![]() |
Quê Hương Tuổi Nhỏ, 100 pages |
Quê Hương Tuổi Nhỏ là tập 3 trong tự sự Đời Tôi. Thời gian
từ 1954 đến 1961 gồm 3 giai đoạn, qua 3 nơi: Trại định cư Hòa Khánh ở Đức Hòa, khu
Nguyễn Tri Phương Sài Gòn, và Thành Phố Đà Lạt.
đời tôi
Tự sự, viết tùy tiện kể lại cuộc đời của tôi từ bé đến
năm 2016, và biết đâu, sẽ còn tiếp nhiều năm sau. Tôi kể lại đời tôi qua các phần:
Phần
1- Gia Đình Tôi - Từ khi còn bé đến
lúc di cư vào Nam, tôi kể chuyện "thằng tôi" trong loạt bài về
"Gia Đình Tôi", gồm Thầy Tôi, Đẻ Tôi, Chị Tôi, Anh Tôi, tức là cho
đến khi tôi 11 tuổi. Đúng ra, lúc di cư 1954, tôi chỉ 10 tuổi, vì tôi sinh giữa
tháng 12, năm 1943. Chỉ có mấy tuần lễ tôi mang oan trên vai một tuổi.
Phần
2- Nhà Tôi – Tức là người bạn tôi
quen từ 1963, rồi đồng hành với tôi cho đến bây giờ và tiếp tục tới lúc “chỉ có
trời biết.”
Phần
3- Đà Lạt 1955 - từ khi vào Nam 1954
đến 1961. Đây là giai đoạn đầy thơ mộng trẻ thơ, cũng là những năm đầu chập
chững ở Hướng Đạo.
Phần
4- Sài Gòn 1961 -1975 - Từ 1961 trở đi, đến khi mất Miền Nam, 1975.
Phần này có một Chương Bên Lề là “Quán Văn”.
Phần
5- Thanh Hóa - từ 1975 đến 1984, kể
lúc tôi ở Thanh Hóa. Cũng chưa viết dù tôi có kể lẻ tẻ đâu đó vài chuyện vui
vui những ngày tháng này.
Phần
6- Thành Phố Đổi Tên – Từ 1984 đến
1991. Từ khi ra tù đến khi qua Mỹ.
Phần
7- Tôi Làm Báo Người Việt - kể lại 17
năm trời tôi làm việc ở báo Người Việt, 1991 đến 2008. Phần này có Chương Bên
Lề là “Trần Đức Trực”.
Phần 8- Cuối Đời - là giai đoạn lăng nhăng cuối đời, cho đến lúc “chỉ
có trời biết”, được bổ túc hàng năm, hàng tháng.
Phần 9—Góp Nhặt Loanh Quanh, góp nhặt một ít trong số
những bài tôi viết và đã in ở đâu đó ở Mỹ.
Phần 10: Còn Nhiều Điều Chưa Kể, viết
về những điều tôi đã trải qua từ bé đến bây giờ (2014), những điều tôi làm, tôi
thấy, tô nghe, và tôi nghe kể lại. (Những điều nhiều người muốn biết)
Hòa Khánh
Ngày
20 Tháng 7, 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước Việt Nam được ký kết, hơn
3 tuần lễ sau, ngày 12 Tháng 8, 1954, gia đình tôi đến Sài Gòn trong cuộc chạy
nạn cộng sản.
![]() |
Hình ảnh Nhà Bạt khởi đầu cho một Trại Định Cư 1954. Nguồn Internet |
Tôi
không biết chúng tôi đổ bộ ở Vũng Tàu hay ở cảng Sài Gòn sau cuộc hành trình từ
Bắc vào Nam kéo dài mấy ngày trời, trên một chiếc tàu rất lớn. Chúng tôi rời
tàu, lên bộ vào buổi tối ngày 12. Đó là một cuộc đổ bộ lạ lẫm, hoang mang và ồn
ào. Có lẽ chúng tôi lên bờ ở Sài Gòn. Hình ảnh rõ nhất còn lại trong ký ức tôi
về những giờ phút đầu tiên tại vùng đất lạ, là một bát ô tô (tiếng miền Bắc chỉ
chiếc tô lớn) đầy những hạt đậu trắng hầm, với khúc dồi to tướng, nóng hổi nằm
cuộn tròn trên tô đậu. Tôi còn nhớ rõ nét cười của Đẻ tôi khi lấy cho cậu con
trai út được một phần ăn ngon lành. Nhưng với bản tính nhút nhát và không muốn
bị “chú ý” quá, tôi cứ chối đây đẩy khúc dồi ưu đãi. Rồi tôi cũng chẳng nhớ
cuối cùng miếng ngon đặc biệt đó đi về đâu. Lúc đó khoảng 9, 10 giờ tối. Người
ta đổ đoàn người di cư trên tàu xuống một công xưởng nào đó, và những người
lính ngoại quốc chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống. Tôi không quen cái cảnh mọi người
chen chúc nhau chung quanh các thùng đựng thức ăn, chẳng hiểu gồm những gì,
chìa cái bát, cái tô, cái “ca” bằng sắt, chờ những người ngoại quốc múc đồ ăn
cho, nên tôi không tài nào ăn được tô đậu trắng thơm ngon dù Đẻ tôi luôn miệng
dục dã. Duy có điều tôi nhớ đến bây giờ là những người lính mũi lõ, mắt xanh
kia trông trắng phau, hồng hào, và nhẹ nhàng, tươi tỉnh trước sự hỗn độn ồn ào
của hàng hàng lớp lớp người di cư, những người trông chắc là nhếch nhác lắm,
quê kệch lắm. Thường “lính Tây” lúc nào trông cũng hung dữ, cáu kỉnh, uy quyền
giữa đám thường dân quê mùa chung quanh.
Sau
đó đoàn mấy ngàn người di cư được xe cam nhông (camion) phân tán đi nhiều nơi.
Khoảng 1 giờ sáng gia đình tôi được đưa đến trường Tiểu Học Cầu Kho ở Sài Gòn
cùng nhiều gia đình khác, có lẽ khoảng hai trăm, ba trăm người. Ở phần “Mẹ
Tôi”, tôi đã kể về mấy ngày ngắn ngủ lưu trú tại ngôi trường này.
Tôi
không nhớ chúng tôi tạm trú tại trường Cầu Kho bao lâu, có thể là một tuần lễ,
hay cả tháng trời. Sau đó chúng tôi được đưa về Trại Định Cư Hòa Khánh.
Một
buổi sáng, chúng tôi được lệnh thu dọn đồ đoàn leo lên hơn chục chiếc xe nhà
binh lớn, nhỏ để đi về trại định cư. Từ chiều hôm qua tôi đã thấy Đẻ, chị Thảo,
anh Tường nói chuyện về trại định cư. Mấy hôm ở trường Cầu Kho, anh Tường quen
một anh bạn mới tên Giao. Anh Giao trạc tuổi anh Tường, di cư một mình. Hầu như
tất cả số dân di cư tạm trú trường Cầu Kho đều theo Thiên Chúa giáo. Anh Giao
thuộc gia đình Phật giáo, thấy hợp với gia đình tôi, cũng Phật giáo, nên xin
nhận Đẻ tôi làm Mẹ. Nhà tôi như vậy về Hòa Khánh với nhân số 6 người: Đẻ tôi,
chị Thảo, anh Tường, anh Giao, anh Toàn, và tôi, tên Bí.
Sau
này tôi biết đoạn đường từ làng Hòa Khánh, thuộc quận Đức Hòa, lên đến Sài Gòn
dài lắm cũng chỉ khoảng hơn 60 cây số, nhưng sao lúc đó tôi thấy dài thế. Năm
1954, quận Đức Hòa còn thuộc Tỉnh Chợ Lớn, cách Chợ Lớn chưa đến 30 km.
Cho
đến lúc đó, lúc tôi hơn 10 tuổi, đời tôi đã trải qua nhiều cuộc “viễn du”, mỗi
cuộc viễn du đều để lại trong tôi những bồi hồi, xao xuyến. Bây giờ, năm 2014,
tôi đang ngồi trong ngôi nhà ở thành phố Irvine, miền Nam California, ghi lại
phần ký ức này, mà những xao xuyến, bồi hồi của buổi chiều đi về một vùng xa lạ
vẫn như bóp nghẹt tim tôi. Tôi muốn khóc. Nhìn ra ngoài kia, nắng 4 giờ chiều
đã bớt phần rự rỡ, nhưng vẫn tươi hơn nắng xế chiều một ngày cách nay 60 năm
trời, tôi ngồi chịu đựng những cơn xóc của đoàn xe chạy trên đường trải đá đầy
những ổ gà.
Hôm
nay là ngày 3 Tháng 7, năm 2015, nghĩa là hơn một năm sau khi viết những dòng
chữ bên trên, tôi mới ngồi lại, viết tiếp. Vợ chồng chúng tôi quá bận rộn hai
năm qua, và con gái chúng tôi đã qua đời được đúng một năm, ngày 17 Tháng 7,
2014. Công việc ghi chép của tôi thường bị đứt đoạn như vậy. Thực ra, phải
thành thật thú nhận rằng những bận rộn
chỉ là cái cớ cho tính lười biếng của tôi phát triển. Tôi đúng là một tên chỉ
thích hưởng thụ, vui chơi, và lười biếng.
Bây
giờ ngồi nhớ lại, tôi ân hận đã không hỏi Đẻ tôi về một số điều may ra có giúp
tôi hiểu rõ hơn không: Tại sao chúng tôi thuộc trong nhóm về trường Cầu Kho?
Tàu chở mấy ngàn người di cư từ Hải Phòng vào, chỉ có độ hơn 200 người về tạm
trú ở Cầu Kho, rồi được chở đi trại di cư Hòa Khánh. Sau này tôi biết gần triệu
người từ Bắc vào Nam, được phân tán khắp nơi, nhưng nhóm chúng tôi lại về Hòa
Khánh, một vùng đất phèn khô cằn mọc toàn các cây tràm, dừa nước.
Khi
đoàn xe cam nhông đổ chúng tôi xuống trại di cư Hòa Khánh, đã có sẵn dân di cư ở
đó, và đang trong bầu không khí sôi sục chiến tranh. Chúng tôi được người đến
trước khuyên rằng mỗi gia đình “tân nhập” (trại) nên đi đặt làm ngay mấy con
dao dựa, cán dài để sẵn sàng chiến đấu. Tuổi thơ của tôi có thể bỏ qua nhiều
điều trong cuộc sống, nhưng những gì về chiến tranh lại in đậm trong ký ức. Qua
câu chuyện người lớn, tôi hiểu loáng thoáng về tin đồn nhóm dân người Miền Nam
tại địa phương dự trù tấn công “bọn Bắc Kỳ Di Cư.” Chắc chắn đó chỉ là những
hoạt động tuyên truyền của ai đó nhằm gây chia rẽ, rỉ tai cả hai bên để tạo
căng thẳng. Ngay với tôi là một tên nhóc cũng cảm được tình hình gay cấn trong
trại. Khoảng một tháng sau, những Linh Mục quản trị trại tìm cách thu xếp với
các vị lãnh đạo địa phương, cùng thực hiện một số hoạt động chung cho “dân hai
miền”. Tôi nhớ, trong trận bóng chuyền giao hữu tổ chức tại trại, khi đội bóng
của trại ghi điểm, tôi hét lớn hoan hô liền bị một ông người lớn bên cạnh mắng
ngay. Chắc là có lệnh cho dân trong trại chỉ hoan hô đội khách. Người ta cố
“nịnh” địa phương để được sống chung trong hòa bình.
Hình
như gia đình tôi ở trại định cư Hòa Khánh không lâu, khoảng trên dưới nửa năm,
có thể từ khoảng Tháng 9, Tháng 10, 1954, đến đầu năm 1955. Tôi nhớ có chứng
kiến cuộc rước tượng Đức Mẹ và Thánh Giá nhân ngày lễ Chúa Sống Lại, như thế
gia đình tôi phải đến sau Tháng Tư mới rời trại. Dù chỉ một thời gian ngắn như
vậy, Đẻ tôi vẫn xoay xở buôn bán tại chợ Hòa Khánh.
Chợ
Hòa Khánh nằm trên con đường chính của làng Hòa Khánh, một con đường nhựa sơ
sài không rõ dài bao xa, có lẽ nối từ tỉnh lộ chạy tới sông Vàm Cỏ, hai bên là
hai con kinh đào, sau bờ kinh đào tới dẫy nhà lợp lá của dân địa phương, với
vườn tược bao quanh rộng rãi. Dân trong làng có thể từ những vùng xôi đậu nào
đó, được chính quyền tập trung lại, cấp phát nhà cửa, ruộng vườn, từ nhiều năm
trước khi dân Bắc Kỳ Di Cư đến.
Tại
chợ Hòa Khánh, Đẻ tôi là người “Bắc Kỳ di cư” đầu tiên góp mặt với một “chiếu”
hàng xén. Gọi là chiếu vì mọi thứ mặt hàng Đẻ tôi bày ngay trên một tấm tệp
vuông vắn đan bằng cỏ lác trải trên nền si măng của nhà lồng chợ. Các bạn hàng
khác cũng vậy, không có sạp trong nhà lồng chợ. Chung quanh nhà lồng, mọi người
ngồi chồm hổm ngay trên mặt đất nện buôn bán với nhau thịt, cá, gà, vịt, rau
cỏ, và nhiều nhất là những thứ mắm. Thằng bé 10 tuổi rưỡi như tôi thấy điều gì
cũng lạ lùng trong khu chợ nhộn nhịp miền quê này, và lạ nhất là những thúng
mắm cá đen ngòm với hàng trăm loại khác nhau. Người ta mua mắm mang về với
những gói bắng lá chuối, người ta mua mắm ăn ngay tại chỗ. Nhiều bà mẹ quê ngồi
bệt ngay trên cục đá, miếng gạch, ngói vỡ, hoặc trên chiếc đòn, ngay cả ngồi
lên cái nón lá lật ngửa, và cứ thế nhón từng con bún cuốn vào miếng mắm xé ra
từ con cá, ăn ngon lành. Nhìn ngắm nét mặt sinh động của các bà thưởng thức món
quà giản dị bãi chợ quê vào lúc nắng sáng mới lên, tôi tưởng như chính mình
cũng đang được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ đó giữa những ồn ào, huyên náo của
những giọng nói ngồ ngộ làm sao. Thúng mắm, đúng hơn phải gọi là “rổ” mắm vì
cái vật làm bằng tre đựng những con cá mắm đó nhỏ hơn cái thúng tôi thường thấy
ở miền Bắc, nhưng cũng không giống cái rổ trong trí nhớ hỗn mang của tôi về
vùng quê hương xa xôi kia. Cái rổ mắm chứa chừng hơn chục con cá còn nguyên
hình dạng chồng chất lên nhau, ươn ướt đen do một chất trông giống như bùn đen phủ lên, một thứ
“nước cốt” tiết ra từ thịt cá và muối. Mỗi rổ là một loại cá, và với đôi mắt
trẻ thơ thấy trong cuộc đời thứ gì cũng lớn, cũng nhiều thì không biết cơ man
nào là các loại mắm. Và khu bán mắm lúc nào cũng nhộn nhịp khách hàng, đông hơn
mấy khu bán gà, vịt, hay mấy thứ thịt khác. Có thể cảm tưởng đó là do tôi đứng
rất lâu ngắm nhìn những điều lạ lẫm lần đầu được thấy, cái thứ mắm chưa từng
gặp ở miền Bắc, cái cách ăn ngon lành kết hợp ngay từ hai rổ hàng ở chợ, rổ
mắm, rổ bún.
Lúc
đó, Đẻ tôi là bà bán hàng duy nhất nói tiếng bắc. chung quanh toàn các bà, các
cô nói giọng nam rặc mà phải chú ý lắm tôi mới hiểu được. Bên cạnh Đẻ tôi là
chiếu hàng của bà Mười, trẻ hơn Đẻ tôi chút ít, và sau này tôi kêu bằng “Má
Mười.” Tôi không nhớ gì về những câu chuyện trao đổi giữa Đẻ tôi và các bạn
hàng chung quanh, nhưng chiếu hàng Đẻ tôi thường đông khách, có lẽ thiên hạ đồn
nhau về bà Bắc Kỳ Di Cư, theo như Đẻ tôi kể chuyện cho cả nhà nghe. Gọi là
đông, nhưng có lẽ cũng chỉ chừng vài chục khách hàng đến thăm hỏi mỗi ngày, tôi
không chắc lắm vì ngày không đi học tôi mới được ở chơi lâu ngoài chợ. Bà Mười
gọi tôi là con, nên mặc nhiên tôi như một thứ “con nuôi” của bà, và vì bà hay
cho tôi quà này, quà khác. Từ Bắc vào Nam, Đẻ tôi có thay đổi, nên cho phép tôi
nhận các món quà này, có thể là để thân thiện hơn với cảnh sống mới nơi đất lạ,
quê người. Thực ra, quà cũng chỉ là vài con tôm khô nhai cho “đỡ buồn” (mà tôi
có buồn gì đâu), hoặc cái kẹo bọc trong giấy xoăn tít hai đầu, hay miếng kẹo
đậu phụng nhỏ xíu, những mặt hàng Má Mười bán. Thỉnh thoảng ngày cuối tuần, Má
Mười cho con gái hay ai đó coi hàng, hoặc dọn hàng về sớm, và dắt tôi về chơi
nhà Má, có khi ăn cơm luôn. Đúng là Đẻ tôi có thay đổi cách suy nghĩ, cách dạy
con, nên cho tôi được đi đến nhà Má Mười, ở nơi nào Đẻ tôi cũng không biết rõ.
Đôi khi, có hẹn trước, khoảng 3, 4 giờ chiều Chủ Nhật, từ trại di cư tôi cuốc
bộ thẳng đến nhà má Mười, ăn cơm và gặp gỡ hết con cái Má, khoảng 4, 5 người
đều lớn hơn tôi. Tôi không thấy ông Mười bao giờ, sau này nghĩ lại, có lẽ ông
hoặc tập kết, hoặc trong bưng biền.
Mâm
cơm thường rất đơn giản, hình ảnh còn trong tôi đến ngày nay là tô nước mắm phủ
mặt ớt đỏ au nằm giữa mâm, thứ nước mắm pha chế thật tuyệt vời tôi chưa từng
thấy Đẻ tôi làm kiểu đó. Ở nhà tôi, nước mắm thường đựng trong cái bát nhỏ
nhắn, xinh xinh, với vài lát ớt, vài giọt chanh. Còn ở đây, nước mắm trong tô
lềnh bềnh ớt giã tơi ra, và đầy những con tép chanh mòng mọng, xanh tươi quyện
vào với ớt. Có thể đó là món ăn chính ở nhà Má Mười, vì chỉ ít phút, tô nước
mắm cạn dần. Riêng với tôi, mọi người ưu đãi, tránh cho tôi phải suýt xoa với
độ cay nồng của tô nước mắm, Má Mười, hoặc các anh chị gắp vào bát tôi miếng cá
khô con con, hoặc con tép đỏ nhỏ bé, hiếm hoi.
Cả nhà vừa ăn vừa cười đùa với tôi giống như đi xem một con vật lạ trong
sở thú: Thằng bé Bắc Kỳ Di Cư. Tôi hưởng trọn vẹn những giờ phút thú vị, lạ
lùng trong một gia đình “rất khác với gia đình tôi.” Ở nhà tôi, có khi nào anh,
chị em chúng tôi được nói cười thoải mái như vậy với người trên.
Sau
này tôi hiểu, nhà Má Mười cũng như hàng trăm gia đình sống trong hàng trăm ngôi
nhà giống nhau cất dọc theo bờ rạch đào hai
bên con lộ chính, đều là dân ở nơi vùng sâu, được đưa về đây lập khu
làng mới. Con lộ trải nhựa đơn sơ chạy từ chợ Hòa Khánh, qua nhà Má Mười, rồi nghe
nói chạy đến tận bờ sông cách nhà má Mười chừng chin, mười cây số. Có lẽ là
sông Vàm Cỏ, không biết Vàm Cỏ Đông hay Vàm Cỏ Tây. Tuy còn ít tuổi nhưng với
kinh nghiệm trải qua từ làng tôi ở Miền Bắc khiến tôi cảm rằng, đâu đó, ở cuối
con lộ hun hút chạy qua nhà Má Mười, là cái gì âm u, hoang dã của “vùng Việt
Minh”. Có lẽ bên kia những con sông, rạch mà tôi nghe loáng thoáng tại nhà Má
Mười- những dòng sông ở thật xa theo cách đo lường của tuổi thơ – là khu những
người kháng chiến ở, những người như ông chồng của Má Mười, vài người con lớn
của Má Mười, cùng những ông chồng, người cha, con trai lớn của hàng trăm ngôi
nhà dọc theo con lộ. Có lần mấy anh, chị ở nhà Má Mười hẹn tôi lần sau ra chơi
sớm để họ có thể đưa tôi đi ra sông chơi, nhưng Má Mười cản lại, và la mấy anh
chị. Có vẻ như Má nói vài điều gì đó không nên cho tôi tham dự. Lớn lên, tôi
biết người ta đưa dân di cư đi lập các trại định cư, trấn các khu vực chung
quanh Sài Gòn, ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản.
Tôi
không thể nhớ được hồi đó những người miền Bắc di cư tại trại Hòa Khánh sinh
sống bằng nghề gì, nhưng không thể là làm ruộng, trồng vườn. Có thể chọn đất
lập trại ở Hòa Khánh là một chọn lựa nhầm lẫn, vì sau lưng trại là rừng tràm
ngút ngàn, đất đai khô cằn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Tường, anh Giao mỗi ngày
đi vác mấy chục cây tràm về làm củi dùng trong nhà. Anh nào anh nấy da mặt đỏ
tấy lên, mồ hôi nhễ nhại, kêu đau vai vì chưa quen vác, đau chân vì len lỏi qua đám cỏ lác, gốc tràm. Vậy mà, tôi
từng nghe các anh “âm mưu” đi chặt tràm về để bán cho dân trong trại làm củi. Các
chàng thư sinh không sống nổi với cuộc sống hoàn toàn dùng chân tay, có lẽ vì
vậy gia đình tôi mau mau tách khỏi trại định cư, và ngay từ vài tuần lễ đầu
tiên, anh Toàn đã thoát khỏi Hòa Khánh để gia nhập trại di cư của sinh viên,
học sinh ở Sài Gòn.
Trại
Hòa Khánh được tổ chức thành nhiều khu, hai khu chính là Hà Nội và Bắc Ninh
(đúng ra là khu “không Hà Nội”), với mấy chục dẫy nhà mái tôn, vách nứa. Mỗi
dẫy nhà chia ra khoảng hai chục căn nhà liền vách, trời tối, bên này tắt đèn có
thể thấy nhà bên kia hoạt động ra sao. Không hiểu từ đâu mà thiên hạ kiếm được
các thùng giấy bìa dầy cứng gọi là “carton”, rồi báo chí, lịch treo tường, dán
đầy lên vách nhà cho kín đáo. Có lẽ các thùng giấy bìa kia đựng các phẩm vật,
cấp phát nhiều kỳ cho dân trong trại, vì có in hình hai bàn tay bắt tay nhau,
với hàng chữ “Mỹ Quốc Viện Trợ”. Đủ cả, những thanh phó mát to tướng, vàng óng,
những con cá khô dài cả thước, thịt dầy bằng cả nắm tay nhỏ bé của tôi, các
thùng dầu ăn, gạo, và quần áo, nhiều thứ lắm. Về quần áo, lúc đầu có được cấp
phát, sau này hình như các Linh Mục quản trị bán cho “con buôn” mang lên Đà
Lạt, vùng cao nguyên. Có thể vì thực tế, đa số đều là áo quần dùng cho mùa
đông, không thích hợp với người ở vùng đất phèn nắng cháy, và các vị chăn dân
cũng cần xây dựng nhà thờ, trường học. Về báo, tôi nhớ duy nhất có tờ báo “Đức
Mẹ Hằng Cứu Giúp”, có lẽ được cấp phát hàng tháng. Tuy vậy, đời sống trong trại
vẫn nhộn nhịp, tưng bừng với nhiều cửa hàng đủ loại nằm dọc theo những con
đường có tên đàng hoàng. Tô còn nhớ được mấy tiệm sửa radio, sửa xe đạp, xưởng
làm thùng, chậu bằng nhôm, xưởng đóng bàn, ghế, tủ … Có cả “hiệu” thuốc, vài
tấm bảng đề “y tá khám bệnh, chích thuốc”. Chị Thảo tôi và một chị bạn, chị Mai,
rủ nhau đi học nghề may ở tiệm may của anh Thạch Tuyên. Thỉnh thoảng tôi cũng
chơi quanh quẩn ở tiệm may, xin mấy lõi chỉ về làm “xe”. Tôi quên mất cấu tạo
mấy kiểu xe đó ra sao, chỉ biết là với một sợi thung, tôi vặn sao đó, là chiếc
xe lõi chỉ chạy vèo vèo. Cũng tại tiệm may anh Tuyên, lần đầu tôi được ăn một
món bún tuyệt vời. Thuở bé, tôi thường không ăn được hành, rau cần ta. Vậy mà,
sau ngày mà chị Tuyên ép tôi ăn tô bún của chị, tôi đâm nghiện rau cần luôn.
Nói chị “ép”, vì lúc đầu tôi chối đây đẩy, không chịu ăn khi thấy có rau cần.
Vượt qua được nỗi e ngại mùi hăng rau cần, để cuối cùng cũng mùi hăng đó sau
này lại trở thành mùi thơm quyến rũ, tôi ăn hết tô canh bún nấu với rau cần và
cá rô. Ngon lắm, quí vị ạ. Hương thơm rau cần quyện với mùi tiêu nồng ấm. Khói
từ nồi canh bún bốc lên còn vương lại đâu đây. Làn khói thơm đó tôi chưa thấy
lại bao giờ. Anh Tuyên sau này dọn ra Xóm Mới, Gò Vấp, vừa mở một tiệm may lớn
trong vùng, vừa thành lập xưởng làm pháo Điện Quang. Rồi anh đắc cử Hội Đồng
Xã, rồi làm Chủ Tịch Xã (An Nhơn?), trở thành nhân vật nổi tiếng ở địa phương.
Nghe nói anh dự trù ra ứng cử Dân Biểu Quốc Hội, nếu không “đứt phim” vào Tháng
Tư, 1975.
Ở
Hòa Khánh, một hình ảnh tôi còn nhớ được là một căn nhà nào đó trở thành văn
phòng của chính quyền, vì chị Thảo có lần chỉ cho tôi biết chị đã vào đó để xin
làm Thế Vì Khai Sinh cho tôi. Tôi nhớ, vì ở giữa nhà có bày một bàn thờ Tổ Quốc
có lá cờ quốc gia to tướng treo từ trên trần nhà phủ xuống làm nền phía sau bàn
thờ. Tôi càng nhớ hơn vì chị Thảo đã đổi tên tôi, đổi tuổi tôi, đổi cả nơi sinh
nữa, mà trong nhà không ai biết. Làm xong, chị mang bản thế vì khai sinh của
tôi về khoe cả nhà, coi như một việc làm đầy không ngoan và lo xa: Để bọn xóm
làng tôi ở quê miền Bắc không thể theo dõi tôi mà mưu hại về sau. Lạ một điều,
sao chỉ mình tôi cần “lo xa” đến vậy? Có lẽ vì trong nhà chẳng ai chịu “khôn
ngoan” kiểu đó? Ít lâu sau khi lên Đà Lạt ở, hàng đêm tôi nằm co ro trong chăn
ấm, nhớ về phố Mỹ Độ, ở Phủ Lạng Thương, Bắc Giang, tôi thầm cảm ơn chị Thảo đã
dấu tung tích tôi, để cho tôi không chịu trách nhiệm về một cô gái chín, mười
tuổi đầu, mà tôi đã “gian díu” lúc đó, “lỡ cô ta có làm sao không!” Đúng là
chuyện con nít. Nhưng sau này, tôi phải thừa nhận chị đã lo xa đúng chỗ, đúng
người, vì chỉ mình tôi trong nhà phải đi tù Cộng Sản. 9 năm ở Thanh Hóa, nhớ
lại chuyện này, tôi vẫn cười một mình.
Thời
gian gia đình tôi sống ở Hòa Khánh là cuối năm 1954, lúc đó tôi được 11 tuổi.
Tuổi này phải theo học lớp Nhất, rồi vào Đệ Thất mới đúng. Nhưng vì tôi luân
lạc theo Đẻ tôi từ tỉnh này sang tỉnh khác, lúc Hà Nội, lúc Nam Định, Thái
Bình, lúc Bắc Giang, … nên thường chẳng bao giờ được theo học lớp nào trọn một
năm. Cho nên ở Hòa Khánh, Đẻ tôi xin cho tôi vào học lớp Nhì tại ngôi trường
của cha cai quản khu Bắc Ninh.
Có
lẽ khoảng giữa năm 1955, gia đình tôi rời Hòa Khánh, về Sài Gòn.
Cho đến
giờ phút này, là Tháng 3, 2016, khi tôi đọc lại phần viết về Hòa Khánh, tôi vẫn
thấy nao nao, thân thiết dù hình ảnh miền quê hương này chỉ lãng đãng trong
tôi. Cũng như, cho đến bây giờ, mỗi khi ăn tô hủ tíu với thật nhiều thịt, bánh,
đầy đủ gia vị, tôi lại phảng phất nhớ về hương vị tô hủ tíu năm xưa ở Hòa
Khánh. Phía sau chợ Hòa Khánh có một xe hủ tíu của ông già (chắc là ngườiTàu).
Ông dựng vài cái cọc, bên trên che mấy tấm phên nứa làm mái, phía trước xe ông
để một cái bàn tròn, vài cái ghế gố xộc xệch. Chiếu hàng của Đẻ tôi trong nhà
lồng chợ ngay trước xe ông, mỗi lần ông nhấc nắp thùng nước lèo sôi sùng sục,
hơi nước bốc lên tỏa nhanh chung quanh, mang theo hương, vị xương heo thơm ngào
ngạt. Tôi mãi băn khoăn không biết cái tô nho nhỏ gọi là hủ tíu kia huyền diệu
đến thế nào, chỉ biết trong buổi chợ chiều, cơn đói đang đến, tôi tưởng có thể
ngây ngất đến mềm nhũn cả người. Đẻ tôi hiểu được, một buổi chiều, cụ nói ông
già Tàu làm cho tôi một tô. Ôi giây phút thật kì lạ. Mấy ông già đang ngồi xung
quanh cái bàn duy nhất, uống nước trà, chuyện vãn, líu díu dục nhau kéo ghế ra
một góc, và dục dã tôi ngồi vào bàn. Có lẽ đối với mấy ông đây cũng là một
“hiện tượng bất thường!” Cậu nhóc con Bắc Kỳ Di Cư gầy còm chễm chệ ngồi trước
tô hủ tíu bốc khói. Hồi đó, ở miền chợ quê, bánh hủ tíu chỉ là loại bánh khô
như bánh tráng bây giờ, nhưng từng sợi dầy dặn thô sơ, cuốn mấy vòng, buộc sợi
dây gai. Khi nấu, đầu bếp tháo dây gai, bỏ cả cuộn hủ tíu vào nồi nước sôi, ít
giây, vớt ra cho vào bát. Tôi nhớ, cho đến năm 1960 tôi còn gặp mấy cuộn bánh
hủ tíu khô với sợ dây gai vòng quanh xanh đỏ.
Có điều,
khi ngồi một mình với tô hủ tíu, trong tôi lại dấy lên nỗi ân hận làm Đẻ tôi
tốn một món tiền, và cả nhà chỉ có mình tôi được hưởng thức ăn đắt giá này. Cho
nên, hoặc là tôi còn quá bé để biết được đến đâu là ngon, hoặc là nỗi ân hận khiến
tôi không còn nhận biết được đầy đủ tô hủ tíu lạ lùng quyến rũ kia, dù vẫn hiểu
rằng hương vị của chất nước lèo hẳn là phải tuyệt vời, mấy vụn thịt băm chắc là
mềm mại và ngọt ngào lắm lắm. Duy có mùi thơm nước dùng nấu xương heo vẫn theo
tôi mãi mãi.
Giờ này
chắc ông già Tàu chợ quê Hòa Khánh đã ra người thiên cổ, cả má Mười chắc hẳn
không còn, các anh chị Miền Nam hiền lành, chất phác chắc cũng đã “hy sinh” đâu
đó nơi miền kinh rạch. Mấy ông già đơn sơ nhưng gần gụi ngồi xem Thằng Bé Bắc
Kỳ Di Cư ăn hủ tíu, không biết còn được hưởng bao buổi chợ chiều thanh bình nơi
miền quê.
Hòa Khánh
thay đổi quá nhiều rồi. Hôm nay tôi nhớ về nơi đó quá đỗi.
Lúc
ghi lại những tháng ngày Hòa Khánh, tôi tìm được phần trích dưới đây từ bài “LƯỢC SỬ GIÁO XỨ TÂN PHÚ HÒA”,
trong trang web “Truyền Thông Công Giáo TGP (Tổng Giáo Phận) TP
HCM, (http://saigon.titocovn.com/node/2246)
“LƯỢC SỬ GIÁO XỨ
TÂN PHÚ HÒA
“Cuộc
chiến tranh Việt-Pháp kết thúc bởi hiệp định đình chiến ký kết tại Genève -
Thụy Sỹ ngày 20-07-1954. Lịch sử Việt Nam lật qua trang sử mới, đất nước bị
chia cắt bởi hai miền NAM-BẮC, lấy vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng
Trị làm ranh giới, nối liền hai miền là cây cầu Hiền Lương lịch sử. Theo hiệp
định này, công dân hai miền được tự do lựa chọn nơi cư trú. Vì thế, cuộc di cư
ồ ạt của gần một triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam bùng nổ, trong số những
người di cư đó, một số được đưa về trại tạm cư gọi là trại Hòa Khánh thuộc Đức
Hòa-Long An, những người ở trại tạm cư này phần lớn là người công giáo thuộc
các địa phận : Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Lạng
Sơn,... và đã được chia thành hai khu : Khu Hà Nội được điều hành bởi Cha Giuse
Maria Têrêxa Phạm Khắc Đẩu và một số cha phụ tá như : Cha Ngoan, Cha Biểu, Cha
Bút, Cha Mạnh,... còn Khu Bắc Ninh được điều hành bởi cha Giuse Tạ và một số
cha phụ tá khác.
Đầu năm 1956, số giáo dân ở hai
khu chuyển sang các trại mới thành lập nên số còn lại chỉ còn khoảng 1/3. Vì
vậy Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gom hai khu thành một và chính thức thiết
lập thành Giáo Xứ Tân Hòa (Thuộc tỉnh Long An). Tân là mới,Hòa là lấy từ chữ
Hòa Khánh ghép lại thành Tân Hòa, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổ mạng
giáo xứ (8/12) và chỉ định Cha Đẩu chính thức quản lý giáo xứ để dễ điều hành
mục vụ.
Mùa hè 1957, cuộc sống đang yên
lành thì một trận hỏa hoạn đã bùng phát lúc 3 giờ chiều ở đầu trại, trời đang
nắng gắt lại gặp gió nên trong phút chốc cả trại rộng lớn trở thành biển lửa.
Sau hỏa hoạn, cuộc sống khó khăn, bà con lại bỏ đi về các trại khác, nên trại
Hòa Khánh trở nên tiêu điều... Đa số bà con là nông dân từ Bắc vào nên công
viêc cày cấy là chủ yếu, thất bại vì nước phèn mặn, cây lúa không lên được, chỉ
có thể trồng dứa (thơm) hoặc dừa nước
lấy lá lợp nhà,,, Cuộc sống bấp bênh vì làm nông không kết quả lại không thể
trông mãi vào tiền trợ cấp nên một số lại bỏ trại ra đi, trại lại càng xác sơ
thêm và việc phải đến đã đến.
Khoảng giữa năm 1959, công việc nhiều và mệt mỏi, nên Cha Đẩu xin Tòa Tổng Giám Mục cử một Cha về phụ tá cho Ngài. Tòa tổng Giám Mục đã cử Cha Gioan Baotixita Trần Văn Cừ về giúp Ngài, Nhưng Cha Cừ cũng chỉ giúp được mấy tháng thì Cha xin về sài gòn để chữa bệnh bao tử.
Nhận thấy việc thi hành nhiệm vụ quá khó khăn nên Cha Đẩu đã xin Tòa Tổng Giám Mục cho Cha về một giáo điểm mới ở Mộc Hóa, cách Campuchia độ 2 cây số (cũng thuộc tỉnh long An)
Tòa Tổng Giám Mục đã chấp thuận và đã cử Cha Phan-xi-cô Xavie Hoàng Ngọc Quán từ Ba Bèo về nhậm xứ Tân Hòa thay cho Cha Đẩu.
Khoảng giữa năm 1959, công việc nhiều và mệt mỏi, nên Cha Đẩu xin Tòa Tổng Giám Mục cử một Cha về phụ tá cho Ngài. Tòa tổng Giám Mục đã cử Cha Gioan Baotixita Trần Văn Cừ về giúp Ngài, Nhưng Cha Cừ cũng chỉ giúp được mấy tháng thì Cha xin về sài gòn để chữa bệnh bao tử.
Nhận thấy việc thi hành nhiệm vụ quá khó khăn nên Cha Đẩu đã xin Tòa Tổng Giám Mục cho Cha về một giáo điểm mới ở Mộc Hóa, cách Campuchia độ 2 cây số (cũng thuộc tỉnh long An)
Tòa Tổng Giám Mục đã chấp thuận và đã cử Cha Phan-xi-cô Xavie Hoàng Ngọc Quán từ Ba Bèo về nhậm xứ Tân Hòa thay cho Cha Đẩu.
Sau
khi Cha Quán về nhậm xứ Tân Hòa, thì chiến tranh ngày càng khốc liệt, đường xá
bị đào xới, bom mìn... nên việc đi lại hết sức khó khăn. Việc làm ăn của người
dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, cuộc sống vô cùng bấp bênh...Nhận thấy tương
lai không sáng sủa, nên Cha Quán đã lên Phú Bình ( Giáo xứ Phú Bình ngày nay), xin Cha Biểu tìm giúp cho một khu đất gần
Phú Bình để Ngài đem con chiên xứ Tân Hòa (từ Long An) lên sinh sống. Nhờ
sự giúp đỡ của Cha Biểu,cuối cùng Ngài cũng thuê được một khu đất( là khu đất
chúng ta đang sống ngày nay) với tiền thuế tượng trưng 100 đ/ 100m2 .Tháng 10 năm 1960,
Có
đất trong tay, Cha bắt đầu phân đất xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học ...
Nhà thờ được làm bằng vật liệu cây tôn, chung quanh ghép bằng các tấm ván thông
lấy từ các thùng hàng của Mỹ, còn bờ rào xung quanh thì toàn bằng dây kẽm gai
quân đội. Cuộc sống dần ổn định, nên không chỉ có con chiên từ Long An lên mà
rất đông bà con ở các nơi kéo về xin nhập xứ. Cha phải thuê thêm đất và bắt đầu
phân chia các giáo khu (như ngày nay.). Cha chính thức xin Tòa Tổng Giám Mục
thành lập Giáo Xứ mới lấy tên là Tân Phú Hòa (Tân là mới_ Phú chỉ ba địa danh
Phú Trung, Phú Bình, và Phú Thọ Hòa_ Hòa là Hòa Khánh, nời cư trú đầu tiên) ,
nhận Thánh Giuse làm bổn mạng giáo xứ và kính trọng thể vào ngày 19 tháng 03
hằng năm.”
Để có một
cái nhìn khái quát về việc thành lập một “Trại Định Cư”, xin tham khảo các trang
web dưới đây mô tả việc thành lập “Trại Định Cư Bình Giả”: http://www.binhgia.org/2016/10/trai-inh-cu-binh-gia.html,
và http://vnin21.blogspot.com/2014/07/trai-inh-cu-binh-gia.html
Những gì còn đọng lại trong tôi về Hòa Khánh
là những giải đất khô cằn chung quanh trại, và từ khu Bắc Ninh chiếm diện tích
phía sau của trại chúng tôi nhìn ra chỉ thấy bạt ngàn là rừng tràm. Những cây
tràm khẳng khiu, cao chừng trên hai mét, đứng chen chúc cùng nhau trên mặt đất
nứt nẻ, trên ngọn điểm ít lá xanh úa hình chiếc thuyền độc mộc, dưới thân cây,
những mảnh da mỏng manh xác xơ dễ bóc. Hình ảnh bãi tràm ngay tức khắc gợi nhớ
những bó tràm đè nặng trên đôi vai anh Tường, anh Giao. Mỗi tuần hai, ba lần
hai anh đi đốn tràm, và cứ khoảng 2 giờ trưa, 3 giờ trưa, tiếng hai bó tràm rơi
phịch ngoài cửa nhà gọi tôi bưng hai ly nước chạy ra đón hai anh. Tôi băn khoăn
nhìn hai khuôn mặt đỏ bừng, mồ hôi tuôn như tắm, và bàn tay anh thò lên bóp bóp
trên vai.
Một hình ảnh khác của Hòa Khánh bây giờ tôi
thường bắt gặp khi xem phim cao bồi là cái cần bơm nước giếng bằng tay. Mỗi khu
trong trại đều có mấy cái giếng gắn máy bơm nước bằng tay. Anh Tường và anh
Giao hay lo việc sách nước cho cả nhà, đôi khi các anh cũng điệu tôi ra tắm
ngay bên cạnh giếng, cho được thỏa thê dùng nước. Vùng đấy khô cằn như vậy mà
mạch nước ngầm lúc nào cũng tràn đầy, đủ dùng cho cả trại. Trong mấy phim
cowboy, trên khu phố chính thế nào cũng có một cái cần bơm nước đứng ngay đầu một
cái máng gỗ lớn đầy ắp nước dùng cho người và ngựa. Chàng cowboy từ xa đến,
xuống ngựa, gục đầu vào máng nước, rồi đứng thẳng dậy, hai tay vuốt tóc, vuốt
mặt, và sẵn sàng bước vào saloon. Đặc biệt, trong phim cao bồi có thể có nhiều
kẻ ác, nhưng ít khi ta gặp mấy tay đạo đức giả. Tôi mê phim cao bồi từ bé, giờ
vẫn mê.
Theo các tài liệu trên internet, đặc biệt là
quyển sách của Lê Xuân Khoa có tên
“Việt Nam 1945 – 1995, Chiến
Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử”, chúng ta có mấy con số về
cuộc Di Cư 1954. Quí vị có thể tìm phần trích dẫn sách này tại nhiều nơi, ở đây
chúng tôi xin giới thiệu một nguồn: https://vantuyen.net/2014/07/28/dinh-cu-1-trieu-nguoi-bac-tren-dat-nam-le-xuan-khoa/
Theo tài
liệu trên, số người di cư vào khoảng trên 850 ngàn, bao gồm trên 200,000 người
khi vào Nam đã tách ra tìm phương tiện sinh sống riêng, họ thuộc giới công
chức, nhân viên các công ty tư nhân, những nhà buôn giầu có, … Số người thuộc
gia đình quân nhân, các lực lượng vũ trang vào khoảng trên 100,000 cũng có
những chương trình riêng lo lắng, số còn lại trên nửa triệu người ban đầu hoàn
toàn do sự tài trợ của chính phủ, cơ quan viện trợ Mỹ, và các tổ chức quốc tế.
Ở Hòa Khánh, tôi đoán số dân trong trại vào khoảng 600 người gồm khu Bắc Ninh,
gần 200 người, khu Hà Nội trên 400 người. Xin trích đăng vài đoạn trong sách kể
trên để chúng ta hình dung được chương trình định cư trên nửa triệu người ra
sao:
“…Nha Ðịnh Cư thiết lập các trại định cư, cất nhà
cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương
trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức
quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên
thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ
được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân
bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra,
trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm
như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ… Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư,
một Ủy Ban Ðịnh Cư tỉnh được thành lập do tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện
dân chúng và các cơ quan liên hệ.“Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô la là chi phí chuyên chở của tàu Hải Quân Ðặc Nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô la mỗi đầu người …”
Con số 80 Mỹ Kim chắc chỉ tính theo ngân sách của chính phủ Mỹ về những khoảng chi chính thức. Phần từ chính phủ và quân đội Pháp không thấy nói đến. Hồi đó, tôi nhớ rất nhiều hàng viện trợ cấp phát cho dân di cư là do quyên góp tư nhân và các tổ chức quốc tế. Hơn nửa năm gia đình tôi sống ở Hòa Khánh phần lớn dựa vào lương thực, thực phẩm được cấp phát. Dân trong trại còn được trợ cấp gần hai năm nữa sau khi chúng tôi rời trại.
Tôi cũng
xin trích một đoạn trong bài “Sông Vàm Cỏ và Quận Đức Hòa”, từ trang web của Tổng Hội Thủy Quân Lục Chiến
Việt Nam để thấy hình ảnh Hòa Khánh ra sao những năm sau này, khi Miền Nam phát
triển hơn hồi mới di cư 1954, http://tqlcvn.org/tqlc/hk-song-vamcodong.htm,
“Từ trên máy bay trực thăng nhin xuống thấy
ghe thuyền chở hàng hoá và những chiếc đò ngược xuôi tấp nập và nhộn nhịp rất
vui lúc ban ngày. Nhưng ban đêm dòng sông trở nên vắng lặng nhứt là những đêm
không trăng sao rất tăm tối tỉnh mịch làm cho mình có cảm giàc hãi hùng. Trên
sông nầy về đêm những chiếc tàu tuần của Hải quân sông ngòi thường hay bị địch
bắn bằng B 40 từ hai bên bờ sông. Có một lần BCH đến thăm một đồn NQ sát bờ
sông trong vùng xã Hoà Khánh bằng chiếc tàu Fom của Giang đoàn HQ sông ngòi,
khi đến địa điễm VC thường bắn B 40 những xạ thủ trên tàu phải bắn đại bác 20
ly và đại liên xối xả vào hai bên bờ sông hầu VC không thể ngóc đầu lên bắn phá
chúng tôi.”
Ngay những
ngày còn nhỏ, nhiều lần đứng trong nhà lồng chợ lúc nắng chiều đã nhạt, ngắm
nhìn cái mênh mông của vùng đất hoang vắng chưa được khai thác tràn vào khu chợ
đã vãn, còn lại lèo tèo vài bạn hàng vội vã thu dọn đồ đoàn, bỗng dưng tôi cảm
thấy nỗi quạnh hưu, buồn bã bóp nghẹt
tim mình. Hình ảnh chợ quê này sống động lần nữa khi tôi nghe câu hát của Phạm
Duy: “… gánh cải lương gầy một ngày, về chợ quê rung trống cầu may …”
Lớn lên,
những địa danh như sông Vàm Cỏ, nhà máy đường Hiệp Hòa, quận lỵ Đức Hòa… đều
như những gì rất thân quen với tôi, dù cho có nơi tôi chưa một lần đi qua. Bởi
vì, tất cả đều có liên quan Hòa Khánh, nơi tình quê cũng thấm đẫm, lai láng như
miền quê Làng Giữa của tôi ở Bắc Ninh. Má Mười, bà má của tôi hiện hữu trong
“Bà Mẹ Phù Sa” của Phạm Duy vẫn cùng tôi đi qua nhiều chặng đời cho đến hôm
nay. Tôi yêu Miền Nam tha thiết.
No comments:
Post a Comment