Saturday, November 17, 2018

Trần Đức Trực nói sai 1


Tôi Làm Báo Người Việt 11- 02

Trần Đức Trực nói sai

Đây là bài 2 trong đợt bài viết về nhân vật Trần Đức Trực và những bài viết của ông ta phổ biến trên mạng và báo Người Việt trong hai tháng 4 và 5, 2008. Các bài trong phần này chỉ có một sợi chỉ nối kết đó là cùng dựa trên mấy bài viết của ông Trực. Quí vị có thể đọc các bài độc lập. Thuy nhiên, nếu đọc theo thứ tự thì vẫn hay hơn. Đặc biệt xin đọc đoạn viết “về ông Trần Đức Trực” trước tiên. Quí vị cũng nên đọc các bài viết của ông Trực mà chúng tôi có sưu tập từ trên mạng, và để trong phần tài liệu phụ đính.
 Trước hết xin quí vị đọc vài đoạn trích từ bài “Biểu tình chống báo Người Việt và vấn đề chống Cộng” của ông Trần Đức Trực.  
“ Sự sa thải hai ông Ánh, Nhiên và cả sự sa thải (trên thực tế) cả tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm Đỗ Việt Anh, sau khi có cuộc biểu tình chỉ là hậu quả của những giọt nước làm tràn ly. Ba ông này cùng một phe với nhau, chịu hết trách nhiệm về những sai trái, từ vô tình đến cố ý suốt 4, 5 năm qua trong việc điều hành quản trị cũng như nội dung tờ báo Người Việt.”
“Tuy tổ chức theo luật pháp Hoa Kỳ và là công ty pháp danh, họat động của công ty NV lại điều hành theo lối rất Việt Nam. Tính cả nể bạn bè, cái gì xong, qua đi rồi thì thôi. Cái gì dù sai nhưng không thấy có hại ngay cho tờ báo hay công ty thì cũng im luôn. Chuyện gì, dù biết là sai, không nên hay cần phải dứt khoát, nhưng vì cái tinh thần tình cảm giắt dây ấy, đã không dẫn đến các quyết định đúng như cách điều hành và hành động (thẳng thừng) như của một tổ chức kinh doanh Mỹ. Và các người trong HĐQT không phải lúc nào cũng cùng một ý với nhau, mà cũng có từng nhóm ý kiến khác nhau, phe phái. Do đó mới có sự lộng hành của người có quyền điều hành hàng ngày công ty và tờ báo.
Tổng giám đốc cắt cử chủ bút, tổng thư ký.
Nhiều người trong HĐQT có việc làm hay cơ sở kinh doanh nơi khác, không có mặt ở tờ báo, chỉ tham dự các phiên họp định kỳ. Cho nên, Tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm công ty Người Việt có quyền hành lớn về mọi mặt. Nói khác, nếu quyết định gì đó của TGĐ kiêm chủ nhiệm hay chủ bút, tổng thư ký là các quyết định riêng của những người này. Nhiều khi HĐQT chỉ biết sau khi sự việc đã xảy ra. HĐQT công ty Người Việt  đề ra đường lối tổng quát để TGĐ thi hành. Nhưng nhiều khi TGĐ có những quyết định không phải là xuất phát từ HĐQT.
Còn nhiều đoạn trong bài nêu trên có nội dung tương tự. Tựu trung, những đoạn đó chỉ nói về một điều: Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Nhiệm Đỗ Việt Anh, người chủ chốt trong “bộ ba (Việt Anh, Vũ Ánh, Hạo Nhiên),” là kẻ chuyên quyền, coi Hội Đồng Quản Trị không ra gì, đã làm rất nhiều điều sai trái cho Công ty và Nhật báo Người Việt. Mọi điều xấu của Công ty và tờ báo đều do tay này, không ai trong “nhóm anh em Người Việt” chịu trách nhiệm hết (chúng tôi là những kẻ đàng hoàng, ngoại trừ tên đó) nhưng vì “cả nể” nên bị vạ lây. Đó là ý kiến của ông Trần Đức Trực về tôi, về những chuyện tôi làm trong “4, 5 năm vừa qua”, tức là năm 2007 và các năm trước, 2006, 2005, 2004, 2003. Tôi tôn trọng ý kiến, nhận xét của ông vì (tôi tin rằng) ông là nhân vật trọng yếu trong công ty và tờ báo, nên ông đã đánh giá như vậy; nếu không, người nào đó là nhân vật trọng yếu kể lại đánh giá của họ cho ông nghe, để ông viết như vậy. Bây giờ tôi xin trình bày một số điều thực sự xẩy ra liên hệ tới ý kiến, nhận xét trên của ông Trực.
1- Điểm 1 - Điều đầu tiên tôi xin thanh minh cho hai ông Vũ Ánh và Hạo Nhiên. Ông Trực dùng nhóm chữ “bộ ba” để nói về tôi và hai người này. Thực ra hai ông Ánh và Hạo Nhiên chỉ chịu trách nhiệm rất ít về những gì ông Trực kết tội “bộ ba” trong 4, 5 năm qua đã làm điêu đứng Người Việt. Nếu quả có tội đó, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm. Hai ông Ánh và Hạo Nhiên chỉ chia xẻ phần rất nhỏ như mọi nhân viên khác trong công ty và tờ báo. Tại sao ông Trực đặc biệt gán 2 ông ấy với tôi để liên kết thành “bộ ba”? Vì chức vụ hai ông là Phụ Tá chủ bút và Tổng Thư Ký, và vì lý do quan trọng hơn, tôi sẽ trình bày sau. Ông Ánh dù có được vào HĐQT một nhiệm kỳ khi con số thành viên nâng lên đến 12 người, nhưng ông vẫn tự coi là người ngoài “nhóm anh em”. Ông ấy không có tham vọng dự phần vào các quyết định có tính nguyên tắc và chính sách. Đúng ra, ông ấy không có thói quen đưa ra quyết định như vậy, Ông Hạo Nhiên thuộc thế hệ 2, không có cao vọng xếp ngang hàng “bác Yến, bác Toàn.”
2- Điểm 2 - Trước khi xem trong “4, 5 năm” đó tôi làm những việc gì để đến nỗi gây nên tội tầy đình như ông Trực phán xét, tôi xin nêu một điểm sai của ông Trực. Vẫn với niềm tin ông Trực là người trong “nhóm cốt lõi của Người Việt”, tôi xin chú thích rằng, nhiều khi những ông cốt lõi đó có thể quên điều này, điều kia đã thực sự xẩy ra, cả tôi cũng vậy. Vì thế, khi nói điều gì tôi cũng phải có bằng chứng chứ không nói cái kiểu “cả vú lấp miệng em” mà không có bằng chứng gì cả, hoặc kiểu nói theo lòng mong ước của mình mà quên mất thực tế xẩy ra. Điều sai đó là: “Tổng giám đốc cắt cử chủ bút.”
(2-a) – Những người này còn sống đến giờ phút tôi đang viết đây, ngày 28 Tháng 4, 2012, (nhằm ngày 8 tháng Tư âm lịch, ngày Phật Đản cũ): Ông Đỗ Quý Toàn, ông Tống Hoằng. Khoảng năm 1998, 1999, (không rõ năm nào, có thể tra cứu trong Biên Bản HĐQT công ty,) ông Tống Hoằng lúc đó là Tổng Quản Trị nói tôi nhận chức Chủ Bút, thay thế ông Nguyễn Thiện Cơ muốn từ nhiệm chức vụ đó. Nếu tôi đồng ý, sẽ đề nghị bổ nhiệm. Tôi nói ông Hoằng nên mời ông Đỗ Quý Toàn (Vụ này, sẽ nói rõ hơn ở bài khác). Kéo dài khoảng 2 tháng, ông Tống Hoằng 4 lần nói lại ý đó, và 4 lần tôi nhắc lại ý tôi. Cuối cùng, tôi khăng khăng chỉ xin làm Phụ tá Chủ Bút, và ông Hoằng chịu. Khi đó, tôi nói chuyện với ông Đỗ Quý Toàn, anh ruột tôi, nên nhận làm Chủ Bút tờ báo Người Việt, và tôi xin làm phụ tá. Ông Toàn nói, chỉ nhận nếu Hội Đồng Quản Trị mời. Tức là ông Toàn muốn HĐQT bổ nhiệm Chủ Bút chứ không phải Ban Điều Hành (Tổng Giám Đốc). Tôi mới qua Mỹ từ năm 1991, nên không rõ trước đây ra sao, nhưng lần đó, HĐQT đã làm chuyện bỏ phiếu bầu Chủ Bút.
(2-b) – Trong phiên họp HĐQT ngày 27 Tháng Tư, 2005 và tiếp tục ở ngày 4 Tháng Năm, 2005, HĐQT đã bầu ông Đỗ Ngọc Yến làm Chủ Nhiệm, ông Đỗ Việt Anh làm Chủ Bút (Biên bản họp HĐQT có ghi rõ.) Trong phiên họp HĐQT ngày 23 Tháng 3, 2006, Chủ Tịch HĐQT Phan Huy Đạt nêu ra việc bầu Chủ Bút (CB). Đại ý, ông Đạt nói HĐQT đã nhiều lần bầu CB, nhưng luật lệ tờ báo chưa hề có điều luật bắt buộc Chủ Nhiệm và Chủ Bút phải do HĐQT bầu, nên đề nghị biểu quyết luật đó. Ông đưa ra motion “HĐQT bầu CN, CB dựa trên đề nghị của Tông Giám Đốc, đề nghị của hội viên HĐQT (xin xem biên bản HĐQT ngày trên.) Nghĩa là CB phải do bầu cử. Nhiệm kỳ này (2006 – 2007) tôi vẫn là CB. Tuy Tổng Thư Ký không phải chức vụ cần HĐQT bầu nhưng tôi vẫn xin ý kiến HĐQT về người tôi chọn lựa. Trước đó, nhiệm kỳ 2005 -2006, tôi là CB,  cũng thông báo HĐQT quyết định chọn các ông Phụ tá CB: Vũ Ánh, Phạm Quốc Bảo, Tổng Thư Ký: Vũ Quí Hạo Nhiên, Giám Đốc Mỹ Thuật: Nguyễn Đồng, Giám Đốc Kỹ Thuật: Nguyễn Khắc Chinh. HĐQT ghi nhận. (Biên bản còn ghi rõ).
(2-c) Một điều sai nữa của ông gọi là Trần Đức Trực: “Sự sa thải hai ông Ánh, Nhiên và cả sự sa thải (trên thực tế) cả tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm Đỗ Việt Anh”- Đọc ở các phần trước của loạt bài “Tôi Làm Báo Người Việt”, quí vị đã thấy tôi nói về những thư tôi gửi anh em Người Việt để thông báo từ nhiệm các chức vụ. Thư này gửi từ Tháng 9, 2007. Hội Đồng Quản Trị họp đầu năm 2008 và quyết định cho tôi hưởng severance package trong thời gian tôi ở nhà, cho đến ngày 01 Tháng 01, 2009 sẽ bàn thảo lại về công việc của tôi. Cuối Tháng 3, 2008, tôi dự lễ bàn giao với vị tân nhiệm ở Người Việt, chuyện này có đăng trên báo Người Việt. Nghĩa là, tôi không bị sa thải dù thực tế hay giấy tờ. Tôi có thuật ở mấy bài trước rằng tôi chán ngán cái cảnh NV coi tôi là kẻ thù, nên không muốn liên lạc lại sau ngày 1 tháng 1, 2009. Dòng chữ ngay sau đây của tôi thì hoàn toàn chủ quan vì tôi không nghe thấy, không nhìn thấy, nhưng tôi hình dung cái ông gọi là Trần Đức Trực có vẻ mặt hoan hỉ (tự sướng?) khi viết được mấy dòng chữ tên tôi dính đến chữ sa thải. Tại sao tôi nghĩ chủ quan như vậy vì bài “Trần Đức Trực là ai” đã cho một số quí vị biết ông ta là ai, và vì tôi biết ai đã nói chuyện với Vũ Ánh và Hạo Nhiên để cho hai vị này nghỉ. Tội lỗi! Tội lỗi! khi tôi nghĩ bậy như vậy. Việc tu tập của tôi còn kém quá, “chưa nhịn” được để giả dối như người khác!
3- Điểm 3 – Trong mấy câu trích từ bài của ông Trực nêu trên, có đoạn này: “Nói khác, nếu quyết định gì đó của TGĐ kiêm chủ nhiệm hay chủ bút, tổng thư ký là các quyết định riêng của những người này.” “Nhưng nhiều khi TGĐ có những quyết định không phải là xuất phát từ HĐQT.”
(3a) – Chúng ta thử xem quyết định của mấy chức vụ trên là “quyết định riêng” ra làm sao. Trước hết, tôi nói về quyết định của Tổng Thư Ký (TTK). Ông Trực đã đề cao vai trò của TTK nên nói về quyết định riêng của TTK, làm như luôn luôn quyết định của ông này có ảnh hưởng lớn lao đến tờ báo, và nếu ông ta làm bậy thì lúc đó là quyết định riêng (chúng tôi, NV, không chịu trách nhiệm.) Tôi không cần luận giải điều này vì chính ông Trực đã nói rồi, khi ở đoạn  trong bài ông ấy viết, ông đã kể như sau: “Ông Vann Phan đã không nắm vững các quyết định và sự việc ở các cấp chỉ huy cao hơn ông và ông cũng chưa được thông báo sớm sủa cho rõ, khi ông trả lời ông Trần Đông Đức phỏng vấn cho BBC, nên đã trả lời sai bét như vậy.
“Thật sự, hai ông Ánh và Nhiên đã bị sa thải. Ông Phan chỉ là tổng thư ký tờ báo, bù đầu chuyện bài vở tin tức. Ông không có quyền hành và không biết gì về các họat động quản trị, điều hành tờ báo, các mặt khác kể cả vấn đề nhân viên, của các cấp cao hơn nếu họ không hay chưa cho ông biết.” Vậy mà ông Trực khăng khăng kết tội TTK Hạo Nhiên. Và lạ nhỉ, sao ông Trực biết rõ nội tình NV đến thế, biết ông Vann Phan không biết điều gì cả kể cả vấn đề nhân viên. Và ông Trực còn biết nhiều điều bí ẩn hơn thế nữa. Vậy mà ông khiêm nhượng chỉ nhận là bạn ông Yến, “thỉnh thoảng ghé nhà chơi.”
Nói cho cùng, quyết định của bất cứ nhân viên nào trong công ty hay toà báo, dù cấp thấp đến đâu, cũng đều là quyết định “riêng” cả. Họ quyết định dựa trên nền nếp có từ xưa, dựa trên hướng dẫn của cấp cao hơn, dựa trên nguyên tắc nghề nghiệp (chuyên môn kế toán, chuyên môn computer, kỹ thuật điện tử, dựa trên bảng giá biểu, dựa trên tình huống tức thời,…) Nhưng bảo rằng vì đó là quyết định riêng mà một cá nhân cấp thấp trong công ty phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, và “chúng tôi” (công ty, bọn anh em cốt lõi chúng tôi, HĐQT, Ban Điều Hành,…) là vô tội, thì kể cả kiểu Mỹ hay kiểu Việt Nam (Cộng Hoà), (ngay cả kiểu Congo,) cũng không ai lý luận như vậy. Dù Mỹ hay Việt Nam (Cộng Hoà), “chúng tôi” vẫn chia xẻ trách nhiệm, hoặc chịu hoàn toàn trách nhiệm. May ra có kiểu Việt Nam (Cộng Sản) cùng quan điểm với ông Trực.
(3b) – Về ông Vũ Ánh, xin tha cho ông ta như trên tôi đã nói, ông ta không có tham vọng là người đưa ra quyết định quan trọng đâu, và bản tính ông ta cũng không thích đưa ra quyết định, ngay cả khi ông ta làm Chủ Bút cũng vậy. Trong vụ Huỳnh Thuỷ Châu và cái chậu rửa chân, ông ta nhận trách nhiệm vì ông ta “là Mỹ hoặc Việt Nam (Cộng Hoà)”; ông ta không là ông Trực hay Việt Nam (Cộng Sản), chỉ biết đổ lỗi cho cấp dưới.
(3c) - Bây giờ về tôi, Đỗ Việt Anh, thử xem sao nào.
Tôi bị kết tội “lộng hành”, “chuyên quyền”, và “…”  suốt 4, 5 năm, tức là từ 2003 đến hết 2007. Trước hết, tôi xin nói sơ qua về tổ chức và lề lối làm việc của Công ty và Nhật báo Người Việt (NV) theo hiểu biết của tôi (hơn hay kém hiểu biết của ông Trực một chút.)
Công ty NV gồm công ty (Mẹ) và những công ty con, trong đó có Công ty Nhật Báo Người Việt (NVNews). Thực tế, nhân sự chủ chốt của Công Ty (Mẹ) và NVNews gần giống hệt nhau. Tôi dùng chữ NV để chỉ cả 2 công ty, vì tuy 2 mà 1. Hằng năm, NV đều tổ chức Đại Hội Cổ Đông, thường là âm thầm, nhưng sau vì có thêm nhiều cổ đông mới do NV tặng cổ phần (NVNews), nên tổ chức ra bề nổi hơn, có căng biểu ngữ trước trụ sở. Đại Hội Cổ Đông (ĐHCĐ) bầu ra Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) (lúc ít nhất gồm 7 người, lúc cao nhất gồm 12 người). HĐQT bầu ra Ban Điều Hành để trực tiếp trông coi tờ báo. HĐQT bình thường họp mỗi tháng 1 lần, nhiều khi họp liên tục mỗi tuần, hoặc 10 ngày, 2 tuần một lần. Mọi việc quan trọng (dù là thường xuyên hay không) xẩy ra giữa hai kỳ họp đều được đưa ra xem xét; và bàn về công việc dự trù tương lai. (Hầu hết các ông HĐQT đều còn sống cả, có thể kiểm chứng dễ dàng.)
Suốt 4, 5 năm trời, tôi làm tội lỗi tầy đình mà suốt gần 100  phiên họp, kéo dài 5 năm, tôi vẫn cứ tiếp tục chuyên quyền, lộng hành được, thế mới khiếp chứ. Ông Vũ Ánh chỉ ở trong HĐQT một năm, ông Hạo Nhiên từ sau 2003 có được vào HĐQT. Nếu cấu kết cả 2 ông ấy với tôi, chúng tôi chỉ có 3 phiếu trên 12 phiếu, hoặc 2 phiếu trên 9 phiếu, trong HĐQT. Vậy mà hàng tháng HĐQT vẫn “tha Tào”, nhiều khi còn khen thưởng nữa chứ. Trong biên bản có ghi đủ cả về những nhận xét tốt về công việc của tôi. Ông Trực bảo rằng vì “cả nể”, “kiểu Việt Nam” nên HĐQT mới “tha tào”. Nhờ ông tý, nếu quả thực tôi lộng hành, chuyên quyền, làm nguy hại NV, thì 7 ông kia trong HĐQT vote tôi out từ lâu rồi. Có nể nhau thì cũng vừa phải thôi, không lẽ nể đến độ cho sập cửa tiệm à. Lại còn Đại Hội Cổ Đông nữa, nếu tôi làm bậy sức mấy cổ đông cho tôi vào HĐQT.
Bây giờ chúng ta xem kỹ “con đường lộng hành” của tôi ra sao nhé: Năm 1991 tôi đến Mỹ, cũng là năm vào làm việc ở Người Việt. Rồi 6, 7 năm sau, tôi là phụ tá cho Chủ Bút Nguyễn Thiện Cơ, rồi phụ tá cho CB Ngô Nhân Dụng (Đỗ Quý Toàn). Cuối 2001, tôi được HĐQT cử làm Giám Đốc Tài Chánh (CFO) thay ông Tống Hoằng (lúc đó đang kiêm nhiệm COO (Tổng Quản Trị) và CFO) Chuyện này tôi sẽ kể trong loạt bài trước. Lúc đó, phải dọn nhà. Vừa vặn Westmonster Press muốn bán building cuối đường Moran. Tôi đề nghị nhưng HĐQT lưỡng lự vì với số tiền hơn tôi được bàn giao, nếu down mất 70% tiền trong ngân hàng, lấy đâu tiền trả nợ ngân hàng hàng tháng (mortgage), và cũng tiêu luôn khoản an toàn. Lúc đó doanh thu năm 2001 khoảng trên 3 triệu, và net income after tax khoảng 5%.  Chi hàng tháng (nhà cửa, tiên in, lương bổng, ... gấp đôi số net income của năm. Ông Yến và các ông khác lo âu, ông Toàn đòi tôi làm business plan. Hạn đuổi nhà kề cận, biết bao giờ mới thảo luận và biểu quyết xong business plan. Quả thực, đây là lần đầu tiên và duy nhất tôi “chuyên quyền”, đúng ra chỉ là đặt HĐQT trước chuyện đã rồi. Tôi nhìn vào quản trị tài chánh NV lúc đó, tôi thấy có thể “tăng” income hàng tháng lên ít nhất 50% , thừa sức trả ngân hàng tiền nợ mua nhà. Tin hành lang cho biết có mấy công ty cũng đang thăm dò building đó. Tôi chỉ có mấy ngày để quyết định. Anh Lý Văn Chương (đã qua đời, cũng là anh em nhóm NV,) thúc tôi ký giấy tờ và đặt cọc đại đi. Tôi đã ký hợp đồng mua một nửa building,  HĐQT có muốn bác hợp đồng thì chỉ mất số tiền cọc khoảng $10,000.00. Cũng chưa tìm ra nơi thuê mướn khác. Mọi người cuối cùng thông qua, nhưng ông Toàn cho rằng làm không có business plan là tự sát, (và chắc là ông phải ghi nhớ chuyện đó thôi.) Bên trên tôi nói đã “chuyên quyền” là nói cho vừa lòng ông Trực, chứ HĐQT không chấp thuận thì tôi chỉ mất $10,000.00 tiền cọc, và không thể mua building được, nghĩa là không “chuyên quyền” được. Vả lại, lúc đó là năm 2002, không nằm trong giới hạn “4, 5 năm” ông Trực kể.
Đại Hội Cổ Đông 2002, tôi vào HĐQT. Ông Đỗ Ngọc Yến là CEO, ông Đỗ Quý Toàn là Chủ Bút,  Đỗ Việt Anh vẫn là CFO.
Đại Hội Cổ Đông 2003 diễn ra vào 30 Tháng 3, 2003. Đại hội bầu HĐQT nhiệm kỳ 2003 – 2004, gồm 7 người. Ông Phan Huy Đạt nhiều phiếu nhất, Đỗ Việt Anh hạng 2. Ông Yến xin rút lui để người thứ 7 là ông Nguyễn Khả Lộc vào HĐQT. Ông Yến vẫn dự họp HĐQT vì là CEO. Tôi tiếp tục là CFO. Ông Yến vẫn là Chủ Nhiệm, ông Toàn là Chủ Bút. Ông Toàn đề nghị tôi mời giùm một nhà học giả người gốc Việt sống bên Anh về làm Tổng Thư Ký. Tôi trình bày rằng TTK phải là người tương đối quen công việc báo chí, có sức theo sát mọi tin tức bài vở từ sáng đến khuya, quen với sinh hoạt cộng đồng địa phương. Nhân vật ở bên Luân Đôn tuy rằng thông kim bác cổ, giỏi Hán tự, nhưng tác phong lại hơi chậm, e rằng không phù hợp. Cuối cùng HĐQT ủng hộ đề nghị của tôi, mời Vũ Ánh, lúc đó đã rời nhật báo Viễn Đông. Ông Yến không ủng hộ đề nghị của ông Toàn nhưng cũng không đồng ý đề nghị của tôi, vì cả hai ông Yến và Toàn đều không ưa Vũ Ánh. Lại thêm một bằng chứng cứng đầu của tôi dù không thể gọi đó là chuyên quyền vì tôi thyết phục được HĐQT, nhưng bắt đầu rơi vào năm 2003, năm đầu tiên của bảng hài tội “4, 5 năm lộng hành.”
Tôi để lạc mất phần ghi chép của nhiệm kỳ 2004 - 2005. Có lẽ không khác nhiệm kỳ trước, 2003 – 2004. Cuối 2004, doanh thu của NV 17%, so với cuối 2003, tăng trên 30% so với doanh thu năm 2001, là năm tôi chưa tham dự quản trị tài chánh công ty.
Đại Hội Cổ Đông  nhiệm kỳ 2005 – 2006. Đại hội này có nhiều cổ đông mới là nhân viên lâu năm và một số nhân vật ngoài được tặng cổ phần. ĐH bầu HĐQT gồm 11 người. Đỗ Việt Anh có phiếu cao nhất. Riêng năm nay, việc bầu Ban Điều Hành hơi kéo dài. Ông Yến được bầu CEO (Tổng Giám Đốc), nhưng ông xin thoái thác và yêu cầu HĐQT bầu lại cho ông Đạt. HĐQT bầu vòng 2, bầu Đỗ Việt Anh làm CEO. Tôi đề nghị anh em bầu lại và dồn phiếu cho ông Đạt, tôi xin làm phó cho ông Đạt. Kết quả: CEO: Phan Huy Đạt; COO: Đỗ Việt Anh; CFO: Đỗ Bảo Anh; Thư ký Công ty: Vũ Quí Hạo Nhiên; Phó tài Nguyên Nhân lực là Nguyễn Khả Lộc; Phó Thương Vụ là Hạo Nhiên. Chủ Nhiệm: Đỗ Ngọc Yến; Chủ Bút: Đỗ Việt Anh. Khổ cho tôi, phải làm việc trong cả 3, 4 khu vực, vừa giúp ông Đạt về quản trị, vừa làm việc với Ban Biên Tập (Trong 2 tháng đầu, họp BBT vào lúc 10 giờ sáng mỗi ngày,) rồi còn bên Công Ty Phát Hành. Rõ ràng là “chuyên quyền”, không chối cãi được nữa. May mà không là CEO, không là Chủ Nhiệm, nên vẫn chưa đúng như lời kết tội của ông Trực “Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Nhiệm…”. Lạ một điều, nếu có gọi là chuyên quyền thì do chính HĐQT ép tôi (bè lũ 3 tên chỉ có 2 phiếu trong HĐQT: tôi và Hạo Nhiên.) Điều chứng minh duy nhất về “bè lũ 3 tên” là chuyện tôi làm Chủ Bút, mà lại chọn Hạo Nhiên làm Tổng Thư Ký, ông Ánh, (cùng ông Bảo) làm Phụ Tá CB. Thế đấy, nhưng tôi không chọn lầm. Hạo Nhiên đã làm tờ báo khá hơn trước rất nhiều.
Đại Hội Cổ Đông 2006, bàu HĐQT nhiệm kỳ 2006 – 2007. Ông Trần Đức Trực nói tôi “lộng hành, chuyên quyền 5 năm,” đến nay đã lộng hành, chuyên quyền được 3 năm rồi: 2003, 2004, 2005. Suốt 3 năm đó nếu tôi là tên tệ hại như vậy, trong Đại Hội kỳ này chắc là cổ đông phải cho tôi về vườn thôi. Lần này Đại Hội bầu 12 người vào HĐQT. Lạ chửa, Đỗ Việt Anh vẫn dẫn đầu, Hạo Nhiên thứ 2, Vũ Ánh, tên thứ ba trong bè lũ 3 tên đứng thứ 5, …Năm 2006, doanh thu NV gấp đôi năm 2001..
ĐHCĐ 2007, bầu HĐQT cho nhiệm kỳ 2007 – 2008. Ông Đạt đề nghị lưu nhiệm HĐQT cũ, được chấp thuận. Rồi tôi lại được cử làm CEO. Sau 4 năm tôi “lộng hành và chuyên quyền” tôi vẫn chưa bị cho về vườn, và có thể lộng hành thêm năm thứ 5. Như thế theo ông Trực, các cổ đông và HĐQT “cả nể” lâu quá. Theo tôi, có lẽ người cả nể duy nhất là ông Trần đức Trực nếu ông là bút danh một vị trong Cổ Đông và HĐQT, vì ông ngậm hột thị suốt ngần đó năm. Hoặc vị nào thố lộ mọi chuyện kín trong công ty để ông Trực viết, thì vị đó cả nể quá, cũng ngậm miệng ăn tiền nên bây giờ mới phanh phui tội lỗi của tôi. Doanh thu NV năm 2007, tôi dự trù có thể tăng 25% so với 2006 (tôi không có con số thực thu cuối cùng này.)
 Tóm lại tôi chỉ làm Tổng Giám Đốc, Chủ Nhiệm có 2 năm: 2006 và 2007. Nếu quí vị xem biên bản họp HĐQT trong suốt 5 năm ông Trực nói đến, quí vị sẽ thấy HĐQT Công Ty và Nhật báo Người Việt làm việc chăm chỉ, chặt chẽ thế nào. Ngay cả những việc nhỏ nhiều khi cũng được thảo luận trong HĐQT, thí dụ chuyện discount quảng cáo cho thân hữu, chuyện cho mướn hội trường, … Quí vị đừng nghĩ rằng tôi làm TGĐ là có quyền “discount” thả dàn cho các quảng cáo. Không, có những nguyên tắc của việc này. Nhiều nhân viên NV hiện nay còn nhớ chuyện tôi móc tiền túi bỏ thêm vào tiền khách hàng quảng cáo vì tôi phải “giả vờ discount” nhiều cho bạn bè, cho nghệ sĩ (Thí dụ nguyên tắc cho tôi discount 30%, nếu tôi discount 50%, tôi phải bù 20% sai biệt đó.) Quí vị cứ hỏi các bạn lo sales ở NV xem có đúng không. Đến đây, thưa ông Trực, tôi không lộng hành, ông Trực ạ. Ông suy nghĩ lại xem. Tuy nhiên, có thể tôi chuyên quyền, lộng hành mà tôi không biết, nên vẫn đề nghị ông đưa ra cụ thể những chuyện lộng hành, chuyên quyền này. Nhưng trước hết cũng xin ông một định nghĩa rõ ràng về 2 chữ “lộng hành, chuyên quyền” để không có cảnh ông nói gà, bà nói vịt. Nếu định nghĩa đó bao hàm chuyện tôi không làm theo ý kiến của ông, hay không theo ý kiến của người kể chuyện cho ông, thì chúng ta khỏi thảo luận. Dù sao, tôi vẫn cảm ơn ông cho ý kiến về tôi. Đúng hay sai, ý kiến đó ít nhất cũng có giá trị một nhắc nhở tôi phải luôn thận trọng trong công việc, bởi vì mỗi công việc tôi làm đều có “người biết, trời biết, đất biết, và tôi biết.”

Ghi chú: Tôi có "tự ý đục bỏ" một số chi tiết cụ thể.



No comments:

Post a Comment