em đầu têu dựng lập Hội Họa Sĩ Trẻ, triển lãm cùng anh em nhiều lần.
Sinh năm 1940 tại Cần thơ, năm 1965 ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, ban Triết. Năm 1965, họa sĩ Nguyễn Đồng có cuộc triển lãm đầu tiên cùng 4 họa sĩ khác: Nguyễn Ngọc Thạch, Đinh Ngọc Mô, Nguyễn Hữu Cầu,  và một “bà đầm”. Cuộc triển lãm diễn ra ở Tòa Đô Chánh, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cắt băng khánh thành phòng tranh. Bà đầm họa sĩ có ông chồng trông coi Trung Tâm Văn Hóa Pháp, thế là năm sau, 1966, Nguyễn Đồng có cơ hội bày tranh tại một cơ sở rất đẹp đẽ, tráng lệ. Sau hai lần trả lại được giấy gọi đi học trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một lần khi đang học Sư Phạm tại Viện Đại Học Đà Lạt, một lần sau khi tốt nghiệp, ông được điều đi dạy học tại trường Trung học Vỵ Thanh, tỉnh Chương Thiện. Vào năm 1965, Chương Thiện vẫn còn là một địa danh đầy máu lửa, mặc dù chỉ cách Cần Thơ 60 cây số. Nhưng mấy tháng sau, cuối 1965, đầu 1966, Bộ Giáo Dục lúc đó Giáo Sư Trần Ngọc Ninh là Bộ Trưởng, điều ông về Trung Tâm Học Liệu ở đường Trần Bình Trọng, Sài Gòn. Tôi nhớ lại giai đoạn này. Cuối 1966, đầu 1967, do khuyến khích của ông “Thành Hiện Đại” (Nhà phát hành chính của Lá Bối, An Tiêm, …), tôi thành lập Nhà Xuất Bản Quảng Hóa. Sau một tập nhạc của Phạm Duy, tôi xuất bản tập nhạc cho sinh hoạt thanh niên của Nguyễn Đức Quang, tập “Những Bài Ca Khai Phá”. Ông Đồng chính là người trình bày bìa cho tập nhạc này, và qua câu chuyện, tôi mới biết đó cũng là bìa sách đầu tiên của ông khi mới từ Chương Thiện về. Sau đó, ông có dịp cộng tác với nhiều tờ báo sài Gòn, đóng góp một số bài khảo luận về hội họa và mỹ thuật. Đặc San Bắc Ninh có xin in lại bài của ông trong mấy số trước.

Ông bà lại kể về chuyện “chàng tán nàng”. Bà Hợp được Thầy Lê văn Đệ giới thiệu vào làm ở Trung Tâm Học Liệu, từ đó bà được đi tu nghiệp ở Đài Loan, nên cuộc triển lãm đầu tiên của bà xẩy ra ở xứ đảo. Công việc của bà Hợp là trình bày, minh họa cho sách giáo khoa, thì giờ rảnh đi dậy giúp cho Trung Tâm Xây Đời Mới ở Quận Tám của mấy ông thanh niên Uông Đại Bằng, Hồ Ngọc Nhuận. Tại Trung Tâm Học Liệu, nhóm họa sĩ có phòng làm việc riêng, rất thoải mái, không gò bó. Mấy bạn bên Trường Sư Phạm Thự Hành hay qua nhờ vẽ chuyện này, chuyện kia. Cho đến khi  Ban Truyền Hình được thành lập, từ đó đẻ ra “Đố Vui Để Học”. Là một cô “Bắc Kỳ nho nhỏ”, chính gốc Bắc Ninh với giọng nói chuẩn mực, khuôn mặt lúc nào cũng xinh xắn và tươi như hoa, bà được phân phối đi làm truyền hình. Phòng họa sĩ phản đối quá xá vì bỗng dưng hoa khôi đi mất.
Tại đây, tại Ban Truyền Hình, chàng họa sĩ Cần Thơ đã tán được cô họa sĩ Bắc Ninh. Ông bà thành hôn năm 1968, sau Tết Mậu Thân mấy tháng. Đám cưới ở Sài Gòn, xong ông bà về Cần Thơ cũng phải đi máy bay.
Họa sĩ Nguyễn Đồng có hai dịp xuất ngoại. Đầu tiên đi Phi Luật Tân học về Đồ Họa. Sau đó, đi Mã Lai tu nghiệp về nghề in Offset, và ông trở thành chuyên viên hiếm hoi của ngành này tại Việt Nam lúc bấy giờ, tức đầu thập niên 1970. Lúc đó chuyện in offset bắt đầu phổ biến, người ta thường gọi “offset 4 màu.” Những nhà in nhỏ cũng có thể in loại này, nhưng để làm film thì chỉ có vài nhà in lớn, như nhà in Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn Ấn Quán. Trung Tâm Học Liệu cũng thiết lập nhà in, và họa sĩ Nguyễn Đồng là Quản Đốc cho Ấn Quán, một cơ quan tự trị tài chánh. Công việc xây cất cơ sớ tiến hành, bắt đầu chương trình huấn luyện nhân viên, vừa chuẩn bị mọi thứ xong thì “tai họa 1975.”
Năm 1979, gia đình ông Nguyễn Đồng đến tỵ nạn ở Tây Đức.  Ông cùng bà Nguyễn Thị Hợp được giới thiệu làm việc tại một tờ báo địa phương, tờ tuần báo “Buchholz – Nordheide Weekly”. Với kinh nghiệm trình bày sách giáo khoa của bà, và kinh nghiệm nghề in của ông, ông bà dễ dàng hội nhập với đà làm việc của một tờ báo Đức, và triển lãm tranh tại viện bảo tàng nơi định cư, Buchholz, một thành phố nhỏ ở gần Hamburg. Năm 1981, ông làm việc cho hội tư “Vietnamesisches Kulturzentrum” (Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam) ở Bonn - thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Đức, đứng tổ chức Triển Lãm Vietnamesische Kunst (Nghệ Thuật Việt Nam) tại Trung Tâm Văn Hóa Bonn.  Sau đó ông, bà thường xuyên triển lãm ở Âu Châu, nhất là tại Paris, như tại “Galerie La Sensitive Paris”.
Gia đình ông sang định cư tại Mỹ từ 1987. Và lúc đó, như bà Hợp trả lời một cuộc phỏng vấn của báo Viễn Đông: “Lúc mới từ Đức sang đây, chúng tôi cũng vất vả lắm. Ở nhà nhờ, đi xe nhờ, đến nỗi con gái chúng tôi luôn miệng hỏi “hôm nay mình sẽ đi xe của ai, ở nhà ai?”.
“Gia đình” hai họa sĩ Nguyễn Đồng -  Nguyễn Thị Hợp không chỉ có hai họa sĩ, còn có họa sĩ thứ ba, ái nữ của ông bà, cô Đan Chi. Từ những ngày nhỏ xíu trong trại tỵ nạn, Đan Chi đã ghi lại ký ức  cuộc sống của người vượt biên bằng hội họa, và sau này, khi không còn bận bịu trường ốc, cô trở lại với màu sắc, hình khối.  Đã có lần “Cả Nhà” cùng triển lãm tại một phòng tranh. Không lâu trước đây, Đan Chi còn phải giữ phần mỹ thuật cho báo tiếng Mỹ “Người Việt 2”.
Gọi là “không lâu”, nhưng cũng đã trên 10 năm rồi, từ 2007 trở về trước, khi họa Sĩ Nguyễn Đồng gánh vác phần Mỹ Thuật và lay out cho tờ Giai Phẩm Xuân Người Việt, độc giả đã có cơ hội nâng niu từng số báo xuân như những tác phẩm nghệ thuật.
Quả thật vậy, ngay khi ngắm nhìn trang bìa tờ báo xuân, độc giả đã cảm thấy rộn ràng lên “lòng xuân phơi phới, như trăng mới lên, như hoa mới nở”.  Câu trên trích từ bài “Hy Vọng” của Nguyễn Bá Học nói đến con người ở tuổi thanh niên, cũng rất đúng cho tâm trạng kẻ viết bài này khi được ngắm nhìn bìa báo xuân NV trước đây, dù bây giờ đã vào tuổi xế chiều. Dĩ nhiên là bức tranh của Nguyễn Thị Hợp dành cho bìa tờ báo góp phần cho độc giả cảm giác lòng xuân rộn rã đó, nhưng nếu không phải Nguyễn Đồng trình bày trang bìa, thì màu sắc, hình thái bức tranh sẽ bị chìm đâu đó vào cõi đời ô trọc, tạp nhạp. Gần đây có bìa vài tờ báo xuân cũng xin tranh Nguyễn Thị Hợp, nhưng khi nhìn vào, quí vị sẽ thấy ngay bức tranh như một bức tượng quí lăn lóc trên đống hoang tàn đổ nát của một ngôi nhà thành thị bỏ hoang.
Họa sĩ Nguyễn Đồng là một nghệ sĩ thực thụ không để cho bất cứ thế lực đời sống nào chi phối, ảnh hưởng đến sự sáng tạo nghệ thuật của ông, nên đã mưu sinh bằng một nghề tay trái. May mắn thay, phần lớn thời gian nghề tay trái này lại dính dáng đến nghệ thuật. Cho nên khi phụ trách Mỹ Thuật cho tờ nhật báo, nhất là khi lo phần trình bày các tờ báo xuân (trước đây), ông đã chăm chút từng trang tờ báo xuân như một tác phẩm nhỏ bé. Ông luôn dành không gian cho từng “con chữ” có chỗ để thở, dành vị trí thích đáng, trang trọng cho từng bức tranh, hình minh họa của các họa sĩ, nhiếp ảnh gia đóng góp, sao cho toàn bộ những dòng chữ, to nhỏ, đậm nhạt sẽ là một tôn vinh cho bức minh họa. Và vẻ hòa hợp ấm áp của toàn bộ trang báo đã phần nào cho ta cảm nhận nội dung những gì các dòng chữ khia nói đến. Ông là một nghệ sĩ, nhưng không phải  là một nghệ sĩ “đi trên mây”.  Trình bày bài vở, ông đắn đo, cân nhắc vẻ mỹ thuật đã đành, ông còn giúp tác giả hoặc người đánh máy sửa chữa từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu ngã, những lỗi chính tả rất nhiều lần chúng ta thường phạm phải. Một công trình, một tác phẩm đối với Nguyễn Đồng phải không còn “hạt sạn” nào.
Kẻ viết bài này chỉ là một trong hàng triệu người xem tranh bình thường, không biết chút gì về những lý luận bố cục, màu sắc, … của những nhà phê bình hội họa. Xem tranh chỉ thông qua cảm nhận tự nhiên về bức tranh. Như ở trên có nói, ngắm nhìn tờ báo xuân có tranh Nguyễn Thị Hợp, do Nguyễn Đồng trình bày, tự nhiên trong lòng có cảm giác yên bình phơi phới của mùa xuân đã về đâu đây. Nhưng nếu có ai hỏi tại sao, cùng lắm chỉ có thể giải thích như : A, thì tại cái màu sắc này, cái nét vẽ này, … nghĩa là chẳng giải thích gì cả. Cho nên, nếu hỏi vì sao thích tranh Nguyễn Đồng, thì xin lỗi không thể trả lời.  Vả chăng, có phải thưởng thức nghệ thuật là một cảm nhận, một tình cảm gần gũi, tương đồng giữa tác giả và người thưởng ngoạn? Các nhà phê bình có thể giải thích vì sao người đọc, người nghe, người xem có cảm nhận đó, thấy sự gần gũi, tương đồng đó, nhưng chính người xem thì chẳng bao giờ tự mổ sẻ lòng mình. Cho nên, nói về cảm nhận của mình trước một bức tranh, đôi khi tôi ngại rằng đã “gán’ cho tác giả những suy tư, tình cảm không hề có khi sáng tác.
Hồi trẻ tuổi tôi không thích tranh Nguyễn Đồng. Sinh hoạt rất gần với phòng triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, nên cơ hội xem tranh, gặp gỡ các họa sĩ của hội khá nhiều. Lúc đó tôi chỉ “yêu” tranh Nguyễn Trung với những nét đơn giản, tươi mát, mềm mại, và một thứ màu xanh, màu tím kỳ lạ. Tranh Nguyễn Đồng với tôi lúc đó sao mà khó hiểu, khó “cảm”, đầy những phức tạp của đắn đo, suy nghiệm. Ngay hồi đó tôi đã biết mình là kẻ không biết “xem tranh”, chỉ chiều theo cảm xúc về đường nét, màu sắc của bức tranh tự nhiên ập đến với mình, đôi khi làm mình bồi hồi, xao xuyến. Có lẽ cái tuổi thanh niên thành thị ồn ào, háo hức khiến tôi cảm thấy màu sắc, hình tượng trong tranh Nguyễn Đồng lúc đó như cố níu kéo cuộc đời chậm lại, níu kéo bước chân lãng du hãy chầm chậm trên một khúc đường quê. Lớn lên, ra hải ngoại, được xem tranh Nguyễn Đồng, xúc cảm trong tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Bây giờ, già rồi, tôi lại đâm ra yêu tranh Nguyễn Đồng, có vẻ như những màu sắc, hình nét đó “hợp hơn với mình”, (hay là bây giờ mình hợp hơn với bức tranh đó?) Từ bức tranh tôi yêu thích nhất của Nguyễn Đồng, bức “Ao Nhà II”, tôi tìm về những gì dẫn dắt đến bức tranh này, xuyên qua rất ít hình chụp, hình in các họa phẩm của Nguyễn Đồng mà tôi tìm được.  
Đầu tiên tôi có là bức “Trong Ánh Nến”. Toàn bộ bức tranh cho tôi nỗi bồi hồi của hoài niệm về “ao nhà’, về mái nhà xưa, về mẹ già đang ẩn nhẫn trong ngôi nhà tranh đó, … về quê hương ở đâu xa lắm. Tôi không biết tác giả nghĩ gì, cảm gì qua ánh nến, với tôi, vùng màu tím nhạt làm nền trung tâm bức tranh mênh mông như ước mơ của tôi, ước mơ dù đôi chút lạc quan nhưng vẫn là những gì xa vời vợi, ước mơ về với quê hương yêu dấu. Không hiểu “Trong Ánh Nến” được vẽ vào năm nào? Có phải trước năm 1983, năm tác giả vẽ “Ao Nhà II” như một phát triển rõ hơn hình ảnh của ao nhà, mái tranh xưa, từng lung linh qua ánh nến?
Cũng từ “Ao Nhà II”, tôi ngược lại hơn 10 năm, 1972 với “Con Đường Đất Đỏ”, sơn dầu. Tôi đã thấy đâu đó bức tranh này từ ngày xưa. Tôi còn nhớ mơ hồ về nỗi băn khoăn khó cảm nhận được những gì chất chứa qua hàng hàng lớp lớp tàu lá dừa. Đàng sau lớp lá dừa trùng điệp đó là một cõi gì xa xăm ở cuối con đường? Bây giờ, cái mảng màu đỏ nhỏ nhoi của con đường lại cho tôi niềm xúc động hun hút, sâu thẳm trong rừng dừa bạt ngàn. Có vẻ như để đến được ao nhà, chúng ta phải lang thang qua những con đường đất đỏ hiền lành và chắc rằng chất chứa ít nhiều kỳ bí. Có vẻ như lũy tre xanh, cây đa đầu làng, cây gạo đầu làng là biểu chưng của quê hương miền Bắc, thì những tàu lá dừa chính là quê hương Miền Nam của Nguyễn Đồng, là những gì đọng lại trong trí tưởng khi người họa sĩ đi xa.
Tôi không rõ có bức “Ao Nhà I” hay không. Tôi bắt gặp một hình ảnh khác của “Ao Nhà II” qua bức “Ánh Lửa Trong Nhà”, màu nước của Nguyễn Đồng. Có lẽ ngôi nhà quê cũ, có thể là nơi ông ra đời, hoặc nơi ông lớn lên trong vòng tay Mẹ suốt giai đoạn trẻ thơ, và cũng có thể là nơi phụ thân ông nhắm mắt lìa đời, nơi Mẹ già vẫn hằng đêm mong ngóng, … nơi ông yêu quí nhất, lúc nào cũng nặng chĩu trong tâm tưởng ông. Cuộc đời phiêu bạt của ông trải qua biết bao miền đất trên thế giới này, nhưng có ở đâu chăng nữa, hình như ngôi nhà quê xưa mới thực là nơi ông muốn được an trú. Ánh lửa trong ngôi nhà đó ấm áp thân quen là thế mà sao vẫn xa vời vợi. Ánh lửa trong nhà là một mời gọi từ thuở xa xưa, từ thời con người tìm ra lửa. Có lửa là có đoàn tụ, có sự sống. Nhớ về ánh lửa đó, lòng ta có thể nghẹn ngào, nhưng ánh sáng vườn sau ngôi nhà lại như những gì lạc quan còn đó, còn ngôi nhà, còn nguồn cội.
Trở lại bức tranh tôi yêu nhất “Ao Nhà II”. Một khoảnh ao bình thường, lặng lẽ. Cũng cái cầu ao chứng tích bao lần giặt dũ, vo gạo của Mẹ già, của cô em, và có thể, cả những lần tôi nhẩy xuống ao mát lạnh giữa những ngày hè. Khoảnh ao này còn phản chiếu cả khung nhà tranh âm thầm, nhẫn nhịn, giữ gìn biết bao kỷ niệm của cả một phần đời tôi, giữ gìn nền nếp một chuỗi nối dài nhiều thế hệ. Rõ ràng không có chút hình ảnh nào của Bà Mẹ Già còn sống nơi quê nhà, nhưng dưới mái tranh bình lặng kia chắc rằng Mẹ đang đong đưa trên võng dưới ánh đèn dầu, nhớ về ngày xưa, về hôm nay, và “nhớ về cả ngày mai”. Tôi được coi bức ảnh chụp với Mẹ khi Ông, Bà Nguyễn Đồng về thăm “ao nhà” ở Cần Thơ. Hẳn rằng đó là “ngày mai” mà Mẹ hằng mong ngóng. Trước đây tôi đã xúc động khi ngắm “Ao Nhà II”, nay qua ảnh chụp, nỗi xúc động như mãnh liệt hơn, ngập tràn hơn.
Tự biết là một kẻ kém cỏi về thưởng ngoạn nghệ thuật, nhất là thưởng ngoạn tranh, nên ở đây tôi chỉ xin ghi lại những cảm nhận của riêng tôi khi đứng trước tranh của Nguyễn Đồng. Nhiều lúc tôi bật cười tự hỏi về những điều mình cảm thấy do bức tranh đưa đẩy có chút nào dây dưa gì đến cảm xúc, ý tưởng của tác giả khi vẽ tranh? Có thể hai bên xa nhau cả cây số. Có hề gì, miễn là tôi thực tình yêu thích những tranh đó, như khi tôi quyến luyến nghĩ về một thiếu nữ. Song thân nàng bảo rằng “con bé chẳng biết làm gì cả, suốt ngày chỉ rong chơi, … “ Nhưng tôi thấy nàng có duyên quá, đằm thắm quá, và tôi yêu. Thế thôi! Cũng trong chiều hướng đó, tôi xin kể thêm nỗi xúc cảm của riêng tôi khi xem bức tranh “Cửa Sổ”. Một thứ màu tím sâu thăm thẳm làm nền, nổi bật lên là những cây khô khẳng khiu bên ngoài cửa sổ với lớp mây trắng lững lờ (hay tuyết trắng?). Ngoài kia là một thứ mùa đông phương trời Tây. Cái thứ mùa đông nhợt nhạt này gợi đến những cơn giông vần vũ (có phải là của) những ngày đã qua, mà ở xa hơn nữa là đồng cỏ, cây lá ngày xưa, hay là của những ngày sắp tới, chồng chất khó khăn và hy vọng? Khung cửa sổ với một trời mênh mông xa lạ đang làm tôi bâng khuâng, thì hốt nhiên tôi nhìn xuống góc dưới của bức tranh, và nỗi xao xuyến đến mềm lòng khi bắt gặp những gì thân quen âm thầm nằm đó. Khung cửa sổ bỗng trở nên không thực hiện hữu, với tôi. Những gì lang bang ngoài kia, kể cả nét còm cõi của cành cây ngu ngơ giơ lên nền trời cũng là những gì mong manh câm nín. Tôi lại đắm chìm xúc cảm khi chợt thấy ở góc nhỏ nhoi đó, tôi gọi là “ở trong nhà”, một khoảnh màu đỏ cổ điển, và trời ạ, trên mảng màu đó là một đĩa trái cây có bày buồng chuối (chuối cau?), và cây nến thắp sáng cắm trên chân nến đồng thường bày ở bàn thờ. Tôi chợt tin rằng góc nhỏ nhoi này mới là phần chính của bức tranh. “Trong nhà” mới là điều tác giả muốn nói tới. Bên ngoài cửa sổ là cuộc sống đang diễn ra, nhưng lơ mơ, vô định. Trong nhà là những ấp ủ, nâng niu, cố gắng giữ gìn của tác giả. Đó chính là nỗi khát khao câm lặng của kẻ tha hương.
Hay đó chính là những nỗi khát khao câm lặng của của kẻ viết bài này, nhất là vào những ngày cuối năm, những ngày người ta hay hướng đến “đất, trời”, để biết cảm ơn các đóng góp của tha nhân. Xin cảm ơn Gia Đình Một Họa Sĩ Bắc Ninh đã cho tôi được biết đến những nét đẹp vô ngần.

Ghi Thêm: Trong Tháng 9, 2019, hai Họa Sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hơp có cuộc triển lãm cùng Họa Sĩ Nguyễn Quỳnh, tại Little Sài Gòn, California, trong đó có trưng bày tranh của Họa Sĩ quá cố Hoàng Ngọc Biên. Các vị này thường triển lãm chung. Điều xin "ghi thêm" ở đây là bức tranh "Con Đường Đất Đỏ" của Nguyễn Đồng lần đầu tiên ghi là "Con đường đất đỏ trong vườn cau" (trước đây chỉ ghi là "Con Đường Đất Đỏ"). Vậy thì, không phải như cảm nhận của kẻ viết bài này đó là con đường đất đỏ của Miền Nam, đang chui vào vườn dừa bát ngát. Có lẽ Họa sĩ Nguyễn Đồng chắc muốn ghi cho rõ (vườn gì) để tránh ngộ nhận.


Nghe nhạc Phạm Duy giữa Sài Gòn


Tuesday, January 27, 2009
Nghe nhạc Phạm Duy giữa Sài Gòn



Điệu nhạc tango vang lên thôi thúc, mời mọc trong ánh sáng dịu nhạt của một quán cà phê gần khu cuối đường Đồng Khởi. Chúng tôi đang được nghe bài “Phố Buồn” của Phạm Duy ngay giữa thành phố Sài Gòn vào một ngày đầu Tháng Bảy, năm 2004.
N. H. là nữ ca sĩ thường trực của quán cà phê. Lần đầu tiên tôi đến quán, anh bạn tôi vốn quen biết cô từ lâu đã giới thiệu tôi như một người thích nghe nhạc Phạm Duy. Thế là trong khoảng 12 bài hát cô trình bày hôm đó, có 6 bài của Phạm Duy: “Bên Cầu Biên Giới, Tìm Nhau, Hẹn Hò, Tiễn Em, Đừng Xa Nhau, Thương Tình Ca”. Cái sảng khoái của một buổi tối Sài Gòn là giữa những bạn bè thân quen, những kẻ vác ngà voi suốt thời sinh viên thập niên 60, chúng tôi được nghe Phạm Duy với đầy ắp những kỷ niệm một thời xưa cũ. Suốt mấy tối liền bóng dáng đầy đặn của N. H. cứ như chơi vơi trên bục diễn khi cô đam mê hát một loạt những bài hát từ lâu không còn vang lên trên đường phố Sài Gòn, để chiều ý nhóm khách hàng đang ngồi trong góc tối thích nghe Phạm Duy.
N. H. đã vào độ tuổi ngoài 40. Cô cũng có theo nghiệp 
hội họa, nhưng cô thích hát nên đã sống đời ca hát hơn 10 năm nay. Trong dịp gặp Phạm Duy năm 2001, cô được nhạc sĩ cho một CD gồm 800 bài hát. Cô giữ được một ấn bản hiếm hoi nhạc Phạm Duy do nhà xuất bản Quảng Hóa in năm 1970, tập “Ca Khúc Cho Ngày Mai” với phụ đề là “Trong Tập Hòa Bình Ca”. Cô đưa cho Phạm Duy xem và nhạc sĩ đã ký tên trong tập bài hát cũ kỹ này để tặng N. H., và ghi “Rất thân ái, Tháng 8 – 2001”. Chắc chắn đây là một kỷ vật vô cùng quí giá của N. H., vậy mà khi nghe anh Ái, bạn tôi, giới thiệu tôi: “Đây chính là người sáng lập nhà xuất bản Quảng Hóa, và hiện giờ chàng này không hề giữ được bất kỳ một ấn bản nào những sách của các tác giả chàng đã xuất bản”, cô đã không ngần ngại tặng lại cho tôi tập nhạc này. Cử chỉ đó nói lên sự lớn lao trong tính cách nghệ sĩ của cô. Trong những sách Quảng Hóa xuất bản, về nhạc, có một tập nhạc Nguyễn Đức Quang “Những Bài Ca Khai Phá” với bìa và phụ bản của họa sĩ Nguyễn Đồng, và hai tập nhạc của Phạm Duy, một tập hình như tựa đề là “Vòng Tay Thế Giới”, in năm 1968, và tập N. H. còn giữ được là “Ca Khúc Cho Ngày Mai” in năm 1970. Bìa của tập nhạc sau do Nguyễn Quỳnh, hai phụ bản màu cũng của Nguyễn Quỳnh, Quang Vũ trình bày, không thấy ghi in ở đâu, và tôi cũng chẳng thể nào nhớ.
Cầm tập nhạc cô nói tên Quảng Hóa thật là ý nghĩa, và hỏi tôi chắc vốn liếng làm xuất bản lớn lắm phải không? Tôi giải thích tên đó chỉ do một chuyện nghịch ngợm thuở xưa mà thôi. Nhà xuất bản Quảng Hóa thành lập do vốn đóng góp của hàng trăm thân hữu, bạn bè với cao vọng in những sách cần cho những người trẻ lúc đó. Nhóm chủ trương gồm Ái, bạn cô (hiện ở Sài Gòn), Đạt nhỏ (hiện là luật sư ở California), Đạt lớn (Lưu Trọng Đạt) và tôi, mọi người quen coi tôi là cột trụ của nhóm. Chúng tôi bán phiếu thân hữu mỗi cái $100 (tiền VNCH), thu tiền trước, gửi sách sau. Ông Trần Chánh Thành đã cho luôn $2,000, tôi cũng chẳng nhớ đã gửi cho ông được mấy cuốn sách. Lúc chọn tên nhà xuất bản bọn chúng tôi ghi tên mấy cô quen biết hồi đó rồi bốc thăm. Hình như gồm các cô như Quảng Hóa, Hồng Hà (quán cà phê cuối đường Pasteur), Nhuệ Giang (Bông hồng Quán Văn – chữ của Nguyễn Thụy Long), .... Khi chuẩn bị in tập “Ca Khúc Cho Ngày Mai” tôi đi lính, Lưu Trọng Đạt cùng Nguyễn Quỳnh tiếp tục trông coi nhà xuất bản. Sau Đạt và Quỳnh đổi tên thành nhà xuất bản “Quán Văn”, tên quán cà phê do chúng tôi thành lập của một thời hào hứng của tuổi thanh xuân. Hiện nay trong tập nhạc, trên trang có chữ ký và thủ bút của Phạm Duy còn có thêm chữ ký Nguyễn Quỳnh, nhưng tôi không thể nào lấy thêm chữ ký của Lưu Trọng Đạt vì người bạn hiền lành này đã được “Tổ Quốc Ghi Ơn” từ 1973.
Trước khi trao tôi tập nhạc, cô N. H. nâng niu lật từng trang sách úa vàng, chỉ tôi xem từng dấu vết những ngày cất dấu. Tập nhạc gồm các bài: “Cung Chúc Việt Nam; Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài; Một Ngày, Một Đời; Khi Tôi Về; Kỷ Niệm; Thu Chiến Trường; Xuân Thì; Hoa Xuân; Xuân Nồng; và Con Đường Cái Quan”. Có lẽ đây là lần thứ hai trường ca Con Đường Cái Quan được in ra sách. Tôi hỏi N. H. vì sao cô còn biết nhiều đến nhạc Phạm Duy trong hoàn cảnh mấy chục năm nay không ai nhắc đến nhạc sĩ này ở Việt Nam. Cô nói:
- Trước 75, song thân em thường nghe nhạc Phạm Duy. Điệu nhạc, lời ca Phạm Duy cứ thế thấm dần vào đầu óc trẻ thơ, và em say mê nhạc Phạm Duy từ đó. Thực ra nói sau 75 ở Việt Nam không ai nhắc đến bác Phạm Duy là không đúng. Bác Nguyễn Văn Tý hoặc một số nhạc sĩ, văn nghệ sĩ khác cũng đã công khai nhắc đến Phạm Duy. Ca sĩ nổi tiếng Lê Dung cũng đã ghi âm mấy bài của Phạm Duy trong một CD phát hành ở trong nước. Nhạc bác Phạm Duy bị cấm phổ biến nhưng vẫn được âm thầm hát đâu đó dù không nhiều.
Mấy buổi tối sau đó mỗi khi thấy chúng tôi đến quán cà phê, N. H. đều thu xếp để hát một số bài của Phạm Duy. Cô còn phải chiều ý những lời yêu cầu khác, hát những bài của các tác giả khác, nhưng quan trọng hơn cả là phải biết rõ người đệm cho cô có thể chơi bài Phạm Duy cô định hát hay không. Cô phải giải thích cho chàng nhạc công ý nghĩa của bài hát ra sao, theo cô cảm thì bài nhạc phải được diễn đạt thế nào. Tìm được một nhạc công trẻ từng biết đến nhạc Phạm Duy là một điều không dễ. Nhưng cô cố gắng chiều chúng tôi. Cô cho rằng được hát những bài hát mình yêu thích cho những người cũng yêu thích những bài đó, là một điều hạnh phúc của cô, nỗi hạnh phúc lâu rồi cô ít có. Từ lâu, cô kiếm sống bằng những buổi hát tại các quán cà phê. Cô nói rằng không phải vì “đi hát kiếm sống” như vậy mà cô hát cho qua, hát như trả bài. Với những bài hát của các tác giả khác cô vẫn hát bằng cả tâm hồn, bởi vì “mình được cơ hội cống hiến khả năng cho mọi người thưởng thức, mà lại được trả tiền nữa thì tốt quá rồi, cho nên em luôn hát bằng tất cả sự cảm nhận của em...” Thực ra những bài cô hát thường là của những tác giả nổi tiếng trước đây như Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, ... Nhưng cô nói những bài hát loại đó cũng kén chọn người nghe, chỉ lớp đứng tuổi mới có thể cảm được, còn lớp trẻ bây giờ có những chọn lựa khác, mà “nếu không có nhiều khách đến uống cà phê ở quán mình hát thì em sợ chủ quán sẽ phải tìm ca sĩ khác thôi!” Cô nói rất thành thực đượm chút đau sót của một nghệ sĩ trình diễn đã quá tuổi vẫy vùng. Giọng hát của cô còn hơn rất nhiều những ca sĩ trẻ hiện nay ở Sài Gòn. Cô hơn hẳn lớp ca sĩ đó ở cái “với tất cả tâm hồn” trong khi hát. Nhưng cô không thể chen chân vào cái khối lượng ca sĩ trẻ trung, ăn mặc thời trang, mát mắt, chịu uốn éo ...
Cô tâm sự: Anh nghĩ xem, mấy cô cậu trẻ bây giờ làm sao cảm được “Mắt Biếc, Ngọc Lan, Thu Vàng,...” Họ chỉ thích nghe những bài họ đã quen thuộc của lớp nhạc sĩ trẻ bây giờ, hoặc của các nhạc sĩ thành danh của Miền Bắc hay được Miền Bắc chấp nhận từ đầu như Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Có bao giờ họ được biết đến Cung Tiến,... và đặc biệt là Phạm Duy. Nhiều năm qua cô rất ít hát Phạm Duy ở nơi công cộng. Cô thường phải hát những bài đang thịch hành trong nước, và một số tác giả của Sài Gòn xưa, nhưng không phải Phạm duy.
N. H. cho rằng cô có thể tìm thấy biết bao điều trong nhạc Phạm Duy. Từ những khổ đau đến hạnh phúc trong cuộc sống, cuộc tình. Nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc đó hiện thực như của chính cô. Phạm Duy như đã thấu hiểu toàn bộ cuộc sống của một con người Việt Nam, của một con người nói chung. Mỗi khi hát Phạm Duy là chính cô đang dãi bày những ý nghĩ, những khao khát, những băn khoăn của chính con người cô. Cô nhớ lại suốt giai đoạn 22 năm trời qua tính từ ngày chồng cô vượt biên và mất tích trên biển khơi, giữa lúc cô đang mang bầu cậu con trai mới tốt nghiệp đại học cách đây ít ngày. Đó là những năm tháng khắc khoải chờ đợi mà không hề nhận được một tin tức nào về chồng mình. Đó là những giờ phút tuyệt vọng vì bụng mỗi ngày mỗi to, chưa biết xoay xở ra sao khi lâm bồn và nuôi nấng con nên người, thì nhận được những lời trách móc, kết án vì mình cao số khiến cho người chồng chưa đến tuổi 30 đã ra người thiên cổ. Những lúc đó, lời ca Phạm Duy đã nâng đỡ cô từng chặng trong cuộc đời này. Từ những câu hát đơn sơ nhưng chất chứa biết bao tư tưởng về cuộc sống như “bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa”, đến triết lý Phật Giáo trong “Mười Bài Đạo Ca” mà Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư. Cô biết rõ mình đã bị thiệt thòi rất nhiều, không thể có được “em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây,...” nhưng ít nhất cô cũng có thể gởi những hình ảnh đó, những giai điệu đẹp đẽ đó cho khán giả. Khổ nỗi, lâu rồi người ta không được nghe Phạm Duy, người ta không cảm nhận được những đam mê cuồng nhiệt, những tình cảm gia đình hay lứa đôi, những ưu tư về con người, về cuộc đời trong nhạc Phạm Duy. Người ta không quen với “ngôn ngữ” Phạm Duy, làm sao những con người lâu rồi đã quen với “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, quen với công thức ngôn từ có lãnh đạo cảm được những chữ như “lời thơ nuối?”. Lâu lâu cô mới nhận được vài lời yêu cầu hát Phạm Duy từ “lớp người Sài Gòn xưa”, có lẽ người ta nghĩ cô hoặc không biết hoặc không dám hát loại nhạc còn đang bị cấm, và quả thực cô cũng ít khi dám hát, “Riêng lần này không hiểu sao em lại hát thoải mái thế”, cô nói qua một nụ cười. Cô chỉ vào một bàn ở góc trái của bục diễn và nói: “Thỉnh thoảng em vẫn được một số bạn bè của bố em đến ủng hộ, như thầy Chu Phạm Ngọc Sơn đang ngồi với mấy ông bà bạn kia. Em mừng lắm.” Và cô nhắc lại câu nói của hôm qua, nếu ít người đến nghe quá thì chủ quán phải mời ca sĩ khác thôi! “Mấy hôm rồi các anh đến em cũng mừng lắm.” Rồi cô hỏi ngược lại tôi: Thế tại sao anh thích nhạc Phạm Duy?
Tôi giải thích cho cô biết là thế hệ bọn thanh niên thành thị chúng tôi, trước cô trên dưới 20 năm, thường là được nuôi dưỡng qua tiếng hát Thái Thanh và nhạc Phạm Duy. Dĩ nhiên chúng tôi cũng thường nghe Lệ Thu, Thanh Lan, Thanh Thúy, Khánh Ly và những nhạc sĩ khác như Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Trúc Phương.... Thực ra ở thời chúng tôi trên dưới 20 tuổi, từ giữa thập niên 50 đến thập niên 60, nhạc miền Nam đang ở độ trăm hoa đua nở mà mỗi đóa hoa là một trời hương sắc. Mỗi nhạc sĩ, ca sĩ đều có vị trí nhất định trong lòng người nghe, trong đó có thể Trịnh Công Sơn được lớp thanh niên thành thị hâm mộ do tính cách một thời phản chiến. ... Nhưng với tôi, về toàn bộ chiều dài lịch sử, Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ tài ba nhất, mà còn là một sử gia, một thi sĩ lớn,... Ở trong nước hiện nay người ta xưng tụng Trịnh Công Sơn. Đa số quần chúng không được phép biết Phạm Duy, không có Phạm Duy. Họ không biết rằng ông là chứng nhân lịch sử và cũng là nhà tư tưởng. Hình ảnh xã hội Việt Nam đã được ông phản ảnh qua cả ngàn tác phẩm, từ thuở thanh niên lên đường theo kháng chiến trong khi ở thành vẫn còn “bước chân miệt mài của người ăn chơi”. Ngay cả những ngôn ngữ vỉa hè “sức mấy mà buồn” của một tầng lớp quần chúng giữa thời “Me Mỹ” cũng được ông ghi nhận... Rồi “tâm ca”, và đến đỉnh cao nhất là “đạo ca”... Trong một trăm năm đất nước ta chắc chỉ có được một Phạm Duy và một Thái Thanh. Có thể N. H. đã đồng ý với tôi về nhận định này, nên thêm một lý do để tặng tôi tập nhạc có chữ ký Phạm Duy, một kỷ niệm quí giá của cô, và cô lên hát bài “Quán Thế Âm”.
N. H. thường bắt đầu trình diễn từ 8:00 tối, đến 11:00 đêm thì kết thúc, và thường là 7 ngày một tuần. Thì giờ có thể co dãn do phải chờ đợi người đệm đàn. Tôi không rõ thù lao của cô một tháng khoảng bao nhiêu, nhưng biết đại khái một trong hai người thay phiên đệm cho cô và hát thay phiên với cô, kiếm được khoảng 7 hay 8 chục ngàn cho mỗi buổi dài khoảng 1 giờ rưỡi. Sau mỗi buổi diễn cô thường đi nhờ xe một nhân viên trong quán, từ trung tâm Sài Gòn về Gia Định. Cô nói hôm nào không đi nhờ xe được, không kiếm được người lái xe ôm quen biết, phải đi với người lạ thì ngại lắm, chẳng biết điều gì sẽ xẩy ra ở đất Sài Gòn hỗn loạn này, nhất là những đêm mưa dầm dề, “mưa làm cho đêm tối hơn, vắng hơn, và run hơn, em đành phó mặc cho thượng đế”. Kể xong điều này, cô lên hát bài “Phố Buồn” của Phạm Duy. Tôi tiếc cho một tiếng hát chững chạc, đằm thắm, nhẹ nhàng và ngọt ngào đến thế mà ít người biết đến. Tối đó, chúng tôi rủ cô đi bộ qua vài góc phố, đến khu có mấy cửa hàng bình dân ăn cháo, xôi gà, và cả bọn đã phải cùng ngồi taxi đưa cô về nhà.
Là con một họa sĩ, nên giải trí của cô là vẽ. Cô có thể khóc, cười với đôi mắt, vành môi, nhưng cô cũng có thể khóc cười qua những bài nhạc, câu ca, và cô cũng có thể khóc cười qua khung vải, màu sắc, hình khối. Vẽ là để cô giãi bày, tâm sự, và đôi khi trốn khỏi những não nề của cuộc sống. Nếu không ca hát, không vẽ tranh, không biết cô lấy đâu ra sức mạnh để chống chỏi với bao bất hạnh trong cuộc sống của riêng cô và của Sài Gòn mấy chục năm qua. Sau 2005, tôi có thể viết rõ tên Cô là Ngọc Hằng.


Thụy Vũ Chăn Dê


Saturday, January 17, 2009


Một Chuyến Đi Lộc Ninh


Một ngày đầu Tháng 11, 2004, Nguyễn Đạt và tôi đi Lộc Ninh thăm nhà văn Thụy Vũ. Kể từ khi bài nói về cuộc sống thực vật của cháu gái của chị do nhà văn Văn Quang viết ra, cuộc sống chị có phần thay đổi. Bạn bè, văn hữu, độc giả có chia sẻ với chị ít nhiều nỗi khó khăn nhọc nhằn trong cuộc sống khốn cùng. Bây giờ, Thân Mẫu chị mới mất, chị được thừa hưởng căn nhà ngói sát bên lề tỉnh lộ đi Lộc Ninh, đời sống có đỡ khổ cực nhiều. Cháu gái nhờ thuốc men cũng có bớt hơn chút ít, có chỗ trú mưa trú nắng, có bữa cơm nóng mỗi ngày, chị cũng đỡ cực hơn. Nhưng chưa thể nói chị có cuộc sống đầy đủ, chưa thể nói chị được hưởng chút an nhàn.
Chúng tôi ở chơi với chị Thụy Vũ và chị Văn Quang gần 5 tiếng đồng hồ. Theo chị lên rẫy nơi cách đây mấy năm chị và cháu gái sống đời cùng cực dưới mái lều dột nát. Đứng trước căn lều rộng chưa tới 12 mét vuông, tôi băn khoăn không hiểu chị nghĩ gì để có đủ dũng cảm sống suốt những tháng năm đọa đầy bên cháu gái liệt giường? Bây giờ chị đã trồng được mấy trăm gốc tiêu, dựng được một chuồng nuôi vài con dê, một con bò, và một khoảnh đất trồng cỏ. Tiêu bây giờ đang mất giá, thu hoạch sẽ chẳng được bao lăm, cứ để chúng sống lây lất. Túp lều trước đây chị trú ngụ nay dành cho cậu bé canh rẫy, mỗi năm cũng phải trả công cậu mấy triệu bạc. Nạn dịch mới đi qua, chị mất nửa chuồng dê, nay đang cố gầy dựng lại.
Những gì tôi ghi dưới đây là câu chuyện chúng tôi nói với nhau khi ngồi uống nước, lúc ở trên xe, khi đi thăm rẫy, lúc ngồi ăn ngoài chợ Lộc Ninh,... Có thể có những câu hỏi với những câu trả lời, có thể là những câu chuyện kể ra nhân không khí thân thiết vui vẻ, chứ thực ra không phải là một cuộc phỏng vấn. Chúng tôi dùng vế “Hỏi” để đưa ra những câu hỏi, câu nói của Nguyễn Đạt và tôi, và vế “Th. Vũ” để đưa ra những câu trả lời, những lời trò chuyện của chị Thụy Vũ. Đôi khi có câu hỏi, câu nói của cháu Khôi Hạo hay chị Ngân tức chị Văn Quang. Dù sao, những câu nói ghi dưới đây hoàn toàn có thực. Những câu chị Thụy Vũ trả lời, những câu chị Thụy Vũ kể chuyện, dù nội dung có chua sót đến đâu cũng được chị nói ra với một tràng cười thoải mái, không một chút đắng cay. Chị nói chuyện mình như nói chuyện người ta.

Tôi không nhớ lắm từ đâu mà câu chuyện bắt qua thời chị Thụy Vũ ngoài hai mươi tuổi. Nhưng nhớ rõ chuyện chị kể về những lúc “đầu đời” này:
Th. Vũ: Khoảng giữa thập niên 1960 là lúc tôi khá túng quẫn. Một anh bạn, có lẽ cũng thuộc loại uy tín sao đó đối với giới bán phấn buôn hương, đề nghị tôi đi học Anh văn rồi anh sẽ thu xếp để tôi dạy tiếng Mỹ cho các “Chị em ta” (mà tiếng bình dân gọi là “Điếm”). Lúc đó quân đội Mỹ vào Việt Nam đã đông, “Chị em ta” cặp kè với các chàng GI khá nhiều, nên chuyện học vài ba câu giao tiếp rất cần thiết đối với các nàng. Khổ một cái học tiếng Anh cho đủ để đi dậy đâu phải là dễ, đâu phải một sớm một chiều là có đủ vốn liếng mà dậy. Nhưng chuyện cần kiếm tiền sống lại là khẩn thiết đối với tôi, nên anh bạn tôi nghĩ ra mẹo này: Anh nói tôi cứ ghi tên học Hội Việt Mỹ đi, sau khi học được một hai tuần là bắt đầu đi dậy. Anh tập hợp đám các “Chị em ta’ lại và nói:
Này nhé, tao mời cô giáo đến dậy tiếng Mỹ cho mấy đứa bay. Cô giáo bận rộn đủ thứ chuyện, không có thì giờ nhiều đâu. Cô giáo dậy chi học nấy, cấm không được đứa nào hỏi để cô mất thì giờ. Rồi, mỗi tuần ba buổi, từ giờ... đến giờ..., tất cả phải học hết, học phí bây nhiêu... đóng tiền thẳng cho cô giáo. Đứa nào chạy làng là biết tao à nghen!
Thế là tôi học được cái gì ở trường, tuần sau cứ thế dậy lại. Đâu đứa nào dám hỏi nên cái dốt của mình đâu có lòi ra. Vậy mà tôi sống cũng đưộc hai năm lận.
Hỏi: Thế Má chị có biết chuyện đó không?
Chị cười ròn tan trả lời: Bả biết chớ. Nhưng chỉ biết cái khoản tôi học hôm trước hôm sau đi dậy, chớ đâu có biết mình dậy ai. Bả đâu có biết mình là “thầy điếm”.
Hỏi: Ngoài chuyện dạy chữ chị có dậy “Nghiệp Vụ” không?
Th. Vũ: Trời ơi, cái khoản nghiệp vụ đó bọn chúng thay nhau nhồi nhét cho mình, thiếu điều bắt mình thực hành. Riết tôi phải cấm không cho nói chuyện nghề nghiệp chi hết. Chỉ có học chữ thôi. Ai muốn tâm tình chi cũng được nhưng cấm cái khoản mánh khoé, vòng trong vòng ngoài này nọ....Thực ra suốt hai năm đó cho tôi rất nhiều vốn sống. Chỉ riêng các câu chuyện đời của ngần ấy đứa đủ cho tôi viết bao nhiêu chuyện ngắn, chuyện dài, học hỏi hiểu biết bao nhiêu về tâm lý con người.
Hỏi: Suốt hai năm đó chắc nhiều chuyện vui phải không chị.
Th. Vũ: Ngày nào cũng có chuyện. Để tôi kể nghe sơ một chuyện này thôi: Con nhỏ đó có thằng bồ Mỹ đen, theo thường lệ thì sáng hôm sau thằng bồ mới về. Con nhỏ chắc ăn, kêu thằng bồ đen khác đến, lúc 2, 3 giờ chiều hai đứa sà nẹo nhau trong phòng, tôi dậy mấy đứa khác học ở phòng khách. Bỗng nghe tiếng xe thắng ngoài đầu ngõ, nhìn ra tôi thấy thằng da đen bước xuống xe giống thằng bồ con nhỏ kia, hỏi mấy đứa đều xác nhận là đúng. Tôi nhào vào tông cửa buồng, hai đứa còn trần truồng ấp nhau. Tôi nói nhanh với con nhỏ: Mẹ, thằng bồ mày nó về kìa. Con nhỏ xanh xám mặt mày hỏi: Sao bi giờ cô giáo. Tôi bảo nó mày mặc quần áo vào còn thằng kia cứ năm đó. Nói xong tôi lao lên giường nằm đắp mền với thằng Mỹ đen. Vừa lúc thằng bồ Mỹ đen mở cửa phòng bước vào.
Nó hỏi:
- Bộ cô giáo mày cũng có bồ hở.
Con nhỏ trả lời:
- Thì bà ấy cũng cần bồ chứ bộ.
Nó vặn lại:
- Thế tại sao mày ngồi đây làm chi vậy, bộ cho mượn phòng rồi mà không muốn họ làm ăn hở.
Con nhỏ đáp lại:
Thì bà ấy nói cứ ngồi đó, kéo màn lại có sao đâu.
Mọi chuyện êm xuôi, thằng bồ thứ hai và con nhỏ cám ơn tôi rối rít. Cả hai đứa đều nói không nhờ có tôi nhanh trí chắc thằng kia sách súng bắn chết hết quá. Vậy mà con nhỏ còn hỏi tôi chớ lúc nằm như vậy tôi có khoái không. Thiệt hết chỗ nói.
Hỏi: Mà hỏi thiệt chị chớ lúc nằm sát vậy chị thấy sao?
Th. Vũ: Sợ thấy mồ. Thiệt đó, tôi nằm mà tim đập thình thịch, sợ lỡ thằng cha Mỹ đen nó đang cơn như vậy bị cúp cái rụp, nó ôm đại mình thì không biết chống cự ra sao. Tự nhiên mình nhào vô chứ bộ. Trời Phật thương, không có chi xẩy ra. Sau này cả cái nhà điếm đó nó chọc ghẹo hoài, nhưng họ càng thêm thương mến mình, bao nhiêu tâm sự cứ thế tuôn ra hết, tôi như cái thùng rác chứa đủ thứ hằm bà lằng của đời các cô gái điếm, các cô me Mỹ. Mà có điều lạ mấy đứa chơi với Mỹ vậy đó đều bám theo một anh không quân. Một dãy appartements gồm mấy đứa học trò tôi, mỗi đứa đều cõng một anh không quân, lo cung phụng đủ thứ, tôi cũng chưa biết tại sao.
Hỏi: Vậy chị là sư phụ của điếm. Sau này chị có gặp lại mấy cô đó không?
Th. Vũ: Sau 75 tôi có gặp lại một đứa, nó khóc quá trời. Nó kêu thằng Mỹ bỏ nó lại. Tôi nói bỏ lại là đúng rồi, nó còn vợ con bên đo, mà mình có phải vợ con gì của nó đâu. Khi hết dậy điếm là giai đoạn tôi vào làm việc ở xí nghiệp, rồi vào nghề viết lách...nghĩ lại cũng thấy xâm mình chớ, đàn bà lao vô mấy chỗ đó cũng dễ hư lắm, tiền nhiều quá mà... Mà đời cũng kỳ thiệt. Trước 75 lấy Mỹ là cái gì xấu xa, sau này có con lấy Mỹ thì ngon lắm, lo diện con lai đủ thứ để đi. Bởi đời nhiều điều kỳ khôi như vậy mà tôi trở thành thầy bói...
Hỏi: Từ đâu mà chị thành thầy bói vậy?
Th.Vũ: Sau 75, đâu còn ai cho viết, xí nghiệp làm sao xin vào, điếm thì còn đó nhưng đâu ai cần học tiếng Mỹ. Chưa biết tính toán sao thì có thằng em hỏi: Chị Hai, chị học nghề bói không? Sực nghĩ thời buổi lúc đó không ai biết tương lai mình ra sao, chắc nghề thầy bói coi bộ trúng đó. Tôi bèn trả lời: Thì học chớ. Thế là nó lấy bộ bài ra dậy tôi. Tôi học cũng chăm chú nhưng thiệt tình không nhớ gì lắm. Ruột gan lúc nào cũng rối bời, nhớ gì nổi. Vậy mà “chó ngáp phải ruồi”, cái đám ở khu làng báo chí (Thủ Đức) đó, toàn bọn thanh niên nam nữ thuộc loại lý luận nghiệp vụ, chúng tin tôi lắm. Đứa nào cũng thắc mắc chuyện tình duyên, mình cứ “tâm lý” mà giải đáp, bọn chúng tin rần rần. May mắn gặp mấy đứa đầu mình đoán trúng sao đó, một đồn mười, mười đồn trăm. Mà tôi đâu có lấy tiền, đứa cho gạo, đứa cho bánh, đứa cho chuối, thế là cũng đủ ăn.
Các anh biết không, Nguyễn Đình Toàn đó, hắn đi nói với người ta: “Cái con Thụy Vũ đó nó là phù thủy của tao”. Đến lúc ông ta đi vượt biên, mới ghé lại nói: “Ê Thụy Vũ, bói tôi một quẻ coi”, tôi bói rồi nói: “Nè, đi rồi về nghe! Đi hẹn tắc xi đi để nó đón về”. Rồi ông ta đi lúc 7 giờ ,11 giờ lò mò về, qua nhà tôi chửi: “Rán mà chúc dữ nghe. Chúc dữ rồi có ngày...” Vậy là ông ta nói với người ta tôi là phù thủy, “khi nào nó nói tao đi được là được, nói không là không...”. Còn Lê Thị Ý nữa. Lê Thị Ý hẹn chồng tiền người ta 3 cây vàng buổi tối để sáng hôm sau đi. Trước khi chồng tiền không biết nghĩ sao kêu xe ôm nhảy xuống nhà tôi hỏi: “Ê Thụy Vũ, mày dở quẻ tao coi”. Bày quân bài ra tôi hỏi: “Mày có làm ăn với ai phải không, đàn ông đó?” Nó nói thì có làm ăn, hùn hạp, chứ nó không nói nó vượt biên, nó vẫn dấu. Tôi hỏi: “Ngày mai mày hẹn trả tiền phải không? Mày trả tiền coi chừng bị lừa đó”. Mấy hôm sau nó chạy xuống nói: “Tao đỡ mất 3 cây vàng...” Nó mới kể chuyện mấy người kia vượt biên bị lừa. Nó đãi tôi chầu ăn. Đến kỳ chót nó đi được, nó cũng xuống đòi bói. Tôi dở bài ra rồi nói: “Chắc kỳ này tao với mày xa nhau quá...” Đi thoát, nó gửi cho tôi 4 bộ bài theo đường bưu điện, có ghi mấy chữ: Phen này mày bói cho gãy tay luôn. Hồi đó năm 77, 78 gì đó, bọn nó tịch thu hết đâu có phát cho tôi. Lê Thị Ý là em của Vương Đức Lệ đó.
Hỏi: Chị bói như vậy theo linh tính hay sao?
Th. Vũ: Không biết sao nữa. Làm như khi mình dở bài ra, nghe tiếng ai nói đâu đó rằng vậy vậy đó, rồi mình cứ thế nói theo. Rồi đôi khi cũng là mánh nữa. Lúc mới đầu, ngay sau vụ 75, có lần tôi đi với Sao Biển, với đứa bạn nữa. Ba đứa không có tiền, không có chi hết. Buổi trưa đói quá, thằng Sao Biển mới nói, nè tao chỉ mày vô cái nhà đó nghe, mày coi bói. Nó nói hết cái nhà đó có những ai, vợ chồng, con cái ra sao, đủ thứ... Rồi nó vô nhà đó trước, nói với người ta là có cái bà ở núi Tà Lơn xuống, bây giờ tôi rước vô cho chị coi. Thế là bà chủ nhà mời vô, cơm bưng nước rót. Xong tôi dở bài ra, nhớ những gì Sao Biển nói tôi nói lại, trúng quá, bà ấy khóc. Ngặt tôi ở núi Tà Lơn xuống nên không lấy tiền, bả đãi tụi tôi một chầu ăn quá xá là ăn. Vậy đó, năm 75, 76 đó tụi tôi đi dài dài, đói quá là kiếm ăn kiểu đó cho cả đám bạn bè. Nghĩ lại cũng kỳ kỳ nhưng mà vui.
*
* *

Xe đi qua khu vực chợ Lộc Ninh, Thụy Vũ nói: Hồi đó (Trước 1975) Ba tôi có hiệu thuốc tây ở đây nè.
Hỏi: Trước đây ba chị là dược sĩ?
Th. Vũ: Đâu có. Ba tôi có bằng gì kiểu như Trữ Dược đó. Ổng mở một tiệm thuốc tây nhỏ ngay khu chợ Lộc Ninh, thực tình để ổng nuôi cán bộ, trợ cấp tiền bạc cho Việt Cộng. Ổng là Cộng Sản mà. Ổng mê Cộng Sản lắm, nói nó lý tưởng. Đâu dè sau này... Sau 75, ổng là cố vấn cho Hội Văn Nghệ gì đó. Mới “giải phóng” vô, tổ chức học tập, bọn chúng đến nói ba tôi: Anh không biết dậy con (Thụy Vũ). Con anh nói nhiều cái khó nghe quá. Ông già tôi nói: Tôi hãnh diện vì nó. Nó có lý tưởng nó, tôi có lý tưởng tôi. Ông ấy điệu lắm. Ổng mất hai mươi mấy năm rồi. Hồi mới kêu bằng “Quân Quản” đó thì ông ấy là cố vấn Hội Văn Nghệ ở Sài Gòn. Lúc đó có Bảo Định Giang. Hồi xưa Bảo Định Giang đánh xe ngựa cho ông già tôi. Một hôm ổng đến nhà Bảo Định Giang nói với anh gác cửa: Vào nói Bảo Định Giang có thằng đánh xe ngựa tới thăm. Thật đúng bây giờ đổi đời...Mấy anh biết cái nhà từ đường của nhà tôi ở Vĩnh Long không, trời ơi là một gia tài đó, bao nhiêu đồ cổ quí giá, vậy mà năm 75 ổng hiến tặng cho nhà nước. Bây giờ người ta vẫn nói nhà đó tiền tỷ tỷ mà con gái thì chăn dê, chăn bò khổ cực. Đây nè, thằng con trai tôi nè, nó học xong đại học Anh ngữ rồi đó chứ, bây giờ về giúp mẹ chăn bò... Nhiều khi chơi với thú vật sướng hơn, nó không có phản bội mình...
Hỏi: Nhắc chuyện phản bội tôi mới nhớ có mang theo bản copy của tạp chí thơ (California) số mới nhất cho bà xem, trong có bài thơ của Tô Thùy Yên nè...Nghe nói khi ổng đi tù về không nhìn mặt chú con trai này phải không?
Th. Vũ: Đúng mà cũng không đúng. Số là sau 13 năm đi tù, ổng về nhà, thằng Hạo này ở bên cô nó qua thăm, ông ấy tưởng con hàng xóm, ngồi một lúc ông ấy đuổi: Thôi đi về đi mày cho chú nghỉ. Nó cũng không thèm nói nó là con ai, bỏ đi về. Lát sau cô nó hỏi: Ủa, thằng Hạo mới đây đâu rồi? Ổng mới nói: Thằng đó là thằng Hạo hở? Lúc đó ổng mới kêu lên: Trời ơi tôi đuổi con tôi rồi. Thằng bé lúc qua gặp bố có chào nhưng lí nhí trong miệng ổng không nghe. Đến chiều ổng đi kiếm... Lúc đó nhà ở Lê Quang Định đó. Tôi nghĩ đó cũng là cái điềm ổng không nhìn đứa nào hết.
Hỏi: Trông nó giống ông ấy quá đi chớ sao ổng không nhận ra kìa.
Th. Vũ: Mà điều nó không có hô phải không? Thằng này nó cũng đọc sách dữ lắm.
Hạo: Vậy mà ông ấy không nhận ra con.
Hỏi: Hồi đó chị có viết cái gì như “Hai chàng Thi Sĩ Họ Tô” phải không, Tô Kiều Ngân và Tô Thùy Yên?
Th. Vũ: Anh Ngân bây giờ đi chụp hình cho các văn nghệ sĩ, mà chụp loại hình để thờ. Ảnh nói: Bây giờ anh đi chụp hình thờ, em cho anh chụp một tấm để thờ. Tôi nói được rồi, nhưng phải chụp cho đủ năm ngón tay nghe. Ổng năm nay bảy mươi mấy rồi mà trông còn trẻ lắm, trẻ hơn ông Văn Quang. Hồi đó tôi vô phòng kiếm ông Tô Thùy Yên thấy ông Văn Quang mà đâu dám nói chuyện.
Hỏi: Hồi đó ông Văn Quang Trung Tá, ngậm ống vố trông oai lắm. Tôi ở phòng ông Nguyễn Đạt Thịnh, nghe nói ông Tô Thùy Yên là thi sĩ nên tôi xin chuyển qua phòng đó. Ai ngờ ổng là thi sĩ mà quái gở quá phải không chị?
Th. Vũ: Hồi đó người ta nói ông ấy “Đinh Thành Tiên”, tức là Điên Thành Tinh. Điên mà thành tinh thì kinh lắm, công nhận ông ấy điên điên thiệt...
Hỏi: Hồi đó tại sao chị viết?
Th. Vũ: Hồi đó tôi đi dậy học mấy cô điếm đó, khi về nhà gặp thằng An (Hồ Trường An) nó nói: Trời ơi, tôi nói thiệt với bà, tôi thấy bà nói chuyện được thì bà viết được. Tôi nói tao viết thì ai mà đọc. Nó nói riết tôi cũng hỏi ông Võ Phiến cho tôi viết thử, chuyện đầu tay là “Mèo Đêm”. Ông Võ Phiến đọc xong khen: Cô có triển vọng lắm đó. Do đó tôi mới tà tà viết cho đến đứt phim mới nghỉ. Hồi đó tôi bắt đầu viết vào năm 28 tuổi, đến năm 33 tuổi thì lãnh cái giải gì đó của ông Thiệu, đó là lúc tôi đẻ thằng Khôi Hạo này, lúc đó 1970. Truyện trúng giải là chuyện kể về gia đình tôi, chuyện “Đại Gia” còn viết dài dài được, nhưng sau đó tôi mất hứng, rồi lười quá, không viết tiếp.
Hỏi: Bây giờ vừa viết vừa chăn dê cũng được phải không chị?
Th. Vũ: Tôi thì bây giờ nửa thầy nửa thợ, đâu biết làm gì, nên mới bàn với thằng Hạo vay tiền nhà nước 10 triệu mua đại con dê về nuôi. Hồi đó tôi cũng bày đặt nuôi heo nhưng lỗ quá. Ông già tôi nói hoài: Thứ gì mà cỏ biến thành thịt thì lời, còn cám hóa thành thịt thì 5 ăn 5 thua, nhiều khi lỗ nặng. Nên hai mẹ con tôi bắt đầu nuôi dê. Chỉ cần con dê cái đẻ một con thôi, mà là dê cái nữa, là bán được mươi triệu đủ trả nhà nước rồi. Hai mẹ con gây chuồng dê cũng được mấy con rồi, ngặt kỳ mới rồi dịch chết mất nửa chuồng. Bây giờ các anh hùn mua dê chúng tôi nuôi cho rồi mình chia nhau mà sống. Thằng Hạo bây giờ biết thuốc phòng bệnh cho dê khá lắm, khỏi tốn tiền thuê chích thuốc, nó còn chích giúp người ta nữa. Mà nó làm thơ hay lắm đó. Bây giờ bà bạn của tôi nè thấy chúng tôi có ít đất, chịu khó làm ăn, coi mòi đất lành nên đã xúi ông Văn Quang mua lấy một mẫu cất nhà ở, mấy tuần nữa là làm xong nhà rồi đó.
Hỏi: Ủa, bà Ngân này không phải em chị hở? Coi còn trẻ quá mà.
Th. Vũ: Ừa, nó là bạn vong niên của tôi đó, còn kém tôi 15 tuổi lận. Hồi đó làm mai cho ông Văn Quang còn sợ ông ấy mắng vốn là giới thiệu trẻ nít., nó kém ông Văn Quang 19 tuổi lận...
Bà Ngân: Trời, chị em gì. Mỗi lần bà ấy lên nhà ông Văn Quang, buổi sáng tôi pha cà phê hầu hai ông bà. Tôi bưng cà phê ra: Ly này mời Bố, ly này mời Mẹ. Hai người hành tôi dữ quá. Sau này chết tôi sẽ thờ cả hai...
Hỏi: Chắc khi đó chị giới thiệu chị Ngân cũng là để trốn “nghĩa vụ quân sự” đối với ông Văn Quan?.
Th. Vũ: Nói thiệt với anh, nhiều người hỏi tôi rằng hồi lúc ông Tô Thùy Yên với bà chia tay sao bà không lấy chồng? Tôi trả lời rằng khi lấy ông Yên là coi như tôi lấy hết đàn ông trên thế giới này -đàn ông thế giới nghe chứ không phải chỉ đàn ông Việt Nam– Thế là đủ quá rồi, sợ quá rồi... Cũng như hồi ông Yên đi cải tạo, tôi ra thăm, nói lại các anh không tức cười thì thôi. Bước vô thì công an ngồi đầu bàn, tôi với ông ấy ngồi đối mặt. Tôi hỏi: Anh ơi, anh đi cải tạo mấy năm rồi? Ông ấy trả lời hơn bảy năm rồi. Tói nói: Ủa, sao mau dữ vậy. Thằng công an nó tức cười quá, người ta vợ con vô khóc bù lu bù loa, còn mình nói câu lãng xẹt. Ông Yên mới nói: Em ơi, xa mặt cách lòng! Tôi nói: Đáng lý ra anh phải hỏi câu này nè: Em ơi, làm sao em nuôi nổi con? Còn xa mặt cách lòng hở, mai này anh về, trong giới giang hồ anh cứ hỏi cái con Thụy Vũ này nó có lăng nhăng bậy bạ không? Mà như vậy không phải tôi trung thủy với anh đâu nghe, mà chỉ vì tôi ngán đàn ông quá rồi. Nghe vậy ông ngồi mặt méo sẹo. Ông công an nín cười không nổi phải bước ra chỗ khác che miệng mà cười. Nghĩ cũng tội nghiệp, tới chừng lên xe mưa tầm tã, bà già ông ấy mới nghĩ đến con khóc khúc khít. Bà nắm tay tôi hỏi: Con ơi thế con hết thương thằng hai của má rồi hở. Tôi trả lời thôi để má thương thằng hai của má đi. Mà bà già ở quê lên nói tội nghiệp: Con ơi sao vợ con người ta khóc mà con cứ ngồi cười hoài vậy. Dù sao mày cũng ở với nó ba mặt con. Tôi trả lời: Ba mặt con cũng như không có đứa nào, ổng có coi như có đứa con nào đâu.
Hỏi: Hôm nay nghe chị kể chuyện ông Yên hơi kỹ?
Th. Vũ: Tôi nói thằng này (cậu con trai Khôi Hạo) giống gì thì giống chứ đừng có giống cái trăng hoa. Thời tôi lấy ông ấy, mỗi tuần lễ ông ấy có một mối tình, mà thứ đó là tình dục chứ không phải tình yêu đâu. Bữa nào mà ông ấy lăng xăng cầm tập giấy, hút gió, rồi sau khi tắm xong là thế nào cũng kể tôi nghe mối tình mới, rồi ông ấy tả người yêu của ông ấy làm sao làm sao. Một bữa ông ấy có cô bé đó, còn nhỏ lắm, ông ấy rủ đi ăn hủ tíu cá ở Hàm Nghi. Nhằm lúc tôi ghé tòa soạn, nên ông ấy nói chờ lát ra đó luôn. Hai người vào kêu 3 tô hủ tíu. Cô bé hỏi sao kêu đến 3 tô lận? Ông ấy nói thì kệ nó cứ kêu 3 tô. Chừng tôi bước vô, cô ta hoảng hồn đứng dậy chạy. Tôi nắm tay nó lại và nói: Em ơi, cứ ngồi đây đi. Ổng của chùa của miễu chứ không phải của chị đâu. Cứ yên chí ăn đi không có sao đâu, rồi chị đi chỗ khác cho em ăn với anh ấy. Rồi em chờ đó, mấy bữa nữa là lại gặp người khác nữa kìa... Cho nên tôi mãi mãi là người độc thân.
Hỏi: Nhưng đầu tiên làm sao mà chị với anh ấy gặp nhau?
Th. Vũ: Hồi đó tôi là độc giả của anh ấy. Tôi là cô giáo tỉnh lẻ, thích thơ của anh ấy, mới viết thơ qua lại. Tới chừng bữa bà Túy Hồng lấy ông Thanh Nam, tôi ngồi với bà Túy Hồng một bàn. Tôi với ông Yên thơ từ qua lại nhưng không biết mặt nhau. Ông Tô Kiều Ngân thì biết tôi là Nguyễn Băng Lĩnh, nên chạy tới hỏi Tô Thùy Yên: Mày biết Nguyễn Băng Lĩnh không. Ông Yên mới nói: Nó là độc giả của tao đó. Tô Kiều Ngân bèn dắt ông ta đến giới thiệu tôi: Đó, Nguyễn Băng Lĩnh đó. Trời, vậy mà ông ta nói ngay: Trời ơi, anh kiếm em mấy lần trước khi cưới vợ (bà Diệu Bích)ï! Tôi mới nói: Bây giờ ông có vợ rồi thì ông im đi. Tôi với ông bạn bè củ nghệ củ gừng thôi. Vậy mà ông ấy theo tôi 3 năm liên tục, sáng, trưa, chiều, tối, ngồi đồng riết rồi mình cũng xiêu lòng.
Hỏi: Cuốn “Hôn Thụy” là do ông ấy đặt tựa?
Th. Vũ: Ông ấy đặt. Bọn nó cứ nói nghĩa là “Hôn Thụy Vũ”. Thực ra là ngủ cho chết luôn, tôi có người bà con một ngày ngủ 23 tiếng đồng hồ...
Hỏi: Mấy năm trước báo xuân Người Việt có đăng bài thơ “Ta Về” của Tô Thùy Yên, hay lắm. Đọc rất cảm khái. Thế chị nghĩ sao chuyện người ta nói “Văn là người?”
Th. Vũ: Tôi thấy không phải vậy đâu. Cũng như mấy người trong Làng Báo Chí đó, họ nói tôi đọc tiểu thuyết của chị tưởng chị ghê gớm, dữ dằn lắm, ai ngờ chị hiền queo à. Tôi nói những người nào vô văn chương mà ghê gớm đó là vì trong đời sống hằng ngày người ta hiền quá, nên mới nhảy vô văn chương mà phá. Còn như chị V. đó, trong văn chương hiền queo à, nói toàn tình thương yêu, nhưng trong đời sống thì phá dữ. Tôi sống đời sống hiền lành quá, tình ái cũng hiền lành quá, vô đó quậy chơi... Cũng như ông Yên đó, nhìn trong văn chương giống như người hùng nghe, té ra ông ấy nhát như cáy. Hồi đó tôi cũng mê thơ ông ấy lắm. Có một lần ông ấy làm thơ xong đưa tôi coi, hỏi được không, tôi nói cũng đỡ đỡ, ông ấy chửi quá. Tôi nói đỡ đỡ là tôi an ủi ông ấy. Chứ tôi hỏi anh ông ấy làm một bài thơ cực khổ lắm, ông ấy làm rồi xé, tôi đổ mấy thùng rác ông ấy mới làm được một bài thơ. Gọi là ông ấy “trạm” thơ mới đúng, chứ đâu phải có hứng mà viết ra. Tôi nói “đỡ đỡ” là tốt lắm rồi đó. Ông ấy bảo cả nước nó ngả mũ chào tôi về thi ca mà bà nói vậy... Nhưng tôi nói ông trạm thơ riết đọc nó chán, hết linh, bởi ngày nào tôi cũng phải đọc tới đọc lui thì còn thấy hay gì nữa.


Posted by 4anh at 11:46 PM 
Labels: ky


Thái Thanh - Tiếng Mẹ Sinh Từ Lúc Nằm Nôi


Friday, January 16, 2009




Chúng tôi có cơ duyên gặp danh ca Thái Thanh nhiều lần, nhưng chỉ gần đây, 2003, 2004 mới có ý định hỏi han đôi điều về cô. Phần phỏng vấn dưới đây có sự đóng góp của Lan Anh (báo Phụ Nữ Gia Đình Người Việt) và Phạm Giao (Nhật báo Người Việt). 

Thái Thanh sinh năm 1934, là em út trong gia đình 5 anh em: anh cả là Phạm Đình Sỹ (bà Phạm Đình Sĩ là kịch sĩ Kiều Hạnh sinh ra Mai Hương, Bạch Tuyết), anh thứ là Phạm Đình Viêm tức Hoài Trung, chị là Thái Hằng, anh thứ tư là Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc. Quê ngoại Thái Thanh ở Sơn Tây, còn cô ra đời ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Năm 19
46 cô theo gia đình tản cư vào vùng Chợ Đại, rồi Thanh Hóa là nơi Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Tháng 5, 1950 gia đình cô cùng Phạm Duy bỏ vùng kháng chiến về Hà Nội, sau đó vào ngay Sài Gòn. Suốt những năm trường sau đó cho đến khi Miền Nam bị mất, tiếng hát Thái Thanh cùng nhạc Phạm Duy bay bổng khắp nơi. Nhà văn Mai Thảo đã gọi giọng hát cô là “tiếng hát vượt thời gian”. Quả thật cho đến trăm năm nữa, tiếng hát này chắc vẫn còn ngự trị trong tâm tưởng người dân Việt, sẽ còn vang vọng như khúc quan họ giữa trời xuân. 
Kết hôn cùng tài tử Lê Quỳnh năm 1956, Thái Thanh và Lê Quỳnh có 5 người: Ý Lan, Lê Việt, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương, Thanh Loan và Lê Đại. Khi nói đến những văn nghệ sĩ, nhất là trường hợp một nữ danh ca, ít ai để ý đến khía cạnh Bà Mẹ trong đời sống những phụ nữ này. Có tác giả đã nói đến tấm lòng Bà Mẹ của Thái Thanh trong việc nuôi dưỡng đàn con. Cô Thái Thanh đã vượt qua biết bao khó khăn, chịu đựng biết bao vất vả để giúp các con, nhất là hai người con bé nhất, có được một cuộc sống tốt đẹp. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến khía cạnh khác trong cuộc sống của cô, một khía cạnh càng làm lớn con người của Thái Thanh: Đó là nghị lực chống chỏi với bất hạnh của cuộc sống. Cách đây 4 năm (2000) cô bị một cơn tai biến mạch máu não (strocke), mất hết trí nhớ. Nằm trong phòng mạch bác sĩ cũng như khi ở bệnh viện cô không còn nhận biết ra người thân. Đôi khi cô nhận ra Quỳnh Hương, Ý Lan, đôi khi không. Ở bệnh viện về cô đã cố gắng tập luyện rất nhiều để khôi phục trí nhớ. Mấy tháng sau khi rời bệnh viện cô đã nhận biết ra nhiều điều quen thuộc, nhưng bài hát thì lẫn lộn lung tung. Không biết do nghị lực của chính cô, sức sống mãnh liệt của chính cô, hay do phép lạ mà sau đó trí nhớ cô hồi phục dần. Từ chỗ không còn nhận ra người thân, cô đã nhớ lại được từng lời bài hát. Trong dịp đón Thụy Khuê từ Pháp qua ở nhà Y Sa, độ một năm sau biến cố trên, Thái Thanh đã thấy “ngứa ngáy” muốn giúp cho buổi tối xum họp bạn bè thêm đẹp, nhưng cô đành chỉ hát được vài câu rồi thôi vì quên lời. Vậy mà đến ngày “Lễ Của Mẹ” (Mother’s Day) năm 2004, ngày Thái Thanh và 3 thế hệ ở Majestic, Thái Thanh đã xuất hiện duyên dáng trong vai nữ sinh áo dài trắng, nón lá, cắp sách đến trường mở đầu buổi trình diễn với bài “Ngày Xưa Hoàng Thị”, và hát một loạt bài sau đó.
Chắc chắn Thái Thanh đã có một ý chí mãnh liệt, thứ ý chí giúp cô sống qua những tháng năm ở Sài Gòn đen tối, giúp cô chăm sóc các con trong cơn bệnh hoạn ngặt nghèo, rồi giúp cô hát lại được ở tuổi 70. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại đôi lần chuyện trò với cô trước và sau khi cô bị stroke:
Hỏi: Chị bắt đầu hát năm nào, Chị còn nhớ bài hát đầu tiên?
TT.:Không nhớ rõ, nhưng về tuổi thì tôi bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi. Không nhớ rõ bài hát đầu tiên trình diễn là bài nào nhưng chắc chắn là của Phạm Duy. Hồi đó, năm tôi 14 tuổi, anh Phạm Duy cứ phải dùng tôi làm cái cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng, chị ruột của tôi. Năm đó Thái Hằng khoảng 21 tuổi. Không lạ gì mà hồi đó đã có bài “Dòng Sông Xanh” nhạc ngoại quốc, lời Việt. Ông Phạm Duy đã phải đặt lời Việt cho bài “Dòng Sông Xanh” để cho cô Thái Thanh bé xíu hát thì mới lấy điểm được với bà Thái Hằng.
Hỏi: Chị còn nhỏ vậy mà các cụ vẫn cho chị hát?
TT.: Bố mẹ tôi cũng là những nghệ sĩ chơi đàn cổ như đàn tranh chẳng hạn, nên cụ thông cảm. Dù không bị ngăn cấm vì “xướng ca vô loài” nhưng các anh em tôi đều được các cụ hướng dẫn là cần nhất phải học hành trước đã, đàn địch là chuyện phụ thôi, nhưng lúc chạy loạn tôi không có cơ hội học chữ nhiều nên có thể tự học ca hát. 
Hỏi: Hồi xưa kỹ thuật còn thô sơ, phương tiện không có nhiều. Chị có nghĩ là nếu hồi đó có được những phương tiện và kỹ thuật như bây giờ, Thái Thanh sẽ khác hơn không?
TT.: Hồi đó khi tôi hát, lúc tôi mười mấy tuổi, thì kỹ thuật mình đã có gì đâu. Cái micro dài thật dài và to bằng cả cái bàn tay mình. Nếu tôi đứng gần micro để tiếng hát phát ra tốt hơn thì khán giả không nhìn thấy tôi, còn nếu tôi đứng xa để khán giả thấy được khuôn mặt tôi thì tiếng hát lại không còn rõ nữa. Nếu kỹ thuật được như bây giờ thì hẳn là phải khác đi chứ. Nhưng dù sao tôi vẫn có niềm hạnh phúc mà ít ai có được là từ năm 14 tuổi tôi bắt đầu hát với cái micro to như thế cho một nhóm khán giả nghe, đến bây giờ gần 70 tuổi, tôi vẫn còn được hát và thu vào CD để gửi cho thính giả khắp thế giới nghe, nghĩa là hơn 50 năm sau tôi lại được dùng cái technique mới cho giọng hát của m
ình. Hạnh phúc lắm.
Hỏi: Lần đầu tiên chị xuất hiện trước công chúng là ở đâu, Hà Nội hay làng quê?
TT.: Sure là ở làng quê vì hồi đó là lúc kháng chiến. Khi đó có những ban nhạc hát cho công chúng ở vùng quê nghe. Lần đầu tiên tôi lên sân khấu ở tuổi 14, mình còn bé xíu mà đứng trước đông đảo bà con, nên tôi cũng sợ lắm. Nhưng sau khi cất tiếng hát, thì tiếng hát, âm nhạc làm tôi hết sợ mà còn cảm thấy hứng khởi, hạnh phúc, vì lúc đó tôi được đứng trong ban hợp ca gồm các anh các chị như Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, những người sau này thành ban “Thăng Long”.
Hỏi: Ban hợp ca Thăng Long được thành lập từ hồi đó?
TT.: Nói thế cũng được. Có thể nói “Thăng Long” được thành lập từ hồi kháng chiến, từ khi tôi còn nhỏ.
Hỏi: Sau này chị gia nhập đoàn kịch “Gió Nam”?
TT.: Ban hợp ca Thăng Long ở trong ban Gió Nam, tuy hai mà một. Lấy tên Gió Nam vì chúng tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội trình diễn, mang cái gió miền Nam ra ngoài Bắc.
Hỏi: Chị có thấy là giọng chị hợp với nhạc Phạm Duy, hay là Phạm Duy sáng tác để cho chị hát?
TT.: Anh Duy lớn hơn tôi mười mấy tuổi, có lẽ muốn biết chính xác điều đó phải hỏi anh Phạm Duy. Tôi chỉ biết là kể từ bài “Dòng Sông Xanh” anh Duy đặt lời cho tôi hát, thì anh đã biết giọng hát tôi làm sao, sau đó những bài hát của anh ấy sáng tác ra thường do tôi hát đầu tiên nên chắc là anh phải chọn sao đó cho thích hợp với giọng hát Thái Thanh.
Hỏi: Bài “Dòng Sông Xanh” chị hát năm 14 tuổi, như thế chị có phải tập luyện nhiều không?
TT.: Về chuyện tập luyện, lúc đó mình chưa có trường “Quốc Gia Âm Nhạc”, chưa có ai mở khóa huấn luyện hát (thanh nhạc), tôi chỉ có thể nghe đàn bài nhạc, và với tuổi 14 mà tôi hát đước bài đó, tôi nghĩ phần lớn do thiên phú. Ngay cả chuyện phát âm, trước hết tôi đọc lời ca cho đúng, và khi hát tôi phải phát âm như lúc tôi đọc chứ không thể để chữ nọ xọ chữ kia, giọng nọ xọ giọng kia. Tôi nghĩ rằng chuyện phát âm tiếng Việt một phần tôi có được cũng là chút năng khiếu trời cho.
Hỏi: Một số bài hát chị có thêm thắt đôi chút mà bây giờ người ta gọi là “feeling”, chị có nghĩ đó là ưu điểm của chị, là sự sáng tạo của chị, và nhạc sĩ liệu có hài lòng không? Thí dụ như bài “Paris Có Gì Lạ Không Em”, ở phần cuối chị thêm vào khúc “Lá La La Là Lá La....”, chúng em cho rằng khúc hát thêm đó thật tuyệt vời, làm sáng hơn cái chất Paris trong bài hát. Thế nhưng liệu nhạc sĩ có đồng ý không?
TT.: Ở đây phải nói nhạc sĩ là tác giả chứ không phải người chơi đàn. Tôi vẫn nghĩ là tôi “feel” được cái bài đó phải được phát âm thế này, phải có cái đoạn mà tôi tự thêm vào. Thường thường tôi vẫn lo rằng tác giả bài nhạc không bằng lòng với lối phát âm của tôi ở khúc đó, không bằng lòng với đoạn thêm thắt của tôi, nên tôi hay phone hỏi tác giả. Tôi nói rằng bài mà tôi sắp hát của ông đây nếu tôi trình diễn thêm như thế này thì ông thấy thế nào. Hầu hết tôi nhận được lời khen của tác giả và họ đồng ý cái kiểu hát của tôi khiến bài hát hay hơn.
Hỏi: Về phía người chơi đàn, ban nhạc đệm cho chị, có khi nào đang hát chị chợt thấy có cảm hứng và thêm vào, hay thay đổi cách diễn đạt, mà ban nhạc không biết trước không?
TT.: Cái đó thì chưa xẩy ra bởi vì bao giờ cũng phải tập với ban nhạc hoặc dặn dò nhau đôi chút. Muốn thêm hay bớt điều gì đó đều phải được dự trù trước, vì chính mình cũng phải nghe thử xem sự thêm bớt đó có hay không. Chưa bao giờ đứng trên sân khấu mà tôi làm chuyện đó. Nhân nói về chuyện đứng trên sân khấu, có một lần tôi đứng hát trước khán giả, người đệm piano cho tôi hát hôm đó là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Ông đã chọn đệm cho tôi với ton Ré majeur, mà nếu hát Do majeur thì vừa với giọng tôi hơn. Khi tôi nghe intro, tức là khúc mở đầu mới có độ 3, 4 nốt của ông, tôi vẫn đứng yên tại chỗ và dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ làm thành hình chữ C ra hiệu cho ông, ông đã hiểu ý tôi ngay và chuyển từ Re xuống Do. Sau đó ông khen tôi: Tai của Thái Thanh thính quá, mới nghe mấy nốt mà đã nhận ra là Ré, không phải Do để ra hiệu cho tôi. Thái Thanh giỏi lắm.
Hỏi: Thế chị học nhạc lý ở đâu? Đọc đâu đó có viết là chị phải chui đầu vào trong cái chum để tập phát âm?
TT.: Nhạc lý cũng như là xướng âm tôi đã phải đặt mua sách từ bên Pháp, theo đó tự học, có gì khó thì hỏi anh Phạm Đình Chương. Anh Chương là thầy dậy tôi. Anh có lần nói: “Cô có cái đặïc biệt l
à trước khi tôi dậy thì cô đã biết rồi”. Còn chuyện chui đầu vào chum thì không có đâu. Có lẽ ai đó đã đoán thôi vì thấy giọng tôi, cách phát âm của tôi khá mạnh nên họ nghĩ vậy. Cái giọng mạnh này chắc cũng là do trời cho tôi.
Hỏi: Có thể nói 70% tài năng của chị là do thiên phú?
TT.: Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Trời cho tôi giọng, Trời còn cho tôi hai lá phổi rất rộng. Ý Lan có lần đã nói với tôi: “Mỗi lần con nghe Mẹ hát, nghe Mẹ xướng âm, con có cảm tưởng như tất cả buồng phổi của Mẹ đã mở ra.” Đó cũng là một điều thiên phú. Nhưng có điều tôi vẫn tâm niệm rằng trời cho mình cái gì thì mình phải ôm lấy nó, trân trọng cái đó, nghĩa là phải tập luyện để giữ được nó, để làm lớn, làm mạnh nó lên. Chứ không thể cứ nghĩ thiên phú là không cần tập dượt, và còn phải yêu nó nữa thì mới có những thành tựu.
Hỏi: Chị đang nói về thiên phú, vậy chị có nghĩ rằng một điều khác trời cũng cho chị là đầu óc chị, tâm hồn chị dễ dàng cảm nhận được những gì tác giả các bài nhạc muốn gửi gấm, và chị đã dùng cái thiên phú đó để truyền đạt được tâm tình tác giả đến người nghe? Nhiều người có thể xướng âm những dòng nhạc, những lời ca của nhiều tác giả, nhất là của Phạm Duy, nhưng họ không có cùng cái cảm xúc như chị, họ không “cảm” được như chị.
TT.: Tôi không biết chuyện tôi cảm thông được với các tác giả có phải là thiên phú không. Nhưng điều đầu tiên tôi muốn nói về chuyện này là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, Miền Trung, Miền Nam, Miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đến hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát.
Hỏi: Thưa chị, về một trường hợp cá biệt, khi nghe chị hát bài “Hương Ca Vô Tận” của Trầm Tử Thiêng, khán thính giả thấy chị hầu như đã diễn đạt được hết cái tâm tình của nhạc sĩ, trong đó có cả phần tâm tình của chị. Có phải chị đã được tác giả chia sẻ chút ít về bài hát đó?
TT.: Tôi đã hát bài đó của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cách đây nhiều năm, khi chúng tôi còn ở Việt Nam. Với ca sĩ được làm thân, được nói chuyện với các nhạc sĩ là điều rất thú vị vì mình hiểu biết hoàn cảnh các bài hát hơn. Khi nói chuyện với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi mới biết ý của ông trong những lời ca. Trong bài có những câu như “Hát nữa đi hương...”, nhiều khán thính giả tưởng “hương” là tên một người con gái, nhưng có nói chuyện với ông mới biết chữ “hương” là ông muốn nói đến “quê hương.”
Hỏi: Chúng ta qua một chuyện khác. Người đời thường hay dè bỉu những bài nhạc đại chúng, được đ
ông đảo quần chúng ưa thích vì giai điệu, cấu kết giản dị, dễ dãi. Họ gọi đó là loại nhạc “sến”. Chị có nghĩ là nên gọi như vậy không, nên phân biệt như vậy không, và chị có hát những bài hát đó không? Chị có thích đặc biệt một nhạc sĩ nào không?
TT.: Dùng chữ “sến” để chỉ nhưng bài nhạc đó là thiếu lịch sự, và chắc chắn là tôi có hát những bài loại đó. Ngày xưa, có một ông nhạc sĩ nay đã mất rồi, tôi không nhớ rõ tác giả nào, nói với tôi thế này: “Thái Thanh ạ, nếu có một loại nhạc gọi là nhạc sến thì tôi xin làm sến, vì Thái Thanh mới trình bày một bài hát với hình ảnh đẹp đẽ quá, tươi tắn quá, và nếu tôi là sến tôi sẽ may cái áo thật đẹp để mặc.” Còn bảo rằng thích đặc biệt một nhạc sĩ nào thì câu trả lời là không. Thích một bài hát nào thì tôi hát bài đó với tất cả tâm hồn, không cứ bài đó là của ai. Thực ra cũng có thể nói là những bài của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, vì là những người trong gia đình, nên khi chúng chưa ra ngoài thính giả thì tôi đã được nghe trong gia đình, tôi đã được các ông ấy gọi ra để hát thử từng đoạn trước khi tác phẩm hoàn thành, đương nhiên những bài của hai ông ấy tôi hát nhiều.
Hỏi: Vậy thì cũng xin chia sẻ với chị kinh nghiệm này, hồi còn trẻ, còn sinh viên, quả thực bọn em có thái độ phân biệt với những bài hát giai điệu dễ dãi. Phải đợi đến khi nằm tù ở Thanh Hóa 7, 8 năm trời, lúc đó em mới thấy hết giá trị của những bài bị gọi là sến kia. Lúc đó, giai điệu, lời ca những bài đó sao thấm thía đến thế. Lúc đó nghe “Nghìn Trùng Xa Cách” em không khóc như khi nghe “Xuân Này Con Không Về”, hoặc nghe “Phố Buồn” em cũng chỉ thấy sao xuyến như nghe bài gì của Trúc Phương có câu “đèn khuya mắt đỏ...” Lúc đó em mới nhận ra những bài hát đó thực sự là tiếng nói, tâm tình của đa số người dân miền Nam, của mọi người. Bây giờ xin đi đến một câu hỏi khác: Sau 1975, chị còn ở trong nước, chị có hát không, chị sống như thế nào?
TT.: Nói đúng ra thì tôi không hát. Lý do là vì khi người Cộng Sản vào miền Nam, tôi thấy họ khác mình quá, cái gì cũng khác. Khác hay hay khác dở thì tôi không bàn, nhưng tôi thấy không có gì giống tôi, giống trước đây, thì tôi không hát. Sau khi mời tôi không được thì tôi “được” họ cấm hát, thế thì tốt quá. Họ nói tiếng hát Thái Thanh là của “Ngụy”, chứ không phải của họ. Tôi kể câu chuyện nhỏ này: Cô Kim Cương mấy lần đến nhà tôi ở đường Cống Quỳnh, nói rằng “chị ở căn nhà này chật hẹp, nóng nảy quá”, ngỏ ý muốn mời tôi đến ở cùng nhà với cô ấy, vì tôi chỉ có một thân một mình, và cô ấy cho rằng tôi sống trong hoàn cảnh khổ quá. Kim Cương ở một ngôi nhà lớn, có máy lạnh, nước nóng nước lạnh. Cô ấy khéo lắm, nói rằng “Không phải em mời chị đến để rồi yêu cầu chị hát đâu, từ ngày xưa em đã tự bảo rằng chỉ cho tôi hát một ngày được như Thái Thanh thì sau đó có phải chết tôi cũng bằng lòng.” Cô ấy khéo thế đấy. Nhưng tôi từ chối viện lý do là tôi ở đâu quen đó, lại gần chợ nữa, và tôi không làm việc nổi vì các con tôi đều ở xa, tôi nhớ chúng lắm chẳng bụng dạ nào đi hát cả. Còn về đời sống, tôi cứ bán dần đồ đạc, nữ trang đi để mà sống qua ngày vì tôi có làm gì ra tiền. Đến bây giờ tôi rất hài lòng vì tránh được mọi điều ép buộc của nhiều người lúc đó.
Hỏi:
 Bây giờ thì đến một câu hỏi khá riêng tư không biết chị có vui lòng trả lời không. Thực ra chị là người của công chúng, chị có thể chia sẻ mọi điều với công chúng. Câu hỏi thế này: Chị là người duyên dáng, khả ái, có đôi tay đẹp, nhất là đôi mắt vô cùng thu hút, vậy không biết các chàng trai trẻ từ xưa đến giờ bị chị thu hút đến thế nào, chị tiết lộ được không?
TT.: Cô ca sĩ hay hát Trịnh Công Sơn, cô Khánh Ly, trước ngày mất nước, tức là cách đây hơn hai chục năm, có lần nói với tôi thế này: “Nếu cháu là chồng của cô, cháu đành phải để cô đi hát trước khán giả, nhưng cháu sẽ giữ hai bàn tay cô ở lại nhà, cháu không cho ai được nhìn hai bàn tay ấy khi cô hát.” Còn chuyện các chàng trai trẻ, thì trong cuộc sống chúng ta mấy chuyện đó cũng như nhau thôi.
Hỏi: Thí dụ trong ban Gió Nam có anh Trần Văn Trạch, một người trình diễn thành công rất mê chị?
TT.: Anh Trạch là một người kín đáo, trước khi mất anh ấy mới nói cho mọi người biết anh ấy mê Thái Thanh. Tôi chỉ nhận thấy là anh ấy hay đến nhà chơi với các anh các chị, và hay nhìn tôi. Lúc đó mình còn trẻ quá. Thực ra cho đến bây giờ chuyện tình cảm của Thái Thanh cũng kỳ cục lắm, phải nói thẳng ra là “này cô Thái Thanh, tôi thế này, tôi thế nọ” thì Thái Thanh mới biết, mới tin, vì khán giả yêu mình cũng biểu lộ như vậy, làm sao mình biết được ai yêu mình thật, ai mê tiếng hát của mình thôi. Có nói ra tận miệng thì tôi mới biết: “ủa, vậy hở!”
Hỏi: Còn với những văn nghệ sĩ miền Bắc gặp chị sau 75 thì sao, có cán bộ nào “nói thẳng” với chị không?
TT.: Ai cũng thấy thái độ bất hợp tác của tôi thì còn cán bộ nào tìm đến nữa. Mà có “nói thẳng” thì câu trả lời cũng không là “Me too” đâu đấy nhé. Với các anh chị văn nghệ sĩ như Văn Cao, Hoàng Cầm,... đều đến gặp tôi, đôi khi cũng nói để cho mình vui lòng ấy mà, như anh Văn Cao nói thế này: Nếu tôi còn trẻ thì thế nào cũng xin cưới Thái Thanh. Anh ấy bông đùa như vậy nhưng tôi cũng không dám trả lời “Me too!”
Hỏi: Nhưng rõ ràng sau khi chị ly dị với anh Lê Quỳnh, chị có một khuôn mặt mới trong cuộc đời là ông chủ khách sạn Catinat?
TT.: Anh Phạm Đình Chương mở phòng trà “Đêm Màu Hồng” trong khách sạn Catinat, nên biết anh Trần Quý Phong. Mới cách đây mấy hôm (Tháng Hai, 2004), trong khi nói chuyện điện thoại với anh Phong, tôi có hỏi anh ấy rằng “Thế thì anh mê Thái Thanh từ khi biết ở Đêm Màu Hồng hay là mê từ khi nghe Thái Thanh hát”, anh ấy trả lời lâu rồi chứ, đâu phải đợi đến Đêm Màu Hồng. Thực ra sau đó anh Phong đã ly dị, và tôi cũng đã ly dị một thời gian rồi, anh ấy đang tìm chỗ để tổ chức đám cưới thì xẩy ra 30 Tháng 4, 1975.
Hỏi: Sau 1975 thì sao và bây giờ anh ấy ở đâu?
TT.: Tôi đi Mỹ khi anh Phong còn ở tù. Sau 14 năm anh được thả nhưng không đi Mỹ vì anh còn mẹ. Sau khi cụ mất anh ấy mới xin đi Mỹ và hiện ở Atlanta.
Hỏi: Nếu bọn em mua vé máy bay mời chị đi Atlanta thì sao?
TT.: Xin cám ơn cô chú nhưng không đi được vì chúng tôi chưa cưới hỏi, phải không? Mà nếu chỉ là bạn bè thì đâu cần đi xa đến thế.
Hỏi: Chị nhớ một kỷ niệm nào ở Đêm Màu Hồng?
TT.: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi đến bây giờ: Một hôm tôi hát bài “Kỷ Vật Cho Em” xong thì thấy mấy bà khóc. Các bà ấy đều có chồng, có anh em tử trận. Điều đó thật là day dứt.
Hỏi: Năm 1985 chị qua đến Hoa Kỳ, mọi người vui mừng đón tiếp chị trong đêm tái ngộ Thái Thanh ở hải ngoại, sau đó chị không có hoạt động gì nhiều về văn nghệ?
TT.: Sau đêm đó, một số “bầu sô” mời tôi hợp tác. Tôi không dám nhận lời nhiều vì lý do còn phải đi học ESL, thời gian học này kéo dài mấy năm. Về sau tôi chỉ ghi đĩa với cô Thái Xuân (Trung tâm Diễm Xưa) vì Thái Xuân chịu chiều theo ý tôi. Thí dụ mỗi CD thỉ có một mình tôi hát chứ không xen lẫn nhiều người. Tôi rất cảm ơn Thái Xuân vì cô ấy đã cố gắng làm mọi điều theo yêu cầu của tôi, như có bài hát tôi cần tiếng đàn tay chứ không phải đàn điện thì dù tốn kém mấy cô ấy cũng mua, khi thu băng đôi khi tôi cần tiếng đàn harp, cô ấy cũng chiều dù cho tiền thuê loại đàn đó cũng như tiền trả cho người chơi rất đắt. Trong một bài hát nhiều khi cần cả mấy thứ đàn đó, nhưng đàn tay vẫn là thứ tôi thích nhất, tiếng đàn đó “có lòng nhất”. Hồi xưa tôi thường thích ban nhạc Nghiêm Phú Phi đệm, sau này cô Thái Xuân đã chọn ban nhạc toàn người Mỹ để đệm cho tôi.

Chúng ta vừa mới đọc qua đôi điều thú vị về Thái Thanh, người ca sĩ lớn lao của đất nước Việt Nam. Gia đình cô còn sản xuất những người con nổi tiếng: Ý Lan, Quỳnh Hương, Thanh Loan đã nổi tiếng trong giới nghệ thuật, truyền thanh, Lê Việt đã tốt nghiệp kỹ sư còn nhất định lấy thêm bằng bác sĩ y khoa, và đặc biệt Lê Đại từ một thanh niên bị tê liệt vẫn kiên trì học để tốt nghiệp đại học, đi làm trong dòng chính của Mỹ. Tất cả những ý chí, tài hoa đó hẳn phần nào được Thái Thanh truyền cho. Trong đêm Thái Thanh và 3 thế hệ, đàn con cháu xum vầy chung quanh, tất cả 
đều cất lên tiếng hát ngợi ca Mẹ và Bà, ngay chàng bác sĩ Lê Việt cũng đã chứng tỏ là có một giọng ca truyền cảm, và một cung cách thật chân chất, khiêm nhường.

***
Chiếc xe van chạy trên đường Magnolia, hướng về phía Bắc. Lan Anh quay lại hỏi: “Chị ơi, bây giờ mình đi ăn ở đâu?” Thái Thanh trả lời: “Ði ăn cơm ở Nguyễn Huệ đi. Ở đấy cơm gà ngon lắm.” Ngừng vài giây, cô nói tiếp: “Nhưng mà này, lát nữa đưa chị về, cô nhớ nhắc chị đưa cho thịt đông và dưa chua đấy nhé. Chị gói sẵn rồi.”
Xe quẹo yên ổn vào đường Bolsa rồi Lan Anh mới quay lại hỏi tiếp:
-          Chị cũng mua thịt đông và dưa chua ở Nguyễn Huệ à?
-          Không, ở đó ăn cũng được nhưng chị làm lấy. Làm lấy được cái bảo đảm là sạch, lành mạnh, và đúng ý mình muốn. Chị làm món ăn khéo lắm, cô không ngờ được đâu.
Quả thực đó là một trong nhiều điều bất ngờ về Thái Thanh. Chúng ta quen hình dung cô trên sàn diễn, khi đang hát, hoặc qua những đĩa, băng nhạc. Chúng ta thường nhớ đến Thái Thanh như một đệ  nhất danh ca và quên mất Thái Thanh trong đời thường như  một bà mẹ, một người nội trợ thích nấu ăn, một phụ nữ thích mặc đẹp, ăn ngon, kể cả ăn quà vặt. Năm nay (2004), ở tuổi 70, Thái Thanh vẫn cần mẫn làm các món dưa chua, củ cải ngâm nước mắm, kho cá thu, làm thịt đông, và nhiều món nữa. Cô vẫn say sưa kể về cách làm các món ăn “Bắc Kỳ chính cống”, nào là ở quê mình cây cải trước khi đưa vào muối phải phơi cho heo héo một chút, rồi nước muối phải pha làm sao, bây giờ ở Mỹ, có lò nướng, có microwave, mình phải cắt củ cải làm sao, sấy làm sao, pha nước mắm thế nào, ... Thực tình những món cô làm đều rất ngon, hương vị giống như hồi xưa tôi vẫn được Mẹ tôi nấu cho ăn, như món cá thu kho riềng chẳng hạn. Hồi còn sinh tiền khi làm món cá kho này, Mẹ tôi thường nướng cá thu cho xem xém, thịt hơi săn lại một chút, rồi Bà nhét mấy miếng thịt ba chỉ sắt khúc vào giữa con cá. Khi kho, ngoài chuyện thêm nước mắm, lót những lát riềng, Bà còn lót một lớp trà mạn không ướp hương hoa gì cả xuống đáy nồi. Trong “căn hộ” một phòng, có bếp gas, có lò nướng, có microwave, tủ lạnh, tôi không biết Thái Thanh xoay sở làm sao để kho được nồi cá  thu, chỉ biết rằng bà rất thích thú nói về món ăn, về nghệ thuật  nấu món ăn với những phương cách cầu kỳ như vậy. Tôi tưởng tượng khi bà đang nấu nướng, chắc toàn bộ con người bà, thân, trí và tâm bà đều chú tâm vào chuyện nấu nướng y như khi hát vậy. Trong một lần cùng bà đi mua “thức ăn” cho hoa lan, bà nói: “Cư xử với cây khó lắm, nhất là hoa lan, không như cư xử với người đâu. Nếu mình không chăm xóc tử tế, không khéo, không làm đúng những gì mình phải làm, thì cây nó bỏ đi. Còn với người, người ta sẵn sàng chịu đựng nhau, đôi khi người ta giả dối để vẫn liên lạc với nhau vì những điều gì đó. Còn với cây, mình có yêu cây thì cây mới ở lại.” Thái Thanh đời thường là thế.
Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tiếng hát Thái Thanh vẫn triền miên chuyên chở đến mọi người Việt Nam biết bao niềm xúc cảm của một kiếp người. Tiếng hát đó như gắn liền với định mệnh của cả dân tộc ta, đất nước ta. Trong một buổi hội thoại với thính giả của đài phát thanh Văn Nghệ Truyền Thanh qua chương trình giới thiệu buổi trình diễn của Thái Thanh và các con năm 1996, một thính giả gọi vào đài để nói với Thái Thanh, đại ý như thế này: Vợ chồng chúng tôi xin cảm ơn chị Thái Thanh, bởi vì chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành theo tiếng hát của chị. Chúng tôi yêu nhau, lấy nhau qua tiếng hát của chị. Chúng tôi yêu nước nồng nàn, mãnh liệt cũng vì tiếng hát của chị đã gieo cho chúng tôi lòng yêu nước như vậy. Chúng tôi yêu con người, yêu Mẹ chúng tôi, yêu Cha chúng tôi, cũng do tiếng hát của chị. Tiếng hát của chị đã truyền đạt tất cả những gì cao quí nhất của dân tộc này, của con người này cho tất cả chúng tôi. Xin cảm ơn...
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều muốn ngỏ lời cảm ơn như vậy. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng phải gửi lời cảm ơn như vậy vì nếu không có giọng hát đó nhạc của ông chưa chắc đã đi xa, đi cao, đi sâu đến thế. Thái Thanh đã khiến những bản nhạc của ông sáng tỏ hơn, phong phú hơn, gần gụi hơn với người nghe. Tiếng hát Thái Thanh không chỉ chuyên chở tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình đôi lứa, tiếng hát đó còn mang cả “Ðạo” đi rao giảng.  Nhà văn Thụy Khuê trong bài “Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực”, khi nói về tập “Ðạo Ca” do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, đã viết như thế này:”... giọng hát thiên sứ Thái Thanh hướng dẫn chúng sinh –từ cõi vô minh- lắng nghe số kiếp trầm luân của chính mình mà vượt trùng luân hồi, tìm về bến giác.” Quả thực nếu không phải giọng ca Thái Thanh, cái chất Ðạo trong thơ Phạm Thiên Thư, trong nhạc Phạm Duy chưa chắc đã được truyền đạt trọn vẹn. Cách truyền đạt Thái Thanh rất “người”, rất “chúng ta”. Nghe giọng hát đó chúng ta tưởng như chính là tiếng hát từ đáy lòng mình, rất thật, rất quen, rất trọn vẹn. Cái thật, cái quen, cái trọn vẹn đó đã khiến những bà Mẹ, bà vợ, các chị em của những người lính gục ngã nơi chiến trận òa lên khóc sau khi nghe Thái Thanh hát như Thái Thanh kể về kỷ niệm của “Ðêm Màu Hồng”: “Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi đến bây giờ: Một hôm tôi hát bài “Kỷ Vật Cho Em” xong thì thấy mấy bà khóc. Các bà ấy đều có chồng,có con,  có anh em tử trận. Ðiều đó thật là day dứt.” Nói đến đây, Thái Thanh lẩm nhẩm ôn lại: “Anh trở về, chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ tóc em xanh. Chiếc khăn sô trên đầu vội vã. Em ơi...”
Hơn 50 năm Thái Thanh đã cống hiến tiếng hát cho người, cho đời. Hơn 50 năm tiếng hát này nổi trôi theo vận nước, trong đó 10 năm tiếng hát câm nín vì Sài Gòn câm nín, vì “... khi người Cộng Sản vào miền Nam, tôi thấy họ khác mình quá, cái gì cũng khác. Khác hay hay khác dở thì tôi không bàn, nhưng tôi thấy không có gì giống tôi, giống trước đây, thì tôi không hát....”