Monday, November 12, 2018

Đẻ tôi




 
  

Chỉ là một mảnh vườn nhỏ nhưng với tuổi thơ tôi, mảnh vườn thật mênh mông, kỳ bí. Tôi lang thang khắp bờ tre, bụi chuối trong vườn, theo con tắc kè rúc mình trong đám lá khô. Rón rén bước nhẹ theo sau, vừa phập phồng lo sợ chú tắc kè biết được, quay phắt lại không biết tôi có bỏ chạy kịp không, vừa hào hứng về màu sắc trên da chú lúc ửng đỏ tia tía, lúc xanh xanh nhờn nhợt. Thấy ghê ghê về làn da đó, nhưng trí non thơ của một cậu bé chưa đến 7 tuổi vẫn đầy háo hức, tò mò. Cứ thế, tôi thui thủi trong vườn một mình những ngày Đẻ và chị Thảo đi Hà Nội. Cả một ngày dài với nỗi sợ hãi hoang vắng, âm u, càng làm tăng lòng khát khao “mong mẹ về chợ.”
Mẹ con chúng tôi ở trong căn nhà tranh, vách đất, chiếm khu vực cuối vườn. Tuổi nhỏ chúng ta thường thấy cái gì cũng lớn, nhưng ngay thuở ấy tôi đã thấy túp lều này rất nhỏ. Thầy tôi vốn là một nhà nho nghèo mặc dù ông nội tôi là Đốc Học tỉnh Bắc Ninh. Khi qua đời, cơ nghiệp Thầy tôi để lại gồm một căn nhà ngói 3 gian để gia đình anh cả tôi, con trưởng, ở và thờ phụng tổ tiên. Mấy gian nhà ngang chạy dọc theo cái sân lát gạch dành cho gia đình các anh tôi, con Mẹ Già. Đi hết khu nhà ngang, qua ít thước vườn, đến lều tranh của mẹ con chúng tôi. Thầy tôi mất, không một xu dính túi, Đẻ tôi vay đâu đó ít tiền để buôn bán, và gửi 2 anh tôi về bên ngoại. Anh Đỗ Trọng Tường được gửi đi Hòn Gay, ở với bác Khâm, anh Đẻ tôi; anh Đỗ Quý Toàn được gửi đi Cẩm Giàng, sau đó ra Hà Nội ở với cậu Cảo, em Đẻ tôi.
Đẻ tôi là cháu nội cụ Ngô Trọng Tố, thường gọi là Cụ Thượng Đáp Cầu. Về bên ngoại, Đẻ tôi thuộc dòng dõi cụ Phó Bảng Dương Danh Lập. Cụ Phó Bảng họ Dương cùng khoa với các cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tiến Sĩ Dương Khuê, Phó Bảng Bùi Quế, và ông nội tôi là cụ Đỗ Trọng Vĩ, Cử Nhân. Đó là khoa Giáp Tý, đời Tự Đức năm thứ 17. Thầy tôi lấy Đẻ tôi sau khi Mẹ Già tôi, cụ bà Dương Thị Tĩnh, qua đời.  Theo lề lối các cụ ngày xưa, những người con các bà thứ thất chỉ được gọi người mẹ sinh ra mình là Đẻ, tức là người đẻ ra mình, còn tiếng Mẹ để chỉ Mẹ Già, tức bà chính thất của Thầy tôi. Riêng tôi, tôi yêu tiếng Đẻ hơn.
Lúc Đẻ tôi khoảng 26 tuổi thì lấy Thầy tôi, có thể là năm 1932, lúc đó Thầy tôi gần 60. Cụ sinh được 5 người con, chị tôi là con đầu, rồi một chị mất sớm, đến 2 anh tôi, tôi là con út. Mẹ Già có 7 người con, nhưng một anh tôi qua đời khi còn rất bé, nên nếu tính những con còn nuôi được, tôi là con thứ 10 của Thầy tôi Tôi ra đời khi Thầy tôi đã 70 tuổi. Hơn một năm sau, Thầy tôi mất, năm 1945. Do đó, tôi không có chút ký ức nào về Thầy tôi. Nhưng lề nếp sống của Thầy tôi, hình ảnh về Thầy tôi thì đầy ắp trong đầu óc tôi, trong tâm hồn tôi do những câu chuyện Đẻ tôi kể suốt hơn 20 năm trời tôi luôn ở gần cụ. Và những câu chuyện đó, hình ảnh đó đã nhào nặn nên con người tôi, tưởng như chính tôi đã được Thầy tôi giậy dỗ. Đó là gia tài quí giá nhất Đẻ tôi đã để lại cho tôi.
Tôi không nhớ rõ những năm tháng đó, từ cuối 1945 đến khoảng 1950, năm chúng tôi trốn khỏi làng, Đẻ tôi buôn bán những gì. Đến 1950 tôi mới có 7 tuổi. Theo chị tôi, chị Đỗ Phương Thảo, kể lại, cụ xoay xở đủ thứ, từ buôn hàng tấm, hàng xén, đến ra Hà Nội cất sợi về bán cho người dệt vải trong làng, rồi cụ mua vải nhựa, thuốc Tây, về bán lại. Mỗi chuyến đi Hà Nội cụ thường dắt chị Thảo đi theo, ngay từ khi chị mới 14 tuổi đầu, để một hai năm sau, đôi lúc cụ cho chị đi một mình. Bình thường, hai mẹ con đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Khi nào cần ở lại đêm Hà Nội, Đẻ tôi để chị Thảo ở nhà với tôi, hoặc cụ cho chị Thảo đi một mình, cụ ở nhà với tôi. Suốt cả ngày tôi thui thủi một mình, lang thang khắp các xó xỉnh trong vườn. Suốt tuổi thơ tôi không có bạn bè. Do Thầy tôi dạy học (chữ nho) từ bao năm trước, hầu như trong làng ai biết chút ít chữ thánh hiền đều là học trò của cụ. Theo xưa, học trò phải coi con cái Thầy như anh, như chị. Thầy tôi có giản lược chăng nữa thì các ông bà trong làng cũng chỉ dám coi chị em chúng tôi như các em. Cho nên con cái họ phải gọi chúng tôi là cô, chú. Đẻ tôi không cho tôi chơi với đám trẻ trong làng vì tôi vai vế cao hơn họ. Vả chăng, cụ cũng không muốn tôi nhiễm phải cách ăn nói luông tuồng, quê kệch. Trò chơi của tuổi thơ như đánh đinh, đánh đáo, chơi khăng, tôi không biết chút gì. Ký ức tôi chỉ còn loáng thoáng vài đêm trăng vào dịp Trung Thu, tôi được nô đùa với với mấy đứa cháu trong nhà, mấy trò chơi như “Thả đỉa ba ba, Rồng rắn lên rừng, …”
Vì vậy, vuông vườn nhỏ trước nhà là thế giới tuổi thơ của tôi. Tôi quanh quẩn trong túp lều tranh, hoặc thơ thẩn ngoài vườn suốt khoảng thời gian chờ Mẹ đằng đẵng, ít khi tôi dám lên nhà trên hay khu nhà ngang để gặp người này, người nọ. Một buổi trưa, có lẽ lúc đó tôi khoảng 4 hay 5 tuổi, bỗng dưng tôi nhớ mẹ da diết. Trưa vắng, cảnh vật tĩnh mịch trong ánh nắng chói chang, bóng mát bụi chuối đằng kia sao thăm thẳm, im ắng, xui tôi đột nhiên oà lên khóc. Chị Thơ Mai ở khu nhà ngang chạy xuống hỏi tôi có làm sao không. Tôi vẫn nức nở. Chị dắt tay tôi đi lên nhà chị. Tôi không theo chị mà vẫn đứng dưới sân, không leo nổi lên bậc thềm cao, và cũng không sao kìm được tiếng khóc ai oán. Chị đành để tôi đứng đó, ngồi vào bàn ăn cơm cùng anh Thơ Mai. Ít phút sau, chị lại hỏi vọng xuống chỗ tôi, đại khái: Em đói phải không, lên đây ăn với anh, chị. Tôi tiếp tục nấc lên không cách nào trả lời được. Hỏi thêm mấy lần mà không được một câu trả lời, chị điên tiết lên rủa tôi: Vẽ sự, có mà ăn cái … bà đây này! Tôi hốt hoảng bước lùi, rồi lủi thủi về túp lều, leo lên chõng khóc tiếp. Tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Từ đó, tôi không dám bén mảng ra khỏi khu vực Mẹ con chúng tôi. Không hiểu sao tuổi thơ như vậy mà tôi đã biết ý tứ, không kể lại chuyện trên cho Đẻ tôi nghe, lòng e ngại lại sinh to chuyện. Tôi cũng không thể hiểu vì sao tôi không muốn Đẻ tôi vướng thêm vào những chuyện phiền nhiễu như vậy. Hình như, dù bé mấy chăng nữa, đứa con vẫn cảm nhận được những nỗi nhọc nhằn của bà mẹ. Tôi nói thêm ở đây, anh Thơ Mai là anh ruột tôi, con Mẹ Già. Tôi gọi là anh nhưng thực ra anh nhiều tuổi, có thể sấp sỉ tuổi Đẻ tôi. Để lúc nào tôi sẽ kể về các anh, các chị.
Chơi trong vườn nhưng tôi không leo trèo phá phách. Tôi chăm chút từng bụi chuối vì biết rõ đó là nơi Đẻ tôi cất dấu đồ, hàng mỗi khi trên bót Tây về lùng soát trong làng. Khi có tin “Tây về điểm mục”, Đẻ tôi vội quơ các món hàng buôn bán ra vườn, vạch đám là chuối khô dày đặc, nhét vào tận cùng khe giữa mấy cây chuối khổng lồ, chỗ sát hàng rào tre hay dâm bụt, rồi thu vén đám lá chuối khô che kỹ lưỡng bên ngoài. Với tôi, bụi chuối là nơi chốn thần kỳ đã nhiều lần cứu giúp Đẻ tôi. Ít năm sau khi lưu lạc đến Phủ Lạng Thương, qua việc Đẻ tôi buôn lậu hàng cấm lúc đó, tôi mới hiểu rằng trước kia ở quê chắc là Đẻ tôi cũng buôn lậu mấy thứ hàng bán ra vùng Việt Minh. Thuở đó, đêm đêm tôi dám đi một mình ra vườn đi tiểu. Bóng tối dày đặc trong khu vườn có làm tôi rờn rợn nhưng tiếng tàu chuối cọ nhau xào xạc lại mang đến cho tôi một nỗi thân quen. Khuôn vườn nhỏ chắc là trồng nhiếu thứ cây ăn trái khác nhau, có thể là ổi, nhãn chẳng hạn. Tôi không nhớ rõ. Cho đến mãi bây giờ ở vào lớp tuổi 70, chỉ có mấy bụi chuối và một gốc bưởi là còn đọng lại sâu thẳm trong ký ức tôi. Tôi hay loanh quanh bên mấy bụi chuối, với sự nhận xét, phán đoán non nớt để cố đoán xem Đẻ tôi làm sao mà dấu được bao nhiêu thứ sau khối lá chuối khô um tùm kia. Đôi lần, tôi đánh bạo vạch thử mấy tầu lá khô còn dai dẳng dính phần bẹ vào thân, nhưng chẳng bao giờ dám đi sâu vào thêm mấy lớp lá nữa vì luôn luôn bắt gặp cái đầu nhỏ nhắn, nhòn nhọn, nghiêng nghiêng của mấy chú tắc kè. Nghe tiếng động, các chú nghển cổ với dáng vẻ đề phòng, sẵn sàng lủi ngay vào mớ lá bòng bong rối rắm. Còn tôi, cũng sẵn sàng quay lại lao về phía ánh nắng, chạy thoát khỏi khu vực bóng tối đầy nghi ngại.
Ngay trước cửa căn lều tranh của mẹ con tôi, sát với phần sân lát gạch, một cây bưởi toả bóng mát quanh năm. Nhiều lần trong năm, Đẻ tôi và chị Thảo hay ngắt lá bưởi bỏ vào chiếc nồi đồng lớn tướng nấu cho sôi lên, rồi dùng pha nước tắm cho tôi. Cũng có khi nhà hết bồ kết, Đẻ tôi và chị Thảo dùng nước lá bưởi gội đầu. Mùi lá thơm ngan ngát, thoang thoảng trong không gian của buổi chiều hè. Tắm bằng nước lá bưởi cho ta cảm giác thanh khiết, nhẹ nhàng, khiến tôi tưởng như thân mình nhẹ hẫng, bay bổng. Cũng vào dịp hè, đôi lần Đẻ tôi tiêu hoang, mua ít đường cát trắng với đậu đen về nấu mấy bát chè cho 3 mẹ con. Thế nào cụ cũng điểm thêm vài cánh hoa bưởi trắng phau lửng lơ trên làn nước chè đen. Húp hớp chè ngọt thấm đẫm hương bưởi, giống như húp cả không gian mát dịu, (Đẻ tôi thường nói thế.) Hình ảnh lưu mãi trong tôi đến bây giờ là cảnh hai mẹ con ngồi ăn cơm chiều kế bên gốc bưởi. Khi đó, chị Thảo đã đi lấy chồng. Tan chợ, hoặc nếu có đi Hà Nội, Đẻ tôi cũng cố gắng đáp chuyến xe hàng sớm để mau về nhà kẻo tôi mong. Đến nhà, Đẻ tôi tất bật nấu niêu cơm nhỏ, rồi kho chút cá bống, hoặc vài miếng đậu hũ kho mặn, và thêm một bát canh. Mùa hè, cụ hay nấu canh bí đao (bí xanh) với vài con tôm khô.  Cụ bảo canh bí đao mát lắm. Sau khi tắm cho tôi xong, Đẻ tôi bê mâm cơm đặt dưới gốc cây bưởi. Bát canh nhỏ, đĩa kho nhỏ bầy trên cái mâm đồng ba chân. Đẻ tôi ngồi trên khúc gỗ dùng làm ghế ngồi, còn tôi ngồi lọt thỏm trong cái bị cói. Thân thể cậu bé 6, 7 tuổi gầy còm ngồi trong bị cói mà rộng thênh thang như ngồi trong thuyền thúng. Tôi thích ngồi như vậy, vừa như đùa nghịch, vừa như trong vòng tay bế ẵm nuông chiều. Hai mẹ con ngồi ăn trong khung cảnh đơn sơ của buổi chiều vừa tắt nắng. Thỉnh thoảng, có tiếng hỏi vọng từ khu nhà trên hay khu nhà ngang: “Bà với chú đã ăn cơm chưa.” Đẻ tôi trả lời: “Chúng tôi đang ăn đây,” rồi cụ hỏi lại, hoặc là “Con bé hôm nay có quấy nhiều không?” hoặc là “Anh ấy hôm nay uống hết cút nào chưa?” Đó là Đẻ tôi nói chuyện với chị cả Sán mới ở cữ đứa con gái đầu lòng, hoặc nói chuyện với chị Thơ Mai. Chị Sán là cháu dâu tôi. Anh Sán là con cả của anh Tú Phan, con trưởng của Thầy tôi, tức là anh sán là cháu đích tôn của Thầy tôi. Anh Mai là anh thứ của tôi, làm thơ ký, nên gọi là anh Thơ. Mỗi bữa cơm anh phải có vài chén rượu. Uống say rồi chửi đổng hoặc la mắng vợ con. Tiếng la mắng chẳng ồn ào lắm nhưng cũng là cái gì chương chướng. Hình như anh không ăn cơm thì phải. Thuở bé nhìn anh Thơ Mai, tôi cứ tưởng người ta chỉ cần uống rượu cũng no. Sau mỗi câu đối đáp qua quít cho phải tình gia đình, thế nào Đẻ tôi cũng thì thầm căn dặn tôi điều gì. Có khi là lớn lên con đừng rượu chè như vậy, làm khổ vợ con. Có khi là rượu thuốc tuy vậy rất tốt nếu uống chừng mực, ít thôi. Rồi Đẻ tôi kể về cách uống rượu của Thầy tôi. Mỗi bữa chỉ một, hai chén hột mít rượu thuốc, uống cho khoẻ và cũng để thêm ngon miệng. Bây giờ, tôi cũng hay nhắp một thìa rượu thuốc trước mỗi bữa ăn, thực ra chỉ là cách để nhớ đến Thầy và Đẻ tôi, hơn là cần uống hay vì tin rằng nó giúp cho sức khoẻ.
Ăn uống xong, Đẻ tôi bảo rằng để Đẻ ngồi nghỉ một tí rồi sẽ dọn. Chẳng ai nói gì về chuyện dọn dẹp cả nhưng Đẻ tôi vẫn thường nói vậy. Sau này lớn lên, nhớ lại, tôi đoán rằng có lẽ Đẻ tôi cũng cần nói chuyện với một người nào đó trong gia đình, với một người thân ruột thịt. Vì hoàn cảnh, các anh chị lớn của tôi đi xa cả, ở nhà chỉ còn hai mẹ con côi cút. Tôi còn nhỏ quá, chưa thể nói chuyện đời, nên cụ đành nói những chuyện nho nhỏ chung quanh cảnh sống. Đẻ tôi ngồi duỗi dài đôi chân, đưa tay bóp hai bắp chân, vừa kể chuyện ngày xưa chị Thảo hay phải đấm lưng cho cụ. Nắng chiều tắt hẳn, trời tối thêm một chút. Mùi hương hoa bưởi như đọng lại nhiều hơn theo bóng đêm, chĩu cả khung trời chạng vạng. Hai mẹ con thu xếp bát đĩa. Tôi vào buồng tìm bao diêm, lóng ngóng thắp ngọn đèn Hoa Kỳ. Ngoài sân, tiếng Đẻ tôi vọng vào: “Để đấy, Đẻ làm cho. Cẩn thận, cháy nhà đấy con ạ.” Nhưng tôi vẫn cố làm một cái gì đỡ đần cho mẹ. Từ sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm rằng Đẻ tôi khổ lắm. Có thể vì đôi khi tôi nghe Đẻ và chị Thảo nói chuyện với nhau, hoặc ai đó nói chuyện về Đẻ tôi. Chỉ một hai câu gì đó, chúng đụng đến sợi dây mẫn cảm trong tâm hồn tôi, làm rung lên trong tôi lòng thương Mẹ vô bờ. Tôi cố gắng vâng lời Đẻ tôi, cố làm vài việc lặt vặt cho cụ. Mỗi khi làm một việc gì không phải, nỗi ăn năn, ân hận gặm nhấm tôi biết bao tháng ngày sau đó. Sau này trong đời sống, nếu tôi có làm được điều gì gọi là có chút thiện, chắc hẳn là vì lòng tôi luôn trĩu nặng hình bóng mẹ hiền. Một lần, lúc anh Tường, chị Thảo còn ở nhà, Đẻ tôi đã phải một phen hoảng hốt vì tôi. Hôm đó, Đẻ tôi đi chợ. Chị Thảo giao anh Tường trông coi tôi để chị làm chuyện gì khác. Chị Thảo hơn tôi 10 tuổi, anh Tường hơn tôi 7 tuổi. Chắc là lúc đó anh mới 13. Anh đưa tôi đi rảo rảo trong xóm, đến nhà mấy người anh em họ. Anh mải chơi, không để ý có một người em tôi chắc cũng cỡ 17, 18 tuổi, rủ tôi lên bè chuối rồi chèo ra giữa ao. Vừa đúng lúc Đẻ tôi tan chợ về, đi qua, cụ nhận ra tôi đứng giữa bè khóc mếu vì sợ hãi. Cụ hốt hoảng gọi người em tôi chèo bè vào bờ. Cụ ôm chầm lấy tôi bế thốc về nhà. Đẻ tôi la mắng chị Thảo, anh Tường một trận. Còn tôi, cụ chỉ nhẹ nhàng nói rằng lần sau con đừng dại dột thế, nếu rơi xuống ao thì lấy ai cứu. Tôi rất ân hận, thương mẹ lo âu cuống cuồng, thương anh, chị bị trách mắng. Đi chợ về, Đẻ tôi mua làm quà cho tôi mấy củ lạc (đậu phộng) luộc, tôi len lén để dành cho chị Thảo, anh Tường.
Tôi có một khuyết điểm mà đến khi già rồi vẫn còn, không sửa được, đó là không ghi nhận được những nữ trang người phụ nữ dùng tô điểm, trang sức. Dù ai có đeo sợi dây chuyền, hay vòng kiềng vàng choé thì tôi cũng không hề lưu ý. Hỏi tôi rằng cô ấy đeo bông tai gì, dây cổ gì, đồng hồ gì, vòng ngọc cẩm thạch hay bạch kim, tôi xin chịu. Tôi có thể ghi nhận khuôn mặt đó bỗng dưng trong sáng, dễ thương hơn lúc khác, chỉ vì cô ta đã đeo một đôi bông tai, một chuỗi hạt quanh cổ, một mặt cẩm thạch trước ngực, rất hoà hợp với khuôn mặt, mái tóc, làn da. Nhưng tôi lại không nhận biết đồ trang sức kia. Những tháng năm ở nhà quê, tôi ghi nhận được khuôn mặt Đẻ yêu quí của tôi thật hiền lành, dịu dàng. Mùa đông cụ chít khăn mỏ quạ, mùa hè cụ vấn mái tóc trần. Gặp dịp giỗ, tết, cụ mới quấn tóc vành dây với mảnh khăn nhung đen mịn màng. Tôi không nghĩ lúc đó cụ có một thứ nữ trang gì. Có thể chỉ là đôi bông tai bằng vàng đơn sơ, nhỏ bé. Đẻ tôi quá nghèo để có thể mua sắm nữ trang. Sau này, những khi chỉ có hai mẹ con sống với nhau ở Đà Lạt, hoặc ngay ở Sài Gòn khi 3 mẹ con ở chung, có những ngày anh Toàn đi đâu đó cả tuần lễ, đôi khi Đẻ tôi đưa tôi xem chiếc vòng ngọc thạch cụ đeo trên cổ tay. Cụ hỏi tôi xem có đẹp không. Dĩ nhiên là tôi ấp úng đâu biết nói gì. Cụ lại nguýt yêu: Cái ngữ mày thì có khỉ nó mê. Ý cụ nói tôi chẳng biết gì để mà tán tỉnh phụ nữ. Cụ biết từ lâu điều đó, nhưng ở nhà chẳng có ai, chị Thảo ở xa, anh Tường ở xa, anh Toàn đi vắng, cụ đành nói chuyện “người lớn” với tôi. Và không chỉ như vậy. Cụ lại kể về chuyện ngày xưa, Thầy tôi ra sao, Thầy nói gì về phụ nữ, về những cô gái, những người đàn bà xa lắc xa lơ, hay những ông quan viên trong làng này làng nọ mà tôi không hề biết đến, về thói ăn, thói ở của người ta. Bao nhiêu là chuyện như vậy được kể ra, có khi tôi tưởng rằng cuộc sống Đẻ tôi rất mờ nhạt bên cạnh sự hiển hiện huyền hoặc của Thầy tôi, ngay cả khi Thầy tôi qua đời đã lâu. Hình ảnh về Đẻ tôi lúc nào cũng vậy, nhẹ nhàng, đằm thắm, và đầy nhẫn nhịn. Chỉ một vài lần tôi thấy cụ nổi giận, giận đến tức uất, ngã vật người từ bậc thềm cao xuống sân lát gạch. Đó là chuyện chị Thảo bị Uỷ ban Hành Chánh bên kia sông Đuống về bắt trong đêm, tôi sẽ kể ở phần ghi chép về “Chị Tôi.” Bây giờ tôi kể về một lần cụ nổi giận náo động cả xóm làng, ngay cái ngày Đẻ tôi dắt tôi trốn khỏi làng:
Sáng hôm đó, một buổi sáng mùa đông, ánh mặt trời còn chưa cao hơn ngọn tre, Đẻ tôi lôi hết chăn, màn, chiếu, gối mang ra giặt rồi giăng đầy dây phơi trên sân. Có lẽ là cuối năm 1950, đầu 1951. Sau khi phơi phóng mọi thứ chật cả cái sân rộng, Đẻ tôi bắc một cái ghế đẩu ra giữa sân, và dù tuổi tôi lúc đó chỉ độ chừng lên bảy, có thể bắt đầu lên tám, nhưng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Đẻ tôi đứng trên cái ghế đẩu đó, lớn tiếng vang cả một khu xóm. Tôi không thể ghi nhận rõ những gì Đẻ tôi lớn tiếng, chắc chắn không một lời tục tằn, mà chỉ  nhớ có nhắc đến tên Hồ Chí Minh, tên Bảo Đại, tên anh Chương, chị Thảo, tên những người học trò Thầy tôi có con lúc đó đang làm trong cái Uỷ Ban Hành Chánh kia … Sau này tôi biết rằng Đẻ tôi hôm đó phẫn uất, chửi từ Hồ Chí Minh đến Bảo Đại, chửi những “con nuôi” Việt Minh đêm đêm vẫn về xin Đẻ tôi món quà này, thức ăn nọ, chửi Uỷ Ban Hành Chánh nhờ cậy nhà tôi trăm chuyện đã qua, nhưng rồi vẫn bắt giữ chị Thảo tôi mấy tháng trước, rồi bây giờ lại còn tính bắt cả Đẻ tôi. Câu chuyện là thế này, một anh sĩ quan, hay đội, cấp bậc gì đó trong quân đội Quốc Gia đòi lấy chị Thảo. Trong làng, nhiều gia đình có người thân bị Tây bắt giữ, van xin chị tôi. Chị tôi phải hy sinh, lấy anh đó để cứu bọn Việt Minh kia. Phía Việt Minh còn yêu cầu chị phải dụ anh chồng làm nội tuyến. Nhưng chị và anh chồng xin đổi đi nơi khác, tránh xa cái làng quê tôi. Thế là họ trở mặt, sách nhiễu Đẻ tôi, và tính bắt cụ để áp lực vợ chồng chị Thảo. Cũng còn có người trong làng nhớ đến tình nghĩa thầy trò, lén báo tin cho Đẻ tôi. Biết chỉ vài đêm sau bọn Việt Minh sẽ ra tay, sáng nay Đẻ tôi giả vờ phơi quần áo mùng mền để người ta tưởng là vẫn ở nhà, kỳ thực cụ dắt tôi bỏ trốn. Trước khi bỏ hết của cải, nơi ăn chốn ở, ra đi với hai bàn tay trắng, cụ uất ức, bắc ghế chửi cả hai bên một phen cho hả. Rồi vội vã kéo tôi đi.
Đẻ tôi một tay xách gói nhỏ buộc bằng chiếc khăn vuông đen (người ta gọi là chiếc khăn gói), cứ như là đi đến nhà nào ở thôn bên cạnh, đầu làng, tay kia cụ giắt tôi đi. Cụ thong thả bước, vừa lớn tiếng dặn dò tôi phải ngoan, gặp anh này chị nọ, chú kia bác nọ, phải chào hỏi đàng hoàng. Cụ còn nói thêm tuy rằng có người ở vai dưới tôi thật đấy, nhưng họ đều lớn tuổi, tôi phải xưng em cho lễ phép. Có ai nghe được hẳn nghĩ rằng chúng tôi đi ăn giỗ hay đến thăm hỏi họ hàng. Bỗng nhiên Đẻ tôi lôi tôi rẽ ngoặt vào một bụi tre, đổi qua một lối mòn có cành tre đan chằng chịt. Có lẽ đó là lỗ hổng qua luỹ tre bọn trẻ chăn trâu đi tắt ra đồng bắt ếch bắt nhái. Len lỏi mấy chục bước qua rặng tre trông xa tưởng là dầy đặc, trước mắt tôi hiện ra cánh đồng bát ngát. Đẻ tôi khẽ khàng dục tôi: “Chịu khó bước nhanh một tí con. Băng ngang cánh đồng là mình lên đến mặt đê, đón được ô tô của lính đi nhờ.” Tôi rất ngạc nhiên nhưng không để mất thì giờ đưa ra những câu hỏi, chỉ biết cắm cúi chạy theo bước chân nhanh thoăn thoắt của cụ. Buổi sáng, trời đầy nắng vàng rực rỡ, mà thoắt một cái, bây giờ trời chuyển lúc nào không biết. Cả một cánh đồng mênh mông u ám. Từ phương xa, bầu trời vần vũ, không biết là hàng hàng lớp lớp mây xám xịt mùa đông hay là khói bốc lên từ khu làng nào bị đốt. Gió thốc từng cơn, lạnh buốt. Chân tôi mang đôi dép có quai, sau này tôi biết người ta gọi là đôi “săng đan”, nhưng cuống rạ vẫn cứ len lỏi đâm vào bàn chân đau nhói. Đẻ tôi gần như lôi tôi chạy thục mạng trên cánh đồng, lâu lâu cụ nhìn về phía xa xa, nơi có con đường đất nối từ đê vào làng.  Con đường bắt đầu từ chân đê, nơi gò đất cao có cây đa to tướng, rồi xuôi xuống chạy vào cổng chính của làng. Chặng đường này dài đến hơn cây số. Tôi ngạc nhiên vì mọi khi đi đâu ra khỏi làng, Đẻ tôi đều đưa tôi qua cổng làng rồi nhập vào con đường đất kia, đôi chỗ có lồi lõm vết chân trâu, nhưng dễ đi hơn ở dưới ruộng nhiều. Trời vẫn một màu xám nhờ nhờ, gió vẫn thốc lên, bây giờ lại có chút mưa bay. Từ nơi xa xa trên đê, bụi bay mù mịt. Đẻ tôi dục tôi chạy nhanh hơn cho kịp chuyến xe nhà binh sắp chạy qua. Cuối cùng, chúng tôi cũng lên mặt đê vừa kịp lúc. Đẻ tôi đưa tay vẫy vẫy, chiếc xe tải nhà binh to tướng, không biết có phải loại sau này gọi là GMC không, ngừng lại. Đẻ tôi nói gì đó với mấy người lính, họ ra hiệu cho chúng tôi trèo lên phía thùng xe đằng sau. Có lẽ Đẻ tôi nhắc đến tên anh Chương, chồng chị Thảo tôi, trước đây đóng lon đội hay gì đó ở bốt Hồ, để xin đi nhờ xe. Sau khi chạy bộ suốt một quãng đồng dài, lên xe, tôi rơi ngay vào giấc ngủ. Đôi lần tỉnh lại, có lẽ là lúc đến Hồ nơi chúng tôi đổi qua đi xe hàng chạy ngược lên phía bắc, để cuối cùng Đẻ tôi cho biết xuống xe ở thị xã Đáp Cầu. Trời đã gần chiều.
Sau này, đôi khi nhắc lại với Đẻ tôi về buổi sáng hôm đó, tôi mới biết rằng bọn Việt Minh đã cho người canh giữ phía con đường chính đi ra khỏi làng, nên cụ đi tắt đường khác, băng qua cánh đồng, lên ở đoạn đê trước đó cả nửa cây số. Đẻ tôi nói rằng, lúc xe ô tô chạy trên đê đến chỗ con đường vào làng, vẫn thấy thằng A với thằng B quanh quẩn dưới gốc đa (lâu rồi, tôi không nhớ tên hai chàng Việt Minh kia). Từ buổi sáng trốn ra đi cho đến khi lên đường di cư vào Nam, Đẻ tôi không bao giờ trở lại làng xưa. Cụ chạy trốn cộng sản từ những năm đầu của thập niên 50. Vậy mà, mấy chục năm sau, những người Cộng Sản vẫn đuổi kịp cụ tại Sài Gòn. Lại thêm một lần phẫn uất, đến nỗi một hôm cụ bê cả mâm cơm hất xuống đất khi một anh cháu từ Bắc vào lỡ nói lên mấy tiếng “bác Hồ.”
“Đáp Cầu” là hai tiếng theo tôi mãi đến giờ phút ngồi ghi lại hình ảnh Đẻ tôi bây giờ, mặc dù tôi biết rất ít về thị xã đó. Có mấy địa danh tôi hằng yêu mến suốt cuộc đời dù trong hoàn cảnh nào, đó là “Bắc Ninh”, “Đáp Cầu”, “Hà Nội”, và sau này khi tôi đi tù ngoài Bắc, rồi sau đó ra hải ngoại, tôi yêu thêm hai chữ “Sài Gòn”, phải nói yêu Sài Gòn “hơn cả quê xưa”. Tôi đến Đáp Cầu vào một buổi chiều theo mẹ “chạy trốn khỏi quê hương.” Hình ảnh Đáp Cầu trong tôi chỉ là một khúc phố rộng xe nhà binh chạy qua bụi mù, hai bên nhà cửa đơn sơ, màu sơn loang lổ, và đặc biệt, hai hàng cây bàng tàn lá toả rộng xum xuê. Đẻ tôi đưa tôi vào sân một ngôi nhà gạch có hàng rào thấp bao quanh. Tôi không còn nhớ được đã gặp ai trong ngôi nhà đó dù rằng chúng tôi ở lại mấy ngày trước khi đi Hà Nội và rời xa Đáp Cầu mãi mãi. Tôi yêu Đáp Cầu vì âm thanh của hai tiếng này, và sâu thẳm hơn nữa, vì đây chính là quê ngoại tôi. Đẻ tôi thuộc dòng họ Ngô ở Đáp Cầu. Tất cả những gì dính dáng đến Đẻ tôi, tôi đều yêu quí, yêu đến độ đôi khi chỉ cần nghe hai âm đó, tôi cũng có thể bồi hồi, ứa nước mắt. Không biết có ai “mít ướt” như vậy không. Nghĩ đến Mẹ, mau nước mắt, nhưng đầy hạnh phúc.
Ký ức của tôi lúc ở Hà Nội rất chắp vá nhưng cũng rất đầy đặn. Chắp vá vì trong vòng gần hai năm ở Hà Nội, tôi thay đổi chỗ ở chắc phải 4, 5 lần. Đầy đặn vì tôi bắt đầu khôn lớn hơn ở tuổi lên 8, rồi sau đó lúc tôi gần 10 tuổi, lại trở về Hà Nội. Vào lớp tuổi này, tôi đã có những nét chững chạc hơn, biết thưởng ngoạn hơn, biết yêu và biết ghét nhiều điều ở Hà Nội hơn, và nhất là vì Hà Nội đầy ắp trong văn chương nghệ thuật, mà ở khúc văn nào, đoạn nhạc nào, bức vẽ nào về Hà Nội, cũng thấm đẫm tình yêu Hà Nội, và tuổi thơ tôi ngụp lặn trong đó, say mê. Trong bài thơ tôi kể về lúc ngồi trên xe hàng từ Hải Phòng đi ngang Hà Nội trên đường vào nhà tù Thanh Hoá, hai tay bị còng cùng anh bạn tù, tôi có viết: “Bồi hồi như gặp người tình, từ lâu …” Quả thực vậy, Hà Nội là một người tình, và tiếc thay “… hình dung tiều tuỵ, võ vàng, đổi thay …”. Cành yêu càng đau sót.
Từ nhà quê tôi ra Hà Nội đầu năm 1950, sau đó cuối năm 1951, đầu 1952 tôi lại trở về Hà Nội ở một thời gian trước khi theo Đẻ tôi ngược lên Phủ Lạng Thương, Bắc Giang vào cuối 1952. Khoảng thời gian giữa 2 lần ở Hà Nội, Đẻ tôi đưa anh Tường và tôi về sống tại vùng Phát Diệm, gần với giòng tu kín nơi chị Thảo đang tu. Cả 2 lần tôi ở Hà Nội, gia đình tôi thực sự “tan tác,” mỗi người một nơi. Chị Thảo về quê chồng ở Phát Diệm; anh Tường ở với Bác Khâm ở Hòn Gay, rồi với cậu Hiến ở Hải Phòng; anh Toàn ở với cậu Cảo ở phố Hàng Bún Cụt, Hà Nội; Đẻ tôi đi buôn bán xa, một vài tuần mới ghé thăm tôi một lần; còn tôi, mới đầu được gửi ở nhà cậu Cảo chừng tuần lễ, sau đó tôi được mang đến gửi bác Miện ở phố Khâm Thiên. Giờ phút này ngồi ghi lại, tôi hiểu được lòng Đẻ tôi khi đó tan nát ra sao.
Cậu Cảo, là em cùng cha, khác mẹ, với Đẻ tôi, nhưng rất quí Đẻ tôi. Từ mấy năm qua, cậu đã cưu mang anh Toàn nên Đẻ tôi không dám gửi tôi ở đó mặc dù trong mấy anh chị em, cậu là người Đẻ tôi thân nhất. Cậu Mợ cũng đã có 4 đứa con nhỏ, lại thêm một cô con nuôi, con người em gái ruột của cậu, lại thêm anh Toàn nữa. Kể cả bà Trẻ, nhà cậu, một ngôi nhà một tầng nhỏ bé, đã quá chật trội. Vừa từ Đáp Cầu lên Hà Nội, Đẻ tôi phải vào cậu tá túc ít ngày. Trong mươi ngày ở với cậu, Chủ Nhật cậu thường dùng xe (không biết có phải là xe vespa) chở tôi đi chơi đây đó. Cậu bảo “cho thằng nhà quê này biết Hà Nội một tí.” Cậu cho tôi ra đền Ngọc Sơn ăn bánh tôm. Cậu bảo bánh tôm Cổ Ngư đi vừa xa, vừa chưa chắc ngon hơn bánh tôm ở đây. Cậu đưa tôi đi ăn ở một hàng phở gánh, sau này tôi đoán là “phở Trọc”, hay “phở Tráng” gì đó, vì cậu nói là hàng phở ngon nhất Hà Nội. Cậu cứ nghĩ “thằng nhà quê” tôi là một người lớn, cái gì cậu cũng giải thích như nói chuyện với người lớn. Cậu hỏi phở có ngon không, dĩ nhiên tôi phải suýt soa là ngon quá. Đã gọi là thằng nhà quê thì thú thực, phở nào với tôi lúc đó cũng ngon cả. Buổi sáng ăn phở đó còn ở với tôi mãi mãi, và nó lại hiện về vào những khi tôi được ăn một tô phở ưng ý, giống như sau này, lúc tôi mới khoảng 14, 15 tuổi, được ăn phở xe Ngọc Lan (trước rạp ciné Ngọc Lan) hay phở Bằng, ở Đà Lạt. Hàng phở gánh đặt ngay trên lề đường tráng xi măng một con phố, tôi không biết là phố nào. Mọi người xúm quanh gánh phở, đông chật cả một góc phố. Chắc chỉ có độ 4, 5 cái ghế đẩu bàng gỗ, còn mọi người ngồi trên yên xe đạp, trên xích lô, hoặc cứ thế đứng mà ăn, mà húp. Tôi đứng dựa vào xe vespa của cậu, còn cậu ngồi trên yên xe. Trời ạ, buổi sáng mùa đông, trời còn chưa ửng nắng, phố phường còn thưa thớt, hơi bốc nghi ngút từ nồi nước phở mỗi khi bác bán phở mở nắp, toả ra không gian cả một trời hương vị ngọt ngào, đậm đà, ấm áp, mời gọi khứu giác, vị giác, và cả thị giác của loài người chung quanh. “Phở và mùa đông”, tôi vẫn nghĩ hình ảnh ấy đẹp lắm, văn chương đã đề cập, hội hoạ hình như cũng có, nhưng còn âm nhạc, chưa nhạc sĩ nào nói đến thì phải. “Phở” đâu phải chỉ là vật chất tầm thường, trần tục. Từ khi khôn lớn, tôi đã tưởng như phở là một phần hồn của Hà Nội, mặc dù ‘một phần hồn” đó ở lâu đời với mấy anh Cộng Sản, đã đượm hơi hướng nhạt nhẽo, điêu ngoa.  Các nhạc sĩ chỉ nói “cây bàng mùa đông”, rồi “mùa thu Hà Nội”, rồi áo dài tha thướt, liễu xanh rủ bóng, đủ thứ của Hà Nội, riêng gánh phở thì không. Mà gánh phở, thực ra còn sống động hơn cả những gốc bàng, màu sắc cũng hoà hợp như những tà áo dài, còn vẻ đẹp tôi không dám lạm bàn về nhan sắc, các tiểu thư Hà Nội vẫn nổi tiếng là đẹp nhất xứ Bắc Kỳ. Chỉ biết, mỗi lần nhớ về buổi sáng được cậu tôi cho bưng bát phở góc phố, húp từ từ cho đến cạn nước, trong tôi lại tràn trề niềm khoái cảm, nâng niu.
Bác Miện là anh ruột Đẻ tôi, hình như là Ngô Trọng Miện. Sau khi hồi cư về Hà Nội, bác kiếm được cái nhà 2 tầng ở phố Khâm Thiên. Đẻ tôi gửi tôi ở đó, mỗi tháng đưa bác gái ít gạo, ít tiền, vì nhà bác mới hồi cư, có lẽ chẳng ai có việc làm, nhà bảy, tám miệng ăn, đời sống khó khăn. Bác Miện hút thuốc phiện. Bác hay nằm trên một cái sập kê giữa nhà ngoài, trên gác. Tôi hay chơi loanh quanh căn phòng này vì thích ngửi mùi khói thuốc phiện thơm lừng. Sau này, ở khu Bàn Cờ, tôi gặp lại mùi hương quyến rũ đó mỗi khi đi ngang nhà ông tổ trưởng ở đầu hẻm. Cụ tổ trưởng tên Hoàng vừa hút, vừa chứa khách hút. Nghe nói, mấy nhà thơ, nhà văn đôi lần có ghé đến cụ, mỗi khi thuốc khan hiếm, như Đinh Hùng, Nguyễn Mạnh Côn … Nghe đồn vậy thôi, có khi nào gặp được mấy vị đó. 
Nhà bác ở trên gác, đôi khi bác gái muốn mua một tô bún riêu, bún ốc rao bán trên hè phố, bác chỉ cần ới một tiếng, các bà, các cô bán hàng liền đặt đôi quang gánh xuống, lấy rau, lấy bún vào chiết bát chiết yêu men xanh nhạt với vành hoa văn màu xanh đậm chạy quanh miệng bát, xong đâu đấy, mở nắp nồi riêu, múc mấy “muôi” riêu chan vào, thêm tý mắm tôm. Từ trên gác, bác dòng sợi dây thừng có buộc một cái thúng nhỏ xuống, các cô bán hàng để bát bún riêu và đôi đũa vào, trên gác kéo lên. Ăn xong, bác dòng thúng xuống trả lại cái bát và đôi đũa, kèm theo mấy đồng tiền. Cảnh tượng thích thú này tôi thường lưu giữ trong ký ức, lâu lâu lôi ra nghiền ngẫm như một hình ảnh “Hà Nội những ngày mới hồi cư.”
Nhá bác Miện đông các anh, các chị. Mỗi bữa ăn lào rào như bày ong vỡ tổ. Mọi người ăn nhanh, ăn khoẻ dù thường chỉ một món ăn duy nhất với chén nước mắm nằm giữa mâm. Còn tôi, vừa ít tuổi nhất, vừa nhỏ con nhất, tính tình lại rụt rè, khách khí, nên ăn chưa xong thì bát đĩa, nồi cơm đã được dọn đi. Bác gái và chị Oanh, chị cả, rất ý tứ, luôn cố gắng gắp vào bát tôi một chút thức ăn, vì sợ tôi không kịp tranh đua với các anh, các chị. Tuy nhiên nhà đông người quá, Bác chẳng có thể làm gì hơn. Đẻ tôi cứ lo con trai thường xuyên không được ăn đủ, nên mỗi khi về đều tìm cách bù đắp. Đẻ tôi thường ở lại nhà bác Miện một vài buổi tối khi về Hà Nội, có lẽ vào dịp đóng góp gạo, tiền nuôi tôi cho bác gái. Sau bữa ăn tối cùng cả nhà, chờ cho đèn đường lên, đèn điện các cửa hiệu bắt đầu sáng rực rỡ, Đẻ tôi dắt tay tôi đi gọi là hóng mát. Hai mẹ con đi bộ chừng vài trăm mét, cụ ghé vào một hiệu bán giò chả, mua một miếng nhỏ chả quế, hay một khoanh giò lụa, đưa tôi và bảo cứ thế mà ăn vã. Tôi lại không quen vừa đi vừa ăn ngoài đường như vậy. Song, chiều cụ, tôi ăn mà chẳng thấy mùi vị gì. Lòng thương mẹ, biết cụ thương con quá đỗi. Lâu lắm mới có một lần, có lẽ khi nào kiếm được chút ngoại tài, Đẻ tôi đưa tôi lên Hàng Buồm, hai mẹ con cùng ăn chung mẹt bún chả nướng. Mấy con bún nhỏ trắng phau, mịn màng, giải thành vòng tròn xinh xinh, vài lá rau thơm, hai xâu thịt ba chỉ nướng cháy xém, thơm lừng, tuốt ra, ngâm vào bát nước mắm đậm đà. Tôi nhớ chỉ có một lần duy nhất suốt mấy năm ở Hà Nội, Đẻ tôi đưa tôi vào hiệu ăn đàng hoàng, hai mẹ con ăn bữa cơm có đủ 3 món ăn với cơm gạo tám thơm trắng tinh và dẻo đến độ nhớ được suốt đời. Sau này Đẻ tôi kể rằng, vào giai đoạn đó, chẳng khi nào cụ dám tiêu hoang như vậy cho một mình cụ. Cụ thương thằng con út gầy còm, thiếu thốn, thiếu hẳn tình mẹ bên cạnh, nên liều lĩnh vào hiệu một lần, và suốt bữa ăn chỉ lo gắp vào bát con những miếng ngon ngọt nhất. Tôi có nỗi ân hận là khi đã ra đời bôn ba, chưa bao giờ tôi hỏi Đẻ tôi về thời gian tôi ở với bác Miện, Đẻ tôi ở đâu, buôn bán gì để sinh sống.
Rồi có một ngày, tôi không nhớ rõ vào khoảng thời gian nào, có thể là một ngày cuối năm 1950, đầu năm 1951, Đẻ tôi đưa anh Tường và tôi đi Nam Định. Không rõ Đẻ tôi thu xếp từ bao giờ, đã đón anh Tường từ Hòn Gay về Hà Nội, ở nhà bác Miện một đêm, rồi sáng hôm sau ba mẹ con đi tìm chị Thảo ở Phát Diệm, thuộc tỉnh Ninh Bình, gần Nam Định.
Chúng tôi đổ bộ lên bến đò Ninh Cường vào một buổi tối. Ký ức tôi chỉ còn lưu lại hình ảnh một đêm tối mù mịt với tiếng xôn xao cảnh lên xuống thuyền tại bến đò, vài ánh đèn măng xông từ hàng quán trên cao rọi ánh sáng loáng thoáng trên con dốc lầy lội. Từ con thuyền, tôi phải cố gắng leo hết con dốc trơn trượt để lên đến mặt đất bằng phẳng trên kia. Đêm hôm khuya khoắt, đất lạ quê người, không hiểu Đẻ tôi xoay sở ra sao để chúng tôi qua được đêm đó, sáng hôm sau mới hỏi đường tìm vào chỗ anh Đội Hoằng, chồng chị Tỵ, con gái út của Mẹ Già. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng không rõ chúng tôi đã ăn uống ra sao, ngủ nghê ra sao. Càng nhớ những cảnh như vậy, tôi càng thấy những chịu đựng Đẻ tôi phải trải qua bao năm tháng trước đây. Ở tuổi gần 70, hiểu đời hơn, thì không còn mẹ nữa.
Xã Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bây giờ tên Ninh Cường không còn nữa, có lẽ đã được đổi thành Trực Cường, hoặc một “Trực …” nào đó của huyện Trực Ninh. Mới đây, tôi được đọc trên internet bài viết về tôn giáo của một ông họ Bùi, tự giới thiệu ở Ninh Cường trước đây, và hai chữ Ninh Cường của ông đã khiến tôi bồi hồi khôn nguôi.
Anh Đội Hoằng là anh rể của tôi, chồng chị Đỗ Phương Tỵ (con gái út Mẹ Già). Trước đây anh đóng lon Đội trong lính Pháp, sau về đầu quân cho Tự Vệ Quân của giáo khu Bùi Chu, với cấp bậc Trung Úy. Chúng tôi vào tá túc ở doanh trại của anh Hoằng độ 2 tuần, sau đó Đẻ tôi tìm thuê nhà ở ngoài làng, gần chỗ bến đò đêm trước chúng tôi đến. Đẻ tôi đưa chúng tôi về đây ở cốt để gần nơi chị Thảo tu, là dòng tu kín ở Phát Diệm. Ninh Cường tuy thuộc về Nam Định, cách Phát Diệm của Ninh Bình theo đường xe hơi, chắc phải hơn 70 cây số, nhưng nếu đi tắt theo đường làng, lội theo bờ đê, bờ ruộng, qua một chuyến đò ngang, rồi nhập vào tỉnh lộ thì chỉ đi chừng hơn 10 km là tới nơi. Đó là con đường tôi thường phải lội bộ cùng anh Tường, theo Đẻ tôi, mỗi tháng một, hai lần để đến thăm chị Thảo.
Về chuyện này, về sinh hoạt của Đẻ tôi giai đọan gần năm trời ở Ninh Cường, tôi sẽ kể đầy đủ trong phần viết về “Chị Tôi”, và phần viết về “Anh tôi.”  Bây giờ tôi xin ghi tiếp hình ảnh Đẻ tôi khi từ Ninh Cường về lại Hà Nội.
Khoảng cuối năm 1951 gia đình tôi về lại Hà Nội. Viết đến hai chữ “gia đình,” tôi mới sực nhớ là mình đã viết sai, phải viết là 4 mẹ con chúng tôi về lại Hà Nội, tức là Đẻ tôi, anh Tường và tôi về Hà Nội trước, rồi chị Thảo về sau ít ngày. Còn nếu nói “gia đình” cho đầy đủ ý nghĩa của hai chữ đó thì phải có thêm anh Toàn, là em chị Thảo và anh Tường, và là anh tôi. Nhưng hầu như suốt tuổi thơ của tôi, anh Toàn ít hiện diện trong cảnh sống của gia đình, đúng ra, ít khi ở cùng Đẻ và tôi. Anh ở Hà Nội từ thời học tiểu học, rồi lên trung học cũng vẫn ở đó. Phải đợi khi di cư vào Nam, 5, 6 năm sau, khoảng 1960, khi Đẻ tôi từ Đà Lạt quyết định về ở hẳn Sài Gòn, anh Toàn mới ở cùng gia đình, đúng ra, ở cùng Đẻ tôi và tôi một thời gian dài.
Nhắc lại, cuối năm 1951, 4 mẹ con chúng tôi về lại Hà Nội. Nhưng, hình như Hà Nội chẳng khi nào dung chứa trọn vẹn gia đình chúng tôi. Về đến Hà Nội là gia đình chúng tôi lại mỗi người mỗi ngả. Anh Toàn vẫn ở cùng cậu Cảo như mấy năm qua; Anh Tường về Hải Phòng ở với cậu Hiến; Tôi về ở với bác Phiệt, phố Hàng Than; Còn Đẻ tôi và chị Thảo lúc ở Hà Nội, lúc đi đâu không biết; Sau này tôi biết Đẻ và chị buôn hàng chuyến giữa Hà Nội và Phủ Lạng Thương, Bắc Giang.
Khi chị Thảo về đến Hà Nội, chị đến ở tạm vài ngày tại nhà một người họ hàng bên chồng, gọi là để chào hỏi, tâm sự này kia cho phải đạo, trước khi về ở với mẹ đẻ, là Đẻ tôi. Lúc đó, Đẻ tôi, anh Tường, và tôi ở tạm bên nhà bác Miện. Có lẽ Đẻ tôi nấn ná đợi chị Thảo về, hai mẹ con bàn bạc công chuyện, rồi Đẻ tôi mới quyết định. Một buổi sáng, Đẻ tôi bảo chúng tôi chào từ biệt gia đình bác Miện, rồi cụ dắt anh Tường và tôi đi Hải Phòng, tìm nhà cậu Hiến.
Cậu Ngô Trọng Hiến là em Đẻ tôi. Khi hồi cư, cậu về ở Hải Phòng. Tôi nghe nhiều chuyện lý thú về con đường lập nghiệp của cậu với hai bàn tay trắng, để sau này là một triệu phú ở Sài Gòn. Những năm 1950, 1951, phong trào hồi cư lên mạnh, biết bao người từ vùng kháng chiến bỏ về vùng quốc gia. Không dễ gì để cậu Hiến kiếm được một việc làm. Và cậu bắt đầu kiếm sống bằng nghề bán dạo thuốc đông y “chữa bá bệnh.” Tôi nghe kể rằng cái hay của cậu là những lời rao bán thuốc đều được biến thành các câu vè. Đọc vừa vui tai, vừa dễ nhớ. Cậu còn in mấy tập sách nhỏ xíu quảng cáo các món thuốc cậu bán, với các câu thơ có vần có điệu. Nhờ vậy, cậu bán được nhiều thuốc, trở nên khá giả. Cậu mua một căn nhà trên đường Cát Dài, Hải Phòng, và với kinh nghiệm làm thơ, in sách, cậu mở hiệu sách, bắt đầu chập chững vào nghề xuất bản.
Tôi vẫn nhớ mãi bữa cơm tối ở nhà cậu Hiến. Mọi người ngồi quanh chiếc bàn tròn. Lúc đó, hình như cậu mợ mới chỉ có hai em nhỏ, và mợ đang mang bầu em thứ ba. Cậu hỏi mợ: “Sao bữa cơm mời chị và các cháu mà chỉ có một món ăn thôi?” Hình như mợ nói chị đến bất ngờ, gặp lúc đứa bé trong bụng hành (quậy phá) quá, hai đưa nhỏ lại quấy, mợ không đi chợ mua thêm thứ gì được. Đẻ tôi gạt đi, nói mợ đang mệt như vậy mà còn cho chị được ăn cơm gia đình với cậu mợ là quí rồi. Cậu cầm đũa, mời: “Thôi mời chị, có gì ăn nấy, hoàn cảnh chúng em cũng chưa khá giả gì, tình chị em mình là quí.” Hai câu nói của cậu vẫn còn lưu lại trong tôi, cũng như hình ảnh khuôn mặt cậu lúc đó, cho tôi cảm giác ấm áp. Tôi không nhớ về mợ nhiều, cả khuôn mặt lẫn lời nói, ngoài hình ảnh một bà mang bụng bầu to tướng mệt mỏi đi lại trong nhà. Món ăn hôm đó thì tôi nhớ hoài, một tô giả ba ba, nấu bằng ốc, ít lát thịt ba chỉ, vài miếng đậu phụ rán vàng cạnh, khá nhiều khoanh chuối xanh, và rất nhiều lá tía tô sắt sợi nhỏ. Ngày xưa, giả ba ba nấu với mẻ, bây giờ nghe nói người ta dùng yogurt. Cậu luôn lấy thìa xúc thức ăn vào bát cho tôi. Tôi nói, cơm ngon quá. Đẻ tôi cười với cậu, “cóc mở miệng đấy cậu ạ”. Hải Phòng với tôi là buổi tối nhẹ nhàng như vậy. Một buổi tối nhẹ nhàng, thân thiết, nhưng sao vẫn có điều gì đó khiến tôi buồn bâng khuâng. Có thể vì ánh điện vàng chiếu sáng bữa ăn không rực rỡ như ánh đèn ở Hà Nội. Có thể vì sáng hôm sau tôi lại phải xa người anh thân yêu sau cả năm trời gần anh ở Ninh Cường.
Hôm sau, hai mẹ con tôi về Hà Nội sớm, anh Tường ở lại với cậu, giúp cậu trông nom cửa hiệu sách. Cậu có nói anh nên vừa làm cho cậu, vừa đi học tiếp tục, nhưng tôi không chắc là anh đi học lại, và chắc rằng anh chưa có mảnh bằng tú tài toàn phần. Tôi không nhớ anh Tường ở với cậu được bao lâu. Có thể sau khi mợ mất thì anh cũng đi đăng lính, tức là ở với cậu khoảng chừng một năm.
Trở về Hà Nội, Đẻ tôi nói nhà bác Miện đông quá, phải tìm nơi khác để gửi tôi. Tôi nhớ có ở nhà ai ở phố Cửa Bắc. Tôi nhớ tên phố này vì nghe lãng mạn, nên thơ, nhưng hình ảnh về ngôi nhà tôi ở, về thời gian tôi ở, về nhân vật tôi ở cùng, lại hoàn toàn mờ nhạt. Tôi không thể nói được gì về những ngày ở đây, chỉ nhớ được có lần anh Toàn đến thăm tôi, và nhớ hình ảnh hè phố xi măng rộng, có trải cỏ phía trong dọc theo bức tường hàng rào các ngôi biệt thự, và hàng cây bên vệ đường to, cao. Tôi thường tìm giữa thảm cỏ những cọng cỏ gà, và cùng đám trẻ quen biết chơi trò “chọi gà.” Thay phiên nhau, một đứa cầm cọng cỏ của mình đưa ngang, đứa kia lấy cọng cỏ của mình đánh xuống thật mạnh. Cọng cỏ đứa nào bị đứt mất “con gà’ là thua. Những trò chơi chung chỉ là vậy, tôi vẫn không dám tham dự mọi trò chơi với đám trẻ trong nhà hay hàng xóm. Nỗi ám ảnh bị “lây cái hư” của đám trẻ chung quanh vẫn theo đuổi tôi dù khi đó tôi không bị ai kiềm chế. Thời gian này, Đẻ tôi nói tôi hãy chịu khó ở xa gia đình, chờ Đẻ tôi thu xếp xong, sẽ đón tôi đi ở chung. Đẻ tôi vất vả lắm, và lòng thương con thì vô vàn. Sau này, Đẻ tôi kể chuyện, tôi được biết lúc đó Đẻ tôi đang buôn hàng chuyến giữa Phủ Lạng Thương, Bắc Giang và Hà Nội. Đẻ tôi kể ở Bắc Giang, vào những đêm mùa đông, hai chân Đẻ tôi lạnh buốt không ngủ được. Cụ phải đút hai bàn chân vào hai đầu chiếc thắt lưng bao, còn gọi là ruột tượng, giống kiểu ta đi vớ sau này, nhờ vậy cụ mới thấy đôi chân ấm áp. Đẻ tôi vốn sống sạch sẽ, ngủ nhờ nhà người ta hay ngủ nhà trọ, vừa sợ rệp, vừa sợ mùi hôi từ chăn chiếu, cụ không hề đắp chăn, cứ mặc áo bông mà ngủ.
Chưa thể đưa tôi theo về Phủ Lạng Thương, sau khi gửi tôi ở phố Cửa Bắc thời gian ngắn, Đẻ tôi mang tôi đến ở với bác Phiệt. Bác Ngô Thị Phiệt là chị ruột Đẻ tôi, đi tu từ nhỏ. Nơi bác ở là một căn gác khá rộng ở phố Hàng Than. Toàn bộ căn phòng chính của tầng gác là nơi kê bàn thờ to tướng. Từ trên cao là tượng Phật, rồi cũng đủ thứ như bàn thờ Phật ở chùa. Có lẽ nơi bác ở cũng là một ngôi chùa chăng, vì đôi khi tôi thấy có người đến lễ bái, và bác luôn luôn mặc áo choàng nâu sồng. Bác ăn chay quanh năm nên tôi cũng ăn chay. Bác có hỏi tôi muốn ăn thịt, cá thì bác sẽ nhờ làm cho tôi, nhưng tôi thực sự không cần. Các món chay của bác rất ngon miệng, nhưng không phải các thức ăn chay bây giờ người ta làm. Bây giờ, nấu chay nhưng giả làm theo các món mặn, gọi tên cũng theo món mặn, thành ra, mọi chuyện đều là giả cả, không biết cái tâm con người ta thì sao. Hồi đó, bữa ăn của bác cũng có món canh hay rau luộc, một món kho như đậu hũ trắng kho tương, hoặc măng kho, hoặc một món đơn giản nhưng ngon miệng là lạc (đậu phộng) kho. Món canh của bác rất đa dạng. Có thể là canh dưa chua nấu với đậu phộng giã nhỏ, thêm ít cà chua, hoặc canh đậu hũ trắng với cà chua, cũng nấu với đậu phộng giã nhỏ, đôi khi là nước rau muống luộc, vắt vài giọt chanh. Có lẽ hồi đó bác phải dùng mì chính (bột ngọt) cho vào món ăn, và dùng nhiều tương Cự Đà. Thấy tôi ăn ngon lành, bác cũng mừng vì không phải lo món mặn. Ở với bác, ngoài giờ đi học, suốt ngày tôi luẩn quẩn trên gác, xem bác tụng kinh, lần chuỗi hạt, hay làm món ăn. Tôi nhớ căn gác làm toàn bằng gỗ, sàn nhà gỗ, các cánh cửa gỗ, chấn song cửa cũng bằng gỗ, mâm cơm để bày các đĩa thức ăn cũng bằng gỗ. Toàn một màu gỗ nâu sậm, êm ả, tĩnh mịch, nhưng đôi chút cô liêu.
Đôi khi bác dúi vào tay tôi một đồng, nói tôi ra ngoài ăn cái gì thì ăn. Chắc bác lo tôi thèm ăn thịt, nên chỉ tôi chỗ bán bánh cuốn, hay nơi bán đu đủ bò khô. Tôi không nhận, nói Đẻ tôi có để cho tôi vài đồng nhưng tôi không hề muốn ăn gì  ở ngoài đường. Đôi lần, vào những buổi sáng mùa đông, tôi xin phép bác cho ra chơi Đền Quan Thánh. Tay đút túi quần cho bớt lạnh, tôi lặng lẽ đi bộ ra vườn hoa, chờ chú bán “phá xa lạc rang nóng dòn”, mua một gói. Cứ thế, tôi nhâm nhi từng hạt đậu phộng nóng, bùi, thơm, dòn. Có lẽ mỗi gói chưa đến 20 hạt, nên tôi phải dè sẻn, chắt chiu niềm hạnh phúc lâu lắm tôi mới dám hưởng một lần. Ngay từ lúc đó, và kéo dài đến bây giờ, tôi luôn luôn tận hưởng những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của hiện tại. Tôi thấy thật khó hiểu những người suốt đời chỉ than vãn, mặc dù họ đang sống một cảnh sống hệt như tôi, như khi chúng tôi ở tù Cộng Sản ở ngoài Bắc chẳng hạn. Mỗi giờ khắc hiện tại đều có một niềm vui đâu đó, điều cần là mình tìm ra nó, và tận hưởng nó. Niềm vui của những hạt lạc rang của chú Tàu bán quanh quẩn khu Đền Quan Thánh từ 60 năm trước vẫn theo đuổi tôi đến bây giờ. Tôi thèm được sống lại giờ phút đó, gặp lại được chú Tàu hiền lành nhẫn nhịn đó. Chú Tàu nhẫn nhịn nhưng tốt bụng, hỏi tôi còn muốn ăn thêm không, và nhón đâu đó vài hạt lạc rang còn nguyên vỏ dòn tan, thơm mùi húng lìu, bỏ vào cái loa nhỏ tí bằng giấy dùng gói đậu phộng, và đưa tôi với nụ cười đơn sơ, và tiếng dục ngọng nghịu cũng đơn sơ không kém, “ăn đi!” Còn tôi, bây giờ vẫn cảm thấy buồn cười và thương cảm cho cậu bé lúc đó, quá nhiễm giáo dục gia đình rằng không khi nào nhặt của rơi, lấy của cho, nên vô cùng ngượng ngùng khi phải nhận mấy hạt lạc rang ngon lành, bởi vì từ chối mãi không được, “cầm đi, ăn đi, ngộ cho mà!” Tôi rụt rè chìa bàn tay nhỏ xíu nhận gói đậu phộng cùng với cảm giác nóng bừng ở mặt và tai. Nếu có ai hỏi tôi khu Đền Quan Thánh hồi đó ra sao, chịu chết, tôi không nói được. Toàn bộ khu này, với tôi, chỉ là hình ảnh chú Tàu bán phá xa lạc rang, là cái thùng thiếc nhỏ chú đeo trên vai, trong đựng “không biết cơ man nào” là các gói đậu phộng húng lìu, là hình ảnh chú Tàu lầm lũi giữa cảnh bầu trời âm u lất phất mưa phùn và chút gió lạnh. Đến bây giờ dư vị bùi bùi của lạc rang còn đọng mãi, vương vấn đâu đây.
Tôi nhớ rằng có đi học trường Hàng Than, cụ thể như thế nào lại không nhớ được chút gì. Nhưng ký ức tôi lại ghi đậm chuyện trước đó hơn một năm, khi tôi còn ở nhà bác Miện, phố Khâm Thiên. Lúc đó, mới ở quê ra nào đã biết gì đâu, vậy mà các ông anh họ lại xin cho tôi vào học một trường tư, tên là Minh Tâm, cùng phố. Có lẽ lúc đó các anh căn cứ vào tuổi tôi, 7 tuổi, nên đã xin cho tôi vào học lớp Tư. Ở nhà quê học là để cho vui, cho khỏi ‘đi chơi lêu lổng”, nên sau mấy năm học chú Giáo Đĩnh, tôi biết đọc, biết viết, giải được toán đố, đã là oách lắm rồi. Bây giờ nhẩy bổ vào Lớp Tư Hà Nội, có đủ cả “Dictée”, rồi “Récitation”, thằng bé vốn đang nói ngọng thiệt, lại càng “ngọng” hơn nữa. Nhà trường cố lấy tiền của Đẻ tôi được hai tháng, sau cũng đành cho tôi nghỉ học. Tôi nhất định không chịu xuống Lớp Năm, vì hỏi ra, ngay từ Lớp Năm nhà trường cũng đã dậy tiếng Tây. Nhưng có lẽ lý do chính là vì Đẻ tôi thấy nhà trường cho nghỉ cũng mừng, vì cụ chạy cơm cho tôi đã khổ rồi, lấy đâu ra tiền mà đóng học phí. Suốt mấy chục ngày tôi chết khiếp về cái thứ tiếng gì mà “lơ, la, lê”, nên sau này chẳng khi nào muốn đụng vào thứ đó nữa. Nỗi ám ảnh tiếng ngoại quốc kéo dài suốt đời tôi, nên lúc nào tôi cũng dốt sinh ngữ. Sau đó, lang bạt kỳ hồ theo mẹ, đến Ninh Cường xin vào học Lớp Ba trường Đạo. Không có tiếng Tây, nhưng mỗi ngày hai lần đọc kinh, thằng bé lại thêm một lần nói ngọng. Được cái, học kinh dễ hơn học tiếng Tây, nên sau vài tháng, tôi cũng biết làm dấu thánh giá, lẩm nhẩm theo được mấy bài kinh. Về Hà Nội trở lại, nỗi ám ảnh Lớp Tư trường Minh Tâm năm xưa lại đe doạ. Bác Phiệt xin cho tôi vào học lớp Ba trường Hàng Than. May mắn thay, chẳng gặp một chữ tiếng Tây nào cả. Hình như lớp Ba trường công Hà Nội, chưa có dậy tiếng Tây, hoặc là mới bắt đầu học “A, B, C,” chăng, nếu chỉ tiếng Tây vỡ lòng thì hai tháng trường Minh Tâm đủ dùng cho tôi ở Hàng Than, nên ký ức của tôi không ghi lại điều gì ghê gớm về mấy tháng theo học trường này. Thực ra, suốt thời gian học tiểu học, chưa bao giờ tôi được học một lớp nào trọn năm. Thường là niên học khai giảng được vài tháng, nửa năm rồi, tôi mới vào học. Đẻ tôi phải đi đây đi đó buôn bán, lúc ở Nam Định chờ chị Thảo xuất khỏi nhà tu, lúc chạy hàng chuyến Bắc Giang, Hà Nội, nên cụ phải gửi tôi mỗi nhà ít tháng, hoặc mang tôi theo khắp nơi. Đến đâu cụ cũng tìm cách xin cho tôi đi học, bất kể lớp nào, tháng nào trong năm. Với Đẻ tôi, cứ học là tốt rồi. Vì vậy, so với tuổi đi học, tôi thường học chậm 2, 3 năm, như năm 1956, tôi mới thi vào Đệ Thất trường Quang Trung, Đà Lạt. Nhưng không biết vì sao Đẻ tôi năm đó về sống ở Sài Gòn, cụ xin chuyển trường cho tôi, nhưng ở Sài Gòn các trường đều nói thi vào Đệ Thất trường nào phải học trường đó ít nhất một năm, mới được xin chuyển qua trường khác. Trở lại Đà Lạt, chỗ của tôi người ta đã cho người đậu dự khuyết vào thay rồi. Báo hại, năm sau, 1957, khi Đẻ tôi lên Đà Lạt ở lại, tôi phải thi thêm một lần nữa vào Đệ Thất trường Trần Hưng Đạo, lúc đó tôi đã 14 tuổi, (Thực ra nếu tính theo giấy Thế Vì Khai sinh, tôi chỉ mới 11 tuổi.)
Một buổi sáng cuối năm 1952, Đẻ tôi và chị Thảo ghé thăm bác Phiệt, ở chơi mấy ngày. Lâu lắm tôi mới lại được sống trong vòng tay mẹ. Qua câu chuyện giữa người lớn, tôi biết rằng tôi sắp được đi về Bắc Giang ở với Đẻ tôi và chị Thảo. Tôi vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì được về với gia đình, gọi là một nửa gia đình thì đúng hơn, vì vẫn thiếu anh Tường, anh Toàn; buồn vì bắt đầu quen thuộc cảnh sống với bác Phiệt, quen thuộc khúc phố Hàng Than nhộn nhịp với xe cộ qua lại, những gánh hàng rong, … Hơn nửa năm trời ở với bác Phiệt lưu lại trong tôi những hình ảnh êm ả, tĩnh mịch của “ngôi chùa” trên gác, nhưng bước xuống nhà là sự náo nhiệt của phố phường, và bao chùm lên toàn cảnh đó, là lòng yêu thương của bác, một người bác, một người nữ tu, dành cho đứa cháu nhút nhát gầy còm, con của người em gái lận đận, nghèo nàn. Bây giờ bác đã mất rồi, Đẻ tôi cũng mất rồi.

Tôi theo Đẻ tôi và chị Thảo từ Hà Nội đi Bắc Giang bằng xe hàng (xe chở khách, xe đò). Những ngày đầu chúng tôi trọ một ngôi nhà ở khu phố Đạo Đường, nằm bên bờ phía bắc sông Thương, thuộc Phủ Lạng Thương. Có lẽ chúng tôi ở đó chừng một, hai tuần, hoặc một tháng, sau đó Đẻ tôi thuê một căn nhà tranh nằm sâu trong ngóc ngách của khu phố Mỹ Độ, bờ phía nam sông Thương. Chỉ ở ít ngày nhưng địa danh Đạo Đường lại rất quan trọng với tôi, theo đuổi tôi suốt cuộc đời. Năm 1954, khi di cư vào Nam, chị Thảo tôi tự động làm lại giấy Thế Vì Khai Sinh cho tôi, và chị đổi tất cả, từ tên tôi, ngày sinh, nơi sinh, may mà chị vẫn để đúng tên Cha, Mẹ của tôi. Sau này tôi hỏi chị tại sao lại đổi lý lịch của tôi như vậy, chị cười trả lời: “Em bị trễ học mấy năm, phải giảm tuổi xuống cho gần đúng với năm học,” tức là khi học Lớp Nhì ở Hoà Khánh năm 1954, tôi “chỉ được có khoảng 9 tuổi theo giấy tờ mới hợp lệ (?)”.  Một lý do khác là tên khai sinh nguyên thuỷ của tôi là Bí, theo chị tên này xấu lắm, và chị đổi thành Đỗ Anh Việt, nhưng ông thư ký đánh máy nhầm sao đó, tôi lại có tên là Đỗ Việt Anh. Còn nơi sinh, chị lo xa, sợ rằng bọn Uỷ ban Kháng Chiến quê tôi, tức là bọn Cộng Sản, vẫn truy tìm tung tích chúng tôi, nên đổi luôn nơi sinh là xã Đạo Đường, tỉnh Bắc Giang (quả là lo quá xa, sau này tôi ở tù ngoài Bắc, chẳng có tên du kích nào hồi đó vào “thăm nuôi” tôi cả.) Tôi hỏi thêm, sao lúc chị đổi khai sinh em, trong nhà không có ai biết cả? Chị vẫn cười cười: “Thì mấy ngày đầu mới vào Nam, chị đi xin giấy tờ gì đó, người ta hỏi chị có muốn xin giấy chứng nhận thế vì khai sinh không, chị thì không cần, nhưng làm lại cho em giấy khác chắc cũng hay, nên đọc cho họ đánh máy luôn cho tiện, …” Thành ra, nói khôi hài một chút, chính chị và ông thư ký nào đó đã “khai sinh” ra cái thằng tôi. Sau này, khi lên Đà Lạt, lúc xin cho tôi đi học, Đẻ tôi lại một lần nữa ra toà án Đà Lạt xin một bản “Thế Vì Khai Sinh” khác cho tôi, nhưng nội dung y hệt giấy do chị Thảo làm trước đây. Tôi đoán rằng giấy thế vì khai sinh của chị Thảo thực ra chỉ là một giấy chứng nhận do viên chức Hộ Tịch xã cấp, nên Đẻ tôi phải làm lại giấy khác của toà án mới hợp lệ.
Chúng tôi chỉ ở Đạo Đường ít ngày, hình ảnh về khu phố này mờ nhạt trong ký ức tôi. Gọi là “phố” vì chỉ cách Thị Trấn Phủ Lạng Thương một cây cầu bắc ngang sông Thương. Tìm lại trong sử sách, theo hình chụp từ đầu Thế Kỷ 20, tôi thấy cây cầu nối Mỹ Độ phía nam và Đạo Đường phía bắc sông Thương trông khá kiên cố với nhiều nhịp bằng sắt. Nhưng ký ức tôi chỉ ghi lại mấy lần đi xe hàng loại nhỏ giữa hai bờ sông Thương, cây cầu bắc ngang chỉ là một cây cầu phao, sức nặng xe chạy qua khiến từng khúc cầu bập bềnh chìm, nổi sát mặt nước. Tôi còn nhớ cảm giác ngại ngùng, e sợ mỗi khi đi bộ qua cầu, vì lệnh bắt buộc hành khách phải xuống khỏi xe. Từ đầu cầu phía bắc cho đến con đường trải đá chính của Đạo Đường, xe hàng chạy mất 15 phút. Con đường này chính là phố Đạo Đường. Tôi hy vọng hình ảnh này đúng, vì muốn kiểm chứng lại, tôi không tìm thấy địa danh Đạo Đường trong sách báo hiện nay về Bắc Giang. Có vẻ như Đạo Đường là một khu vực nhiều giáo dân vì tôi nhớ nhà thờ Đạo Đường khá lớn. Hay là hồi bé, mình thấy kiến trúc nào cũng lớn chăng.
Sau ít ngày ở bên Đạo Đường vắng lặng, yên tĩnh, Đẻ tôi đưa chúng tôi qua thuê nhà bên phố Mỹ Độ ồn ào, huyên náo. Lúc đó, 1952, 1953, tôi không biết người ta gọi Mỹ Độ là gì, quận, hay huyện, hay xã của thị xã Phủ Lạng Thương? Tôi dùng chữ phố để nói về Mỹ Độ vì hình ảnh con đường chính lúc nào cũng nhộn nhịp với lính tráng và xe nhà binh qua lại suốt ngày. Bây giờ Mỹ Độ là một phường và Phủ Lạng Thương đổi tên là Thành Phố Bắc Giang. Lớn lên, tôi có thắc mắc mà chưa bao giờ hỏi Đẻ tôi, rằng tại sao cụ chọn Mỹ Độ là nơi sinh sống mấy năm đó, vì cụ có thể về Đáp Cầu là quê ngoại tôi, hoặc nơi nào khác? Gần đây, đọc gia phả, tôi thấy ghi người cháu dâu trưởng của Thầy tôi, vợ anh Đỗ Trọng Sán là cháu đích tôn của Thầy tôi, có mộ an táng tại Mỹ Độ, Bắc Giang.
Trước khi đưa tôi từ Hà Nội đến Phủ Lạng Thương, Đẻ tôi và chị Thảo đã chạy hàng chuyến giữa hai nơi đó hơn nửa năm trời. Đẻ tôi đi thu mua vỏ chai bia, chai nước ngọt mang về Hà Nội bán cho các nhà máy bia, nhà máy nước ngọt. Chuyến về, cụ mua bia và nước ngọt mang bỏ mối cho các cửa hàng tạp hoá, hiệu ăn. Sống với mẹ được mấy tháng ở Mỹ Độ tôi mới biết về việc làm của cụ vì mọi việc không diễn ra tại căn nhà chúng tôi ở. Cụ có một nơi nào đó trên phố chính để tập trung vỏ chai, đóng vỏ chai vào các bao tải, rồi chất lên xe hàng. Cũng ở đó, cụ xuống hàng là các bao tải chật cứng các chai bia, chai nước ngọt, rồi phân phối cho các nơi tiêu thụ. Có một lần, không biết vì sao, Đẻ tôi mang ít vỏ chai về nhà xúc nước cho sạch. Cụ nói rằng nếu chai còn chất bẩn bên trong, người ta sẽ trừ tiền. Tôi biết thêm một chút về việc làm của cụ. Đôi khi Đẻ tôi cho tôi đi theo về Hà Nội chơi. Chuyến đi bình thường nhưng lúc về chuyến xe thường phải ngừng lại mấy lần tại các trạm kiểm soát. Người ta dùng một cây sắt dài, nhỏ, đầu nhọn, chọc sâu vào các bao tải. Bao tải chứa hàng của Đẻ tôi nhét chặt cứng các chai thuỷ tinh nên cây sắt không thọc sâu được bao nhiêu. Bao giờ cũng thế, Đẻ tôi móc vài chai bia từ mấy bao đó, đưa tài xế mở ra, mời mấy người lính kiểm soát uống. Xe được cho đi qua. Xe chạy một đỗi, Đẻ tôi nói với chị Thảo, đại khái, tuần nào cũng đi một, hai chuyến hàng, đi hàng trăm chuyến rồi, mà lần nào lúc bọn nó khám mình cũng hồi hộp.
Những ngày tháng sau này của cuộc đời, nhất là giai đoạn ở tù ngoài Bắc, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian Mỹ Độ, tôi khó ngăn được những dòng lệ ứa vì thương mẹ. Tôi biết Đẻ tôi vất vả gần suốt cuộc đời, nhưng giai đoạn Mỹ Độ tôi đã ở tuổi lên 10, và được chứng kiến tận mắt công việc của mẹ. Công việc Đẻ tôi khá nặng nhọc, mặc dù có chị Thảo giúp sức, nhưng cụ vẫn phải cáng đáng nhiều phần. Tôi đã thử ngồi xúc vỏ chai, chỉ làm được độ mươi chai là thấy đôi tay oải ra. Đẻ tôi và chị Thảo mỗi chuyến chở về Hà Nội cả ngàn chai, mất bao công sức. Xúc chai xong, đóng chai vào bao tải. Phải đóng làm sao cho bao chật cứng, nếu xộc xệch chai sẽ bị bể. Đẻ tôi vốn dòng dõi con nhà khoa bảng, khá giả, lấy chồng cũng dòng dõi chữ nghĩa, văn học, công việc đồng áng chưa hề phải đụng tay, nay vì các con mà cụ phải bôn ba, nhọc nhằn. Nhưng chuyện buôn lậu mới là nỗi căng thẳng khủng khiếp cụ phải chịu đựng. Sau này hỏi Đẻ tôi về những ngày Mỹ Độ, tôi mới biết trong các bao tải chặt cứng các chai bia, chai nước ngọt, ở giữa là hàng lậu, thường là vải nhựa, thuốc tây, đá lửa, kim, chỉ, những mặt hàng vùng Việt Minh rất cần. Đẻ tôi cho biết mỗi tuần đi độ một, hai chuyến hàng vỏ chai và nước ngọt, lời lãi có được bao nhiêu, đôi khi còn lỗ vì tiền xe cộ, tiền bốc vác, tiền chai bể, lắm khi miệng chai chỉ sứt mẻ một tí xíu cũng bị bọn chủ hãng loại ra. Buôn lậu đã giúp cho Đẻ tôi lo đủ được cho gia đình. Tìm hiểu thêm, tôi biết rằng nguồn gốc chuyện này từ hồi ở quê. Đẻ tôi giống các bà mẹ vùng quê xôi đậu khác, có cả đống “con nuôi,” là những người theo kháng chiến. Đêm đêm các con về vòi vĩnh đủ thứ, rồi các Uỷ Ban Hành Chánh nhờ cụ mua giùm vải nhựa, thuốc tây, đá lửa. Đến Mỹ Độ, vốn liếng mượn được không bao nhiêu, chỉ có buôn lậu mấy thứ quốc cấm mới giúp cụ nuôi gia đình, sớm hoàn trả vốn vay mượn. Một trong những lần trò chuyện như vậy, Đẻ tôi cười cười nhiếc yêu tôi: “Cậu cả quỷnh thử nghĩ xem, chai bia, chai nước ngọt, các hãng người ta đều đựng vào “két” bằng gỗ, mỗi két 12 chai, 24 chai, có ai lại đi đóng bao tải. Mình phải lấy cớ két gỗ khó thu hồi, dễ bị hãng bắt đền tiền, bọn lính dọc đường mới cho đi qua đấy. Còn chuyện không mang vỏ chai đi bán, đỡ phải xúc cả ngàn cái chai, mà chỉ mua hàng từ Hà Nội về thôi, thì không thể làm như vậy được. Tại sao ư, là vì có mang vỏ chai đến hãng, người ta mới bán cho chai có nước. Gớm, đợi cậu dậy khôn cho thì mẹ, con chúng tôi đã đói dã họng ra rồi …”
Hồi đó con đường từ Hà Nội đi Mỹ Độ, Phủ Lạng Thương chỉ dài chừng 60 cây số, nhưng mỗi chuyến xe vận tải từ Hà Nội về đến Mỹ Độ phải mất đến 3 giờ đồng hồ. Hồi đó xe chạy chậm, luôn luôn phải nép vào lề đường nhường xe nhà binh đi qua, đoạn đường từ Đáp Cầu về Bắc Giang phải qua nhiều trạm gác xét hỏi. Bắc Giang là vùng núi đồi trập trùng, nơi từng có “núi đồi Yên Thế”. Phe Quốc Gia kiểm soát rất kỹ lộ trình này, một phần là để ngăn chặn các nguồn tiếp tế nhu yếu phẩm từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh về vùng Việt Minh tại Bắc Giang. Mặt khác, để bảo vệ khu căn cứ ở mạn bắc Bắc Giang, Việt Minh hay quấy nhiễu các đồn bót dọc đường khu gần Mỹ Độ, gài mìn, đắp mô trên đường lộ. Mỗi sáng, trên đường đến trường học ở phía Nam của phố Mỹ Độ, tức là ở cuối con phố này, đầu hướng về phía Hà Nội, tôi thường thấy mấy người lính vừa Tây, vừa Việt, xách hai cái máy dò mìn đưa qua đưa lại trên mặt đường ngay từ trước cổng trường trở đi. Từ khu phố sầm uất đến ngôi trường tiểu học (có lẽ tên là Trường Tiểu Học Mỹ Độ), bọn học sinh phải cuốc bộ chừng 300 mét, qua khu vực bến xe và bãi đất trống (hình như là sân đá bóng). Tôi nhớ bãi đất này vì một buổi sáng trên đường đi học, người ta không cho học sinh ra khỏi khu phố để đến trường. Từ chỗ những người lính ngăn chúng tôi đứng lại, nhìn về phía trường, chúng tôi thấy nườm nượp xe nhà binh từ phía Đáp Cầu chạy về bãi đất trống thì ngừng lại. Tôi thấy mấy người lính khiêng những gì đó từ trên xe đặt xuống bãi đất. Qua câu truyện người lớn, tôi biết là líng tráng đang khiêng người chết vì xe hàng trúng mìn. Hai giờ sau, chúng tôi được phép đến trường. Đi qua bãi đất trống, vẫn còn hơn 10 xác người nằm đắp chiếu. Người ta bảo là chết nhiều lắm, một số chưa có ai nhận diện mang về nhà, vẫn để nằm hứng nắng và bụi. Xế trưa, ở trường về, tôi tưởng rằng bụi đường đã che lấp những thân xác nằm đó rồi.
Về đến nhà, tôi chạy vào ôm Đẻ tôi, oà khóc. Gặp Mẹ, bỗng dưng cơn khóc ập đến, tôi không làm sao ngừng được. Một lúc lâu sau tôi mới có thể trả lời câu Đẻ tôi hỏi vì sao mà khóc, tôi nói rằng Đẻ tôi cứ đi Hà Nội mãi thế, lỡ có lúc bị mìn thì sao. Đẻ tôi giải thích rằng Đẻ tôi sẽ không bao giờ gặp mìn, vì bình thường, xe chở hành khách phải đợi các toán dò mìn giữa mấy đồn lính dọc đường gặp nhau, thì lúc đó “đường mới được thông,” xe mới được chạy. Thường khoảng 8 giờ sáng là đường thông rồi. Sáng nay, toán dò mìn từ phố Mỹ Độ đi dò muộn, hơn 8 giờ rưỡi chưa thấy họ trở về. Mấy tài xế xe khách sốt ruột, nghĩ rằng hồi này có dò thấy trái mìn nào đâu, nên cứ cho xe chạy càn. Chiếc xe khách đầu mới chạy vượt qua toán dò mìn hơn 100 mét là bị trúng mìn. Trái mìn lớn quá, hơn 40 người trên xe đều bị chết hoặc bị thương. Đẻ tôi nói thêm cho biết là xe chở hàng của Đẻ tôi bao giờ cũng đi muộn hơn xe chở khách nhiều, cũng là để tránh các toán lính đi phục kích ban đêm trở về hay sách nhiễu dân đi buôn hàng chuyến. Đó là năm 1953, tôi 10 tuổi, đã biết cầu khẩn từ đáy lòng tôi, xin Trời, Phật phù hộ cho Đẻ tôi và chị Thảo đi, về được an toàn.
Khi ngồi ghi lại những dòng chữ này về Đẻ tôi, tôi mới nghiệm ra sức chịu đựng lớn lao, bền bỉ của cụ. Tự thâm tâm chắc rằng Đẻ tôi có niềm tự hào về giòng giõi khoa bảng, văn học, nhưng khi ở Mỹ Độ, cụ đã phải gạt bỏ sự kiêu hãnh đó để hòa đồng với những con người chất phác, mộc mạc chung quanh.
Hiệp định Genève chia đôi Việt Nam được ký ngày 20 Tháng 7, 1954, thì ngày 12 Tháng 8, 1954, gia đình chúng tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Đẻ tôi quá sợ hãi Cộng Sản nên mau chóng chạy cho xa. Khoảng tháng 6, 1954, Đẻ tôi đưa chị Thảo và tôi về Hà Nội. Chúng tôi ở nhờ trong ngôi biệt thự của một người bạn của Đẻ tôi ở ngõ Nam Đồng. Lúc đó tôi 11 tuổi, vẫn là một cậu bé nhà quê, tỉnh lẻ, nhút nhát và ngốc nghếch, chẳng biết gì về thời cuộc và phố phường Hà Nội, không nhớ được ngõ Nam Đồng ở đâu. Sau này, khoảng 1984, khi ở tù ra, trên đường vào Nam, tôi có lang thang ở Hà Nội mấy ngày, tình cờ thấy tấm bảng “Ngõ Nam Đồng” ở một khúc nào đó trên phố Khâm Thiên. Có lẽ Đẻ tôi theo dõi tin tức chiến trận và báo chí rất kỹ, nên từ Tháng 6 cụ đã chạy khỏi Mỹ Độ về Hà Nội, nằm chờ Pháp thua trận. Ở Nam Đồng ít ngày, Đẻ tôi liên lạc được với anh Tường, lúc đó mới đào ngũ vì sợ bị Pháp đưa lên Điện Biên Phủ. Anh về ở với chúng tôi, còn anh Toàn phải đến khi Đẻ tôi quyết định đi Hải Phòng để xuống tàu há mồm lên đường vượt biển vào Nam, mới về xum họp với gia đình. Lần đầu tiên sau bao năm tháng, gia đình chúng tôi đoàn tụ đủ 5 người, cũng là lúc lìa bỏ Hà Nội, lìa bỏ quê hương miền Bắc.
Có lẽ Đẻ tôi bước chân đến Sài Gòn chỉ với số tiền thật ít ỏi, và cụ quá lo lắng cho cuộc sống gia đình, nên tìm cách buôn bán ngay. Đêm khuya 12 Tháng 8, chúng tôi được đưa đến tạm trú ở Trường Tiểu Học Cầu Kho, sáng ngày 13 cụ đã lần mò ra chợ mua nồi niêu, bát đĩa, và chiều hôm đó, cụ bầy ngay “gánh” bún riêu bán trước cửa trường. Dân “Bắc Kỳ di cư” mấy ngày trên tàu ăn toàn cơm nhão với thức ăn Tây, bây giờ được ăn “món quê hương” nên bu lại, chẳng mấy chốc nồi riêu gần hết. Nghe cụ nói được lãi chút ít, còn dành bún đủ cho cả nhà ăn no nê.
Nghĩ lại, tôi mới thấy người phụ nữ Việt Nam bậc nhất thế giới về khả năng thích ứng, sinh tồn. Trường hợp các bà vợ tù cải tạo, và Đẻ tôi, là thí dụ điển hình. Đẻ tôi vốn người nền nã, thơ phú thuộc nhiều. Cụ được Thầy tôi dậy chữ Nho, sau này có quên mặt chữ, nhưng ý nghĩa các chữ Hán Việt cụ đều giải thích cho tôi. Phải tiếp các bạn bè của chồng đến chơi, ngâm thơ vịnh nguyệt, bàn luận thiên hạ sự, nên kiến thức cụ tích trữ được, sau này như con tằm, nhả tơ ra dần dần lắm điều lịch duyệt. Tôi là con út, theo dính mẹ suốt thời tuổi thơ, cũng bị lây cái tính trọng nghĩa, khinh tài, đôi điều “lý tưởng lẩm cẩm.” Đẻ tôi học chồng chữ Nho, nhưng không rõ từ đâu cụ biết chữ quốc ngữ, biết làm toán nhân, chia, cộng, trừ. Thuở tôi còn bé hình ảnh Đẻ tôi là một bà mẹ hiền hay mặc áo phin nõn, những áo cụ giữ được từ hồi gia đình chưa sa sút, Thầy tôi chưa mất.  Cụ ăn trầu và uống trà Tầu. Mỗi sáng tinh mơ, cụ dậy sớm đun nước pha trà, ngồi thưởng thức từng ngụm, khe khẽ ngâm mấy bài thơ. Sau này, cụ thích nhất là trà ướp hoa ngâu. Cụ nói: “Thầy bảo hoa nhài là loại hoa không đứng đắn, không bao giờ cho Đẻ ướp trà với hoa nhài.” Lệ uống trà Đẻ tôi có từ khi “hầu” trà Thầy tôi mỗi sáng. Cuộc buôn bán tảo tần, cập rập đến đâu, Đẻ tôi cũng không bỏ qua tuần trà mỗi sáng. Có phải là một hình thức tưởng nhớ người chồng yêu, kính? Khi tôi đã thành niên, có lúc còn được ở gần mẹ, tôi vẫn thích thú chuyện sáng sớm dậy đun nước pha trà cho cụ. Tôi là thằng hậu đậu, vụng về, nhưng phải rất cẩn thận khi làm việc này. Ấm trà và tách uống trà của Đẻ tôi thuộc loại be bé, xinh xinh, cầm lọt thỏm lòng bàn tay, tưởng như khi rửa, vô ý là bóp vỡ. Một điều nữa, phải ước chừng lượng trà bỏ vào ấm cho đúng, và nước phải thật sôi. Cụ nói về chuyện pha trà: “Ngày xưa Đẻ phải tráng ấm, tách, một lần nước sôi cho Thầy, rồi tráng trà một lần nước sôi cho ra hết tạp chất, rồi mới đến lần nước pha trà. Bây giờ Đẻ nghèo, nên lần nước tráng trà không cần, e phí mất “một nước.””
Cũng từ Thầy tôi, Đẻ tôi có thú vui đánh Tổ Tôm. Đẻ tôi kể chuyện ngày xưa tổ tôm là một thú vui trong gia đình: “Gặp dịp cả nhà xum họp, Thầy, Đẻ, mấy anh Phan, anh Kế, … cứ đủ 5 người là thầy cho trải chiếu trên sạp, lấy bộ bài tổ tôm ra rồi cả nhà cùng chơi cho vui. Đôi khi, gặp nước bài cao, anh Phan thích quá, vỗ đùi đét một cái, sang sảng nói: Chỉ có tớ là chờ nước này! Nói xong, bụm miệng “ấy chết!” vì biết lỡ lời, quên mất có cả ông bố cũng ngồi trong cuộc vui. Thầy chỉ tủm tỉm cười khoát tay cho qua.” Nếu không đủ người tổ tôm, và để anh Thơ Mai cũng được chơi, Thầy tôi cho chơi bài chắn. Chắn cũng cần 5 người, cũng những cây bài tổ tôm, nhưng luật lệ chơi dễ hơn, ít cao thấp hơn, anh Thơ Mai chỉ biết thú chơi này. Sau này, khi ở Sài Gòn, Đẻ tôi dậy tôi chơi tổ tôm, chơi chắn, tài bàn, để khi cụ và bạn bè đến chưa đủ, tôi ngồi cầm bài đỡ một tay. Nhưng khi chơi tổ tôm thì các cụ phải tha cho tôi nhiều nước lỗi. Lắm khi thiếu người, Đẻ tôi cho chơi bí tứ nếu có 4 người, hoặc tài bàn, nếu chỉ có 3 người, thứ nào tôi cũng phải học để hầu bài cụ. Nhiều khi cụ buồn, tuy chỉ có hai mẹ con, cụ cũng bảo tôi chơi tài bàn, coi như thiếu một chân. Vì đã biết chơi tổ tôm, nên khi qua mạt chược,  tôi học quá dễ dàng. Theo tôi, nói về nước cao thấp, tổ tôm cao hơn mạt chược, tính nước khó hơn, luật lệ khắt khe hơn, dễ bị sót nước, dễ bị đền hơn.
Thơ phú thuộc làu, thú vui tao nhã biết gần hết, vậy mà Đẻ tôi vẫn có thể bỏ xó tất cả, lao vào buôn lậu hàng chuyến, đi qua bao chặng đường nguy hiểm. Gần suốt cuộc đời lúc nào Đẻ tôi cũng đầy vất vả, lo âu, cho nên các thú uống trà, tổ tôm phải sau này cụ mới thực sự thường xuyên thưởng thức. Thú uống trà thì Đẻ tôi cố thu xếp để mỗi sáng sớm có một tuần trà từ những ngày ở Đà Lạt, tức là từ 1954, 1955. Lúc đó, lâu lắm cụ mới gặp mấy ông bà bạn biết tổ tôm, tài bàn, và cũng phải khi cụ rảnh rỗi, nên cả năm Đẻ tôi mới được thụ hưởng thú vui này vài lần, thường vào dịp tết nhất. Năm 1960 Đẻ tôi về ở hẳn Sài Gòn, cụ không còn buôn bán nữa vì có anh Toàn đi dậy học lo sinh kế cho mấy mẹ con và tôi đi kèm trẻ đỡ cho Cụ chút ít chi phí. Có lẽ từ 1965 trở đi, Đẻ tôi mới đến nhà bạn bè chơi tổ tôm vào mỗi Thứ Bảy, Chủ Nhật. Lúc đó cụ đã vào lớp tuổi 60 rồi.
Đẻ tôi lâm vào cuộc sống nghèo nàn, nên cũng rất gần gũi người nghèo, hiểu biết cuộc sống người nghèo. Tuy nhiên phong thái cụ vẫn đượm vẻ sang cả nên ở giữa giai tầng nào cũng được quí mến, trọng vọng. Không biết có phải vì gần giới nghèo hèn, hay vì nhiễm tính từ Thầy tôi, Đẻ tôi lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người gặp cảnh khó khăn. Tình thương người này ảnh hưởng mạnh đến đời tôi. Trong đời sống, mỗi khi giúp được ai việc gì, tôi tưởng như làm được điều Đẻ tôi hài lòng, vì đó chính là cách sống của cụ, và của Thầy tôi.

Ngày 25 Tháng 4, 1975, từ Chương Thiện tôi về đến Sài Gòn. Chạy vội đến khu Nhà Thờ Ba Chuông, đường Trương Minh Ký, gặp Đẻ Tôi. Thấy tôi, cụ nói như khóc nấc, “Con làm sao lo cho thằng Chúc. Đẻ tưởng lo được rồi nhưng bọn nó đánh lừa Đẻ, bỏ Đẻ ở lại, ...” Lần đầu tiên trong đời tôi thấy Đẻ tôi oán trách người khác. Chỉ vì cụ muốn cho đứa cháu nội của cụ, cháu Chúc, con của anh tôi, Đỗ Trọng Tường, thoát khỏi Cộng Sản. Anh Tường “được Tổ Quốc ghi ơn” từ Tháng 5, 1963, trước khi cháu Chúc ra đời mấy tháng. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại, tôi muốn khóc về điều bất như ý của cụ.
Năm 1984 tôi ra tù, năm 1985, Đẻ tôi mất. Hiện nay hũ tro của Cụ để trong Thanh Minh Thiền Viện, đường Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Tôi không nhớ tên mới (nếu có) của con đường này. Nơi đây cũng có hũ tro của Cậu Ngô Trọng Hiến, anh Đỗ Trọng Tường.

Ghi chú thêm: Làng tôi ở phía nam sông Đuống, cách Hà Nội chừng hơn 30 cây số, là một làng “ấm ớ hội tề”, ban ngày quân đội quốc gia kiểm soát, ban đêm hoàn toàn thuộc Việt Minh. Ban ngày, Đẻ tôi thường ra Hà Nội buôn bán, nên chắc có theo dõi tình hình, nghe chuyện thời sự. Ban đêm, các “con nuôi” về thúc bách, xin xỏ này nọ, phổ biến lệnh lạc của vùng Việt Minh, nên những thay đổi đường lối cai trị vùng “giải phóng” Đẻ tôi cũng nắm vững. Có lẽ vì vậy, Cụ đã vội vã bỏ quê hương, chạy trốn cộng sản từ những năm 1949, 1950. Sau này đọc sách báo, tôi biết rằng:
Đến cuối năm 1940, tỉnh Bắc Ninh thành lập đảng bộ riêng với tên gọi Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh do Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ Chu Thiện thay mặt Xứ ủy quyết định thành lập. Bí thư Ban cán sự là Nguyễn Trình (còn được gọi Yên Trình hoặc Trình Xưa), ủy viên Ban cán sự gồm Nguyễn Đức Nguyện (tức Lê Quang Đạo), Vũ Kiên (tức Kiên Lai). Cuối tháng 11/1945 Ban cán sự tỉnh Bắc Ninh tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất tại đình Đạo Tú, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Đại hội đã bầu Nguyễn Văn Tý (tức Nguyễn Chấn) làm bí thư tỉnh ủy. Ban cán sự tỉnh Bắc Ninh đổi tên thành tỉnh ủy Bắc Ninh.” (Trang web tỉnh Bắc Ninh)
Từ lâu, Hồ chí Minh đã cho chuẩn bị tư tưởng cho cuộc cải cách ruộng đất. Từ 1946 -1949 là khẩu hiệu phản đế, kêu gọi đoàn kết toàn dân gồm trí thức, tư sản, địa chủ, để đánh đuổi đế quốc, vẫn còn tôn trọng tư hữu, chỉ  nhằm xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa Pháp biểu hiện qua tư tưởng lản mạn, cá nhân chủ nghĩa. Giai đoạn kế tiếp 1950-1956 dành cho chiến dịch phản phong nhắm vào triều đình phong kiến và quan nha, là lúc bắt đầu đả phá tư tưởng phong kiến nặng về tư hữu, nhất là sở hữu ruộng đất, đả phá trật tự xã hội đương thời, đả phá giá trị đạo lý cổ truyền . Đó là hai chiến dịch chuẩn bị cho “Cải Cách Ruộng Đất.” Thể hiện trên mặt hành chánh, tháng 11, 1945 vùng Việt Minh đưa ra sắc luật giảm tô 25%. Rồi đến sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%.
Những chuyện này chắc rằng Đẻ tôi từng nghe biết, và biết rằng không thể sống với những người cộng sản.





No comments:

Post a Comment