![]() |
góp nhặt loanh quanh |
(trích Đặc san Bắc Ninh 2018)
Họa sĩ Nguyễn Thị
Hợp người làng Lim, Bắc Ninh. Bà là một trong hai nữ họa sĩ người Bắc Ninh nổi
tiếng của đất nước ta, ở hai thời kỳ khác nhau. Khi cô thiếu nhi Hợp còn đang
mê say với những điệu hát dân ca thì nữ họa sĩ Lê Thị Lựu, người làng Thổ Khối,
Bắc Ninh đã thành danh trong nước, và
sau đó được biết đến nhiều ở Pháp. Làng Lim thuộc nhóm làng truyền thống của
quan họ Bắc Ninh, cho nên khi còn nhỏ nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp lại muốn theo
đuổi nghiệp cầm ca. Các cụ ở nhà không cho, nên tuổi thơ của bà chìm đắm trong
niềm say mê vẽ. Cứ cái bút chì, mảnh
giấy, là ở đâu, lúc nào bà cũng có thể vẽ. Sau trung học, bà được gia đình cho
phép theo học Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, và được Giáo Sư Lê
Văn Đệ dẫn dắt. Từ đó năng khiếu vẽ của bà được phát tiển thỏa thích.
Con đường hội họa
của Họa Sĩ Nguyễn Thị Hợp có thể tóm tắt như sau: Năm 1964, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định kể trên. Theo ước hẹn với
Phụ Thân, bà theo học thêm một năm về sư phạm để có thể đi dạy về hội họa và
điêu khắc. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 1966 ở Taipei, Taiwan. Từ 1968 triển
lãm với nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn. Từ khi đến Đức năm 1979, triển
lãm ở Bonn, Stuttgart, Munich và nhiều thành phố khác ở Đức. Từ 1982, triển lãm
hằng năm ở Paris. Năm 1987 bà và gia đình sang định cư ở Mỹ. Đã bày tranh tại UCI,
khu hành khách phi trường John Wayne,
tại Orange Coast College, đại học UCLA, đại học Minnesota, CSU Long Beach,
Pacific Asia Museum, L.A. Artcore, dự triển lãm lưu động "An Ocean
Apart" tại một số bảo tàng viện Mỹ do Viện Smithsonian tổ chức, và
tham dự hằng năm các triển lãm chung ở khu Little Saigon. Khi đang theo học ở
Cao Đẳng Mỹ Thuật, bà đã thử qua các ngành hội họa, và cuối cùng dừng chân ở
môn vẽ tranh lụa, và đã chiếm một vị trí sáng chói ở môn hội họa này. Hiện nay
Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội trưng bày hai họa phẩm của bà.
Hình ảnh người
phụ nữ Việt Nam trở thành một đế tài “xuyên suốt” trong cuộc đời hội họa của
họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, và từ đó bà mang các em thiếu nhi vào họa phẩm, có thể là
hai Mẹ Con, hoặc Mấy Mẹ Con, đôi khi các em thiếu nhi vui chơi từng đoàn, từng
nhóm, cũng có thể là mấy chị em. Mặc dù không có bóng dáng Bà Mẹ, nhưng rõ ràng
đâu đó hình ảnh của Mẹ vẫn lảng vảng gần bên. Tôi không nhớ có được xem bức tranh
nào của bà vẽ về hai bố con? Có người cho rằng bà vẽ “đàn ông” ít quá. Nhưng
ngay trên bìa các số Đặc San Bắc Ninh trước đây, hình ảnh các chàng trai đã về
trên tranh của bà: Năm 2014, tranh bìa là Vu Qui của Nguyễn Thị Hợp, và 2016,
“Thánh Gióng Cưỡi Ngựa Sắt” của Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp. Hình ảnh chàng
trai cũng hiển hiện trong tranh và minh họa khi bà vẽ minh họa cho các sách,
báo, đặc biệt là bức Tranh lụa Chàng Trai Việt vẽ theo một
truyện kể của Thiền sư Nhất Hạnh “Hương Vị Của Đất”, Lá Bối, tức “A Taste of Earth”do
Parallax Press. Nhân đây phải nói đến loạt tranh bìa và minh họa của ông bà
Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp cho các sách của nhà Xuất Bản Lá Bối, những tác
phẩm của Thiền Sư Nhất Hạnh, đã trở thành một loạt tranh mang đầy tính Thiền. Và,
không biết những tác phẩm thấm đẫm mùi thiền này có ảnh hưởng ngược lại tác giả
hay không, tôi rất chủ quan khi nói rằng cảnh sống của ông bà (mà tôi biết được)
trôi đi tự nhiên, tĩnh lặng, an bình như những thiền sư. Hay là, chính nếp sống
đó đã tuôn chảy lên những tác phẩm kia.
Riêng hôm nay tôi
chỉ xin thưa về loạt tranh tôi rất mực yêu quí của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp: Loạt tranh
“Khỏa Thân”, và dĩ nhiên, phụ nữ khỏa thân. Vâng, có thể cho rằng vì tôi là một
tên hư đốn. Nhưng không, ở đây, sự khỏa thân của các phụ nữ trong tranh Nguyễn
Thị Hợp hoàn toàn không vướng chút “lòng trần’, không gây ra chút cảm xúc, ý
nghĩ “hư đốn” nào nhập vào trong tôi. Bởi vì tôi tin rằng những bức khỏa thân
của bà mới mang nhiều thiền tính nhất, mới an nhiên tự tại nhất, mới Việt Nam
nhất.
Không rõ họa sĩ
Nguyễn Thị Hợp vẽ hoặc minh họa bao nhiêu bức tranh khỏa thân, riêng chúng tôi
tìm được hình ảnh mấy bức họa tuyệt vời của bà qua sách, báo, internet, xin kể
sau đây: “Khỏa Thân”, màu nước trên lụa; “Rửa Chân”, màu nước trên lụa; “Mẹ
Con”, màu nước trên lụa; “Khỏa Thân Và Măng Cụt”, màu nước trên lụa; “Thiếu Nữ
Ngủ Ngày”, trong phần minh họa cho cuốn Augen lachen, Lippen
blühen (Thơ Hồ Xuân Hương do giáo sư Tiến Hữu dịch sang
tiếng Đức, Verlag Simon & Magiera)
Người ta thường
nói đến mấy màu chủ đạo trong tranh Nguyễn Thị Hợp: Hồng, Xanh lá cây, Xanh
dương. Dưới bàn tay tài hoa của bà, những màu sắc trên luôn rộn ràng, tươi mát
trong các sinh họa của Bà Mẹ, Trẻ Em, … Riêng tôi, qua loạt tranh khỏa thân của
bà, tôi lại yêu mến, thân thiết với màu nâu, nâu đỏ, bà để lại trong tranh.
Phải thú nhận rằng tôi mù tịt về hội họa, nếu tôi trình bày vài ý tưởng ngô
nghê dưới đây chỉ vì khi xem tranh bà Hợp, tự nhiên tôi cảm nhận như vậy. Một ông thầy bói sờ voi chỉ biết con voi là
như thế.
Bức “Rửa Chân”
dành cho màu nâu nhiều nhất. Từ tấm vách liếp sau lưng người phụ nữ để ngực
trần, đến nền đất ngôi nhà, và cả cái chậu gỗ đựng nước rửa chân, đều ít nhiều
có độ đậm, nhạt của màu nâu. Một thứ màu nâu sáng và tươi. Cái chậu gỗ màu đậm
nhất, và tôi tưởng rằng dù không sáng và tươi như mấy màu nâu kia, cái chậu gỗ
vẫn có vẻ cười vui thỏa thích theo đôi chân khoắng nước. Ngay bức “Khỏa Thân”
với màu nâu ít nhất, nhưng màu nâu của một tí khăn vấn tóc, vài chục viên gạch
dưới chõng tre vẫn khiến cho giấc ngủ của thiếu nữ nằm trên chõng sâu hơn. Chỉ
một chút xíu màu nâu cũng đủ tôn vinh tấm thân trắng hồng của người phụ nữ. Ở
bức “Mẹ Con”, tấm vách sau lưng có màu nâu rất đậm, như một điểm tựa an toàn,
một bảo đảm hẳn nhiên cho đưa con ngủ say trong lòng Mẹ. Đến bức “Khỏa Thân và
Măng Cụt” thì màu nâu đã làm tất cả cho vẻ đẹp của tấm thân người nữ.
Từ chuyện yêu màu
nâu trong tranh khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, tôi miên man nghĩ thêm vài
điều khác. Các phụ nữ khỏa thân trong tranh của bà phần nhiều mang dáng vẻ
người phụ nữ rất bình thường. Vài nàng vắt tấm khăn rằn cho chắc ăn “chúng tôi
thiếu nữ Nam Kỳ”. Ở đâu ra “màu nâu” cho bà. Ở Miền Nam thường xài màu đen cho
quần áo thôn quê, chỉ ở Miền Bắc mới có củ nâu nhuộm vải. Ở quê là chúng tôi
mặc quần áo nâu sòng. Các “Liền Bà” quê hương Lim của họa sĩ khi đi hát đối đáp
cũng mặc tứ thân nâu với giải thắt lưng bao sắc màu sặc sỡ. Họa sĩ vẫn luôn hồi
tưởng về những hình ảnh ghi nhận từ tuổi ấu thơ. Bà từng thú nhận những bức tranh
khỏa thân thường từ hồi tưởng. Bà không vẽ theo người mẫu thực. Hồi bé, bà đã
chứng kiến các bà Mẹ vạch ngực cho con bú giữa chốn đông người. Phải chăng màu
nâu vẫn là một màu in hằn trong trí tưởng bà về hồi còn bé? Màu nâu cũng là màu
gần gũi hương vị thiền?
Có vẻ màu nâu ám
ảnh họa sĩ nên bà Hợp hay vẽ trái măng cụt. Cảm giác nực cười của tôi khi xem
bức tranh “Khỏa Thân Và Măng Cụt” là một cảm giác “quá đã”, cả một sọt măng
cụt! Những trái măng cụt của bà đẹp lắm. Chúng hiền lành, dịu dàng, ngoan
ngoãn. Và trái măng cụt nằm hạnh phúc trong tay mềm mại của người phụ nữ. Trong
bức “Em Bé Với Quả Măng Cụt” cũng vậy. Em còn bé, nên em khuôn phép hơn, tôn
kính hơn, cả hai bàn tay nâng trái măng cụt. Đôi bàn tay non nớt vừa trân trọng,
vừa thương yêu nâng niu trái măng cụt viên mãn, “tròn như nhân quả!”. Hẳn là
“Măng Cụt” cũng an nhiên, tự tại.
Một ngày cuối năm 2017
tôi có cơ hội đến thăm ông bà Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp. Ông Đồng kể lại vài
mẩu chuyện vui trong cuộc đời nghệ sĩ của ông bà. Hồi nhỏ ông đã thích vẽ. Vẽ ở
đây là cầm cây viết chì nghuệch ngoạc trên giấy nhưng chưa hề biết trên đời có
một thứ gọi là “Bức Tranh”. Hình chụp, ông có thấy, một bức tranh thì không.
Khi lên Đệ Thất, may mắn gặp Thầy giáo dạy vẽ là người tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật
Hà Nội, giảng giải từ căn bản trở đi, ông mới có ý niệm sơ khởi về bức tranh.
Lên Đệ Lục, Đệ Ngũ, xem thêm sách báo, làm quen với các nhân vật của “Tự Lực
Văn Đoàn”, đọc truyện nhiều tác giả khác, mới khám phá ra là giữa cõi đời có những
con người được gọi là Họa Sĩ, có một ngành nghệ thuật là Hội Họa. Họa Sĩ, Hội Họa
cũng có thể cho ta một “nghề” giữa hàng trăm, hàng ngàn nghề nghiệp trong xã hội.
Nhưng chỉ là hiểu biết lý thuyết vậy thôi, chứ chưa từng được gặp một bức tranh
nào. Đến khi tìm được mấy tờ báo Tây, như Paris Match, mới thực sự có ý niệm rõ
hơn về các bức tranh. Báo Paris Match lâu lâu có những bài giới thiệu các họa
sĩ phương Tây: Renoir, Vangog, Gauguin, Monet, … Mỗi lần có bài như vậy, ngoài
phần tiểu sử, cuộc đời, bút pháp, bao giờ bài viết cũng kèm thêm mấy trang in tranh,
thường là tranh màu. Bây giờ cậu học trò tỉnh lẻ mới biết được “bức tranh” là
gì, mới hiểu được hội họa là gì, sự hòa hợp màu sắc, đường nét là gì.
Họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ rất
nhiều tranh bởi vì ông đến với hội họa từ rất sớm. Khi còn bé ông đã đến học với
Họa Sĩ Nguyễn Cường. Sau này ông không theo học liên tục một trường mỹ thuật
hay hội họa nào, ngoài ít buổi dự thính tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật
Gia Định. Nhưng ông lại là một trong số ít anh em đầu têu dựng lập Hội Họa Sĩ
Trẻ, triển lãm cùng anh em nhiều lần.
Sinh năm 1940 tại Cần
thơ, năm 1965 ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, ban Triết. Năm 1965, họa
sĩ Nguyễn Đồng có cuộc triển lãm đầu tiên cùng 4 họa sĩ khác: Nguyễn Ngọc Thạch,
Đinh Ngọc Mô, Nguyễn Hữu Cầu, và một “bà
đầm”. Cuộc triển lãm diễn ra ở Tòa Đô Chánh, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cắt băng
khánh thành phòng tranh. Bà đầm họa sĩ có ông chồng trông coi Trung Tâm Văn Hóa
Pháp, thế là năm sau, 1966, Nguyễn Đồng có cơ hội bày tranh tại một cơ sở rất đẹp
đẽ, tráng lệ. Sau hai lần trả lại được giấy gọi đi học trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ
Đức, một lần khi đang học Sư Phạm tại Viện Đại Học Đà Lạt, một lần sau khi tốt
nghiệp, ông được điều đi dạy học tại trường Trung học Vỵ Thanh, tỉnh Chương Thiện.
Vào năm 1965, Chương Thiện vẫn còn là một địa danh đầy máu lửa, mặc dù chỉ cách
Cần Thơ 60 cây số. Nhưng mấy tháng sau, cuối 1965, đầu 1966, Bộ Giáo Dục lúc đó
Giáo Sư Trần Ngọc Ninh là Bộ Trưởng, điều ông về Trung Tâm Học Liệu ở đường Trần
Bình Trọng, Sài Gòn. Tôi nhớ lại giai đoạn này. Cuối 1966, đầu 1967, do khuyến
khích của ông “Thành Hiện Đại” (Nhà phát hành chính của Lá Bối, An Tiêm, …),
tôi thành lập Nhà Xuất Bản Quảng Hóa. Sau một tập nhạc của Phạm Duy, tôi xuất bản
tập nhạc cho sinh hoạt thanh niên của Nguyễn Đức Quang, tập “Những Bài Ca Khai
Phá”. Ông Đồng chính là người trình bày bìa cho tập nhạc này, và qua câu chuyện,
tôi mới biết đó cũng là bìa sách đầu tiên của ông khi mới từ Chương Thiện về.
Sau đó, ông có dịp cộng tác với nhiều tờ báo sài Gòn, đóng góp một số bài khảo
luận về hội họa và mỹ thuật. Đặc San Bắc Ninh có xin in lại bài của ông trong mấy
số trước.
Ông bà lại kể về chuyện
“chàng tán nàng”. Bà Hợp được Thầy Lê văn Đệ giới thiệu vào làm ở Trung Tâm Học
Liệu, từ đó bà được đi tu nghiệp ở Đài Loan, nên cuộc triển lãm đầu tiên của bà
xẩy ra ở xứ đảo. Công việc của bà Hợp là trình bày, minh họa cho sách giáo
khoa, thì giờ rảnh đi dậy giúp cho Trung Tâm Xây Đời Mới ở Quận Tám của mấy ông
thanh niên Uông Đại Bằng, Hồ Ngọc Nhuận. Tại Trung Tâm Học Liệu, nhóm họa sĩ có
phòng làm việc riêng, rất thoải mái, không gò bó. Mấy bạn bên Trường Sư Phạm Thự
Hành hay qua nhờ vẽ chuyện này, chuyện kia. Cho đến khi Ban Truyền Hình được thành lập, từ đó đẻ ra
“Đố Vui Để Học”. Là một cô “Bắc Kỳ nho nhỏ”, chính gốc Bắc Ninh với giọng nói
chuẩn mực, khuôn mặt lúc nào cũng xinh xắn và tươi như hoa, bà được phân phối
đi làm truyền hình. Phòng họa sĩ phản đối quá xá vì bỗng dưng hoa khôi đi mất.
Tại đây, tại Ban Truyền
Hình, chàng họa sĩ Cần Thơ đã tán được cô họa sĩ Bắc Ninh. Ông bà thành hôn năm
1968, sau Tết Mậu Thân mấy tháng. Đám cưới ở Sài Gòn, xong ông bà về Cần Thơ
cũng phải đi máy bay.
Họa sĩ Nguyễn Đồng có hai
dịp xuất ngoại. Đầu tiên đi Phi Luật Tân học về Đồ Họa. Sau đó, đi Mã Lai tu
nghiệp về nghề in Offset, và ông trở thành chuyên viên hiếm hoi của ngành này tại
Việt Nam lúc bấy giờ, tức đầu thập niên 1970. Lúc đó chuyện in offset bắt đầu
phổ biến, người ta thường gọi “offset 4 màu.” Những nhà in nhỏ cũng có thể in
loại này, nhưng để làm film thì chỉ có vài nhà in lớn, như nhà in Nguyễn Bá
Tòng, Sài Gòn Ấn Quán. Trung Tâm Học Liệu cũng thiết lập nhà in, và họa sĩ Nguyễn
Đồng là Quản Đốc cho Ấn Quán, một cơ quan tự trị tài chánh. Công việc xây cất
cơ sớ tiến hành, bắt đầu chương trình huấn luyện nhân viên, vừa chuẩn bị mọi thứ
xong thì “tai họa 1975.”
Năm 1979, gia đình ông Nguyễn
Đồng đến tỵ nạn ở Tây Đức. Ông cùng bà
Nguyễn Thị Hợp được giới thiệu làm việc tại một tờ báo địa phương, tờ tuần báo
“Buchholz – Nordheide Weekly”. Với kinh nghiệm trình bày sách giáo khoa của bà,
và kinh nghiệm nghề in của ông, ông bà dễ dàng hội nhập với đà làm việc của một
tờ báo Đức, và triển lãm tranh tại viện bảo tàng nơi định cư, Buchholz, một
thành phố nhỏ ở gần Hamburg. Năm 1981, ông làm việc cho hội tư “Vietnamesisches
Kulturzentrum” (Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam) ở Bonn - thủ đô của Cộng Hòa Liên
Bang Đức, đứng tổ chức Triển Lãm Vietnamesische Kunst (Nghệ Thuật Việt Nam) tại
Trung Tâm Văn Hóa Bonn. Sau đó ông, bà
thường xuyên triển lãm ở Âu Châu, nhất là tại Paris, như tại “Galerie La
Sensitive Paris”.
Gia đình ông sang định cư
tại Mỹ từ 1987. Và lúc đó, như bà Hợp trả lời một cuộc phỏng vấn của báo Viễn
Đông: “Lúc mới từ Đức sang đây, chúng tôi cũng vất vả lắm. Ở nhà nhờ, đi xe nhờ,
đến nỗi con gái chúng tôi luôn miệng hỏi “hôm nay mình sẽ đi xe của ai, ở nhà
ai?”.
“Gia đình” hai họa sĩ
Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp không chỉ
có hai họa sĩ, còn có họa sĩ thứ ba, ái nữ của ông bà, cô Đan Chi. Từ những
ngày nhỏ xíu trong trại tỵ nạn, Đan Chi đã ghi lại ký ức cuộc sống của người vượt biên bằng hội họa,
và sau này, khi không còn bận bịu trường ốc, cô trở lại với màu sắc, hình khối.
Đã có lần “Cả Nhà” cùng triển lãm tại một
phòng tranh. Không lâu trước đây, Đan Chi còn phải giữ phần mỹ thuật cho báo tiếng
Mỹ “Người Việt 2”.
Gọi là “không lâu”, nhưng
cũng đã trên 10 năm rồi, từ 2007 trở về trước, khi họa Sĩ Nguyễn Đồng gánh vác
phần Mỹ Thuật và lay out cho tờ Giai Phẩm Xuân Người Việt, độc giả đã có cơ hội
nâng niu từng số báo xuân như những tác phẩm nghệ thuật.
Quả thật vậy, ngay khi ngắm
nhìn trang bìa tờ báo xuân, độc giả đã cảm thấy rộn ràng lên “lòng xuân phơi phới,
như trăng mới lên, như hoa mới nở”. Câu
trên trích từ bài “Hy Vọng” của Nguyễn Bá Học nói đến con người ở tuổi thanh
niên, cũng rất đúng cho tâm trạng kẻ viết bài này khi được ngắm nhìn bìa báo
xuân NV trước đây, dù bây giờ đã vào tuổi xế chiều. Dĩ nhiên là bức tranh của
Nguyễn Thị Hợp dành cho bìa tờ báo góp phần cho độc giả cảm giác lòng xuân rộn
rã đó, nhưng nếu không phải Nguyễn Đồng trình bày trang bìa, thì màu sắc, hình
thái bức tranh sẽ bị chìm đâu đó vào cõi đời ô trọc, tạp nhạp. Gần đây có bìa
vài tờ báo xuân cũng xin tranh Nguyễn Thị Hợp, nhưng khi nhìn vào, quí vị sẽ thấy
ngay bức tranh như một bức tượng quí lăn lóc trên đống hoang tàn đổ nát của một
ngôi nhà thành thị bỏ hoang.
Họa sĩ Nguyễn Đồng là một
nghệ sĩ thực thụ không để cho bất cứ thế lực đời sống nào chi phối, ảnh hưởng đến
sự sáng tạo nghệ thuật của ông, nên đã mưu sinh bằng một nghề tay trái. May mắn
thay, phần lớn thời gian nghề tay trái này lại dính dáng đến nghệ thuật. Cho
nên khi phụ trách Mỹ Thuật cho tờ nhật báo, nhất là khi lo phần trình bày các tờ
báo xuân (trước đây), ông đã chăm chút từng trang tờ báo xuân như một tác phẩm nhỏ
bé. Ông luôn dành không gian cho từng “con chữ” có chỗ để thở, dành vị trí
thích đáng, trang trọng cho từng bức tranh, hình minh họa của các họa sĩ, nhiếp
ảnh gia đóng góp, sao cho toàn bộ những dòng chữ, to nhỏ, đậm nhạt sẽ là một
tôn vinh cho bức minh họa. Và vẻ hòa hợp ấm áp của toàn bộ trang báo đã phần
nào cho ta cảm nhận nội dung những gì các dòng chữ khia nói đến. Ông là một nghệ
sĩ, nhưng không phải là một nghệ sĩ “đi
trên mây”. Trình bày bài vở, ông đắn đo,
cân nhắc vẻ mỹ thuật đã đành, ông còn giúp tác giả hoặc người đánh máy sửa chữa
từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu ngã, những lỗi chính tả rất nhiều lần
chúng ta thường phạm phải. Một công trình, một tác phẩm đối với Nguyễn Đồng phải
không còn “hạt sạn” nào.
Kẻ viết bài này chỉ là một
trong hàng triệu người xem tranh bình thường, không biết chút gì về những lý luận
bố cục, màu sắc, … của những nhà phê bình hội họa. Xem tranh chỉ thông qua cảm
nhận tự nhiên về bức tranh. Như ở trên có nói, ngắm nhìn tờ báo xuân có tranh
Nguyễn Thị Hợp, do Nguyễn Đồng trình bày, tự nhiên trong lòng có cảm giác yên
bình phơi phới của mùa xuân đã về đâu đây. Nhưng nếu có ai hỏi tại sao, cùng lắm
chỉ có thể giải thích như : A, thì tại cái màu sắc này, cái nét vẽ này, … nghĩa
là chẳng giải thích gì cả. Cho nên, nếu hỏi vì sao thích tranh Nguyễn Đồng, thì
xin lỗi không thể trả lời. Vả chăng, có
phải thưởng thức nghệ thuật là một cảm nhận, một tình cảm gần gũi, tương đồng
giữa tác giả và người thưởng ngoạn? Các nhà phê bình có thể giải thích vì sao
người đọc, người nghe, người xem có cảm nhận đó, thấy sự gần gũi, tương đồng
đó, nhưng chính người xem thì chẳng bao giờ tự mổ sẻ lòng mình. Cho nên, nói về
cảm nhận của mình trước một bức tranh, đôi khi tôi ngại rằng đã “gán’ cho tác
giả những suy tư, tình cảm không hề có khi sáng tác.
Hồi trẻ tuổi tôi không
thích tranh Nguyễn Đồng. Sinh hoạt rất gần với phòng triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ
trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, nên cơ hội xem tranh, gặp gỡ các họa sĩ của hội
khá nhiều. Lúc đó tôi chỉ “yêu” tranh Nguyễn Trung với những nét đơn giản, tươi
mát, mềm mại, và một thứ màu xanh, màu tím kỳ lạ. Tranh Nguyễn Đồng với tôi lúc
đó sao mà khó hiểu, khó “cảm”, đầy những phức tạp của đắn đo, suy nghiệm. Ngay
hồi đó tôi đã biết mình là kẻ không biết “xem tranh”, chỉ chiều theo cảm xúc về
đường nét, màu sắc của bức tranh tự nhiên ập đến với mình, đôi khi làm mình bồi
hồi, xao xuyến. Có lẽ cái tuổi thanh niên thành thị ồn ào, háo hức khiến tôi cảm
thấy màu sắc, hình tượng trong tranh Nguyễn Đồng lúc đó như cố níu kéo cuộc đời
chậm lại, níu kéo bước chân lãng du hãy chầm chậm trên một khúc đường quê. Lớn
lên, ra hải ngoại, được xem tranh Nguyễn Đồng, xúc cảm trong tôi đã hoàn toàn
thay đổi.
Bây giờ, già rồi, tôi lại
đâm ra yêu tranh Nguyễn Đồng, có vẻ như những màu sắc, hình nét đó “hợp hơn với
mình”, (hay là bây giờ mình hợp hơn với bức tranh đó?) Từ bức tranh tôi yêu
thích nhất của Nguyễn Đồng, bức “Ao Nhà II”, tôi tìm về những gì dẫn dắt đến bức
tranh này, xuyên qua rất ít hình chụp, hình in các họa phẩm của Nguyễn Đồng mà
tôi tìm được.
Đầu tiên tôi có là bức
“Trong Ánh Nến”. Toàn bộ bức tranh cho tôi nỗi bồi hồi của hoài niệm về “ao
nhà’, về mái nhà xưa, về mẹ già đang ẩn nhẫn trong ngôi nhà tranh đó, … về quê
hương ở đâu xa lắm. Tôi không biết tác giả nghĩ gì, cảm gì qua ánh nến, với
tôi, vùng màu tím nhạt làm nền trung tâm bức tranh mênh mông như ước mơ của
tôi, ước mơ dù đôi chút lạc quan nhưng vẫn là những gì xa vời vợi, ước mơ về với
quê hương yêu dấu. Không hiểu “Trong Ánh Nến” được vẽ vào năm nào? Có phải trước
năm 1983, năm tác giả vẽ “Ao Nhà II” như một phát triển rõ hơn hình ảnh của ao
nhà, mái tranh xưa, từng lung linh qua ánh nến?
Cũng từ “Ao Nhà II”, tôi
ngược lại hơn 10 năm, 1972 với “Con Đường Đất Đỏ”, sơn dầu. Tôi đã thấy đâu đó
bức tranh này từ ngày xưa. Tôi còn nhớ mơ hồ về nỗi băn khoăn khó cảm nhận được
những gì chất chứa qua hàng hàng lớp lớp tàu lá dừa. Đàng sau lớp lá dừa trùng
điệp đó là một cõi gì xa xăm ở cuối con đường? Bây giờ, cái mảng màu đỏ nhỏ
nhoi của con đường lại cho tôi niềm xúc động hun hút, sâu thẳm trong rừng dừa bạt
ngàn. Có vẻ như để đến được ao nhà, chúng ta phải lang thang qua những con đường
đất đỏ hiền lành và chắc rằng chất chứa ít nhiều kỳ bí. Có vẻ như lũy tre xanh,
cây đa đầu làng, cây gạo đầu làng là biểu chưng của quê hương miền Bắc, thì những
tàu lá dừa chính là quê hương Miền Nam của Nguyễn Đồng, là những gì đọng lại
trong trí tưởng khi người họa sĩ đi xa.
Tôi không rõ có bức “Ao
Nhà I” hay không. Tôi bắt gặp một hình ảnh khác của “Ao Nhà II” qua bức “Ánh Lửa
Trong Nhà”, màu nước của Nguyễn Đồng. Có lẽ ngôi nhà quê cũ, có thể là nơi ông
ra đời, hoặc nơi ông lớn lên trong vòng tay Mẹ suốt giai đoạn trẻ thơ, và cũng
có thể là nơi phụ thân ông nhắm mắt lìa đời, nơi Mẹ già vẫn hằng đêm mong
ngóng, … nơi ông yêu quí nhất, lúc nào cũng nặng chĩu trong tâm tưởng ông. Cuộc
đời phiêu bạt của ông trải qua biết bao miền đất trên thế giới này, nhưng có ở
đâu chăng nữa, hình như ngôi nhà quê xưa mới thực là nơi ông muốn được an trú.
Ánh lửa trong ngôi nhà đó ấm áp thân quen là thế mà sao vẫn xa vời vợi. Ánh lửa
trong nhà là một mời gọi từ thuở xa xưa, từ thời con người tìm ra lửa. Có lửa
là có đoàn tụ, có sự sống. Nhớ về ánh lửa đó, lòng ta có thể nghẹn ngào, nhưng
ánh sáng vườn sau ngôi nhà lại như những gì lạc quan còn đó, còn ngôi nhà, còn
nguồn cội.
Trở lại bức tranh tôi yêu
nhất “Ao Nhà II”. Một khoảnh ao bình thường, lặng lẽ. Cũng cái cầu ao chứng
tích bao lần giặt dũ, vo gạo của Mẹ già, của cô em, và có thể, cả những lần tôi
nhẩy xuống ao mát lạnh giữa những ngày hè. Khoảnh ao này còn phản chiếu cả
khung nhà tranh âm thầm, nhẫn nhịn, giữ gìn biết bao kỷ niệm của cả một phần đời
tôi, giữ gìn nền nếp một chuỗi nối dài nhiều thế hệ. Rõ ràng không có chút hình
ảnh nào của Bà Mẹ Già còn sống nơi quê nhà, nhưng dưới mái tranh bình lặng kia
chắc rằng Mẹ đang đong đưa trên võng dưới ánh đèn dầu, nhớ về ngày xưa, về hôm
nay, và “nhớ về cả ngày mai”. Tôi được coi bức ảnh chụp với Mẹ khi Ông, Bà Nguyễn
Đồng về thăm “ao nhà” ở Cần Thơ. Hẳn rằng đó là “ngày mai” mà Mẹ hằng mong
ngóng. Trước đây tôi đã xúc động khi ngắm “Ao Nhà II”, nay qua ảnh chụp, nỗi
xúc động như mãnh liệt hơn, ngập tràn hơn.
Tự biết là một kẻ kém cỏi
về thưởng ngoạn nghệ thuật, nhất là thưởng ngoạn tranh, nên ở đây tôi chỉ xin
ghi lại những cảm nhận của riêng tôi khi đứng trước tranh của Nguyễn Đồng. Nhiều
lúc tôi bật cười tự hỏi về những điều mình cảm thấy do bức tranh đưa đẩy có
chút nào dây dưa gì đến cảm xúc, ý tưởng của tác giả khi vẽ tranh? Có thể hai
bên xa nhau cả cây số. Có hề gì, miễn là tôi thực tình yêu thích những tranh
đó, như khi tôi quyến luyến nghĩ về một thiếu nữ. Song thân nàng bảo rằng “con
bé chẳng biết làm gì cả, suốt ngày chỉ rong chơi, … “ Nhưng tôi thấy nàng có
duyên quá, đằm thắm quá, và tôi yêu. Thế thôi! Cũng trong chiều hướng đó, tôi
xin kể thêm nỗi xúc cảm của riêng tôi khi xem bức tranh “Cửa Sổ”. Một thứ màu
tím sâu thăm thẳm làm nền, nổi bật lên là những cây khô khẳng khiu bên ngoài cửa
sổ với lớp mây trắng lững lờ (hay tuyết trắng?). Ngoài kia là một thứ mùa đông
phương trời Tây. Cái thứ mùa đông nhợt nhạt này gợi đến những cơn giông vần vũ
(có phải là của) những ngày đã qua, mà ở xa hơn nữa là đồng cỏ, cây lá ngày
xưa, hay là của những ngày sắp tới, chồng chất khó khăn và hy vọng? Khung cửa sổ
với một trời mênh mông xa lạ đang làm tôi bâng khuâng, thì hốt nhiên tôi nhìn
xuống góc dưới của bức tranh, và nỗi xao xuyến đến mềm lòng khi bắt gặp những gì
thân quen âm thầm nằm đó. Khung cửa sổ bỗng trở nên không thực hiện hữu, với
tôi. Những gì lang bang ngoài kia, kể cả nét còm cõi của cành cây ngu ngơ giơ
lên nền trời cũng là những gì mong manh câm nín. Tôi lại đắm chìm xúc cảm khi
chợt thấy ở góc nhỏ nhoi đó, tôi gọi là “ở trong nhà”, một khoảnh màu đỏ cổ điển,
và trời ạ, trên mảng màu đó là một đĩa trái cây có bày buồng chuối (chuối
cau?), và cây nến thắp sáng cắm trên chân nến đồng thường bày ở bàn thờ. Tôi chợt
tin rằng góc nhỏ nhoi này mới là phần chính của bức tranh. “Trong nhà” mới là
điều tác giả muốn nói tới. Bên ngoài cửa sổ là cuộc sống đang diễn ra, nhưng lơ
mơ, vô định. Trong nhà là những ấp ủ, nâng niu, cố gắng giữ gìn của tác giả. Đó
chính là nỗi khát khao câm lặng của kẻ tha hương.
Hay đó chính là những nỗi
khát khao câm lặng của của kẻ viết bài này, nhất là vào những ngày cuối năm, những
ngày người ta hay hướng đến “đất, trời”, để biết cảm ơn các đóng góp của tha
nhân. Xin cảm ơn Gia Đình Một Họa Sĩ Bắc Ninh đã cho tôi được biết đến những
nét đẹp vô ngần.
Ghi Thêm: Trong Tháng 9, 2019, hai Họa Sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hơp có cuộc triển lãm cùng Họa Sĩ Nguyễn Quỳnh, tại Little Sài Gòn, California, trong đó có trưng bày tranh của Họa Sĩ quá cố Hoàng Ngọc Biên. Các vị này thường triển lãm chung. Điều xin "ghi thêm" ở đây là bức tranh "Con Đường Đất Đỏ" của Nguyễn Đồng lần đầu tiên ghi là "Con đường đất đỏ trong vườn cau" (trước đây chỉ ghi là "Con Đường Đất Đỏ"). Vậy thì, không phải như cảm nhận của kẻ viết bài này đó là con đường đất đỏ của Miền Nam, đang chui vào vườn dừa bát ngát. Có lẽ Họa sĩ Nguyễn Đồng chắc muốn ghi cho rõ (vườn gì) để tránh ngộ nhận.
No comments:
Post a Comment