Saturday, January 12, 2019

Xóm Cầu Mới


Xóm Cầu Mới
Mùa hè 1961 tôi theo Đẻ tôi rời Đà Lạt về ở hẳn Sài Gòn. Chuyện di chuyển này là điều tôi mong muốn nhưng lại không phải là điều tôi đáng hãnh diện kể ra. Tái ngộ Sài Gòn, tôi mang theo tâm trạng thua kém, do đó, kèm theo ý chí “làm lại cuộc đời”.
Tôi xin kể rõ hơn. Trong họ bên ngoại, tôi có mấy anh chị em cùng lứa tuổi. Họ thường “văn minh” hơn tôi vì luôn ở Thủ Đô, ở Hà Nội khi còn ở Bắc, ở Sài Gòn khi đã vào Nam. Họ học hai trường học danh tiếng cả nước là Chu Văn An và Trưng Vương. Vốn đã học sau họ một năm, lại mất thêm một năm Đệ Thất khi chuyển từ Quang Trung, Đà Lạt về Chu Văn An, Sài Gòn không được, nên học sau họ, người một năm, người hai năm trung học. Năm 1959, và 1960, họ đều dễ dàng đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Vậy mà năm 1961, tuổi thực của tôi là 18, tuổi thế vì khai sinh là 16, tôi lại thi trượt mảnh bằng này. Xấu hổ, tôi vui mừng khi Đẻ tôi quyết định về ở hẳn Sài Gòn, vì đây là cơ hội tôi “thi nhảy” năm tới. Đúng là cái trò hiếu thắng tuổi nhỏ.
Về Sài Gòn, Đẻ tôi và tôi ở chung với ông anh ngay kế tôi, anh Đỗ Quý Toàn, tại căn gác trong một hẻm đường Trần Khát Chân, Tân Định. Căn gác này trước đây ông anh trên anh Toàn, anh Đỗ Trọng Tường ở cùng anh Toàn. Thuở ấy có lúc vợ chồng anh Trần Dạ Từ, Nhã Ca đến tá túc với anh Tường ít lâu. Nghe anh Từ kể anh Tường rất thương vợ chồng anh. Chị Nhã Ca kể anh Tường cho chị tiền ăn sáng, trả tiền xích lô cho chị đi học trong khi anh đạp xe theo, coi hai vợ chồng chị như những đứa em nghèo. Có thể lúc đó chị Nhã mới từ Huế vào Sài Gòn, còn lạ lẫm rất nhiều chốn Thủ Đô. Chuyện này, xin quí vị đọc thêm phần “Anh Tôi” trong tập “Gia Đình Tôi.” Ở đây, nhân nhắc chuyện anh Từ và anh Tường, tôi xin vắn tắt chút ít. Dù ban đầu anh Từ là bạn anh Toàn nhưng anh Từ và anh Tường thân nhau, hợp nhau hơn. Hai anh cùng không được học cao, cùng ra đời sớm. Lọt vào giữa đám bạn có người thuộc loại trí thức, các anh chẳng ngại gì mà không thẳng cánh chỉ trích mấy tay đó về những cách hành xử thủ đoạn. Tôi nghe kể, ngay khi ở trên đất Mỹ này rồi, tức lúc anh Trần Dạ Từ chẳng còn trẻ trung gì, nhưng anh vẫn thẳng tay chửi một chàng bạn từ thuở còn “văn nghệ học sinh”, đại khái câu chửi như thế này, không bảo đảm đúng nguyên văn vì tam sao thất bản, nhưng ý chắc là đúng: “Tao không được học nhiều, còn mày là thằng đại trí thức, mà mày giữ yên lặng khi bọn nó đối xử với tao như vậy. Mày cố giả vờ làm kẻ vô can, cố giả vờ giữ bàn tay sạch để đứa khác nó bẩn, …Mày là thằng khốn nạn!” Chẳng vui thú gì khi nhắc chuyện này, bởi vì có đôi chút đụng đến thằng tôi. Tôi nhớ lại chỉ vì trong lòng luôn nhớ đến ông anh đáng kính, đáng yêu của tôi, anh Đỗ Trọng Tường, có thể vì những câu chửi đại loại  như vậy mà anh được phủ cờ khi tuổi chưa đến 30.
Trở lại, khi Đẻ tôi về, anh Tường đi ở nơi khác vì cả nhà chỉ có căn gác một phòng, diện tích chẳng bao nhiêu. Đúng ra, cầu thang từ dưới nhà đi lên, đi thẳng thì vào phòng ở, rẽ trái thì vào nhà bếp tạm, tức là một mảnh sàn gỗ nhỏ ngăn với phòng trên bằng bức tường. Mảnh nhỏ vì bằng diện tích nhà bếp tầng trệt, mất đi diện tích cho cầu thang, nhà bếp tạm vì thực ra chỉ kê đủ hai(?) cái lò than hay lò mạt cưa cho Đẻ tôi làm bếp. Lúc đó anh Tường lang bang những đâu không biết, cuối cùng thuê căn gác ở một con hẻm trên đường Lê Văn Duyệt, khu gần Phan Đình Phùng. Còn anh chị Từ, không rõ đi ở đâu, chắc là thuê được căn nhà nào khác vì chị Nhã đã có việc làm ở Trường Trung Học Tư Thục Thủ Khoa, trên đường Trần Hưng Đạo, gần khu Cô Giang, Cô Bắc. Có thể lúc đó anh Từ, chị Nhã Ca đã về ở một hẻm của đường Trần Quang Diệu. Còn chị tôi, chị Đỗ Thị Thảo, trên anh Tường, lúc đó mở “lều” may ở trên con đường sau này là đường đưa vào khu sĩ quan Chí Hòa. Chị ở luôn đó.
Về Sài Gòn, tôi đi kiếm việc làm để vừa đi học, vừa đi làm. Cần kiếm thêm tiền vì Đẻ tôi nghỉ hẳn buôn bán, 3 mẹ con chỉ trông vào lương dạy học của anh Toàn. Độ 2 tháng sau, anh Tường nhường tôi chỗ kèm trẻ trong ngõ Huỳnh Quang Tiên, khu gần Nhà Thờ Ba Chuông, mỗi tháng được độ 700 đồng. Anh cho tôi luôn chiếc xe đạp cọc cạch. Dần dần, tôi kiếm thêm được chỗ tư gia nữa, đỡ đần cho Đẻ tôi, và có tiền đóng tiền học tư.
Vậy thì, từ mùa hè năm 1961, tôi bắt đầu nhập cư “Xóm Cầu Mới”, Tân Định. Tên địa danh này luôn luôn reo vang trong tôi, có thể là vì trùng tên một tác phẩm của nhà văn Nhất Linh tuy hai “xóm” chẳng liên quan gì với nhau, và trong mấy năm ở đây, tôi chưa một lần nhìn tận mắt cây cầu bắc ngang sông (hay rạch?) nối với bờ bên khu Thái Lập Thành, Phú Nhuận. Lạ thay, ở tuổi ngoài 70, tôi lại là cư dân một khu có tên “Xóm Cầu Gỗ” (Wood Bridge Village) ở thành phố Irvine, California, xứ Hoa Kỳ. Đúng tên phải gọi là làng, nhưng chữ “Xóm” cho tôi cảm tưởng yên bình của tuổi thơ, nhỏ nhắn, thân thiện, xa nhiều điều kinh hãi của chốn Bolsa xa xa.
Cơ duyên ở khu Xóm Cầu Mới có lẽ bắt đầu từ chọn lựa của anh Đỗ Quý Toàn. Anh Toàn hồi nhỏ sống với một ông em Đẻ tôi, Cậu Cảo, ở Hà Nội. Vào Sài Gòn, đến lúc Đẻ tôi lên ở Đà Lạt, anh lại về với cậu ở đường Trần Khát Chân, mà cuối con đường này, đi ngoằn nghoèo sao đó, sẽ gặp cây “Cầu Mới”. Có thể lúc anh Toàn vào Đại Học Sư Phạm, và cũng là lúc anh Tường lang bạt các tỉnh trở lại Sài Gòn, các anh đi kiếm chỗ thuê, ở riêng. Chỗ đó, trong hẻm, cách nhà Cậu tôi (số 38?) vài trăm mét.
Tôi không nhớ con hẻm đi vào căn gác gia đình tôi ở mang số bao nhiêu, cũng không nhớ số nhà. Con hẻm đó cùng một bên với nhà cậu tôi, tức mang số chẵn, có thể là hẻm 54 chăng? Gia đình tôi thuê một căn gác sàn gỗ, dài chừng 10 mét, rộng gần 4 mét. Cầu thang lên gác bằng gỗ, bắt đầu từ bếp của nhà dưới. Ra, vào chúng tôi đi lối cửa bếp, tức cửa sau, chưa bao giờ tôi biết cửa chính căn nhà, cửa trước, ngay cả 2 năm sau, 1963, khi một người ở đơn vị anh Tường về, người ta cũng chỉ cho họ đi lối cửa bếp tìm tôi. Hằng ngày, cứ sáng sớm Đẻ tôi sai tôi đi mua lạng thịt bò, không nhớ mua ở đâu. Đẻ tôi băm nhỏ lạng thịt, rồi múc cháo hoa (cháo trắng) đổ vào tô thịt, thêm hành, tiêu, nước mắm cho vừa miệng. Thình thoảng tôi thấy Đẻ tôi đập thêm quả trứng gà lên phần thịt băm. Tô cháo dành cho anhToàn. Ngày nào cũng vậy, lẳng lặng ăn xong, anh đi học, hay đi dạy học. Lúc đó anh đang học Đại Học Sư Phạm, có lương. Anh là người kiếm tiền chính cho cả nhà, sức khỏe của anh là điều tối quan trọng. Khi nào anh Toàn ăn cơm trưa ở nhà, thường là Thứ Bẩy hay Chủ Nhật, tôi chạy ra tiệm bán nước ngọt và đá cục mang tên “Thụy Sĩ” ngay đầu hẻm, bên kia đường Trần Khát Chân, mua một chai bia con cọp, cổ lùn, và cục đá. Đó cũng là dịp vui của tôi, không chỉ vì được uống chút bia vì anh Toàn không uống hết, mà vì tôi có cơ hội gặp “cô Thụy Sĩ”. Không biết cô bé con ông chủ tiệm hiền lành tên gì, tôi đặt tên cho cô. Có lẽ cô mới chừng 13, 14 tuổi, nhưng nét e thẹn, luống cuống của cô khiến thằng học sinh nghèo cả tuần mới mua một chai bia thấy lòng xốn xang. Ông chủ tiệm, bán hàng cho khách, nhưng lại khuyên: “Bữa ăn mà uống nước đá lạnh, không tốt đâu cậu ạ. Mấy màng bao tử gặp lạnh sẽ co lại, không tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Cậu còn trẻ, cũng đừng uống bia nhiều, …” Tôi lý nhí biện giải, chỉ mong ông biết là tôi rất muốn nghe lời “dạy bảo” của ông, tưởng cứ như mình đang tranh quả cầu kén rể cho cô “Thụy Sĩ”.
Thuở ấy, tôi chưa từng được ở những căn nhà, căn phố trên đường phố lớn Sài Gòn, những biệt thự cây quanh bóng rủ, nên không rõ không khí “hàng xóm láng giềng” nơi đó ra sao. Những nơi tôi từng ở qua, nhà hàng xóm cứ như nhà mình, và ngược lại, nghĩa là những cãi cọ, gắt gỏng, vui đùa, con khóc, … của hàng xóm mình đều biết hết, bắt buộc phải biết, phải nghe, phải vui, phải buồn cùng cả xóm. Không hiểu người ta có thì thầm bao giờ không? Căn nhà tôi ở sát ngay con hẻm rộng chừng một mét hay mét rưỡi, mặt tiền căn nhà cũng là con hẻm chạy ngang, rộng khoảng 2 mét hay hơn. Như vậy “nhà tôi” chỉ chung một vách với nhà bên tay trái, tính từ trong nhà nhìn ra. Phần nhiều nhà nào cũng có lầu, một lầu. Bên kia con hẻm chạy sát bên phải nhà cũng là căn nhà có gác, và mấy cửa sổ đều nhìn qua nhau, có thể nói các cửa sổ nhìn nhau không nháy mắt, say đắm nhìn nhau cả ngày lẫn đêm. Từ mấy khung cửa đó, mỗi ngày, ngày nào cũng vậy, tôi không nhớ có ngày nào ngừng nghỉ không, một chàng thanh niên cởi trần, gầy lắm, đi đi lại lại trên gác, và hát bài “Chiều Mưa Biên Giới”, chỉ một bài đó mà thôi. Nhà tôi không có radio, không cách nào tôi “đổi” được bài hát, đổi được giọng hát. “Giờ phát thanh” của chàng bắt đầu từ 8 giờ sáng đến khoảng 4, 5 giờ chiều. Tôi đồ rằng lúc đó ông Bố chàng đi làm về, hoặc Bà Mẹ đóng cửa sạp bán ngoài chợ, hoặc cô chị, ông anh, tan sở, về nhà chỉ mong chút ít yên tĩnh, …? Nhớ lại, tôi không hiểu chàng có đi học không, cái anh chàng tôi đặt tên “Chiều Mưa”? Cứ hễ khi nào có mặt ở nhà, là tôi lại được đưa ra biên giới vào một chiều mưa. Có lần, bực quá, sau khi nghe chàng hỏi “chiều mưa biên giới anh đi về đâu?”, tôi hét lên: “Ông cóc biết!” Đẻ tôi la tôi, bảo không được làm thế, gây bất hòa. Cả đời Cụ chỉ mong “hòa”, mà cả đời đều thua, đến khi Cụ mất năm 1985, nhìn cái lò thiêu còn thô sơ, chiếc áo quan, rõ ràng ông anh rể mua giùm loại tốt nhất, lúc đó chỉ là một cái hòm bằng carton, cháy phừng phừng lập tức, khiến tôi cứ nghĩ Cụ lại thua mấy anh Cộng Sản lần nữa, sau lần 1954, rồi 1975.
Xóm Cầu Mới, nghe tưởng xa xôi vùng ven đô nào đó như Xóm Mới, Thạnh Lộc Thôn, Nhà Bè, Khánh Hội, … Thực ra Xóm Cầu Mới gần sát trung tâm Tân Định, tức là không phải ngoại ô Sài Gòn. Tân Định vẫn được coi là thuộc Quận Nhất của Sài Gòn, cái gì mà “nhất”, hẳn không phải đồ bỏ, không phải đồ chầu rìa. Nói vậy, để bớt đi cảm giác hèn mọn của một nơi chốn đi về không trọn vẹn. Gọi là hèn mọn vì thiêu thiếu một chút tiện nghi cho mọi chuyện của con người ngay trong ngôi nhà mình ở. Cảm giác đó cũng là do tôi thiếu lịch lãm, thiếu “tầm nhìn”, tưởng rằng cứ văn minh như Âu, Mỹ, mọi sinh hoạt trong nhà đều đầy đủ nơi chốn, chỉ một hai bước chân là tiện nghi có thừa. Sau này, chu du mấy lục địa, mới biết ngay ở “cái rốn” của một thời văn minh là Ba Lê, rất nhiều lần đi tắm, và … tôi cũng phải vào nơi công cộng. Tôi muốn kể chuyện “ngôi nhà tôi ở” ngày ấy, cũng chẳng kém Paris ngày nay là bao nhiêu, về mấy cái thứ nhu cầu “phù phiếm”.
Tôi cố hình dung lại ngôi nhà trong hẻm chúng tôi tá túc hơn hai năm, chỉ thấy được hình ảnh căn gác. Có một lần, từ cửa nhà bếp, tôi được nhìn bao quát tầng dưới nhà, tức là tầng trệt, cũng một phòng thông suốt như trên gác, tức là tầng lầu một. Hình như không có nhà tắm, nhà cầu? Không lẽ như vậy? Đẻ tôi và bà chủ nhà “xử lý vấn đề chất thải” (nói theo kiểu ngôn ngữ nước ta) ra làm sao? Có một khu cầu tiêu công cộng, xa nhà lắm, đi bộ nhanh cũng phải mất 20 phút là ít. Chẳng bao giờ tôi thấy Đẻ tôi đến đó. Có thể trong khu bếp có nhà cầu, nhưng chẳng hiểu vì sao không bao giờ tôi dùng, nên không rõ có hay không “căn phòng thư dãn” (rest room?) đó. Đúng ra, dưới bếp có một chỗ để tắm, và để làm chuyện nho nhỏ (không phải chuyện lớn – đại sự, có lẽ vì hay bị bế tắc, tức là hay có “sự cố”). Anh Toàn, khi đi học hoặc đi dậy học, đã có nơi chốn để trút bỏ phiền muộn. Chỉ có mình tôi được biết đến nơi khoáng đãng gió sông, nếu đến vào ban đêm thì đúng là “trăng thanh gió mát lồng lộng trên sóng nước”, nơi khi trút bầu tâm sự mình cũng được thông tin đầy đủ mọi chuyện trong nhà, ngoài xóm, cả chuyện Mỹ, Nga ủng oẳng ra làm sao, chuyện tuồng nào, hát cái gì ngoài mấy rạp xi nê Modern, Casino Đa Kao. Xin quí vị cố gắng nghe kể tiếp, dù biết hình ảnh gợi ra rất kém phần thơ mộng. Suốt hai năm trời, có lẽ tôi bị đến chục lần, quên xe đạp giữa chốn “bên sông” náo nhiệt. Anh Tường cho chiếc xe đạp để tôi đi học, đi gõ đầu trẻ, tôi cũng dùng luôn cho việc con người ai cũng phải làm.  Dùng xe đạp vừa kịp đà tiến triển cơ sinh lý hóa của mỗi sinh linh, vừa không mất thì giờ, nhất là tránh nhanh được những cái nhìn của cư dân trong những căn nhà lụp sụp gần đó, thực ra họ chỉ dửng dưng nhìn, nhưng mình cứ thấy kỳ kỳ làm sao, như người ta bảo thầm mình, tôi biết tỏng là bạn đi đâu rồi, đừng làm bộ vô tư. Có đến chục lần, sau đi nhẹ nhõm phần xác thân trần tục, tôi ra về thơ thới hân hoan. Có lúc đi về đến nhà biết ngay, có khi đợi đến chiều tối, anh Toàn bảo tôi đi mua cái gì đó trên đường Hai Bà Trưng, xa hơn cây số, loanh quanh tìm một hồi mới nhớ để quên xe đạp ở nơi trút bỏ dư thừa. Chạy bộ đến nơi, mừng quá, con ngựa sắt vẫn ngoan ngoãn ngả người vào lan can cây cầu đưa ra “nhà thủy tạ”. Cả ngày trời chẳng ai thèm nhìn đến. Thời đó, cái thời sau đế quốc Pháp, chơm chớm đế quốc Mỹ, người ta không nhặt của rơi ngoài đường.
Như vậy Xóm Cầu Mới không phải chốn quê mùa. Để đến được xóm người ta phải đi qua hàng chục tên tuổi lừng danh một thời trên các con đường huyết mạch, nhất là những ngôi trường tư, những hàng, quán ai ai cũng biết. Ở đây, bởi tôi trong những năm nán lại đất này chỉ là một tên cầu bơ cầu bất, có khi nào dám bén mảng đến cửa mấy nơi sang cả đó, nên xin miễn lạm bàn. Điều cuối cùng tôi muốn kể khi còn ở trong xóm, là một buổi chiều trời mưa rả rích (có lẽ giống với “chiều mưa biên giới”), tôi được gọi xuống nhà dưới. Ngay cửa bếp mở ra con hẻm cạnh nhà, một ông trong quân phục nhà binh chờ sẵn. Vẫn đứng trên vũng nước lầy lội, những giọt nước mưa lách qua hai mái nhà trên cao vẫn nhỏ đều đều xuống mũ, ông lính già lúng túng đưa tay ngang mũ chào tôi, rồi ông lại lúng túng mở ra mảnh giấy in mấy hàng chữ đánh máy, đưa tôi. Qua những gì tôi có thể nghe được, có thể hiểu được, tôi biết rằng anh Tường đã mất. Sau đó, ông lính già mạnh dạn hơn, bước vào bếp tránh những giọt nước quái ác đã thấm lên áo ông, lấy giấy bút, ghi lại những số điện thoại, những địa chỉ để sau này gia đình liên lạc. Ông hẹn sẽ trở lại ngày hôm sau để gặp Đẻ tôi và chị Lan, vợ anh Tường, để kể chi tiết mọi thứ chuyện đau buồn này. Chiều đó, Đẻ tôi đi vắng, chị Tường không ở cùng chúng tôi, chị ở căn gác anh Tường thuê trong hẻm đường Lê Văn Duyệt.
Ông lính già vội vã ra đi trong cái nhìn lặng lẽ của tôi. Chắc rằng tôi quên cảm ơn ông. Mà chắc ông cũng không hẳn là già như tôi nghĩ. Có lẽ đi làm cái việc đưa tin buồn, vào một buổi chiều Sài Gòn u ám, ai có thể giữ được dáng vẻ thanh xuân? Chưa kịp quay trở lên gác, ông chủ nhà chực sẵn bên cạnh từ bao giờ, nắm tay tôi kéo lại. Chuyện gì đó, cậu Bí. Tôi chỉ kịp nói anh Tường mất rồi, xong chạy vụt lên gác, nằm khóc.
Bây giờ tôi có thể trả lời câu hỏi đằng đẵng lâu nay, vì tôi đã biết chiều mưa biên giới anh tôi đi về đâu!
Mọi chuyện, ở đây, đã xong!
Tôi không còn có thể nói thêm gì về khu Xóm Cầu Mới.

Lời thưa: Có thể tôi không biết chính xác về khu “Xóm Cầu Mới – Tân Định”. Xin quí vị bỏ qua cho và chỉ lại cho rõ, tôi vô cùng biết ơn.



No comments:

Post a Comment