Tuesday, September 3, 2019

6 Năm Đầy Tớ



Trước khi kể chuyện: Ngày xưa Các Cụ nhà ta vẫn tung hô "Dân Vi Quí", còn bây giờ nhiều kẻ khi được nắm chức, nắm quyền, khi được lãnh lương từ Nhà Nước, vẫn đấm ngực tự nhận rằng họ chỉ là “Đầy tớ của nhân dân”. Cái chặng đời 6 năm này của tôi, từ 1969 đến 1975, loay hoay mãi tôi không biết gọi là “Chặng gì?”, bèn tự nhận là “đầy tớ” vậy, vì cũng có đi lính, cũng có làm “Công chức”. Chắc rằng Quí vị Nhân Dân bực mình khi thấy thêm một tên vô liêm sỉ mạo nhận danh xưng, lạm dùng từ ngữ. Vạn lần xin lỗi. Khi nào nghĩ ra, hoặc có vị nào chỉ cho một cái tiêu đề khác, tôi xin đổi ngay. Cũng có cách hiểu khác cái tiêu đề 4 chữ, rằng 6 năm (số phận?) đầy “Tớ”, quí vị ạ! Nói rõ hơn, 6 năm đó (cái số phận Tớ) nó đầy đọa Tớ. 
Bây giờ xin vào chuyện:

“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh,” Mẹ (của các con) tôi âu yếm  chở tôi trên con đường Sài Gòn nhộn nhịp … Ông Thanh Tịnh nếu yêu nước mà đi lính như tôi, chắc sẽ cho tôi viết lại câu văn của ông như trên. Còn trường hợp tôi, phải nói ngay mấy điều cho rõ:
Mẹ (của các con) tôi lúc đó chỉ là “cô ấy”. Chàng trai miền Nam sẽ gọi là “Bồ”, miền Bắc gọi là “bạn gái”, là “người tình”, … Tôi gọi là “cô bạn thân mến”. Tội nghiệp cô em Bắc Kỳ nho nhỏ bắt đầu quen tôi từ năm 1963, bây giờ 1968, vẫn là quen với một tên ma cà bông, lê la ngoài xã hội. Hôm nay cô còn phải chở tên đó trên chiếc xe suzuki màu đỏ đến Quân Vụ Thị Trấn (Có đúng tên gọi?), đường Lê Văn Duyệt cho nó trình diện. Cô dắt tay nó đi từ “đời thường” để đưa vào đời lính. Chuyện cô xin kể ở nơi khác, ở đây xin kể tiếp đời lính của tôi.
Điều thứ hai cần nói rõ là về hai chữ “yêu nước” ở đoạn đầu. Tôi là thằng yêu nước, tôi nói một cách nghiêm chỉnh, và theo định nghĩa bình thường của hai chữ “yêu nước”. Còn theo định nghĩa của mấy anh Cộng Sản xin miễn bàn. Tôi yêu nước nhưng không phải vì thế mà tôi đi lính, tình nguyện đi lính. Trong đời, tôi ghét, hoặc không ưa, không thích để trở thành: Công Chức, Lính Tráng (cả Cảnh Sát), Tình Báo. May cái thứ 3 không dính vào, ít nhất theo như tôi biết. Cho nên, cái buổi sáng hôm đó, khi cô bạn thân mến chở tôi đến nơi trình diện, tôi đi vì bị bắt bưộc, vì Sắc Lệnh Động Viên. Đó là cái lối suy nghĩ của tôi hồi đó, hồi còn thanh niên “sự đời chưa hề từng trải” như thầy Nguyễn Bá Học dạy. Bây giờ, nhớ lại câu nói của anh Mai Đức Khôi khi đoán tử vi cuộc đời thằng đần độn là tôi, nói tôi cứ việc đi trình diện để “đánh thấy mẹ Việt Cộng”, tôi mới thấy mình đúng là thằng ngu, không nhận ra ngay câu đó từ đầu. Cứ tưởng mình yêu nước theo kiểu của mình, cái kiểu văn chương chữ nghĩa, cái kiểu tháp ngà thành thị, chống đối chiến tranh. Bố láo hết! Mấy anh trí thức chữ nghĩa đầy mình, mấy bạn thanh niên nhiệt huyết đầy tim, bị mấy anh thiên tả phỉnh, bị mấy anh xã hội chủ nghĩa bịp, bị mấy anh cộng sản lừa, cứ thế lao vào cuộc hỗn loạn đòi tự do, dân chủ, hòa bình dởm. Nói lại, bố láo hết. Bọn khốn đó, tức bọn Xã Hội Chủ Nghĩa, bọn Cộng Sản, muôn đời bịp bợm, dối gạt, không cách nào thay đổi, dù ở chân trời nào, thời buổi nào, bọn chúng chỉ phá hoại để cướp chính quyền rồi cai trị độc tài. Và bây giờ, hơn 70 tuổi rồi, tôi lại gặp bọn khốn đó trên đất nước Hoa Kỳ yêu quí này; Và bây giờ, tôi lại gặp bọn (gọi là) trí thức khốn kiếp đó điên cuồng tung hô xã hội chủ nghĩa, trong đó, đau đớn thay có rất nhiều anh (gọi là) trí thức Mỹ gốc Việt, dân “tỵ nạn cộng sản” hẳn hoi, cũng a dua điên cuồng không kém. Tiên sư mấy anh!
Sáng nay, tôi đang sôi máu để văng tục, nhưng tiếc thay cái buổi sáng hôm đó máu tôi lại thê lương não nề chảy trong huyết quản. Nhìn “cô bạn một nửa của tôi” thấy thương nhưng tôi vẫn làm ra vẻ tự nhiên như không, cười cười vỗ vai nàng rồi đi nhanh vào văn phòng trình diện. Chẳng biết khu đất và nhà được gọi là Quân Vụ Thị Trấn rộng bao nhiêu mét vuông, đồ sộ thế nào, riêng tôi chỉ thấy quanh quẩn mấy hàng rào kẽm gai vây quanh một cái cây ngu ngơ đứng trên sân (đất?), lá bám đầy bụi, vài mái nhà ọp ẹp, người người lố nhố. Đưa mảnh giấy gọi là trình diện xong, tôi đứng bâng khuâng trong khung cảnh đó, nhìn ra đường phố bên ngoài nhộn nhịp, ngẫm nghĩ hai chữ “quân vụ” chẳng có gì ghê gớm lắm, cũng tựa bến xe tỉnh lỵ. Tôi không tin ký ức của tôi là đúng, nhưng từ lâu rồi và cho đến bây giờ, hình ảnh nơi tôi đến để chui đầu vào bộ máy chiến tranh nghiền nát địa cầu chỉ đơn giản, nhếch nhác như vậy. Xin ai điều chỉnh giùm tôi.
Thế rồi tôi cũng được kêu tên, xếp hàng lúp xúp leo lên chiếc xe nhà binh không mui không ghế, vịn tay lên mấy thanh cảng trên đầu, mấy chục người “dựa nhau” mà đứng. Mấy chục chàng trai nước Việt mặt mũi vêu vao, đen đủi. Chắc các chàng cả mấy tuần nay rãi nắng mà đi chơi cho bõ ghét cái chốn Sài Gòn phồn hoa một mai xa vời vợi, hoặc có chàng cố chạy cho xong vài công việc để cô vợ trẻ bồng con thơ ở nhà đỡ phải lính quýnh buổi đầu một mình “gà mái” nuôi con. Nói vậy nhưng chẳng phải ai cũng giống ai. Thằng tôi xao xuyến nhìn nắng Sài Gòn chạy dài loang loáng trên con đường Lê Văn Duyệt chật trội. Cái thằng tôi nhìn đời hay mơ mộng, cứ nghếch mắt theo mấy sợi dây điện chập chùng khúc khuỷu lẩn thẩn tự hỏi dây ơi có chuyển về cho nàng được đôi chút nhớ thương? Nhiễu sự! Trong khi chung quanh thiên hạ huyên náo vẫy tay hò hét với dòng người đạp xe, đi bộ, cưỡi xe gắn máy chật cả mặt đường. Tiếng la hét, tiếng cười, tiếng còi xe huyên náo một khúc đường, lan theo đoàn chục xe GMC chở các chàng lên đường nhập ngũ tòng chinh. Tôi thoắt nhớ ngay đến Chinh Phụ Ngâm, cảnh chúng tôi ra đi về nơi gió cát không hề vương chút sầu thảm của “bóng cờ tiếng trống xa xa, sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng”. Chắc rằng sầu có oán được dấu nơi nào đó chứ không bày hàng trên xe.
Rồi xe đến địa phận Quang Trung. Năm 1968, Quang Trung còn là một chốn xa lắc xa lơ đối với Sài Gòn. Tôi cũng không thể nhớ địa danh này là của vùng đất gọi là gì: Làng, xã, huyện, hay đơn giản chỉ là một cái chợ, một xóm ngoại ô? Là gì chăng nữa cũng là thằng tôi bắt đầu đời lính tại Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ Quang Trung.
Tôi chỉ nhớ lơ mơ khúc này, chắc rằng cũng được cấp phát gì đó, được khám sức khỏe đại khái, được mấy muỗng lớn (muôi) cơm canh cá mắm cho qua ngày. Duy có điều, hình như mấy đứa chúng tôi hơi bị đối xử đặc biệt, thì tôi nhớ rõ hơn. Tôi đi trình diện có một mình lúc buổi sáng, vào đây, buổi tối, lại là “mấy đứa”, hay đấy nhỉ. Bởi vì vào đây tôi mới khám phá ra có cả mấy anh bạn khá thân hồi sinh hoạt “ngoài đời”. Ghê thật, mới từ sáng đến tối số phận tôi, thân xác tôi đã chuyển từ “ngoài đời” vào cõi (gọi là cái gì bây giờ, “trong đời” có được không?) hay cứ gọi là "quân trường?". Như vậy, trước buổi sáng hôm nay tôi là người sống thực ở bên ngoài, sống hoàn toàn tự do, tự chủ ở cái cõi nhân gian, còn bây giờ tôi bị nhốt vào bên “trong” cái gì đó, hiển hiện vật chất là quân trường, là tôi không sống thực, là mất tự do, là mất tự chủ? Cũng lại bá láp! Cái tuổi thanh niên phần nhiều bá láp như vậy, cứ tưởng tích lũy mấy bồ chữ, thiên kinh vạn quyển, thâu tóm kiến thức loài người vào cái bộ óc non choẹt, nhỏ xíu, rồi tương lên thành chữ, thành tiếng, thành hình cho thiên hạ ngưỡng mộ. Cái thằng tôi gom góp chưa được nửa thìa (muỗng) chữ cũng nhất định lý luận để chửi rủa “chốn giam hãm” tuổi thanh xuân, chửi rủa mấy anh đang cho bộ máy “system” chạy. Thực ra tôi đã hiểu “tự do” là cái gì chưa, “tự chủ” là cái gì chưa? Tôi đã thoát khỏi chưa sự gò bó của ngôn ngữ, của chữ nghĩa? Nhắc lại, bá láp. Có thể ngoại trừ một ít “bậc thanh niên vỹ đại, siêu đẳng”, còn bình thường tôi gặp vô khối thanh niên bá láp. Lan man, nóng gà, quên mất chuyện “mấy đứa”. Buổi chiều ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ tôi gặp mấy anh bạn thân, quen hồi sinh hoạt thanh niên, sinh viên: Lê Đình Điểu, Nguyễn Hữu Đống, hình như có cả Phạm Quân Khanh, và mấy anh nữa tôi nhớ mang máng. Ngay tối hôm đó, (hay tối hôm sau?), bọn mấy đứa chúng tôi vào gặp Thiếu Tá (hay Trung Tá, năm 1968?) Lê Nguyên Phu, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Thiếu Tá mời chúng tôi ngồi uống trà, ăn bánh ngọt như tiếp khách, nói chuyện. Tôi chỉ là kẻ ăn ké, ngồi ké, nên chẳng nhớ câu chuyện diễn tiến ra sao. Hình như anh Đống, một kiến trúc sư, từng là chủ nhà in Việt Chiến, có tờ báo Việt Chiến, được Thiếu Tá nhờ trông coi dự án vẽ vời, xây đắp bức tượng, hay phù điêu gì đó cho Trung Tâm 3. Anh kéo cả bọn cùng vào nói chuyện cho vui, để còn được tí ti đối xử đặc biệt. Ngoài ra, anh Lê Đình Điểu đang là Giám Đốc gì đó ở Việt Tấn Xã (?), đi lính cho phải phép rồi sẽ được biệt phái, có vẻ như các quan đều biết với nhau. Kết quả là cả bọn theo đuôi Nguyễn Hữu Đống nhận giấy tạm hoãn trình diện, về Sài Gòn vi vút 3 tháng. Anh Đống chắc vẫn phải ra vào Trung Tâm 3 để thực hiện dự án, và hình như sau này anh được hoãn thêm mấy kỳ nữa. Các cụ đã nói, “một người làm việc cho quan, cả bọn bạn được nhờ!” Khóa chúng tôi nhập ngũ là “Khóa (mấy?) Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức”, được hoãn, 3 tháng sau chúng tôi vào “Khóa 3/69”, không nhớ là tháng mấy năm 1969, có đủ cả Lê Đình Điểu, Phạm Quân Khanh, (Phạm Quốc ?) Hưng …
Sự đời từ từ trôi, nhẩn nha gà men lãnh cơm cá mắm, chà láng gốc cây bã đậu, chúng tôi lại chung vui với nhau trong Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cũng kế bên (?) Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Có đôi việc bọn chữ nghĩa bá láp gọi là “đột xuất” xẩy ra, như chàng “tiến sĩ quốc gia (?)” Hoàng Đức Nhã được xe Phủ Tổng Thống đón về, mà trái đất này tròn lắm lắm nên mấy năm sau tôi lại làm việc dưới sự giám sát của chàng. Mấy tháng ở Quang Trung không nhớ, tôi lại nhớ chuyện suốt ngày tập tành chương trình văn nghệ để lên thu hình ở đài Sài Gòn. Việc của tôi là đọc, vì tôi cả thẹn (?) không dám thu hình, nên chỉ đọc những gì mình viết, gọi là dẫn chương trình trước mỗi tiết mục. Cũng được gọi là có chút “đãi ngộ” ở tiểu đoàn hắc ám nhất Trung Tâm, cũng lại “phân biệt đối xử”. Trong chương trình truyền hình của Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ khóa đó (3/69), tôi chỉ nhớ duy nhất một bài hát “Tiếng Hát Sông Thao” của Đỗ Nhuận. Cứ kết tội Việt Nam Cộng Hòa độc tài, không tí ti tự do, nhưng chương trình của một đơn vị quân đội lại hát bài của nhạc sĩ cộng sản, rồi nhạc hiệu của chương trình phát thanh Tổng Hội Sinh Viên lại là bài “Quê Em Miền Trung Du”. Lạ nhỉ!

Thủ Đức
Phát hình xong cũng là lúc cả bọn “dọn lên” Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Nào là chạy, nào là “vào hàng phắt”, “Đứng, lên! Ngồi, xuống!”, “Tân khóa sinh … trình diện huynh trưởng!” “Anh có biết anh mắc lỗi gì không? Làm cho tôi 3 cái hít đất!” Con số “3” là con số của tôi. Khi có khóa mới vào sau, tôi trở thành huynh trưởng, mỗi khi phạt mấy anh khóa sinh mới tò te, tôi chỉ phạt 3 cái hít đất. Chẳng phải nhân đạo gì, trong khi đứng nghiêm chỉnh chờ chàng đàn em thi hành lệnh phạt, tôi run thấy mẹ, chỉ ngại ngay lúc đó có anh chàng đàn anh của mình đi qua, ngứa mắt, quay ra phạt mình thị oai. Mà họ phạt nhau ra gì lắm. Cho nên, 3 cái hít đất cho mau mau cuốn xéo. Một trong mấy tay khóa đàn anh còn ở trong trường lúc đó là Nguyễn Đức Quang, Khóa 9/68 (?), hay 1/69 (?) Chúng tôi cùng ở Thiếu đoàn Hướng Đạo Lê Lợi hồi ở Đà Lạt những năm trước 1960. Sau này chàng rủ rê tôi lên Khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, nhưng tôi đang học Dược vì mê cô con gái một vị Dược Sĩ, nên ở lỳ Sài Gòn. Học ở đâu rồi cũng gặp nhau trong cái lò đào tạo chiến binh lớn nhất Đông Nam Á. Một hai lần Quang qua dắt tôi đi câu lạc bộ vì tôi là khóa mới nhất, mà chàng là khóa anh cả lúc đó. Đi với chàng, tôi không sợ mấy tay thuộc 2, 3 khóa đàn anh hành hạ, hành hạ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu để cho mình thấm đau cái nhục, nên gọi là “huấn nhục”, một điểm son của chương trình huấn luyện. Mấy đấng khóa đàn anh hành hạ mình theo hứng, trông thấy mình mơ mơ màng màng bên ly cà phê, ngứa mắt các vị, thế là bắt ra chạy vòng vòng xem chơi. Đã gọi là huấn nhục mà.
Không biết tôi học được những gì ở Quân Trường Thủ Đức suốt 9 (?) tháng trời? Chỉ biết tôi không “bò hỏa lực”, nghe nói bắn đạn thật vù vù trên đầu mình, sợ lắm, nên tôi mang cái dũng khí của chàng trai Nước Việt đi họp ban báo chí của trường. Cứ thế mà bỏ luôn “di hành dã trại”. Bỏ học nhiều nên khi thi về tháo ráp vũ khí, anh bạn “trung khí trung đội” (hay đại đội ?) phải thi giùm. Ông sĩ quan giám khảo cũng lờ cho, coi như không nhìn thấy. Tôi vẫn nhớ anh bạn này, cao lớn, ngăm ngăm đen. Đúng ra anh  là khóa sinh Đại Đội Trưởng, kiêm về vũ khí. Anh tên Sang (?) Một lúc nào đó trong tháng thứ hai ở Thủ Đức, anh Sang nói tôi nhận giùm công việc “tài lọt” cho Sĩ Quan Đại Độ Trưởng, Trung Úy hay Thiếu Úy Tâm. Tôi cười phá ra, nói anh nhìn lầm người rồi, và từ chối. Anh năn nỉ, bảo rằng có hỏi mấy đứa có vẻ đàng hoàng, chẳng đứa nào chịu nhận, còn nhờ mấy đứa ba trợn, lỡ có gì thì cả đám bị hành hạ. Anh thấy tôi gầy còm ốm yếu, mang vũ khí quân trang nặng chắc khó nổi, nhận giùm, giải quyết cho anh chuyện này. Không giải quyết được, sinh chuyện căng thẳng, mất công lắm. Tôi nói anh giao hẹn với ông Tâm tôi chỉ mang cho ông ấy duy nhất một cái võng khi đi ra bãi tập, tôi mắc võng cho ông ấy, tháo võng khi tập xong. Chỉ làm đúng hai việc đó, không một thứ gì khác. Ở trong trại, không làm gì hết, không gặp, không việc. Anh đi nói chuyện, rồi thỏa thuận như vậy. Tôi nói anh Sang, tôi sẽ làm chuyện đó chừng hai lần, rồi sẽ có cách giải quyết. Anh gật gù gặng hỏi, nhưng tôi bảo chúng mình cứ chờ xem, không gây phiền hà gì cho đại đội đâu, anh đừng sợ. Hình như tôi cũng chỉ kéo dài việc này chừng hơn một tháng, đúng hai buổi học ngoài bãi. Mấy buổi học bãi khác tôi xin cái giấy gọi đi họp, đi công tác ở văn phòng Tiểu Đoàn Trưởng Khóa Sinh, ở Khối Chiến Tranh Chính Trị, ở … Thế là tôi không đi bãi. Khi nào biết ông Tâm nghỉ phép, hoặc việc gì đó không theo đại đội ra bãi, tôi lại đi học bãi. Dĩ nhiên, chuyện này cũng nhiều gian truân, soay sở vất vả, được cái tôi hay gặp may mắn mấy chuyện vớ vẩn này. Chắc rằng ông Sĩ Quan Đại Đội Trưởng cũng chán, sau này bỏ luôn chẳng cần ai “theo hầu” nữa. Có lẽ vì vậy, lúc thi mãn khóa anh Sang giúp tôi thi mấy món, những món tôi hoàn toàn ngu ngơ, vụng về. Anh giúp như vậy mà tôi cũng nằm trong danh sách ra Trung Sĩ, đúng là cái “đường khoa bảng của tôi” lận đận, các Thầy bói đã phán từ lâu rồi. Chuyện này kể sau.
Những tuần đầu, giai đoạn huấn nhục, tối nào cũng phải ngồi xếp hàng họp Đại Đội. Ba chuyện lăng nhăng kéo dài cả hai tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, 4 giờ đã bị dựng dậy, xếp giường chiếu chăn màn, tôi không kể chi tiết làm gì vì cũng không nhớ lắm, mà nhiều vị đã mô tả kỹ lắm rồi, bây giờ đọc của các vị ấy còn thấy hãi hùng. Nhắc đến chuyện “ngồi đồng” này vì cứ khi nào tôi âm mưu được cái cớ đi họp, đi công tác, …, thì hồi hộp chờ buổi họp tối. Sau khi Sĩ quan Đại Độ Trưởng nhắn nhủ vài lời về ngày đã qua, nhắc nhở ngày mai sẽ làm những gì, thì hoặc Huynh Trưởng ‘tùng Sự Đại Đội” (Có đúng chữ không?), hoặc Khóa Sinh Đại Đội Trưởng hay Khóa Sinh Thư Ký Đại Đội vào văn phòng Sĩ Quan Đại Đội Trưởng vác ra quyển sổ rồi nghiêm chỉnh đọc điều này điều nọ của ngày hôm đó. Tôi không nhớ được chữ chính xác của mấy điều được đọc này, không biết gọi tên là gì? Không phải “nhật lệnh”, không phải “thông báo”, có vị nào biết nhắc giùm. Đại khái có thể là một số tin tức thưởng phạt toàn khóa, hoặc toàn trường, hoặc sự vụ lệnh thuyên chuyển, bổ nhiệm trong đám khóa sinh, … Trong đó, điều tôi chờ đợi có thể tên gọi là “Lệnh Công Tác” hay gì nhỉ? Chàng tuổi trẻ khóa sinh đứng trên bục đọc cho bọn thần dân khóa sinh ngồi dưới đất nghe, đại khái, khóa sinh Đỗ Việt Anh, bảng số (?) …, Đại Đội …,  ngày (mai), tháng, năm …, trình diện ( nơi đâu đó) nhận công tác, hay họp, từ giờ nào đến giờ nào. Khóa sinh Đỗ Việt Anh phải chấp hành nghiêm chỉnh Lệnh Công Tác này. Tôi không biết có thêm mấy dòng này hay không, như thắc mắc, khiếu nại, gặp ai giải quyết … bởi vì chẳng khi nào tôi ngu mà thắc mắc cả. Thế là bọn khóa sinh đồng đội lại xì xào “cái thằng con ông cháu cha”. Thực ra cả Ông lẫn Cha tôi không thể nào can thiệp được mấy cái chuyện “cỡ lớn” như vậy, chỉ nhờ bạn bè thôi. Một mặt, thú thật vì tôi kẹt lời hứa với anh bạn Sang, giúp anh giải quyết chuyện vớ vẩn nhưng nhiều khi tạo căng thẳng giữa Sĩ Quan Đại Đội Trưởng và cả đại đội, sống mất vui. Tưởng tượng cả ngày tập tành mệt lử, tối về cả đại đội hoặc một số nào đó còn vác ba lô chạy vài vòng, nhẹ lắm cũng là trăm cái “chim bay cò bay”, trăm cái hít đất, (bố) ai chịu nổi. Tuyệt nhiên lời hứa giải quyết này chỉ tôi và anh Sang biết. Được cái Thiếu Úy (Trung Úy?) Tâm hiền lành, còn rất trẻ, mới học từ Mỹ về, nghe nói tốt nghiệp Quân Trường Fort Benning. Có thể nhờ vậy, ông không có cái kiểu khệnh khạng quan cách, eo sèo đòi hỏi, chúng tôi cũng dễ yên thân. Chỉ mong rằng suốt cuộc đời binh nghiệp, không bao giờ ông bị nhiễm cái kiểu quan liêu, hách xì xằng thường thấy ở một số vị sĩ quan khác.
Đại đội tôi, (hình như) Đại Đội 43, Tiểu Đoàn 4 (?), không chắc lắm, đoán là 4 do số 43 của Đại Đội. Doanh trại Đại Đội tôi ở sát nách một câu lạc bộ. Những ngày chân ướt chân ráo vào Đại Đội, tối nào cả bọn cũng phải họp hành cả một, hai tiếng đồng hồ. Bây giờ không tài nào tôi nhớ được những gì diễn ra, nói ra, ai nói, (phần nghe thì chắc chắn là bọn chúng tôi bơ phờ ngồi bệt dưới đất), trong suốt bao ngày của mấy tuần huấn nhục (4 tuần thì phải). Lúc đó, với tôi, Thiếu Úy, Trung Úy, Đại Úy, hay Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, ngay cả mấy chàng Huynh Trưởng, nói gì thì cũng giống nhau, bởi vì, tiếng nhạc não nề từ câu lạc bộ ngay sau lưng đang cấu xé thằng tôi: “Trả lại em yêu, khung trời đại học, …”, và hàng trăm bài khác cùng kiểu đó. Sau này ra khỏi Thủ Đức rồi tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu vì sao mấy câu lạc bộ đó không cho chạy mấy bài hát nghe hào hùng hơn, cho bọn tân kháo sinh chúng tôi “đỡ khổ.” Rất nhiều bài hát của Phạm Duy, nhóm Xây Dựng Nông Thôn, Anh Việt Thu, Nguyễn Đức Quang, Nhật Trường Trần Thiện Thanh … không bi lụy, không làm “nản lòng chiến sĩ”. Tưởng tượng, tôi ngồi mệt mỏi dưới đất nghe vị nào đó trên thềm trước cửa văn phòng Đại Đội lải nhải những điều về vinh dự được làm chàng trai nước Việt, mà sau lưng vang lên thôi thúc: “Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn …”, có lẽ thằng tôi đỡ buồn tủi hơn. Nói vậy thôi, chứ đám thanh niên chúng mình thuở đó vốn sẵn tâm hồn lãng mạn, nghe loại “nhạc mềm” vẫn khoái hơn. Nhớ lại, hồi tôi còn ở Quang Trung, ngoài nhóm Truyền Hình của Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ, nhóm khóa sinh tổ chức nhạc cuối tuần cũng cho tôi làm công việc giới thiệu chương trình. Tôi chỉ xin từ sau cánh gà, đọc lời giới thiệu trước mỗi bài nhạc do bạn nào đó viết trước. Một hôm, sau buổi văn nghệ, một số chàng khóa sinh vào hậu trường tìm xem mặt mũi anh chàng đọc lời dẫn bài gì của Trịnh Công Sơn: “Anh nằm xuống, …” Thực ra bạn phụ trách viết giới thiệu lấy đúng lời bài nhạc để cho tôi đọc. Hóa ra, đám thanh niên của thời buổi chiến tranh ở Miền Nam chúng mình vẫn thích những gì thực với tâm trạng, thực với lòng người. Và “Trả lại em yêu, …”, “Nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm, …”, “Ngày mai đi nhận xác chồng, …” vẫn là những gì rất thật trong đời sống.
Sát cạnh quân trường Thủ Đức là khu gia binh của (Tiểu Đòan Pháo Binh? Hay Thiết Giáp?). Một hành rào kẽm gai mấy lớp sơ sài ngăn cách khu gia binh này với con đường của cuộc sống ngoài đời, con đường dẫn từ một khu chợ vào cổng quân trường Thủ Đức. Vậy thì, khu gia binh đó là nơi dễ dàng cho chúng tôi “nhảy dù.” Bây giờ mới thấy thế nào là “lòng tham thì không có đáy” của thằng tôi. Ngoài ngày cuối tuần được chính thức “đi phép” về Sài Gòn, đôi khi tôi còn được một ngày phụ trội do đi công tác báo chí của quân trường, cũng về Sài Gòn từ sáng đến chiều, vậy mà tôi vẫn chưa thấy đủ. Thằng tôi “xin gia nhập nhóm Nhẩy Dù”. Và trong 5, 6 lần nhẩy, tô bị vồ hai lần. Buổi chiều, đang lần mò bò qua mấy dẫy hàng rào kẽm gai của khu gia binh, mới ngửng đầu lên, thấy ngay đôi bốt đờ sô (botte de sault) láng bóng. A, láng thế này thì chắc chắn là mấy chàng Quân Cảnh của Quân Trường Thủ Đức rồi. Nhìn lần lần lên nữa, mũi súng M16, rồi bộ mặt khó đăm đăm nhưng không dấu nổi vẻ hung thần thỏa mãn, lên nữa, vành mũ sắt in rõ mồn một hai chữ QC, (Quân Cảnh) đỏ rực. Thế là tao vồ được chú em mày rồi. Vậy là trong suốt giai đoạn ở quân trường Thủ Đức, ít ai được như tôi, lên ngồi băng sau của xe díp quân cảnh chạy nghễu nghện trên đường nhựa. “Con đường này tôi đã qua lại bao lần …”, đúng như nhà văn Thanh Tịnh tả! Mấy con đường nhựa dưới bóng cây trong quân trường này đã bao lần “thấm đẫm” mồ hôi thằng tôi sau mỗi buổi tập mệt lử mà còn phải vác khẩu ga rant (garand) nặng chình chịch, vừa chạy vừa hô cái gì đó (quên rồi). Nhưng cảnh vật hôm nay sao “thấy lạ?”, y như cảm tưởng của Thanh Tịnh vào cái hôm “Mẹ tôi âu yếm …(đưa tôi đi học)”. Còn tôi, chàng quân cảnh âu yếm dẫn tôi vào nhà tù của Tiểu Đội (?) Quân Cảnh. Và tôi được nghỉ dưỡng sức ở đây 8 ngày, không phải vất vả tập tành như lũ bạn lính đang khốn khổ ở Đại Đội (43?).
Tôi không “nói ngoa” khi dùng chữ dưỡng sức. Nhiều bạn nghe hai chữ “nhà tù” tưởng rằng khổ lắm. Khổ ở nhà tù nào đó, còn ở đây, chỉ là một căn phòng xây gạch, ngói đàng hoàng, có thể chứa đến hai chục người, nhưng mỗi khi tôi chiếm ngụ, chỉ có mình tôi, tha hồ rộng rãi. Chẳng ai cùm kẹp, cửa chẳng cần khóa. Mỗi khi tôi muốn ra ngoài, chỉ cần hét to báo cáo, là có chàng quân cảnh đến ra dấu cho tôi bước ra khỏi cửa, đi về chốn tôi muốn xả hơi, mấy ngày sau quen, chẳng cần báo cáo, ra vào thoải mái. Mỗi ngày ra tắm một lần ở bể nước, tôi không nhớ có quần áo thay hay không. Mấy điều vừa rồi chưa tả hết nỗi an nhàn vương tướng của thằng tù như tôi. Thế này, ngay buổi tối hôm đó Đại Đội tôi đã được thông báo tình trạng “nghỉ dưỡng sức với ưu đãi đặc biệt” của tôi. Chắc rằng cả bọn bạn bè trong Đại Đội đã được nghe “thông điệp” báo về hoàn cảnh của tôi trong buổi họp tối. Chẳng biết họ nghĩ gì, sau này tôi cũng không hỏi. Sau đó, một chàng khóa sinh do Sĩ Quan Đại Đội Trưởng chỉ định, mỗi ngày hai lần phải mang cơm “nhà bàn” đến cho tôi, ngài quân vương trong tù, ngự thiện. Đấng Quân Vương miễn cho chàng lính hầu đó, nói không cần mang cơm như thế, vì đã có một vị quan lo chuyện này. “Trẫm miễn cho khanh không phải phục dịch nữa nhé”. Còn vị quan kia? Thưa là vì anh quân cảnh tốt bụng đã nhắn giùm tôi một bà phu nhân nào đó xưa nay tôi hay ghé nhà ăn vào mỗi buổi trưa, chiều. Phu nhân cho người một ngày hai buổi mang cơm gà cá gỏi, bát đĩa đàng hoàng, có đủ nước trà nóng, hoa quả tráng miệng. Tôi có xưng là đấng Quân Vương cũng không quá đáng. Và phải tự mình phong vương như vậy mới bõ mấy ngày ở tù.
Nghe kể vậy nhiều vị tưởng rằng như thế quanh năm suốt tháng tôi không ăn cơm nhà bàn, không được biết thế nào là bánh mì chuối mỗi sáng, cơm hẩm với cá mối mỗi buổi trưa, chiều. Dạ, không phải vậy. Suốt gia đoạn huấn nhục chắc chắn phải an cơm nhà bàn. Lúc đó, chừng một, hai tuần tôi được cô bạn thân mến vào thăm, và nàng mang cho tôi một lon ghi gô (guigoz) nèn chừng mười mấy gói thịt băm rang mỡ hành. Đẻ tôi cứ gói từng gói cho tôi lấy ra mỗi ngày hai gói đút túi quần, vào nhà bàn, ngay sau tiếng hô “ngồi xuống”, tức khắc bóc vội ra cho vào bát cơm, lùa cho nhanh xuống cổ họng, vừa kịp hai tiếng hô “đứng lên” của Huynh Trưởng. Ở đây, mình phải nhớ “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”, các vị ạ. Sau 4 tuần huấn nhục, tôi được phép chạy ào vào khu gia đình sĩ quan hay hạ sĩ quan, ăn cơm. Vào đến nơi, cơm nóng, canh sốt đã dọn sẵn, cứ việc ăn cho no nê, ghi tên, cuối tháng trả tiền. Nhưng giá cả không nhẹ nhàng đâu, thằng tôi mỗi tuần chỉ dám vào chừng 2, 3 bữa là cùng. Cụ thể cứ vào ăn buổi chiều, nhiều thì giờ. Dù ít ăn, bà chủ phu nhân của vị sĩ quan nào đó, vẫn thấy thân quen, cho nên khi nghe lệnh triệu của đấng quân vương (đang ở tù) với đầy đủ tên tuổi, đơn vị đại đội, là bà cho người cung phụng đầy đủ. Tôi nhớ, có mấy sáng Thứ Bẩy, Chủ Nhật, bà còn cho người mang cà phê sữa đến nhà tù mà không tính thêm tiền. Bà chủ nhân từ vạn tuế!
Bà chủ nhân từ vạn tuế, và mấy anh Quân Cảnh cũng vạn tuế, vì khi ngày chủ nhật đến, người ta vào thăm nuôi ở vườn tao ngộ, ríu rít gặp nhau, vui như ngày hội, thì mấy anh quân cảnh cũng dẫn cô bạn thân mến của tôi vào tận nhà giam, thăm tôi. Mỗi lần gặp ở “tao ngộ”, nàng vẫn kềm giữ được những giọt nước mắt, nhưng khi được gặp đặc biệt, một mình một chợ trong phòng tù thênh thang, nàng đành để mấy giọt nước mắt tham gia cuộc vui. Ít nhất trong đời nàng, hai lần được thăm tôi trong tư cách “Hoàng Hậu” như vậy, vì tôi làm quân vương đến hai lần, tổng cộng 16 ngày trọng cấm. Hai lần nàng rơi nước mắt khi thăm tù, và tôi cứ phải an ủi, rằng coi như thế là tôi đã thoát nạn, vì anh Mai Đức Khôi đã phán số tôi chắc chắn sẽ bị tù, vậy coi như xong. Thà rằng ở tù trong quân trường sướng như vua còn hơn sau này bị “tù thật” ngoài đời, chắc sẽ khổ gấp trăm lần. Mỗi lần bị nhốt như vậy, tôi quên không nhớ bằng cách nào đã báo được cho nàng vào thăm nuôi nhớ mang cho, lần thì bản dịch “Bác Sĩ Zivago” của 3 dịch giả do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, lần thì truyện Kim Dung. Khổ một nỗi, Thầy Khôi không cho biết số tôi tổng cộng mấy lần tù, nên lại lãnh một quả nữa vào năm 1975. Quả này nặng quá, và nàng lại vượt hơn một ngàn cây số ra thăm tôi ở Thanh Hóa. Gặp nhau có một giờ đồng hồ, ngồi cách nhau một mặt bàn “xa vạn dặm’, tay không được phép nắm, mấy anh công an áo vàng còn dặn nàng không được khóc, “phải động viên anh ấy” Bố khỉ! Nước mắt còn đâu để mà khóc nữa, còn động viên? Động cái mả M. mày!
16 ngày trọng cấm. Con số 16 của đời một người con gái thường là con số đẹp. 16 trăng tròn. Nhưng con số 16 của đời tôi thì “tiền kiết, hậu hung”. Ban đầu, trong 16 ngày đó lọt ngay một ngày bò hỏa lực.  Sau đó, ngày dã trại di hành cũng thoát. Thế là may mắn, là “kiết”. Đến cuối khóa, con số 16 mời gọi quí vị trong hội đồng kỷ luật quân trường mang ra mổ xẻ, và cứ theo nguyên tắc thi hành, cho cái thằng 16 ngày trọng cấm ra trường với lon Trung Sĩ! Một thằng như vậy chỉ có thể làm nhục hàng ngũ sĩ quan, tức là làm nhục quân đội ta. Một quyết định vừa gọn, vừa nhẹ. Tức là số tôi “hậu hung.” Nhưng thầy Khôi đã thúc dục tôi trình diện đi lính (để đánh thấy mẹ Việt Cộng), và bảo đảm rằng số tôi không cần bắn súng, sẽ chỉ lo việc văn phòng, tiền bạc. Thế này là thế nào? Thầy Khôi đẹp trai, bảnh bao, thù Việt Cộng đến xương đến tủy, không lẽ lại đoán sai? Cái triết lý của tôi là “cứ anh nào thù Việt Cộng thì làm gì cũng đúng”. Hay thầy chơi thằng em, ngăn cản nó trốn lính để quân đội ta thêm một thằng cầm súng “bắn Việt Cộng thấy Mẹ nó đi”. Thầy ở Nhẩy Dù, nhưng bị thương nên người ta không cho Thầy bắn nữa (tay đâu mà bắn), bắt phải giải ngũ, nên Thầy mượn tay tôi bắn giùm? Thầy khăm thật? Tôi vẫn nghe đồn nhiều vị tướng, tá tìm Thầy Khôi để hỏi về công danh sự nghiệp, lon lá, bổng lộc. Nghe đồn không vị nào thất vọng, trừ mấy vị Thầy phán phải cẩn thận, “ăn bớt đi” cho người đỡ mập. Hay thật, ngay từ hồi đó Thầy đã lo sợ người ta cao mỡ, cao máu, cao những gì nữa không biết. Vậy thì, Thầy phán số tôi phải đúng. Và đúng thật. Hai vị cứu tinh, Trưởng Phòng (hay Khối?) và Phó Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Bộ Chỉ Huy (hay Bộ Tư Lệnh?) Quân Trường Thủ Đức đã ra tay nghĩa hiệp cứu tôi. Các vị viện dẫn công lao to lớn của thằng tôi đóng góp cho văn nghệ, báo chí của trường, có thể có nhiều công lao tôi không biết (có lẽ tính tôi hay khiêm nhượng, tự mình không biết). Thế là tôi được châm chước cho ra chuẩn úy. Hú vía! Với mảnh giấy chứng chỉ năm thứ hai (mà tôi còn giữ được) của Dược Khoa, tôi được phân phối về Quân Y.
Mấy chục dòng chữ bên trên được ghi theo trí tưởng tượng của tôi bây giờ, nghĩa là cái chuyện thằng tôi chút xíu ra trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức bằng cửa bên (cửa hàng rào khu gia binh Pháo Binh, Thiết Giáp) với mảnh lon Trung Sĩ thực sự xẩy ra thế nào, tôi không biết rõ. Chưa có ai nói cho tôi rõ thủ tục mấy chuyện đó ra sao, tôi đồ rằng có cái gọi là Hội Đồng Kỷ Luật của trường, chứ không rõ thực sự có không. Vị nào thông thạo mấy chuyện này, làm ơn cho biết. Có mấy điều tôi chắc chắn biết là, mấy ngày cuối cùng trước lễ ra trường của Khóa 3/69 SQTB Thủ Đức, ông Sĩ Quan Đại Đội Trưởng đại đội tôi (không nhớ lúc đó còn là ông Tâm không) thông báo (cách nào đó) rằng trong Đại Đội của ông có một khóa sinh bị ra trường với cấp bậc Hạ Sĩ Quan (Trung Sĩ, thực ra Chuẩn Úy cũng được gọi là Hạ Sĩ Quan Cao Cấp?) Ông loan báo với ngụ ý điều đó cũng ảnh hưởng đến cuộc đời binh nghiệp của ông vì trong Đại Đội của ông có một tên hèn kém như vậy. Điều thứ hai tôi biết là trong không khí nhộn nhịp của buổi lễ mãn khóa, anh Trịnh Cung vỗ vai tôi cười cười, nói: Ông thoát nạn nhé. Tôi nhớ ngay chuyện ở Đại Đội với những xì xào tôi bị kỷ luật, nên hỏi lại: Ông cứu tôi hở. Chàng họa sĩ trả lời: Sức nào tôi cứu. Ông Tuyên Thùy đấy.
Tôi không nhớ văn phòng Họa Sĩ Trịnh Cung, cấp bậc Đại Úy, đang làm việc được gọi là gì, Khối (hay Phòng) Chiến Tranh Chính Trị? Anh Trịnh Cung là Phó, còn ông Trưởng Khối (hay Phòng?) là Thiếu Tá Tuyên Thùy. Một lần Họa Sĩ Trịnh Cung kéo tôi vào phòng làm việc giới thiệu với Thiếu Tá Thùy, nói: tay này cũng là Hướng Đạo đấy, anh Thùy. Thế là chúng tôi bắt tay trái, và một số biệt đãi bắt đầu. Đúng ra không hẳn vì cùng là Hướng Đạo Sinh mà anh Tuyên Thùy có biệt nhỡn với tôi, có thể giản dị vì tôi là bạn của Trịnh Cung, cũng có sinh hoạt vớ vẩn văn nghệ, thanh niên. Có thể vì vậy mà anh Lê Đình Điểu (hình như) trông coi tờ báo của quân trường Thủ Đức lúc đó dễ dàng kéo tôi đi họp ban báo chí, và anh Phạm Quân Khanh (hình như) là Khóa Sinh Tiểu Đoàn Trưởng cũng hay mời tôi “đi họp”.
Nhiều chữ “hình như” vì cũng gần 50 năm rồi, tôi ngồi nhớ lại giai đoạn chẳng hào hứng gì của cuộc đời tôi. Có vài hình ảnh đến bây giờ vẫn nặng chĩu trong tôi, nặng chĩu rõ ràng chứ không “hình như.” Tôi thụ huấn quân trường mà tâm trí ở đâu đâu. Tôi còn nhớ hình ảnh bọn khóa sinh ngồi trên mấy ngọn đồi trọc gần trường, dưới trời nắng chang chang trong một buổi học bãi. Dưới kia, xa xa là xa lộ Biên Hòa, xe cộ qua lại tấp nập. Tôi nhớ cô bạn thân mến quá đỗi. Nàng đi chiếc xe Suzuki đỏ, nhiều lần đến thăm tôi ở Vườn Tao Ngộ quân trường. Dưới đó là chặng đường buồn bã nàng vẫn một mình chạy xe qua. Trở lại chuyện đỉnh đồi, tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy chàng khóa sinh Huynh Trưởng lòng vòng chung quanh nhắc nhở mấy anh khóa sinh ngủ gật. Có những điều tưởng tầm thường mà có lúc quí, hiếm: mấy phút ngủ trưa. Tôi cố vượt qua giấc ngủ bằng cách ngồi nguệch ngoạc trình bày mấy cái bìa sách. Máu xuất bản vẫn còn sôi trong tôi, và thực sự tôi vẫn làm công việc xuất bản vào lúc đó.
Còn một chuyện này, không rõ có vui không hay là “ế mặt?” Mấy ngày về phép cuối tuần tôi chỉ rong chơi. Đến hạn nộp bài cho tờ báo của trường, tôi có viết đâu mà nộp. Vớ ở nhà anh Toàn mấy trang đánh máy một truyện dịch nhan đề “Con Chó Của Ông Tướng”, dính đến “tướng” là có vẻ quân đội rồi, tôi tương đại vào cho Ban Báo Chí. Không thấy tên dịch giả đâu, tôi lấy tên ba chị em quán cà phê cuối đường Pasteur cho vào. Sợ rằng ông Chủ Bút tìm “công lao” của tôi không thấy, “cúp” mấy kỳ họp, tôi mở ngoặc đơn cuối truyện dịch (Đỗ Việt Anh) cho chắc ăn. Ai ngờ họ in luôn tên tôi với đủ ngoặc đơn ở cuối. Một buổi, ghé quán cà phê Cô Hồng, cô bảo, có chàng nào đó cho cô tờ báo của Thủ Đức, có bài ghi tên Hồng Hà Kim, còn nói rằng bản dịch đó của chàng ta, cũng có hỏi Đỗ Việt Anh là ai vậy. Ế người! Hiện nay hình như Cô Hồng ở Texas thì phải.

Trường Quân Y
Cuối cùng, hàng ngũ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải đón nhận tôi, một tên Hạ Sĩ Quan Cao Cấp (?), và như vậy, cuối năm 1969, hay đầu 1970, tôi về trình diện Trường Quân Y, chung cơ sở với Quân Y Viện Trần Ngọc Minh, ở con đường phía sau chợ cá Trần Quốc Toản. Vậy là “cậu” lại có một năm trời ở Sài Gòn, sáng vác ô đi tối vác về, đi học ngày hai buổi, tuần 5 ngày, lại có lương nữa chứ. Ông Tuyên Thùy ơi, ông Trịnh Cung ơi, tôi biết ơn hai ông nhiều lắm.
Mộ năm trời thì nhiều chuyện lắm, nhưng sao tôi chỉ nhớ mấy chuyện bậy bạ thôi. Bậy bạ nhất là tôi đi chơi bài, chơi xì phé. Không phải chuyện chơi bài giữa bạn bè quen biết, tôi vào chơi tại mấy nơi chứa cờ bạc. Số vẫn may, không phải may vì thắng, mà suốt gần năm như vậy, tôi không bị cảnh sát vồ lần nào. Mỗi tuần 2 hay 3 buổi, sau giờ tan học (khoảng 4 hay 5 giờ chiều) ở trường Quân Y, tôi và anh bạn cùng khóa tên Hoàng mò đến mấy sòng chứa. Cứ thế ngồi kéo đến 7, 8 giờ tối mới về nhà. Hình ảnh hai chàng quân phục bảnh bao, đeo lon chuẩn úy, trên vai hay túi áo gắn phù hiệu quân y màu đỏ, ngồi bệ rạc trên chiếu chắc là chướng mắt lắm. Hai ông Tuyên Thùy, Trịnh Cung không biết là đã cứu lầm một tên Hạ Sĩ Quan Cao Cấp bê tha đến vậy. Cảnh ngồi kéo xì phé quả thực bê tha. Cả bọn ngồi bệt trên chiếc hoa nhiều màu, sờn rách, trải trên nền nhà xi măng. Chung quanh mấy mống chầu rìa, thuốc lá mù trời. Lâu lâu một ly cà phê đá đưa đến tận tay, cũng chẳng ai nhìn xem ai đưa, uống hết lúc nào, đã uống mấy ly rồi. Hình như cũng chẳng ai tính tiền mấy ly này, vì tiền “xâu” bao đủ rồi. Nhân đây nói điều này, hồi đó người ta gọi “cà phê đá” tức là cà phê đen bỏ đá vào, không có sữa đặc. Muốn uống sữa gọi “cà phê sữa đá’. Hai nhóm chữ đó (mấy chú cán ngố gọi là “cụm từ”,) đủ phân biệt hai loại khác nhau. Sau này, không hiểu ở đâu ra cái tên gọi “cà phê đen đá?” Quê một cục, mà thành phổ biến mới chết chứ. Ngang bướng như tôi, nhất định gọi “cho một ly cà phê đá”, thế nào cũng bị gặng hỏi “Đen đá hay sữa đá?” Cuối cùng, chẳng biết ai quê! Trở lại chuyện bài bạc. Thường thì hai đứa tôi không mang nhiều tiền, dằn túi một số tiền nhất định, thua hết thì nghỉ, nhất định không chịu mượn của chủ sòng. Hay thật, họ cũng chẳng biết chúng tôi ở đâu mà vẫn sẵn lòng cho mượn, chắc tin rằng chẳng khi nào chúng tôi chạy nợ, lỡ họ đến trường Quân Y tìm thì sao. Tôi là tên chết nhát, mà phé là món chơi căng thẳng nhất, căng hơn mạt chược, mỗi lần tôi tháu cáy là thiên hạ bắt thóp ngay, cứ nhìn bàn tay tôi run run đi tiền, đủ biết. Khi bài mình chắc ăn, giả bộ run tay, không hiểu sao cái run này cũng khác cái run thật kia. Kết luận, tôi không làm giả được, kể cả giả nhân giả nghĩa, tức đạo đức giả. Mừng là ở chỗ đó! Khóa học chúng tôi kéo dài có một năm, nên tệ nạn bài bạc ở chiếu giang hồ cũng sau đó chấm dứt, ít nhất là đối với tôi.
Còn một chuyện mừng nữa, chuyện này mới cho thấy tài bói siêu việt của Thầy Khôi. Anh Mai Đức Khôi bảo đảm tôi không sờ đến khẩu súng, chỉ ngồi văn phòng đếm tiền cho mỏi tay. Một năm cờ bạc quả thực có dính đến “đếm tiền” nhưng không mỏi tay, lại không ở chỗ ngồi văn phòng, mà ở chiếu bạc một căn nhà lụp xụp nào đó trong ngõ đi khúc khỉu của khu dân lao động đường Lê Văn Duyệt. Khi về Quân Y không có nghĩa là tôi đương nhiên ngồi văn phòng. Trường quân y này chỉ dậy mấy lớp Sĩ Quan Trợ Y và Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y, còn mấy bạn Quân Y, Quân Dược, Quân Nha “thứ thiệt” thì học ở các trường đại học liên hệ. Các bạn đó chỉ ra, vào trường quân y để trình diện cho phải phép. Cấp đơn vị quân đội thấp nhất để làm việc của Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y là Sư Đoàn, và làm ở các Quân Y Viện. Như vậy, nhu cầu Sĩ Quan loại này không nhiều, mỗi năm, hay mấy năm, mới có một khóa đào tạo. Khi bọn tôi được phân phối về Quân y, cầm chắc là vào khóa huấn luyện Trợ Y. Sĩ Quan Trợ Y phải đi theo Tiểu Đào Bộ Binh, nghĩa là phải ra mặt trận như mọi người, làm gì có chuyện ngồi văn phòng đếm tiền. Khi chúng tôi về trường Quân y là lúc trong trường đang có một khóa Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y mới bắt đầu được hơn một tháng, và một khóa Sĩ Quan Trợ Y học gần xong. Thế là đi đoong, một ngàn phần trăm (1,000%) chúng tôi sẽ là khóa Trợ Y mới. Chả biết Thầy Khôi vung tay bắt quyết tự bao giờ, tự nhiên khóa Hành Chánh đang học được chuyển thành khóa Trợ Y, rồi mấy tuần sau, chúng tôi vào khóa Hành Chánh mới. Nghe đồn, có anh con ông cháu cha nào đó trong bọn chúng tôi, nên cả bọn được nhờ. Chỉ là nghe đồn thôi, đừng tin.
Hình như đây là Khóa 22(?) Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y, tôi không nhớ gồm bao nhiêu người, có thể trên, dưới 30 mống. Cái chuyện suốt một năm học hành ra sao, mãn khóa ra sao, tôi hoàn toàn không nhớ. Lạ một điều, tôi lại còn hình dung được những khuôn mặt ngồi quanh chiếu bạc, nhớ rất rõ khuôn mặt, dáng người, tính cách anh bạn Chuẩn Úy Hoàng, người bạn bài bạc của tôi. Và chỉ nhớ anh bạn này thôi, còn cả khóa học tôi không nhớ một ai, không hề nhớ đến mấy ngài Huấn Luyện Viên, Giảng Viên, “gì gì viên” đó. Như thế, bộ não tôi có vấn đề, mấy tế bào ký ức xấu phát triển tốt, còn lũ tế bào ký ức tốt thì teo dần. Có lẽ vì vậy những điều đạo đức ông anh dạy bảo thì không nhớ, lại chỉ nhớ mấy chuyện giặt quần áo cho anh cong cả cánh tay thằng bé hơn 10 tuổi. Tôi là đồ chết tiệt. (Chết tiệt là gì nhỉ, có ai tra tự điển giùm tôi định nghĩa này?)

Tiểu Đoàn 5 Quân Y
Một năm rong chơi ở Thủ Đô Sài Gòn rồi cũng qua mau, đến ngày mãn khóa và chọn đơn vị. Có thể Ông Thần May Mắn còn nắm được tóc tôi nên (hình như) tôi tốt nghiệp thứ hạng kha khá. Hình như hạng 4 hay 5 gì đó. Chỗ duy nhất tại Sài Gòn là Tổng Y Viện Cộng Hòa thì chàng nào đó đỗ cao hơn cuỗm mất, còn lại một chỗ khá gần là Tiểu Đoàn 5 Quân Y, ở Lai Khê, Bình Dương, cách Sài Gòn có hơn 50km chưa ai thèm nhận. Có 2, 3 vị đỗ cao hơn  muốn về gần quê nên chọn ở Miền Tây. Lượt tôi, hoặc chọn Tổng Y Viện Duy Tân (?) ở Đà Nẵng, chỗ béo bổ nhưng xa Sài Gòn quá, hoặc một quân y viện nào đó cũng xa lắc xa lơ, tôi bèn chọn Lai Khê. Tôi cần ở gần Sài Gòn, từ Lai Khê về Sài Gòn mất chừng 1 giờ hay hơn, chạy xe jeep. Tôi đang có công việc tay trái thơm phức là “Văn Phòng Quảng Cáo AAA”. Từ Lai Khê tôi có thể vù về để đi deal hợp đồng quảng cáo, hoặc phác họa các mẫu quảng cáo, giao dịch các tòa báo, … Bà xã ở nhà cứ thế mà tiến hành, lúc nào bí quá gọi điện thoại, tôi lại dù về, hái tiền cũng tàm tạm, gấp nhiều lần lương Trung Úy của tôi.
Thế là tôi chọn về Tiểu Đoàn 5 Quân Y, trực thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Đồn Điền Lai Khê, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tôi chọn đơn vị tác chiến mà không chọn Quân Y Viện vì thằng tôi, ngoài chuyện bài bạc hư đốn, cũng đã “điều nghiên” kỹ rồi. Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y nếu theo đơn vị tác chiến thì cấp thấp nhất là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Quân Y, luôn luôn theo Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Bộ Binh, không xuống tới cấp Trung Đoàn Bộ Binh. Mỗi Tiểu Đoàn Quân Y có chừng 3 hoặc 4 anh Hành Chánh Quân Y lo mấy chuyện ấm ớ như quản trị nhân viên, lương tiền, nuôi ăn bệnh nhân, quân xa, … chẳng bao nhiêu việc.
Một ngày đẹp trời gần cuối năm 1970, tôi chở cô bạn thân mến trên chiếc suziky đàn bà màu đỏ nhỏ xíu (xe của nàng), lê bước chân giang hồ vặt thăm dò đường đi nước bước xem Tiểu Đoàn 5 Quân Y đóng ở đâu, cũng là một lần để cô nữ sinh trường luật biết thế nào là doanh trại quân đội. Chưa lấy chồng nhưng chắc nàng bắt đầu nếm cảm giác “vợ lính”. Đúng ra, chuyện sáng hôm đó chúng tôi đến Bộ (hay Ban?) Chỉ Huy Tiểu Đoàn là ý kiến của nàng, nại cớ đi cho biết, thực ra để nàng dấm dúi đưa anh chàng Thiếu Úy Đỗ Kiến Hưng, coi về Nhân Viên, một mảnh thư gửi cho Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng. Nàng âm mưu xin vào gặp vị Bác Sĩ cao cấp nhất, nhưng lúc đó Bác Sĩ Tín vắng mặt, nên đành thì thào nhờ Thiếu Úy Hưng chuyển giùm. Nhiều lần tôi đã nói nàng rồi, tưởng tượng cứ mỗi chặng đường của thằng con trai lại có một bàn tay “dắt đi’, thì còn gì là đời nữa. Tôi không thể là thằng đó được. Nếu cần những bàn tay dắt, tôi đã học ở Quân Dược rồi, có khi cũng chẳng khoác bộ quân phục, mà cứ nhởn nhơ mấy sân trường đại học ở Sài Gòn. Nhưng tôi không hợp với mấy trò ghi nhận, báo cáo, … có khi hơi bẩn đấy. Cả nhà nàng và nhiều người khác nữa gọi tôi là thằng “gàn”. Tôi đề nghị các nhà ngữ học viết một quyển sách về chữ này để may ra tôi có thể hãnh diện không, chứ bình thường chữ này, chữ “gàn”, có vẻ không hay, không tốt.
8 giờ sáng ra đi từ Sài Gòn, cứ mỗi chặng đường lại hỏi thăm, đi tiếp. Khoảng gần 10 giờ hơn, chiếc suziky nhỏ bé chạy rì rì trên con đường nhựa quanh co giữa đồng không mông quạnh. Chúng tôi mới qua khỏi Tỉnh Lỵ Bình Dương, trực chỉ Quốc Lộ 13 hướng về huyện Bến Cát. Nghe giống như “chàng từ đi vào nơi gió cát!”. Chúng tôi lạc vào giữa đồng ruộng hoang vu. Thực ra, chúng tôi vẫn gặp xe hàng, xe nhà binh vượt qua hoặc ngược chiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên cô bạn thân mến sa đà vào cõi nhân gian này nên hơi sợ, chỉ biết ôm chặt lưng tôi. Hai chữ “hoang vu” tả cảnh đồng ruộng không hẳn là đúng, xa xa vẫn có bóng người, bóng trâu, bóng máy cầy. Nhưng kể từ khi lơn lớn một chút nàng chỉ ngồi xe ô tô con, gọi là xe nhà, xe du lịch chạy vù vù ra Vũng Tàu, hai bên đường cũng là đồng ruộng mà cảm giác nàng như đi giữa cảnh hội hè. Còn hôm nay, gió ào ào, nhìn đâu cũng chỉ thấy xa xăm, thăm thẳm, không có chân trời. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được cổng Sư Đoàn, kẽm gai chằng chịt. Mấy anh Quân Cảnh chỉ cho chàng lính mới tò te đường đi nước bước vào Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Bây giờ tôi còn hình dung được ánh mắt mấy anh, rõ ràng là diễu cợt một tên ngố đáo nhận đơn vị, cũng có ánh lên đôi chút thương hại, và đe dọa, kiểu như rồi mày sẽ nếm trải mùi đời đấy nhé. Cái kiểu như, a thêm một thằng “trả lại em yêu …”, và cô bé dại dột ngồi đằng sau yên xe kia rồi sẽ thui thủi một mình … Lạ lắm, ánh mắt nhiều khi nói rất nhiều, nói nhanh hơn tốc độ âm thanh nữa, bởi vì ánh mắt nói theo tốc độ ánh sáng!
Sau khi cô bạn thân mến dúi được cái phong bì nhầu nát vào tay Thiếu Úy Hưng, chúng tôi rơi vào giữa sân Tiểu Đoàn yên ắng. Cây cao và nắng cũng trên cao. Mấy căn nhà tiền chế, hàng hàng lớp lớp bao cát, hàng rào kẽm gai lạnh lùng. Doanh trại là đây. Từ trong văn phòng, mấy anh lính chỉ chỉ trỏ trỏ, chắc họ kháo nhau về anh Chuẩn Úy ngây ngô. Chàng Thiếu Úy Hưng thương hại tiến ra tiếp chuyện cho phải phép. Cô bạn thân mến rùng mình, nép sát vào tôi khi chàng cho biết mấy hôm trước có pháo kích vào Sư Đoàn, nhưng không vào khu vực này. Pháo kích không nhiều, nhưng vẫn có.  Mặt trận xa xa, nhưng vẫn hiện hữu quanh đây. Vài ngày lại có xe tải thương từ đâu đó xa xăm chạy về Bệnh Xá của Tiểu Đoàn. Đó là nói về mấy năm 1970, 1971, khi tôi mới làm quen mấy gốc cây cao su. Còn sau này, từ 1972, mặt trận cực kỳ sôi động. Hôm chúng tôi đến, Thiếu Úy Hưng cho biết tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang có 3 bác Sĩ, một Nha Sĩ, hai Dược Sĩ, 3 Sĩ Quan Hành Chánh nhưng một Trung Úy Hành Chánh Quân Y mấy ngày nữa thuyên chuyển về Quân Y Viện Bình Dương, tôi là con số bổ khuyết. Rồi chúng tôi từ biệt, hẹn 10 ngày nữa, sau khi hết phép mãn khóa, tôi vào trình diện. Cảm giác thực sự chui vào guồng máy. Trên đường về, hình như nàng ngồi đằng sau có chút nước mắt, có gì âm ấm thấm vào lưng tôi. Hình như chúng tôi có ghé tại Búng, ăn bánh bèo bì nổi tiếng ở đây, (cho vơi chút buồn gió cát!)
Cô bạn thân mến của tôi có ông Cậu là lính nhẩy dù, trước đây chắc có cùng đơn vị, bạn bè sao đó với ông Bác Sĩ Tín (Lê Trọng Tín?). Thiếu tá Bác Sĩ Tín hiện đang làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Cô bạn lấy được của ông Cậu lá thư giới thiệu tôi gửi Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng. Ngày tôi trình diện, ông Bác Sĩ hỏi tôi quen biết sao với ông Quyền (lúc đó là Thiếu Tá?). Tôi nhẹ nhàng trả lời thực ra tôi không quen Thiếu Tá Bùi Quyền, chưa từng nói chuyện, nhưng “cô bồ” tôi là cháu chi đó. Ông mỉm cười, liếc nhìn tôi, chắc ông ngạc nhiên về cái lối trả lời của tôi. Cũng có thể ông đang tự hỏi tại sao lại cứ đưa mấy tên gàn dở như thế này vào guồng máy chiến tranh làm gì không biết? Có sao nói vậy, người ơi. Rồi ông gọi Thiếu Úy Hưng lên, nói thu xếp chỗ ở cho tôi, hướng dẫn tôi về công việc của Sĩ Quan Phát Hướng Viên Tiểu Đoàn vì ông Trung Úy tiền nhiệm của tôi đã rời đơn vị đi nhận nhiệm sở mới trước khi tôi trình diện. Có lẽ chừng 3, 4 tháng sau, Y Sĩ Thiếu Tá Lê Trọng Tín cũng rời Tiểu Đoàn, thuyên chuyển về đâu tôi quên mất, chắc là ở Sài Gòn thôi, hoặc Cộng Hòa, hoặc Cục Quân Y.
Ra ngoài, Thiếu Úy Hưng nói chắc ông (tức là tôi) gốc lớn. Anh ta cứ tưởng một anh Hành Chánh Quân Y khác đang ở Trung Đoàn sẽ về thay ông Trung Úy Kia. Có vẻ như anh đó nhờ vả Thiếu Úy Hưng xin giùm chỗ tôi được bổ nhiệm . Hóa ra lúc đó cấp Trung Đoàn còn Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y, tôi chỉ nghiên cứu được phần lý thuyết sẽ áp dụng chứ không biết thực tế hiện tình ra sao. Cũng hú vía vì ở Trung Đoàn, sợ xa Sài Gòn hơn, đi lại khó khăn hơn. Hình như một năm sau rút hết các Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y khỏi Trung Đoàn, tức là rời khỏi Đại Đội Quân Y, có anh về nhì nhằng ở Tiểu Đoàn, có anh được điều đi nơi khác. Anh chàng Đỗ Kiến Hưng, cháu Đô Trưởng Đỗ Kiến Nhiễu, cho rằng lá thư bữa trước anh nhận chuyển giùm có trọng lượng nặng lắm. Anh ta cũng không thể biết được mẩu đối thoại dấm dẳng gữa Y Sĩ Thiếu Tá đầy quyền uy và tên Chuẩn Úy lính mới tò te. Có thể, anh Thiếu Úy không dấu vẻ ngạc nhiên khi “thảo luận” với mấy vị sĩ quan khác về điều tôi chẳng tốn kém gì cả, chẳng quà cáp gì cho Bác Sĩ Tín. Sau này, tôi nghĩ lá thư có ảnh hưởng nào đó, nghe nói trong quân chủng Nhẩy Dù, tình bạn được coi trọng, nghe nói thôi, nhưng biết đâu cái lối ăn nói ấm ớ của tôi lại hợp với Bác Sĩ Tín chăng. Trông ông ta tướng ngầu, có vẻ hơi bạt mạng. Chẳng biết được, vì có ai hỏi ông Y Sĩ Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng bao giờ đâu. Có lẽ “gàn” cũng là cá tính hơi hơi phổ biến nơi động vật con người.
Công việc của tôi đại khái liên quan tới tiền bạc, lương thực, nhu yếu phẩm. Đúng là mộ chỗ béo bổ đấy. Người ta gọi là Sĩ Quan Phát Hướng Viên. Tôi cũng chưa từng tra tự điển Hán Việt xem Phát Hướng Viên là gì. Chữ Hướng ở đây là gì nhỉ. Hàng tháng tôi qua gặp Sĩ Quan Tài Chánh Sư Đoàn vào ngày trước cuối tháng, lãnh sổ lương cho quân nhân đồn trú trong phạm vi Bộ Chỉ  Huy Tiểu Đoàn Quân Y để về phát lương. Khoảng 5 chục, 7 chục người gồm các Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, các sĩ quan Hành Chánh, các Hạ Sĩ Quan, binh lính nhiều bộ phận như quân xa, an ninh phòng thủ, và y tá, dược tá, nha tá. Tiểu Đoàn Quân Y phụ trách một bệnh xá có cấp số 100 giường, nhiều khi chiến trường gay cấn, số thương bệnh binh lên đến hơn 200. Bổn phận tôi là lo cung cấp ẩm thực hàng ngày cho những thương bệnh binh đó, đôi khi có cả mấy anh VC bị thương được đưa về điều trị, cũng ăn uống, hưởng dụng như tiêu chuẩn thương bệnh binh của chúng mình. Mỗi tháng tôi lãnh tiền chợ, gạo, dầu, … và nhu yếu phẩm cho số quân nhân tôi phụ trách, và thương bệnh binh. Các quân nhân quân y ở Đại Đội Quân Y do Trung Đòan phụ trách chuyện này. Gạo để nấu ăn dư chừng 10% đến 15%, tôi thường để cho anh em binh sĩ mang về gia đình, lúc người này, lúc người khác, theo đề nghị của ông Trung Sĩ Nhất tên Tia, phụ tá của tôi. Mấy vị hạ Sĩ Quan này thạo việc lắm, thường là “thầy” của mấy vị Sĩ Quan non choẹt như tôi. Có đề nghị từ một số nơi về chuyện tiêu thụ gạo dư này (theo nếp cũ?), tôi từ chối, và mấy vị Hạ Sĩ Quan biết tính khí xếp, cứ theo thế mà điều hành tiền bạc, gạo mắm. “Tính khí xếp” đôi khi cũng làm mất lòng vài người, như Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ Tiểu Đoàn chẳng hạn. Trong quân đội, mấy ông Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ Tiểu Đoàn có quyền uy như một Tiểu Đoàn Phó. Tuy nhiên, thằng ngớ ngẩn là tôi lại không biết trời chăng gì, chẳng kiêng nể ai cả. Nghĩ bụng, cùng lắm ai có quyền thì tống tôi xuống đến Trung Đoàn, hoặc trả lại Cục Quân Y. Dù sao tôi cũng có mã số chuyên môn, may ra Cục Quân Y mới có thể trả tôi trở lại Bộ Binh, cái con đường “đì” đó còn xa mới tới. Mà về Bộ Binh đã chết ai, quân lực mình phần chính là Bộ Binh mà. Cho nên, chân ướt chân ráo, cái lần phát lương đầu tiên tại Tiểu Đoàn, tôi đảo lộn thủ tục thường có.
Trước đây, ngày phát lương, một số binh sĩ lên lãnh tại văn phòng Sĩ Quan Phát Hướng Viên, quen gọi là phòng tài chánh, chính ông sĩ quan đếm tiền, rồi đưa tận tay. Ông Thượng Sĩ Thường Vụ lãnh giùm một số binh sĩ hoặc vì vắng mặt, hoặc do ủy quyền. Đến lượt tôi làm, ông Trung Sĩ Nhất đếm tiền và phát, tôi đi ra đi vào. Thầy bói Mai Đức Khôi bảo tôi đi lính nhưng chỉ đếm tiền, tôi lại là thằng lười và ẩu, không chịu đụng đến mấy tờ giấy xanh đỏ đó. Thầy nói hơi sai ở điểm này. Chuyện ông Thượng Sĩ già cũng thay đổi. Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ tên Minh là chủ câu lạc bộ trong Tiểu Đoàn. Ông làm ăn khấm khá vì mấy món nhậu ngon, có tiếng trong Sư Đoàn, nhiều đơn vị bạn đến ăn nhậu. Anh em binh sĩ trong Tiểu Đoàn cũng nhậu, ít nhất mỗi tuần cũng phải một, hai cữ. Ăn uống đã đời, ghi sổ. Ngày lãnh lương, Thượng Sĩ Chủ Nhân Câu Lạc Bộ lãnh giùm cho chắc ăn, trừ tiền nợ rồi mới giao cho mấy vị khách hàng. Theo lệ thường, Trung Sĩ Nhất Tia giữ lại phần lương mấy chàng khách nhậu thân mến đó. Tôi hỏi tại sao, trả lời để giao cho Thượng Sĩ Minh trừ tiền nợ trước. Tôi cao giọng, đại khái: anh Tia, Ban Tài Chánh không có nhiệm vụ đòi tiền cho ai cả. Lương của binh sĩ phải trả tận tay người ta. Nếu có ai kiện rằng không được lãnh lương, chúng mình trả lời sao.
Mấy chàng lính quân y vắng mặt, ủy quyền được gọi trình diện lãnh lương. Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ lên gặp tôi, nói rằng trước đây Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng cho phép như vậy, câu lạc bộ có đóng góp vào chi phí Tiểu Đoàn. Tôi nói Ông lên xin Bác Sĩ chỉ thị thẳng cho tôi đi. Cuối cùng, tôi đưa giải pháp: Ngày phát lương, ông Chủ Câu Lạc Bộ sẽ được ngồi tại cái bàn trong phòng tài chánh, anh em lãnh lương xong, ai nợ nần sẽ qua bên ông thanh toán ngay tại chỗ … Lâu dần, ông Thượng Sĩ già có dính chút ít gốc gác người Nùng di cư từ cao nguyên miền Bắc vào Nam lại quí mến tôi. Ông thấy tên gàn bát sách này cũng có chỗ chơi được, không ăn quịt, không “chơi lường.” Thực ra, để giữ chữ thọ tại nơi như Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Quân Y, các vị hạ sĩ quan, binh sĩ thường gốc gác hơi hơi dính chút Tầu Chợ Lớn hoặc thuộc về thiểu số cao nguyên. Mấy vị này thường biết phải, trái, tiến, lui tùy theo khí hậu thời tiết. Ông binh nhì hay binh nhất gì đó là tài xế cho Y Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng (hình như) cũng tên Minh, gầy còm, cao nhỏng, lúc nào cũng cười cười,  dạy tôi lái xe, nhưng không sõi tiếng Việt. Khi bảo tôi đạp thắng tôi tưởng bảo tôi cứ thế mà đạp thẳng tay, tiến về phía trước, khiến chiếc xe jeep của ban quân xa đâm vẹo “con ngựa” lên, xuống cản đường ra vào tại cổng Tiểu Đoàn. Đúng là dân lì, vì chàng ta không sợ, mấy hôm sau đưa tôi leo lên xe GMC chạy vòng vòng trong sân trại. Chính tôi hãi quá, xin chàng cho “qua” cuộc tập tành này, biết thế đủ rồi! Chàng cười, cái kiểu, xem đứa nào sợ cho biết.
Nhân đây, kể chuyện anh Tàu Chợ Lớn. Mỗi lần có lệnh gọi lái xe cho Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng, đang ngồi ngủ gật trên ghế tài xế, chàng Minh choàng dậy, vớ khẩu M16 đeo vào lưng ghế, rồi nghiêm chỉnh đứng bên xe, chờ đợi. Đôi khi, đoán ông Bác Sĩ đang từ trong phòng nhìn ra, chàng lại lấy mấy mảnh vải lau lau chùi chùi cho đầu xe, kính xe bóng loáng. Tôi hỏi chàng: “Nị” biết bắn súng không? Chàng đứng phắt dậy, nghiêm chào: “Ngộ” là lính mà Trung Úy (Lúc đó tôi mới là Thiếu Úy thôi, một bông mai vàng lẻ loi.) Tôi cắc cớ hỏi tiếp, lúc ra phòng mạch bác Sĩ ở ngoài Bến Cát, “nị” có sợ Việt Cộng không. Chàng bẽn lẽn cười, sợ chứ Trung Úy. “Ngộ” luôn luôn nhìn chung quanh, “Ngộ” xin Bác Sĩ cho thằng (tôi quên tên) đi theo bảo vệ Bác Sĩ, nó cũng ngồi chờ trên xe. Có nó “ngộ” yên tâm hơn. Tiểu Đoàn 5 Quân Y đóng trong Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Lai Khê, cách quận lỵ Bến Cát 5km. Chắc rằng do thỏa thuận với các vị Tư Lệnh, mỗi tuần có mấy ngày Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng ra khám bệnh cho người ngoài sư đoàn, phần lớn là dân, tại một căn nhà thuê ở quận lỵ, coi như một phòng mạch tư. Thu nhập Bác Sĩ có tăng, nhưng tôi nghĩ điểm chính là giúp người dân chung quanh khu vực Sư Đoàn có cơ hội được chăm sóc sức khỏe. Công việc khám bệnh có khía cạnh Tâm Lý Chiến, không rõ có đúng vậy không. Mỗi khi ra phòng mạch, Bác Sĩ mang theo một y tá để phụ bên trong, một anh cận vệ và anh tài xế ngồi ngoài xe. Tôi lại hỏi: “Nị” dậy “ngộ” bắn súng được không? Chàng lại cười, dỡn à Trung Úy, ông biết bắn nhiều thứ súng lắm mà, đại bác ông cón bắn được mà … Đại bác thì chàng phóng đại, còn đúng ra ở Thủ Đức tôi phải học bắn cả trung liên, đại liên, M79, … Nhưng tôi là tên khóa sinh cà chớn, mọi thứ đều ngu ngơ. Tuy nói vậy, nhưng chàng tài xế cũng lớn tiếng gọi một anh hạ sĩ quan gần đó, Trung Sĩ  XYZ, “Lại chỉ ông Trung Úy cái này à, xếp!” Tôi ngạc nhiên nhìn anh tài xế Tàu Chợ Lớn, nói tiếng Việt chưa lưu loát, mà sao lại có sự tế nhị đến vậy. Anh chàng không nói lớn “lại chỉ ông Trung Úy bắn súng”, chắc hẳn điều này kỳ quái lắm.
Trung Sĩ XYZ thuộc ban quân xa. Ông lái xe đưa tôi đến gần khu vực hàng rào Sư Đoàn về phía bắc, tức về phía quận lỵ Chơn Thành. Ông nói, Trung Úy (tôi quên tên), coi Ban Quân Xa (xe cộ, săng nhớt, súng ống) lâu lâu ra đây xả vài băng cho khỏi quên. Tôi cầm khẩu Colt 45 bắn đại vào khoảng đất hoang vu bát ngàn, lấy cớ từ ngày ra trường không được bắn. Ông Trung Sĩ nhã nhặn chỉ tôi cách cầm súng, cách nhắm, có vẻ như ở ngoài chiến trường người ta dậy khác với quân trường. Nhưng ông không cho tôi bắn M16, còn ở trong địa phận Sư Đoàn, nghe tiếng M16  người ta sẽ báo động, xe quân cảnh sẽ tới ngay tức khắc. Ông ta cũng là tay thiện xạ, bắn đúng những đích ông chỉ trước. Còn tôi, mỗi lần súng dật, nhói cả tim, đạn ra khỏi nòng là vui rồi, cần gì trúng đích. Đời tôi có biết bao cái đích, cái đích cần nhất là mảnh bằng dược sĩ, cũng có trúng được đâu.

Vài Chuyện Nhì Nhằng Ở Lai Khê
Tôi đến Lai Khê vào cuối năm 1970 (hay đầu 1971?), đến giữa năm 1973 thì chia tay Lai Khê, biệt phái. Gần 3 năm nhàn tản dưới các tàn cây thưa thớt của khu đồn điền cao su cũ cũng cho tôi nhiều điều thú vị để kể lại, và tôi kể lại theo hứng, không theo thứ tự trước sau, chỉ xin nhắc lại, lúc đến đeo lon Chuẩn Úy, lúc đi là Trung Úy với 2 bông mai vàng trên cổ áo.
Nhiều khi toàn bộ Sư Đoàn cấm trại, không ai được đi phép, nghĩa là không được ra khỏi cổng sư đoàn về phía nam, đường đi Bến Cát. Bọn sĩ quan Tiểu Đoàn 5 Quân Y chúng tôi cũng nằm trong vòng cương tỏa của lệnh đó. Tuy nhiên, Quân Y tương đối được đối xử đặc biệt, Vị Tư Lệnh cũng như Bộ Tư Lệnh ít ai nhòm ngó mấy anh chàng sĩ quan “hiền như đất” này, sinh hoạt của Tiểu Đoàn tương đối độc lập. Nếu ai trong bọn chúng tôi cần về Sài Gòn có việc, Thiếu Úy, sau đó là Trung Úy Đỗ Kiến Hưng sẵn sàng cho đánh máy Sự Vụ Lệnh cắt cử đương sự đi về Bệnh Viện 3 Dã Chiến, về Tổng Y Viện Cộng Hòa, về vv và vv … Ông ta đích thân mang lên trình ký Tiểu Đoàn Trưởng. Ông Bác Sĩ chỉ hỏi nhẹ nhàng ông nào đi đấy? rồi ký. Ông hỏi vì đôi khi quả thực ông cần chàng sĩ quan đó ở lại thật. Khi lệnh cấm trại quá lâu, kéo dài cả tháng hay hơn, chuyện làm sự vụ lệnh trở thành luân phiên, nhóm chuyên môn mỗi tuần 2 hay 3 người “đi công tác”, tùy mấy anh y sĩ, nha sĩ, dược sĩ chia nhau, nhóm hành chánh cũng vậy, mỗi tuần 1 người công tác, một người trực trại. Chỉ cần có sự vụ lệnh là mấy chàng Quân Cảnh cho đi qua cổng. Chỉ cần qua cổng sư đoàn là thoải mái, vì ở ngoài đâu có ai biết gì chuyện cấm trại đó. Tiểu Đội Quân Cảnh Sư Đòan cũng cho xe chạy ra Bến Cát xem có chàng nào dù không, vì thiên hạ dù theo xe đò đậu tại quận lỵ. Còn bên quân y, có xe jeep đưa đón sĩ quan chạy thẳng Sài Gòn.
Việc kiểm soát lệnh cấm trại thường chỉ được chú trọng ở cổng phía nam, từ cổng này người ta mới đi Bến Cát, Bình Dương, Sài Gòn. Còn cổng phía bắc là hướng đi Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh thì mọi người ra vào thoải mái, chẳng ai “dù” mà đi về phía bắc cả. Quốc lộ 13 khởi nguồn từ đâu không rõ, chạy qua Bình Dương, xuyên qua đồn điền cao su Lai Khê, tức là xuyên qua căn xứ Lai Khê của Sư Đoàn 5, rồi tiếp tục chạy về phía bắc. Về sau, xe hàng chạy nam, bắc không được qua căn cứ, phải chạy vòng bên ngoài. Cũng có chuyện mấy chàng lính đơn vị khác nhờ người chở xe honda đi phía bắc, đến chỗ xe đò Bình Long đi về Bình Dương phải chạy vòng phía ngoài căn cứ Lai Khê thì lên xe đò đi ngược lại phía nam. Xe không chạy qua căn cứ, nhưng khi đến Bến Cát xe đậu lại thì mấy chàng quân cảnh chờ sẵn rồi, khó thoát lắm. Bọn sĩ quan chúng tôi ngày Chủ Nhật không biết làm gì, ăn sáng mấy câu lạc bộ trong căn cứ chán quá, ra ngoài làng Lai Khê cũng chẳng vui gì, rủ nhau lái xe “đi Bình Long ăn sáng.”, tức là đi khoảng 40km, hay hơn. Mới đầu độ 3 người đàn đúm thì có tài xế lái xe, có một chàng lính cầm M16 đi theo, sau thấy vui, nhóm đàn đúm lên 5, 6 người thì chúng tôi lái xe lấy, mỗi vị đều mang súng colt, và vài khẩu M16. Mấy anh binh sĩ cũng buồn vì mất dịp vui chơi, nhưng nếu đi 2 xe “thì kỳ quá.” Thường thì tôi lái xe, hoặc vì tôi là đầu têu mấy chuyện ăn chơi, hoặc vì mấy chàng bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ “thực sự hiền”, ít anh nào bạt mạng kiểu tôi. Con đường từ Lai Khê đi Bình Long rất đẹp. Đường nhựa láng boong, rộng rãi, êm như lụa, cảnh vật hai bên là rừng núi xanh ngát, sương dăng khắp nẻo, nên thơ. Trong không khí ban mai chúng tôi tưởng như đi vào cõi thiên thai, nếu có gặp mấy nàng tiên bay xuống cũng không có gì kinh ngạc. Đó là những lúc thanh bình, khi chiến trận còn tận Snoul. Sau này mặt trận Bình Long thành nặng, dĩ nhiên chúng tôi đành ta về ta tắm ao ta, ăn sáng tại Lai Khê. Trong các cuộc rong chơi có lần tôi nổi hứng lái xe đi luôn Lộc Ninh, cứ tưởng con đường cũng sẽ đông đảo, êm ả như vậy. Đoạn đường này hoàn toàn khác. Đường hẹp, nếu gặp xe ngược chiều chắc là khó khăn để tránh nhau, nhiều đoạn trải đá lổn nhổn, sát hai bên đường là lau sậy rồi mới tới rừng cây. Lần mò suốt đoạn đường xuyên rừng gần hai chục cây số không gặp một xe nào cùng chiều hay ngược chiều. Giả như có mấy anh Việt Cộng bỗng dưng nhô ra giữa đám bụi rặm, chưa biết cả bọn sẽ ra sao, toàn là mấy anh sĩ quan gà mờ về súng đạn, chỉ biết cầm ống nghe, kìm nhổ răng, ống nghiệm phòng thí nghiệm. Run thiệt tình nhưng vui đáo để. Khi đến được gần thị trấn, được chạy trên đường nhựa, lúc đó cả bọn thở phào. Tôi nghịch ngợm, cho xe chạy tắt qua rừng cao su, lá cao su đỏ ối rụng một lớp dầy cả tấc, bánh xe cứ trơn trượt như chạy trên băng tuyết, đẹp đến ngất ngây, tưởng bước lãng du như mấy chàng từ quan của thời mấy trăm năm trước. Có lần chúng tôi tính chạy lên Lộc Ninh rồi thẳng đường qua Snoul, sau nhát gan, không dám. Ít lâu sau tôi mang lên căn cứ bộ mạt chược, cùng mấy chàng sĩ quan làm quen thú vui tao nhã, Thứ Bảy, Chủ Nhật bị cấm trại, cả bọn xoa mệt nghỉ. Nhưng thú thật, chơi mạt chược gặp mấy tay mới học, chậm như rùa, thà nghỉ còn hơn, nên tôi để mấy vị đó chơi với nhau. Chơi phé, mình có thể chờ người ta suy nghĩ, tính nước đi tiền, chờ lâu không nản, mạt chược thì không. Lúc này, khoảng Tháng 2 năm 1972, đường từ Lai Khê đi Bình Long không còn xuông xẻ, tình hình gay cấn hơn, Sự Vụ Lệnh đi “công tác” cũng giảm bớt, bộ mạt chược giúp nhóm sĩ quan chúng tôi giải khuây. Tôi đã lấy vợ nên cũng bận rộn “điều động từ xa” Công Ty Quảng Cáo AAA, thu nhập chính cho “tổ ấm gia đình”.
Khoảng cuối Tháng 3, 1971, tôi được lệnh bay lên Bình Long (tức thị trấn An Lộc). Thiếu Tướng (hay Trung Tướng?) Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn, đang trú đóng ở đó cả tháng trước. Phía quân y, hình như là Bác Sĩ Hùng túc trực. Y Sĩ Trung Úy Hùng (tôi quên họ) ở đó cho đến khi giải tỏa xong An Lộc, Bình Long. Tình hình mặt trận căng thẳng, ai cũng ngại phải bay vào lò lửa. Y Sĩ Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng kêu tôi, giải thích rằng cần có tôi tổ chức lúc ban đầu một trạm xá đặc biệt cấp sư đoàn để điều trị thương binh ngay tại mặt trận, tại khu vực Thị Xã An Lộc. An Lộc có bệnh viện dân y, nhưng chắc rằng không đáp ứng được nhu cầu phía quân đội. Tiểu Đoàn Trưởng nói, trước hết chuyện nuôi ăn thương bệnh binh là quan trọng, thứ hai vì tôi có khả năng tổ chức. Ông hứa sau khi tôi tổ chức xong trong 3 ngày, sẽ có người thay thế. Tôi nghĩ bụng, trước đây cứ ham đi chơi Bình Long, sáng đi trưa về, bây giờ cho đến ở đó mấy ngày “cho đã!”. Trực thăng đổ tôi xuống sân bay tạm, gần trung tâm tỉnh lỵ. Bên Tham Mưu Sư Đoàn giao cho tôi ngôi Trường (Trung Học?) An Lộc (hay tên Bình Long, tôi không nhớ rõ), cũng gần với khu vực của Tư Lệnh. Ngôi trường xây bằng gạch và ngói, khang trang, sạch sẽ, khoảng hai chục phòng học. Tôi dắt mấy ông hạ Sĩ Quan Quân Y, Y tá đi một vòng, phác họa từng khu vực. Từ phòng nhận bệnh, đến phòng cấp cứu, phòng giải phẫu, kho thuốc men, khu giường bệnh, khu nhà bếp, kho lương thực, thực phẩm, nhà ăn, khu nghỉ ngơi cho nhân viên quân y, … Tôi cũng phải phân chia công việc cụ thể cho từng người, kể cả những bạn lo việc sửa chữa quân xa, máy phát điện khi cần, xăng nhớt lưu giữ ra sao, … Tôi cũng kiểm tra lại tình hình thuốc men, dụng cụ y khoa, bông băng, nước biển, … ước lượng con số dùng hằng ngày, số tồn kho bao lâu, cần mức độ tiếp tế thế nào, người liên lạc bên Tư Lệnh để có trực thăng tải thương, tiếp tế. Rất nhiều chuyện xưa nay tôi chưa từng biết, nhân dịp này được học hỏi khá nhiều. Các vị Hạ Sĩ Quan Quân y chỉ vẽ cho tôi nhiều chuyện chuyên môn. Ông Y tá Trưởng giúp tôi hiểu rõ tiến trình cấp cứu, định bệnh, theo dõi điều trị, như thế dụng cụ y khoa, vật dụng y khoa nên xếp đặt ra sao, số lượng ra sao … Tuy nhiên, sau này tôi biết rằng những con số ước lượng lúc đó đều là quá ít. Mặt trận quá khốc liệt, số thương binh gấp mấy lần số dự đoán. Nhưng nhớ sắp xếp trước, anh em làm việc dễ dàng hơn tuy vất vả hơn nhiều lần bình thường, và chuyện tải thương về hậu cứ Lai Khê hầu như không thể thực hiện.
Hai buổi chiều ở đó tôi rủ mấy bạn đồng sự ra chợ An Lộc ăn tối. Chỉ cần đi bộ mươi phút, chúng tôi đã đứng trong nhà lồng chợ. Nhìn quanh, phố xá quạnh vắng, người qua lại thưa thớt. May vẫn có mấy quán mở cửa, được ăn mấy tô canh chua, cá kho tộ với thịt ba chỉ mà nửa năm trước chúng tôi từng chạy nhiều dặm đường để đến đây thưởng thức. Ngay mặt trước chợ là một đại lộ mênh mông chạy ngang, chạy ngang từ đâu rồi đến đâu thì kết thúc? Tôi không biết! Nhưng hình ảnh mênh mông của bề ngang đại lộ thì hiển hiện rõ ràng, ít nhất là mênh mông vào mấy buổi chiều im ắng đó. Không rõ có bao nhiêu chàng VC đang lảng vảng đâu đây để chỉ điểm các trận pháo kích sau này. Toàn cảnh hai buổi chiều hắt hưu trên ‘Đại Lộ Hoàng Hôn (?)”, khu nhà lồng chợ, phố xá chung quanh, vẫn còn đọng lại trong trí tưởng tôi đến bây giờ.
Y Sĩ Đại Úy Trương Đạm Thủy, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y giữ lời hứa, ngày thứ 4 của chuyến công tác thiết lập bệnh xá cho mặt trận An Lộc, một Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y khác lên thay tôi, Thiếu Úy (hay Trung Úy?) Hiếu (Nguyễn Đức Hiếu?). Tay này thuộc loại lỳ đòn, đã chịu đựng dũng mãnh suốt 3, 4 tháng pháo kích tơi bời, trở về Lai Khê với 3 ngôi sao vàng chóe, bỏ xa anh em, khiến mình là khóa đàn anh vẫn phải nghiêm chào đàng hoàng.
Trong câu chuyện này, một điều vẫn làm tôi day dứt đến hôm nay do lúc đó phải đưa ra một “quyết định tàn bạo.” Tôi nhớ, ở đâu đó có viết rằng, vị chỉ huy tối cao, người quyết định cuối cùng, luôn là kẻ cô đơn. Ông ta phải quyết định, và mình ông ta quyết định mà thôi. Tôi được lệnh đưa một số thương bệnh binh ra khỏi mặt trận, nhân chuyến trở về Lai Khê của tôi. Chúng tôi ra phi trường tạm ngay gần bệnh xá dã chiến tôi mới thiết lập. Một bãi đất rộng, xa xa chung quanh là núi rừng. Ông sĩ quan anh ninh phi trường cho biết 5 phút nữa trực thăng tải thương đáp xuống. Rồi cả nhóm lúp xúp lên máy bay. Tôi là người sau cùng. Ông phi công chính quay lại đếm, và nói: Thiếu Úy, phải bỏ một người xuống, quá sức trọng tải của tàu. Tôi ngẩn người ra. Ông ta nói nhanh, phải chỉ định nhanh thôi, Thiếu Úy, bọn nó pháo bây giờ. Nó biết trực thăng mới xuống mà. Ông bồi thêm, đây là trực thăng tải thương, ông (tức là tôi) là cấp cao nhất, phải quyết định. Ông Sĩ Quan Phi công cấp Trung Úy, nhưng công việc ông là lái máy bay, còn thương bệnh binh là của tôi. Từ đầu, cặp mắt của hơn 10 con người lo âu nhìn tôi, rồi cúi xuống, thân hình họ co lại chỉ mong tôi không nhìn thấy họ hiện diện. Tôi chỉ một anh lính lúc đó tôi thấy có vẻ lành lặn nhất, ra hiệu xuống. Anh mếu máo: Tôi phải về Thiếu Úy ơi, và những gì gì đó … Có tiếng départ, rồi tiếng nổ đâu đó. Ông phi công thét lên: Thiếu Úy! Cho anh ta xuống ngay. Tôi vừa nhè nhẹ đẩy anh lính, vừa năn nỉ: Anh xuống giùm đi, chuyến sau đến ngay bây giờ. Anh ta nhảy xuống nhưng mếu máo: Biết bao giờ có chuyến sau, ông ơi …
Trực thăng cất cánh vừa kịp tiến la hét của sĩ quan phi trường: Mọi người tản ra đi, nó pháo đấy. … Ngồi trên trực thăng, dù biết là ông phi công đang luồn lách tránh đạn phòng không, tôi vẫn không thể quên hình ảnh ông lính bị bỏ lại. Sau này, tôi hy vọng ông ta được trở lại hậu cứ, vì trên đường trở về Lai Khê, tôi biết một trực thăng tiếp tế thuốc men khác đang tới An Lộc, trên đó có Thiếu Úy Hiếu thay tôi. Ngày hôm sau tôi được biết đó là mấy chuyến trực thăng cuối cùng vì sân bay di tản thương binh không còn hoạt động được. Anh lính gầy còm, chẳng biết cấp bậc gì, tôi vẫn nhớ anh với khuôn mặt bi thảm. Tôi vẫn day dứt tưởng như mình đã tuyên một bản án nặng nề, bản án sinh tử cho anh. Và tôi lại nghĩ, nếu như lúc đó mình có can đảm để ở lại, và để anh lính theo trực thăng, thì sẽ ra sao nhỉ. Chuyện tôi còn ở lại trực thăng có đúng không? Có phải là tôi bắt buộc phải tuân thượng lệnh vì có lệnh gọi tôi về lại Lai Khê, hay thực ra chỉ vì tôi hèn nhát? Có vẻ lý do chính là tôi hèn nhát, bởi vì ngay lúc đó, rất nhanh, tôi có nghĩ đến chuyện nhảy xuống đất thay vì đẩy anh lính xuống. Sợ chết, hèn nhát, giữ tôi ở lại trực thăng. Chuyện bất tuân thượng lệnh nếu nhảy xuống chỉ là điều sau này tôi nghĩ đến, để biện minh mà thôi. Và tôi vẫn tự hỏi, khi một ông quan tòa, một người chỉ huy, tuyên án tử hình một ai đó, một con người có cuộc sống như những con người khác, như mình, thì mấy vị đó nghĩ gì nhỉ. Lòng họ có thanh thản? Hay là, cuộc sống tiếp diễn theo một qui luật phải tiếp diễn như vậy?
Một tên gàn hay nghĩ vớ vẩn, ai gần nó chắc khổ đấy.
Hình như cuối năm 1972, có thể Tháng 9 hay Tháng 10, Đại Tá Nhẩy Dù Trần Quốc Lịch về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, thay thế Tướng Lê Văn Hưng. Lúc đó Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y là Y Sĩ Đại Úy Đàm Quang Hiển. Ông Hiển (hình như) là em ruột Giáo Sư Toán nổi tiếng Đàm Quang Hưng. Tôi vẫn nghe nói hai ông chơi mạt chược rất cao. Một buổi chiều, có lẽ trong tháng 11, 1972, ông Hiển gọi tôi lên văn phòng Tiểu Đoàn Trưởng, mời tôi ngồi và nói, vừa nói vừa lấy từ ngăn kéo ra xấp tiền, đưa tôi: Ông Anh, lát ăn cơm tối xong, tôi cho xe về đón ông qua chơi mạt chược bên ông Tư Lệnh. Tôi hỏi: Tiền ông đưa để tôi chơi? Ông Hiển gật đầu. Tôi lại hỏi: Họ chơi “tariff” bao nhiêu Bác Sĩ? Có lẽ 32 – 64, chia đôi. Họ muốn chơi cho vui, nhỏ thôi. Tôi đưa lại tiền cho ông Hiển, nói: Tôi lo tiền chơi được, Bác Sĩ. Để ông vui vẻ lấy lại, tôi đùa thêm: Lát nữa lỡ tôi thắng không phải chia cho Bác Sĩ. Cậu bé binh nhì,(hay  binh nhất - tôi quên tên) mang bình trà vào, chúng tôi uống và chuyện vãn ít phút, có lẽ để ông Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng giải thích thêm. Qua câu chuyện tôi biết ông Tướng Tư Lệnh có một cô (bồ?) ở cùng, để cô khỏi buồn vì trong căn cứ không có gì giải trí, chiến sự khốc liệt không ai dám tổ chức đàn đúm nhẩy đầm, party này nọ, ông lập bàn mạt chược. Tôi thắc mắc trong Sư Đoàn chắc hẳn có nhiều tay mạt chược cừ lắm, mà họ mang lon lá Thiếu Tá, Trung Tá, sao không gọi họ. Tôi chỉ có một mai vàng thôi. Ông Hiển cười, nói: Tôi cũng nghĩ vậy, có nói như ông, nhưng ông Tư Lệnh bảo rằng chỉ bọn mình thôi, không cho đứa nào vào đây được. Ông Hiển giải thích tiếp, có thể bọn quân y mình có hơi khác các đơn vị khác. Chắc ông ta nghĩ bọn mình cư xử nhẹ nhàng hơn đối với nữ chủ nhân. Ông Hiển tránh dùng chữ “lịch sự” hơn, cũng là do tính cách giang hồ, lịch lãm của ông. Ông còn nói, ông Tư Lệnh rủ cả ông và tôi qua ăn tối nay, nhưng chưa nói chuyện với ông nên tôi từ chối hộ ông, còn tôi phải đi ăn, lát cho thằng Minh về đón ông. Tôi cũng cho ông Hiển biết tôi chơi mạt chược kém lắm, có thể hơn mấy tay trong Tiểu Đoàn mình, nhưng ra ngoài chỉ là hạng tép riu. Ông Hiển nói không sao, chỉ có mình ông có thể đi với tôi.
Thực ra tôi chơi kém thật, vì đâu có học bao giờ. Lâu lâu ngồi xem ông Bố Vợ và mấy ông bạn xoa, tôi nhận mặt từng quân, nhận biết qui luật kết hợp, luật lệ chơi, rồi cũng đôi lần được cầm bài, gọi là “chiến trường” thì quả là chưa đi đến đâu. Nhưng như người ta nói, bài bạc không cần học, hầu như khiếu chơi có sẵn trong máu nhiều người. Ở đây, nếu cần hai tay chơi bên Quân Y thì đúng là không còn ai, ngoài ông Hiển và tôi. Khoảng 7 giờ 30 tối, điện thoại từ Trung Úy (Đại Úy?) tùy viên của Tướng  Lịch gọi tôi, nói ông ta sẽ lái xe qua đón. Từ đó, mấy vị sĩ quan khác trong Tiểu Đoàn cứ nói đùa là tôi phải đi “công tác” mỗi tối. Sau này tôi tự lái xe jeep qua, thường là từ 6 giờ chiều để ăn tối xong mới xoa. 4 tay chơi thường xuyên là Chuẩn Tướng Lịch, cô Thanh Trà, ông Hiển và tôi. Đôi khi hoặc ông Tướng bận quân vụ, hoặc ông Hiển bịa chuyện để nghỉ ngơi một chút, ông Sĩ Quan Tùy Viên ngồi thay. “Cuộc vui” có lẽ kéo dài 4 tháng hay hơn, sau nhờ Bác Sĩ Đàm Quang Hiển thuyên chuyển, hoặc nhờ cô Thanh Trà chuyển qua chơi tứ sắc, đậu chén khá lớn, chơi mạt chược cò con, không ăn thua lớn, không hào hứng, bên quân y được tha. Thời gian ngắn nhưng cũng nhiều điều thú vị, xin kể vài chuyện bên lề:
Tôi đã tự thú thuở đó là một tên chơi mạt chược hạng xoàng. Vì chơi dở, nhiều khi cũng vì vận đen, ngăn kéo đựng sầu của tôi sau một hội thường vơi gần hết. Sau khi ra ngoài ăn trưa, hoặc ăn tối, trở vào, ngăn kéo của tôi bỗng lại gần đầy. Vừa xoa quân bài, tôi vừa đợi cô Thanh Trà ngẩng lên, liếc nhìn phía tôi, tôi khẽ cúi đầu nhẹ chào như gửi lời cảm ơn. Nàng cũng nhẹ nhàng mỉm cười thông cảm. Dĩ nhiên chẳng bao giờ chúng tôi gợi ra điều gì ám chỉ chuyện này, nhưng chỉ có một cách giải thích. Bác sĩ Hiển và tôi qua đây xoa mạt chược để giúp cô giải sầu. Với lương bổng một tên Thiếu Úy quèn, lại là tay non trong bàn, chắc rằng chỉ độ vài mươi hội bài là hết tháng lương. Cô Thanh Trà thông cảm, luôn tìm cách đề tôi ít nhất cũng hòa vốn hoặc mang về chút đỉnh. Nếu cô đánh những quân bài có lợi cho tôi, gọi là “bơm” bài, thì sẽ mất phần thú vị, mất phần gay cấn của cuộc chơi, và cũng oan cho mấy tay chơi kia, nên cô bù cho tôi chỗ thua, lấy sầu của cô bỏ vào ngăn kéo tôi. Có thể đâu đó có những xì xào dè bửu về cô. Với tôi, riêng chuyện cứu thằng Thiếu Úy nghèo cho thấy cô cũng là một phụ nữ lịch lãm. Có thời gian Quốc lộ 13 đoạn từ Bến Cát về Bình Dương bị đắp mô liên tục. Xe trong Sư Đoàn đi chợ Bình Dương không được, mọi người phải ăn lương khô gần tháng trời. Những  lúc đó, chúng tôi chơi từ sáng đến tối, và được ăn “tươi” như thường. Tôi không nhớ rõ lắm là hằng ngày, hay mỗi tuần 3 lần, Tướng Tư Lệnh cho Trực Thăng đi chợ Bình Dương mua rau cỏ, trái cây, thịt cá tươi, với lý do rất chi hợp lý, nghĩa là giúp bên bệnh xá thuộc Tiểu Đoàn Quân Y mỗi tuần có vài bữa tránh được lương khô, nhân tiện mua cho nhà bếp Tư Lệnh. Bình thường mỗi ngày bên Tiểu Đoàn Quân Y đều có xe đi chợ Bình Dương, vừa để mua thức ăn, vừa là cơ hội đi, về của lính Quân Y nghỉ phép, nên Tiểu Đoàn và bệnh xá luôn ăn đồ tươi, và lính Quân Y đi phép được đưa đón đến Bình Dương. Các đơn vị khác, lính nghỉ phép thường phải đi bộ hoặc quá giang ra Bến Cát, rồi chờ xe đò, rất mất thì giờ. Hy vọng trí nhớ của tôi đúng. Cứ buổi sáng, khoảng 8, 9 giờ là hoặc chàng Sĩ Quan Tùy Viên, hoặc chính cô Thanh Trà, gọi điện thoại cho tôi: Thiếu Úy Anh, qua sớm ăn sáng không? Tôi luôn luôn từ chối: Còn phải làm việc chứ Trung Úy, hoặc, Tôi phải làm việc chứ Bà Tư Lệnh, không xong việc tôi bị tống cổ đi bây giờ, kèm theo tiếng cười từ hai bên đầu dây. Quí vị ấy mời cho có cớ để tôi cho cái hẹn hôm đó chính xác là mấy giờ, hoặc 10 giờ rưỡi, hoặc 11 giờ hay hơn, nhưng luôn luôn phải qua ăn trưa. Thường khi qua chúng tôi hay chơi tay ba, cô Thanh Trà, anh tùy viên và tôi. Ông Tư Lệnh và bác Sĩ Hiển làm việc, khoảng 12 giờ hay hơn mới đến, vừa vặn cơm trưa. Cô Thanh Trà còn biểu lộ thêm vài điều tế nhị đối với tôi, như lúc uống cà phê sau bữa ăn, hoặc lúc ăn bánh ngọt buổi xế chiều, cô hay hỏi lớn trước mặt mọi người: Ông Anh à, ngày mai ông muốn ăn món gì? Bí tếch? Hay gà, hay sườn nướng, …? Có thể cô chưa biết nên ăn gì ngày mai thật, nhưng thường là giả bộ để có vẻ đề cao quyết định của tôi. Dĩ nhiên tôi luôn từ chối, hoặc vì tôi biết cô ta giả bộ thôi, hoặc vì thằng tôi cả quỷnh có biết món gì với món gì, nhỡ cô ta hỏi vào chi tiết cho mỗi món thì bỏ sừ. Tôi trả lời: Xin để Tư Lệnh, hoặc xin để Bác Sĩ Hiển cho thực đơn giùm, với tôi, món gì ở đây cũng đều ngon cả. Bếp của bà Tư Lệnh nấu khéo lắm. Bác sĩ Hiển hoặc ông Tư Lệnh đôi khi phụ họa: Đúng đấy, Bà Tư Lệnh quyết định đi, bà điều động nấu các món ăn đều ngon. Thường canh mạt chược kết thúc vào lúc hơn 9 giờ hoặc 10 giờ tối, tức là chơi được một hội sau bữa ăn tối.
Sau khi Quốc Lộ 13 được giải tỏa, đường xe đi lại bình thường, chúng tôi ai cũng muốn về thăm nhà vào cuối tuần. Đường giải tỏa nhưng cô Thanh Trà chưa chịu giải tỏa. Bác Sĩ Hiển và tôi cố gắng chịu đựng ít lâu, hai đứa thay phiên vắng mặt để nghỉ phép, chúng tôi nói đùa là “phép Bà Tư Lệnh”. Rồi Bác Sĩ Hiển thuyên chuyển, cô Thanh Trà thấy mạt chược bữa đực, bữa cái, và chắc cũng chán mạt chược, cô xoay qua Tứ Sắc. Tôi được thảnh thơi, cũng là lúc tôi sắp rời Tiểu Đoàn.
Là sĩ quan lâu lâu tôi cũng phải trực ở Sư Đoàn, tôi không nhớ gọi là trực gì, “Trực Yếu Khu?” Các đơn vị trong sư đoàn tùy theo số sĩ quan chia nhau  số ngày trực. Bên Quân y rất ít ngày vì các Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ viện cớ phải trực tại bệnh xá, chỉ còn mấy sĩ quan hành chánh. Với Quân Y, thường mỗi năm mỗi sĩ quan trực một hay hai lần. Ngày trực, từ 6 giờ chiều, chúng tôi phải túc trực cả đêm tại văn phòng trực, là sĩ quan chỉ huy tại văn phòng đó. Chúng tôi là người phải báo cáo về Bộ Tư Lệnh khi có biến cố gì xẩy ra, Trong đêm, một hoặc hai lần, chúng tôi gồm một tài xế, một hạ Sĩ Quan và một binh lính chạy xe jeep vòng quanh theo hàng rào Sư Đoàn, kiểm soát các vọng gác phòng thủ. Khi thấy ánh đèn xe trên đường phòng thủ, các trạm gác đánh kẻng cho biết còn thức và canh gác. Không có kẻng, chúng tôi phải leo lên vọng gác đánh thức lính canh phòng, và ghi sổ. Đôi khi, chúng tôi phải chạy vòng vòng trong làng Lai Khê, tức là khu một số dân chúng sống trong vòng hàng rào Sư Đoàn. Khoảng 8 giờ sáng, hết phiên trực. Có lần, ông Trung Tá (hay Đại Tá?) Tham Mưu Trưởng, hoặc ông ThiếuTá (Trung Tá) trưởng Ban nào đó của Ban Tham Mưu, đến kiểm soát phòng trực, gặp tôi, cười hỏi: Ủa, Thiếu Úy Anh, sao hôm nay ông ở đây, ông không bận “công vụ’ à. Tôi cũng cười trả lời.: Dạ, có, tôi xong việc lúc 8 giờ hơn là chạy đến đây, có nhờ sĩ quan khác trong Quân Y nhận bàn giao ở đây từ lúc 6 giờ chiều. Tối nay xin về sớm vì trực. Mấy ông Tham Mưu Trưởng, Trưởng Phòng Hành Quân, hoặc Trưởng Ban nào đó thường hay vào gặp Tướng Tư Lệnh lúc ông ấy đang ở phòng khách hay tại bàn mạt chược, bắt gặp một tên gầy còm xấu xí đang cười nói vui vẻ với Tư Lệnh, tự nhiên nhớ mặt tên đó ngay. Thực ra, khi qua chơi bên Tư Lệnh, tôi không khi nào mặc quân phục, chỉ mặc thường phục hoặc khoác bộ quần áo bà ba đen của cán bộ xây dựng nông thôn, mấy bộ này hồi đi thăm Trung Tá Nguyễn Bé, các anh chị ở Trung Tâm Huấn Luyện Vũng Tàu cho. Nhưng Tướng Tư Lệnh bao giờ cũng lịch sự giới thiệu khi thấy mấy vị sĩ quan kia vào trình công vụ: Bác Sĩ Hiển ông đã biết, còn đây Thiếu Úy Anh, cũng ở bên Quân Y. Tôi phải đứng dậy, nghiêm chào ông Tá, còn ông ta, lịch sự đến bên tôi bắt tay. Gặp ở ngoài, thấy có một bông mai vàng trơ trọi, chưa chắc ngài Tá hạ cố nhìn đến bản mặt tôi. May mấy ông nhớ mặt, khi gặp tại “Phòng Trực Yếu Khu”, ê kíp Quân Y chúng tôi chỉ bị liếc qua đại khái, rồi ngài Tá ký sổ trực. Có lần một ông Thiếu Tá hỏi tôi: Chắc ông với ông Tướng thân nhau lắm, … . Tôi phải lảng đi: Dạ, Thiếu Tá, tôi chưa khi nào dám xin xỏ điều gì để biết mức độ thân đến thế nào, lỡ ông ta nổi giận, ký mấy ngày thì khổ. Còn anh em lính Quân Y theo tôi trực, khoái tỷ, về kể lung tung, mấy vị sĩ quan hành chánh quân y kia nhất định bắt tôi trực thế, và ngay cả mấy bạn lính nữa cũng ùa vào đòi, vì họ cho rằng tôi trực, mọi việc đều xuông sẻ.

Cô Thầy Bói
Sau khi tôi lập gia đình, do nhu cầu cần luôn có mặt tại Sài Gòn để trông coi Công Ty Quảng Cáo 3A (AAA) đang mỗi ngày một phát triển, tôi nghĩ đến chuyện “chạy chọt”, tức là dùng tiền để thuyên chuyển về Sài Gòn. Tôi chủ trương không bao giờ nhờ vả, mang nợ. Không nhớ do tôi, hay do bà Mẹ Vợ, chúng tôi tìm được đường dây. Một ông Trung Tá ở Sài Gòn nhận giá là $300,000.00 (viết con số theo kiểu Mỹ, và đơn vị tiền là Việt Nam Cộng Hòa), tức Ba Trăm Ngàn đồng, tôi sẽ được thuyên chuyển về một nơi nào đó trong ngành Quân Y ở Sài Gòn. Tôi đề nghị Quân Y Viện Trần Ngọc Minh hay Trường Quân Y, mấy nơi đó giống như chốn “đèo heo hút gió’, ở khu Phú Thọ, gần Chợ Cá Trần Quốc Toản, chẳng có quyền lợi gì, dễ thọ hơn. Nhưng ông ta bảo có thể họ chuyển tôi về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Chưa có gì chắc chắn. Gặp gỡ lúc một tháng rưỡi trước Tết năm 1973, đưa trước một trăm ngàn. Ông bảo đảm sau Tết sẽ có sự vụ lệnh thuyên chuyển. Một, hai tuần sau, ông cho biết giấy tờ đang nằm ở đâu, chờ ai ký.
Theo lời hứa, khoảng tuần lễ đưa ông Táo về trời, hoặc có thể chậm hơn là ngày Ông Táo trở lại, tức 29, 30 Tết, sự vụ lệnh thuyên chuyển của tôi sẽ về đến Cục Quân Y, rồi chừng một hai tuần lễ sẽ về đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Cũng có thể trễ một vài tuần vì gặp dịp Tết, và còn tùy thuộc mấy nơi như Cục Quân Y, hoặc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, trước khi tới Tiểu Đoàn Quân Y. Ngày đưa Ông Táo về trời, tức 23 Tết, chúng tôi đến "thăm" ông Trung Tá, lấy cớ biếu ít quà Tết. Bà vợ nói ông ấy đi Nha Trang, gần Tết mới về. Không gặp được ông ta, bà Mẹ Vợ rủ tôi đi xem bói. Nghe nói cô (quên tên, cô Hoàng?) ở trong một tiệm may trên đường Đồ Chiểu (hay Huỳnh Tịnh Của? – con đường tạo thành ngã ba với đầu cuối cùng của đường Pasteur), có tài coi bói bài tây rất hay. Đành đi theo cho bà yên tâm. Tôi nghĩ, bói gì nữa, ông Trung Tá này làm ăn kiểu uy tín, nói nếu cần, mỗi tuần ông ta đưa tôi đến mỗi nơi để xem giấy tờ đang ở đó. Cô thầy bói còn trẻ, khá xinh xắn, tôi cũng vui. Sau mấy kiểu sào bài, bầy bài, bà Mẹ vợ sốt ruột nói ngay: Chúng tôi cần biết có dấu hiệu gì về thay đổi công việc, hoặc thay đổi nơi làm việc không. Lại cắt bài, trang bài, sào bài, rút bài, bày bài, cuối cùng cô nói: Có hai điều hiện ra rõ ràng, một, ông sẽ mất một món tiền lớn, không biết ông để quên, hay đánh rơi? nhưng chắc chắn mất một số tiền. Gặng hỏi, cô nói không thấy kẻ xấu chung quanh nên không phải bị lấy trộm hay bị lường gạt. Cô nhắc lại không biết vì sao. Thứ hai, chuyện ông hỏi, một năm nữa mới có thay đổi, hoặc sớm lắm là 9, 10 tháng nữa có thay đổi nơi làm việc. Không có thay đổi nào trước 6 tháng. Mà ông có trong quân đội, phải không? Ông ở nơi này yên ổn, nhàn nhã lắm mà. Bà Mẹ vợ gặng hỏi: Cô coi kỹ lại giùm xem, nghe nói sắp thuyên chuyển mà. Cô lấy tay chỉ vào từng con bài, giải thích, và quả quyết trong vòng mấy tuần nữa không có thay đổi gì hết. Bà Mẹ vợ đành thú nhận: Chúng tôi chạy tiền, có lời hứa sau Tết sẽ thuyên chuyển … Cô thầy bói vẫn xác định: Không có bà ơi, đó là theo mấy quân bài này cho biết. Bà cũng đừng lo người ta lường gạt bà, ông này mất tiền nhưng không có ai lường gạt hết. Ông sẽ thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc, nhưng tự nhiên mà đến, không tốn tiền gì cả. Nhưng trong vòng một năm, không phải ngay bây giờ. Chúng tôi đành ra về, cho rằng cô này chắc coi không đúng như lời đồn. Chờ qua Tết, ngày Mùng Ba, chúng tôi đến nhà ông Trung Tá, lấy cớ chúc Tết để thăm hỏi giấy tờ. Bước vào nhà ông, ngay giữa nhà là bàn thờ đèn đuốc sáng chưng, và ông Trung Tá ngồi chễm trệ trên đó, tức là giữa bàn thờ, một khung ảnh màu đen có hình ông tươi cười nhìn tôi, (hình như) ánh mắt nhấp nháy trêu chọc theo ánh sáng hai ngọn nến to đang lay động vì gió ào vào theo cánh cửa mở. Qua câu chuyện bà vợ ông kể: Đi Nha Trang về, ông gặp bạn bè ở Bộ Tổng Tham Mưu, nhậu nhẹt tất niên, tối 28 Tết về nhà, trúng gió, mất luôn. Hỏi chuyện giấy tờ, bà nói không hề biết gì mấy chuyện ông ấy làm ăn. Bây giờ chúng tôi có đưa thêm cho đủ số tiền bà ấy cũng không biết tìm ai, đưa ai. Tôi vẫn chưa hiểu được vì sao bói bài tây lại hay đến vậy. Lời tiên đoán càng hiệu nghiệm hơn nữa khi tôi được thuyên chuyển thực, không nhớ rõ tháng nào, trong khoảng từ Tháng Tám đến Tháng Mười năm 1973. Tôi vẫn định bụng đến khen tặng cô Thầy Bói, lần lữa, Tháng Tư 1975 ập đến.

Bây giờ đến chuyện thằng tôi “đại ngôn”, khoác lác. “Cô bạn thân mến” tức Bà vợ tôi thường hay cáu gắt về những câu tôi nói “bậy bạ”, cái kiểu nói vui đùa như ai đó qua đời, ai đó bệnh hoạn, … bởi vì bà nói tôi có cái miệng “thiêng” lắm, nói chơi chơi mà nhiều chuyện hay thành sự thực. Hôm đám cưới chúng tôi năm 1971, nhiều bạn bè đến dự, trong đó có anh Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu. Mấy anh hỏi tôi được mấy ngày phép khi kết hôn. Tôi nói do có hảo ý đặc biệt của Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng (lúc đó hình như là Bác Sĩ Trương Đạm Thủy), nên được hai tuần. Mấy anh hỏi, Bí có muốn về Sài Gòn chơi 1 tháng không? Tôi ừ ào với ý nghĩ là câu chuyện vui đùa thôi, nhưng vẫn đưa số quân, đơn vị theo yêu cầu. Vỉ tôi là Sĩ Quan Phát Hướng Viên, ngày phát lương, Sĩ Quan Tài Chánh Sư Đoàn không chịu cho ai lãnh tiền về phát lương, phải chính là tôi, cho nên nghỉ chưa được 10 ngày thì gặp ngày cuối tháng, tôi phải lên Sư Đoàn, nếu không, anh em lính sẽ phải chờ cả tuần sau mới có lương do tôi lên trễ. Định bụng sẽ đi lãnh tiền ngay, rồi giao Trung Sĩ Tia phát lương cho anh em, tôi lại vù Sài Gòn. Trước khi ra xe, rồi tạt qua phòng nhân viên gặp Thiếu Úy Hưng, ý muốn nhắn gửi anh ta để mắt giùm số tiền đó, gần cả triệu cơ mà, vừa tiền lương anh em lính, vừa tiền ăn cho Thương Bệnh Binh trong nửa tháng. Thấy tôi, anh ta túm lấy: này ông Anh, có lệnh biệt phái ông về cái gì chống cộng này, đi một tháng từ cuối tuần này, ông ký ở đây để Sư Đoàn trình báo lại Bộ Tổng Tham Mưu, tôi đang  tính cho người mang về Sài Gòn cho ông ký. Ông mà trình diện nơi đó trễ là tôi lãnh củ đấy. Đọc kỹ, đó là lệnh biệt phái của Bộ Tổng Tham Mưu, cử tôi về công tác tại Liên Minh Á Châu Chống Cộng – (Phân Bộ Việt Nam do Bác Sĩ Phan Huy Quát làm Chủ Tịch), nhân dịp Đại Hội Thanh Niên Của Liên Minh Thế Giới (hay Á Châu?) Chống Cộng, tổ chức ở Việt Nam. Lại do bàn tay Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu. Mình quen mấy cái trò thanh niên này rồi, nhưng mấy ông Thiếu Úy, Trung Úy bình thường, thấy lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu, lại bên Sư Đoàn đốc thúc, thấy dễ run lắm. A, đến lúc tên Thiếu Úy gàn bát sách là tôi “loạn ngôn”, thực ra tôi chỉ muốn nói khôi hài, nhưng nét mặt vẫn tỉnh nên ai cũng nghĩ tôi nói thật: Tưởng gì, biệt phái có một tháng. Tôi còn chờ đi luôn ấy chứ. Ông Trung Sĩ già trong Phòng Nhân Viên hỏi gặng: Ông sắp thuyên chuyển hở, mừng à nghe. Lại cái lối đại ngôn khoác lác: Thuyên chuyển thì có gì vui, phải biệt phái về dân sự, cởi bỏ bộ quần áo này, khỏi phải trực luôn mới khoái chứ. Mọi người súyt xoa phụ họa, nhưng có ai tin không thì không biết vì tôi đã đi ngay. Có thể họ nghĩ tên Thiếu Úy Bắc Kỳ này dóc tổ. Mà nói dóc thật, hồi đó nghe nói Bộ Tổng Tham Mưu đình chỉ chuyện biệt phái dài hạn, đã “dô” lính là dính luôn, không Bộ nào trong Nội Các xin được biệt phái lính về Bộ mình. Gắt lắm, ngưng “trăm phần trăm” (100%). Chẳng hiểu sao miệng thằng tôi phát ra ba hoa như vậy, xưa nay tôi vẫn có tiếng nghiêm chỉnh nhất nhà (Tiểu Đoàn), họ gọi tôi là “ông nhà nho lạc vô Thủ Đức”. Ông Bác Sĩ Trương Đạm Thủy, Y Sĩ Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng, đôi mắt cười cười sau làn kính cận, nói với đám sĩ quan quanh bàn ăn: Trông ông Anh khắc khổ quá, có ai làm ông ấy cười vui được không? Ông ấy gầy như Kirk Douglas. Mọi người cười, và tôi cũng cười giữa những ánh mắt tinh quái chung quanh, họ chăm chăm nhìn tôi giống như đang chờ xem một con khỉ ở sở thú sẽ dở trò gì ra. Tôi “dzậy” đó, vậy mà bỗng dưng hôm đó phát nói dóc!
Lại một tháng trời dung dăng, dung dẻ với vợ ở Sài Gòn. Nói vậy, thực ra bận túi bụi. Ít nhất mất 1 tuần theo ông Đỗ Ngọc Yến đưa bọn thanh niên, sinh viên ngoại quốc tham dự Đại Hội đi trại ở Vũng Tàu. Ông Đỗ Ngọc Yến là Trại Trưởng, ông ấy phong tôi làm “Trại Phó Công Tác”, có lẽ để Bộ Tổng Tham Mưu thấy họ “biệt phái đúng người, hoặc ông Bác Sĩ Phan Huy Quát xin đúng người! ??”. Thì giờ còn lại ở Sài Gòn, ngày nào cũng hí hoáy phác họa mẫu quảng cáo để đưa cô em vợ vẽ, xếp chữ (những mẫu chữ cắt được từ báo Pháp), rồi đi gặp một số dược phòng, một số thương nghiệp để bàn luận hợp đồng, rồi đến các báo sắp xếp ngày đăng quảng cáo. Phần lớn chúng tôi quảng cáo về các dược phẩm. Đôi khi đến chỗ bạn bè, có nơi mở quán cà phê, làm animateur cho họ vài buổi, hoặc giúp anh bạn còn ở lại lo tiếp chuyện xuất bản … Một tháng qua mau, giữa lúc đi biệt phái vẫn mấy lần chạy lên Tiểu Đoàn, hoặc vì lương bổng, hoặc vì lãnh gạo, lương thực nuôi thương bệnh binh. Dù sao ở Tiểu Đoàn ai cũng nói tôi gốc lớn. Nghĩ bụng, chưa lớn bằng gốc mấy cây gì cao lêu khêu giữa sân Tiểu Đoàn. Sau tháng trời “chống Cộng” đó, lại cặm cụi đếm tiền, đong gạo, chia “khẩu phần C”, xen vào giữa là chuyến bay lên Bình Long, rồi tháng ngày xoa mạt chược giữa thời buổi cấm trại, … Lúc này, tôi đã có hai tí nhau rồi, cuối tuần nào cũng về với vợ. Thực ra, bọn quân y chúng tôi về Sài Gòn hoài, không ai cảm thấy thực sự xa Sài Gòn cả. Nếu có “than” bị sống xa nhà, là than cho phải phép, chẳng lẽ không than phiền chuyện xa vợ con!
“Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa, …” Đã gần một năm kể từ ngày phát dại nói dóc. Một tối, vợ tôi gọi điện thoại nói anh Điểu cần gặp tôi gấp, lấy số quân với gì gì đó. Tôi nói: Thì em lấy giấy bút ghi số quân anh, … Nàng chặn ngay: Không, ngày mai anh phải về ngay nói chuyện với anh ấy, bảo chuyện quan trọng lắm, em không biết gì mà nói hết. Sáng mai anh về đi!
Nàng tưởng trong quân đội cứ như ngoài chợ, muốn đi lúc nào là đi. Sáng hôm sau tôi cắt đặt công việc cho mấy bạn lính đồng sự, may không phải cuối tháng, mọi việc cũng nhẹ nhàng, rồi qua Phòng Nhân Viên gặp Trung Úy Đỗ Kiến Hưng, hình như lúc này tôi cũng sắp đến kỳ hạn lên Trung Úy. Tôi nói Hưng ký cho tôi sự vụ lệnh đi đâu đó ở Sài Gòn, sáng đi chiều về, và chàng ký tên, kèm theo sự vụ lệnh cho một xe jeep đi công tác. Chúng tôi vẫn thường làm giùm nhau như vậy, chuyện này, chuyện kia, vả chăng, Hưng đang chờ thuyên chuyển về Sài Gòn. Tôi vù Sài Gòn, gặp anh Điểu. Anh cần số quân, đơn vị rõ ràng, và vài chi tiết lẩm cẩm của tôi, để cho vào danh sách xin biệt phái về Bộ Dân Vận. Tôi có được đọc bản danh sách anh đang thảo, đa số là những anh em quen biết, một số đang ở Bộ Giáo Dục, một số đang ở quân đội, lẻ tẻ vài anh từ mấy nơi khác. Tôi nghĩ thầm, từ quân đội mà biệt phái chắc chắn là khó lắm, nên không mấy tin tưởng. Lời cô Thầy Bói năm xưa hiện về, nhớ đến cũng để cho vui, không giúp gì hơn cho sự tin tưởng. Chuyện năm xưa đúng chắc gì chuyện ngày nay cũng đúng. Tuy nhiên, khi trở lại doanh trại, tôi cũng phải thì thào với Trung Úy Hưng rằng tôi về gấp lo giấy tờ biệt phái, nhưng chỉ độ 5% hy vọng mà thôi. Tôi phải cho chàng biết giống như chàng là người quan trọng duy nhất được biết, như một lời cảm ơn khi tôi cần thì chàng giúp. Đúng ra vì tôi cẩn thận chuyện đi lại ở Sài Gòn nên nhờ Hưng cho tờ giấy cho chắc ăn, chứ còn chuyện tôi vắng mặt chẳng ai quan tâm, nhưng sợ mấy anh Quân Cảnh ở Bình Dương, ở Sài Gòn cắc cớ hỏi đến, lại phiền, có giấy tờ vẫn hơn. Bên Quân Y ra vào cổng Sư Đoàn, nói đi Bến Cát, vẫn được mấy bạn Quân Cảnh dễ dàng cho đi. Tôi có anh bạn là xếp của Tiểu Đội Quân Cảnh ở Sư Đoàn, tên Quỳnh, Trung Úy Quỳnh, nhưng tôi chưa bao giờ “bắc quàng làm họ” để được dễ dãi. Anh từng ở Phú Quốc, đổi về đây, chừng hơn mộ năm lại đổi đi đâu tôi quên rồi.
Ai ngờ “miệng đàn bà, con trẻ vậy mà thiêng, …” Câu này ở đâu đó, tôi quên rồi, nhưng miệng ăn mắm an muối của tôi cũng thiêng thật. Chuyện biệt phái hóa ra là có thật, có trễ vài tháng theo dự trù tôi được nhắn tin. Và dĩ nhiên chẳng tiền nong gì cả. Bà Mẹ vợ tôi nói làm cái bánh biếu chị Điểu, anh Điểu nghe chuyện cau mày gắt tôi: Vẽ sự. Ông làm tôi lại mang tiếng ăn hối lộ bây giờ. Cái chuyện hối lộ tham nhũng này sau cùng cũng khiến anh Điểu phiền lụy, phiền lụy vì không chịu tham nhũng, không chịu "theo dòng". Nhưng tôi không kể ở đây, sẽ kể khi nào viết về bạn bè. Mà cũng là chuyện “nghe nói”, loại chuyện này ít khi có được chứng tích gì cụ thể.

Vậy là mấy buổi ăn nhậu chia tay. Bỗng nhiên mình chẳng vui thú gì chuyện hưởng may mắn hơn người cùng quân ngũ. Mấy bạn này cùng với mình gần gũi gần 3 năm, 3 năm trong quân đội dài chưa bằng 3 năm tù như các cụ nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, nhưng dài hơn 3 năm ở đời thường nhiều. Ngoài xã hội, bạn bè gặp nhau suốt 3 năm, nhưng là ban ngày, đôi khi công tác chung, đi cắm trại vui chơi ít ngày, chỉ thế thôi, Còn ở đây, cả bọn ăn cùng, chơi cùng, sống cùng cả ngày lẫn đêm, cùng chung nhau nghe những tiếng đạn pháo kích nổ, cùng chung nhau nhìn vũng máu thương bệnh binh, cùng chung nhau nỗi buồn một anh bạn nào ngã xuống, cùng chung nhau nỗi sợ, điều mừng … 3 năm trong quân đội khác lắm, không thể nói là bằng bao nhiêu năm đời thường. Thằng tôi chỉ là một tên Trung Úy ở Bộ Chỉ Huy, so với những anh em đồng ngũ ngoài mặt trận, cọ sát từng ngày, từng giờ với sự sống và cái chết, thì tính cách thời gian của họ khác bên ngoài nhiều lắm, không thể so sánh, không nên so sánh. Cho nên buổi nhậu nhẹt chia tay nào mình cũng gượng gạo, tự nhiên vậy, không vì làm giáng, không vì làm bộ thương người, mà vì không thể “vui giả” được. Bây giờ, hai chữ “Lai Khê”, tôi yêu lắm.
Có một điều ghi muộn ở đây. Hồi đó, có một lần tôi rủ mấy bạn lính đồng sự ra ngoài làng Lai Kê chơi. Chơi billard bàn trong căn cứ mãi cũng chán, ăn nhậu hoài trong mấy câu lạc bộ quen cũng chán, tìm mới lạ ngoài làng. Xe chạy vòng vòng, hàng quán là những túp lều vách đất mái tranh, hoặc vách gỗ, mái tôn, hoang sơ, im ắng. Cũng nhiều người đứng ngồi trong quán, nhưng sao tôi thấy vẫn im lìm. Mọi người, kể cả bàn ghế, vách tường, mái tôn, mái lá đều như lạ lẫm nhìn chúng tôi, nhìn cái xe jeep có chữ thập đỏ in trên bạt xe. Ngừng lại một nơi có bàn billard trống. Cô chủ lặng lẽ đứng nhìn, lặng lẽ đưa mấy cục bi tròn, mấy miếng lơ để xoa đầu gậy. Không thấy nét vui mừng ánh trên khuôn mặt cô vì có khách. Chúng tôi gọi cà phê, nước ngọt, bia, vừa chơi vừa uống. Mọi thứ đều được đưa đến lặng lẽ, không miễn cưỡng cũng không  hài lòng, không thù hằn cũng không trìu mến. Tôi vẫn nhớ hoài cảm nhận đó. Có thể nó lệch lạc do nhận thức của tôi. Nhưng các bạn lính cùng tôi chơi lặng lẽ, cũng không cười đùa, hào hứng như bình thường. Chơi ít phút, chúng tôi đành về. Có thể dân làng ít khi thấy bóng lính quân y ở đây, thường là những đơn vị khác? Về sau tôi quên không hỏi mấy bạn kia về chuyến ra làng này, lúc nhớ lại cảm giác lạ lùng đó thì không gặp bạn nào, lúc gặp lại không nhớ. Mà tôi vẫn ôm lấy hình ảnh của buổi trưa hôm ấy, không dằn vặt cũng không nâng niu, nhưng nó vẫn loanh quanh đâu đó, lẽo đẽo, chập chờn ẩn hiện cùng tôi. A, một buổi trưa lạ lùng!
Sống cạnh một căn cứ lúc nào cũng chứa trên dưới một ngàn người mà sao dân làng trông vẫn có vẻ nghèo đói. Cũng có thể hàng rào phòng thủ căn cứ có bảo vệ dân làng, nhưng người lính trong căn cứ quên mất có dân làng bên cạnh? Có lẽ đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi, chắc rằng các bạn lính những đơn vị khác vẫn lui tới “ngoài làng’ thường xuyên mà tôi không biết. Suốt 3 năm ở Lai Khê, tôi ra làng có một lần, làm sao mà thấy thân quen cho được. Không chút thân quen mà tôi vẫn nhớ mãi về buổi trưa hôm đó, nhớ như hình ảnh “nhớ nhung về đứng ngã ba, … (thơ Huy Cận?)” với chút chút buồn vương vấn trong lòng. Bây giờ, ngồi lắng đọng lại, vẫn buồn buồn mà không thể tách bạch cho thành sợi tơ, sợi tóc. Tôi đành tự gọi đó là “một buổi trưa trong cuộc chiến.”

Phủ Tổng Ủy Dân Vận
Cuối năm 1973, tôi không nhớ tháng nào, Tháng 9, hay 10,  tôi về trình diện Phủ Tổng Ủy Dân Vận nằm trên đường Phan Đình Phùng. Về đây tôi gặp lại một số anh em từng sinh hoạt chung từ hồi sinh viên, 1963, đặc biệt trong hai Chương Trình, “Chương Trình Hè 65” và “Chương Trình CPS”. Anh Lê Đình Điểu lúc đó là Giám Đốc Khối Kế Hoạch, sau kiêm nhiệm Cục Phó Cục Thông Tin Quốc Nội của Phủ Tổng Ủy Dân Vận. Theo tôi nhớ, một khóa thi tuyển Chuyên Viên cho Khối Kế Hoạch được tổ chức, ứng viên phải có văn bằng Cử Nhân hoặc văn bằng tương đương. Bên cạnh đó Phủ Tổng Ủy xin biệt phái từ Quân Đội và những Bộ khác trong nội các một số anh em từng sinh hoạt trong các lãnh vực Thanh Niên, Sinh Viên, Văn Học Nghệ Thuật. Phía danh sách xin biệt phái của Khối Kế Hoạch có nhiều người từng sinh hoạt chung với anh Điểu. Tôi cũng nghe nói danh sách xin biệt phái từ Quân Đội đã bị Bộ Tổng Tham Mưu từ chối. Sau bản danh sách đó phải xuất phát từ Phủ Tổng Thống những người này mới được biệt phái . Đó là lý do vì sao (như ở trên tôi kể là) ngày biệt phái bị trễ so với dự trù.
Tôi ở trong quân đội gần 5 năm, từ 1969 đến 1973, nhưng chưa một ngày ở ngay mặt trận, đối mặt kẻ thù Việt Cộng. Tôi từng thú nhận chỉ là một tên đi bên lề cuộc chiến, không hề chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, sát ngay cái chết như những anh em, bạn bè khác. Bây giờ, tôi lại trở về cuộc sống dân sự, lại làm việc trong không khí gần như hồi sinh viên giữa những bạn bè thân quen trong Nhóm Chuyên Viên thuộc Khối Kế Hoạch Bộ Dân Vận. Tôi làm việc ở đây chừng gần một năm, khoảng tháng 6 hay 7 năm 1974, tôi đi nhận nhiệm sở ở Chương Thiện.
Gần một năm tại Khối Kế Hoạch, đúng ra có nhiều việc làm lý thú để kể ra, tôi lại không có hứng để kể. Đành chỉ kể vài chuyện bên lề (Đã nói rồi, tôi là thằng chẳng ra gì, luôn luôn đi bên lề), mà toàn chuyện ấm ớ, không một tí tị hay ho.
Đầu tiên là chuyện “Ông Tư Lệnh”. Hồi đó, bên Cục Thông Tin Quốc Ngoại Phủ Tổng Ủy Dân Vận tổ chức vận động sinh viên du học từ mấy nước Tây phương về “thăm nhà”, tức là về Sài Gòn, về Miền Nam. Cục Trưởng là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, nhưng “đầu nậu” chương trình thăm quê hương là Đỗ Ngọc Yến. Anh ta đầu têu một “Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Ngoại”, chiếm dẫy nhà phía sau Cục trên đường Tự Do làm trụ sở. Bọn tôi, mấy đứa trong Khối Kế Hoạch, được biệt phái qua làm việc cùng anh Yến, tôi chỉ nhớ có Hà Tường Cát và tôi. Thế là lại cái kiểu sinh hoạt Thanh Niên, Sinh Viên hồi xưa. Hôm đến gặp anh Yến để nhận việc, đang thấy anh ríu rít với mấy cô nữ sinh xinh như mộng, trong đó có cô tên Minh Lý, trường Nguyễn Bá Tòng. Trong chương trình đón tiếp sinh viên quốc ngoại có mục đi Cố đô Huế, và thăm Cổ Thành Quảng Trị, đến bên Cầu Hiền Lương. Buổi tối đầu tiên ở Miền Trung các bạn Sinh Viên được đưa đi thăm một làng quê nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên. Dân làng mời ăn tối dưới ánh đèn dầu tù mù, và tôi nhớ “Quê Nghèo, Về Miền Trung” của Phạm Duy, khi nhìn các bạn sinh viên đã quen nếp sống phương trời Tây đang ngắc ngứ với mấy củ khoai lang, món ăn duy nhất của bữa tiệc chào mừng các con yêu về thăm quê nhà. Kể ra anh Yến khá là “tâm lý’, nhất định nhắc nhở các bạn ở ngoại quốc chớ quên “Quê hương ta nghèo lắm ai ơi”, nhớ về phục vụ đất nước nhé. Tôi là thằng đầu đường xó chợ ở trong nước còn ngắc ngoải với mấy củ khoai, không nhớ là khi trở lại Huế vào nửa đêm, có mò ra chỗ nào làm tô bún bò Huế hay không.
Trưa hôm sau, phái đoàn sinh viên quốc ngoại leo lên mấy chiếc GMC, trực chỉ đường đi Quảng Trị, và mấy chục cây số “Đại Lộ Kinh Hoàng” chạy dài không dứt. Xe ngừng vài quãng, bãi cát trắng mênh mông hưu quạnh hai bên đường, loáng thoáng những khúc xương rải rác, vài chiếc xọ người còn lăn lóc đâu đó. Quân đội đã thu dọn di thể hàng ngàn thường dân bị Bắc Quân pháo kích chết trên đường chạy trốn Cộng Sản, nhưng còn để sót xương người vương vãi nhiều nơi. Ngồi nhớ lại hình ảnh âu sầu mênh mông đó, tôi chợt nghĩ đến những người đang sống bên tôi tại Mỹ. Cuộc bỏ phiếu bằng chân từ 1954, rồi 1972, cuối cùng là sau 1975, vẫn chưa đủ để cho nhiều người “Việt Tỵ Nạn” hiện nay (của thiên niên kỷ 2,000.) tỉnh giấc mơ màng hướng về Hà Nội? Trở lại ngày xưa, thêm một lần xe ngừng lăn bánh cho chúng tôi xuống đường buồn bã ngắm nhìn “Nhà Thờ La Vang” đổ nát, rồi phái đoàn được hướng dẫn đi thăm đơn vị quân đội đóng quân trên một đồi cát Quảng Trị. Xế chiều, các bạn sinh viên chia từng nhóm nhỏ bám theo mấy chàng lính chiến, thưởng thức bữa cơm tối lương khô với thịt hộp, gạo xấy, … Riêng bọn đầu nậu trong nước chúng tôi được Tướng Tư Lệnh mời dự “đại yến.” Yến và tôi xin kiếu vì muốn gần mấy bạn quân nhân canh gác, ngắm nhìn ‘ánh mắt hỏa châu”, nhưng vẫn cử phái đoàn qua bên “Ông Tư Lệnh”. Khoảng 9 giờ tối, Yến đươc kêu đến bên máy truyền tin “nghe điện thoại.” Hóa ra một cô nữ sinh kêu cứu, đại khái như: “Anh Yến, mau cứu em về bên đó ngay, …” Yến nói cô bình tĩnh, cúp điện thoại đi, để Yến kêu lại ông Tướng. Trước đó Yến đang tính nhờ máy truyền tin kêu qua bên Ông Tướng khi thấy phái đoàn ăn tối về thiếu một cô. Tôi cũng chỉ nhớ đại khái mẩu đối thoại của anh Yến với ông Tư Lệnh. Mấy mẩu cuối cùng như: “Thưa Trung Tướng, phái đoàn này do Phủ Đặc Ủy Dân Vận tổ chức, …” Thấy chưa có câu trả lời dứt khoát, Yến bồi thêm: “ … rất nhiều phóng viên báo chí có mặt trong phái đoàn, họ sẽ tường thuật mọi chuyện hết đó Trung Tướng, …” Cuối cùng, có lời hứa xe sẽ đưa cô nữ sinh L. về với chúng tôi. Vài phút sau, cô về tới, ôm choàng anh Yến khóc tức tưởi. Chưa có chuyện gì kịp xẩy ra với cô, nhưng vẫn là  những phút kinh hoàng của cô. Thực ra lúc đó Ông Tư Lệnh là Chuẩn Tướng, Thiếu Tướng hay Trung Tướng tôi không nhớ, tôi cứ phong ông làm Trung Tướng Tư Lệnh cho oai, vì có oai như vậy mới tính “thị oai” với đám học trò mới lớn. Ông mới qua đời gần đây, chính ra tôi nên chôn chuyện này theo ông, nhưng vì kể lại chuyện đời tôi, một thằng con trai của thời buổi chiến tranh, thì cũng xin đóng trọn vai nhân chứng vài cảnh, vài mặt của cuộc chiến này.
Tôi đã ghi thêm vài chuyện nữa, như chuyện anh Lê Đình Điểu rời khỏi Dân Vận, về làm việc với Tiến Sĩ Lê Văn Hảo bên Bộ Kinh Tế, chuyện anh Điểu là vật trở ngại cho xe chạy và giấy in lót đường, … Nhưng sau, tôi xóa hết mấy chuyện này. Chẳng đáng để quí vị đọc.

Khoảng Tháng 5 hay 6, 1974, tôi có giấy bổ nhiệm làm Trưởng Cơ Sở Dân Vận tỉnh Chương Thiện, và ở đây, tôi được gặp một người lính đích thực của Việt Nam Cộng Hòa, và mừng rằng "Quân Đội Ta" không chỉ gồm mấy ông như "Ông Tướng" kể trên. Lúc đó tôi đã có vợ, và hai con 3 và 2 tuổi. Tự nhiên nói về vợ con ở đây vì tôi muốn kể chuyện này, một chuyện vớ vẩn thôi, nhưng vì khi kể chuyện đời tôi, tôi luôn luôn đặt nó trong khung cảnh xã hội đương thời với nhiều hình ảnh khác nhau. Tôi không kể rằng thời buổi đó người ta “chạy chọt” để có những chức vụ này nọ, vì tôi chỉ nghe nói, nghe đồn, không tận mắt nhìn, nghe. Cho nên trong “Tự Sự” của tôi, tôi kể đủ thứ chuyện vớ vẩn chỉ vì muốn vẽ lên hình ảnh thực của những điều nghe đồn này nọ, nhưng chính tôi chứng kiến hoặc là đối tượng, nạn nhân. Nghĩa là chuyện thực của tôi. Anh Lê Đình Điểu mang về Phủ Tổng Ủy Dân Vận một số anh em vốn sinh hoạt chung từ lâu. Có vẻ như tôi là tên cuối cùng trong nhóm đó được đưa đi địa phương, rời khỏi Trung Ương, sau khi anh Điểu qua tá túc bên khu vực kinh tế của ông Nguyễn Văn Hảo. Nghĩa là, tôi là tên “người của Điểu” cuối cùng rời khối Chuyên Viên, và được cử đi làm “Trưởng Cơ Sở Dân Vận Tỉnh Chương Thiện”, tức là làm Trưởng Ty ở tỉnh. Chuyện vớ vẩn là thế này: Bên nhà vợ tôi có người họ hàng, quen biết gì đó làm ở Bộ Thông Tin từ lâu, nghe tin tôi đi làm Trưởng Ty, nên hỏi vợ tôi rằng “chạy” mất bao nhiêu, vì mấy chức vụ loại đó “béo bở” lắm. Đại khái họ nhìn rất thực tế vào các “ủy ngân” từ Bộ về các Ty vào thời buổi uy thế “Dân Vận” đang lên ào ào. Vợ tôi rất ngạc nhiên vì cô nữ sinh viên nhỏ bé này chưa từng biết chốn quan trường là gì, điện thoại hỏi tôi ý nghĩa mấy câu hỏi vừa rồi, và hỏi cô phải trả lời sao. Nghe tôi giải thích, cô trả lời họ rằng chúng tôi không mất gì cả và chuyện đi xa này với tôi là một chuyện “đi đầy”, giống như ông Bạch Cư Dị của “Tỳ Bà Hành”. Họ không tin và nói rằng tôi dấu vợ tôi đó, mất tiền chứ, và nàng sắp giầu to rồi! (Sau này, 1975, lúc tôi đi tù Cộng Sản, một người bà con của vợ tôi còn hỏi rằng “Kiếm được bao nhiêu rồi mà đã phải đi tù?”). Dù sao, hình ảnh “phấn khởi” của mấy vị ấy vẽ ra giúp cho vợ tôi bớt lo và buồn về chuyện tôi phải đi xa, không như ngày nào lúc nàng chở tôi đến Quân Vụ Thị Trấn để chấm dứt cuộc đời dân sự tự do bay nhẩy, hoặc theo con đường dài dằng dặc tìm căn cứ Lai Khê, nơi tôi thực sự sống cuộc đời quân ngũ.

10 Tháng Dưới Quyền Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng Tỉnh Chương Thiện.
Cuối Tháng Sáu hoặc đầu Tháng Bẩy, tôi nhận bàn giao chức vụ “Trưởng Cơ Sở Dân Vận” tỉnh Chương Thiện. Vị tiền nhiệm là một Chuyên Viên thuộc khối Kế Hoạch, về Phủ Tổng Ủy Dân Vận cùng thời tôi, thuộc lớp sinh viên tốt nghiệp đại học thi tuyển. Anh tên Hoàng Hữu Phúc (hay Nguyễn Hữu Phúc?), đi làm Trưởng Cơ Sở khoảng 1 năm trước đây, nay anh xin đổi về tỉnh Vĩnh Bình. Anh Phúc sau này cũng là người quen biết vì lấy vợ là cô (Trần Ngọc?) Yến, thời sinh viên chúng tôi vẫn gọi là “Cô Yến Thằng Bờm”, vì cô là con gái của bà chủ nhà ở khu Phạm Ngũ Lão, nơi mấy anh bạn tôi là Lưu Trọng Đạt, Đinh Bá Ái thuê căn phố tầng trệt mở quán cà phê “Thằng Bờm”, cũng là một chuyện “Hậu Quán Văn.” Bây giờ, vợ chồng Phúc ở Dallas (?) Một chuyện khác cũng khá thú vị, cho thấy quả thực trái đất tròn, là sau này khi tôi ở tù ở Thanh Hóa (trại Thanh Cẩm), trong đám “tù Phục Quốc” có một cậu nhỏ là con một vị Trưởng Ty Thông Tin Chương Thiện. Vị này là ông Đặng Huy Minh, Tháng 5 năm 1971 tử nạn do Việt Cộng phục kích trên đường từ Cần Thơ về. Khi tôi ở Chương Thiện, một số bạn nhân viên còn kể chuyện này.
Sau mấy ngày đi chào hỏi các quan chức trong tỉnh, tôi được vài vị rỉ tai cho biết Ty Thông Tin Chương Thiện (Cơ Sở Dân Vận, mọi người chưa quen gọi tên mới này) là nơi rất phức tạp. Ai về đây được vài tháng là có “thơ rơi” tố cáo này nọ, thơ gửi Tòa Hành Chánh Tỉnh, thơ gửi Hội Đồng Nghị Viên, thơ gửi về Bộ, mọi người nói tôi cố gắng tránh tình trạng đó chứ thay đổi (Trưởng Ty) hoài, chán lắm. Khoảng 3 tuần sau ngày bàn giao, tôi lần đầu tiên họp nhân viên, mời cả các vị Trưởng Chi ở các quận về họp. Sau vài thủ tục thường lệ theo sự sắp xếp của ông Phó Trưởng Cơ Sở và ông Trưởng Ban Hành Chánh, phần báo cáo của các Chi, các Ban, các bên trao đổi, thảo luận, giải quyết, đến phần mọi người chờ đợi là “ông Trưởng Cơ Sở nói chuyện”, xem “tay này” làm ăn ra sao. Kể toàn tỉnh Cơ Sở Dân Vận có khoảng hơn 400, gần 500 người làm việc, lãnh lương, khoảng gần 250 giấy hoãn dịch, nhưng họp tại Cơ Sở ở Tỉnh chỉ có gần 70 người, kể cả Đoàn Văn Tuyên với nhân số 20 - 27 người. Trước đám cử tọa đang im lặng như tờ, ngóng nhìn lên phía bàn chủ tọa, chàng Trưởng Cơ Sở gầy còm khó ưa, nói ngắn, gọn, đại khái thế này: Tôi biết hoàn cảnh tỉnh mình đặc biệt, đi lại khó khăn, nên hàng tháng các vị Trưởng Chi ở Quận không cần về họp, tránh đi lại tốn kém, nguy hiểm, chỉ gửi báo cáo, cứ gửi bưu điện không cần qua hệ thống viễn thông bên Văn Phòng Quận Trưởng, như thế tránh nhờ vả. Trường hợp đặc biệt, khẩn cấp mới dùng các phương tiện hiện hữu. Tôi cũng thú nhận, cứ theo cách quí vị mô tả chuyện đi lại, chưa biết bao giờ tôi mới đến thăm anh em ở 3 quận xa được, còn hai quận gần là Đức Long, Long Mỹ, tôi sẽ xin đến chơi với các bạn. Điều thứ nhì, là điều tôi muốn lưu ý nhất, là dù mới đến đây ít ngày, tôi cũng được biết tình hình Cơ Sở (Ty) mình khá phức tạp, hay có những đồn đãi, tố cáo này nọ. Trong hoàn cảnh đó, tôi không có đề nghị thay đổi gì khác, nhưng xin kể về trường hợp cá nhân tôi: Tôi có một vợ, hai con. Ở Sài Gòn tôi điều hành một cơ sở làm ăn với lợi tức hàng tháng trên, dưới 250 ngàn, gấp 7, 8 lần lương của tôi. Giả dụ tôi có ăn hối lộ, tham nhũng, chắc cũng không kiếm nổi con số đó. Cho nên chuyện tôi về đây là chuyện “đi đầy”, tôi không chạy chọt để về đây. Bất cứ vị nào gửi thư tố cáo để tôi rời khỏi chức vụ này, tôi xin cảm ơn. Chắc rằng chuyện tôi đến đây có thể làm vài vị phật ý, xin hãy cố gắng chịu đựng, rồi chúng ta sẽ thông cảm nhau thôi. Còn công việc, tôi chưa có thay đổi gì đâu, nếu có thay đổi, có tăng tốc độ làm việc, nếu quí vị có phải cực nhọc hơn, là do các chương trình, kế hoạch từ trung ương phát động xuống, nhưng chúng mình cứ nhìn nhau, dựa vào nhau mà làm, sao cho đừng quá bê bối là được, … Đại khái, tôi nói vài ý như vậy, không hề kêu gọi cố gắng làm việc, hoàn thành nhiệm vụ, … như bình thường mọi người vẫn nghe.
Tôi có thăm dò bên Tòa Tỉnh, nửa năm sau chẳng có lá thư rơi nào tố cáo tôi, chán mớ đời!

Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn
Ở Chương Thiện chỉ có 10 tháng trời (Cuối Tháng 6 (?), đầu Tháng 7, 1974 đến cuối Tháng 4, 1975), đủ thời gian cho tôi trải qua lắm điều thú vị. Nhưng khi ghi lại quãng thời gian này không hiểu sao, đầu óc tôi chỉ lảng vảng hình ảnh Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, vị Tỉnh Trưởng đáng kính. Có thể một dịp khác tôi trở lại với đầy đủ chi tiết của quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đầy dẫy kinh nghiệm (hoạn lộ, quan trường), cũng là một cách nhìn lại hoàn cảnh một tên nhà quê là tôi lọt vào cơ cấu hành chính. Hôm nay tôi chỉ xin ghi lại chút ít hình ảnh mơ hồ của một sĩ quan cao cấp thực sự trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nói “chút ít và mơ hồ” vì tính đến thời điểm này đã hơn 40 năm trôi qua, ký ức phai dần, và quả thực tôi chỉ làm việc dưới quyền Ông, giao tiếp, gặp gỡ Ông có 10 tháng, e rằng những ghi nhận của tôi sẽ không rõ nét, chưa đủ, nhưng tôi tin rằng đều là trung thực, ít nhất qua kinh nghiệm của tôi.
Lần đầu tiên tôi gặp Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn là trong buổi lễ bàn giao của tôi với vị Trưởng Cơ Sở tiền nhiệm, anh (Hoàng? Nguyễn?) Hữu Phúc, một bạn kém tôi vài tuổi tôi gặp loáng thoáng trước đây thời sinh viên. Tôi đến Chương Thiện chiều hôm trước thì sáng hôm sau bạn Phúc tổ chức lễ bàn giao, có vẻ bạn rất sốt ruột để rời khỏi Chương Thiện. Bạn ta biết ngày tôi nhận nhiệm sở nên tính trước ngày tổ chức bàn giao là sáng hôm sau. Do đó, tôi chưa kịp qua trình diện tại Văn Phòng Đại Tá Tỉnh Trưởng thì Ông đã đến gặp tôi trong lễ bàn giao. Tôi bắt tay một vị đại tá trông rất bình thường vì khổ người thâm thấp, và khuôn mặt hơi quê mùa với dấu tích vết thương trên mặt. Tôi lí nhí xin lỗi vì chưa kịp trinh diện và nói sẽ xin trình diện Ông tại văn phòng bên Tòa Tỉnh chiều nay. Ông gật đầu, không cười, không nói. Buổi chiều trình diện do Ông Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Khắc Linh hướng dẫn tại Văn Phòng Tỉnh Trưởng diễn ra hoàn toàn có tính cách xã giao. Đại tá Tỉnh Trưởng rời bàn giấy ra ngồi salon tiếp chúng tôi. Có lẽ chỉ khoảng 10 phút chúng tôi cáo từ. Trước đây, do “bám đuôi” mấy vị lão thành hoặc đàn anh, tôi từng hội họp, gặp gỡ, đôi khi vui chơi với những nhân vật cao cấp trong chính quyền như mấy vị Tổng, Bộ Trưởng, …, và với mấy vị tướng tá trong quân đội dù tôi chỉ là một tên nhà quê thấp bé, một lính trơn hay Chuẩn Úy, nên đã quen thấy cấp bậc các vị không là điều gì  đáng ngại. Với vị Đại Tá đầu tỉnh này cũng vậy, tôi hết sức thoải mái khi trình diện nhưng cũng bầy tỏ lòng cảm phục vì từng nghe biết Ông là một trong Ngũ Hổ của Miền Tây.
“Ngũ Hổ Miền Tây”, tôi chỉ được nghe nói, được đọc đâu đó về các vị này, nhưng với Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn thì chính tôi được “sống” với những gì người ta thường kể lại về Ông. Với kinh nghiệm “sống thực”, nghĩa là làm việc trực tiếp với Ông, dù chỉ một thời gian ngắn, khoảng 10 tháng, tôi không rõ chữ “Hổ” có đủ để mô tả về con người Ông hay không, vì bên cạnh tính cách oai phong, uy quyền của “Hổ’, Ông còn có sự khoan hòa, bao dung, đôi khi nhún nhường, nhẫn nhịn.
Tôi nhận nhiệm sở “Cơ Sở Dân Vận” tỉnh Chương Thiện giữa lúc Phủ Tổng Ủy Dân Vận phát động chiến dịch “Toàn Dân Quyết Tâm Bảo Vệ Giang Sơn”, có lẽ là một chiến dịch về chuyện Hoàng Sa giữa Trung Cộng và Việt Nam. Cho nên, sau khi đến Chương Thiện được 1 tuần thì Cơ Sở Dân Vận Chương Thiện đã nhận được ủy ngân 2 triệu cho chiến dịch này tại địa phương. Ngoài các hoạt động như phát thanh lưu động tại các xã ấp, phát thanh định kỳ hằng ngày mấy lần trên loa phóng thanh khu vực tỉnh lỵ, biểu ngữ dăng mắc khắp hang cùng ngõ hẻm, các bảng tuyên truyền, cổ động dọc theo trục lộ chính của xe cộ và ghe, thuyền, một hoạt động mang tính chính thức trình diện địa phương mà các bạn nhân viên trong cơ sở úp mở lưu ý tôi, đó là buổi thuyết trình chính thức về chiến dịch tại Hội trường Tòa Hành Chánh Tỉnh. Căn cứ vào tài liệu của trung ương, tôi soạn gấp một tài liệu trình bày chiến dịch, cho in khoảng trên ngàn bản, dùng trong dịp này một ít, còn phân phối cho các quận. Qua các bạn nhân viên, tôi hiểu rằng các “Thân hào nhân sĩ” địa phương muốn xem cái tên “Trưởng Cơ Sở” mới này làm ăn ra sao trong buổi thuyết trình. Thành phần giới ưu tú của địa phương bao gồm các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, các vị trưởng các ty sở bạn, các vị khoa bảng trong ngành y, ngành giáo dục, ngành canh nông, công chánh, …, nói chung là giới công chức, các sĩ quan cấp Úy, cấp Tá tại tiểu khu, các vị thương gia, và các vị chức sắc hồi hưu, … Các bạn Trưởng Ban của Cơ Sở (từ đây, xin gọi là “Ty” cho tiện) lộ vẻ băn khoăn, hỏi tôi có cần “thuyết trình thực tập” trước trong nội bộ Ty hay không. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Ủa, cần làm như vậy à? Các bạn cho biết trước đây thường là vậy, để cho chuyện thuyết trình không bị lúng túng, nhất là đây là “buổi đầu ra mắt” của tôi, lỡ có những câu hỏi hóc búa. Tôi trấn an các bạn, nói đừng lo, ngay cả những câu hỏi gay gắt nhất hiện nay thường xuất hiện trên báo chí, đó là nghi vấn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dính đến việc buôn bán ma túy, cũng cứ việc hỏi. Và quả nhiên có một câu hỏi như vậy thật trong buổi thuyết trình của tôi.
Sau buổi thuyết trình, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn hơi nhếch mép cười khi bắt tay tôi, và các bạn nhân viên sau đó “hoan hỉ” nói rằng như vậy có nghĩa buổi thuyết trình của tôi thành công. Tôi thấy thương các anh chị em nhân viên này, tôi là một tên lính mới mà họ cũng lo lắng giùm, lo lắng một cách đơn giản, mộc mạc, chân thành. Với tôi, chuyện mấy vị Thầy Cô giáo, vị Hiệu Trưởng trường Trung Học Vị Thanh (có phải tên như vậy?) vài ngày sau rủ tôi khi rảnh vào chơi với họ mới chứng tỏ tôi được “địa phương chấp nhận”.
Tôi vẫn muốn kể tiếp một số kỷ niệm với Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, và chuyện kể này có thể không theo thứ tự thời gian, mà theo dòng trí nhớ.
Chuyện đầu tiên xẩy ra sau buổi thuyết trình chừng 3, 4 tháng. Tôi kể trước vì liên quan ngay đến chiến dịch mà tôi thuyết trình bên trên. Khoảng 4 tháng sau buổi “ra mắt” địa phương đó, ông Phó Ty Dân Vận thông báo tôi rằng 2 triệu Ủy ngân từ Bộ chỉ dùng hết có 1 triệu rưỡi (hay 1 triệu 6, tôi không nhớ rõ), và đặt trên bàn tôi khoảng 4, hay 5 trăm ngàn tiền mặt còn lại. Tôi vẫn ngồi yên, hơi bất ngờ, nhưng giữ ông Phó đứng lại, và hỏi: Ngày xưa, chuyện này ra sao, có chia chác gì không? Ông cười cười, cái đó “tùy ông Trưởng!” Một phút suy nghĩ, tôi nói ngay quyết định của mình: Đầu tiên là một số anh em ở văn phòng Ty. Chúng mình có mấy anh, chị em cán bộ nghèo ngay tại đây, ở các quận thì xa quá, khó cho mọi người hiểu câu chuyện. Ông cầm số tiền nhỏ này, hoặc đưa tiền, hoặc mua gì đó cần thiết, tặng anh chị em, cứ nói là tôi có tiền thưởng của Bộ, chia cho mấy anh chị em. Còn số (tiền) này, ông đưa ông Trưởng Ban Hành Chánh của Ty (tên Phước?), nói tôi muốn mua cho ông ấy cái xe đạp để đỡ đi bộ, số này, ông đi mua giùm tôi ít quà cho các cháu ở nhà, tôi giữ số này có mấy việc, khi mấy ông Trưởng Chi ở Quận về họp, tôi góp với họ chút chi phí dọc đường, một số để riêng tôi tiếp khách, một số tôi sẽ góp vào quĩ “tiếp khách” của Tỉnh, …
Không cần nói, quí vị cũng biết là bộ mặt ông Phó Ty “cứ nghệt ra.” Có lẽ lần đầu tiên ông ta thấy một tên Trưởng Ty kỳ quái (hay cù lần? hay mát dây?) như vậy. Sau đó, chàng rất vui và góp ý với tôi chuyện “quĩ tiếp khách” của bên Tỉnh nên đưa Ông Trưởng Ty Ngân Khố, ông ta nắm tay hòm chìa khóa cho Tỉnh Trưởng. Tôi nói Không. Tôi không thể biết ông ta sẽ cho vào quĩ bao nhiêu, ông ta sẽ báo cáo với văn phòng Tỉnh thế nào, tôi làm theo cách của tôi. Tôi cũng không nói cách đó thế nào. Thực ra ông Trưởng Ty Ngân Khố là một vị hiền lành, chân chất, dễ gần, thân thiện. Nghe nói ông là Trưởng Ty mấy đời Tỉnh Trưởng rồi. Nhưng tính của tôi là mọi chuyện cần biết rõ từ đầu đến cuối, dĩ nhiên là vì thế đôi khi “vượt quá lộ trình bình thường.”
Tôi qua Tòa Tỉnh, xin gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng. Ông Phụ Tá Hành Chánh, một vị Đốc Sự vui tính, mập mạp đoán là tôi xin phép đi Sài Gòn du hý phải không. Ông tên Diệp Bửu Long, chỉ nói vui vậy thôi chứ ông biết gia đình tôi ở Sài Gòn. Tôi vào đứng nghiêm trình diện Đại Tá Tỉnh Trưởng. Ông tính chìa tay ra chỗ sa lông để mời tôi ngồi nói chuyện như mọi khi, nhưng tôi nói ngay, xin Đại Tá khỏi bận tâm, tôi có chuyện này báo cáo ngay thôi, không mất thì giờ. Ông ngồi lại bàn giấy. Tôi rút túi ra sấp bạc cột dây thung Hai Trăm Ngàn Đồng đặt lên bàn và nói ngay, Thưa Đại Tá, hồi tôi mới đến Bộ ủy ngân cho tôi 2 triệu để lo chiến dịch Toàn Dân Bảo Vệ Giang San. Anh em xử dụng còn thừa ít tiền, tôi có giữ một số ít chi dụng sau này, tôi xin trích một phần góp vào quĩ tiếp khách của Đại Tá. Ông ngớ người ra, nhìn tôi. Xưa nay ông ít nói, cái nhìn thường thầm lặng với nhiều dấu hỏi. Tôi vội nói tiếp, Thưa Đại Tá, tôi biết rằng bình thường mọi chuyện do Ông Trưởng Ty Ngân Khố lo sắp xếp. Nhưng tôi nghĩ chuyện này chỉ có Đại Tá và tôi biết thì hơn. Đại tá đã biết tính tôi rồi, xin đừng ngại, đừng nghĩ xa làm gì. Rồi tôi chuyển câu chuyện cho bớt căng thẳng, hình như chiều nay lại đến lúc tôi được Đại Tá cho ăn tối rồi. Nét mặt ông thư dãn hơn, và nhếch mép cười. Tôi nói thêm, hồi còn ở Sài Gòn, tôi thường chỉ uống bia, về đây, Đại Tá tập cho tôi uống rượu mạnh, bắt đầu thấy ghiền rồi đó. Ông cũng nói đưa đẩy, Ông Trưởng có uống bao nhiêu đâu. Vài câu nói xã giao bông đùa, rồi tôi đứng nghiêm chào ông, xin cáo lui.
Chắc hẳn Đại Ta Hồ Ngọc Cẩn cũng thấy tên Trưởng Ty này kỳ kỳ, tốc tốc thì phải. Nhưng tôi biết Ông đặc biệt quí mến tôi, và ưa thích cách hành xử của tôi trong các chuyện. Khi tôi về Chương Thiện được chừng hơn 2 tháng, một buổi chiều tôi nhận được điện thoại từ Tư Dinh Tỉnh Trưởng. Chính Đại Tá Tỉnh Trưởng ở đầu máy. Ông hỏi tôi tối nay có rảnh không, vào ăn tối với ông đuợc không. Chừng nửa giờ nữa? Chỉ có mình ông với tôi thôi. Tôi nhận lời ngay. Ông không thuộc thành phần học vấn cao, cũng không thuộc gia đình có nền tảng xưa cũ, nhưng ông rất tinh tế trong cách giao tiếp. Biết tính tôi ít thích chốn đông người ồn ào hoặc lễ nghi, nên đã chọn bữa tối chỉ gồm 2 người, giản dị, thân mật.
Bữa ăn dọn ra, ông ngồi đầu bàn, tôi ngồi ghế đầu tiên hàng ghế bên phải. Chai Henessy mở sẵn, ông rót cho ông, rồi rót cho tôi. Ông pha thêm sô đa và đá, còn tôi sợ đầy bụng, uống sec với đá. Về khoản rượu thì tôi mù tịt, đến giờ này cũng vẫn mù tịt, chẳng biết thế nào là nhãn vàng, nhãn đỏ, nhãn đen, loại nào đắt tiền, quí, hiếm. Và bữa ăn đầu tiên với ông có một món duy nhất dành cho tôi, đó là Rùa Khìa. Ông dục tôi, ông ăn đi, bà vợ tôi làm món này ngon lắm. Còn trước mặt ông chỉ có một bát cháo trắng, và đĩa hột vịt muối. Ông nói đang bị khó ở, không muốn ăn đồ nặng. Chiều nay có người cho con rùa, bà xã muốn làm món khìa mà tôi lại không muốn ăn, nên nghĩ ngay ra chuyện mời ông vào nhậu cho vui, để thanh toán con rùa này. Người ta cho không lẽ từ chối, mà bà vợ tôi ngoan đạo lắm, không muốn ăn thịt gì hôm nay. Hóa ra hôm đó là Thứ Sáu.
Phần tôi, do đã lang thang Miền Tây mấy lần trước khi về Chương Thiện, nên cũng quen với mấy món “đặc sản’ vùng đồng bằng Cửu Long như chuột đồng, rắn, rùa, cá lóc nướng bùn, … Thực tình, ngoài món cá ra, tôi vẫn ngài ngại với mấy món kia, nghe thiên hạ tán là ngon lắm, nhưng tôi vừa ăn, vừa ngại, mà vẫn phải tỉnh như không. Hôm nay cũng vậy, tôi cũng phải suýt xoa Bà Đại Tá làm món nhậu tuyệt vời. Từ chỗ tôi ngồi, nhìn thẳng xuống phía sau nhà là bếp. Một phụ nữ trong bộ quần áo có thể gọi là “quê mùa” đang lui hui nấu nướng. Nghe Ông Tỉnh Trưởng nói chính “bà xã’ nấu món này, vậy chắc bà kia là Bà Tỉnh Trưởng, hoặc đúng ra phải gọi là “Bà Phu Nhân ông Tỉnh Trưởng”, nhưng ở đây, tôi xin dùng danh xưng không đúng như thiên hạ quen dùng cho tiện, giống cái kiểu giữa chốn Bolsa cách tôi 16 dặm xa lộ, người ta cứ gọi “Bà Bác Sĩ” mặc dù bà ta chưa từng bước chân vào trường Y. Tôi nói, món rùa đậm đà lắm, cho phép tôi xuống bếp cảm ơn Bà Tỉnh Trưởng. Ông khoác tay, thôi vào bếp làm gì, để tôi gọi bà ấy lên chào ông. (Quí vị nhớ nhé, “gọi bà ấy lên chào ông.”) Bà lên, một phụ nữ thật giản dị, dễ thương, rất gần với hình ảnh thôn nữ đồng quê. Không hề thấy một “lệnh bà” quyền quí, sang trọng, quần là, áo lượt. Ở Bà, hình ảnh một Bà Mẹ Miền Nam hiền thục, chăm chỉ, chăm lo cho chồng con, và chỉ biết việc nhà, việc bếp. Ở đây, tôi xin thêm một nhận xét của bữa ăn tối đầu tiên với Ông Tỉnh Trưởng, và những bữa sau này cũng vậy, là, nhìn xuống bếp, tôi không thấy lảng vảng một ông lính nào, nghĩa là tự Bà Tỉnh Trưởng làm mọi việc xào, nấu. Không biết ở sau khuất nữa, có ông lính nào lo chuyện cắt tiết gà, vịt, hay mổ cá, đánh vẩy hay không, tôi đồ rằng không. Có lần Bà bảo tôi, Ông Trưởng đừng lo, mấy con ốc này tôi tẩm rượu với gừng, sát muối kỹ lắm, không còn chút mùi bùn nào đâu. Nghĩa là không có câu “tôi bảo mấy anh ấy tẩm rượu, sát muối, …”. Và thêm điều này, trong các bữa ăn tối giữa Ông Đại Tá và tôi, người bưng đồ ăn từ bếp lên là cậu con trai gầy gò của Ông. Mọi thứ, bát nước chấm, xô đá cục lấy từ tủ lạnh, đĩa rau thơm, cái muỗng còn thiếu, … đều do cậu con trai mang lên. Tôi biết Đại Tá còn có bữa ăn nhậu với các vị sĩ quan trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, không biết mấy bữa này ra sao, riêng với tôi, chưa từng thấy một ông lính nào dính vào việc phục vụ bữa ăn, dù mặc quân phục hay thường phục. Sau này, thường là Thứ Ba (hay Thứ Mấy?) khi biết tôi có mặt ở Tỉnh , Đại Tá Tỉnh Trưởng gọi cho tôi hẹn vào ăn tối, mà cũng chưa bao giờ tôi nghe đầu dây bên kia là giọng một sĩ quan nào khác, sĩ quan tùy viên, sĩ quan cận vệ, … Có vẻ như Ông coi mấy chuyện này là chuyện riêng tư, không phải chuyện công vụ., trong khi những lần mời họp, hay vào gặp ông chuyện công việc, luôn luôn đầu dây bên kia là Ông Phụ Tá Hành Chánh, hoặc vị Trưởng Ban nào đó. Phía tôi, trừ bữa đầu tiên tôi mặc sơ mi thường chứ không mặc áo 4 túi của đồng phục Dân Vận, các bữa sau tôi cứ đánh trần sì bộ bà ba đen của Xây Dựng Nông Thôn, giống nhu hồi ở Sư Đoàn 5, khi vào xoa mạt trược với Ông Bà Tướng Tư Lệnh.
Phục vụ dưới quyền Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn hơn 10 tháng trời thì đến ngày 30 Tháng Tư, 1975. Tính ra, có lẽ tôi vào ăn tối với Ông chừng 4 hay 5 lần. Tiếng là đã ước hẹn “hàng tuần, vào ngày Thứ Mấy,” nhưng trên thực tế, Đại Tá luôn luôn bận rộn với nhiều công việc và khách khứa, còn phần tôi, hay kiếm chuyện về Sài Gòn hay đi chơi các tỉnh Miền Tây với anh bạn Trần Đại Lộc là Đại Diện Dân Vận Vùng 4, nên cái “hàng tuần” này trở thành một, hai tháng mới có một bữa tôi được ăn tối với Đại Tá. “Được ăn tối”, mấy chữ trịnh trọng trên không phải vì nhân đó tôi được ăn sơn hào hải vị. Trái lại, bà Đại Tá thường chỉ làm mấy món giản dị vùng quê, cá bống kho tộ, thịt ba chỉ khìa nước dừa, thêm vài hột vịt, tô canh chua cá, … Tôi đoán, đấy là thực đơn dành cho tôi là tên cù lần không biết “nhậu.” Mấy chữ trịnh trọng trên cho thấy tôi rất thích thú những câu chuyện chậm dãi kể ra của mấy tối đó. Câu chuyện trên bàn ăn hay quanh ly cà phê sau bữa ăn, (chỉ mình tôi uống cà phê, Ông Tỉnh Trưởng tiếp tục nhấm nháp ly rượu) chẳng khi nào dính đến công việc cụ thể. Không nói chuyện công vụ, nhưng Ông hay kể tôi nghe vài hoạt động trong cuộc đời chiến binh của ông, không phải như khoe khoang chiến công hiển hách, mà là khía cạnh hài hước, đôi khi cười ra nước mắt của các sự kiện. Qua đó, tôi biết Đại Tá là một con chiên ngoan đạo, và có đức tin mãnh liệt vào Đấng 3 Ngôi. Ông nói rằng Ông đã vượt qua nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo do được hồng ân Thiên Chúa. Tôi cũng nghe kể giữa khuya, ông từng một mình với một anh lính lái xe honda chạy đi kiểm soát đồn bót dọc tỉnh lộ. Đại Tá hơn tôi 5 tuổi, hình như Ông sinh năm 1938. Nghe những mẩu chuyện gần như tâm sự, tôi cười cười nêu lên khía cạnh trái ngược giữa con người Ông và con người tôi: Ông ngoan đạo, sống kỷ luật, chỉ biết đến Quân Đội, Đất Nước và Gia Đình; còn tôi, tứ đổ tường đều nhuốm đủ, trừ ma túy vì sợ mà không đụng vào. Ông cười, nói như thế “ông sướng hơn tôi”. Nhiều khi chúng tôi cũng chẳng nói gì chuyện đời. Ông hỏi tôi vài câu nào đó mới đây Ông nghe nói đến, có thể là từ một ông Thân Hào Nhân Sĩ, hoặc một vị về hưu, như mấy chữ “Tỳ Bà Hành” chẳng hạn. Tôi hào hứng giải thích, và ông cũng hào hứng nghe, xin lưu ý, hai chữ “hào hứng” ít khi thuộc “tự điển của Đại Tá”, vì ông ít khi biểu lộ thái quá niềm vui. Tôi nói về đàn Tỳ Bà, rồi bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, và tóm lại ý của bài hành là nói nỗi buồn của một người bị đẩy đi vào chỗ hẻo lánh heo hút, xa hẳn chốn phồn hoa đô hội. Tôi đồ rằng Ông Đại Tá nghe mấy chữ trên từ một vị Đốc Sự Trưởng Ty nào, hoặc nhân viên cấp cao tại Tòa Tỉnh Trưởng. Tôi kể chuyện này để chỉ muốn nói rằng Ông Đại Tá luôn luôn tìm cách học hỏi. Có mấy tính cách nổi bật của Ông, ngoài chuyện Quân Đội, Tổ Quốc, Gia Đình, là Ông rất thương lính, luôn học hỏi, và bao dung.
Tôi đã kể rằng hay kiếm chuyện đi chơi các nơi ngoài tỉnh. Mỗi lần đi khỏi nhiệm sở tôi đều báo với Ông Phụ Tá Hành Chánh để khi cần thiết ông báo cáo Đại Tá Tỉnh Trưởng, và thường bao giờ cũng viện lý do công vụ. Lần duy nhất tôi “dù”, oái ăm thay, bị lộ. Đó là dịp Tết Ất Mão 1975. Tết năm đó, không rõ là do tình hình chiến sự, hay do chuyện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hẹn cuối năm thăm một đơn vị quân đội (Địa Phương Quân hay quân tăng phái Tiểu Khu?) dưới quyền Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, mà Văn Phòng Tỉnh Trưởng và Chỉ Huy Trưởng Tiểu Khu ra thông báo cấm trại quân nhân công chức, không cho ra khỏi tỉnh trong dịp Tết. Thực ra, mấy lệnh này chỉ áp dụng cho viên chức giữ chức vụ hoặc sĩ quan cấp cao. Trước đó mấy ngày, Đại Tá Tỉnh Trưởng gọi họp mấy người, phía Tiểu Khu có một sĩ quan cấp tá, tôi không nhớ là ai, chức vụ gì, hình như Trung Tá, phía dân sự có Ông Phụ Tá Hành Chánh Diệp Bửu Long (hay ông Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Khắc Linh?), và tôi. Ông nói về chuyện Tổng Thống đến địa phương, chưa xác định, ngày giờ, địa điểm, và Ông ra lệnh phân công. Chi tiết bên quân đội Ông Đại Tá sẽ bàn sau với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, và sẽ thông báo với phía Sư Đoàn 21, còn cuộc họp này để thông báo rằng “Ông Trưởng Ty Dân Vận sẽ điều khiển phần nghi thức đón tiếp Tổng Thống”.
Cả 3 đứa chúng tôi đều ngạc nhiên. Nhưng Ông Đại Tá nói ngay, mấy ông bàn nhau về chương trình , xong ông Long cho tôi bản đánh máy, ông (Trung Tá) mang theo một bản về Tiểu Khu để tôi bàn chuyện sau. Rồi Ông ấy để 3 đứa tôi ngồi lại sa lông trong Văn Phòng Tỉnh Trưởng, ra ngoài đi mất. Ông có cách để không ai “bàn ra!”
Chán mớ đời, vì tôi đã có “dự án” cho mấy ngày Tết với gia đình ở Sài Gòn, cũng có thể là một dự án về quảng cáo cho đầu năm của Dược Phòng nào đó, bây giờ bị cầm chân ở đây vì chưa biết khi nào Ông Thiệu mới đến. Giá như tôi là một Trưởng Ty tham dự bình thường, dám có khi tôi “dọt” lắm. Tôi lẩm bẩm, Trời có mắt, thằng ham chơi như tôi cũng có cách để trị. Hai ông kia hỏi “ông nói gì thế?” tôi cười xòa, lảng vào công việc.
Ông Thiệu chọn xế trưa 30 Tết để đến Chương Thiện. Sau khi mấy chiếc trực thăng cất cánh bay cao, tôi phóng vội xe về Trụ Sở Ty Dân Vận, đã hơn 3 giờ chiều rồi. Tôi gọi một anh nhân viên làm ở Ty, nhưng nhà ở Sài Gòn, nói chúng mình về Sài Gòn ăn Tết, cho anh 30 phút sửa soạn. Tôi gọi Ông Phó Ty, giao công việc trông nom mấy ngày tôi vắng mặt, cuối cùng gọi cho ông Diệp Bửu Long, nói tôi “dọt” nghe ông! Ông sửng sốt, giờ này còn đi? Tôi nói không sao, mấy lần trước tôi còn đi trễ hơn. Quả thực, dưới trào Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, đoạn đường 30 cây số từ tỉnh lỵ Vị Thanh đến Quốc Lộ 4 khá an ninh. Tôi nói với ông Long rằng tôi “đánh đột kích, bọn nó có biết đâu mà đón đường.” Ý tôi nói mấy anh du kích địa phương không kịp trở tay phá rối tôi, tuy rằng đi chiếc xe sơn màu vàng chanh của Dân Vận cứ như là “lạy ông tôi ở bụi này.”
Bên trên tôi nói “oái ăm bị lộ chuyện dù này” là vì đêm 1, rạng mùng 2 Tết, bọn Việt Cộng đặt mìn nổ chiếc cầu từ ngoài tỉnh lộ vào khu chợ trung tâm của tỉnh, chợ Vị Thanh. Cây cầu này cũng là đường từ khu Tòa Tỉnh về khu chợ, và về Tư Dinh Tỉnh Trưởng. Nhưng điều đáng nói, cây cầu cách Trụ Sở Ty Dân Vận chừng 50 đến 70 mét! Buổi sáng Mùng 3 Tết, xem Truyền Hình Sài Gòn, mới biết cây cầu bị nổ. Tôi vội gọi cho Ty Dân Vận. Ông Phó cho biết mọi chuyện đã xong rồi, ông Phụ Tá Hành Chánh (ở bên Tòa Tỉnh) đã qua Ty để cho phát thanh rồi, Ông còn gọi Truyền Hình Cần Thơ về quay phim, làm tin, … Mấy ông Thầy Bói có nói, số tôi ra ngoài hay gặp quí nhân phù trợ. Ông Diệp Bửu Long, nghe nói đang sống ở Mỹ, (Ông Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Khắc Linh đang ở Sacramento?) có thể quên chuyện này, nhưng tên chịu ơn là tôi vẫn nhớ đến ngày nay. Tôi vội gọi cho ông Long, ổng cười hề hề, nói cứ ở Sài Gòn ít ngày nữa đi, về bây giờ cũng vậy thôi, đêm qua nổ, sáng nay có mấy tiếng đồng hồ là cây cầu đi lại được rồi. Nghe hỏi Đại Tá biết tôi dù không, ông Long nói hình như Ông ấy cũng đoán được nên không hỏi gì đến ông. Tôi ở nhà đến ngày 6 Tết mới chịu về Ty, Ông Đại Tá cũng chưa hỏi gì đến tôi, mấy ngày sau có chuyện gặp lại, Ông vẫn như không, làm như chưa từng có chuyện giật mìn, chưa từng có chuyện tôi vắng mặt lúc đó. “Tài thật!”
Rất nhiều chuyện vui buồn trong 10 tháng tôi ở Chương Thiện, nhưng ở đây tôi chỉ khơi dậy dòng ký ức liên quan Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, mà mấy chuyện này thường xẩy ra trước và sau dịp Tết 1975.

Cũng vào dịp Tết Ất Mão, trước Tết khoảng 1 tuần, Đại Tá gọi tôi đến văn phòng Tỉnh Trưởng. Ông rút từ ngăn kéo ra mấy phong bì lớn đặt lên bàn rồi nói, hôm nay ông Đại Diện tôi đi thăm Tết mấy tiền đồn các quận xa. Trực thăng sẽ đưa ông đi, một Sĩ quan bên Tiểu Khu sẽ tháp tùng ông. Đây là mấy bì thư có tiền, tôi ghi sẵn tên sĩ quan chỉ huy ở mỗi nơi. Ông nói vài ba câu chúc Tết với binh sĩ rồi đưa bì này cho ông chỉ huy ở đó để ông ấy phân phát cho anh em sau. Ông đừng đưa tận tay binh sĩ vì không nên kéo dài cuộc thăm viếng, bọn nó có thì giờ pháo kích. Trực thăng dáp xuống thế nào bọn Việt Cộng cũng chú ý. Rồi ông cười cười, nói tiếp, trực thăng chỉ có  40 phút túc trực cho chuyến đi này thôi, họ bỏ về là ông kẹt lại luôn đó nghe.
Tôi ôm 4 phong bì đựng tiền về văn phòng, không hề mở ra xem bao nhiêu ở trong, cứ thế bỏ vào chiếc cặp (có được do hối lộ), rồi ra xe díp (jeep) có ông Sĩ Quan chờ sẵn. Bây giờ tôi cũng không nhớ rõ là lên trực thăng ở đâu, ông Sĩ Quan nào hướng dẫn tôi, cấp bậc gì, và nhớ mang máng 4 tiền đồn hình như đều nằm ở Quận Kiên Hưng (hay có vài quận ráp gianh?), nghĩa là mấy quận đi lại khó khăn bằng đường bộ. 4 tiền đồn này cách nhau chừng 5 phút hay 10 phút bay, tôi cũng không thể ước lượng bao xa. Quả thực đây là một kinh nghiệm thú vị. Tôi có cơ hội ngắm nhìn từ trên cao một khu vực nổi tiếng trong cuộc chiến Việt Nam, tôi còn nhớ có câu vè “Nhất Kiến, nhì Chương, …”. Như thế, Chương Thiện thuộc vùng máu lửa nhất nhì của Miền Tây. Thực tình mỗi khi trực thăng đáp xuống một tiền đồn, tôi khá lo âu, chẳng biết khi nào đạn pháo kích sẽ rơi xuống. Đặt chân xuống đất, tôi đã thấy anh em binh sĩ xếp hàng chờ sẵn. Vài câu xã giao với Sĩ Quan Chỉ Huy ở đồn, tôi quay lại nói với anh em vài câu thăm hỏi Tết, mấy câu chúc tết anh em và gia đình, và thực tình cầu chúc anh em bình an. Tôi vốn ghét kiểu nói theo công thức rằng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, rạng danh quân lực, … nên không hề nhắc đến mấy từ này. Chỉ nhắc “bổn phận” thoáng qua với câu khôi hài khi đưa phong bì cho Sĩ Quan Trưởng Đồn, rằng lát nữa mấy anh em có “địa” để “binh”, xin nương tay nhau chút chút và đừng quên bọn cà chớn ngoài kia. Anh em cười xòa, rồi vỗ tay cho phải lễ. Có lẽ cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài chừng 5, 6 phút, có thể 10 phút. Thằng hèn trong con người tôi cứ thôi thúc, sao lâu thế, bọn nó dội tới bây giờ. Thằng hèn đó viện dẫn lời dọa của ngài Tỉnh Trưởng, coi trừng phi công bỏ lại, kẹt luôn đó. Suốt chuyến đi, về tất cả không tới một tiếng đồng hồ, chừng 50 phút. Bắt tay tạm biệt tại cửa Ty Dân Vận, ông Sĩ Quan hướng dẫn chỉ nói, ông Trưởng “tâm lý” lắm. Tôi không chắc lắm về ý nghĩa câu nói này, hy vọng đó là lời khen. Lời khen, chê của những người xa lạ và bình thường có vẻ đúng và thực hơn của các vị thân quen.

Chuyến đi ủy lạo tiền đồn là lần thứ 3 Đại Tá Tỉnh Trưởng cử tôi Đại Diện. Trước đó khoảng vài tháng, có thể Tháng Chín, hay Tháng Mười năm 1974, việc “Đại Diện” này đưa tôi vào một hoàn cảnh lúng túng. Đại Tá Tỉnh Trưởng cho gọi tôi, có cả ông Phụ Tá Hành Chánh, nói rằng hôm nay bên Trường Trung Học họ tổ chức Lễ Khai Giảng năm học, Ông Trưởng Cơ Sở (hình như lúc đó chưa đổi thành Ty Dân Vận) đại diện tôi đến dự lễ. Tôi nghĩ rằng coi như bên Cơ Quan Chính Quyền chỉ có mình tôi tham dự, hoặc có thêm ít vị Trưởng Ty khác, nên tuân lệnh như một chuyện bình thường. Ra ngoài, tôi hỏi xã giao ông Diệp Bửu Long, sao Ông không Đại Diện cho Đại Tá đi. Ông Long nói cả ông Phó (Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Khắc Linh) và tôi (ông Long) đều phải dự, nhưng Đại Tá cử ông đại diện ổng. Tôi nói mình phải trở vào lại nói ổng để Ông Phó đại diện mới đúng. Ông Long cản lại, nói không được đâu, ổng quyết định rồi là phải như vậy, “thằng Long này” cũng không hiểu tại sao. Tôi đến Trường Trung Học Vị Thanh theo đúng giờ quí định, giờ Đại Tá Tỉnh Trưởng đến. Đông đảo mọi người đã có mặt trên khán đài, gồm các vị thân hào nhân sĩ, các Trưởng Ty, chức sắc trong tòa tỉnh, mấy vị Phụ Huynh quan trọng, và cả Ông Phó Tỉnh Trưởng, Ông Phụ Tá Hành Chánh. Ông Trưởng Ty Giáo Dục và Thầy Hiệu trưởng hướng dẫn tôi lên khán đài, đưa đến chiếc ghế trống ở giữa. Tôi quay lại cảm ơ hai vị hướng dẫn, rồi quay qua ông Phó Tỉnh Trưởng, mời ông ngồi vào chiếc ghế trống đó. Ông lắc đầu, nói, không được, ông Trưởng Cơ Sở ngồi đó, Đại tá chỉ định như thế. Tôi nói, Ông Phó ngồi giùm, Ông là cấp trên của tôi mà. Hai bên nói tới nói lui mất vài phút, cuối cùng tôi đề nghị ông Phó cứ ngồi ghế của ông, bên tay phải ghế Đại Tá Tỉnh Trưởng, còn tôi lui về ghế dành cho Trưởng Cơ Sở Dân Vận, cũng ngay sát ghế ông Phó. Ghế Đại Tá Tỉnh Trưởng để trống. Tôi cũng đề nghị Ông Phó Tỉnh Trưởng đứng ra nói chuyện đầu năm với Giáo Sư và Học Sinh Trường Trung Học Vị Thanh. Rồi cũng xong buổi khai giảng. Không rõ sau này mọi người bàn tán ra sao về mấy phút đưa đẩy giữa tôi và Ông Phó Tỉnh Trưởng. Hôm đó, giá như tôi không mang nhãn hiệu Đại Diện Tỉnh Trưởng, có lẽ sau lễ khai giảng, tôi sẽ tìm Thầy Hiệu trưởng và mấy Thầy Cô Giáo vốn có lui tới với nhau vài lần, để nói chuyện chơi, trong khi chờ học sinh vào lớp. Tôi có chơi billard 3 băng với một vài Thầy Giáo, nhân khi “đụng” nhau tại tiệm billard hẻo lánh nào đó.
Một ký ức vui là khi ngồi từ trên khán đài nhìn xuống các hàng người dưới sân, tôi liên miên với những ý nghĩ kỳ cục. Tôi nhớ lại ngày xưa, tôi cũng từng đứng dưới đó. Lúc đó, Thầy, Cô Giáo với tôi là những nhân vật đáng ngưỡng phục, còn Thầy Hiệu Trưởng thì eo ơi, có mấy khi được chạm vào ánh mắt ngài. Lúc còn học sinh, tôi không có ý niệm gì về Trưởng Ty Giáo Dục, người hiện đang ngồi sau lưng tôi trên khán đài. Còn Thầy Hiệu Trưởng huyền thoại ngày xưa, hôm nay (cũng Ngài Hiệu Trưởng huyền thoại của mấy bạn học sinh dưới kia) đang đứng nghiêm chỉnh, ngước nhìn lên thằng học sinh lười biếng ngu dốt thuở nào “suýt nữa thì nó Đại Diện Đại tá Tỉnh Trưởng” để “ban huấn từ.” A, cuộc đời sao lạ vậy nhỉ, có gì là mãi mãi đâu, … Cứ thế mà tôi miên man nghĩ ngợi, chẳng nhớ Ông Phó, ông Trưởng Ty Giáo Dục, Thầy Hiệu Trưởng, và em Học Sinh Đại Diện đang nói những gì. Cái ý tưởng, cảm tưởng kỳ lạ đó vẫn theo đuổi tôi đến ngày nay, như một nhắc nhở rằng vạn vật chuyển dời liên tục, rằng “sắc là đó, không là đó”, khiến tôi thành một tên coi nhẹ mọi sự trong đời. Và, cho đến bây giờ, tôi chưa hiểu được suy nghĩ của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn khi cử tôi làm mấy chuyện Đại Diện, chuyện điều khiển nghi thức đón tiếp Tổng Thống Thiệu trong khuôn khổ sinh hoạt phía quân đội. Có thể nghĩ rằng, ông được đào luyện trong khuôn khổ kỷ luật của quân đội từ thời Thiếu Sinh Quân, lớn lên trải qua bao trách nhiệm, bao chức vụ từ thấp nhất là binh nhì, cho đến bây giờ vẫn luôn khép mình trong khuôn khổ kỷ luật đó. Nhưng ở ông, kỷ luật để phục vụ cho công việc, nên ông là một nhà chỉ huy quyền biến, tùy nơi, tùy lúc mà áp dụng nguyên tắc. Có thể ông nghĩ rằng cứ giao mấy chuyện mang chút tính chính trị hay giao tế nhân sự cho tôi là tiện nhất , dù cho, tôi từng thú nhận với ông rằng tôi là một tên lười biếng, học hành chẳng ra gì, lại ham vui chơi bậy bạ.
Từ Tháng Giêng 1975, báo chí Sài Gòn đã đưa ra những nhận định chút chút bi thảm về tình hình chiến sự và chính trị của Miền Nam. Chuyện bỏ mất tỉnh Phước Long mấy ngày đầu năm dương lịch, rồi tin đồn về chiến dịch Việt Cộng sẽ cắt đứt cao nguyên miền Trung càng khiến dân tình Chương Thiện xôn xao. Người ta rỉ tai nhau về di tản, về chuyện có thể bỏ nơi này, nơi kia. Tôi nghĩ cần tạo cơ hội cho Đại Tá Tỉnh Trưởng lên tiếng trấn an dân chúng, giữ vững lòng quân. Bỏ gần một ngày thu thập dữ kiện làm căn cứ cho lý luận, hồi đó không có google, nên phải chạy nơi này, nơi kia kiếm con số, tài liệu, từ văn phòng Tỉnh, tới mấy ty Nông Nghiệp, Giáo Dục, Y tế, … Cuối cùng tôi cũng hoàn tất gần hai trang đánh máy lá thư gọi là: Thư gửi Đồng Bào và Anh Chị Em Quân Nhân Công Chức, Cán Bộ tại Tỉnh Chương Thiện của Đại Tá Tỉnh Trưởng Tỉnh Chương Thiện. Tôi không nhớ tiêu đề chính và vắn tắt lá thư trên như thế nào. Nội dung đại khái trình bày tình hình nghiêm trọng nhưng lạc quan của đất nước, của Miền Đồng Bằng Cửu Long, rồi đặc biệt nói về tỉnh nhà. Lấy các con số, các dữ kiện làm cơ sở lý luận để Đại Tá Tỉnh Trưởng quả quyết rằng không thể có chuyện di tản khỏi tỉnh Chương Thiện, và, một câu nói cam kết cuối cùng khiến nhiều người xúc động, nhưng sau này nhìn lại, như một điềm báo trước chuyện tử nạn của Ông. Tôi không nhớ chính xác câu nói cuối cùng này, xin ghi ý chính là: Tôi, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tôi đã ăn những hạt cơm từ lúa gạo của bà con Tỉnh Chương Thiện nuôi trồng, tôi đã uống nước từ sông ngòi Tỉnh Chương Thiện, tôi sẽ bảo vệ Bà Con và Tỉnh Chương Thiện đến cùng. “Tôi đã sống nhờ mảnh đất này, tôi sẽ chết cho mảnh đất này!”
Soạn xong lá thư, tôi gọi điện thoại xin ăn cơm với ông “tối nay” vì có chuyện cần, (không nhớ hôm đó ngày nào, thứ mấy). Tôi không xin gặp Ông tại văn phòng Tỉnh Trưởng vì muốn trình bày vấn đề như một kiểu tâm tình, và nếu Ông đồng ý, tôi sẽ đọc Ông nghe lá thư để Ông nắm được mạch văn vì tôi nghĩ chính Ông phải đọc lá thư trên rồi cho phát thanh khắp nơi trong tỉnh. Đọc xong lá thư, tôi ngước nhìn ông, mắt Ông đỏ hoe. Tôi vụt nghĩ ra. Thôi chết rồi, cái câu quái ác kia trước khi nói lời chào kết thúc lá thư, do tôi quá say sưa với mạch văn, mạch ý, đã đụng đến phần mẫn cảm trong đầu óc Ông. Tôi vội nói như một vớt vát điều chỉnh, thưa Đại Tá, đây chỉ là bản nháp, xin Đại Tá đọc lại nghĩ xem nên thêm chỗ nào, bỏ chỗ nào, hoặc nếu cần tôi viết lại một lá thư khác theo ý Đại Tá. Ông trầm ngâm, rót rượu cho tôi, có thể là quá tay hay vì đang bận suy nghĩ, mà rượu trong ly đã lên hơn một nửa. Rồi Ông nói, chính tôi cũng cảm động khi nghe đọc lá tâm thư này, thì chắc đồng bào cũng phải xúc động như tôi; Nhưng ông cho tôi thì giờ tập đọc, ngày mai tôi sẽ qua văn phòng ông.
Tôi ra về, lòng ân hận về những háo thắng, bồng bột của thằng tôi ngu ngốc.
Hôm sau, buổi xế chiều, xe jeep chở Đại Tá Tỉnh Trưởng sịch đỗ ngay cổng Ty Dân Vận (không rõ lúc này đổi thành Ty Dân Vận và Chiêu Hồi chưa?). Ông bước vào chẳng cần để ai kịp đón tiếp, nói vội với tôi, chào Ông Trưởng, từ sáng đến giờ lu bù chuyện; Bây giờ có thì giờ, ông thu xếp cho thu âm tôi nhé. Nhìn vào phòng thu âm và “phát thanh” của Ty còn chứa đầy nắng chiều, tia nắng càng làm lộ rõ từng cuộn bụi ngoài đường phố đổ vào, tôi vội đưa ông vào văn phòng bề bộn của tôi, và nói ngay, tôi nghĩ có lẽ Đại Tá nên về nhà, tôi cho anh em mang máy thu đến Đại Tá để thu, như thế không bị tiếng ồn ngoài đường, và Đại Tá thoải mái hơn. Hoặc Đại Tá muốn thu ở Văn Phòng Tỉnh Trưởng? Cuối cùng, Ông đồng ý thu âm tại tư dinh. Anh Hiền (hy vọng tôi nhớ đúng tên ông Trưởng Ban Phát Thanh của Ty) mang đồ nghề leo lên xe Đại Tá. Tối khuya, anh Hiền mang máy về Ty, nói phải thu đi, thu lại nhiều lần “Ông ấy” mới đồng ý, và “Ông ấy” muốn chính ông Trưởng phải nói ít lời giới thiệu trước khi có giọng đọc của “Ông ấy.”
Lá tâm thư được phát thanh mấy tuần lễ liền trên hệ thống loa của Ty, rồi các xe phát thanh lưu động. Tôi cho in bức tâm thư để phân phối, nhưng Đại Tá nói để ông nhờ mấy nhà in trong tỉnh in cho đồng bào dễ đọc. Đại Tá lấy hệ thống liên lạc bên Tiểu Khu để gửi phần phát thanh và bản in lá thư cho các Chi Dân Vận ở Quận. Tôi nghe anh em trong Ty kể rằng tiếng vang của lá thư khiến Đài Truyền Hình Cần Thơ cho phát sóng tin và phát tiếng nguyên văn băng thu âm. Bản in lá thư cũng được phân phối cho các đơn vị quân đội trực thuộc Tiểu Khu. Hình như lá tâm thư này cũng được đọc trên Đài Truyền Hình Cần Thơ.
Sau này, trong nhà tù trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, tôi nghe kể lơ mơ về chuyện Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cố thủ tại tư dinh sau khi có lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, và việc bọn Việt Cộng xử bắn Ông ở sân vận động Cần Thơ. Thêm một lần tôi sỉ vả thằng tôi ngu ngốc, háo thắng, chữ nghĩa bậy bạ.
Bà Hồ Ngọc Cẩn hiện đang ở phía bắc của vùng Los Angeles. Tôi vẫn định bụng gặp Bà tìm lại hình ảnh Đại Tá, một vị Sĩ Quan (đích thực, hiếm hoi của) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Linh tinh trong 10 tháng

Ngày xưa tôi đọc ở đâu đó câu chuyện hai anh bạn đi trên xe lửa. Anh này bị anh kia châm chọc việc đăm đăm nhìn một thiếu nữ xinh sắn trong toa xe. Anh bạn này quay lại và nói: “Quả nhân hữu tật!”. Tác giả câu chuyện giải thích mấy chữ trên trích từ sự tích vị Vua Tề bên Tàu nói với cận thần rằng “Quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc”. Cái linh tinh đầu tiên mà tôi muốn nói tới trong 10 tháng trời ở Chương Thiện đại loại thuộc mấy chữ trên. Khác một điều, nếu một vị vua có “hữu tật” như vậy thì chẳng có gì để than phiền, còn thằng bần tiện là tôi mà hữu tật như ông ta, tôi phải tự nhận đó là chuyện bậy bạ. Tật mê cái đẹp theo đuổi tôi suốt đời, có cái đẹp “đẹp thật”, có cái đẹp bị gọi là bậy bạ. Cung Mệnh của tôi có sao Liêm Trinh trấn đóng, đắc địa, may mà còn Tử, Phủ, Vũ, Tướng nhìn vào, nên cái tật kia cũng trong vòng kiềm tỏa, nghĩa là, còn có giới hạn. Nhưng tôi vẫn tự biết mấy chuyện này chẳng hay ho gì, gọi là bậy bạ cũng đúng thôi, và kể về suốt đời thì nhiều chuyện bậy bạ như thế lắm lắm. Kể ra, chỉ thêm xấu, mà “xấu chàng thì hổ ai”, và “… xấu xa đậy lại”, theo đúng lời dậy của cổ nhân.
Chuyện linh tinh nữa khiến tôi còn nhớ cũng lại là một chuyện bậy bạ, nhưng tính cách khác đi. Chuyện thế này: Có mấy cậu học trò Trường Trung Học vào Ty Dân Vận xin in copy một tập nhạc thành nhiều bản. Tại khu phố chính tỉnh lỵ có mấy tiệm có máy copy. Tôi hỏi sao không đến đó copy, thiếu tiền tôi bù cho. Vốn là một huynh trưởng Hướng Đạo, lại cả chục năm sinh hoạt văn nghệ, văn gừng, thanh niên, sinh viên, nên tôi động lòng thương mấy bạn học sinh nghèo tỉnh lẻ. Các bạn lúng túng nhìn nhau, mãi sau đành bẽn lẽn trả lời, dạ, mấy nơi đó không dám in copy tập nhạc này. Đưa tay đón tập nhạc, hóa ra là tập nhạc của Miên Đức Thắng, giấy đã úa vàng, rách nát. Hình như đó là tập “Tiếng Hát Từ Đồng Hoang”, tôi không nhớ chắc lắm. Tập đó gồm nhiều bài tôi từng biết, có thể đã được hát tại Quán Văn (xin xem chuyện tôi kể về Quán Văn.) Một số trong những bài nhạc này bình thường vốn thuộc khu vực cấm kỵ, người ta có thể in và lưu hành âm thầm ở Sài Gòn chứ ở các địa phương ai dám cho in. Tôi nhìn lại mấy bạn nhóc học sinh, 5 hay 6 mống thì phải. Có chàng ăn mặc đồng phục học sinh, có chàng từ cử chỉ đến sắc mặt, và y phục có vẻ như ở vùng sâu, vùng xa mới về. Tôi tưởng như cả bọn mấy em học sinh đều như cứng người chờ đợi thái độ của tôi. Tôi ra hiệu các em bằng một cử chỉ vu vơ, chỉ cốt sao cho các em thư dãn trở lại, và nói nhẹ nhàng, tự thâm tâm tôi cảm thấy thật buồn, thật bất lực không thể làm các em hiểu chuyện hơn, hiểu đời hơn. Tôi nói, lạ thật, các em biết mấy bài hát này không nơi nào dám copy mà lại mang đến Ty Dân Vận in nhờ, mấy em biết Ty Dân Vận là gì chứ? Một cậu lúng búng biện giải, dạ, bọn em biết, nhưng hết đường rồi mà có người bảo cứ vào gặp ông Trưởng, may ra … Tôi thật thương đám nhóc đứng trước mặt, và chẳng ngại gì không nói thẳng, các em biết tôi có thể báo bên công an chứ, nhưng chắc có ai bảo đừng sợ, phải không. Tôi không hỏi “ai” là ai đâu. Tôi biết các em là những người nào rồi, chỉ mong mấy em nhớ điều này, rằng hôm nay tôi nói rằng một ngày nào đó, khôn lớn hơn, trải đời hơn, các em sẽ tiếc về những chuyện này, và những chuyện các em đang theo đuổi. Bây giờ thế này, tôi cho các em copy tập nhạc này thành 100 bản, giấy ở kia, hết thì thêm vào, có vẻ mấy em thạo việc đấy. Chỉ nhớ một điều, nếu công an có hỏi, em cứ nói lén vào đây copy chứ đừng nói tôi cho phép. Tôi nhìn quanh Ty, hôm nay ngày nghỉ, giờ cơm trưa này chỉ có anh cán bộ trông chừng ngoài cổng, chẳng có ai ở đây cả. Cả bọn tíu tít lao vào công việc. Cũng phải mất cả tiếng đồng hồ và tôi còn giúp họ đóng tập nữa. Trong thời gian đó, tôi kể họ nghe chuyện nhạc sĩ Miên Đức Thắng đến Quán Văn của tôi hát mấy bài hát này cách đây 6, 7 năm. Ngẫm lại, đời tôi toàn làm những chuyện ấm ớ hội tề, chẳng đâu vào đâu, cách nói của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa bây giờ là “tôi chỉ rách việc.” Quí vị biết cho, Ty Dân Vận Chương Thiện có khoảng trên 400 nhân viên, cán bộ. Ở trụ sở Tỉnh có hơn bẩy, tám chục nhân viên, kể cả Đoàn Văn Tuyên, còn lại chia cho các Chi Dân Vận Quận, các xã, ấp. Với 400 con người ở vùng nóng bỏng này, e rằng lọt vào cũng vài mống bên kia nằm vùng, có thể bên an ninh họ biết, nhưng tôi, anh Trưởng Ty dớ dẩn, chẳng dám chỉ đích danh ai. Cho nên “ai đó” xui bậy đám trẻ học sinh, chắc cũng có nghiên cứu tính cách chàng Trưởng Ty gà mờ ưa làm chuyện bậy bạ. Việc cho copy tập nhạc đó là bậy quá đi chứ!
Ở Chương Thiện được chừng 3, 4 tháng, tôi có một số giao hảo tại địa phương. Một điều thú vị, cũng lại là một điều được kể như “linh tinh”, trong các mối giao tiếp này có mấy ông Hội Đồng Tỉnh. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau cà phê, cà pháo. Họ là nhóm 5, 6 ông tự nhận là phe đối lập với chính quyền. Mấy ông ấy năng gặp tôi hơn mấy ông “phe thân chính quyền”. Mấy ông đối lập bảo rằng tôi là một người có khả năng mà lại làm việc đàng hoàng, thực sự lo cho dân, cho tỉnh, nên họ muốn tôi ra tranh cử Dân Biểu của tỉnh kỳ tới, hình như năm 1976 thì phải. Tôi cười nói rằng mấy ông ơi, Dân Biểu tỉnh này đã có Đảng Bộ Đảng Dân Chủ tính toán rồi, tranh làm sao lại mấy ông đó. Các ông khăng khăng, chúng tôi sẽ gặp ông (ông nào thì tôi quên rồi, chắc là một ông cao cấp của đảng bộ Dân Chủ), để yêu câu họ chọn ông, dù ông ở ngoài đảng. Rồi mấy ông vẽ kế hoạch chương trình, bước đầu sẽ mời tôi thuyết trình trước Hội Đồng Tỉnh, nói về tình hình, về …, sau đó họ sẽ gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng yêu cầu ủng hộ tôi, … Mấy ông ấy bảo rằng mấy ông nghị viên kia có người cũng thích ông (là tôi) đấy, mà cũng chưa thấy ai chê ông, … Họ rất thực lòng nghĩ vậy, còn nói, ông thấy chưa, chúng tôi phe đối lập mà ủng hộ ông thì phía chính quyền phải ủng hộ ông chứ. Họ thuộc mấy tôn giáo như Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo (hệ phái nào đó), có vị là thương gia, chủ ruộng, … Tôi chưa từng, và sẽ không dám nghĩ đến, chuyện làm Dân Biểu, nên chỉ ậm ừ cho phải lễ. Ít tháng sau “đứt phim”, không biết có phải là điều may cho tôi không.
Khoảng giữa Tháng 4, 1975, tôi xin gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng. Sau khi trình bày những hiểu biết của tôi về thời cuộc, những nguồn tin tức tôi có được, tôi nói thẳng, tình hình rất bi đát, thời gian của chúng mình tính theo tuần lễ. Tôi đề nghị Đại Tá cho Bà Nhà và cháu bé về Sài Gòn trước đi, một mình Đại Tá ở đây dễ xoay xở hơn. Ông ta im lặng, suy nghĩ, rồi cảm ơn tôi, nói chưa có quyết định gì về chuyện này. Ông có hỏi gặng tôi, tình hình bi đát lắm sao? Ông tin chắc như vậy sao?
 Ra ngoài, ông Diệp Bửu Long thấy nét mặt tôi, giữ tay tôi lại, hỏi, có chuyện gì vậy, quan trọng hở? Tôi khẽ nói với ông Long, ông còn nhớ hôm đón tiếp Tổng Thống Thiệu hồi Tết không, lúc chúng mình ở trong khu vườn chờ đợi đó, tôi nằm võng, ông ngồi cạnh tôi, ông hỏi tôi về tình hình chính trị quốc nội, quốc ngoại, về tin đồn “mất Miền Nam’, tôi trả lời rằng Miền Nam còn ít tháng nữa thôi. Ông có nhớ không, ông trách tôi rằng “ông làm Dân Vận mà nói điều đó sao?” Tôi trả lời, khi nói điều này tôi căn cứ vào sự hiểu biết và tin tức tôi có được, mà nói với ông, không lẽ tôi cũng nói kiểu tuyên truyền? Bây giờ, đã qua “ít tháng nữa” rồi, thời gian chỉ tính theo tuần lễ. Tôi vào xin Đại Tá đưa bà ấy và thằng bé về Sài Gòn trước cho ông ấy rảnh tay ở đây, nhưng ông ấy không chịu. Riêng ông (ông Long), chắc cũng tính toán thu xếp là vừa. Ông cảm ơn tôi, nhưng rõ ràng đầy vẻ nghi hoặc trên khuôn mặt.
Những lời nói trên, cả từ lúc mấy tháng trước nói với ông Diệp Bử Long, và khi vào gặp Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tôi đều nói có tính cách “đại ngôn”. Quí vị đã nghe tôi kể mấy lần “đại ngôn” trước, nhưng rồi chuyện đều đã xẩy ra. Gọi là “đại ngôn” vì tôi không thể khẳng định đúng 100% những gì tôi nói ra, vì chẳng thể có một cơ sở nào để quả quyết như vậy, hoặc chẳng thể viện dẫn nguồn tin từ đâu. Thực ra, hầu như tuần nào tôi cũng về Sài Gòn, nên tin tức cập nhật rất nhanh. Mấy anh bạn bên ngành tình báo, cả anh bạn làm cho mấy hãng thông tấn ngoại quốc, đều nói tôi nên chuẩn bị đường rút đi. Không biết tôi đã kể chuyện này chưa, để tôi đọc lại xem nếu tôi chưa kể, thì tôi sẽ kể ở phần viết về những ngày ở tù tại Trại Thanh Cẩm, bây giờ tôi chỉ vắn tắt, rằng ngay sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, bọn chúng tôi đã bàn nhau chuyện ra đi bằng đường hải quân ra làm sao. Cho nên, những nhận định tôi trình bày với Ông Diệp Bửu Long, và với Đại Tá Tỉnh Trưởng, có mang tính “đại ngôn” đấy, nhưng không xa hiện thực là bao nhiêu. Khoảng ngày 22, 23 Tháng Tư (1975) gia đình từ Sài Gòn gọi tôi về để tìm cách “.đi”. Tôi qua gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng, nói thẳng thời gian cấp bách rồi, tôi xin ông ký sự vụ lệnh cho về Sài Gòn tìm sách cho Phòng Đọc Sách của Tỉnh mà Ty Dân Vận Chiêu Hồi mới xây tặng cho Tỉnh, nhưng tôi nói thật, vì gia đình gọi tôi về để ra đi. Sự vụ lệnh là để tránh cho tôi chuyện đào thoát khỏi nhiệm sở nếu tình hình đột nhiên thay đổi. Tôi đề nghị ngay, xin ông cho bà xã của ông và cậu con trai duy nhất về Sài Gòn, tôi sẽ đưa gia đình ông đến nơi nào ông muốn, hoặc tôi sẽ lo chuyện sinh hoạt cho bà ít nhất một tháng chờ tin tức của ông. Chuyện này chỉ được biết giữa ông và tôi, và nếu vậy, tôi hoãn đi để chờ bà đến ngày mai, còn nếu không, tôi xin đi trưa nay.
Ông lại trầm ngâm, lại cảm ơn tôi và cũng nói chưa thể quyết định được, “xin để bề trên định đoạt, xin giao mọi sự vào tay Chúa”; và ông gọi ông Diệp Bửu long làm sự vụ lệnh cho tôi, cái Sự Vụ Lệnh đầu tiên tôi dùng sau 10 tháng ở Chương Thiện, xưa nay tôi đi khỏi tỉnh có cần giấy tờ gì đâu. Đúng là câu chuyện trao đổi trên chỉ có Đại tá và tôi biết, không rõ sau đó, khi cầm sự vụ lệnh trên tay, tôi có kể cho Ông Phụ Tá Diệp Bửu Long nghe không, hoặc Đại Tá có kể cho ai nghe không. Đó là những phút giây buồn. Tôi còn nhớ phảng phất nét mặt Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn: băn khoăn đắn đo, rồi dũng cảm, cương quyết, cương quyết đến lạnh người.
Về sau, thằng đầu óc đất sét là tôi mới nghĩ ra, giá như tôi là một anh lính, một anh sĩ quan từng lội ruộng lội bờ, vào ra sinh tử với Ông hoặc như Ông, thì chắc Ông tin tưởng hơn để nhờ cậy. Còn tôi, tuy là Trung Úy biệt phái, cũng chỉ là một anh thư lại, bọn bên lề mặt trận, chưa nghe đạn nổ đã chạy, thì … xin cảm ơn nhã ý là đủ rồi. Đó cũng chỉ là một cách suy nghĩ, nhưng tôi nghiêng về niềm tin rằng Ông không bỏ cuộc, và biết rằng gia đình ông cũng không bỏ cuộc, bỏ chạy lấy thân. Ông và gia đình, đồng đội sẽ chiến đấu đến cùng.
Xin thắp nén nhang tưởng nhớ Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, một người lính đích thực.

Phần này khởi sự viết lâu rồi, bây giờ mới kết thúc.
 đỗ tăng bí