Saturday, November 17, 2018

Tài Liệu 2


Tài Liệu Tham Khảo cho tập 7 Tôi Làm Báo Người Việt
Tài Liệu 2

Thư gửi chị Mỹ Linh

Ngày 7 Tháng Tư 2008
Thư gửi chị Mỹ Linh
Thưa chị,
Tôi có ít hàng tâm sự với chị và những vị nào đang bận tâm về vụ biểu tình chống báo Người Việt.
Cái mà tôi phiền muộn và âu lo không phải là sự sụp đổ của nhật báo Người Việt mà một số người đang cố công muốn làm như vậy. Cái mà tôi sợ hơn, là sự tan nát , phân hóa của cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng tan nát hơn mà từ đó, kẻ hưởng lợi nhiều nhất là CSVN, những kẻ đang tìm đủ mọi cách để  xâm nhập lũng đọan, đánh phá chúng ta dưới mọi hình thức.
Bài viết này gửi chị hơi dài, nhưng thật tình chưa nói hết tất cả những gì tôi muốn nói với chị và mọi người khác. 
Biểu tình chống báo Người Việt và vấn đề chống Cộng
Trần Đức Trực
Ít lâu nay, tham dự các diễn đàn, chị đã thấy nhiều bài viết và tin tức liên quan đến vụ biểu tình chống báo Người Việt ở quận Cam California.
Một số đáng kể đều là các bài đánh phá, chửi bới, kết tội báo Người Việt là tay sai Cộng sản dựa trên những suy luận khá hồ đồ và đáng đặt thành nghi vấn. Một vài người lên tiếng bênh vực hay trình bầy vấn đề một cách khách quan hay thông tin đa chiều đều bị chửi thậm tệ, hoặc không cho xuất hiện bài viết hay thông tin trên các diễn đàn đó.
Bài viết này, trình bày với chị và tất cả những ai quan tâm đến vụ việc và vấn đề chống Cộng, giới hạn trong vấn đề biểu tình chống báo Người Việt.
Bài viết này mong bất cứ ai đọc cũng đều nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau một cách bình tĩnh và công tâm.
Cái khó khăn của sự đối thoại và vô tư công bằng là khi người ta đã có định kiến hoặc chấp nhận các thông tin sai lạc, do chủ tâm hay cố ý với dụng ý nào đó, sự đối thoại không còn nữa. Nó trở thành sự chửi bới, mạt sát nhiều khi với những lời nói hay từ ngữ khó nghe.
Nhắc lại đôi nét diễn tiến của cuộc biểu tình
Cuộc biểu tình, với vài chục người, phản đối báo Người Việt diễn ra vào cuối Tháng Giêng 2008, trong đó có ba nhân vật chính là các ông Ngô Kỷ, Trần Thế Cung và Đoàn Trọng.
Họ chỉ trích báo Người Việt là nhục mạ lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt quốc gia.
Một bài viết kèm theo tấm hình vẽ cái chậu ngâm bàn chân để móng chân mềm dễ cắt tỉa của người thợ làm nghề sơn móng tay, tỉa móng chân ở Hoa Kỳ  – chứ không phải chậu rửa chân - của tác giả Trần Thủy Châu trên báo xuân Người Việt, xuân Mậu Tý, trang 194. Tác giả viết để vinh danh bà mẹ chồng đã không nề hà cực khổ với cái nghề chẳng lấy chi danh giá trong xã hội để nuôi các con.
Cái rắc rối là bài viết kèm theo bức tranh minh họa, vẽ cái chậu màu vàng với 3 sọc đỏ nhỏ chạy viền quanh. Tác giả bài viết là một nữ sinh viên ban cao học ngành họa tại đại học.
Cả tháng trời sau khi phát hành, không ai để ý và nói gì cho đến khi có một bài viết của ông Bùi Bảo Trúc, phổ biến cả trên Radio Little Saigon. Ông Trúc giận dữ nhiếc móc giả bài viết và tấm hình là “con ranh con” (dù phụ nữ này đã hơn 30 tuổi) đã làm nhục biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt quốc gia. (Trước khi sống bằng nghề viết báo, ông Trúc cũng từng là một nhà giáo).
Thế là người ta thấy có một số người tới trước cửa tờ báo biểu tình đả đảo. Dù số người biểu tình không nhiều, những tuần lễ biểu tình đầu tiên, có một số người đã ra giữa đường cản trở lưu thông, chận các khách hàng và nhân viên báo NV đi vào bãi đậu xe. Một số khách hàng của tờ báo đến đăng quảng cáo hay rao vặt đã bị chửi, mắng mỏ, đe dọa. Trước sự bực tức cũng như sự an nguy của khách hàng, các cấp chỉ huy công ty báo Người Việt đã buộc lòng nộp đơn kiện và chỉ biết tên có 3 người là các ông Ngô Kỷ, Trần Thế Cung và Đoàn Trọng.
Tờ báo có video (gồm cả âm thanh), hình ảnh chứng minh là các người biểu tình đã vượt ra ngòai khuôn khổ luật pháp, kiện chỉ nhằm bảo vệ nhân viên và khách hàng. Tờ báo không kiện các người biểu tình vì biểu tình phản đối báo Người Việt như đã nêu trong bức thư trần tình gửi độc giả và mọi người trong cộng đồng.
Trong một video, có cả hình ảnh và lời đe dọa “tao đánh thấy mẹ” của ông Ngô Kỷ. Dù vậy, khi trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông hay trong chương trình phát thanh của các ông mỗi đêm, các ông đều nói mình là những người tôn trọng pháp luật và không làm gì sai trái. Nhiều khách hàng của báo Người Việt sẵn sàng ra làm chứng trước phiên tòa để xác nhận họ đã bị làm phiền (harass) ra sao. Các nhân viên bảo vệ an ninh (security guards người Mỹ của một công ty Mỹ) cho tờ báo chắc chắn có thể khai chính xác những gì họ nhìn thấy là các người biểu tình có hành động trong khuôn khổ pháp luật cho phép hay không.
Một ít lần, cảnh sát thành phố Westminster được mời tới khi nhân viên an ninh thấy các người biểu tình có dấu hiệu đi quá đà. Cảnh sát Westminster chắc chắn cũng đã nhìn thấy.
Tờ báo Người Việt không kiện vu vơ và cũng không muốn gì hơn là có biện pháp pháp lý để giữ các người biểu tình trong giới hạn của pháp luật. Từ khi có vụ kiện thì người ta thấy những người biểu tình không còn các hành động quá đáng nữa.
Báo Người Việt, qua chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty và kiêm luôn chức Chủ nhiệm, quyền Tổng giám đốc (cho tới khi tìm đựơc người thay thế từ nội bộ công ty hay thuê người từ bên ngoài) Phan Huy Đạt và tân chủ bút Đỗ Bảo Anh đã ra tiếp xúc với các người biểu tình để xin lỗi và cam kết có các biện pháp chấn chỉnh trong nội bộ tờ báo để những việc như vậy đừng xảy ra nữa.
(Ông Phan Huy Đạt kiêm nhiệm hai chức TGĐ và Chủ Nhiệm tờ báo sau khi đã chấp thuận sự từ chức của ông Đỗ Việt Anh. Tin này chính thức loan báo trong một phiên họp toàn bộ nhân viên tờ báo Hồi Tháng Hai. Không những thế, công ty còn đẩy ông ra khỏi mọi hoạt động của công ty bằng cách phát cho ông một số tiền cho nghỉ việc – severance package – để chứng tỏ có sự dứt khoát. Ông Đỗ Việt Anh chỉ trùng họ chứ không quan hệ họ hàng thân tộc với cố chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến và đương kim chủ bút Đỗ Bảo Anh là con gái ông Yến).
Đồng thời với sự tiếp xúc, công ty báo Người Việt đã sa thải chủ bút Vũ Ánh, tổng thư ký tòa soạn Vũ Qúy Hạo Nhiên, là bộ ba đã gây ra cho tờ báo và công ty Người Việt rất nhiều tai vạ trong mấy năm qua.
Nhưng cuộc biểu tình đã không ngừng lại từ sau cuộc tiếp xúc này. Ông Ngô Kỷ và mấy người đại diện còn đòi hỏi rằng phải tổ chức một buổi tiếp xúc kiểu khóang đại, ở một chỗ nào khác chứ không phải tại cơ sở báo Người Việt để những người cầm đầu tờ báo xin lỗi, cam kết với tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới, chứ không phải các ông.
Một mặt, do sự khuyến cáo của luật sư đại diện trong vụ kiện, một mặt sợ rằng nếu tham dự như vậy, những người cầm đầu tờ báo sẽ vô tình lọt vào một cái bẫy, một cuộc đấu tố có chủ đích cao hơn là giải quyết chuyện tấm hình làm thương tổn biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ cao quí khi bị cho vào chỗ hạ tiện.
Nhóm những người cầm đầu cuộc biểu tình muốn dùng hệ thống paltalk, và internet để làm nhục những người cầm đầu công ty Người Việt với những lời cáo buộc dựa vào những hình ảnh chỉ có người đã chết ngồi dậy, may ra mới giải thích rõ trắng đen. Mà chắc gì ông Yến sống lại giải thích họ đã thỏa mãn, tin lời.
Sự thận trọng này có lý do và hiểu được qua những diễn tiến xảy ra gần đây qua hai việc, sự xuất hiện của hai tấm hình cố sáng lập viên kiêm chủ nhiệm báo Người Việt là Đỗ Ngọc Yến ngồi với một số viên chức CSVN và cuộc họp báo của nhóm người biểu tình vẫn cầm đầu bởi ba ông Ngô Kỷ, Trần Thế Cung và Đoàn Trọng. Một tấm hình có Nguyễn Tấn Dũng hiện đang là thủ tướng CSVN với nhiều người mà ông Yến ngồi ở đầu bàn. Một tấm hình chỉ có 4 người trong đó có tổng lãnh sự Nguyễn Xuân Phong và ông Đỗ Ngọc Yến.
Các người biểu tình phóng lớn hai tấm hình này trưng trước báo Người Việt. Hai tấm hình này cũng được báo mạng Take2Tango của ông Thế Phương tung ra cùng một thời gian để chứng minh rằng chủ nhiệm sáng lập Đỗ Ngọc Yến đi đêm (nếu không là cán bộ CS) với Cộng sản. Nói khác, báo Người Việt là báo Cộng sản nên thỉnh thỏang đã có những hành vi (qua 4 vụ mà các người biểu tình nêu ra) chứng tỏ là có lợi hay tuyên truyền cho Cộng sản.
Báo mạng Take2Tango còn dọa đưa ra bài phỏng vấn ông Phan Huy Đạt của một tờ báo của Bộ Tài Nguyên Môi Trường là tờ Tia Sáng (và còn đưa ra hình Phan Huy Đạt ngồi với Vũ Khoan (khi đó chưa là Phó thủ tướng CSVN thì phải?) (ông Ngô Kỷ quảng cáo như vậy trong cuộc họp báo ngày 27/3/08) để chứng minh rằng ngòai Đỗ Ngọc Yến, người khác, cầm đầu công ty Người Việt, cũng quan hệ chặt chẽ với CSVN. Họ muốn chứng minh và củng cố thêm cho lập luận báo Người Việt nếu không là báo CS thì cũng là làm tay sai cho CSVN.
Ông Đạt về Việt Nam dạy luật thương mại Hoa Kỳ và luật thương mại quốc tế cho giới giảng viên đại học theo một hợp đồng ông ký với USIS, một cơ quan thuộc Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ. trong những lần về Việt Nam dạy học này, ông không thể tránh né các cuộc phỏng vấn của báo chí trong nứơc hay chụp hình với một số viên chức CSVN. Người ta định vin vào các tấm hình đó để kết tội ông là có quan hệ với Cộng sản.
Trước diễn tiến mới của vụ việc, chủ nhiệm Phan Huy Đạt , chủ bút Đỗ Bảo Anh đã lên trên đài truyền hình để giải thích. Tờ báo cũng đăng lời giải thích vụ việc và các tấm hình với độc giả. Từ đầu vụ biểu tình đến nay, tờ báo nhận được hàng trăm lá thư, điện thư chia xẻ sự khó khăn và ủng hộ tờ báo mà một số rất ít được nêu ra trên mục thư độc giả của tờ báo.
Nhưng trên các diễn đàn điện tử thì đầy dẫy những lời đả kích, kết án tờ báo Người Việt cũng những người cầm đầu tờ báo, người chết cũng như người sống. Người ta còn tung ra một danh sách nay đã lên hơn 180 cá nhần và đảng phái, hội đòan ký tên vào đó kết tội báo Người Việt và kêu gọi yểm trợ tiền bạc trả luật sư phí cho 3 người bị báo Người Việt kiện.
Thật ra, trong các hội đòan đó, ông Hoàng Cơ Long tự nhận là “Hội đồng chỉ đạo” của đảng Việt Tân. Đây là cái chức rất to, rất nổ để ông dọa thiên hạ, chứ đảng Việt Tân, dòng chính thống và có đông đảo đảng viên khắp nơi không có ông Long và cái “hội đồng chỉ đạo” của ông. Muốn biết thực hư, hãy hỏi ông Đỗ Hòang Điềm, đương kim chủ tịch Việt Tân thì biết ngay. Vì Việt Tân đang bị đánh phá nhiều chuyện, họ không tiện lên tiếng về vụ ông Long tiếm nhận nhân danh đảng Việt Tân, chứ không phải họ cùng một ý với bọn ông Ngô Kỷ.
Nhiều hội đòan ở xa cũng có tên trên danh sách mà nhóm ông Ngô Kỷ công bố đã không biết sự thật, vì chỉ nghe theo những gì ông nói. Một số người trong tờ báo gọi được cho họ thì được biết như vậy.
Trong cuộc họp báo ngày 27/3/08 tại phòng sinh hoạt của nhật báo Viễn Đông, ông Ngô Kỷ vẫn cứ dựa vào câu trả lời phỏng vấn Đài BBC của ông Vann Phan, tân tổng thư ký nhật báo NV, là hai người (chủ bút Vũ Ánh và tống thư ký Vũ Quí Hạo Nhiên mất chức chỉ là biện pháp hành chánh) để nói rằng báo NV đã không sa thải những người đó.
Ông Vann Phan đã không nắm vững các quyết định và sự việc ở các cấp chỉ huy cao hơn ông và ông cũng chưa được thông báo sớm sủa cho rõ, khi ông trả lời ông Trần Đông Đức phỏng vấn cho BBC, nên đã trả lời sai bét như vậy.
Thật sự, hai ông Ánh và Nhiên đã bị sa thải. Ông Phan chỉ là tổng thư ký tờ báo, bù đầu chuyện bài vở tin tức. Ông không có quyền hành và không biết gì về các họat động quản trị, điều hành tờ báo, các mặt khác kể cả vấn đề nhân viên, của các cấp cao hơn nếu họ không hay chưa cho ông biết.
Sự sa thải hai ông Ánh, Nhiên và cả sự sa thải (trên thực tế) cả tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm Đỗ Việt Anh, sau khi có cuộc biểu tình chỉ là hậu quả của những giọt nước làm tràn ly. Ba ông này cùng một phe với nhau, chịu hết trách nhiệm về những sai trái, từ vô tình đến cố ý suốt 4, 5 năm qua trong việc điều hành quản trị cũng như nội dung tờ báo Người Việt.
Tôi xin mở ngoặc một chút ở đây. Tờ báo Người Việt tổ chức theo một công ty Mỹ. Bên trên có Hội Đồng Quản Trị. Bên dưới là một ban điều hành kinh doanh do một tổng giám đốc trách nhiệm. HĐQT bầu (hay có thể thuê người bên ngoài) một người làm tổng giám đốc, một người làm chủ nhiệm.
Tổng giám đốc cắt cử chủ bút, tổng thư ký.
Từ khi Đỗ Ngọc Yến bị bệnh tiểu đường nặng không còn tham dự trực tiếp vào họat động của tờ báo, tên ông chỉ ghi là chủ nhiệm trên các văn bản chứ thật sự ông không tham dự trực tiếp vào các họat động hàng ngày của tờ báo và công ty Người Việt. Có chăng, chỉ là những lần quí vị trong HĐQT, tổng giám đốc đến nhà ông để thuật chuyện, nghe ý kiến , đề nghị của ông.
Tất cả các người trong HĐQT và nhiều người trong Ban Biên Tập của tờ báo là bạn học, bạn Hướng Đạo, họat động sinh viên, thanh niên, bạn làm báo của ông Yến từ Việt Nam. Trừ ba người đã chết trước ông (Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Ngô Mạnh Thu) những người đó là cốt lõi đã làm nên công ty và tờ báo Người Việt.
Tuy tổ chức theo luật pháp Hoa Kỳ và là công ty pháp danh, họat động của công ty NV lại điều hành theo lối rất Việt Nam. Tính cả nể bạn bè, cái gì xong, qua đi rồi thì thôi. Cái gì dù sai nhưng không thấy có hại ngay cho tờ báo hay công ty thì cũng im luôn. Chuyện gì, dù biết là sai, không nên hay cần phải dứt khoát, nhưng vì cái tinh thần tình cảm giắt dây ấy, đã không dẫn đến các quyết định đúng như cách điều hành và hành động (thẳng thừng) như của một tổ chức kinh doanh Mỹ. Và các người trong HĐQT không phải lúc nào cũng cùng một ý với nhau, mà cũng có từng nhóm ý kiến khác nhau, phe phái. Do đó mới có sự lộng hành của người có quyền điều hành hàng ngày công ty và tờ báo.
Nhiều người trong HĐQT có việc làm hay cơ sở kinh doanh nơi khác, không có mặt ở tờ báo, chỉ tham dự các phiên họp định kỳ. Cho nên, Tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm công ty Người Việt có quyền hành lớn về mọi mặt. Nói khác, nếu quyết định gì đó của TGĐ kiêm chủ nhiệm hay chủ bút, tổng thư ký là các quyết định riêng của những người này. Nhiều khi HĐQT chỉ biết sau khi sự việc đã xảy ra. HĐQT công ty Người Việt  đề ra đường lối tổng quát để TGĐ thi hành. Nhưng nhiều khi TGĐ có những quyết định không phải là xuất phát từ HĐQT.
Chính vì thế, nhiều sự việc tai hại, gây tiếng xấu hay hiểu lầm cho công ty và tờ báo Người Việt, không phải là chủ trương của HĐQT, tức tổ chức cao nhất và có thẩm quyền cao nhất trong các quyết định của tờ báo, mà cả công ty và tờ báo phải chịu tiếng hay hậu quả.
Cái đáng trách đối với họ là đã không đưa ra quyết định đúng mức, đúng lúc cho đến khi đã quá trễ. Không những đã quá trễ, nhiều khi cách đối phó lại cũng không dứt khoát, đủ mạnh vì sự dè dặt quá đáng. Tôi không hiểu có thể gọi là nhát hay không.
Có ai sau những người biểu tình và các tấm hình không?
Trong buổi họp báo nói trên, các ông ông Ngô Kỷ, Trần Thế Cung và Đòan Trọng xác nhận họ chỉ là những người biểu tình độc lập, chỉ cùng biểu tình chống báo NV trong tư cách cá nhân. Qua lời nói như vậy, có vẻ như họ là một thứ rắn không đầu nhiều đuôi, hoặc là một con rắn nhiều đầu.  
Nhưng trong một bức thư phổ biến cả trên báo giấy và báo mạng, báo Người Việt chỉ hé lộ phần nào cho thấy có người (cùng một người) đã đến nói với chủ nhiệm Đỗ Bảo Anh và một người vai vế cao trong tờ báo (ở hai dịp khác nhau) là nếu chịu các điều kiện của họ thì sẽ không thấy có thêm các tấm hình khác đựơc trưng bày cũng như phổ biến khắp nơi và cuộc biểu tình sẽ còn mãi.
Theo sự tìm hiểu của người viết bài này, dường như một trong những điều kiện đó là phục chức cho ông nguyên TGĐ/Chủ nhiệm. Dường như người đề nghị như vậy (mà bài viết trên báo NV gọi là blackmail) là ông thầy dùi của một vị giám sát viên ở Quận Cam. Ông này dường như cùng họ, cùng chữ lót với đại sứ CSVN tại Hoa Thịnh Đốn là Lê Công Phụng.
(Trước đó, họ từng tới đề nghị tờ NV hậu thuẫn đặc biệt để cho vị giám sát viên tái đắc cử. Tuy nhiên, chủ bút Đỗ Bảo Anh, vốn làm báo Mỹ đã quen và quen với tinh thần độc lập của báo Mỹ, đã trả lời là tờ báo không thiên vị bên nào giữa các ứng cử viên. Cô cũng nhắc nhở ban biên tập như vậy trong một phiên họp).
Người ta thấy ông này tới với đám người biểu tình trứơc báo NV nhiều lần. Trong cuộc họp báo kể trên, người ta thấy ông thầy dùi, mặc bộ đồ com-lê cà vạt rất đẹp, khi vào trong nghe một chút, nhưng phần lớn là đứng trên lề đường, tay đút túi quần, như một thứ quan “lược trận” cho cụôc họp báo. Khi dẫn luật sư đại diện (Jeff Lyon) cho ông này ra xe về, ông Ngô Kỷ đã dẫn ông Lyon đến giới thiệu và bắt tay ông thầy dùi.
Có mối quan hệ mật thiết giữa ông thầy dùi và ông Ngô Kỷ hay không? Chắc chắn phải có. Có mối quan hệ giữa những tấm hình và ông thầy dùi hay không? Làm sao không?
Trong cuộc họp báo, khi bị hỏi hai tấm hình ông Yến chụp với Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phong từ đâu ra? Ông Ngô Kỷ nói không thể tiết lộ.
Hai tấm hình đó, nếu không phải là hình ghép như rất nhiều người nêu ra vấn đề kỹ thuật để cả quyết, chỉ có thể cán bộ CSVN mới được phép cầm máy chụp hình trong một cuộc họp mặt của các viên chức cao cấp của chế độ. Nhưng ai là người cung cấp cho bọn ông Ngô Kỷ? Ông là người nắm giữ sự thật.
Ông Võ Tá Chước (doanh nhân, hiện diện trong cả hai tấm hình)  nói với một số người rằng ông không phải là người cung cấp hình. Ông Lê Quí Biên vẫn bị nhiều anh em trong làng báo nghi rằng ông là một tay “nằm vùng”. Dường như ông này có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và ông ở Việt Nam, sau này, nhiều hơn là ở Mỹ. Ông cung cấp hình theo lệnh của Hà Nội để được hưởng những ân huệ khác hay những bức hình đó đến tay nhóm ông Ngô Kỷ bằng đường nào? Ông là gì trong cái mắt xích đường đi của những tấm hình? Chỉ biết đựơc sự thật nếu những người trên đây nói sự thật. Hoặc nó đến trực tiếp từ nơi chụp các tấm hình? Có nhiều người đã đưa ra nhận xét như vậy.
Nhưng có điều, nếu ĐNYến và cả Phan Huy Đạt (mà ông Ngô Kỷ dọa tung thêm hình để chứng minh họ có quan hệ với Cộng sản) là cán bộ CS hay ít nhất là làm tay sai cho CS, chẳng lẽ CS lại tung ra các tấm hình đó để hại báo Người Việt? Họ tự chặt tay chân của họ?
Người ta cứ đổ riệt cho báo Người Việt là báo Cộng sản, nhưng suốt từ mấy chục năm qua, kể cả thời gian mà người ta đem hình ra chứng minh là ĐNY “đi họp” với Cộng sản gộc, đã có bài bình lụân nào, bản tin về tình hình Việt Nam nào cố võ “hòa hợp hòa giải”, kêu gọi người Việt hải ngọai về nước đầu tư, kêu gọi ủng hộ chế độ Hà nội, biện minh cho chế độ Hà Nội một chuyện nào đó không? Hay các bài bình luận và các bản tin đều tóat ra những sự phê phán, đả kích, vạch ra những cái sai trái?
Nếu câu trả lời là chưa thấy, không thấy thì một vài chuyện riêng lẻ như cái chậu trên báo xuân Mậu Tý, mấy câu thơ con cóc báo xuân một năm trước đó, chỉ là sự sơ xuất, hay giả sử là cố tình, chỉ là trách nhiệm của người phụ trách bài vở của tờ báo xuân. Đó không phải là chủ trương của Công ty Người Việt hay Hội Đồng Quản Trị Công Ty Người Việt và đại đa só các người làm tại công ty và tờ báo Người Việt.
Người ở ngoài, không biết như vậy nên đổ hết lên đầu tòan thể công ty, coi như đó là sự cố tình làm nhục lá cờ vàng biểu tượng của người Việt quốc gia hoặc bợ đỡ quảng cáo cho chế độ Hà nội (mấy câu thơ con cóc của ông thầy bói Nhân Quang).
Cái đáng trách của HĐQT công ty Người Việt là để cho tổng giám đốc quá nhiều quyền hành. Khi ông này làm các điều sai trái (cam kết với người biểu tình phản đối là thôi không cộng tác với ông Nhân Quang nữa, thì vài tháng sau khi vụ biểu tình êm hẳn, lại thấy bài tử vi hàng tuần của ông này tái tục trên tờ báo). Sự cố ý này, không phải là chủ trương của HĐQT, theo tôi biết mà do sự ngang ngạnh khinh dể dư luận của ông nguyên TGĐ kiêm chủ nhiệm.
Một lần thất tín đã là quá rồi. Đằng này, thất tín nhiều lần thì các sự giận dữ và không tin thiện chí của những người có trách nhiệm mới ở trong công ty Người Việt là điều hiểu được. Nhưng nếu người ta hiểu cung cách hành sử, điều hành công ty và tờ báo như tôi nói ở trên, có lẽ người nào đọc đến đây, nhìn ra sự yếu kém quản trị của công ty báo Người Việt, thay vì kết tội cố ý cho cả một tập thể.
Tại sao ông thầy dùi của người giám sát viên lại muốn công ty NV rước ông này quay lại?
Nếu ai nhớ lại mùa bầu cử năm ngoái, trên mặt báo Người Việt, một ứng viên giám sát quận Cam quận Cam đã được tờ báo NV yểm trợ tối đa. Bài viết, quảng cáo của bà này tràn ngập tờ báo trong khi đối thủ của người này bị gạt ra ngoài. Đối thủ của “gà” của bộ ba TGĐ/CN – Chủ bút – Tổng thư ký báo NV có gửi bài phản bác các trò đánh đấm hạ tiện cũng đều bị phe lờ. Vậy mà các ông này vẫn thường nói đến công bằng, vô tư khách quan trong thông tin báo chí. Thậm chí, một bản tin của báo NV đưa ra cuộc tiếp kiến của người đó với HT Thích Tâm Châu, đặt vào mồm ngài những lời ngài không nói, đặt vào mồm người ứng viên giám sát những lời bà ấy không nói (chỉ ngồi ngậm hột thị từ đầu đến cuối). Vậy mà tờ NV không hề đưa ra lời xin lỗi dù HT Tâm Châu được phỏng vấn đã phủ nhận bản tin của báo NV, phổ biến trên hai nhật báo Viễn Đông, Việt Báo và đài phát thanh. Đã có áp lực nội bộ công ty đòi phải cải chính và xin lỗi HT Tâm Châu. Tuy nhiên, ông chủ bút cương quyết không làm, lấy cớ khi phỏng vấn trực tiếp, HT Tâm Châu không chịu trả lời.
Vụ việc này, những người ở bên ngòai không biết nên cứ tưởng đó là chủ trương của tờ báo. Thật sự, không phải vậy. Thế của bộ ba đó, lúc đó, át cả quyền hành của một cái HĐQT quen tính cả nể, không quen biện pháp mạnh và thẳng thừng.
Có mối quan hệ đặc biệt gì giữ người giám sát viên và bộ ba vừa kể? Nếu không có, ông thầy dùi đã không “blackmail” tân chủ bút của tờ báo.
Có rất nhiều tin tức chung quanh vụ biểu tình chống báo Người Việt. Phần lớn không thể đưa ra làm bằng cớ một cách công khai.
Nhưng trong vụ việc này, nếu người ta chứng minh được đường đi của những tấm hình, mối quan hệ của mấy nhóm lợi ích khác nhau trong vụ biểu tình, ai bỏ tiền ra lo vụ kiện trong khi nhóm 3 người bị kiện nhiều lắm chỉ kêu gọi quyên góp được khỏang 5 ngàn đô la, mối quan hệ giữa ông thầy dùi với các người cầm đầu biểu tình và với các nguồn cung cấp hình ảnh và một số người đã bị đẩy ra khỏi báo NV, người ta hy vọng giải mã được nhiều ẩn số.
 Trong vụ biểu tình chống báo NV , theo tôi, CSVN đã không đánh trực tiếp được một cơ quan truyền thông chống Cộng có uy tín của người Việt hải ngọai, họ đã phải đánh gián tiếp qua nhiều tầng nấc trung gian kiểu ném đá giấu tay. Một số người chống Công quá khích đã không nghĩ rằng mình đã mắc mưu địch, mà chỉ nghĩ rằng người bạn đồng hành của mình chính là kẻ địch.
Những người ở xa, vì không hiểu rõ sự thật tận nơi xảy ra sự việc mà chỉ nghe hay đọc qua những lời cáo bụôc khăng khăng của một số nhỏ người có chủ ý chính trị nào đó, nên mới có thái độ hùa theo.
Tôi tin rằng nếu có dịp đến tận nơi, ngồi nghe và hiểu ra sự thật, người ta chắc phải có thái độ khác.
Người viết bài này, từng quen biết và họat động sinh viên thanh niên với Đỗ Ngọc Yến từ thời trai trẻ, lại cũng là chỗ bạn bè của nhiều người trong báo Người Việt. Tôi trình bày vấn đề với tất cả những gì tôi biết. Vị nào thắc mắc muốn chất vấn hay phản bác, xin cho biết. Tôi sẵn sàng chia sẻ, thảo luận thêm để làm sáng tỏ vấn đề.
Trần Đức Trực




No comments:

Post a Comment