Sunday, November 11, 2018

Thầy Tôi




Thầy tôi tên là Đỗ Kỳ, con thứ tư của cụ Đỗ Trọng Vĩ – nguyên Đốc Học tỉnh Bắc Ninh (Xin xem phần phụ lục về cụ Đỗ Trọng Vĩ trong blog này.) Theo bản dịch “Đỗ Gia Thế Phả” (do cụ Đỗ Dư viết vào năm Tự Đức thứ 6, 1853) của ông Đốc Học Đỗ Huy Đan, có phần dịch giả viết thêm vào năm Mậu Tý, 1948, về đời thứ 12, Thầy tôi được ghi lại như sau:
Chi thứ 4 – Cụ Đỗ Kỳ, tự Hữu Cúc, sinh năm Quí Dậu (1873), đỗ Tú Tài 3 khoa Giáp Ngọ (1894), Đinh Dậu (1897), Bính Ngọ (1906). Được thưởng hàm Hàn Lâm Viện Đãi Chiếu về dịp Tứ Tuần Đại Khánh vua Khải định.
“Cụ người hơi thâm thấp, không béo không gầy, da ngăm ngăm, mặt trầm mặc, cử chỉ nhanh nhẹn, nói năng đanh thép. Vẻ người oai nghiêm nhưng công minh, chính trực, và có độ lượng. Tính cụ gan góc và có khí khái, uy vũ cũng không sợ, phú quí cũng không tham. Năm 14 tuổi, khi Tổ Khảo (Cụ Đỗ Trọng Vĩ – ĐTB chú thích) trốn tránh quân Pháp ở Hiên Ngang và bị quân của Giặc Vang vây bắt về việc cụ Thượng Công Cội, cả nhà chạy trốn, duy cụ ở lại bên cạnh Tổ Khảo. Lúc quân giặc bắt Tổ Khảo ta dẫn đi, cụ cứ khóc lóc theo sau. Giặc dơ súng doạ bắn và đuổi cụ trở lại, nhưng khi giặc ngoảnh mặt đi thì cụ lại quay lại đi theo. Sau phát khùng, giặc chạy đến cầm hai cánh tay cụ, nâng bổng người lên vứt vào sau luỹ tre, bấy giờ cụ mới đành chịu ở lại.
“Cụ tài năng lỗi lạc, học vấn uyên thâm, ý tứ dồi dào, lời văn chải chuốt, đã nức tiếng danh sĩ lúc đương thời, nhưng tiếc rằng khi thi cử thường gặp trắc trở nên chỉ đỗ 3 khoa Tú Tài, chứ không đỗ Cử Nhân, Tiến Sĩ.
“Về đường xuất chính, cụ cũng như bá phụ ta, nhất định thủ tiết không chịu ra làm quan với người Pháp, lấy cớ còn muốn học thêm để dật đại khoa.
“Gia tư cụ bần bách, trước chỉ có một ngôi nhà gianh, sân đất ở làng Nghĩa Vy, nơi tổ tiên ngụ cư với mấy xào ruộng xấu là gia tài của Tổ Khảo ta chia cho. Ngôi dương cơ này sau bán đi lấy tiền làm một ngôi nhà gianh khác ở quê là Đại Mão Trung, xóm ngõ làng. Mãi về sau nhờ cụ bà đảm đang và con dâu cả tần tảo, cụ làm được ngôi nhà gạch nhỏ đáng giá vài ba trăm bạc ở xóm ngõ đình. Suốt đời cụ vất vả nhưng vẫn thản nhiên, lấy nghề dậy học và bốc thuốc làm kế sinh nhai. Tuy có con trai cả làm Thông Phán nhưng cũng nghèo, cụ không được nhờ cậy lúc tuổi già về đường vật chất. Nhưng cụ tác thành được nhiều học trò người làng và hàng tổng. Những học trò cũ đối xử với cụ rất hậu vì cụ khéo giáo hoá và có đức độ …”
Thầy tôi có 12 người con, gồm 7 người con của Mẹ Già, 5 người con của Đẻ tôi. Một ông anh tôi con của Mẹ Già mất ngay từ lúc sơ sinh, và một bà chị con của Đẻ tôi cũng mất rất sớm, nên kể về những người con nuôi được, tôi là con thứ 10, tức là con út.
Lúc tôi ra đời Thầy tôi đã 70 tuổi (1873 – 1943), đến năm 1945 Thầy tôi mất. Cụ mất lúc tôi còn bé quá, độ 16 tháng tuổi, nên không nhớ gì về Thầy tôi. Tôi may mắn được ở với Đẻ tôi suốt thời niên thiếu, đến năm 1965 vẫn ở cùng nhà với Đẻ tôi. Cụ luôn luôn nhắc nhở về Thầy Tôi, hầu như mỗi ngày. Cụ không bao giờ nói tôi phải sống thế này, thế nọ, nhưng những câu chuyện cụ kể về Thầy tôi đã như những lời cụ giậy bảo, hơn thế nữa, như những lời giáo huấn từ Thầy tôi. Xuyên qua những câu chuyện do Đẻ tôi kể lại, tôi đã hình dung được rõ nét về Thầy tôi, về phong cách của Người, về sinh hoạt của Người, và những điều này ảnh hưởng nhiều đến con người tôi.
Chị tôi, chị Đỗ Thị Thảo, con đầu lòng của Đẻ tôi, kể rằng, Thầy tôi mất đi vào những ngày còn giá lạnh, trời đất âm u (Giỗ Thầy tôi vào ngày 1 Tháng 2 âm lịch). Biết Thầy tôi qua đời, chị chạy xuống nhà dưới, nơi Mẹ con chúng tôi ở, nằm khóc. Lúc trời sẩm tối chị mới len lén đi lên nhà trên, nhưng chỉ dám đứng dưới sân nhìn lên bộ ván giữa nhà, nơi Thầy tôi nằm. Chị quả quyết với tôi rằng chị thấy rõ hình ảnh hai con hổ trắng nằm phục dưới chân bộ ván.
Theo những gì Đẻ tôi và chị Thảo kể lại, cuộc sống của nhà tôi khá bần hàn, nhưng Thầy tôi vẫn ung dung, tự tại trong cảnh bần hàn đó. Quanh năm áo quần cụ mặc chỉ trong mấy bộ quen thuộc, mùa hè cụ đóng chiếc quần trắng, chiếc áo dài the đen, mùa đông khoác thêm tấm áo bông dầy cộm, nặng chịch. Lâu dần, áo, quần đều sờn rách nhưng vẫn giữ vẻ tươm tất, sạch sẽ của một nhà nho. Trước mỗi bữa ăn cụ thường nhắm rượu với vài miếng đậu hũ luộc, ít hạt đậu phộng rang (gọi là củ lạc, vì thường rang cả vỏ ngoài), sau đó cụ chỉ ăn chừng một bát cơm chan canh hoặc nước rau luộc là xong bữa. Cứ vài bữa nhà có miếng cá, miếng thịt, khoanh giò, cụ nhường hết cho vợ, con. Đẻ tôi hay nhắc lại câu cụ thường nói: “Đẻ, con mày ăn đi, nhai miếng giò khô như nhai gỗ, Thầy không thích!” Tuy nhà bần bách, nhưng cá, thịt cứ ba bữa, dăm ngày thường vẫn có trong bữa ăn nhà tôi. Thầy tôi nhiều học trò, ngày giỗ, ngày tết họ mang đến biếu. Dân trong làng hoặc làng bên mỗi khi đau ốm vẫn đến nhờ Thầy tôi bắt mạch, cho toa thuốc. Khi khoẻ mạnh họ thường đến tạ ơn. Đẻ tôi bảo rằng: “Thực ra, Thầy chẳng khi nào muốn nhận những đồ biếu xén. Đôi khi có anh học trò thành danh hoặc vốn nhà giầu có, nhưng nhân cách lại không được bao nhiêu, nên Thầy thường tránh giao tiếp. Sau có lẽ vì thấy các con thiếu thốn, nên Thầy lờ đi chuyện Đẻ nhận quà. Lâu lâu mới có một lần, gặp anh học trò cụ ưng ý, cụ cho gọi vào hỏi chuyện.”
Khoảng năm 2002, tôi có về Sài Gòn, ở cùng chị Thảo mấy ngày. Đêm đêm hai chị em thức khuya nói chuyện ngày xưa. Chị kể về Thầy tôi: “Thầy thường chỉ mặc bộ đồ lụa trắng, vải phin trắng. Áo lụa tơ tằm. Anh Biểu Chăn, một học trò của Thầy, rất quí Thầy, khi anh sinh đứa con đầu lòng, anh đến cắt trộm vạt áo của Thầy, may áo cho con. Anh Biểu Chăn rất sùng bái Thầy. Khi Thầy ốm, một mình anh ấy trông nom săn sóc, sắc thuốc. Khi Thầy mất, vừa mới vào quan tài là anh ấy lấy ngay chiếc áo trấn thủ của Thầy mặc vào người, lấy tấm nệm của Thầy mang về nằm. Khi Chị Tú ở nhà quê cải táng Thầy, anh ấy lấy luôn cỗ áo quan đó, bào đi, đóng thành quan tài dành cho anh ấy. Có điều là cả làng khi có giỗ chạp đều mời dù biết chẳng khi nào Thầy mình đi cả. Ngay cả cúng tế ngòai Đình cũng không đi ăn. Chỉ khi nào có chuyện cần giải quyết, người ta mời, cụ mới phải ra, giải quyết xong là về, không bao giờ chè chén. Nhưng Thầy mình, tức Cụ Mền, thì khéo lắm, trong khi cụ Hàn (anh của Thầy) thì ngông, ra điều này nọ. Nhà nào trong làng có giỗ đều mang biếu Thầy một quả nem, một khoanh giò, một đĩa sôi, và một be rượu. Hầu như ngày nào cũng có biếu sén. Hồi đó chị mải chơi, vừa thấy người ta bưng vào cửa là vội vàng đi lấy 3 cái đĩa, một cái khay để sẵn. Khách biếu chưa vào đến nhà là mình đã sẵn sàng rồi, để cho họ biếu xong mau mau mình còn ra chơi tiếp. Khi khách về khỏi rồi là thế nào cũng bị đòn một trận. Đẻ đánh đòn, nhưng Đẻ thương, chỉ hỏi rằng: Con phải biết, lỡ Thầy không nhận thì sao? Thầy không giữ một chức vụ nào cả, luôn luôn kiếm cớ để kiếu (từ chối) những chức Tiên Chỉ, Thứ Chỉ. Nhưng các ông Lý, ông Phó, các ông thơ lại như ông Lý Quĩ, ông Thơ Đường khi đến thăm Thầy đều phải khép nép. Chị nhớ, Thầy ngồi sập ở trong, án thư ngoài, để cái điếu ống, còn một cái điếu bát để cho khách. Bao giờ cũng vậy, các ông đó đều hạ cái điếu bát xuống đất, ngồi hút. Không bao giờ họ dám ngồi ngang Thầy. Tại sao lúc đó hay thế nhỉ, tôn sư trọng đạo. Bây giờ học trò đập cả thầy. Lạ một điều có những người lúc mình đi khỏi làng họ chưa sinh ra, năm nay (2002) cũng phải bốn mấy tuổi, mà sao vẫn một lòng tôn kính Thầy và nhà mình. Có một hôm, chị vào một nhà đó để gọi điện thọai nhờ. Vậy mà chủ nhà gọi chị là Bà. Bà ạ, con nghe nói ngày xưa Cụ dậy học nghèo lắm mà thương người lắm. Nghe Cụ làm thuốc giỏi lắm phải không Bà. Mình cũng thú nhận lúc đó mình còn bé...”
Chị Thảo kể chuyện mùa đông, khi tôi được chừng một tuổi, Thầy tôi thường ngồi ôm tôi trong lòng, uống nước trà mỗi sáng. Có lần tôi táy máy sao đó làm đổ ấm nước trà mới pha, thế là tôi bị bỏng. Từ đó Thầy tôi không dám để tôi ngồi cùng mỗi buổi sớm mai.  Bây giờ ngồi ghi lại, tự nhiên tôi thấy tiêng tiếc, như thiếu chút hơi ấm của Thầy tôi.
Trong quyển sách “Đỗ Gia Thế Phả, viết tiếp, chi cụ Đỗ Trọng Vỹ”, tác giả Đỗ Thiếu Khang, cháu đời thứ 18, xuất bản tại Hà Nội năm 2010, có đoạn viết về Thầy tôi như sau:
Sau khi đi thi nhiều lần không đỗ cử nhân, cụ ở quê bốc thuốc và mở trường dậy học, rèn giũa cho con cháu. Thời đó phong trào “tây học” đang rầm rộ, đồng thời “đời sống mới” bắt đầu lan tràn tới mức cực đoan, phủ định sạch trơn những nề nếp của cha ông, nên cụ có bài thơ thất ngôn răn dạy con cháu:
“Ngọn đuốc văn ming mới lập loè
Thế mà đàn trẻ đã ti toe
Thi thư nếp cũ âu gìn giữ
Thanh bạch lề xưa chớ xoá nhoè
Ăn ở chớ theo phường tứ chiếng
Nói năng đừng học lối ba que
Ta già ta nói câu lẩm cẩm
Ta nói ai nghe, ai chẳng nghe.”

Có một lần tôi đã viết về Thầy tôi, như sau:
Nhà Tôi Năm Ất Dậu
(Trích báo xuân Phụ Nữ Người Việt, năm Ất Dậu 2005)

1945
Khi tôi vừa chập chững biết đi,
trên mặt đất nước này, Việt Nam yêu dấu,
tay non đánh mất 16 tháng trời cha mẹ nâng niu,
thì Thầy tôi qua đời,
cùng 2 triệu người chết đói!


Ðó là những câu thơ mở đầu bài thơ tự sự về đời tôi. Thầy tôi mất vào năm 1945, năm Ất Dậu, một năm khủng khiếp khiến gần 2 triệu người Việt Nam chết đói. Nhưng thực ra Thầy tôi qua đời vì bệnh già, Cụ đã 72 tuổi (73 tuổi ta). Lúc đó tôi mới được 16 tháng, suốt ngày oặt oẹo trên vai Mẹ.
Năm Ất Dậu đến giữa lúc tôi chưa được hai tuổi, chưa biết gì về những thảm khốc chung quanh. Những gì ám ảnh tâm trí tôi về nỗi thê thảm, tàn bạo của nạn đói là do những chuyện Mẹ tôi kể lại về Thầy tôi, trong đó có những chi tiết liên quan đến năm Ất Dậu. Về sau, đọc sách vở tôi mới biết thêm nguyên nhân gây ra nạn đói đó, biết thêm chuyện xác người hàng ngày nằm rải rác khắp phố phường Hà Nội, khắp các tỉnh thành phố quận, ... Trước đây mươi năm Nhật báo Người Việt mở cuộc thi viết về “Nạn Ðói Năm Ất Dậu”, bao nhiêu chuyện đau khổ được kể ra, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Không biết bao giờ văn chương Việt Nam mới có những tác phẩm lớn về các giai đoạn bất hạnh của đất nước, chuyện gần hai triệu người chết đói, chuyện gần triệu người bỏ xác nơi biển Ðông. Ðó là những cuộc hành trình tử sinh lớn nhất của nhân loại, chẳng khác gì cuộc hành trình của 6 triệu người Do Thái đi vào phòng hơi ngạt. Bao giờ những cảnh này được dựng thành bộ phim lớn để con cháu sau này biết được cha ông dũng cảm đến đâu. Những người Do Thái vào phòng hơi ngạt do bị cưỡng buộc, còn cả triệu người dân Việt hoàn toàn tự nguyện đi tìm cái chết nơi biển cả để được sống đời một con người. Thiên Anh Hùng Ca vĩ đại.
Những năm 1955, 1956,... tôi ở Ðà lạt với Mẹ tôi. Mỗi sáng, đúng 4 giờ, khi chuông chùa Linh Sơn từ quả đồi bên kia vọng lại, là Mẹ tôi dậy nấu cơm. Chúng tôi ăn sáng rồi mang theo phần ăn trưa. Mẹ tôi ra chợ bán hàng, còn tôi đi học. Chiều về, hai Mẹ con lại nấu cơm ăn tối. Hầu như ngày nào cũng vậy trừ Chủ Nhật tôi được nghỉ học. 4 giờ sáng trời Ðà Lạt vào những tháng cuối năm lạnh buốt. Từ cửa nhà trên đồi nhìn xuống thung lũng đặc một màu sữa trắng nhạt. Tôi biết dưới đó là vườn rau, là gần chục ngôi nhà -trong đó có nhà của người bạn đồng lứa đang cùng tôi tự học chữ Hán- nhưng giờ này chỉ thấy sương là sương. Tiếng chuông chùa Linh Sơn âm vang rền rĩ theo làn sương. Nhiều buổi sáng gặp thứ sương muối cái lạnh giá thấm tận tâm can. Ðánh răng rửa mặt xong tôi bước vào nhà, hai tay xoa vào nhau tìm hơi ấm. Mẹ tôi chỉ nói:
- Chưa ăn thua gì đâu con ạ. Cái năm Ất Dậu ấy, vừa giá lạnh, vừa đói khát mới là thê thảm. ..
Cứ thế Mẹ tôi nói về “Cái Năm Ất Dậu Ấy”. Rồi sáng ngày mai Cụ lại kể chuyện thơ văn, chuyện ngày xưa mấy ông Tú, ông Cử đến tạ Thầy tôi ra sao. Học trò Thầy tôi nhiều lắm, đôi khi cũng có người vớ được chút bảng vàng, nghe nói có người vớ được cái tiến sĩ đấy. Rồi sáng mốt cụ lại trở về chuyện Ất Dậu.
Mẹ tôi kể rằng có người ghé vào chợ huyện (cái nhà Sừng ấy, nó ở ngay sau nhà mình...) mua chiếc bánh giò, bóc ra ăn, nhai nhằm khúc xương. Nhè ra, hóa ra là đốt ngón tay còn nguyên móng tay dài. Mẹ tôi chép miệng: “Chả biết có thực không nhưng mà chuyện ăn thịt người có đấy con ạ. Chả thế mà có chuyện Ba Bị chuyên đi bắt trẻ con, cả ngày cứ nghe kháo đứa bé này mất tích, đứa bé kia đi lạc, sốt cả ruột.” Tôi thắc mắc rằng đã đói sao lại có người có gạo làm bánh giò? Mẹ tôi giải thích đâu có phải vùng nào cũng đói như nhau, cả miền Bắc đói thật đấy nhưng ở nhà quê dù sao cũng còn có gạo, có khoai, có sắn. Nhiều nhà vốn vẫn trữ gạo, thóc từ xưa đến giờ nên không đến nỗi nào. Chỉ những gia đình ở quê làm thuê làm mướn ăn đến đâu đong gạo đến đấy, và những nhà thành thị mới là khổ. Bắt đầu nạn đói mọi người chỉ tưởng như mọi năm, năm nào giáp hạt mà không có người đói, nên vẫn còn thực phẩm làm bánh trái bán lấy giá hời. Về sau nạn đói mỗi ngày một nặng. Nhà mình, Thầy là ông Ðồ Nho, học trò biếu xén thóc gạo cũng nhiều, Mẹ vẫn để dành phòng khi Thầy nằm xuống Mẹ con còn chút vốn xoay xở. Mẹ tôi vẫn nhiếc yêu:
- Cậu phải biết cả nhà chỉ có mình cậu và Thầy được ăn cơm gạo trắng đấy. Cả nhà ăn độn tất tật. Mới đầu còn độn 7 phần gạo, 3 phần khoai, sau đến nửa này nửa nọ, rồi đến lúc củ khoai cõng mấy hạt cơm thì chao ôi là sót ruột. Cả ngày cái bụng nóng râm ran, mà nó lỏng chỏng làm sao ấy, rõ ràng mới ăn mấy củ khoai xong mà cứ như chưa có gì vào bụng, kiếm mấy lá rau cho mát ruột cũng không có.
Rồi Mẹ tôi đổi giọng ngậm ngùi:
- Con lúc đó còn bé quá, sinh ra là đau ốm quặt quẹo luôn luôn, không kiếm đâu ra hộp sữa con chim mà nuôi nên người cứ như giải khoai, nằm vắt qua vai Ðẻ. Ðẻ với chị Thảo thay nhau bế, đặt xuống là khóc thét lên. Nên dù không có nhiều gạo cũng cố nấu mỗi ngày niêu cơm cho Thầy và con ăn. Bên ngoài đói lắm, trộm cướp nổi lên như dươi.
Trộm cướp nổi lên, lệ làng thêm ngặt nghẽo. Lúc đó Trương Tuần bắt được ai ăn cắp, ăn trộm là mang ra đình làng chặt tay. Nhiều người chạy đến cầu cứu Thầy tôi. Mẹ tôi kể lại cảnh Cụ đang đắp chăn nằm ho sù sụ, vậy mà cũng phải ngồi dậy, mặc mấy lớp áo bông để chống cái giá lạnh mùa đông đất Bắc, chống gậy ra Ðình. Ra đến nơi là cụ quát (Đẻ tôi kể vậy, chữ “quát” chắc có phóng đại chút ít cho Thầy tôi thêm oai):
- Thôi, tôi xin mấy ông Lý, ông Tuần.  Bắt được người ta ăn trộm thì nọc ra mà đánh mấy roi. Trời giá rét này mỗi roi là như xé thịt, chứ chặt tay để suốt đời người ta tàn tật sao? Chăn dân thì cũng cần nhân đức. Trời làm đói kém. Ðến vợ con tôi mà đói thì tôi cũng đi ăn cắp ăn trộm chứ đâu có chịu nhìn vợ con chết đói. Thôi, đánh mấy roi rồi tha cho người ta, rồi tìm cách mà cứu chẩn...
Thầy tôi chẳng có chức tước gì cả. Ngoài bảy mươi rồi, chỉ là một ông thầy dậy học miền quê. Mấy chục năm đèn sách, thi mấy lần cũng chỉ đậu đến Tú Tài. Ðậu hai lần thì người ta gọi là Tú Kép. Ðậu ba lần thì gọi Tú Mền. Ba lần đi thi cũng mất mười mấy năm trời, không kể hàng chục năm trời học hành thuở ban đầu. Thế là gần nửa đời người, Cụ đành bỏ cuộc chơi, mặc mấy cụ bạn bè quen biết như cụ Chu Mạnh Trinh đua chen chốn quan trường, mặc mấy cụ bạn như cụ Hoàng Tăng Bí tham gia Ðông Kinh Nghĩa Thục. Cụ an phận với danh Cụ Tú Mền, bây giờ về làng tôi vẫn nghe các vị già cả nhắc đến “Cụ Mền”. Cụ ngồi nhà dậy học. Học trò Cụ lại khá và đông, mấy lần võng lọng về tận nhà tôi để các quan tân khoa tạ thầy. Thành ra gặp Việc Làng, được hỏi ý,  là Cụ cứ “phán”. Vậy mà người ta nể. Cái học ngày xưa vẫn sản sinh ra những con người trọng thầy.
Người ta nể, người ta trọng người thầy đã “cho chữ thánh hiền”, cho cả đạo lý làm người. Ngay cả khi “túng làm liều” người ta vẫn giữ lòng nể trọng như vậy. Mẹ tôi kể chuyện một buổi sáng thức dậy thấy dưới ngách cửa có vết đất bị đào một lỗ lớn đủ người chui lọt. Thấy chiếc lư đồng, đôi chân nến nằm ngay gần cửa ra vào. Thưa với Thầy chỉ nghe Thầy ừ một tiếng rồi thôi. Ðại khái ý nói “thì có ai ăn trộm gì cũng là vì người ta đói, người ta cần!” Mẹ tôi tự đi tìm hiểu thấy nhà chẳng mất gì cả. Ðang phân vân thì thấy “anh cu Lực” đến khúm núm dưới thềm. Anh Cu Lực thuộc loại làm thuê làm mướn cho mấy làng, nhà nghèo lắm. Anh đặt cái đầm đất nho nhỏ xuống bên chân rồi nói với Mẹ tôi:
- Thưa Bà, con đến lấp lại chỗ đất mới lấp tạm đêm qua. Lúc đó trời rét quá, lại đói, con đành bỏ mặc đó để sáng nay trở lại xin Bà và Ông tha lỗi. Túng quá làm liều nhưng nghĩ lại...
Ðói quá, biết nhà tôi còn có củ khoai, bắp chuối mà ăn, lại có những bộ đồ đồng sáng chưng, anh định vào quơ quào chút ít. Vào nhà rồi nhìn lên bàn thờ thấy các Cụ ngồi uy nghi, lại thấy thầy tôi nằm co quắp nghèo nàn trên phản, nên anh bỏ lại. Chả gì thì ông Bố của anh, rồi mấy ông Chú, ông Bác cũng đã từng “đến ăn mày mấy chữ thánh hiền” với Thầy tôi. Nhất tự vi sư, thời anh không còn cơ hội đi học chữ nho, nhưng đạo lý làm người vẫn được cha, anh truyền lại, trong đó có đạo Tôn Sư. Nên anh đành bỏ lại mấy món đồ nếu bán đổ bán tháo cũng kiếm được rổ khoai cho cả nhà. Ðợi anh làm xong, Mẹ tôi đưa anh vào buồng trong, mở chiếu cói cho anh coi thúng khoai dấu dưới gầm giường tre, rồi nói:
- Nói thật với anh, cả nhà cũng còn có ngần đấy. Anh sẻ lấy một phần mang về luộc cho chị ấy và các cháu ăn cho đỡ đói. Nếu anh tìm được nơi nào mua mấy bộ lư, đỉnh thì bán hộ tôi, tôi sẽ cho phần các cháu. Ông yếu lắm rồi, chẳng biết lúc nào đây...
Nói mãi anh mới chịu nhận. Vừa ôm túm khoai vừa khóc.
Mẹ tôi kể tiếp rằng nạn đói kinh khủng lắm. Ăn mày la liệt xóm làng. Mỗi sáng, cứ mở cổng ra là thấy mấy thây người nằm chết cứng từ đêm qua. Họ không còn đủ sức kêu rên nên trong nhà không ai biết. Ngày nào cũng thế, Trương Tuần lùng bắt dân đinh khiêng người đi chôn. Mới đầu còn mấy miếng ván để thô không bào, đóng qua đóng quít. Sau đến bó chiếu. Ðến lúc không còn đủ chiếu mà bó thì cứ thế đào sâu “3 thước”, xô xuống rồi lấp đất lên. Rồi đến lúc đào không đủ 3 thước nữa, cứ vài tấc nông choẹt là đã lấp rồi. Lâu dần, người khỏe mạnh để đi chôn người chết cũng không còn. Ai cũng gầy như que sậy, gió thổi là ngã. Thành ra Lý Trưởng mới chia phiên chôn người theo thôn, theo nhà. Thực ra người làng đào đâu ra mà chết nhiều thế. Phần lớn là những người từ làng khác, vụ trước đã mất mùa, vụ này lại bỏ ruộng đi trồng đay cả làng, không có được bao nhiêu lương thực nên mò sang làng này may ra đào được gốc chuối nào chăng. Rồi người từ thành, từ tỉnh, lũ lượt kéo nhau về quê tìm thức ăn, chưa vào qua lũy tre xanh đã ngã gục bên đường. “Ðói lắm con ạ! Bây giờ con phải thấy hạt gạo là hạt ngọc, đừng vương vãi, phung phí có ngày phải tội...” Mẹ tôi thường kết thúc câu chuyện như vậy. Ðúng hơn lúc đó phải nói “hạt gạo quí như ... hạt gạo”, chứ hạt ngọc làm sao bằng được. Mà cái“Có ngày” đó quả thực đã xẩy ra thêm bao lần nữa. Những người lênh đênh giữa biển trên đường vượt biên đã biết cái đói, cái khát là gì, những người trong các nhà tù Miền Bắc những năm 197... cũng đã biết cái đói là gì, dù không thê thảm như năm Ất Dậu nhưng cũng đủ làm thay đổi con người. Trong tù, nhiều bậc khoa bảng, chức tước bỗng nhỏ đi, hèn đi. Chẳng cần phải ở trong tù, ngoài xã hội lúc đó cũng mấp mé đứng bên lề Ất Dậu. Bao nhiêu thóc gạo phải trả nợ chiến tranh, mọi người cứ thế è cổ ra nhai bo-bo, thứ hạt ở trong tù chúng tôi ăn vào thế nào, đi ra như vậy. Xin lỗi, đi cầu ra còn nguyên hạt bo-bo. Nhóm tù hình sự người Mường người Mán vùng biên giới Hoa Việt bị lùa về đây (trại Thanh Cẩm, Thanh Hoá), không thân nhân, không tiếp tế, lại bị đám tù “người Kinh” bắt nạt, ăn chặn, nên đói rã rời. Họ xuống hố phân dành để bón rau, hốt lấy bãi bo-bo đó, mang rửa vội dưới sông, rồi cứ thế mà cứu đói. 30 mươi năm sau nạn đói Ất Dậu, cuối 1975, đầu 1976, chúng tôi bị nhốt ở Long Thành, gần Sài Gòn. Một “ngày đẹp trời”, đoàn xe đổ vào trại trên 200 “hình nhân” khẳng khiu quắt queo. Lúc đó không thể gọi họ là những con người. Trông cứ như những xác ép khô, chỉ lộ đôi mắt sâu hoắm. Ðó là các cháu bé tuổi từ 12 đến 16, 17 từ trại Bù Gia Mập được đưa về đây bồi dưỡng. Trước đó hơn 6 tháng, các cháu từ đầu đường xó chợ Sài Gòn được tập trung rồi tống vào giữa rừng Bù Gia Mập. Không một cái đinh, sợi kẽm, tay không làm lấy nhà cửa mà trú mưa trú nắng. Quần áo không có, chăn màn cũng không. Với chút thực phẩm ít ỏi, các cháu chiến đấu chống lại sự hủy diệt của thiên nhiên, của con người. Ra đi 600, về đây hơn 200. Có ai nghĩ đến chuyện dựng bộ phim như vậy không? Thiên Anh Hùng Ca của dân tộc ta. Bao nhiêu là “Chuyện Ất Dậu” chạy dài suốt 60 năm của chu kỳ lịch số Ðông Phương. Có lẽ Thầy tôi sẽ không nói ai là kẻ có tội trong các câu chuyện “Ất Dậu” này. Người Nhật không, người Việt cũng không. Cả người Thực Dân, cả người Cách Mạng, cũng không. Ðó là do vận số của dân tộc, của đất nước. Nghe vậy nhiều vị bực mình, thôi hãy tha cho một ông đồ nho của thế kỷ trước. Cũng có thể là tôi hiểu lầm Thầy tôi, nhưng cứ theo những gì Mẹ tôi kể lại, tôi nghĩ vậy. Về nhiều điều như kiến trúc, văn chương, hội họa, âm nhạc, cả nhan sắc nữa, chúng ta chưa có thứ nào là bậc nhất thế giới. Tổ tiên chỉ để lại cho ta sức chịu đựng và lòng dũng cảm vượt qua biết bao “Nỗi Bất Hạnh Ất Dậu”. Mấy dân tộc có được điều đó.
Năm nay lại là năm Ất Dậu. Chúng ta đang sống trong cảnh quá no, quá đủ. Ở đâu đó trên mặt đất này vẫn còn chiến tranh, nghĩa là vẫn còn đói khát, còn chết chóc. Chỉ mong cảnh đó như cơn gió thoáng qua, đừng để số thương vong chết chóc lên đến gần hai triệu người như năm Ất Dậu, hơn một triệu người trong mười năm chiến tranh, hơn nửa triệu người buông mình giữa các làn sóng biển nhấp nhô. Xin được như nguyền.


Hãnh diện là con của Thầy Tôi, cũng là hãnh diện được mang Họ Đỗ (ở Bình Ngô, Đại Mão). Tôi xin ít giòng giới thiệu về Thủy Tổ Họ Đỗ, Cụ Nội, Ông Nội của tôi.

Về họ Đỗ, Cụ Nội tôi, Ông Nội tôi

Họ Đỗ (ở Bình Ngô, Đại Mão) tương truyền thuộc giòng họ Cụ Trạng Nguyên Nguyễn Quang Bật. Cụ làm quan đến chức Đô Ngự Sử, nhưng bị hàm oan, bị bức tử vào năm 1506, triều Lê Uy Mục, lúc 42 tuổi. Triều vua sau biết Cụ bị oan, phong tước Bá, ban chữ “Trung Trạng Nguyên”. Kiêng lời thề của Cụ trước khi mất, con cháu sau đổi qua họ Đỗ.
Theo gia phả, mộ Tổ họ Đỗ, tức thân phụ Cụ Nguyễn Quang Bật, là mộ thiên táng, ở ấp Thường Vũ, huyện Gia Định, nay là xã Bình Ngô, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trong sách “Trùng đính thiên nam danh địa” (1682) nói về 18 ngôi mộ phát trạng nguyên, có liệt kê ngô mộ Tổ này: “Mộ thân phụ Nguyễn Quang Bật ở xã Bình Ngô, huyện Gia Định, hình biển lớn phẳng lặng, một khi trở mình thành thành quách, bốn bề khô cạn, khi trời mưa nước lên trông như rồng đi, thế như cuộn khúc, mang tinh phong. Chỉ hiềm một nỗi nước bên ngoài làm lay động đầu rồng. Nguyễn Quang Bật đỗ Trạng Nguyên năm Hồng Đức thứ 15, làm quan đến Đô Ngự Sử, bị tai bay vạ gió mà chết chìm”. Cao Biền đã có lời bàn cũng về ngôi mộ Tổ họ Đỗ, được dịch nghĩa như sau: “Đất Gia Định, Bình Ngô, hình thế khéo điểm tô, Thần đồng đứng trước trực, quỉ sứ đứng sau hầu, Học đỗ đầu thiên hạ, tiếng lẫy lừng hoàng đô, nhưng hiềm có đường phạm, và sợ có nước tù, Hay tai bay vạ gió, không lỗi mà phải lo.”
Phần ghi chép trong gia phả về ngôi Mộ Tổ như sau: “Tương truyền, Cụ Thủy Tổ sinh thời dạy học ở làng Thường Vũ, đến khi bách tuế dân làng và học trò đưa đám đến đường kim tinh thì bị mưa bão, không ai ở được. Sớm hôm sau ra thì thấy mối xông, lấp cả quan tài, không biết phương hướng đích xác mộ ở phía nào. Từ đấy, ngôi mộ ngày một to thêm. Đời sau, con cháu mới lập bia đề “Đỗ Thị Tổ Phần”, vào năm Gia Long thứ 14, Ất Hợi, 1815.
Một câu chuyện tôi được nghe kể nhân chuyến về dự Ngày Giỗ Tổ ở quê Bình Ngô (Thường Vũ) và Đại Mão năm 2005, chép ra đây như thêm một giai thoại về ngô mộ Tổ họ Đỗ. Tôi không nhớ vào lúc nào đó, các viên chức địa phương, ủy ban này nọ hoạch định chương trình mở mang, dẫn thủy nhập điền. Những mối thù, ganh ghét từ nhiều trăm năm về trước giữa các giòng họ trong làng vẫn âm ỷ, lại có cơ hội bột phát. Thế là bản đồ vẽ kênh đào dẫn nước sẽ đi qua ngôi mộ được gọi là thiên táng, to lớn của họ Đỗ, nghĩa là phải cải táng Mộ Tổ, mang đi nơi khác. Có vẻ như sắp đào đến nơi, may một người trong họ Đỗ đã nhờ đến Võ Nguyên Giáp. Ông Đại Tướng làm chuyên đi kinh lý vùng quê Thuận Thành, và chỉ thị phải thay đổi đường đào con kinh dẫn nước. Cả họ thở phào. Đó là nghe vậy thôi, thực hư đến đâu, không dám chắc. Có điều những đứa con xa xứ đâu có thấy được những khó khăn mà họ hàng phải đối phó với sinh hoạt làng xã ngàn xưa để lại. Thành tâm biết ơn quí vị còn ở lại với mồ mả tổ tiên.
Tiếp theo xin ghi vắn tắt về Cụ Nội tôi và Ông Nội tôi.

Cụ Đỗ Trọng Dư
Theo cách tính cũ của gia phả, Cụ Nội tôi, cụ Đỗ Trọng Dư (có sách ghi Đỗ Dư) là đời thứ 10 tính từ Cụ Thủy Tổ là Thân phụ của Trạng Nguyên Nguyễn Quang Bật, những đời trước đó chưa tra cứu được. Cách tính này bỏ khoảng trống chừng 80 năm không ghi chép, từ cụ Nguyễn Quang Bật, đời thứ hai đến cụ Giảng Dụ - người đầu tiên đổi họ Đỗ. Cách tính mới của ông Đỗ Thiếu Khang trong sách “Đỗ Gia Thế Phả - Viết tiếp” thì Cụ Nội tôi là đời thứ 14, coi như hơn 80 năm mất tài liệu bao gồm 4 đời ở giữa. Và như vậy, tôi thuộc đời thứ 17 (thay vì đời 13 theo cách tính cũ,) và ông Khang đời thứ 18.
Cụ Đỗ Trọng Dư sinh ngày 16 Tháng 8, năm Bính Ngọ, 1786. Theo ông nội tôi là cụ Đỗ Trọng Vỹ (có nơi chép là Vĩ), con cả của cụ Đỗ Trọng Dư, năm 1879 viết về Cụ Nội tôi , thì cụ Đỗ Trọng Dư đỗ Cử Nhân khoa Kỷ Mão, đời Gia Long, 1819. Nhân vì kiện tụng phải vào Kinh Đô, sau ở lại theo học Thầy là Chế Khoa Tiến Sĩ họ Trần, được vài tháng Thầy mất, đứng lo đám tang cho Thầy xong về lại Đỗ xá tập văn, đến năm 34 tuổi đỗ nhất cử Hương Cống. Đến khi làm Tri Phủ Quốc Oai, lại bị kiện oan, mất chức, về đi dậy học.
Gia phả ghi về những tác phẩm còn giữ được của cụ Đỗ Trọng Dư gồm: “Tứ Tự Sử Lược”, “Nam Phong Giải Trào”, “Quan Âm Thị Kính”, “Âm Chất Giải Âm”, sau này, sách vở tài liệu nhân gian còn ghi thêm: “Hành Kinh Thi”, “Lạng Hành Thi”, “Tự Tri Ngâm”, “Tranh Hà Luận Đại Lược”, …
Riêng về truyện “Quan Âm Thị Kính” trước đây thường ghi tác giả là “khuyết danh”, sau theo gia phả họ Đỗ nói là của cụ Đỗ Trọng Dư, nhưng ông Hoa Bằng vào năm 1970 cho rằng tác giả là cụ Nguyễn Cấp. Năm 2008, nhà xuất bản Văn Học cho in tác phẩm “Đỗ Trọng Dư, Con Người và Tác Phẩm” của ông Dương Xuân Thự, giới thiệu hai tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” và “Âm Chất Giải Âm”, với những khảo cứu, dẫn chứng, lý luận rằng tác giả Quan Âm Thị Kính là của cụ Đỗ Trọng Dư. Đặc biệt trong phần phụ lục của cuốn sách trên, ông Dương Xuân Thự có in 3 bài viết, hoặc chưa phổ biến ở đâu, hoặc đã đăng báo từ trước, trong đó có bài “Lạm Bàn Về Các Giả Thuyết Tác Giả truyện “Quan Âm Thị Kính”” với những lý đoán vững chắc để bác giả thuyết của ông Hoa Bằng.
Cũng trong chiều hướng đi tìm sự thật về tác giả của truyện Quan Âm Thị Kính, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng có thể cả hai cụ Nguyễn Cấp và Đỗ Trọng Dư đều liên quan đến tác phẩm này, và viết rằng “Nếu năm 1876, văn bản của Đỗ Trọng Dư mới được ghi ra giấy thì có phần chắc ông là người đến sau, vì bản in sớm nhất hiện còn là vào năm Tự Đức thứ 21 (1868, AB.46)”
Chúng tôi nghĩ rằng lý luận trên có phần không ổn. Quả thực năm 1876, cụ Đỗ Trọng Vỹ là con của cụ Đỗ Trọng Dư mới chép lại tác phẩm của Cha mình, thì không có nghĩa năm đó tác phẩm mới được cụ Đỗ Trọng Dư sáng tác, bởi vì cụ đã mất từ 8 năm trước (1786 – 1868). Như thế có thể cụ đã viết Quan Âm Thị Kính từ trước hoặc ngay năm 1868 là năm có bản in đầu tiên còn lưu giữ được. Vậy có thể cụ Đỗ Trọng Dư là người “đến sau”, hoặc “đến cùng lúc”, hoặc “đến trước”. Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng từ năm 1858, trước khi bản in kể trên được khắc in, Cụ đã viết xong phần diễn nôm của tác phẩm “Âm Chất”, một tác phẩm kinh điển của Đồng Tử Đế Quân (Trung Hoa), được gọi là “Âm Chất Giải Âm”. Cho nên, viết như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, “có phần chắc ông là người đến sau” không có vẻ “chắc” lắm.
Vào một dịp khác, chúng tôi sẽ xin phép đăng tải lại các bài viết của ông Dương Xuân Thự về tác giả Quan Âm Thị Kính để quí vị thấy những ý kiến rất xác đáng này có thể góp phần chấm dứt cuộc bàn cãi tìm tác giả tác phẩm trên.

Cụ Đỗ Trọng Vỹ
Sinh ngày 10 Tháng 12, năm Kỷ Sửu đời Minh Mệnh (1829). Năm 21 tuổi đỗ Tú Tài khoa Canh Tuất (1850). Năm Giáp Tý đời Tự Đức (1864 - 36 tuổi) đỗ Cử Nhân.
Sau khi trải qua nhiều chức vụ, cụ Đỗ Trọng Vỹ được Bắc Kỳ Tán Tương Quân Vụ là Tôn Thất Thuyết cử làm Bắc Kỳ Bang Tá Quân Vụ. Đến lúc Cụ xin về hưu, lại được yêu cầu làm Đốc Học tỉnh Bắc Ninh, lúc đó gồm 26 phủ, huyện, kể cả tỉnh Bắc Giang, tỉnh Phúc Yên và huyện Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên bây giờ. Cụ giữ chức Đốc Học Bắc Ninh hai lần. Khi quân Pháp chiếm đóng thành Hà Nội, Cụ đã xin hưu, về ẩn dật chùa Hàm Long. Sau đó ít lâu lại được yêu cầu nhận Đốc Học Bắc Ninh lần nữa. Học trò của Cụ rất đông, nhiều vị đạt được tiến sĩ, phó bảng. Hiện ở chùa Hàm Long còn tượng thờ Cụ. Tác phẩm đáng chú ý nhất còn lưu giữ được đến ngày nay của Cụ là “Bắc Ninh Địa Dư Chí”.
Cuộc đời Cụ rất nhiều thăng trầm và nhiều giai thoại thú vị, xin tham khảo gia phả “họ Đỗ ở Binh Ngô, Đại Mão”.
Dưới đây là vài đoạn trích từ bài nói chuyện trong lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Giỗ Cụ Đỗ Trọng Vĩ (19 Tháng 9, Kỷ Hợi, 1899 – 19 Tháng 9, Kỷ Mão, 1999), dô ông Đỗ Tuấn Anh (cháu 4 đời của Cụ) đọc:
Cụ tên húy là Trọng Vĩ, tên tự là Tham Thiền, tên thụy là Hiếu Mục, tên hiệu là Khôi Hữu, người làng Đại mão, tổng Thương Mão, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cụ dòng dõi Trạng nguyên đời Lê Hồng Đức – Nguyễn Quang Bật (1464 – 1505), là con cả cụ Đỗ Dư, cử nhân khoa Kỷ Mão đời Gia Long (1819), tác giả cuốn Quan Âm Thị Kính và bộ Tử Đồng Âm Chất Văn Tập.”
Cụ được cử làm án Sát Thái nguyên, Cao Bằng. “Cụ góp công dẹp và bắt được giặc Lý Dương Tài bên Tàu năm 1879” (Việt Nam Sử Lược trang 522). Sau đó Cụ cáo bệnh về hưu, nhưng sau đó được triệu ra làm Đốc Học tỉnh bắc Ninh thời đó gồm 26 phủ, huyện.
“Cụ chủ trì xây dựng Văn Miếu Bắc Ninh. Xây nhà bia khắc tên các vị đại khoa trong tỉnh, và cúng 11 mẫu ruộng để hàng năm xuân thu hai kỳ cúng tế các bậc tiên hiền …”
“ … Cô hầu theo Cụ lên Thái Nguyên, Cao Bằng kể rằng: Mấy năm chỉ được một người chạy Chánh Tổng nhờ cô nói với quan, nếu được sẽ xin hậu tạ cô nén bạc. Người này quả được làm Chánh Tổng, lên lĩnh bằng, cô hầu khấp khởi mừng thầm … Nhưng Cụ lại truyền rằng: Người đứng đắn xứng đáng thì quan cho làm, không phải đút lót gì cả. Thế là ông Chánh mới chỉ mang biếu cô hầu một buồng chuối to.”
“Cô còn kể rằng ngày tết Nguyên Đán, Cụ bắt cô gói nhiều bánh chưng để phát cho tù. Phạm nhân tội nhẹ được Cụ tha về hoặc tại ngoại. Do đó, khi thanh tra đến Cụ thường bị phạt tiền vì quá dễ dãi.”
Gia phả ghi chuyện khi Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ, dân chúng bỏ ruộng vườn chạy giặc. Các quan bị gán ghép lấy ruộng, đất canh tác và đóng thuế, sau đó thuộc về quan luôn. Cụ được chia đất làng Đông Côi. Khi dân trở về, không như các vị khác chiếm đoạt luôn, Cụ trả lại dân hơn 300 mẫu ruộng, chỉ yêu cầu trả dần tiền thuế mà Cụ đã đóng cho triều đình.

Đọc thêm trong blog này: Sách Địa Dư Xưa Viết Về Bắc Ninh, tag "góp nhặt"


No comments:

Post a Comment